CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 62

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những điệp viên hai mang nổi tiếng thế giới

VietnamDefence - Lịch sử tình báo thế giới đã biết đến nhiều điệp viên hai mang lừng danh như: Mata Hari, Oleg Penkovsky, Kim Philby, Robert Hanssen, Aldrick Ames...
1. Humam Khalil Abu Mulal al-Balawi
Vị bác sĩ làm việc cho tình báo Jordan vừa thực hiện vụ đánh bom tự sát khiến 7 điệp viên CIA thiệt mạng là người mới nhất trong số các điệp viên hai mang nổi tiếng thế giới.
Humam Khalil Abu Mulal al-Balawi. Ảnh: ABC News
Tình báo Jordan thuê bác sĩ al-Balawi, 36 tuổi, làm việc và cử anh ta đi tìm Ayman al-Zawahiri, phó tướng của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Ngày 30/12/2009, al-Malawi được mời tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan để thuyết trình cho các điệp viên cục tình báo Mỹ (CIA) về mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Giữa cuộc họp, al-Malawi kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong áo vest khiến 7 nhân viên CIA cùng người họ hàng của quốc vương Jordan Abdullah II thiệt mạng.

Đây là vụ đánh bom tự sát gây thiệt hại về người nhiều nhất đối với CIA kể từ cuộc chiến chống khủng bố phát động sau sự kiện ngày 11/9/2001.

2. Benedict Arnold

Benedict Arnold. Ảnh: Corbis

Arnold từng là một người hùng trong Cách mạng Mỹ. Ông từng giúp quân đội nước này đánh thắng quân Anh trong trận chiến Saratoga (1777).

Tuy nhiên, cái tôi và tính hám lợi đã khiến Arnold phản bội lại lợi ích của dân tộc. Ông ta chiếm lấy West Point, New York, định bán nó cho người Anh với giá 6.000 bảng, 300 bảng mỗi năm tiền lương hưu và quyền chỉ huy trong quân đội Anh.

3. Mata Hari hay Margaretha Geetruida Zelle

Mata Hari. Ảnh: Corbis

Hari nổi danh là một vũ nữ đầy khêu gợi những năm 1900. Cô đi khắp châu Âu và cặp kè với một loạt những quý ông quyền lực.

Trong suốt Thế chiến I, cô làm việc và ăn tiền của cả người Đức lẫn người Pháp. Vụ việc bại lộ, Hari bị Pháp truy tố và xử bắn năm 1917 khi 41 tuổi.  
4. Eddie Chapman

Eddie Chapman. Ảnh: Time

Chuyên gia mở két trộm và tống tiền Chapman đang ngồi tù khi người Đức xâm chiếm quần đảo Channel thuộc Anh trong Thế chiến II. Đức quốc xã thuê Chapman làm tình báo viên và moi thông tin từ chính quê nhà. Chúng đưa ông trở về Anh song ông ngay lập tức trình báo nhà chức trách.

Sau một cuộc trò chuyện, cơ quan tình báo MI5 tuyển Chapman làm điệp viên với biệt danh Zigzag. Họ còn thực hiện một vụ tấn công giả mạo nhằm vào nhà máy sản xuất máy bay Havilland để hoàn tất nhiệm vụ vủa Chapman với người Đức.

Sau khi trở lại Đức, Chapman được trao thưởng huy chương, tặng du thuyền và 100.000 mark. Ông tiếp tục cung cấp thông tin sai lệch cho Đức quốc xã trong khi thực hiện các sứ mệnh ở Oslo và London.

5. Dusko Popov
Dusko Popov. Ảnh: Time

Tiểu thuyết gia Ian Fleming từng thổ lộ trong hồi ký rằng Popov chính là cảm hứng khiến ông xây dựng nhân vật điệp viên 007.

Trong thời kỳ đầu của Thế chiến II, Popov được Mật vụ Đức tuyển mộ. Ông nhận lời song ngay lập tức gia nhập quân Anh để chống Đức quốc xã.

Popov lấy thông tin tình báo giả mạo cung cấp cho người Đức trong khi đi khắp châu Âu và Mỹ trong vai một chàng hào hoa.

Năm 1974, ông xuất bản cuốn sách kể lại những trải nghiệm trong thời chiến với tên Spy/Counterspy: The Autobiography of Dusko Popov.

6. Oleg Penkovsky
Penkovsky tại phiên tòa. Ảnh: Time

Vốn là sĩ quan tình báo (đại tá) của Liên Xô, Penkovsky đã tìm cách bán thông tin cho Anh và Mỹ vào năm 1962.

Được đặt mật danh Agent Hero, Penkovsky thông báo chi tiết kho hạt nhân của Liên Xô cho Mỹ và kế hoạch triển khai tên lửa đường đạn của Liên Xô ở Cuba trước cuộc khủng hoảng tên lửa.

Một điệp viên hai mang khác ở Mỹ đã tố cáo Penkovsky và ông ta bị truy tố và bị xử tội phản quốc năm 1963.

7. Kim Philby

 
Kim Philby (ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Corbis

Năm 1941, gia nhập lực lượng tình báo Anh dù đã làm việc cho tình báo Liên Xô kể từ năm 1933.

Trong vòng 20 năm, Philby thăng tiến trong tình báo Anh và chỉ bị lộ vào năm 1963. Philby trốn tới Moskva và được coi là người hùng của Liên Xô. Ông qua đời năm 1988.

8. Ashraf Marwan

Ashraf Marwan (phải). Ảnh: AP

Marwan là con rể của Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser và làm việc cho Israel. Hồi thập niên 60, Israel thuê Marwan cung cấp những thông tin cho họ trước cuộc chiến Yom Kippur.

Mặc cho vụ này bị bại lộ, Ai Cập vẫn coi Marwan là nhà yêu nước và tổ chức tang lễ cho ông như một người hùng sau một cái chết bí ẩn năm 2007 ở London.

9. Denis Donaldson

Denis Donaldson (trái). Ảnh: EPA

Donaldson là thành viên của đảng Sinn Fein được lực lượng tình báo Anh MI5 và cảnh sát Bắc Ireland mua chuộc.

Hiện chưa rõ tại sao Donaldson lại phản bội đảng của mình song vào năm 2006, anh ta bị bắn chết trong một căn nhà gỗ.

Ba năm sau, phong trào ly khai The Real IRA tuyên bố họ đứng đằng sau cái chết này. .

10. Aldrick Ames

Aldrich Ames. Ảnh: Wikipedia

Cựu điệp viên CIA Mỹ này kiếm được khoảng 4,6 triệu USD nhờ bán thông tin cho Liên Xô.

Khi còn ở trung học, Ames làm việc vặt cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ và bắt đầu làm chính thức cho cơ quan này sau khi tốt nghiệp đại học.

Ames rơi vào cảnh túng thiếu và buộc phải làm cho Liên Xô sau một cuộc ly dị tốn kém với người vợ đầu tiên. Ames bị lộ năm 1994 và hiện chịu án tù chung thân.  
11. Robert Hanssen

Robert Hanssen. Ảnh: Corbis

Chỉ 3 năm sau khi làm cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Hanssen bắt tay với Liên Xô năm 1979. Hanssen tiếp tục bán bí mật của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm 2001, Hanssen bị bắt quả tang bán thông tin tình báo của Mỹ.

Hiện Hanssen chịu án tù chung thân ở Mỹ.

Rameshwar Nath Kao: Nhân vật huyền thoại của tình báo Ấn Độ

VietnamDefence - Rameshwar Nath Kao là một nhà tình báo lỗi lạc và là chỉ huy đầu tiên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ (R&AW) kể từ khi tổ chức tình báo này được thành lập vào tháng 9-1968. Cuộc sống riêng tư của ông được hoàn toàn giữ bí mật và cho đến khi qua đời vào năm 2002, ông chỉ xuất hiện đúng hai lần trước công chúng.
Rameshwar Nath Kao
trên trang bìa cuốn sách "THE KAOBOYS OF R&AW".
Rameshwar Nath Kao sinh ngày 10/8/1918 tại thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh. Năm 1940, Kao trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Hoàng gia Ấn Độ và sau khi tốt nghiệp loại giỏi được bổ nhiệm làm trợ lý chỉ huy một đồn cảnh sát tại quận Kanpur, thủ đô Dehli. Chỉ trong vòng 3 năm, Kao đã giúp lực lượng cảnh sát địa phương phá được nhiều vụ án quan trọng và nhất là dẹp yên nạn cướp giật và bắt cóc tống tiền.
Năm 1945, Kao trở thành người phụ trách công tác tình báo của Sở Cảnh sát thủ đô Dehli. Năm 1947, khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, Kao được bổ nhiệm vào chức vụ Phó giám đốc Cục Tình báo quốc gia (IIB) phụ trách bảo vệ an ninh cho các nhân vật quan trọng của quốc gia và là người chỉ huy trực tiếp công tác bảo vệ an ninh cho Thủ tướng Jawaharlal Nehru.
Một trong những chiến công đáng kể của Kao vào thời kỳ này là điều tra vụ phá hoại chiếc chuyên cơ Lockheed L-749A có tên gọi “Công chúa Kashmir” có nhiệm vụ  chuyên chở phái đoàn cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ tham dự Hội nghị quốc tế tổ chức tại thành phố Bandung của Indonesia vào tháng 4/1955. May mắn ngẫu nhiên là vào phút cuối, vì một lý do đặc biệt, cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ là Chu Ân Lai và Jawaharlal Nehru đều không có mặt trên chiếc máy bay “Công chúa Kashmir”. Chiếc máy bay bị đặt bom hẹn giờ khi đáp xuống Hồng Công và phát nổ khi đang bay trên Thái Bình Dương vào ngày 12/4/1955 làm chết 15 người có mặt trên máy bay.
Sau gần 6 tháng điều tra miệt mài, lực lượng tình báo Ấn Độ do Kao chỉ huy đã phát hiện đây là một âm mưu khủng bố của Quốc dân đảng nhằm giết hại nhà lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai. Vì thành tích này, Kao đã được đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai khen tặng.
Rameshwar Nath Kao (bên trái) và Thủ tướng Indira Gandhi
trong chuyến thị sát địa điểm xây dựng căn cứ huấn luyện
của R&AW vào năm 1970.
Năm 1960, Kao được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo không quân (ARC) với nhiệm vụ củng cố và phát triển cơ quan tình báo mới thành lập này. Vào thập niên 60, ngành tình báo Ấn Độ bộc lộ nhiều yếu điểm, nhất là hoạt động của tình báo hải ngoại, như trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1968. Cục Tình báo quốc gia không đảm đương nổi nhiệm vụ tình báo hải ngoại và phản gián. Vì vậy, Thủ tướng Indira Gandhi quyết định tái cấu trúc lại ngành tình báo Ấn Độ và giao nhiệm vụ quan trọng này cho Kao.
Theo đề xuất của Kao, Chính phủ Ấn Độ quyết định tách Cục Tình báo quốc gia thành hai tổ chức tình báo là Văn phòng Tình báo (IB) làm nhiệm vụ phản gián và Nhánh Nghiên cứu và Phân tích (R&AW) làm nhiệm vụ tình báo hải ngoại. R&AW chính thức được thành lập vào tháng 9/1968 với chỉ huy đầu tiên là Rameshwar Nath Kao.
Cuối thập niên 60, khi tình hình Đông Pakistan (Bangladesh ngày nay) trở nên nóng bỏng và có nguy cơ biến thành một cuộc đối đầu quân sự  lần thứ hai giữa Ấn Độ và Pakistan, Kao đã tung các điệp viên của mình đến hoạt động tại Đông Pakistan với mục tiêu hỗ trợ cho tổ chức Mukti Bahini phát động đấu tranh đòi độc lập cho Bangladesh.
Các điệp viên của R&AW còn gọi là "Những chàng trai của Kao" (Kaoboys) đã cung cấp hậu cần, vũ khí và huấn luyện chiến đấu cho kháng chiến quân của tổ chức Mukti Bahini và khi bùng nổ cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh, còn chỉ điểm chính xác cho không quân Ấn Độ triệt hạ nhiều mục tiêu quan trọng của quân đội Pakistan tại Đông Pakistan. Vào tháng 5/1975, nhờ hoạt động tình báo tích cực mà "Các chàng trai của Kao" đã phá vỡ được âm mưu sát hại Thủ tướng Bangladesh Mujibur Rahman của một số sĩ quan quân đội thân Pakistan.
Ngoài ra, Kao còn có công lớn trong việc thu phục  bộ tộc người Sikkim chấp thuận sáp nhập vào Ấn Độ năm 1973 và trở thành bang thứ 22 của Ấn Độ.
Ông là người trung thành tuyệt đối với dòng họ Gandhi, cả khi đảm nhiệm công việc bảo vệ an ninh cá nhân cho Thủ tướng Nehru, làm cố vấn tình báo cho Thủ tướng Indira Gandhi và làm cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Rajiv Gandhi. Sách lược của ông là kiên trì đổi mới và hiện đại hóa hoạt động của Cơ quan Tình báo hải ngoại Ấn Độ, từ đó biến R&AW thành  một tổ chức tình báo hoạt động hiệu quả.
Huyền thoại của ngành tình báo Ấn Độ qua đời một cách lặng lẽ tại ngôi nhà nhỏ của gia đình ở khu Vasant Vihar ở thủ đô Dehli vào ngày 21/4/2002. Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày này, tất cả "Các chàng trai của Kao" làm việc tại các văn phòng của R&AW hay đang bí mật thi hành nhiệm vụ tại bất cứ nơi nào trên thế giới đều dành một phút để mặc niệm Rameshwar Nath Rao

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH