TIN "TỨC" 2 (Trùng tu như phá di sản)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Xử lý trùng tu như phá di sản: “Được vạ thì má đã sưng”

VOV.VN - Việc nhận sai phạm hay việc sẽ xử lý nghiêm việc trùng tu như phá các di sản cũng giống như việc “được vạ thì má đã sưng”.
Việt Nam là một quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử. Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trải qua rất nhiều triều đại và mỗi triều đại lại để lại dấu ấn của mình cho con cháu đời sau. Một trong những dấu ấn để lại với thời gian của các triều đại đó chính là các công trình nghệ thuật kiến trúc.
Tuy nhiên, do trải qua hàng trăm năm tồn tại, các công trình  kiến trúc chắn chắn sẽ xuống cấp và trùng tu là một việc làm tất yếu. Nhưng, hiện nay công việc trùng tu di sản của ta chưa thực sự là tu bổ, sửa chữa để tiếp tục mang dấu ấn của quá khứ, chứa đựng được vẻ đẹp, sự độc đáo của các công trình kiến trúc, mà thay vào đó là việc trùng tu như phá đi những tài sản tinh thần đầy tính nghệ thuật của cha ông, để xây lên các công trình mới rất hời hợt về văn hóa khiến những người có tâm với di sản không khỏi xót xa.
Chúng ta vẫn chưa quên cách đây không lâu, trên các phương tiện thông tin đại chúng nóng về việc thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, một công trình nghệ thuật kiến trúc cấp quốc quốc gia nơi chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, với tuổi đời 400 năm bỗng chốc bị người ta biến thành cái “lò gạch” hay nói cách khác là một công trình 1 ngày tuổi.
 Thành nhà Mạc trước khi trùng tu và "cái lò gạch" sau khi trùng tu
Hay mới đây thôi tại Chùa Sổ, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội (cũng là - di tích  nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia từ thời Mạc hiếm hoi còn lại ở Hà Nội nói riêng và nước ta nói chung) bị trùng tu vô tội vạ, khi công nhân leo lên nóc chùa, dùng thúng để đựng ngói và chuyển xuống. Lớp ngói phía dưới (ngói lót) không được giữ lại. Do đó, xung quanh chùa, rồi trong lòng chùa la liệt những mảnh vỡ của ngói, vôi vữa, gạch vỡ, những hoành, những rui, những cột trốn, những mảng chạm từ thời Lê, những hàng gạch Mạc được in nổi những hình Rồng, hoa lá, hươu nai, hổ… tạo nên sự độc đáo, khác biệt và giá trị của di tích bị hư hại.  
 
Những cấu kiện hơn 300 tuổi vị vứt chỏng chơ cùng đống gạch vụn
Rồi việc trùng tu việc thi công, hạ giải bằng cuốc, xẻng trong quá trình trùng tu đình Tiên Canh (hay còn gọi là Tiên Hường), thuộc Cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc khiến toàn bộ phần ngói quý của di tích đã không còn, gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi việc trùng tu như phá di sản xảy ra, báo chí đã vào cuộc, đơn vị quản lí di sản đình Tiến Canh, Vĩnh Phúc đã nhận sai phạm và ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, Sở sẽ xử lý nghiêm việc xâm hại di tích chùa Sổ.
Tuy nhiên, việc nhận sai phạm hay việc sẽ xử lí nghiêm việc trùng tu như phá các di sản cũng giống như việc “được vạ thì má đã sưng” và các công trình kiến trúc tinh tế hàng thế kỷ của cha ông đã trở thành đống gạch vụn…
 
Việc nhận sai phạm hay việc sẽ xử lí nghiêm việc trùng tu như phá các di sản liệu có phục hồi được những mảng chạm khắc đã gẫy đôi như thế này?
Các công trình nghệ thuật kiến trúc cổ luôn được coi là tài nguyên du lịch xã hội và nhân văn bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên. Việc trùng tu, bảo tồn  các di tích xuống cấp là việc cần làm của ngành văn hóa vừa mục đích lưu giữ di sản cho con cháu, vừa phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc rất nhiều dự án trùng tu nhưng không giữ nguyên được hiện trạng di sản và phá đi các công trình  tuyệt mỹ của cha ông như hiện nay thì cần phải có cách làm khác sâu sát hơn, triệt để hơn đối với các đơn vị thi công.
Dù sao thì cũng phải thừa nhận rằng: Hầu như những người thợ trực tiếp thi công, hạ đặt, trùng tu di sản chưa đủ trình độ và tâm huyết. Họ chỉ là những người đi làm thuê và việc trùng tu chỉ là một nghề chứ không phải do kiến thức và  tình yêu với cái đẹp cổ đại, với kiến trúc với lịch sử. Chính vì vậy, nên chăng, trước khi khởi công trùng tu di tích, ban quản lý dự án cần phải mời một chuyên gia về di sản định hướng các giá trị nghệ thuật của công trình cho công nhân, hoặc mời luôn chuyên gia giám sát việc trùng tu để các công trình nghệ thuật quốc gia không bị biến mất bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu sự trân trọng di sản văn hóa của con người?./.
CTV Vân Thư/VOV.VN

Cận cảnh đình cổ Quang Húc bị trùng tu cẩu thả

VOV.VN - Nhìn những hình ảnh vá víu phản cảm tại đình cổ Quang Húc, khó ai có thể chấp nhận được việc trùng tu cẩu thả như thế này.
Đình cổ Quang Húc (thuộc xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội) đã được trùng tu khoảng 3 năm chưa nghiệm thu, hiện đang tồn tại dưới dạng một công trình với những cột kèo vá víu, chi chít những vết “sẹo” chằng chịt. Người dân bức xúc vì đình trùng tu như bị phá, “sờ đâu dột đó, nhìn đâu sai đó”. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng từ lâu không được duy trì vì đình sửa, thánh của họ đã phải đi… “ở nhờ” quá lâu.
Đây là một ngôi đình cổ có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII và được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tuy vậy, nhìn những hình ảnh vá víu phản cảm trong quá trình trùng tu đình Quang Húc, có lẽ không một ai có thể chấp nhận được việc ứng xử cẩu thả như thế này.
Hình ảnh kèo cột được nối với nhau bằng những vết vá víu cẩu thả tại đình Quang Húc
Không chỉ cẩu thả trong quá trình trùng tu, những cấu kiện, thành tố cũ của đình Quang Húc tuy vẫn còn sử dụng được, nhưng lại bị thay mới không đảm bảo đúng kích thước của bản gốc, lại còn vô cùng xấu xí.
Trong khi những con nghê cũ vẫn có thể tiếp tục được sử dụng, thì đơn vị trùng tu đã cho làm những con nghê mới không đạt tiêu chuẩn để thay thế. Chúng nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc. Một số chi tiết tạo tác cũng không giống cũ.
Trên mái đình, những con xô, con kìm bằng đất nung biến mất, thay vào đó là những hiện vật mới bằng xi măng.
Đặc biệt, xà của khám thờ cũ với những hoa văn tinh tế bị vứt lỏng chỏng. Một xà mới đã thế chỗ của nó. Còn bức y môn bị sơn công nghiệp đỏ chói. Ông Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL cho rằng chạm rồng trên bức xà khám mới cẩu thả, rồng nhìn như quái thú, gian tà, các đường nét hoa văn thì rời rạc, gai góc. Không thể hình dung ra nó được chạm theo phong cách nghệ thuật của thời nào./.

Chùm ảnh VOV online ghi lại ở đình cổ Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội):
Đầu cột, vị trí tiếp giáp của các đầu xà, thanh rường đều bị mở rộng
Nhiều khe hở giữa những mối nối ghép các chi tiết cột, xà

Nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp sai lệch hẳn so với ban đầu, cá biệt có cấu kiện chỉ được lắp gá, không ăn mộng như chực rơi xuống
Những mối nối cẩu thả được vá víu bằng gỗ thừa. Trong khi những thanh xà ngang đỡ mái không được gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo ra khoảng hở vài centimet
Đơn vị thi công dùng keo vá lại những mối nối không ăn mộng, tạo nên những vết màu loang lổ, xấu xí

Những mấu nối chắp vá, không ăn khớp với nhau giữa cột, xà, mái ngói, tạo nên nhiều khe dột. Người dân dùng phấn đánh dấu hàng chục chỗ bị dột trong đình

Hình ảnh mưa dột xâm hại cột gỗ trong đình được người dân ghi lại hồi đầu tháng 9/2013

Cột mới được làm thẳng từ trên xuống dưới, trái ngược hẳn với “dáng đòng đòng” của cột đình cũ. Trong cấu trúc di tích cổ, cột đình, đặc biệt là đình của khu vực miền Bắc thời Lê Trung Hưng nói chung thường đều rất to lớn cột đình phía dưới bao giờ cũng là phần có dáng “phình ra” to nhất của cột

Không những sai kết cấu, một số cột đình còn xiêu vẹo

Cột đình bị nối chân và vá víu cẩu thả
Phần mái đình, những cấu kiện cũ bị sắp xếp lung tung, không đồng nhất
Một đầu rồng bị thiếu
Một đầu rồng khác được chằng hờ bằng dây thép
Cặp nghê cổ suýt nữa bị đơn vị thi công vứt bỏ... (Ảnh: Hoài Nam)
...để thay thế bằng cặp nghê mới có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc. Một số chi tiết tạo tác cũng không giống cũ
Xà khám thờ cũ với những hoa văn họa tiết tinh tế, đậm chất dân gian vẫn tái sử dụng được hiện đang bị bỏ lại dưới gầm khám thờ
Đơn vị thi công thay thế bằng xà khám thờ chạm trổ hình "quái thú", sơn công nghiệp xấu xí. Theo ông Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL, chạm rồng trên bức xà khám mới cẩu thả, rồng nhìn như quái thú, gian tà, các đường nét hoa văn thì rời rạc, gai góc. Không thể hình dung ra nó được chạm theo phong cách nghệ thuật của thời nào
Cũng theo ông Bình, việc dùng lớp sơn công nghiệp phủ lên trên lớp sơn ta trên toàn bộ hệ thống gác lửng (y môn, cửa võng...), vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trùng tu và luật di sản văn hóa

Trên mái đình, những con xô, con kìm làm bằng đất nung biến mất, thay thế bằng hiện vật mới được đắp lại bằng xi măng gắn sành.
Hà Phương/VOV online

Từ vụ chùa Sổ: Bao giờ “thảm họa” trùng tu mới chấm dứt?

VOV.VN-Bản thân những người làm công tác tu bổ di tích không hiểu được giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình, dẫn đến "thảm họa" trùng tu.
Nỗi ám ảnh về “dự án trùng tu” chùa Sổ
Những sai phạm trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích nghệ thuật cấp quốc gia chùa Sổ (thuộc thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được VOV.VN phản ánh vừa qua đã từng là nỗi ám ảnh được dự báo từ trước của những nhà nghiên cứu, những người yêu di sản. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật Triển lãm Nhiếp ảnh (Bộ VHTTDL), thực tế, trong nhiều năm chùa Sổ không có sư trụ trì, chỉ có cán bộ bảo vệ của xã trông coi ra mở vào khóa, ít người thăm viếng. Chính vì không có người ở nên cỏ mọc, rêu phủ, ngói lợp lâu ngày có chỗ bị xô lệch. Chùa bị xuống cấp, mục nát phần lớn là những kết cấu kiến trúc luôn phải tiếp xúc trực tiếp với mưa, nắng.  
Chính vì vậy, một “dự án trùng tu” chùa Sổ đã luôn ám ảnh anh, bởi thời gian gần đây, những vụ việc trùng tu như phá di tích dường như đã trở thành quá quen thuộc. Từ lăng Ngô Quyền, đình Quang Húc, đình Tiên Hường là những di tích bị chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nghiêm trọng. Hiện tại, chùa Sổ cũng không tránh khỏi số phận thảm thương tương tự.
 
Công trình không hề được dựng nhà bao che, mặc cho những cấu kiện có tuổi đời mấy trăm năm qua phơi mưa nắng (Ảnh: Hoài Nam)
“Khi được tin chùa Sổ hạ giải phần mái mà không có nhà bao che tôi nghĩ ngay đến những trận mưa to trong nhiều ngày qua. Tận mắt nhìn thấy những mảng tường của chùa bị đục thủng để tạo lối vận chuyển vật liệu, thấy những mảng chạm khắc trang trí kiến trúc vỡ rời mà đau xót vô cùng”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Trước hiện trạng trùng tu như phá di tích chùa Sổ được phản ánh trong những ngày qua, GS Trần Lâm Biền cũng bày tỏ nỗi xót xa, thậm chí căm giận. “Những mảng chạm khắc của thế kỷ 17 bị vứt một cách bừa bãi, chỏng chơ như đồ bỏ, thậm chí úp cả mặt trang trí xuống đất và để cho ngói cũng như các vật khác đè lên trên. Những người yêu quý di sản có thấy đau đớn không? Việc này làm sao có thể chấp nhận được. Ở đây không phải chỉ có xót xa, mà tiến đến mức độ căm giận!” – GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.
 
Cấu kiện có tuổi thọ hơn 300 năm này nay chịu số phận thật thảm thương
Đồng tình với GS Biền, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng khẳng định: “Theo tôi, đây không phải là hành động của những người tu bổ di tích, mà đây là hành động phá hoại di tích. Họ đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa”.
Không thể coi tu bổ di tích là tu sửa nhà cửa
Theo GS Trần Lầm Biền, những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Bản thân những người làm công tác tu bổ di tích không hiểu được giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Trong khi đó, chùa Sổ là di tích lưu giữ một phong cách kiến trúc độc đáo và hiếm có, nói lên những điều rất đặc biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng của dân tộc ta trong những biến động của xã hội thời Mạc và thời Lê - Trịnh.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết, chùa Sổ còn bảo lưu được khá nhiều hiện vật và trang trí kiến trúc thời Mạc. Nhiều cấu kiện kiến trúc của ngôi chùa này như con sơn, đấu kê, ván gió, đầu dư, đầu bẩy, đầu đao được nghệ nhân chú trí trang trí với những bố cục rồng, mây rất tinh tế.
 
Chùa Sổ là di tích duy nhất hiện nay còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17
Đặc biệt, chùa Sổ là di tích duy nhất hiện nay còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Theo GS Trần Lâm Biền, tượng ở đây quý hiếm không phải bởi tuổi đời của nó, mà bởi giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử nó để lại. Các bức tượng thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn nhưng cũng có những bức tượng mang phong cách thời Mạc đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp, kế tục cái cũ, mở đầu cái mới. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, qua các bức tượng những nhà nghiên cứu còn khai thác được đặc điểm tạo tượng, trang phục, hoa văn trang trí, cách bày đặt tượng của giai đoạn thời Lê - Trịnh.
Với kiểu thức trang trí kiến trúc rất đặc sắc, cùng với giá trị của những bức tượng cổ tại chùa Sổ cần có giải pháp bảo vệ nghiêm cẩn khi trùng tu. Vì vậy, không thể áp dụng tu sửa nhà cửa vào việc tu bổ di tích quốc gia chùa Sổ. Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Đức Bình băn khoăn rằng, với năng lực yếu kém của chủ đầu tư, đơn vị giám sát và đơn vị thi công thì chúng ta chưa lường hết được những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với số phận chùa Sổ.
“Thái độ sai, trình độ kém, nhận thức yếu thì không thể trùng tu được di tích”, đó là khẳng định của GS Trần Lâm Biền. Bởi đã không hiểu di tích, không có sự giám sát của chuyên gia ắt dẫn đến “thảm họa trùng tu” vì không có cơ sở khoa học, sai pháp luật. GS Trần Lâm Biền đặt ra câu hỏi là: Liệu có nên để đơn vị như vậy trùng tu nữa không?./.
Hà Phương/VOV.VN
 

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH