ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 8 (Lưu Văn Lang)
(ĐC sưu tầm trên NET)
Vị kỹ sư đầu tiên của Đông Dương và đồng hồ cổ nhất VN
Dựa trên cái tài liệu, hồ sơ lưu lại cũng như ý
kiến của nhiều nhà khoa học thì chiếc đồng hồ cổ nhất của Việt Nam được
xác định là Đồng hồ thái dương (hay còn gọi là Đồng hồ mặt trời), được
xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX.
Hiện nay chiếc
đồng hồ độc đáo nằm trong khuôn viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên
Bạc Liêu (số 84, đường Hai Bà Trưng) ngay tại khu trung tâm thành phố
Bạc Liêu.
Chiếc đồng hồ độc đáo
Anh
Đỗ Tấn Quốc, phóng viên báo Bạc Liêu - người rất am hiểu về chiếc đồng
hồ cổ này cho biết, lúc bấy giờ cả khuôn viên rộng lớn của Trung tâm
Giáo dục thường xuyên Bạc Liêu là dinh tỉnh trưởng. Thấy người dân đến
liên hệ công việc mà không biết chính xác thời gian nên kỹ sư Lưu Văn
Lang đã xây tặng ngài tỉnh trưởng người Pháp một chiếc đồng hồ thái
dương, đặt phía trước phòng làm việc của tỉnh trưởng để bà con tiện theo
dõi giờ giấc.
Đồng hồ xây bằng gạch tàu và xi măng cao
khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía Bắc (có những bài báo cho rằng
đồng hồ quay về hướng Đông là không chính xác), gồm 3 phần. Phần giữa
hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông,
mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ phía
bên trái từ 6-12h trưa và bên phải từ 12-17h chiều. Ánh nắng chiếu xuống
phần hình chữ nhật chính giữa tạo ra hai vùng sáng tối. Dãy phân cách
vệt sáng - tối này xem như kim đồng hồ chỉ thời gian trong ngày, "chạy"
rất chính xác.
Chính vì độ chính xác cao của chiếc đồng
hồ đá nên trong tư liệu còn ghi rất rõ là: "Lúc bấy giờ không chỉ ông
thông, ông phán, ông huyện ghé xem giờ trước khi vào trình giấy mà cả
quan ba, quan năm cũng ghé xem và vặn lại dây cót đồng hồ Tây của các
quan cho chuẩn".
Kỳ diệu là nó không cần đến bất cứ một
loại máy móc, kim loại nào, chất liệu đơn thuần bằng gạch, xi măng chỉ
lấy ánh sáng mặt trời để xem giờ. Nhưng sau gần 100 năm, chiếc đồng hồ
này vẫn chạy khá chính xác như những chiếc đồng hồ hiện đại, chỉ sai
lệch khoảng cộng trừ 2 phút vào những ngày ảnh hưởng chu kỳ của vòng
quay trái đất.
Chiếc đồng hồ cổ
|
3000
năm về trước những người Ai Cập cổ đại và những người Hy Lạp đã chế tạo
ra chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới- tên chúng là "Đồng hồ mặt
trời" loại đồng hồ xem giờ bằng cách căn cứ vào ánh nắng mặt trời phản
chiếu để biết thời gian. Rồi sau đó, đồng hồ nước, đồng hồ cát, đồng hồ
nến, dây cót, quả lắc... Ngày nay các nhà khoa học đã tạo ra những loại
đồng hồ điện, đồng hồ thạch anh, đồng hồ nguyên tử với độ chính xác nên
tới một phần nghìn triệu giây.
Người kỹ sư đầu tiên của Đông Dương
Theo
tài liệu của Bảo tàng và thư viện tỉnh Bạc Liêu, Ông Lưu Văn Lang (1880
- 1969) quê ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Thuở nhỏ ông theo học chữ nho, 10 tuổi học chữ quốc ngữ, sau đó là chữ
Pháp.
Sẵn trí thông minh và học giỏi, ông được cấp học
bổng lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. Năm 17 tuổi, ông đậu tú
tài với số điểm cao nên tiếp tục được cấp học bổng qua học trường đào
tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp lúc bấy giờ là École Centrale de Paris.
Năm
1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng giỏi (đứng thứ 3 trong số 250 thí
sinh), là kỹ sư đầu tiên người Việt được đào tạo tại Pháp, người dân Nam
bộ thường gọi là bác vật Lang (cách gọi các kỹ sư của người miền Nam
xưa). Về nước, nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ cử bác vật Lang
qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham gia thiết lập đường xe lửa nối liền
Trung Quốc với Đông Dương.
Từ năm 1909 - 1940 ông làm
việc tại sở Công chánh Sài Gòn. Là nhà khoa học xuất sắc nên ông được
người Pháp giao theo dõi xây dựng cầu, đường ở miền Tây Nam bộ. Các tỉnh
trưởng nơi đây rất quý trọng ông, đặc biệt tỉnh trưởng Bạc Liêu có mối
giao hữu thâm tình. Mỗi lần ông về công tác đều được tỉnh trưởng mời tới
chơi, ăn cơm thân mật. Để đáp lại lòng hiếu khách, ông đã xây tặng tỉnh
trưởng Bạc Liêu chiếc đồng hồ Thái Dương trên.
Nguyên lý
hoạt động của của đồng hồ mặt trời là công cụ theo dõi thời gian dựa
vào thiên văn và toán học. Để làm đồng hồ mặt trời phải biết được qui
luật và bản chất vận động của Trái Đất và Mặt Trời. Người tạo ra chiếc
đồng hồ này phải xác định được vĩ độ, kinh độ của địa điểm sẽ đặt chiếc
đồng hồ này (ở đây là tỉnh Bạc Liêu). Sau đó dùng các công thức lượng
giác để tính ra các góc của kim so với mặt đất, góc mặt đồng hồ so với
phương thẳng đứng và góc giữ các vạch giờ với mốc 12h trưa. Điều này đòi
hỏi người "chế tạo" ra những chiếc đồng hồ Thái Dương này ngoài tinh
thông thiên văn còn phải có một kiến thức toán học rất sâu sắc.
Có
một giai thoại rất nổi tiếng về vị kỹ sư này. Một lần, khi ông xuống
Bạc Liêu thì công trình cầu Long Thạnh do Pháp xây dựng sắp xong, bác
vật Lang lấy cây gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với viên kỹ sư
người Pháp một tháng nữa cầu sẽ sập (có người kể rằng ông còn đoán cả
giờ cầu sập). Quá bất ngờ, viên kỹ sư Pháp tỏ ý phẫn nộ, nhưng sau đó đã
bái phục bác vật Lang bởi đúng một tháng sau, cầu đó sập thật. Từ đó,
người dân địa phương gọi cầu Long Thạnh là cầu Sập.
Bác
vật Lang không chỉ là nhà khoa học tài ba mà còn là nhà trí thức yêu
nước, tham gia vào các phong trào ái quốc ở Sài Gòn và Hà Nội. 1945, ông
từng từ chối chức bộ trưởng Công Chánh thể hiện sự phản đối với chính
quyền tay sai. Năm 1948, ông được Chính phủ kháng chiến mời làm cố vấn
Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn mới thành lập.
Sau
Hiệp định Geneve năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hoà Bình
đòi thi hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm
chủ tịch danh dự. Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ông cùng một số trí
thức lãnh đạo phong trào, sau khi được thả thì bị quản thúc chặt chẽ
đến năm 1958. Thời gian sau đó cho đến cuối đời, tuy không trực tiếp
tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có
những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường
xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa
Sài Gòn.
Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 3/6/1969, thọ 88
tuổi. Sinh thời, ông được đánh giá là một nhân tài của Việt Nam, nhà trí
thức tiêu biểu cho nghĩa khí người Nam Bộ. Ngày 14/8/1975, Uỷ ban quân
quản Sài Gòn đã đổi tên đường Tạ Thu Thâu bên hông chợ Bến Thành thành
Lưu Văn Lang (nay thuộc quận 1, TP.HCM).
Ngày nay, tại
thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cũng có một ngôi trường, một con đường mang tên
ông. Bác vật Lang được giáo sư Văn Tạo - nguyên Viện trưởng viện Sử học
Việt Nam - trong lần về Bạc Liêu vào năm 2004 phát biểu: Ông Lưu Văn
Lang thật sự là một nhân tài, một nhà khoa học uyên bác ở Nam Bộ.
Bí ẩn chưa lời giải trong hang Bác Vật LangVùng Thất Sơn (bảy núi) ở An Giang xưa nay vốn nhiều huyền thoại, lắm điều kỳ bí, linh thiêng. Mỗi ngóc ngách ở vùng này đều gắn với những điển tích, điển cố, giai thoại... làm nhiều người tò mò muốn tìm hiểu.Trong hang có gì? Câu hỏi này tưởng chừng như sẽ được trả lời, khi mọi người thấy Bác Vật Lang chui lên khỏi miệng hang. Thế nhưng, một câu nói với những chữ rời rạc như trở nên bất hủ của ông còn lưu truyền tới ngày nay đang làm nhiều người thắc mắc: Dưới hang có gì? Đến nỗi, dân gian nơi này còn có một bài vè về sự này: "Đàn kêu tích tịch tình tang/Đố ai biết được trong hang là gì?/Đàn kêu tích tịch tì tì/Đố ai biết được cái gì trong hang?". Theo lời kể lại của ông Trần Văn Phúc, một chuyên gia biết nhiều về vùng đất này thì chuyện kể lại rằng, có một đoàn thám hiểm các hang ở dãy Thất Sơn. Sau khi hoàn thành thám hiểm nhiều hang, đến hang ở núi Cấm, đoàn thám hiểm thấy có vẻ sâu và nguy hiểm nên cho khỉ xuống trước. Khi khỉ xuống, người ta buộc dây vào cổ, cho khỉ xuống hang. Khỉ đi khá lâu, càng lâu, càng sâu rồi im bặt, không còn động đậy. Đợi mãi không được, mọi người kéo dây lên thì cảm giác rất nhẹ. Đến lúc hết dây không thấy chú khỉ đâu nữa. Có điều là đầu dây chỉ có dấu tháo mở mà thôi. > Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Những bí ẩn đó đã theo chân Bác Vật Lang về bên kia thế giới để lại không ít thắc mắc cho đời sau.
Vẫn chưa yên tâm, đoàn đã nghĩ ra cách cho con chó berger xuống. Chó
xuống, họ cũng buộc dây vào cổ như chú khỉ trước, kết quả cũng độ sâu đó
rồi im hẳn, dấu dây cũng bị tháo như cũ. Theo lời kể của ông Trần Văn
Phúc thì lúc đó, cả đoàn nhao lên, không biết hiện tượng gì lạ lùng đã
xảy ra dưới hang? Chuyện này, từ xưa tới nay chưa từng xảy ra. Phần lo
sợ vì hiện tượng lạ, phần muốn biết dưới hang có gì mà kỳ quái đến thế,
cả đoàn cứ loay hoay. Trong khi đó, Bác Vật Lang cứ trầm tư...
Sau một hồi, cuối cùng Bác Vật Lang tình nguyện một mình đơn độc xuống
hang. Sau một hồi tính toán, cả đoàn bàn mưu tính kế để cho Bác Vật
Lang xuống được an toàn, một kế hoạch đã được vạch ra.
Theo đó, khi Bác Vật Lang xuống sẽ được cột dây làm tín hiệu. Những người ở trên sẽ giật dây để theo dõi và ngược lại Bác Vật Lang cũng sẽ giật trở lại. Xuống một đoạn, sợi dây được giật liên tục ở hai đầu. Càng xuống sâu bao nhiêu thì sợi dây được giật liên tục bấy nhiêu để báo hiệu. Đến khi hết dây nhưng không thấy tín hiệu giật dây của Bác Vật Lang, mọi người thực sự lo lắng. Họ liên tục giật nhưng dưới hang vẫn im lặng đến đáng sợ... Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc những loài thú bắt đầu cuộc đi ăn đêm. Khỉ, vượn và những loài thú dữ khác cứ hú, gầm xé tan màn đêm trên núi Cấm, làm cho cảnh tượng hãi hùng vô cùng. Cả đêm, không nghĩ ra cách gì khác, họ cứ thấp thỏm và chờ đợi. Trong khi đêm đen cứ ôm lấy dãy núi, nhiều người đã nghĩ tới cảnh tượng xấu nhất diễn ra. Cho tới khi trời dần sáng ra, mọi người đang loay hoay tính phương án khác... thì bỗng nhiên có một bóng người lồm cồm bò lên. Có người phát hiện ra đó chính là Bác Vật Lang và thét lên "A Bác Vật Lang. Đúng Bác Vật Lang rồi" và mừng rỡ vô cùng. Tuy Bác Vật Lang còn sống và bò lên được miệng hang, nhưng các thành viên trong đoàn cũng không biết trong hang có gì. Vì Bác Vật Lang chỉ ú ớ được vài tiếng rồi không nói được gì thêm. Sau đó, Bác Vật Lang được đưa lên Sài Gòn chữa trị, một thời gian sau đó, sức khỏe phục hồi nhưng vẫn không thể nói được. Các bác sỹ cũng bó tay không hiểu nguyên nhân vì sao. Khi có đoàn đại diện các bô lão Bửu Sơn Kỳ Hương (giáo phái do đức Phật Tây An Đoàn Minh Huyên sáng lập) đến thăm, được Bác Vật Lang tiếp. Nhưng không biết do Bác Vật Lang vô tình hay cố ý mà chỉ nói vỏn vẹn một câu, khi các vị bô lão hỏi: Thưa ông, ông đã thấy gì trong ấy? Bác Vật Lang trả lời: Tôi... chỉ nói... như... vầy... "Ở... dưới núi... là một mâm cơm... dọn sẵn... trên núi là một... cái lồng bàn... dỡ ra là ăn..., các ông... ráng tu". Bác vật Lang chỉ nói bấy nhiêu, cúi đầu chào rồi đi vào bàn Phật tiếp tục ngồi thiền. Cho đến khi qua đời, Bác Vật Lang cũng không nói thêm câu nào, thế là mọi bí mật trong hang vẫn là bí ẩn với mọi người và đi theo Bác Vật Lang về nơi chín suối. Chính vì thế người ta đã đạt hang này theo tên ông.
Núi Cấm có nhiều giai thoại, đặc biệt là hang Bác Vật Lang vẫn còn nhiều bí ẩn phía trong.
|
Theo Người đưa tin
Nhận xét
Đăng nhận xét