Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 349

(ĐC sưu tầm trên NET)

 

 
Bàn tay tình báo nước ngoài trong vụ di cư 1954 (241)

Tại sao lãnh tụ Stalin không lên kế hoạch giải thoát cho Richard Zorge?

V. Đỉnh |
Tại sao lãnh tụ Stalin không lên kế hoạch giải thoát cho Richard Zorge?

Những thông tin giá trị do Richard Zorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.

Cách đây 80 năm, ngày 18/10/1941, sĩ quan tình báo Liên Xô Richard Zorge bị bắt ở thủ đô Tokyo. Tiếp theo là 1.100 ngày bị giam cầm, tra tấn và hỏi cung trong nhà tù Sugamo.

Richard Zorge bình thản đón nhận bản án tử hình và không quên cảm ơn nhân viên quản giáo của nhà tù vì cách đối xử của họ đối với anh luôn đậm chất nhân văn.

Thành phố Moscow đã tránh được một cuộc tấn công

Điệp viên Richard Zorge đã đi vào lịch sử ngành tình báo Liên Xô bằng hai thông tin vô cùng giá trị, đó là kế hoạch chuẩn bị tấn công Liên Xô của phát xít Đức, và Nhật Bản sẽ không tuyên chiến với Liên Xô vào năm 1941.

Ngày 6/9/1941, điệp viên Zorge gửi về Trung tâm bản tin tuyệt mật, trong đó nói rõ: “Nhật Bản đang lên kế hoạch tác chiến ở phía Nam, chứ không phải vùng Viễn Đông của Liên Xô như Moscow lo ngại”.

Đây là thời điểm quân đội Đức đang tiến gần tới Moscow. Sau khi giải mã những thông tin mà Ramzai (mật danh của Richard Zorge) gửi về, những sư đoàn và lữ đoàn tăng của Hồng quân Liên Xô đang trực chiến ở Viễn Đông để đối phó với đội quân Quan Đông của Nhật, được điều về ngoại ô Moscow, và đây là yếu tố quan trọng đã cứu Moscow thoát khỏi cuộc tấn công của phát xít Đức.

Sĩ quan tình báo Richard Zorge hoạt động gần 10 năm, từ 15/2/1932 đến tháng 10/1941 ở Tokyo, ngay sát bộ máy chính phủ Nhật. Mỗi một ngày của Zorge là một ngày đi trên lưỡi dao, phải vận dụng mọi mưu trí để khai thác thông tin mật và truyền về Moscow.

Để có được thành công đó, ngoài nỗ lực của bản thân, còn phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của đồng đội của Richard Zorge – những người mà anh đã từng hợp tác trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, đó là nhà báo Hozumi Ozaki, là nhân viên điện đài Maks Klauzen, về sau còn có thêm nhà báo Branko Vukelich và họa sĩ Yotoku Miayagi.

Nhật Bản là bến đỗ cuối cùng

Sự nghiệp tình báo của Richard Zorge có nhiều tình huống đặc biệt, khi mà anh là điệp viên của Liên Xô nhưng lại làm tham tán trong Đại sứ quán Đức ở Tokyo.

Thời gian còn là sinh viên, chàng trai Zorge thiên về tư tưởng cánh tả, ngoài thời gian nghiên cứu khoa học, anh rất tích cực tham gia hoạt động Đảng, là một thành viên sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Năm 1919, Zorge ra nhập Đảng cộng sản Đức. Không lâu sau đó, Zorge trở thành lãnh đạo trường Đảng của những người cộng sản Đức. Năm 1924, Richard Zorge tới Moscow, làm việc 5 năm trong Quốc tế Cộng sản. Năm 1929, anh được mời vào làm việc tại Cơ quan Tình báo quân đội Liên Xô.

Richard Zorge bắt đầu sự nghiệp tình báo của mình ở Trung Quốc dưới vỏ bọc là nhà báo của Đức, các bài viết của anh được đọc giả nhiệt liệt chào đón.

Thời gian làm “phóng viên của báo chí Đức” ở Trung Quốc thực sự là bước đệm cho hoạt động sau này của anh ở Nhật Bản, đây cũng chính là kế hoạch sắp xếp của Lãnh đạo Liên Xô.

Khi Hitler vừa mới lên nắm quyền, Richard Zorge được điều về Đức. Thời gian này anh phải đổi hộ chiếu, vì hộ chiếu cũ đã hết hạn. Zorge rất lo ngại nếu tình cờ gặp lại người quen cũ - những đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức – những người mà một thời anh đã tham gia hoạt động cùng.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhận hộ chiếu mới, Zorge có thể tự tin giới thiệu mình là phóng viên làm việc ở Nhật Bản, tiếp đó là những chiến công ngoài sự mong đợi trên cương vị là thư ký báo chí của Đại sứ quán Đức ở Tokyo.

Tại sao Stalin không lên kế hoạch giải cứu Richard Zorge

Trong con mắt của mọi người, Richard Zorge được cho là “người ham vui”, “người luôn đuổi theo các bóng hồng”.

Bất kỳ ở đâu có Zorge, anh đều trở thành linh hồn của cuộc vui. Thậm chí anh rất khéo léo kết thân với những người được giao nhiệm vụ theo dõi mình. (Ở Nhật Bản thời đó, bất kỳ công dân nước ngoài nào cũng bị chính quyền theo dõi).

Ở Tokyo, điệp viên Zorge thường đi xe phân khối lớn, tốc độ cao. Thật khó mà hình dung được rằng, bên trong vẻ hào nhoáng đó, ẩn chứa một công việc vô cùng căng thẳng – một công việc đã chi phối tiến trình lịch sử thế giới. Lãnh đạo Liên Xô đã đánh giá cao vai trò của Zorge, luôn tin tưởng những thông tin mà anh truyền về.

Một điều rất kỳ lạ là: tại sao Stalin không có kế hoạch giải thoát cho Richrd Zorge. Tokyo đã đề xuất với Liên Xô là đổi điệp viên Zorge lấy hai đô đốc của họ đang bị Liên Xô bắt làm tù binh.

Theo nhà báo, nhà sử học Nikolai Dolgopolov: “Có một sự thật không thể chối cãi, đó là: cựu nhân viên Gestapo bị bắt giam ở Moscow đã tiết lộ một chi tiết: Tokyo đồng ý đổi Richard Zorge lấy vài sĩ quan của họ bị Mỹ bắt giữ trên một hòn đảo”.

Bản án của Richard Zorge được thi hành đúng vào ngày Cách mạng tháng 10 thành công

Những đề xuất mà phía Nhật đưa ra đều không được lãnh tụ tối cao của Liên Xô Joseph Vissarionovich Stalin chấp thuận. Tại sao Stalin lại hành xử như vậy? Câu trả lời đến nay vẫn là ẩn số.

Một trong những giả thuyết lý giải về cách xử sự của Stalin được đưa ra, đó là lãnh tụ Liên Xô đã nghi ngờ Richard Zorge là điệp viên hai mang, vừa hoạt động cho Liên Xô, vừa hoạt động cho Đức.

Sau này, vào những năm 1940 và 1950, khi giải mã tài liệu mật của tình báo Đức và tình báo Nhật, đều không tìm thấy một bằng chứng gián tiếp nào cho giả thuyết nêu trên. Câu trả lời vẫn chưa thể tìm ra.

Ở Liên Xô, những quân nhân của Liên Xô bị Đức bắt làm tù binh, khi trở về sau chiến tranh, đều chịu chung một số phận: bị nghi ngờ và phải đưa vào các trại tập trung để thử thách. Có lẽ Richard Zorge không phải là ngoại lệ.

Nhật Bản đã rất thâm thúy khi ấn định ngày hành quyết Richard Zorge đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10 thành công – ngày 7/11. Ngày 7/11/1944 Ramzai bị treo cổ.

Ở Liên Xô, dưới thờ Khrushchev, những chiến công của sĩ quan tình báo Richard Zorge mới được mọi người biết đến. Vinh quang đến dù có muộn, nhưng đây cũng là phần thưởng xứng đáng cho những chiến công của anh.

Thông thường, đối với nghiệp tình báo, nhiều điệp viên vẫn còn sống, nhưng tên tuổi của anh ta đã bị lịch sử xóa nhòa, đối với Richard Zorge thì mọi việc được sắp xếp theo chiều ngược lại.

Tình giả hóa thật của nữ điệp viên Liên Xô

Để tạo vỏ bọc tình báo, Africa de las Heras chấp nhận cưới một người lạ, nhưng họ dần nảy sinh tìm cảm và có hôn nhân hạnh phúc.

Africa de las Heras, người Tây Ban Nha gốc Morocco, là một trong những điệp viên lừng danh nhất trong lịch sử Liên Xô. Trong hơn 45 năm thực hiện nhiệm vụ tình báo đầy rủi ro trên khắp thế giới, bà đã chấp nhận hy sinh rất nhiều lợi ích cá nhân, thậm chí kết hôn với người lạ.

Bà sinh ngày 26/4/1909 tại Ceuta, thành phố tự trị thuộc Tây Ban Nha ở phía bắc châu Phi. Ở tuổi 28, Africa de las Heras tham gia đấu tranh chính trị và quân sự, tổ chức cuộc bạo động vũ trang và chiến đấu với phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Năm 1937, Africa được điệp viên Liên Xô Aleksandr Orlov tuyển mộ vào ngành tình báo. Bà lấy bí danh Patria và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là chuyển một khoản tiền lớn từ Paris đến Berlin.

Africa de las Heras trong thời gian hoạt động ở Nam Mỹ. Ảnh: RBTH.

Africa de las Heras trong thời gian hoạt động ở Nam Mỹ. Ảnh: RBTH.

Africa đóng giả là một du khách mang hộ chiếu giả của Canada để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, bà không thể đi tàu qua biên giới vì hộ chiếu giả có sai sót. Dù không bị bắt, bà phải lựa chọn giữa hai phương án: hủy nhiệm vụ nhiều rủi ro hoặc bất chấp tất cả để chuyển tiền.

Bà chọn phương án sau và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Orlov, cấp trên của bà, đào tẩu sang Mỹ sau đó một năm, khiến tình báo Liên Xô lo ngại nguy cơ bà bị lộ, nên quyết định triệu Africa về nước. Tình báo Liên Xô sau đó cử Africa tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, bà nhanh chóng làm chủ kỹ thuật vô tuyến và các kỹ năng khác của một điệp viên.

Một học trò sau này của Africa kể rằng bà không muốn sống trong những khách sạn đắt tiền. "Tôi tới đây để chiến đấu, không phải đi an dưỡng", bà từng tuyên bố.

Khi Thế chiến II nổ ra, Africa xem đó là cơ hội để ra tiền tuyến. "Tôi đã phải kiềm chế để không nhảy cẫng lên và hò hét vì sung sướng. Tôi sẽ ra tiền tuyến và thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới", Africa nói.

Ở Mặt trận phía Đông, Africa, người đã nhập tịch Liên Xô, phụ trách liên lạc vô tuyến cho một lực lượng biệt phái. "Tôi trịnh trọng thề rằng tôi sẽ không đầu hàng kẻ thù nếu còn sống và sẽ cho nổ máy phát, máy mật mã bằng lựu đạn trước khi chết", bà nói.

Africa phải chịu đựng nhiều khó khăn, căng thẳng thường trực nơi tiền tuyến như tất cả thành viên biệt đội, nhất là mùa đông lạnh buốt khắc nghiệt của nước Nga.

"Một ngày nọ, chỉ huy biệt đội nhìn thấy cô gái nhỏ gốc Tây Ban Nha run rẩy hơ tay sưởi ấm trên ngọn lửa, nhưng những ngón tay cứng ngắc không ấm lên được. Người chỉ huy lập tức cởi chiếc áo len của mình và choàng cho bà", học trò của Africa kể lại.

Sau Thế chiến II, Africa trở thành điệp viên ngầm của Liên Xô trong bối cảnh Moskva mở rộng mạng lưới tình báo ở nhiều nước phương Tây thời Chiến tranh Lạnh. Việc này đòi hỏi những hy sinh lớn lao, khi bà phải cắt mọi quan hệ với bạn bè và người thân, kể cả chị gái đang định cư ở châu Âu.

Năm 1948, bà được cử đến Nam Mỹ để xây dựng một mạng lưới đặc tình, dưới vỏ bọc là chủ một cửa hàng đồ cổ ở Uruguay trong suốt 20 năm sau đó.

Điệp viên Africa sau khi trở về Liên Xô. Ảnh: RBTH.

Điệp viên Africa sau khi trở về Liên Xô. Ảnh: RBTH.

Trong Thế chiến II, Africa đã mất đi hôn phu là một sĩ quan Belarus. Để củng cố vỏ bọc của bà trong quá trình hoạt động, tình báo Liên Xô cho rằng Africa cần một đồng đội hỗ trợ dưới danh nghĩa người chồng. Năm 1956, sĩ quan tình báo Liên Xô gốc Italy Giovanni Antonio Bertoni được cử đến Uruguay để "làm chồng" của Africa.

"Không chút do dự, bà ấy chấp nhận đề xuất của cấp trên và kết hôn với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Africa và Bertoni nên duyên vợ chồng theo lệnh của Moskva để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ tình báo quan trọng được giao, nhưng cuộc hôn nhân của họ cuối cùng lại hạnh phúc vì hai người dần nảy sinh tình cảm", nhà sử học Vladimir Antonov viết trong cuốn sách về tình báo Liên Xô.

Bertoni không chỉ là "chồng hờ" mà còn là một người bạn hỗ trợ đắc lực cho Africa. Là một người hiểu biết rộng về nghệ thuật, đồng thời là một họa sĩ, Africa dễ dàng kết bạn với các quý bà trong tầng lớp thượng lưu ở Mỹ Latinh.

Thông qua những phu nhân này, Africa và Bertoni tiếp cận với những người chồng giữ chức vụ cao của họ và thu được nhiều thông tin giá trị. Cuộc hôn nhân giúp họ củng cố vỏ bọc ở Uruguay, thiết lập một trạm liên lạc hai chiều và một nhà an toàn đáng tin cậy cho điệp viên Liên Xô hoạt động ở khu vực. Tình báo Liên Xô đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của cặp "vợ chồng hờ" này.

Khi Bertoni qua đời năm 1964, Africa vẫn ở lại Nam Mỹ hoạt động thêm ba năm, trước khi về Moskva để giảng dạy kỹ thuật điệp báo cho thế hệ sĩ quan tình báo Liên Xô tiếp theo.

"Tổ quốc của tôi là Liên Xô, nơi này đã ăn sâu vào tâm trí và trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi gắn bó với Liên Xô. Những khó khăn của cuộc đấu tranh không lay chuyển được niềm tin ấy mà trở thành động lực để tôi phấn đấu hơn nữa. Họ cho tôi quyền được sống ngẩng cao đầu và tâm hồn tôi thoải mái, không ai và không điều gì có thể lấy đi niềm tin này của tôi, kể cả cái chết ", bà viết trong những năm cuối đời.

Nữ điệp viên qua đời ngày 8/3/1988 với quân hàm đại tá và được chôn cất tại nghĩa trang Khovanskoye ở Moskva.

Duy Sơn (Theo RBTH)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét