VIỆT NAM HIỀN HÒA 72

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thực hư về pho tượng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ

Thời gian gần đây, những lời truyền miệng về pho tượng bỗng dưng mọc tóc khiến không ít phật tử các nơi đua nhau kéo về ngôi chùa cổ Quán Sứ (Hà Nội) để chiêm bái…
Thực hư về pho tượng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ - Hà Nội.
Bức tượng duy nhất có… tóc!
Những lời truyền tai nhau trong dư luận về pho tượng một nhà sư trông hệt như người còn sống ở chùa Quán Sứ gần đây bỗng mọc tóc dường như khiến bầu không khí ở ngôi chùa cổ càng nhuốm màu huyền bí.

Nhiều người dân Hà Nội nghe tin đã kéo đến túm tụm xung quanh pho tượng thành tâm khấn vái. Không ít phật tử ở các tỉnh lân cận cũng vượt gần trăm cây số để tới chiêm bái pho tượng thiêng. Pho tượng được dư luận đồn thổi là bỗng dưng mọc tóc được đặt trang trọng trong gian nhà thờ Tổ của ngôi chùa.

Vị trí "đắc địa" ngay phía sau gian chính thờ Tam Bảo, với lối lên là những bậc đá thiết kế theo họa tiết cổ xưa bên cạnh những lùm cây um tùm dường như càng khiến nhiều phật tử thêm niềm tin về sự "hiện thân" của Đức Phật từ bi.
Pho tượng được đồn thổi là mọc tóc khá đặc biệt so với những pho tượng khác của chùa Quán Sứ nói riêng và những pho tượng  ở các ngôi chùa khác trên miền Bắc. Ấy là pho tượng đặc tả một vị sư mặc áo cà -sa màu vàng, ngồi xếp bằng, hai tay đặt thiền định phía trước.

Cả pho tượng chỉ cao chừng 50cm, đặt trong chiếc tủ kính nhỏ, thờ ngay chính điện trong gian nhà thờ Tổ. Pho tượng sống động đến nỗi người ta có cảm giác như đó là một con người bằng xương bằng thịt đang ngồi thiền.

Nhìn từng đường nét trên khuôn mặt như đôi lông mày, nét mũi, miệng , nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Từng vết chấm đồi mồi trên da hay những đường gân trên bàn tay cũng hiển hiện rõ mồn một. Đặc biệt trên đầu pho tượng Phật, quả nhiên là có tóc. Đó là lớp tóc bạc ngắn, mọc lấm tấm trên đầu pho tượng. Đây có lẽ là bức tượng duy nhất ở miền Bắc có tóc.
Thực hư về pho tượng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ
Pho tượng rất có hồn, như người bằng xương bằng thịt.   
Ảnh: Lã Xưa

Gốc tích pho tượng

Xung quanh pho tượng mọc tóc, nhiều lời đồn còn cho rằng đó là tượng của một vị sư người Pháp tu hành đắc đạo mà hóa Phật ?!

Không ít phật tử tin theo những lời đồn này bởi pho tượng có dáng vẻ của người châu Âu. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ) cho hay: Pho tượng được đồn thổi bỗng dưng mọc tóc, thực chất là tượng của vị sư cụ Thích Bình Lương. Đó cũng chính là vị sư có công cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người còn hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

Ấy là vào tháng 7/1928, khi Bác Hồ từ Đức sang Thái Lan thì Pháp đã phối hợp với cảnh sát Thái Lan lúc ấy truy bắt Bác. Giữa lúc hiểm nguy ấy, Bác Hồ đã lánh nạn vào một ngôi chùa Việt trên đất Thái vào tháng 7/1929. Trong cuốn hồi ký của bà Đặng Quỳnh Anh (Việt kiều Thái Lan) đã viết rằng, lúc đó Bác đi bộ từ U Đon vượt chặng đường 70km đến huyện Sa Vàng (tỉnh Sa Côn) mất 1 ngày.

Sau đó, Bác từ Sa Côn lên Bangkok (cách đó hơn 600km) và vào chùa Từ Tế (tên Thái Lan là Vắt Lô Ca Nu Kho) ở xã Chặc Ca Văn, huyện Xẳm Phăn Tha Vông - Bangkok. Để tránh sự theo dõi và truy lùng gắt gao của cảnh sát Thái Lan và mật thám Pháp, Bác Hồ phải cạo đầu, mặc áo cà sa giả làm sư và ẩn dật trong chùa.

Việc Bác Hồ có mặt tại ngôi chùa cũng được tác giả Trần Dân Tiên viết trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (NXB Sự Thật- 1975) là: "...Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động". Sau thời gian trên, Bác Hồ mới rời Thái Lan sang Thượng Hải, rồi sang Hongkong.

Khi Bác Hồ ở trong chùa Từ Tế trên đất nước Thái Lan, nhà sư Bình Lương lúc ấy giữ cương vị trụ trì chùa. Hòa thượng chính là người đã cưu mang Bác trong suốt thời gian ấy. Nhà sư Bình Lương sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tục danh của nhà sư là Phan Ngọc Đạt, ông còn được cộng đồng người Việt ở Thái Lan gọi là cụ sư Ba.
Tháng 3/1964, nhà sư Bình Lương bị bệnh nặng và có nguyện vọng được về nước để sống những ngày cuối cùng và gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ nguyện vọng này, Việt Nam đã có sự thoả thuận với Hội đồng thập tự Thái Lan và rồi tổ chức một chuyến bay đặc biệt đưa nhà sư từ Bangkok qua Vientiane về Hà Nội.

Khi ấy, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm hoà thượng Bình Lương trong bệnh viện Việt Xô. Hòa thượng Bình Lương có lần còn viết thư cho Bác. Trong bức thư ấy, hoà thượng đã tường thuật lại câu chuyện Bác vào thăm ông. Lần đó, Bác vào thăm nhà sư nhưng nhà sư đang bệnh nặng nên khi Bác hỏi: Ông còn nhớ tôi không, thì nhà sư lắc đầu. Khi tỉnh dậy, nhà sư được các bác sĩ kể lại, ông liền viết thư cho Bác Hồ.
Tượng mà như người thật

Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu cho biết: "Pho tượng của Hòa thượng Thích Bình Lương mới được rước về thờ tại chùa Quán Sứ vài năm nay. Trước đây, khi Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn sống, chúng tôi đã cùng sang Thái Lan, đến ngôi chùa nơi Hòa thượng Bình Lương tu hành khi xưa thì gặp người đệ tử của hòa thượng Bình Lương - nay đã là trụ trì chùa.

Đến năm 2008, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam thì vị sư này sau khi dự đại lễ về đã đặt làm một pho tượng Hòa thượng Thích Bình Lương rồi rước về thờ ở chùa Quán Sứ cho đến giờ".

Thập niên 60 của thế kỷ trước, khi được Bác Hồ đưa về quê hương trong những năm cuối đời, đến năm 1966 Hòa thượng Thích Bình Lương yếu và mất ở Hà Nội. Hòa thượng Bình Lương được an táng tại chùa Long Ân (Quảng Bá, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Trong chùa Long Ân hiện vẫn còn bảng ghi công của hoà thượng Thích Bình Lương, trong đó ghi rõ cả quá trình hoà thượng tu tại chùa Từ Tế - ngôi chùa có công che giấu nhiều thế hệ người Việt Nam làm cách mạng.

Xung quanh lời đồn thổi về pho tượng là "hiệu thân" của Đức Phật nên mới có ánh mắt, nét mặt... giống người bằng xương bằng thịt đến vậy, trụ trì chùa Quán Sứ, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho rằng, pho tượng có nét chân xác, sống động như người thật.

"Pho tượng hòa thượng Thích Bình Lương hiện đang được thờ ở gian nhà Tổ, chùa Quán Sứ được làm rất chuẩn, rất đẹp. Ở miền Bắc, như tôi biết thì chưa có pho tượng nào thật đến như pho tượng hòa thượng Bình Lương hiện đang được thờ ở chùa Quán Sứ", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Thực hư về pho tượng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ
Pho tượng "thật" như người sống cùng với những lời đồn thổi pho tượng tự mọc tóc khiến không ít phật tử hiếu kỳ tìm đến tận nơi chiêm bái. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khẳng định: Đó chỉ là những thông tin thuộc dạng "tam sao thất bản", gây mê tín dị đoan. Không có chuyện pho tượng tự mọc tóc. Bởi ngay từ khi đúc, bằng những chất liệu đặc biệt, những người tạc tượng đã làm như thế! Tuy nhiên, đây là pho tượng "thật nhất" miền Bắc với sự lột tả chân thực đến từng nét mặt, thần thái của người tu hành.

Lã Xưa - GĐ&XH


Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ

(VTC News) - Điều đáng ngạc nhiên là trải qua nhiều trăm năm, cũng có thể là hàng ngàn năm, những pho tượng này vẫn còn rất nguyên vẹn, chưa phải tu sửa gì. Ngay cả lớp sơn ta phủ bên ngoài cũng vẫn là nguyên bản từ xưa.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ

Một ngày cuối tuần, ông bạn là người tu hành tại gia rủ tôi tham quan tìm hiểu một ngôi chùa chứa đựng nhiều sự bí ẩn và kỳ lạ. Đặc biệt, ngôi chùa này có tới 100 pho tượng làm bằng đất tuyệt đẹp, có tuổi hàng trăm năm.

Con đường nhỏ quanh co xuyên qua mấy cánh đồng, mấy ngôi làng mới dẫn đến chùa Nôm (xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên). Ngôi chùa nằm ngay đầu làng, chìm sau bức tường đá ong cao vòi vọi và những tán cây cổ thụ rợp bóng.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Ngôi chùa Nôm hoành tráng mới xây dựng. 
Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Chùa Nôm cổ. 

Bước qua chiếc cổng, không gian rộng lớn của chùa hiện ra. Một ngôi chùa hoành tráng, mới tinh, với những cột gỗ lim khổng lồ một người ôm không xuể.

Trên chiếc cầu đá mấy trăm năm tuổi, đám học sinh nữ thướt tha thả bóng soi mặt hồ chụp ảnh. Chiếc cầu đá của ngôi chùa này khá đặc biệt, đã tồn tại mấy trăm năm, vẫn nguyên vẹn và như mới tinh.

Thú thực, tôi không hào hứng lắm với những ngôi chùa to vật vã, nhìn xa như trong những bộ phim dã sử Trung Quốc. Tôi chỉ đi được nửa ngôi chùa Bái Đính tráng lệ đang xây dựng thì quay về, nhưng có thể ngắm nghía ngôi chùa Bái Đính cổ bé xíu cả ngày không chán.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Vườn mộ tháp bằng đá ong. 

Anh bạn bảo, đây là chùa mới xây, chứ ngôi chùa Nôm cổ xưa thì bé lắm. Hóa ra, ngôi chùa Nôm cổ nằm ngay giữa khuôn viên ngôi chùa khổng lồ, dưới tán mấy cây cổ thụ.

Sư trụ trì Thích Đồng Huệ dừng tụng kinh chắp tay chào khách theo kiểu nhà Phật. Sư Huệ thân tình, cởi mở, giới thiệu qua về ngôi chùa Nôm để chúng tôi hiểu.

Thực tế, từ sân chùa chính vào chùa cổ chỉ là cổng phụ, lối sau chùa. Cổng chính ngôi chùa đã được xây kín lại. Toàn bộ khuôn viên chùa cổ đã lọt thỏm trong ngôi chùa chính được quy hoạch rộng cả chục ha, vô cùng hoành tráng.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Tượng đất dọc hai bên hành lang chùa. 

Xuyên qua con đường nhỏ phía hông chùa, tôi thực sự choáng ngợp trước một vườn mộ tháp bằng đá ong lên màu vàng chóe. Những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn. Dù chùa đã trải qua mấy lần đổ nát, trùng tu, song những tháp đã vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Sư Huệ không mở cửa chính, mà mở cửa phụ nhỏ xíu, chỉ lọt một người, kiểu cửa của chùa cổ, dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng những tác phẩm vô cùng độc đáo của ngôi chùa, đó là những pho tượng đất.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Nước sơn vẫn rất mới dù đã hàng trăm năm. 

Dọc hai bên hành lang là mái hiên ngói chạy dài. Tôi sững sờ trước hai dãy tượng sơn đủ các màu, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật.

Các pho tượng đất đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất, có thể là một hòn giả sơn, hoặc đơn giản chỉ là cái bệ. Đủ các thế tượng đứng, ngồi, gầy, béo, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên, tướng dữ…

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ

Riêng mỗi hành lang cũng có đến ngót 20 pho tượng lớn nhỏ, với những chủ đề khác nhau. Tượng đất nằm ở khắp nơi trong ngôi chùa cổ này.

Phía sau hậu cung là một không gian hết sức đẹp mắt, huyền bí. Cả một dãy núi với những hang động, mái đá được làm bằng đất. Trong các hang động, các vách đá là những bức tượng đất mô tả các vị thánh đang ngồi tịnh tâm, tu luyện.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Rất nhiều tượng đất trong núi đất nhân tạo. 

Các pho tượng mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Các vị thần cũng được mô tả như con người bình thường, nhưng rất thoát tục.

Theo sư Thích Đồng Huệ, từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét dân dã, thuần Việt. Điều này chứng tỏ trong con mắt của cha ông ta, Phật giáo rất gần gũi với đời sống con người, Phật giáo và đời sống như hòa làm một.

Tượng đất trong ngôi chùa cổ này có nhiều kích cỡ khác nhau. Có rất nhiều pho tượng nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay, trông như búp bê của trẻ con, song có những cặp tượng khổng lồ. Tổng cộng có 100 pho tượng bằng đất trong chùa Nôm.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Tượng đất khổng lồ cao đến 3m. 

Tôi thực sự bất ngờ trước những cặp tượng khổng lồ, cao đến 3m, uy nghi như những dũng tướng, thần sấm, thần sét đứng gác hai bên điện thờ. Khuôn mặt những vị tướng này thật gớm ghiếc, sinh động, trông y như người thật.

Phía dưới chân một pho tượng lộ ra một vết vỡ, nhìn vào thì nhận rõ chất liệu bằng đất sét. Thật không ngờ, những pho tượng khổng lồ làm bằng đất, chịu trọng lực lớn, mà vẫn tồn tại nguyên vẹn qua nhiều trăm năm.
Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ

Theo sư trụ trì Thích Đồng Huệ, hầu hết các ngôi chùa ở Việt Nam đều làm tượng bằng chất liệu gỗ hoặc đồng, bởi hai chất liệu này vừa dễ làm, lại đảm bảo độ bền.

Công đoạn làm tượng đất ở chùa Nôm đến nay vẫn chưa ai biết. Không có tài liệu nào để lại nói về phương pháp làm tượng.

Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ
Vết vỡ ở chân pho tượng khổng lồ lộ rõ chất liệu làm tượng bằng đất. 

Tuy nhiên, theo sư Huệ, làm tượng đất thường có công thức chung. Nguyên liệu cơ bản gồm đất sét, vôi, mật, giấy bản. Những thứ này được trộn đều, giã đến khi nhuyễn thành một hợp chất dẻo quánh, thì mới sử dụng nặn tượng.

Tượng đất nặn xong thì được phủ một hoặc nhiều lớp sơn phết bên ngoài. Lớp sơn vừa có chức năng bảo vệ tượng vừa nâng cao giá trị thẩm mỹ.

Bí quyết trong các tài liệu lịch sử Phật giáo thì ghi như vậy, nhưng ngày nay không ai làm được tượng đất nữa. Vậy nên, hơn chục năm trước, ngôi chùa bị trộm khênh mất 2 pho tượng đất, nhà chùa phải làm 2 pho tượng gỗ khác để thay thế vào chỗ khuyết.

Cả ngàn năm trước, các nghệ nhân đã biết sử dụng chất liệu đất để làm tượng, nhưng tượng đất thường không bền, nên càng về sau, tượng đất càng ít được dùng.

Hiện tại, ở miền Bắc chỉ thấy chùa Dâu (Bắc Ninh) là ngôi chùa rất cổ, có một số pho tượng bằng đất. Ở miền Nam thì có chùa Đất Sét (Sóc Trăng) được làm toàn bộ bằng chất liệu đất sét.

Tuy nhiên, chùa Đất Sét ở Sóc Trăng, dù được làm toàn bộ bằng đất sét, nhưng ngôi chùa này lại có rất ít tượng. Duy nhất chỉ có chùa Nôm còn tồn tại đến 100 pho tượng bằng đất.
Bí ẩn 100 pho tượng đất tuyệt đẹp trong ngôi chùa cổ

Còn tiếp…

Quân Lê


Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử

(VTC News) - Dạo một vòng quanh mỏm núi lảng bảng mây mù này, tôi có thể hình dung được cảnh tượng hoành tráng của một công trình Phật giáo khi xưa.
 
Chinh phục dãy Yên Tử từ sườn Đông về hướng Tây theo đường Xích Tùng cổ chạm đến địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang) thì phải dừng lại, vì rừng rú bịt bùng lối đi, tôi đành vòng sang huyện Đông Triều (Quảng Ninh), vùng đất Yên Sinh cổ, nơi có khu nghĩa địa 8 vị vua triều Trần.

Tôi như bắt được vàng khi cầm trên tay tập tài liệu của PGS.TS. Phan Khanh, do anh Nguyễn Văn Sơn – cán bộ Phòng Văn hóa – Truyền thông huyện Đông Triều cung cấp. Tài liệu có đoạn nói về các tuyến đường kết nối các di tích trên dãy Yên Tử từ 700 năm trước.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Quang cảnh từ đỉnh Phật Sơn, nơi có chùa Hồ Thiên, nhìn xuống. 

Theo đó, thời Trần, có một con đường từ chùa Quỳnh Lâm (trung tâm Phật giáo lớn nhất nước) đến đền Sinh, đền Thái, quần thể lăng mộ vua Trần, lên hệ thống Ngọa Vân, vòng sang chùa Hồ Thiên, Ba Bậc. Từ hệ thống di tích sườn Tây và Nam này, sẽ đi dọc sườn Yên Tử sang Hoa Yên, chùa Lân bên sườn Đông.

Như vậy, thời Trần đã tạo ra một con đường liên thông nối các di tích từ sườn Tây và Nam sang sườn Đông của dãy Yên Tử, tạo thành một con đường hành đạo thông suốt dài mấy chục km quanh dãy núi thiêng.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Những di vật của ngôi chùa Hồ Thiên nổi tiếng nằm lẫn với cỏ. 

Thậm chí, nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ học) còn đưa ra nhận định rằng, khu vực Ngọa Vân là cầu nối dài hệ thống chùa tháp của thiền phái này đến tận vùng Côn Sơn, Hải Dương ngày nay.

Như vậy, ngay từ thời kỳ đó, vùng đất núi cao rừng rậm này từng là một hệ thống di tích Phật giáo vô cùng rộng lớn, mà hiện nay chúng ta vẫn chưa thể tưởng tượng nổi, chứ đừng nói đến chuyện khám phá hết.

Nắm được con đường cổ kết nối các di tích Yên Tử, tôi tìm đến xã An Sinh. Nhà ông Nguyễn Hữu Tâm nằm ngay lăng mộ Trần Hiến Tông. Ông là người khá hiểu biết về sườn Tây và Nam Yên Tử.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Dấu vết nền chùa. 

Ông dẫn tôi lên đập Trại Lốc, con đập cao vòi vọi nhấn chìm cả 2 ngôi mộ khổng lồ của Trần Minh Tông và Trần Anh Tông, rồi chỉ tay ra tứ phía mô tả hệ thống di tích triều Trần ở vùng Yên Sinh cổ cho tôi nắm bắt.

Đứng trên đập Trại Lốc, phóng tầm mắt về phía Nam, nhìn thấy khu vực nơi từng là chùa Quỳnh Lâm, nhìn rõ quần thể đền An Sinh mới được phục dựng, mỏm đồi từng có đền Thái khổng lồ và những khe núi, đỉnh đồi, nơi từng có những quần thể lăng mộ, đền đài nổi tiếng thờ các vua Trần.

Thật đau lòng khi những di sản kỳ vĩ được ghi chép tường tận trong lịch sử, nằm trong tầm mắt khi đứng trên đập Trại Lốc giờ chẳng còn bóng dáng đâu nữa.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Chân đế còn, nhưng bia đá đã bị đập vỡ. 

Theo ông Tâm, từ đập Trại Lốc của xã An Sinh, sẽ có một con đường vòng cung đi lên am Ngọa Vân. Cứ bám dọc suối Trại Lốc, đi vòng sang phía huyện Lục Nam, xuyên qua những cánh rừng già, đại ngàn trúc, qua mấy dãy núi, lên đến đỉnh núi Bảo Đài (tên cổ là núi Vây Rồng), sẽ đến được am Ngọa Vân.

Còn một con đường nữa là xuất phát từ con suối của xóm Tây Sơn (xã Bình Khê, Đông Triều) đi thẳng nên sườn núi Bảo Đài. Chỉ đi một đoạn, rẽ ngang về hướng Đông, sẽ gặp một di tích hoang phế tuyệt đẹp, mà theo các nhà khoa học, đó là chùa Hồ Thiên nổi tiếng.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Những tảng đá chân cột còn rất nhiều và nằm lăn lóc ở phế tích chùa Hồ Thiên. 

Ông Tâm thuộc các con đường với những địa điểm có di tích làu làu, vì lúc còn trẻ ông hay vào rừng kiếm sống. Tuy nhiên, giờ ông tuổi cao, lại bị viêm đa khớp, đầu gối sưng tấy, không đi được nữa.

Ông Tâm đã kiếm cho tôi một người dẫn đường, cũng khá thuộc những con đường dọc ngang phía Tây và Nam Yên Tử. Vậy là chúng tôi vạch rừng lên đường.

Sớm tinh mơ, tôi cùng anh Tuấn – người dẫn đường đã có mặt ở con suối chảy về xóm Tây Sơn, thuộc xã Bình Khê.

Qua mấy sườn đồi rặt là vải, na, nhãn, anh Tuấn – người dẫn đường bảo đã đến chân núi Phật Sơn, ngọn núi thiêng của dãy Yên Tử.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Chân đế còn, nhưng tháp đá đã bị giật đổ. 

Từ chân ngọn núi này, cuốc bộ leo dốc quanh co, xuyên qua những khu rừng trúc ken dày, chừng 4 tiếng đồng hồ thì đến khu vực mà theo các nhà khoa học từng là chùa Hồ Thiên.

Thứ tôi nhìn thấy trên mỏm núi tuyệt đẹp không phải là một ngôi chùa cổ tráng lệ như trong sử sách mô tả, mà là vài gian nhà nhỏ xíu xây bằng gạch, trát vữa, quét sơn sáng bóng, lợp ngói đỏ au hoặc lợp tôn đỏ sẫm.

Một dãy nhà nữa trát vữa, chưa quét sơn, tường nứt loang lổ, mái lợp phibrôximăng.

Tuy nhiên, đi dạo một vòng quanh mỏm núi lảng bảng mây mù này, tôi có thể hình dung được cảnh tượng hoành tráng của một công trình Phật giáo khi xưa.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông cùng các phật tử dựng tạm một số ngôi nhà lòe loẹt trên nền cũ chùa Hồ Thiên để nhang khói và trông coi các di vật. 

Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng, rộng chừng 3ha trên mỏm phía Nam của núi Phật Sơn la liệt khắp nơi là các di vật khảo cổ.

Lẫn trong bụi cỏ, hốc cây là những phiến đá xanh đỗ vỡ ngang ngửa, những đống gạch vỡ vụn thời Trần, những tảng chân cột chạm trổ hình hoa sen rất lớn, những tượng voi, ngựa, rồng đá cụt đầu, cụt đuôi, những bia đá nứt vỡ được chắp vá vụng về.

Sử cũ ghi rằng, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông.

Sau khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông, vào thế kỷ 14, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp… để làm nơi truyền kinh giảng đạo.

Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình đứng ra trùng tu lại nguyên trạng.

Đi tìm ngôi chùa từng đẹp nhất thiên hạ trên núi Yên Tử
Một tảng đá chân cột rất đẹp và nguyên vẹn còn sót lại. 

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, tổng Thủy Sơn, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần… Trước chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về”.

Tại chùa, hiện vẫn còn một tấm bia đá xanh rất lớn, rất đẹp, có nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên đường của Hồ Thiên và ca ngợi công đức vô lượng của chúa Trịnh khi trùng tu ngôi chùa này.

Văn bia có đoạn: “Ngọn núi Đôi nổi tiếng miền Đông là thắng cảnh bậc nhất trong thiên hạ. Vân am long động (am mây hang rồng) sừng sững xanh xanh mây dồn gấm tụ đá núi liền tận Quỳnh Lâm Bảo Đài. Giáp ất lô trước đều là cảnh vắng rừng già vậy.

Mà động Trù Phong (chùa Hồ Thiên còn có tên là Trù Phong) sừng sững, nhấp nhô góp dồn xe biếc, bao đỉnh núi bao quanh, dồn sóng biển về dưới chân, chẳng phải mượn thế vân, riêng một càn khôn đẹp nhất trời một động.

Chỉ có nhà Trần vốn tôn sùng đạo Phật, từng mở núi san nền nơi đây, xâp tam cấp, dựng bảo tháp năm tầng, hệt như phép màu cất cánh bay lên, rỡ ràng vẻ đẹp hùng vĩ. Trải bao sương gió, nền móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy…”.

Chiến tranh liên miên, Phật giáo lúc thịnh, lúc suy, rồi ngôi chùa Hồ Thiên tráng lệ này bị lãng quên, chìm nghỉm trong đại ngàn hoang rậm, bị cỏ mọc lút gối. Dù Hồ Thiên có được nhắc đến trong sử sách, song chả ai biết nó ở đâu.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH