Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 81 (Nguyễn Chí Thanh)

ĐC sưu tầm trên NET)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ngày 31.12, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914).

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao tặng biểu trưng bộ tem cho thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đại diện cho gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: B.N.L
Dự lễ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh... Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã nêu bật công lao to lớn và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sáng cùng ngày, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Chí Thanh”. Bộ tem gồm 1 mẫu, có hình chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên nền cờ Quyết thắng, do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế.
* Ngày 31.12, anh Nguyễn Phi Long, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN VN và Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên-Huế tới đã thăm và tặng quà (2 triệu đồng/suất) 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 2 gia đình chính sách trên địa bàn H.Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê hương ông.
Bùi Ngọc Long - Tuyết Khoa

Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

(TNO) Nhiều câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”, diễn ra sáng nay (26.12) tại Hà Nội.

Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914 – 1.1.2014) do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

 Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967) - Ảnh tư liệu
Người ở những mặt trận khó khăn nhất

Phát biểu khai mạc hội thảo ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tìm hiểu, nhận thức sâu hơn về cuộc đời hoạt động vẻ vang và những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, kiêm Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên. Khi đó, tình hình chiến sự tại mặt trận Bình - Trị - Thiên vô cùng ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, mặt trận Huế bị địch phá vỡ, nhiều cơ quan, tổ chức Đảng trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, một số cán bộ, đảng viên tỏ ra bi quan, một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ.
Theo ông Đinh Thế Huynh, để động viên tinh thần của nhân dân, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, bộ đội ta, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!".
Tư tưởng xây dựng “thế trận lòng dân”, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Đảng, đã được Đại tướng chỉ đạo, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.
Tư tưởng đó, đường lối đó đã được cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang Bình - Trị - Thiên quán triệt, kiên trì bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi.
Nhìn lại quá trình hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trung tướng Mai Quang Phấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: Đại tướng liên tục có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm cực kỳ nóng bỏng, đầy thử thách quyết liệt, với nhiều cương vị và trọng trách quan trọng.
Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “ở đâu nghèo đói gọi, xung phong; ở đâu tiền tuyến cần, anh đến”, trung tướng Mai Quang Phấn nói.
Cũng theo trung tướng Mai Quang Phấn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, coi đạo đức của người cộng sản là gốc, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiên phong chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội.
Theo trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam. Ngay từ những ngày tháng đầu, Đại tướng đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về Bộ Chính trị: “Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh”.
Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, Đại tướng đã chỉ thị cho quân dân miền Nam rằng: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi”. Một khẩu hiệu chiến lược và rất chiến thuật mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này nhiều lần tâm đắc nhắc lại: “Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng”.
Nhà lãnh đạo thực tiễn
Những câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà nhà báo Hữu Thọ chia sẻ tại Hội thảo là những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng và phong cách Đại tướng, nhà lãnh đạo mẫu mực có tầm ảnh hưởng lớn tới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo nhà báo Hữu Thọ, trong thời kỳ Đại tướng được giao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, ông và nhiều cán bộ khác hay được mời đến nhà Đại tướng ở 34 Lý Nam Đế (sau khi ông mất gia đình đã trả lại nhà cho Bộ Quốc phòng, nay là trụ sở Hội cựu chiến binh). Mặc dù là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ trọng trách trong Đảng và Quân đội nhưng Đại tướng không giữ khoảng cách mà thường khơi gợi để các cán bộ ông mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận.
"Anh nói: các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng có ý chưa đúng là việc bình thường, còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”, nhà báo Hữu Thọ kể lại.
Không khí thoải mái đó đã giúp các cán bộ có những ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn nhiều khi “nói xong rồi mới thấy run”. Chẳng hạn, lúc đó Đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính.
Theo ông Hữu Thọ, lúc bấy giờ ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm, nhưng nghe phổ biến phương châm “ba chính”, một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng cũng chỉ xầm xì với nhau.
"Tôi mạnh dạn thưa với anh: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ “thủy lợi nhỏ là chính mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không hiệu quả”, nhà báo Hữu Thọ nhớ lại.
"Thực ra, tôi thưa với anh cũng chỉ là nói lại ý kiến của một số cán bộ mà tôi nghe được, nhưng lại động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to, buột miệng nói ra rồi chờ nghe phê phán", nhà báo Hữu Thọ cho biết.
Điều ngạc nhiên với ông Hữu Thọ là Đại tướng chỉ ôn tồn nói: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”.
Một lần khác, khi chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị T.Ư năm 1960, nhà báo Hữu Thọ theo Đại tướng xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) để nghe các chuyên gia đến báo cáo, nêu vấn đề, góp ý với Đề cương. Theo ông Hữu Thọ, Đại tướng sáng làm việc, chiều cùng tắm biển, tạo điều kiện tốt và gần gũi cho các chuyên gia để có không khí thoải mái khi trao đổi.
Trong đợt làm việc này, một cán bộ kỹ thuật rất nổi tiếng được mời đến phát biểu về kỹ thuật đối với cây lúa. Có lẽ thấy Đại tướng là Ủy viên Bộ Chính trị cho nên đồng chí cán bộ này nói một lô một hồi đến gần nửa tiếng quan điểm của Mác, Lênin và các nhà kinh điển về sản xuất. Theo ông Hữu Thọ, Đại tướng dường như rất sốt ruột và nói với ông: “Cậu ta nói dông dài về Các Mác thực ra “khác Mác”.
T.Sơn
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1.1.1914 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 17 tuổi ông đã cùng một số thanh niên tá điền đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương. Ông tham gia phong trào bình dân, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7.1937 và sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 8.1945, ông được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.
Từ 1947 - 1950, ông lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1950, ông được điều động vào Quân đội giữ cương vị Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tại Đại hội II (2.1951) và Đại hội III (9.1960) của Đảng, ông đều được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị. Từ cuối 1960, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp T.Ư.
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động trở lại quân đội, đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư T.Ư Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam.
Năm 1967, ông đột ngột từ trần do một cơn bạo bệnh trong niềm tiếc thương sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và của đồng bào, đồng chí cả nước.
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Đại tướng đã cùng Tổng Quân ủy tập trung mọi nỗ lực vào việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân Quân đội.
Từ nắm bắt thực tiễn, Đại tướng đã đề xuất thay thế chế độ chính ủy tối hậu quyết định (được áp dụng từ 8.1949) bằng chế độ Đảng ủy. Vấn đề này đã được Đại hội lần thứ II của Đảng (2.1951) thảo luận, thông qua và ghi rõ trong Điều lệ Đảng.
Sự ra đời của chế độ Đảng ủy là một thành công lớn, ghi dấu ấn đóng góp quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần khắc phục được những hạn chế của cơ chế cũ; đồng thời hình thành một cơ chế mới: “Lấy Đảng ủy làm hạt nhân của hạt nhân lãnh đạo, đồng thời xác định chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy”.
Cho đến nay, trải qua những giai đoạn khác nhau, chế độ đó vẫn được khẳng định là đúng đắn, khoa học, phù hợp với đặc điểm và bản chất cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam.

(Lược trích theo tham luận của thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam)

Đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
10:58' 1/1/2014

Trong tham luận tại Hội thảo nhân 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 5-7-1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta"(1).


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình bần nông tại thôn Niêm Phò, xã Quãng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời thơ ấu đồng chí đi học tại trường làng; bước vào tuổi thanh niên phải đi làm thuê chịu đựng và trực tiếp chứng kiến bao cảnh đồng bào ta bị áp bức bóc lột. Tiếp nối truyền thống của cha ông, nung nấu lòng yêu nước nồng nàn và giác ngộ cách mạng, đồng chí đã sớm đi làm cách mạng.

Năm 1934, đồng chí tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 17 tuổi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng một số thanh niên trong làng tập hợp lại tiến hành đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá ngay tại địa phương. Trong thời kì từ năm 1936 đến năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo, đồng chí đã vận động được nhiều thành viên tham gia đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh theo đường lối của Đảng. Tháng 7 năm 1937, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11 năm 1937, chi bộ địa phương được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Hưng, Trần Bá Song do Nguyễn Chí Thành làm Bí thư. Đồng chí hoạt động vô cùng sôi nổi với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và sự giác ngộ của người đảng viên cộng sản bất chấp mọi hiểm nguy được nhân dân yêu mến, cảm phục. Khi Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Xứ ủy chỉ định tham gia Tỉnh ủy.

Người có công trong phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế

Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng nhiều đồng chí khác tổ chức lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống địch, tích cực xây dựng và mở rộng Mặt trận dân chủ ở tỉnh nhà và phát huy ảnh hưởng tới các tỉnh bạn. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoạt động của Đoàn thanh niên Dân chủ Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị thực dân Pháp bắt giam. Dù bị giam cầm ở nhà lao Huế hay ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuột… đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản bất chấp mọi sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù.

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt khỏi ngục tù của giặc trở về với  nhân dân và bắt tay xây dựng lại cơ sở ở vùng đầm phá Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ một thời gian sau, nhờ sự lăn lộn với phong trào và bám sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí khác xây dựng lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở đảng bị địch đánh phá ở nhiều Huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và ngay ở thành phố Huế, đây là những năm tháng đầy thử thách nhưng cũng là thời gian quyết định sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí với những cống hiến xuất sắc của bản thân trong công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành lấy chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 8 năm 1945, thay mặt tổ chức đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt tại Hội nghị này đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí cùng Xứ ủy lãnh đạo quân dân kiên cường chống kẻ thù xâm lược. Năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và sau đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên.

Đầu năm 1947, Nguyễn Chí Thanh là người có công lớn trong việc khôi phục phong trào sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Ngày 25-3-1947, tức 40 ngày sau khi quân ta rút khỏi Huế, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí triệu tập một cuộc họp đặc biệt, địa điểm họp không phải ở chiến khu mà ở ngay làng Nam Dương (huyện Phong Điền), sát nách địch, chỉ cách Huế 20 cây số.

Mở đầu cuộc họp, đồng chí đọc lá thư đề ngày 5-3-1947 của Bác Hồ "Gửi các đồng chí Trung Bộ"(2), nêu lên những khuyết điểm của cán bộ đảng viên trong những ngày đầu kháng chiến. Liên hệ với tình hình địa phương đồng chí nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để rút ra bài học sâu sắc trong thời gian qua. Đồng chí nhận xét: Bộ đội ta rất anh dũng, tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao. Điều đáng trách là cán bộ, đảng viên chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc... Cuối cùng đồng chí khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân"(3).

Sau đó Tỉnh ủy Thừa Thiên đã ra nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch. Từ đó phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, từng bước tiến lên giành những thắng lợi.

Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra nghị quyết mở một chiến dịch phá tề trong cả 3 tỉnh của Phân khu. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời. Kết quả là cả một hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình Trị Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động, những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Những cuộc hành quân của địch luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. "Bình Trị Thiên khói lửa" sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung đó có sự đóng góp quan trọng, nếu không nói là quyết định của Nguyễn Chí Thanh. Đồng chí được Đảng bộ và nhân dân 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên coi là "linh hồn cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên"(4).

Vị tướng trên mặt trận nông nghiệp

Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động và phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương chăm lo hoàn thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Sau hơn 3 năm trên cương vị Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao phó, góp phần củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đó là kết quả của việc đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở, khảo sát các nơi khó khăn, những nơi làm ăn khá, nghe ở đâu có hợp tác xã làm ăn tốt, có sáng kiến hay là đồng chí tìm đến nghiên cứu. Hôm nay ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, tuần sau đã đến Lạng Sơn, Cao Bằng; vừa ở Hải Phòng, thoắt cái đã đến Sơn La, Yên Bái… đồng chí còn xắn quần lội ruộng xem xét việc canh tác, lắng nghe các nhà khoa học nông nghiệp, xác định phương hướng mở rộng diện tích sản xuất, phá "xiềng ba sào". Bài báo "Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong" do đồng chí viết đăng trên báo trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ. Mùa xuân năm 1961, phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong mở rộng. Như một làn gió mới xua tan bầu không khí trầm trầm cùng nếp suy nghĩ tiêu cực của không ít cán bộ, khơi nên những nhân tố mới.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của quân đội

Giữa năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng đã điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội và giao cho đồng chí nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ hai lại bầu đồng chí làm Ủy viên Trung ương và đồng chí được cử vào Bộ Chính trị. Trong thời kỳ này đồng chí mang hết tâm lực cùng với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi ngày càng to lớn đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 1959, đồng chí được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội, xây dựng nền nếp công tác chính trị, phát huy bản chất cách mạng của quân đội, không ngừng giác ngộ chính trị của cán bộ và chiến sĩ, nâng cao sức chiến đấu của quân đội. Đồng chí tập trung xây dựng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng trong các cấp, từ Tổng quân ủy đến chi bộ đại đội, làm cho công tác tư tưởng vượt lên trên phạm vi của công tác động viên và tác động tâm lý thông thường của con người theo bản năng, phát triển thành công tác giáo dục Chủ nghĩa Mác Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu chiến đấu của quân đội. Với việc thiết lập và xây dựng hệ thống tổ chức công tác đảng - công tác chính trị trong quân đội, đồng chí đã làm rõ các mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, với bầu bạn quốc tế, trong đó mối liên hệ giữa quân đội với Đảng là mối liên hệ bản chất chi phối các mối quan hệ khác. Chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng quân sự của Đảng thể hiện trong chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; trong giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa đạo đức và tài năng của cán bộ... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược trên tiền tuyến lớn. Với sự nhạy bén sáng suốt đồng chí coi trọng xây dựng các quả đấm chủ lực và cùng với Bộ Tư lệnh miền chỉ đạo mở chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… đánh bại từng chiến đoàn quân ngụy, cùng với việc phá rã hàng ngàn "ấp chiến lược" thúc đẩy sự phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn có những cống hiến xuất sắc vào việc xây dựng quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược cho quân và dân ta trên chiến trường. Đồng chí kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện dao động, đánh giá quá cao sức mạnh của Mỹ mà không thấy chỗ yếu tử của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng chí phân tích: Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có cả một đống vũ khí nhưng lại vấp phải cả một đống mâu thuẫn, Mỹ tỉ phú về đô la nhưng quân và dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như "ăn cháo bằng dĩa" nên ta nhất định thắng (5). Theo đồng chí kiên quyết đánh Mỹ, kiên quyết tiến công sẽ tìm ra cách đánh. Thực tiễn chiến trường miền Nam những tháng năm đánh Mỹ và thắng Mỹ đã chứng minh tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Cuối năm 1965, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương (khóa III), về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Nguyễn Chí Thanh. Đầu năm 1967, đồng chí ra Bắc báo cáo tình hình, đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam và bàn định chủ trương Tổng tiến công năm 1968.

Ngày 6-7-1967, sau một cơn đau tim, đồng chí đã từ trần để lại biết bao thương tiếc cho đồng bào, đồng chí và thế hệ trẻ cả nước. Đánh giá công lao cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Đồng chí mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"(6).

Do có những đóng góp to lớn đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và nay được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất (7). Hiện nay, tên đồng chí Nguyễn Chí Thanh được đặt tên đường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước..
ThS. Trần Thị Kim Dung ThS. Lê Thị Huyền
Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) có một vị Đại tướng xuất thân từ nông dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu ái đặt tên, và ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước. Cuộc đời ông lừng lẫy chiến công, được người đời ngưỡng mộ với các tên gọi “Nhà chiến lược bẩm sinh”, “Bậc thầy trong tháo gỡ khó khăn”, “Tướng phong trào”… Ông là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương…

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Ông sinh ngày 1-1-1914 tại làng Niệm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-  Huế. Tham gia phong trào yêu nước từ sớm, cuối năm 1936 đầu năm 1937, ông gặp các đ/c Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trong phong trào Mặt trận Bình dân, bắt đầu được giác ngộ về lý tưởng cộng sản và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương 7/1937. Trong 8 năm, từ một đảng viên, ông trở thành Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, 3 lần bị đế quốc bắt giam tại các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột…
Nhưng ông đã vượt ngục để tiếp tục hoạt động, lăn lộn cùng phong trào, góp phần xây dựng cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào Cách mạng ở Thừa Thiên- Huế suốt thời kỳ hoạt động bí mật. Tại Hội nghị Đảng Toàn quốc tại Tân Trào (8/1945), ông được nằm trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Nguyễn Chí Thanh, và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1947, ông có công lớn trong việc khôi phục phong trào sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, ông đã triệu tập một cuộc họp ngay sát nách địch, cách Huế 20km (làng Nam Dương, huyện Phong Điền). Tại đây, để củng cố lòng tin của các cán bộ, và chủ trương của phong trào, ông đã đọc thư “Gửi các đồng chí Trung Bộ” đề ngày 5/3/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát biểu: “Mất đất chưa phải là mất nước.Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả”. Từ đó, phong trào kháng chiến sau lưng địch của Bình Trị Thiên đã từng bước vượt qua khó khăn. Năm 1948, ông làm Bí thư Phân khu Bình Trị Thiên, cùng các đồng chí và nhân dân lập nên nhiều chiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông danh hiệu: Vị tướng du kích. Năm 1950, ông làm Chủ nhiệm Tổng cụ Chính trị QĐNDVN, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tới năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng, trở thành vị Đại tướng thứ hai của QĐNDVN.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là con người của quần chúng. Năm 1961, do yêu cầu của hợp tác hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ông được giao phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương. Phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn với: “Gió Đại Phong” cờ “Ba Nhất”…đã trở thành sự kiện trong đời sống của nhân dân miền Bắc. Những thành tích trên đều do ông đã sử dụng phong cách mới lạ, thể hiện được tính quần chúng rộng rãi trong các Nghị quyết. Sau quá trình xâm nhập cơ sở, ông đã nói “Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy”, cán bộ phải lăn lộn, gắn bó với phong trào, không có quần chúng thì không có thắng lợi… Kháng chiến chống Mỹ, năm 1965, ông được điều động trở lại quân đội, vào Nam lãnh đạo kháng chiến, là Ủy viên Hội đồng Quốc Phòng. Ông đóng góp công lao to lớn trong : Trận Bình Giã, Trận Ba Gia, Chiến thắng Núi Thành, Chiến thắng Vạn Tường…Các chiến thắng đã góp phần khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng thắng đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh cục bộ…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhân cách sáng ngời, ngoài tài năng quân sự, ông luôn giữ tinh thần trọng dân, quý dân và học dân.Năm 1967 sự ra đi của ông để lại mất mát và nỗi tiếc thương vô hạn, nhà thơ Tố Hữu đã dành tặng ông những vần thơ hay, thống thiết và ngợi ca:
“ Ôi sống như anh, sống trọn đời.
Sáng trong như ngọc một con người”.
Do công lao và thành tích đối với Tổ quốc, đối với cách mạng ông đã được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1/1/1914- 1/1/2014), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xin trân trọng giới thiệu một số những bức ảnh về Đại tướng hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng:
 Đ/c Nguyễn Chí Thanh và gia đình ở chiến khu Việt Bắc, năm 1953.
Đ/c Nguyễn Chí Thanh (người đứng giữa, vỗ tay) tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Toàn quân lần thứ nhất ở Việt Bắc, tháng 4-1952.
 Các đ/c trong Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 (trong ảnh đ/c Nguyễn Chí Thanh đứng ngoài cùng, bên phải).
 Đ/c Nguyễn Chí Thanh phát biểu tại Đại hội Thanh niên Hà Nội, đấu tranh đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử, năm 1955.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đ/c Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội đại biểu Toàn quốc Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam lần thứ II, ngày 2-11- 1956 (trong ảnh, đ/c Nguyễn Chí Thanh đứng ở bìa trái ảnh).
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đ/c Nguyễn Chí Thanh thăm bộ đội miền Nam tập kết đang huấn luyện tại tỉnh Nghệ An, tháng 6-1957 (trong ảnh, người đi phía sau, bên tay trái Bác là đ/c Nguyễn Chí Thanh).
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp xúc cử tri, bầu cử Quốc hội khóa II (1960- 1964), khu vực Vĩnh Linh, tháng 4- 1960.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị Quân chính Toàn quân lần thứ nhất, Hà Nội năm 1960.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Lê Duẩn và đ/c Nguyễn Chí Thanh tại lễ ký Tuyên bố chung Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế họp ở Mátxcơva, tháng 11- 1960 (trong ảnh, người ngồi bên trái là đ/c Lê Duẩn, bên phải là đ/c Nguyễn Chí Thanh).
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đ/c Nguyễn Chí Thanh về thăm và dự Hội nghị Đảng bộ xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), nghiên cứu Nghị quyết TƯ 5 (khóa III) về phát triển Nông nghiệp, ngày 7- 10- 1961 (trong ảnh, người đứng bên tay trái Bác là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia cấy lúa tại HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh, Quảng Bình, tháng 1- 1962.
 Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cùng các đại biểu trong giờ giải lao, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ ba, tháng 5- 1962.
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tại căn cứ Sở chỉ huy ở miền Nam, tháng 3- 1965.
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường công tác ở chiến trường miền Nam, tháng 3- 1965.
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại cuộc họp Cục Chính trị của “R”, Sở chỉ huy miền Nam (trong ảnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở bìa phải bức ảnh).
Chu Lộc-Phương Thảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét