KÝ ỨC CHÓI LỌI 55

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                     Trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam

Đại đội 120 người, hết trận đánh chỉ còn 17


Xuân Hải

81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị rực lửa bắt đầu từ ngày 28/6/1972. Con số hy sinh của quân ta trong chiến dịch giữ Thành Cổ là vô cùng lớn và sự khốc liệt của nó thì đeo đẳng những người còn sống đến tận hôm nay.



ông Vũ Trung Thướng (Ảnh: Xuân Hải)
Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã kể lại cho PV Infonet về cuộc chiến đấu khốc liệt của quân ta khi bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Nhiều người chưa kịp gửi thư cho gia đình đã hy sinh
Đôi tay xoa vào vết thương đã liền sẹo sần sùi dưới bắp chân phải, Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể cho tôi nghe về sự khốc liệt, khó khăn, mất mát mà ông và đồng đội đã trải qua trong suốt 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cách đây đã 42 năm.
Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn Tảo Khê, xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), chàng thanh niên Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 khi chưa đầy 18 tuổi. Ông đi bộ đội rồi được đi học một thời gian và được cử về làm Chính trị viên Đại đội 5 bộ binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, sư đoàn 320.
Ông Thướng nhớ lại trận chiến đấu với địch để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: sau khi quân đội ta chiếm được Thành Cổ Quảng Trị, địch điên cuồng, huy động lực lượng để chiếm lại. Lúc này đại đội ông nhận được nhiệm vụ chốt ở ngã ba Long Hưng, phía nam Thành cổ để đánh địch từ xa, đóng chốt không cho địch bước qua ngã ba này vào Thành. Với cương vị là chính trị viên Đại đội 5 ông ra lệnh cho đồng đội: “Chúng ta còn người còn đánh địch đến cùng, không để địch tiến vào Thành cổ”.
“Khi đó việc bảo vệ được Thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn đối với việc tạo ra thế mạnh trên bàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris. Trận 81 ngày đêm từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, Đại đội 5 của tôi từ 120 quân, nhưng sau đó chỉ còn 17 người sống sót, chúng tôi đã chiến đấu anh dũng, kiên cường để giữ Thành”, ông Thướng nhớ lại.
Ông kể tiếp, ác liệt nhất trong trận giữ Thành Cổ của đại đội ông là từ ngày 7/7 đến ngày 19/7/1972. Do trận chiến đấu ác liệt nên việc vệ sinh đối với bộ đội rất vất vả, cứ mỗi khi ngớt tiếng súng, nhìn ai cũng dính đầy bụi đất, khói súng, quần áo thì nhàu nát, bị rách khắp nơi. Để chiến sỹ được tắm tranh thủ khi ngớt tiếng súng, ông đã cho anh em đi tìm các sợi dây rồi buộc lại chắc chắn, tìm những chiếc giếng bỏ hoang gần trận địa rồi bố trí từng người theo dây xuống tắm.
Ông bảo: Trong trận chiến đấu khốc liệt bảo vệ Thành cổ chúng tôi thực hiện phương châm bám sát địch để đánh, nên sau mỗi đợt chống trả với sự tiến công của địch, chiến sỹ đơn vị lại bò lên để thu súng ống AR15, kèm theo đồ hộp của quân địch để dùng đánh lại chúng. Do đơn vị ngày càng có nhiều đồng đội hy sinh nên ông ra lệnh cho anh em trước khi vào trận nạp sẵn đạn vào súng, mỗi người có khoảng 5- 6 khẩu súng vừa AK và AR15 thu được để đánh địch, chính sáng kiến này đã khiến cho quân ta không mất nhiều thời gian thay đạn mà chiến đấu lại rất hiệu quả.
“Mỗi khi ngớt tiếng súng, lúc nghỉ ngơi các anh em chúng tôi trong đơn vị lại tranh thủ mượn nhau cây bút, xin nhau tờ giấy để viết thư gửi về gia đình, cho người yêu để động viên mọi người yên tâm chờ đất nước thống nhất sẽ trở về, mùi súng đạn vương đầy trên trang thư, qua những dòng chữ nguệch ngoạc, nhiều người còn chưa kịp gửi thư về cho gia đình thì đã hy sinh rồi”, ông Thướng nhớ lại.
Mặc áo rách đi báo cáo thành tích
Trong trận đánh bảo vệ Thành Cổ từ ngày 7/7 đến 19/7/1972, đại đội ông đã tiêu diệt hơn 400 tên địch cùng 5 xe tăng, tuy nhiên để giữ Thành không ít chiến sỹ của đơn vị ông đã hy sinh.
Để tuyên dương những cán bộ, chiến sỹ có thành tích xuất sắc trong trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ tại mặt trận B5, trung đoàn 48 đã cử 5 người trong đó có: Vũ Trung Thướng, Mai Ngọc Thoảng, Nguyễn Đức Khả, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuất Hiện đi báo cáo thành tích vào tháng 8/1972.
“Khi đi báo cáo thành tích, do trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong suốt 81 ngày đêm quá khốc liệt, hậu cần chưa chuẩn bị kịp, nên cả 5 anh em chúng tôi quần áo đều rách te tua. Thấy vậy, Tư lệnh Lê Trọng Tấn hỏi chúng tôi: “quần áo của các anh đâu hết rồi”, tôi vội trả lời: “Thưa Tư lệnh, quần áo của anh em bộ đội bị bom đạn xé rách hết rồi”. Nghe vậy, Tư lệnh đã ra lệnh hậu cần cấp mới toàn bộ quân tư trang cho cả 5 anh em chúng tôi ngay tại buổi báo cáo thành tích. Sau đó Tư lệnh còn thưởng cho mỗi người 2 cân gạo Hải Châu, 10 bao thuốc lá Điện Biên và Tam Đảo, 2 chai rượu cùng một ít sâm để đem về làm quà cho anh em trong đơn vị”, ông Thướng nhớ lại.
Cũng trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, ông Thướng bị thương hạng 3/4, trong đó có 3 mảnh đạn M79 của địch hiện giờ vẫn ở trong người, 1 mảnh ở chân phải, 1 mảnh ở nách, 1 mảnh ở lưng. Ngày 23/9/1973 ông Vũ Văn Thướng vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 29 tuổi. Sau năm 1972, ông Thướng tiếp tục công tác trong sư đoàn 320 tại Thanh Hóa và đón vợ con vào lập nghiệp tại đây, sinh sống tại phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa. Đến 1989 ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Ông kể, đất nước hòa bình có lần tôi được đi công tác nước ngoài, qua cửa kiểm tra an ninh của sân bay, sau khi kiểm tra hết những đồ mang theo, trên người không để bất cứ vật gì nhưng chiếc máy của an ninh kêu ầm lên, họ tiếp tục kiểm tra lại và hỏi tôi: “Bác có mang theo vũ khí không?. Tôi bảo: “Có, nhưng đó là các mảnh đạn của Mỹ ngụy đang găm trong người tôi chưa lấy ra được”.
“Mãi sau này tôi mới biết được chiếc áo của tôi mặc trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị sau khi đi báo cáo thành tích tại mặt trận B5 hiện đang được giữ lại và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, chiếc áo đó vẫn còn có 1 vết rách trên vai do bị đạn địch bắn sượt qua”, ông Thướng nói.

                                                    Thành Cổ Quảng Trị Máu và Hoa

Phía bên kia nghĩ gì về cuộc chiến Quảng Trị 1972?

 

Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…"

    Vào hồi 11h ngày 30/3/1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên đã phát lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Từ đó, trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa Quân giải phóng với kẻ thù...

    Cuộc giao tranh ấy đã kéo dài đến 304 ngày từ lúc khai hỏa tấn công địch cho đến ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973. Thắng lợi ở chiến cuộc Quảng Trị ngày ấy đã đi vào Lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi vì đó là chiến thắng vang dội đầu tiên có sức cổ vũ lớn cho toàn quân và dân ta xung kích trên mọi mặt trận, đánh thắng kẻ thù để thống nhất non sông.

    Cuộc tấn công bất ngờ

    Quân viễn chinh Mỹ sau đợt rút quân vào đầu năm 1972 còn để lại chừng 9,5 vạn quân ở chiến trường, nhưng trên thực tế hầu như đã chấm dứt mọi hoạt động chiến đấu bằng bộ binh. Tình hình chiến cuộc lúc đó "Quân đội nhân dân Việt Nam đang ở trên thế thắng lợi, Mỹ - ngụy đang lâm vào tình thế của những người thua trận…".

    Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, dựa vào tiềm năng quân sự, chúng vẫn thực hiện những hành động chiến tranh phiêu lưu nhằm chống lại Quân giải phóng, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Một mặt rút dần số quân đội Mỹ còn lại, tạo điều kiện mặc cả với ta trên bàn Hội nghị Paris. Một mặt nhằm xoa dịu phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho Nixon trong việc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1972.

    Trước tình hình đó, tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về phương hướng hoạt động quân sự năm 1972 là mở nhiều chiến dịch tiến công trên chiến trường Đông Dương, trọng điểm là chiến trường miền Nam, đẩy mạnh đánh phá chiến lược "bình định" của địch ở nông thôn, đưa phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị lên một bước mới, phát huy thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, tạo ra một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi cục diện chiến tranh. Theo phương hướng đó, Bộ Chính trị đề ra nghị quyết cụ thể mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên, trong đó miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu, đánh vào đây sẽ tác động mạnh tới Sài Gòn.

    Nhưng thông qua diễn biến của chiến trường, nhất là việc chuẩn bị vật chất cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tuy có nỗ lực lớn nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, nên đầu tháng 3-1972 Quân ủy Trung ương quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chuyển thành hướng quan trọng, và sẵn sàng đưa một bộ phận chủ lực thọc sâu xuống đồng bằng khi có thời cơ. Có sự thay đổi như vậy là vì ở chiến trường Trị - Thiên sát với hậu phương chiến lược miền Bắc, ta có thể tập trung lực lượng và bảo đảm vật chất cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Thêm nữa, cho đến lúc này, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ vẫn cho rằng hướng tiến công chiến lược chính của ta vẫn là chiến trường Tây Nguyên, nên đã điều động phần lớn Sư đoàn dù (lực lượng dự bị chiến lược) và các lực lượng chủ lực của Quân khu 2 lên cao nguyên Trung phần...

     Quân giải phóng tấn công làm chủ Quảng Trị.

    Quyết tâm mới của Quân ủy Trung ương được Bộ Chính trị thông qua ngày 11/3/1972. Cũng trong hội nghị này, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên 1972, trong đó có cả sáp nhập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Đệ làm Phó tư lệnh. Đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng tham gia Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Tổng tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.

    Về phương châm, phương pháp chỉ đạo và thực hiện tác chiến, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Chính ủy chiến dịch nhấn mạnh: Cần tranh thủ đánh dã ngoại để tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh, tạo thời cơ đánh những trận quyết định tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch, phá vỡ tuyến phòng thủ, nhanh chóng đột phá trung tâm, không cho chúng đối phó. Đồng thời phát huy cao độ uy lực của mọi loại binh khí kỹ thuật hiện có, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, coi trọng đánh vừa và nhỏ, đánh sâu và hiểm bằng những lực lượng tinh nhuệ, hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên nổi dậy giành chính quyền. Đó vừa là ý chí quyết tâm vừa là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.

    Thời điểm này, do chưa thấy động tĩnh của quân ta, Mỹ - ngụy ra sức tuyên truyền rằng "Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã gặt hái được những thành quả nằm ngoài dự kiến". Nguyễn Văn Thiệu lớn tiếng tuyên bố: "Tôi đã chỉ thị cho quân lực bằng mọi giá không để cho hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và bất kỳ nơi nào khác rơi vào tay Cộng sản".

    Đại tá Phan Bá Hòa - Tỉnh trưởng Quảng Trị cũng hí hửng phát ngôn cùng giới truyền thông quốc nội và quốc tế rằng: "Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đẩy lùi mọi bước tiến của quân đội đối phương". Trong khi đó, mọi bước chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn tất, chảo lửa ở chiến trường Trị - Thiên đang nóng dần lên từng ngày để chạm mốc thời gian điểm hỏa.

    Sáng 30/3/1972, trong buổi giao ban của Bộ Tư lệnh chiến dịch, nghe báo cáo về quy trình chuyển quân hoán đổi vị trí của địch ở những cao điểm trên chiến trường. Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn nhận định "Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công" và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, chiến dịch mở màn.

     Quân giải phóng làm chủ căn cứ của địch.

    Quân giải phóng tập trung hỏa lực pháo kích dữ dội vào các căn cứ của địch trong vùng giới tuyến Carroll, Mai Lộc, Sarge, núi Bá Hộ, Tân Lâm, Cồn Tiên, Đông Hà và Quảng Trị. Pháo binh của ta, với các loại đại bác nòng dài 130 ly, cũng như hỏa tiễn 122 ly tầm xa 27,5 km, từ Vĩnh Linh bên kia cầu Hiền Lương, đồng loạt bắn phá các căn cứ hỏa lực của địch. Thời điểm này, cũng là lúc Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 bộ binh địch đang hoán chuyển vùng, nên chúng bị tổn thất rất nặng nề, nhiều vị trí phòng thủ của địch bị bỏ ngỏ, đồng thời làm cho tinh thần binh sĩ, nhất là Trung đoàn 56 giao động mạnh.

    Tiếp đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch huy động các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 304 và 308 cùng 3 trung đoàn biệt lập của B5, 1 trung đoàn Đặc công và 2 trung đoàn Chiến xa 203 và 202 vượt khu phi quân sự chia thành 4 mũi tấn công cường tập vào tuyến phòng thủ của các đơn vị địch đang trấn đóng tại các căn cứ phía tây và bắc Quảng Trị. Sau một ngày giao tranh, quân địch đồn trú ở các cứ điểm núi Bá Hô và Sarge hoàn toàn bị đẩy lùi và tiêu diệt, quân ta làm chủ trận địa hoàn toàn.

    Tình hình chiến cuộc qua nhận định của báo chí đối phương

    Ngày 1/4/1972, đồng loạt các báo ở Sài Gòn bắt đầu loan tin chiến sự. Trên trang nhất tờ Sóng Thần chạy hàng tít đậm "Quân Bắc Việt phát khởi mưa pháo kích và chấp nhận giao tranh ồ ạt". Hãng UPI thì nêu nhận định: "Một loạt các cuộc tấn công của địch được xem là dữ dội nhất kể từ gần một năm nay trên chiến trường Đông Dương". Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục tập trung hỏa lực vào các căn cứ địch ở Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử, nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 3 bộ binh của ngụy bị tiêu diệt, hàng nghìn sĩ quan và binh sĩ ngụy mạnh ai nấy chạy nhằm tìm đường thoát thân.

    Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…". Tờ Bách Khoa phân tích: "Bắc Việt đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ" và dự đoán: "Quân đội Bắc Việt có thể tung những cú đấm thép và thắng điểm trong 4 tuần đầu của chiến cuộc…". Tiếp đó, tờ Sóng Thần nhận định: "Cuộc tấn công Quảng Trị của quân đội Bắc Việt là bước quan trọng để quyết định chiến cuộc tại Đông Dương…". Bên cạnh những nhận định, đánh giá tình hình chiến sự tại chiến cuộc Quảng Trị, các báo còn liên tục thống kê những thiệt hại của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

    Tính đến ngày 3/4/1972, tức là sau 4 ngày Quân giải phóng ào ạt tấn công đã có 11 căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn tại vùng giới tuyến bị thất thủ liên tiếp, 53 khẩu trọng pháo bị đánh hỏng, trên 7.000 binh sĩ bị tử thương, trọng thương, bị bắt và thất lạc đơn vị. Báo Sóng Thần trong các ngày 2 và 3/4/1972 liên tục có bài tường thuật sự thất thủ và tháo chạy của quân đội Sài Gòn: "Các mũi tiến công và hỏa lực của quân đội Bắc Việt ngày một thêm dữ dội khiến cho các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 bộ binh và Tiểu khu Quảng Trị gần như bó tay, vì không thể tìm ra kế hoạch nào để ổn định tình thế…".

    Trong thời điểm này, căn cứ hỏa lực Carroll (Tân Lâm) của Trung đoàn 56 bộ binh địch đã bị bao vây, Quân giải phóng vẫn tiếp tục pháo kích dữ dội vào căn cứ để uy hiếp.

    Đúng 14h30', Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 bộ binh địch đã treo cờ trắng xin đầu hàng. 1.500 hàng binh cùng với 22 khẩu đại bác, trong đó có 4 khẩu đại bác 175 ly, 10 khẩu 105 ly của pháo đội Thủy quân lục chiến, còn lại là pháo đội 155 ly và 105 ly của pháo binh Quân đoàn 1 và Sư đoàn 3 bộ binh được Quân giải phóng tiếp quản. Sự kiện diễn ra vào chiều ngày 2/4/1972 này đã được báo chí miền Nam gọi là một biến cố gây chấn động không ít đến tinh thần của các binh sĩ trong quân đội Sài Gòn đang có mặt ở vùng giới tuyến.            

    Sau khi tiến chiếm và làm chủ được căn cứ hỏa lực Carroll của địch, căn cứ Mai Lộc, nơi đặt Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến địch trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của ta. Trước sự tấn công như vũ bão từ nhiều hướng, đơn vị pháo binh 105 ly của Thủy quân lục chiến ngụy đang đồn trú tại đây không thể chống trả mà chỉ nổ súng cầm cự đến chừng 10 giờ đêm thì cùng nhau tháo chạy về hướng Đông Hà, rồi từ đó thất thểu chạy về thành phố Huế. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh địch cũng hoang mang cực độ trước sức ép của Quân giải phóng, nên đã hạ lệnh cho quan quân rút khỏi căn cứ Ái Tử để chạy về thị xã Quảng Trị. Tiếp đó là Trung đoàn 57 của Sư đoàn 3 bộ binh tháo chạy khỏi căn cứ Gio Linh nhằm về hướng Đông Hà.

    Để cứu vãn tình thế, địch tăng viện bằng đường hàng không, đưa các đơn vị lính Biệt động quân và Lữ đoàn 369 Thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra tăng viện nhằm trấn giữ tại các căn cứ Nancy, Jane, Evan và phòng tuyến Mỹ Chánh, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Lúc này, các sư đoàn Quân giải phóng vẫn tiếp tục hướng các mũi tấn công vào thị xã Quảng Trị. Vì cầu Đông Hà lúc này đã bị sập, nên các cánh quân của ta phải dùng cầu Cam Lộ để vượt sông Hiếu. Lực lượng được chia thành 2 cánh quân: Một cánh hành quân đi dọc theo quốc lộ 9 để tiến chiếm Đông Hà, Cửa Việt và theo quốc lộ 1 tiến về hướng nam. Một cánh quân khác tiến về hướng nam, theo tỉnh lộ 558 và 557 qua những cứ điểm vừa chiếm như Carroll, Mai Lộc, Holcomb để tấn công căn cứ Phượng Hoàng và thị xã Quảng Trị từ hướng tây.

    Đêm 24/4/1972, một cánh quân của ta tấn công làm cháy kho tiếp liệu của Sư đoàn 3 bộ binh ngụy tại La Vang, trong đó có kho xăng dầu và cả một đoàn xe tiếp tế quân trang, quân dụng của Bộ chỉ huy 1 tiếp vận từ Đà Nẵng ra. Đêm 27/4/1972, quân ta lại tấn công thẳng vào mục tiêu kho dự trữ đạn dược của địch tại căn cứ Ái Tử, phá hủy hoàn toàn số đạn dược ở đây.              

    Bị tấn công từ nhiều hướng, đến ngày 30/4/1972, thế trận phòng thủ của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Quảng Trị hoàn toàn trở nên nguy khốn và hoảng loạn. Nhiều đơn vị lính ngụy xem như đã tan hàng vì hầu hết binh sĩ đã tự động rã ngũ để chạy theo gia đình tìm đường thoát thân về Huế. Ở thế cùng đường, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh triệu tập một cuộc họp tại Bộ Tư lệnh hành quân sư đoàn đóng trong thành cổ Quảng Trị để giải trình kế hoạch tháo chạy. Ngày 2/5/1972, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ địa bàn tỉnh Quảng Trị.

    81 ngày đêm - khúc tráng ca Thành cổ

    Trở lại Thành cổ Quảng Trị những ngày này, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi được nghe kể về sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ quân giải phóng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Hơn 40 năm trước, thị xã Quảng Trị đẹp như một bức tranh bên dòng sông Thạch Hãn, đã phải gồng mình hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ.

    Có một thế hệ thanh niên đã lên đường dâng hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những chàng trai, cô gái từ nhiều miền quê yêu thương, có cả những sinh viên còn dang dở trên ghế trường đại học, cũng xếp bút nghiên ra trận, cùng với nhiều thế hệ cha anh, dấu chân của họ đã in trên khắp nẻo đường chiến dịch.

    Thanh niên, sinh viên nhập ngũ vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh: qdnd.vn
    Gian khó, hiểm nguy không ngăn nổi trái tim của những con người tuổi trẻ tiến lên phía trước. Đạn bom, khốc liệt không làm nhụt ý chí chiến đấu với quân thù. Họ đã đi tới những chiến công bằng sự kiên cường, dũng cảm và sức chịu đựng phi thường giữa mưa bom, bão đạn. Họ đã làm nên chiến thắng bằng cả máu đổ trên chiến trường. Nhiều người ngã xuống khi chưa tròn 18, 20 tuổi; nhiều người hy sinh đến nay vẫn còn chưa xác định được danh tính.

    Nhưng tất cả ý chí, tâm hồn, công sức chiến đấu và sự cống hiến hy sinh của họ đã viết nên “Khúc tráng ca Thành cổ”, một trường đoạn bi tráng và hào hùng của bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

    Thị xã và Thành cổ Quảng Trị nằm bên bờ phía đông (toàn bộ sông Thạch Hãn phân chia thành nam-bắc, nhưng ở đoạn chảy qua Thành cổ Quảng Trị, con sông này chảy theo hướng nam chếch lên bắc, nên thị xã và Thành cổ Quảng Trị nằm ở bờ đông của đoạn sông) tiếp giáp hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, diện tích khoảng 4km2; năm 1972 toàn thị xã có 14.000 dân đã được sơ tán. Đứng về mặt quân sự chỉ là một mục tiêu có tính chiến thuật. Nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của cuộc đấu tranh ngoại giao lúc đó thì rất quan trọng.

    Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta.

    Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.


    Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Tư liệu

    Trong những ngày đó, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Một tờ báo của Mỹ đã viết: Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ.

    Sau này, khi nghiên cứu về 81 ngày đêm diễn ra ở Thành cổ Quảng Trị, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình? Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.

    Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: không kể bộ binh hay công binh thông tin, quân y… đều cầm súng bắn trả địch. Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kết thúc, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ mạnh mẽ của quân và dân ta.

    Đây là trận chiến đấu hào hùng oanh liệt nhất làm sáng ngời một chân lý: kẻ xâm lược có sức mạnh, vũ khí tối tân đã chịu thua những con người có ý chí thép gang vì độc lập tự do của Tổ quốc.

    Ngày 1-5-1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường của quân và dân ta. Những mốc son lịch sử đó sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi con người Quảng Trị nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

    Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu đỏ, có biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ…
    Trung tâm Tư liệu-TTXVN

    CUỘC CHIẾN 81 NGÀY ĐÊM THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ BỨC THƯ ĐẦY NƯỚC MẮT

    Written By Lý Công on 12/07/2015 | 08:00

    [Hà Sơn Ca]
    Cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi qua từ mùa hè năm 1972 (43 năm để thế hệ trẻ chúng tôi quay trở lại mảnh đất anh hùng này), và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam các thế hệ sẽ mãi mãi khắc ghi và không bao giờ quên sự kiện lịch sử đó đã ghi lại một mốc son vàng, sự thắng lợi của một bản hùng ca bất tử, những hy sinh mất mát đến đau điếng lòng nhưng đầy tự hào mỗi khi nhắc đến sự kiện này và những người đã khuất. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay, đang được sống trong hòa bình, hãy nhìn về lịch sử và khắc ghi những công ơn trời biển của các bậc cha anh đi trước để giữ vững nền hòa bình độc lập, máu xương trọn vẹn này! 

    Chuyến đi tham quan Thành cổ vào một ngày của mùa hè, cái nắng oi ả và khốc liệt của Miền Trung đã không ngăn nổi bước chân chúng tôi tìm về với cội nguồn dân tộc, tìm về với những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ, mà mãi mãi, sẽ sống trong những trang sử hào tráng ca của cả dân tộc Việt Nam này. Trong những câu chuyên mà chúng tôi được nghe lại từ người hướng dẫn viên có thân hình nhỏ nhắn và đầy ân cần, giọng nói của quê hương Quảng Trị đầy truyền cảm đã khiến chúng tôi xúc động, xúc động đến nghẹn ngào. Có lẽ, tôi chắc chắn rằng, dù cố gắng kìm nén cảm xúc đến đâu, bạn cũng sẽ phải rơi nước mắt. Những năm tháng của chiến tranh khốc liệt quá, nó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng của dân tộc Việt Nam này. Trong những câu chuyện đó, có câu chuyện kể về chàng thanh niên xung phong là sinh viên của đại học xây dựng, như bao chàng sinh viên ngày ấy, anh đã gác hành trang bút nghiên để lên đường ra mặt trận. Quyết đem xương máu của mình để tô thắm màu cờ, để giành lại sự thống nhất cho non sông. Đó cũng là niềm mong mỏi đến cháy bỏng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
     

    Hành trang của người lính chiến đấu bảo vệ Thành Cố Quảng Trị năm 1972

    Câu chuyện kể rằng: “Trong số những sinh viên xung phong có anh Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ tư, khoa cầu đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Tuy đang học năm thứ tư nhưng anh quyết định lấy vợ và sau khi mới cưới vợ được 6 ngày, theo lệnh  tổng động viên và tiếng goi của Tổ quốc, anh đã lên đường nhập ngũ tham gia vào chiến trường Quảng Trị. Lúc vào chiến trường Quảng Trị là cuối tháng 8, đầu tháng 9, lúc bấy giờ, chiến  trường Quảng Trị rất khốc liệt. Vào đầu tháng 9, anh nhận được một nhiệm vụ đó là đưa đạn dược qua sông Thạch hãn tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị. Anh có một dự cảm rằng, đây là một chuyến đi rất xa không hẹn ngày trở lại. Vì vậy anh đã bình tĩnh viết 10 trang giấy gửi về cho gia đình xem như đây là bức thư vĩnh biệt. Bức thư rất hay, chữ rất đẹp,  đầy trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình. Trong bức thư có một số đoạn anh viết  như thế này: 

    Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972.

    Toàn gia đình kính thương!

    Hôm nay, con ngồi đây, viết lại dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình không thấy đó là điều đột ngột. Mẹ kính mến, lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đến đáp được công ơn to lớn đó của mẹ  thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi! (Bố anh là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Thư  này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm,  công mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. , lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời!

     Con của mẹ đã đi xa,  để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời . Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn , xong vì đất nước có chiến tranh thì mẹ  hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống cho đến ngày đón mừng chiến thắng.  Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên cạnh mẹ. Mẹ đừng buồn, cho linh hồn con được thoải mái. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ bao nỗi khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn . Thôi nhé, mẹ đừng buồn, xem như  con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau
    .” 

    Và trong bức thư của anh có một đoạn anh viết về cho người vợ của mình mới cưới 6 ngày: 

    Em thân yêu!

    Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, vì biết bao nỗi buồn đang đè  nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi!  Hãy bình tĩnh lại làm theo những điều anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh để ở ngoài phong bì và nhờ các bạn  anh gửi giúp, em hãy đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe  trong buổi lễ truy điệu anh. Hãy gửi lời thăm sức khỏe đến những bà con thân thuộc của quê hương trong buổi lễ truy điệu. Thôi nhé em đừng buồn,  sau này được sống trong hòa bình  hãy nhớ đến lòng anh.
    ” 

    Sau  khi hoàn thành bức thư, nhờ đồng đội chuyển về cho gia đình thì một thời gian sau anh hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ, điều đặc biệt của lá thư là bằng một sự dự cảm  anh đã xác định trước được rằng  nơi mình sẽ hy sinh và nơi chôn cất hài cốt của anh. Anh đã viết trong bức thư chỉ đường cho gia đình vào tìm hài cốt của mình ngày thống nhất . Anh đã viết: “Nếu thương anh thực sự thì sau này đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, có điều kiện em hãy vào đây, đưa hài cốt của anh về, đường đi như sau:  đi tàu từ Bắc vào Thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh. Từ thị xã Quảng trị, ngược trở lại, hỏi thăm về Làng Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì  ở cuối làng. Về đó em sẽ tìm thấy mộ anh có khắc tên trên mảnh tôn. Đó là có điều kiện, còn không hãy làm theo lời căn dặn như trên như vậy là tốt lắm rồi.” 

    Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, theo sự chỉ dẫn trong bức thư, gia đình và đồng đội đã vào tìm hài cốt anh. Và sau một thời gian tìm kiếm không biết mệt mỏi thì gia đình đã tìm thấy mộ anh Huỳnh nằm cạnh bờ sông Thạch Hãn tại thôn Thượng Phước, xã Thiệu Thường, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ, Ban quản lý Thành cổ Quảng Trị có biết tin, đã vào viếng anh xong có xin gia đình bức thư để vào trưng bày trong bảo tàng Thành cố Quảng Trị. Còn người vợ mới cưới được 6 ngày tên là Đặng Thi Sơ, sau khi chống mất, chị thủ tiết ở vậy nuôi dưỡng mẹ chồng. Hiện chị đang sống tại quê nhà (quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Hai anh chị mới đến với nhau được 6 ngày chưa kịp có con. Và chị đã xuât hiện trong chương trình phát trên sóng VTV1 “Không thể lãng quên”  có nói về một người con gái làm vợ được 6 ngày thì chồng hy sinh trong chiến trường Quảng Trị chính là chị Đặng Thị Sơ vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh của chúng ta. 

    Cho đến hôm nay,  cho dù hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua,  nhưng trong quá trình trồng cây hay làm cỏ  tại khuôn viên thành cổ đều bắt gặp hài cốt các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh  trên mảnh đất này.  Bởi vậy Thành cổ hôm nay sẽ được tôn tạo xây dựng thành  khu tưởng niệm, nơi tôn vinh , tri ân cho những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. 

    81 ngày đêm quyết giữ thành,
    Bao  người ngã xuống tóc còn xanh.
    Ai về Thành cổ cho xin gửi,
    Một nén hương lòng viếng các anh.

    Nghe xong, cảm nhận xong, chúng ta thấy được trách nhiệm của mình hơn với dân tộc, Tổ quốc và nhân dân. Sẽ cố gắng đem trọn vẹn những gì mình có để sống xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông chúng ta đã phải đánh đổi máu xương và quá nhiều thứ mới có được cho chúng ta ngày hôm nay.

    Một chuyến đi đầy ý nghĩa!

     

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH