HIỆN THỰC KỲ ẢO 46 (Đền Bà Chúa Kho, đảo Hải Tặc)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho!

Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho!
Ông Nguyễn Ngọc Thùy ở cửa hầm.
 
Ít ai biết rằng, ngay sau "ngân hàng địa phủ" Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) lại có một đường hầm dài xuyên qua núi với nhiều truyền thuyết linh thiêng.

Vùi sâu trong thời gian
Hàng năm, cứ ra Tết là hàng vạn người đổ đến đền Bà Chúa Kho để đi lễ, với mong muốn được Bà phù hộ độ trì làm ăn phát đạt. Những ngày đầu tháng 3 âm lịch này, đền vẫn tập nập người đến, vừa để đi lễ vừa để hầu đồng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngay sau đền có một đường hầm với nhiều điều bí ẩn linh thiêng.
Ngay bên trái khuôn viên đốt vàng mã, mở cánh cửa sắt nhìn lên núi Kho thì sẽ thấy một vòm cửa ở ngay lưng chừng núi. Đó chính là cửa của đường hầm xuyên qua núi Kho thông ra ngay sông Cầu (xưa có tên là sông Như Nguyệt). Đường hầm này dài khoảng 300m với chiều sâu so với mặt đất 30m, chiều rộng và cao khoảng 2m.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 1
Đường hầm này dài khoảng 300m với chiều sâu 30m.
Theo lời nhiều người dân ở khu vực quanh đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) thì đường hầm này có từ rất lâu, là nơi mà những đứa trẻ ở nơi đây từng một thời đến để chơi trốn tìm, tránh mưa gió khi đi chăn trâu, cắt cỏ.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 2
Đi sâu vào bên trong.
"Từ thời còn nhỏ tôi đã được bố kể về đường hầm và thường cùng bạn bè lên đây chơi", ông Nguyễn Ngọc Thùy, trưởng ban an ninh di tích đền Bà Chúa Kho, người làng Cổ Mễ cho biết.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 3
Để xuống được đường hầm, chúng tôi phải trang bị 2 chiếc đèn pin cỡ to và nhờ sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Ngọc Thùy. Trước khi bước xuống hầm, ông cho biết: "Ngày xưa trong này có khá nhiều rắn và dơi, nhưng thời gian gần đây thì không có nữa, chỉ có điều đường đi rất khó vì đất dính và những thanh chắn bằng gỗ nằm ngang lối đi".
Với khoảng 30 bậc được xây bằng gạch, càng đi sâu vào hầm đất càng trở nên bê bết. Cách cửa hầm khoảng 50m là một khoảng không gian rộng chừng 20 m2, theo lời ông Thùy thì đó được gọi là khu bàn giấy, tức nơi làm việc của cán bộ khi vào hầm trú ẩn.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 4
Lối đi trong đường hầm.
Sau hơn nửa thế kỷ, trong đường hầm không còn lại cơ sở vật chất gì, trên các vách hầm cũng không có dấu khắc ghi. Ông Thùy cũng cho biết: "Mấy năm gần đây, có khá nhiều doanh nhân đến tham quan và bày tỏ mong muốn tu bổ và khai thác đường hầm này thành một địa điểm du lịch. Tuy nhiên các cụ trong làng và ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho không đồng ý vì muốn giữ lại vẻ bình yên và linh thiêng nơi đây".
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 5
Độ dày của trần và những tảng đá lộ ra ở những mảng trần bị vỡ.
Những bí ẩn về đường hầm
Xung quanh về nguồn gốc của đường hầm sau đền Bà chúa Kho có khá nhiều giả thuyết. Theo ông Nguyễn Ngọc Thùy, từ xưa người dân quanh vùng đã truyền với nhau rằng vào đầu thế kỷ XI, vùng núi Kho này là nơi bà Chúa xây nhà kho để chứa quân lương, để thuận đường vận chuyển và giữ bí mật, bà đã cho người đào một đường hầm nối từ kho đến sông Như Nguyệt.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 6
Cồng hầm nằm cách gian thờ chính của Bà Chúa Kho khoảng 3m.
Tuy nhiên, cũng có giả thuyết kể lại đường hầm là nơi khai thác và chứa vàng trong giai đoạn nhà Hán đô hộ Việt Nam. Đến những năm 40 của thế kỷ trước, trong thời kỳ người Pháp đô hộ nước ta, để chống lại phát xít Nhật, giám đốc Sở nhà máy Giấy Đáp Cầu bấy giờ đã cho xây dựng lại thành đường thành nơi trú ẩn cho công nhân và quản lý. Từ đó, đường hầm được đổ bê tông quấn vòm rất chắc chắn.
Theo ông Nguyễn Văn Mão, trưởng ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho thì không biết đích xác được đường hầm này có phải là được xây dựng từ thời kỳ Bà Chúa Kho còn sống hay không. Tuy nhiên, từ những ngày còn bé, ông đã thấy và thường lên đây chơi. Hiện, ông đã 68 tuổi, tức vào những năm 1940 thì đường hầm đã có từ trước đấy rất lâu.
Trong đường hầm hiện nay, không còn lại những dấu tích gì để chứng minh rằng nó đã tồn tại suốt gần một nghìn năm. Tuy nhiên, ngay trên cửa hầm, vẫn còn rất nhiều dấu tích của những nhà kho được xây dựng từ thời bà chúa. Đó là những đường thành được xây bằng đá cát bi và vôi, nằm rải khác quanh đồi Kho.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 7
Những bức tường được xây bằng đá cát bị vẫn còn sót lại ở xung quanh đường hầm.
Cũng xung quanh những điều bí ẩn về đường hầm nằm sâu sau đền Bà Chúa Kho, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đường hầm cũng là nơi đóng quân của quân đội Việt Nam. Theo lời kể của những người già của làng thì chưa bao giờ máy bay địch ném bom trúng vào đội pháo binh khi đóng quân trên núi, trong khi đó, nếu chuyển đi sang núi khác thì lại bị ném trúng. Cũng tại đây, vào ngày 17/10/1967 nhân dân Cổ Mễ và sư đoàn 365 chỉ trong 3 phút đã bán rơi 5 máy bay Mỹ (trong đó có 4 chiếc rơi ngay tại chỗ). Đây là trận đánh đình đám, nức lòng quân dân cả nước trong thời kỳ bấy giờ và khắc ghi thêm lòng tự hào, sự thiêng liêng của người dân nơi đây.
Bí mật phía sau đền Bà Chúa Kho! - 8
Rác rưởi, gạch đá ngổn ngang nơi cửa hầm.
Những năm trước hai cửa hầm đều được xây kín lại để tránh sự xâm nhập gây tổn hại đến di tích này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thời gian gần đây, cửa hầm đã bị đập vỡ, những kẻ nghiện ma túy thường lên đây để hút chích khiến lối đi vào có khá nhiều rác và mùi hôi thối, đối lập với vẻ tôn nghiêm của một vùng đất thiêng.
24H.COM.VN (Theo Zing)
(ĐC chép từ .24h.com.vn)

Kho báu đầy vàng và bí ẩn đảo Hải Tặc ở Kiên Giang

Đêm đó, 2 người đàn ông ngoại quốc bí mật đáp canô, mang theo bản đồ và những dụng cụ định vị bí mật lên đảo bí mật đào kho báu.
Vịnh Tây Nam - nơi phát hiện những đồng tiền cổ. Vịnh Tây Nam - nơi phát hiện những đồng tiền cổ.
Nhà nghiên cứu Nam Bộ Trương Minh Đạt (78 tuổi, TP Hà Tiên, Kiên Giang) khẳng định: “Trong quá khứ, vùng biển tận cùng Tây Nam nước ta từng tồn tại một băng cướp mang tên Cánh Buồm Đen. Băng cướp này là tập hợp của dân giang hồ tứ chiếng và rất giỏi võ nghệ. Cánh Buồm Đen lấy đại bản doanh là nhóm đảo thuộc Hòn Tre (nay thuộc xã Tiên Hải, TP Hà Tiên) nằm khuất trong vịnh Thái Lan và chuyên chặn đường các tàu buôn để cướp tài sản”.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt tiết lộ, cái tên Hải Tặc được đặt địa danh hành chính cho quần đảo Hòn Tre ngày nay, xuất hiện từ thời Pháp và tồn tại trong thời chế độ Sài Gòn cũng khởi nguồn từ nhóm cướp biển này.
Ông còn cho biết, hiện nay trên đảo, nhiều thế hệ con cháu của băng hải tặc khét tiếng này vẫn còn sinh sống. Từ lâu, ngư dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một kho báu khổng lồ chứa đầy vàng bạc, được băng cướp Cánh Buồm Đen chôn giấu trên đảo. Bằng chứng là nhiều ngư dân đảo đi lặn vẫn hay bắt được những xâu tiền cổ bám đầy hàu ở một eo biển ở phía Tây Nam đảo.
Khung cảnh đảo Hải Tặc những ngày tháng 7 đẹp ngỡ ngàng. Biết có người ra đảo tìm hiểu câu chuyện về kho báu, một người dân nhiệt tình hướng dẫn tìm đến nhà cụ Mười Bầu (81 tuổi). Người này còn cho biết, cụ Mười Bầu chính là hậu duệ của thành viên băng cướp Cánh Buồm Đen. Hiện cụ là một trong số ít người nắm giữ những bí mật về một thời “khủng khiếp” trong quá khứ ở vùng biển Tây Nam này. Cụ Mười Bầu tên thật là Nguyễn Thị Gái, cha ruột cụ người gốc huyện Kiên Lương (trong đất liền), vốn là một giang hồ nghĩa hiệp, rất giỏi võ nghệ.
Theo lời cụ Mười, băng Cánh Buồm Đen tồn tại đến đầu thế kỷ 20 và cha cụ là thế hệ cuối cùng của băng nhóm này. “Hồi còn sống cha tôi đi suốt à, lâu lâu mới về thăm má con tôi. Ông ấy giỏi võ lắm. Tui nghe nói ông ấy tham gia băng nhóm cướp biển, nhưng cướp ở đâu chứ về nhà thì ông rất thương má con tôi. Hồi đó, tui từng nghe ông bảo rằng trên đảo có một kho báu do băng Cánh Buồm Đen để lại, nhưng ở đâu thì ngay cả ổng cũng không biết chính xác”, cụ Mười kể.
Theo cụ Mười Bầu, cha và các đồng bọn vẫn sống bằng nghề chặn tàu thuyền cướp bóc. Đến cuối đời, có lẽ vì ám ảnh tội lỗi nên ông thoái ẩn giang hồ, quy y Phật pháp rồi qua đời. Sau này cũng vì mặc cảm quá khứ gia đình, bà cụ cũng tự gánh đá lập ngôi chùa duy nhất trên đảo để ngày ngày tụng kinh niệm Phật cho đến nay.
Sự tích về kho báu cổ trên quần đảo Hải Tặc (đảo Hà Tiên, TP Hà Tiên, Kiên Giang) lần đầu tiên được nhắc tới cách đây 31 năm.
Người dân truyền tai nhau rằng, trong quá khứ, băng Cánh Buồm Đen còn cất giữ một kho báu ở một vịnh giữa đảo. Đến nay, dân đi lặn biển còn hay bắt gặp những xâu tiền cổ cách đây khoảng 200 năm. Cách đây khoảng 30 năm, từng có một vụ thâm nhập đảo để tìm kho báu của 2 người đàn ông ngoại quốc.
Vào một buổi chiều tháng 3/1983, người dân ở đảo Hải Tặc phát hiện một chiếc canô lạ chạy từ hướng đảo Phú Quốc chở 2 người đàn ông cao lớn bí mật đáp lên bờ. Người dân thấy lạ nên báo lực lượng dân quân. Đêm cùng ngày, lực lượng chức năng và dân đảo đã bất ngờ tập kích và bắt quả tang 2 người ngoại quốc đang lẩn trốn trong bìa rừng.
Quá trình xét hỏi, danh tính của những người ngoại quốc cũng được làm rõ. Một người tên là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh) và người còn lại tên Frederick Kurt Graham (quốc tịch Mỹ). Lực lượng chức năng của ta còn thu 2 máy bộ đàm, 2 máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, hải đồ.
Đặc biệt trong hành lý của các vị khách không mời có một số tấm bản đồ cổ vẽ đảo Hải Tặc. Ông Lương Văn Tâm, người dân trên đảo Hòn Tre vẫn còn nhớ như in sự kiện này. Ông Tâm là thành viên của nhóm du kích vây bắt những người nước ngoài trên. Ông Tâm kể: “Sớm hôm đó, người dân đi đánh cá thấy có xuồng cao tốc chạy về hướng đảo rồi ghé vào mũi Minh Kiến. Nhận được nguồn tin quần chúng, công an, dân quân xã chia làm 3 mũi tuần tra.
Nhóm của tôi được giao kiểm tra cắt ngang hướng núi. Theo mùi thuốc xịt muỗi, chúng tôi tìm thấy hai ông Tây đang nằm trần phơi bụng trong rừng với dụng cụ là bản đồ đảo Hòn Tre, leng đào đất, máy rà kim loại… Lúc đưa 2 người này về trụ sở, cả đảo không ai biết tiếng Anh nên không hỏi được gì. Những người nước ngoài chỉ vẽ trên giấy hình 3 ngọn đồi trên đảo, ở giữa là thung lũng có chiếc gương. Chúng tôi lờ mờ đoán họ đi đào kho báu”.
Bà Mười Bầu kể lại về chuyện cha mình từng là thành viên cướp biển.
Sau đó, lực lượng chức năng bàn giao hai người ngoại quốc cho công an tỉnh. Rồi qua vài tháng điều tra, công an tỉnh lại bàn giao hai người này cho chính quyền đảo. Lúc này, ông Tâm mới nghe kể lại, 2người này khai tình cờ tìm được trong kệ sách của gia đình tờ bản đồ kho báu cướp biển chôn giấu. Kho báu được xác định nằm dưới thung lũng ở giữa 3 ngọn đồi trên đảo Hòn Tre. Từ lời khai và tấm bản đồ của hai người này, lực lượng công an đã đưa họ trở lại hiện trường để chỉ dẫn vị trí kho báu. Ông Tâm nhớ lại: “Theo chỉ dẫn trên bản đồ, ông cùng lực lượng địa phương đào kiếm dưới lớp đất đá cứng. Nhưng mới chỉ đào xuống khoảng 3 tấc đất thì mọi người được lệnh dừng lại. Hai người nước ngoài sau đó bị phạt vì tội nhập cảnh trái phép rồi trục xuất khỏi đảo.
Ngay gần dòng chảy của con lạch ở phía Tây đảo, vào đầu năm 2009, cánh thợ lặn tìm ốc, hải mã vô tình tìm thấy một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau. Anh Hóa (sống ở Hòn Tre), người tình cờ mò được những đồng tiền có màu vàng hoa văn lạ mắt được xác định là tiền của cướp biển bỏ lại, cho biết: “Tôi cũng không biết những đồng tiền này ở đâu mà cứ lặn mò trong cát là thấy. Mò hoài có hoài, nhiều lắm”.
Anh Đông, một người hàng xóm của Hóa, cho biết thêm: “Tôi thì mò được cả đồng tiền vàng cỡ lớn, cỡ nhỏ và những đồng tiền màu bạc rất đẹp, rất lạ. Tôi đều giữ lại làm kỷ niệm”. Anh Hóa kể, khi mới lặn mò được những đồng tiền vàng, nhiều người giàu có trên đảo hay tin đã tìm đến hỏi mua với giá 10.000 đồng một đồng tiền, nhưng mẹ anh không chịu bán.
Hiện nay, gia đình Hóa chỉ còn giữ được 8 đồng tiền lạ, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng một mặt in nổi chữ bằng tiếng Trung Quốc, mặt sau chạm nổi hình rồng hoặc hình một người đàn ông đội vương miện như hoàng đế.
Theo Giadinh.net.vn
(ĐC chép từ .tienphong.vn)

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH