Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 14

(ĐC sưu tầm trên NET)

Vương Nghị: Trung Quốc chiếm Trường Sa dưới sự hỗ trợ của tàu quân sự Mỹ?!

(GDVN) - Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết phát ngôn này của ông Vương Nghị hoàn toàn sai sự thật.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Los Angeles Times.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times ngày 23/6 đã có những phát biểu bóp méo sự thật về cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tờ báo Mỹ đặt câu hỏi với ông Nghị:
"Trung Quốc gần đây đã thông báo rằng nước này đã dừng một số công trình xây dựng gây tranh cãi trên một số hòn đảo (thực tế là các bãi đá ngầm, rặng san hô dưới mặt nước biển mà Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông, đây là đối tượng chính tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và thậm chí va chạm với cả Hoa Kỳ. Có phải công việc này ngừng lại là một phản ứng với những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế?"
Ông Nghị trả lời: "Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ công bố thông tin này vì các dự án xây dựng có liên quan sắp hoàn thành. Chúng tôi đã lường trước được ý kiến từ các phương tiện truyền thông nói rằng Trung Quốc phải dừng (hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp - PV) vì áp lực từ phía Mỹ. Điều này hoàn toàn không đúng sự thật". Như vậy ông Vương Nghị đã xác nhận quyết tâm của Trung Quốc muốn thôn tính Biển Đông là không có gì thay đổi, không những không xuống thang mà còn là một bước leo thang mới nguy hiểm hơn - PV.
"Chúng tôi không thể chỉ đơn giản tiến hành công việc xây dựng mãi được, cũng không chỉ đơn giản dừng vì sợ những ý kiến như vậy từ truyền thông. Trên một số điểm chúng tôi phải dừng lại vì kế hoạch xây dựng đã hoàn thành", ông Nghị xác nhận hoạt động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa - PV.
Chưa dừng lại, Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục luận điệu đánh lừa dư luận khi nói rằng: "Tất nhiên, tôi muốn nói với các bạn rằng hoạt động xây dựng được tiến hành trên các đảo và rặng san hô ở Biển Đông không phải bắt đầu ngày hôm qua, cũng không phải bắt đầu từ Trung Quốc. Chúng tôi cần phải nói rõ ràng điều này. Việt Nam và Philippines đã bắt đầu xây dựng công trình trên quy mô lớn từ 20, 30 năm trước đây trên các đảo (ông Nghị nói là) họ đã chiếm đóng bất hợp pháp. Và Trung Quốc đã có sự kiềm chế tuyệt vời".
Thứ nhất, mọi hoạt động xây dựng củng cố chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp, chính Trung Quốc nhảy vào xâm lược 6 bãi đá năm 1988, đá Vành Khăn năm 1995 và chiếm đóng bất hợp pháp tại đây. Do đó kẻ cướp không có tư cách đòi "công bằng" với chủ nhà! Thứ hai, cả thế giới này biết rằng Việt Nam chỉ cải tạo các công trình phục vụ hoạt động thực thi chủ quyền chính đáng của Việt Nam trên các đảo và không làm thay đổi tính chất pháp lý cũng như hiện trạng của chúng.
Mặt khác, cả thế giới cũng đã thấy rõ, toàn bộ diện tích các bên yêu sách ở Trường Sa bồi lấp mở rộng cộng lại cũng không bằng một phần nhỏ diện tích Bắc Kinh bồi lấp chỉ trong vòng 1 năm. Trung Quốc đã biến các bãi đá ngầm, rặng san hô dưới mặt nước biển dạng hoàn toàn thành đảo nổi nhân tạo bất hợp pháp, phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái Biển Đông.
Động thái này của Trung Quốc đã gây ra khủng hoảng, căng thẳng leo thang trong khu vực, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã đặt bút ký với ASEAN năm 2002 - PV.
Ông Nghị tiếp tục nói lời sai sự thật: "Tôi nghĩ rằng có một thực tế cơ bản mà cộng đồng quốc tế phải học, và đó là những hòn đảo và rặng san hô của quần đảo Trường Sa, chúng tôi đang nói về lãnh thổ Trung Quốc. Tôi nghĩ Hoa Kỳ biết rõ điều này hơn ai hết. Bởi vì vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, Trung Quốc đã tái chiếm (cái ông Nghị gọi là) chủ quyền trên quần đảo Trường Sa từ tay quân đội Nhật chiếm đóng, và đó là một hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Người Trung Quốc đã tái chiếm (cái ông Nghị gọi là) chủ quyền với sự hỗ trợ của tàu quân sự Mỹ"?!
Xung quanh việc đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen bóp méo lịch sử này của ông Ngoại trưởng Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và được ông cho biết, có lẽ cái mà ông Vương Nghị nói là "hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ" là sự kiện chính quyền Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa Đồng minh giải giáp vũ khí Nhật đánh chiếm bất hợp pháp đảo Ba Bình của Việt Nam năm 1946.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Thời điểm này, Pháp đang đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại quản lý và thực thi chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, bao gồm đảo Ba Bình.
Ông Trần Công Trục cho hay, việc quân Tưởng "giải giáp vũ khí Nhật" không liên quan gì đến chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, sự kiện quân Tưởng đánh chiếm đảo Ba Bình năm 1946 về bản chất là hành động xâm lược, đục nước béo cò và không có bất cứ giá trị nào về mặt pháp lý khi tranh tụng về chủ quyền.
Mặt khác chính quyền Tưởng Giới Thạch sau khi thua trận chạy sang đảo Đài Loan và vẫn tồn tại cho đến ngày nay, việc ông Nghị muốn thay mặt cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa hành động xâm lược Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam từ chính quyền Tưởng Giới Thạch không có ý nghĩa hay giá trị gì cho yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc - PV.
Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục bóp méo lịch sử khi nói rằng: "Ngay cả vào cuối những năm thập niên 1960, chưa bao giờ Việt Nam hay Philippines phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo này". Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết phát ngôn này của ông Vương Nghị hoàn toàn sai sự thật.
Thứ nhất, tháng 9 năm 1951 tại Hội nghị San Francisco, Hoa Kỳ, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam đã long trọng tuyên bố trước 51 quốc gia tham dự, bao gồm Trung Quốc: "Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Đại biểu Trung Quốc không có ý kiến gì về tuyên bố này.
Cần lưu ý rằng, sau thời kỳ Pháp đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại tiếp tục thực thi và khẳng định chủ quyền một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khi Pháp rút khỏi Việt Nam, đại diện dân tộc Việt Nam khi đó là chính quyền Quốc gia Việt Nam, sau này là Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và hiện tại là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp quản và thực thi chủ quyền liên tục với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong đó Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên đặt bút ký đã xác định rõ, trong lúc chờ tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cả trên pháp lý lẫn thực tiễn.
Tiến sĩ Trần Công Trục ngày 28/7/2012 đã từng cho biết trên tờ Infornet: Ngày 22/8/1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra quần đảo Trường Sa để chiếm giữ, bảo vệ quần đảo này trước những hoạt động xâm lấn của các lực lượng nói trên, Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa như:
Tổ chức đoàn nghiên cứu thuỷ văn do Saurin dẫn đầu; cho phép kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Từ năm 1957, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cử một đại đội thuỷ quân lục chiến ra quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thay thế cho quân của đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 142.
Bia chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa lập tại đảo Song Tử Tây năm 1956. Ảnh: Tuoitre News.
Và cũng với thủ đoạn lén lút như 3 năm trước đó, ngày 21/2/1959, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hoà nhằm đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đã phá tan được âm mưu này. 82 "ngư dân" và 5 thuyền đánh cá vũ trang của Trung Quốc đã bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó trả cho Trung Quốc.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, ngay khi xảy ra các trận hải chiến tháng 1/1974 Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Quan sát viên của Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hợp Quốc đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra Tuyên bố kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hoà bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Tuyên bố nêu rõ lập trường của mình:
- Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.
- Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
- Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị là láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 21/1/1974, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã gửi Công hàm cho các thành viên ký kết Định ước Paris đề nghị các thành viên lên án và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ Việt Nam theo đúng nội dung Điều 1 và Điều 4 của Định ước này.
Ngày 30/3/1974, tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng Kinh tế Liên hiệp quốc về Châu Á và Viễn Đông (ECAPE) tại Colombo, phái đoàn Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 2/7/1974, tại kỳ họp thứ 2 Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS III) diễn ra tại Caracas (20/6 - 29/8/1974), đại biểu của Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này là không tranh chấp và không thể thương lượng.
Do đó những phát biểu ngụy biện sai sự thật của ông Vương Nghị với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã bị Tiến sĩ Trần Công Trục vạch trần.
Ông Nghị nói tiếp: "Nhưng bạn biết rằng sau đó đã có một cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm ở Trung Quốc, một khoảng thời gian sóng gió lớn, vì vậy Trung Quốc đã quá bận rộn với chuyện này hơn là để ý đến các đảo và đá ngầm, và điều đó đã cho các nước khác một cơ hội".
"Một yếu tố khác là thời điểm đó có những suy đoán về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú, do đó các nước láng giềng bắt đầu chiếm các đảo và rặng san hô, đó là nguồn gốc của tình trạng tranh chấp hiện tại, những yêu sách của 5 nước 6 bên. Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo và đá ngầm, và chủ quyền của chúng tôi bị xâm phạm nghiêm trọng. Đây là thực tế cơ bản", ông Nghị đổi đen thành trắng.
"Nhưng bất chấp tất cả điều này, Trung Quốc vẫn theo đuổi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn. Chúng tôi sẽ vẫn giữ cam kết này và không có bất kỳ thay đổi nào về lập trường này", Ngoại trưởng Trung Quốc ngụy biện.
Những phát ngôn của ông Vương Nghị về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không lòe được ai, nó chỉ tố cáo dã tâm bành trướng, thôn tính Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của láng giềng nhằm ngụy biện che giấu cho những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ngoài Biển Đông hiện nay - PV.
Hồng Thủy

Côn đồ hỗn chiến náo loạn trước chợ Bến Thành

Ngày 25.6, một lãnh đạo Công an Q.1 (TP.HCM) cho biết đã chỉ đạo công an phường điều tra xác minh làm rõ vụ 2 nhóm thanh thiếu niên đánh nhau giữa trung tâm thành phố gây náo loạn, khiến người đi đường khiếp sợ tối 24.5.

Nhóm thanh niên gây ra vụ hỗn chiến giữa trung tâm Sài Gòn Nhóm thanh niên gây ra vụ hỗn chiến giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh: cắt từ clip của anh S. cung cấp
Theo một số người chứng kiến vụ việc, lúc đó khoảng 21 giờ 30, tại khu vực vòng xoay Quách Thị Trang trước cửa chợ Bến Thành (Q.1) xảy ra một vụ “hỗn chiến” bằng chai bia, ly thủy tinh, gậy, đá giữa 2 nhóm thanh thiếu niên khiến nhiều người đi đường hốt hoảng, tháo chạy tán loạn.
Anh N.V.S (22 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) kể lúc đó anh chở bạn gái đi qua thì gặp một nhóm khoảng 10 thanh niên bị một nhóm khác đông hơn tay cầm chai bia, ly thủy tinh, đá, gậy gỗ vừa truy đuổi vừa ném tới tấp. Vụ việc diễn ra khiến nhiều người đi đường hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, hô hoán thất thanh.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trưa 25.6, tại hiện trường vẫn còn nhiều mảnh vỡ thủy tinh nằm rải rác dọc theo vòng xoay. Một chị bán nước trước Bệnh viện đa khoa Sài Gòn kể: “Lúc đó, tôi thấy một nhóm chạy trước, còn nhóm chạy phía sau thì có 2 - 3 thanh niên hô “ném chết mẹ nó luôn”. Sau đó chai, ly bay vèo vèo và mảnh vỡ thủy tinh văng tứ tung”.
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Trưởng công an P.Bến Thành, Q.1, cho biết: “Lúc xảy ra vụ việc, lực lượng bảo vệ dân phố của phường trực chốt gần đó nhận tin báo chạy đến can thiệp thì 2 nhóm đã rời khỏi hiện trường. Qua xác minh ban đầu, công an phường ghi nhận không có ai bị thương và 2 nhóm này tuổi đời trạc từ 14 - 15. Công an phường đang phối hợp với công an quận tiếp tục xác minh làm rõ”.
Đàm Huy - Đức Tiến

Tài “bói toán” của giáo sư Trần Văn Khê

TP - Tôi may mắn được gặp GS Trần Văn Khê nhiều lần, từ khi ông về nước. Ban đầu, khi xin gặp ông, tôi cứ nghĩ gặp một giáo sư khả kính, danh tiếng thế giới từng là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO… thì sẽ rất khó.
GS Trần Văn Khê thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc GS Trần Văn Khê thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc
Tuy nhiên, chỉ thông qua cô tiếp tân khách sạn Sài Gòn (khi về nước năm 2004 ông được bố trí ở khách sạn này) nhắn lại, ông đã gọi điện thoại lại hẹn gặp tôi. Đó là thời điểm tháng 8/2005. Tôi gặp ông với mong muốn được trao đổi về ký ức của những ngày Cách mạng tháng 8/1945.
Ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của khách sạn, không có gì nhiều ngoài sách vở. Ông bảo khi về nước, đem về toàn bộ sách vở, tư liệu của bao năm nghiên cứu về âm nhạc, văn hóa dân tộc Việt. Chỉ sách vở, băng đĩa thôi mà cũng đến hơn 460 kiện hàng. Ông hào hứng kể về ký ức của những ngày cách mạng không bao giờ quên, từ chuyện cùng bạn bè thành lập ban tuyên truyền lưu động Nam bộ đi khắp miền Nam quyên góp cho cách mạng tới chuyện dàn dựng, hát những ca khúc cổ động của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước.
Chỉ gặp tôi lần đó nhưng ông đã nhớ tên, quen mặt. Những lần sau, dù tôi chưa tự giới thiệu ông đã gọi đúng tên và ân cần hỏi han. Ở đêm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tại khách sạn Sofitel, ông bảo: “Tôi đã từng nghe bài Dáng đứng Bến Tre khi còn ở nước ngoài và thật bất ngờ khi biết nhạc sỹ sáng tác bài này lại là người sinh trưởng ở miền ngoài, vậy mà ca từ, giai điệu lại như của một người sinh ra và sống trên mảnh đất Bến Tre. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc như được nghe một cô gái Đồng bằng sông Cửu Long hát quan họ hay một chàng trai Hà Nội hát đờn ca tài tử Nam bộ, điều đó thể hiện đất nước ta thống nhất không chỉ về địa lý, về pháp lý, nhân chủng mà còn trong tình cảm văn hóa”.
Hay như lần tham gia diễn thuyết về đề tài “Nét hài hòa trong ẩm thực Việt Nam”, ông đã hào hứng gọi các phóng viên tới, minh họa bằng chính món gỏi cuốn đầy tự hào hương vị Việt. Khi còn ở nước ngoài, ông từng đi nói chuyện nhiều nơi về văn hóa ẩm thực của người Việt và cho rằng, ẩm thực của người Việt đã trở thành một môn nghệ thuật cần phải quảng bá, nâng tầm cao mới.
Nhớ lần khi ông được cấp căn nhà ở số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào đầu năm 2006, dịp Tết đó tôi tới nhà chúc thọ ông. Ông vui vẻ trò chuyện về những dự án sẽ làm tại ngôi nhà mới này như nói chuyện chuyên đề, giao lưu về nghệ thuật âm nhạc dân tộc, biến ngôi nhà thành nơi lưu trữ, trưng bày về âm nhạc dân tộc.
Thời điểm đó, cồng chiêng Tây Nguyên vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông cho rằng, thời gian tới, những di sản âm nhạc khác của người Việt như ca trù, đờn ca tài tử, quan họ cũng sẽ sớm được UNESCO công nhận vì những giá trị không thể phủ nhận của những môn nghệ thuật này. Và quả đúng như ông tiên đoán, những loại hình nghệ thuật âm nhạc này đều đã được công nhận vào những năm sau đó.
Khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi gọi điện thoại để trao đổi với ông, nhưng chỉ có người giúp việc nghe máy và thông báo rằng ông bệnh nặng, đang điều trị trong bệnh viện. Vậy mà chỉ một lát sau, ông đã gọi cho tôi, nói là “bác sỹ không cho tôi nghe điện thoại, nhưng khi biết tin đó tôi rất vui, cảm giác khoẻ lên rất nhiều và muốn gọi tới để chia sẻ”.
Ông nói về niềm vui khi đờn ca tài tử được thế giới công nhận. Ông nói rằng, sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc đờn ca tài tử của miền đất phương Nam và chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống đang hòa vào dòng chảy văn hóa nhân loại.

Tài “bói toán” của giáo sư Trần Văn Khê - ảnh 1 GS Trần Văn Khê năm 2014
Lần cuối cùng tôi gặp GS Trần Văn Khê có lẽ là tại cuộc họp báo cuộc thi Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức cuối năm 2014. Thời điểm này, sức khỏe ông đã kém rồi, nhưng nghe tin lần đầu tiên cuộc thi nhan sắc có uy tín hàng đầu Việt Nam sẽ tổ chức vòng thi chung khảo phía Nam tại Bạc Liêu, cái nôi của đờn ca tài tử, ông rất vui mừng. Tại cuộc họp báo, ông nói: “Áo dài là trang phục bên ngoài, còn đờn ca tài tử là nội dung bên trong. Tổng hòa những điều đó sẽ là nét đẹp của người đẹp, là văn hóa của miền Nam nước Việt”.    

Tiềm năng xuất khẩu quả vải vào thị trường khó tính Australia

Đỗ Vân (TTXVN/Vietnam+) Bản in
Trái vải Việt Nam sẽ tiến vào thị trường khó tính Australia. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Sau 12 năm đàm phán, thị trường vốn được coi là rất kỹ tính Australia đã sẵn sàng đón nhận trái vải của Việt Nam.

Đây thật sự là một tin mừng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thực tế không chỉ có màu hồng, Việt Nam cần phải hoàn thiện rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội vàng này.

Ngày 17/4, Bộ Nông nghiệp Australia đã có thư chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với nội dung cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam vào thị trường Australia.

Tuy thời gian cấp phép ngay sát với thời điểm thu hoạch, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đã vượt qua các khâu kiểm dịch khắt khe và có mặt tại các chợ đầu mối ở Xứ Kangaroo.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, chỉ có 11,2% trong số 23 triệu dân Australia ăn vải. Do vậy, cơ hội thị trường vẫn có thể được mở rộng. Tuy nhiên, vải lại là loại trái cây rất mau hỏng, nên muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Bộ Nông nghiệp Australia, các nhà quản lý Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết hiện tồn tại một bất cập là vùng trồng vải xuất khẩu chủ yếu nằm ở Bắc Giang và Hải Dương, trong khi cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn được cấp phép lại nằm ở khu vực phía Nam. Điều này làm cho việc vận chuyển trái vải qua nhiều công đoạn gây hao hụt chất lượng và gia tăng chi phí.

Chưa kể đến việc hiện nay mới chỉ có một vài cơ sở đóng gói và chiếu xạ dẫn đến việc ít nhiều độc quyền về giá, do vậy trái vải khi xuất sang đến Australia thì chi phí đã đội lên 11-12 AUD/kg, rất khó cạnh tranh với các loại hoa quả khác.

Để xuất khẩu trái vải sang Australia, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tuân thủ các quy định về vệ sinh kiểm dịch của nước sở tại, đặc biệt là dư lượng thuốc trừ sâu, bởi nếu như phát hiện trái vải Việt Nam vẫn còn dư lượng thuốc trừ sâu, toàn bộ lô hàng sẽ bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu ở Australia. Không chỉ thế, uy tín của doanh nghiệp sẽ giảm sút, các lô hàng vải sau sẽ càng bị kiểm tra ngặt nghèo hơn

Tuy nhiên, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Australia, trái vải Việt Nam sẽ có được chỗ đứng vững chắc ở đây.

Anh Hoàng Vi Cao, quản lý doanh nghiệp thuộc Công ty TCT Export đóng tại Sydney, cho rằng Australia không hoàn toàn là thị trường khó tính. Để tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu vải, cần có sự phối hợp đồng bộ, khoa học giữa các nhà vườn với nhau cũng như với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đặc biệt cần đầu tư kho lạnh, xe container lạnh sau quá trình thu hoạch và vận chuyển để đảm bảo chất lượng quả vải. Và nếu như trái vải được hỗ trợ chi phí vận chuyển thì đặc sản này của Việt Nam còn tiếp tục đến được nhiều thị trường nước ngoài hơn./

Bất chấp bị phản đối, Trung Quốc vẫn ngang ngược nói sẽ tiếp tục xây dựng đảo đá trái phép

Dân trí Trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/6 ngang ngược nói Bắc Kinh "sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng liên quan" tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam "theo kế hoạch".

Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân. (Ảnh:
Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân. (Ảnh: China News)

Theo China News, tại cuộc buổi họp báo thường kỳ ngày 25/6, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã trả lời phóng viên về các hoạt động xây dựng mở rộng các đảo đá mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa.

Ông Dương nói: Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng liên quan theo kế hoạch.

Khi được hỏi hiện hoạt  động bồi lấp tại các đảo đá đã kết thúc hay chưa, ông Dương nói: trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng theo kế hoạch. Còn việc khi nào mới hoàn thành thì "cần phải căn cứ vào tiến độ công trình và các điều kiện khác mới xác định được".

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 16/6 tuyên bố việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông sẽ sớm kết thúc. “Theo như kế hoạch, dự án cải tạo đất các công trình xây dựng của Trung Quốc trên một số đảo và đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) sẽ hoàn tất trong những ngày tới.”

Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo mở rộng diện tích trên các đảo đá chiếm đóng trái phép tại quần đảoTrường Sa nhằm "khẳng định chủ quyền" phi pháp và lộ rõ mưu đồ bá chủ tại khu vực Biển Đông. 
 
Hoạt động của Trung Quốc tôn tạo và xây dựng mở rộng các đảo đá chiếm đóng trái phép tại Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng lãnh thổ thuộc chủ quyền của các nước láng giềng.

Việt Nam và Philippines đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng này của Trung Quốc.
 

Hương Giang 
Theo China News

Đại gia Myanmar xuất chiêu, bầu Đức "choáng" toàn tập

“Chiều nay có một người Myanmar đến mua nhà. Anh ta mua một lúc 27 căn, chuyển tiền một cái rụp 6 triệu euro. Tôi làm bất động sản ở Việt Nam bao nhiêu năm nhưng chuyện này chưa hề xảy ra” - bầu Đức nói, giọng điệu vừa có vẻ ngạc nhiên vừa thích thú.

    Đại gia Myanmar xuất chiêu, bầu Đức "choáng" toàn tập
    “Ở Việt Nam cá nhân mua nhà cao lắm là một, hai căn, và chuyển tiền cũng làm nhiều lần chứ không như trường hợp này. Đúng là không đụng hàng” – chủ tịch HAGL tiếp.
    Hiện bầu Đức đang chào bán căn hộ trong Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar. Giá ông bán trung bình 2.700 USD/m2, căn hộ trung bình có giá tầm 250 ngàn đến 320 ngàn USD. Đây được xem là mức giá hời ở khu đất ở Yangon đẹp như đất Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Khu phức hợp này HAGL đầu tư 440 triệu USD, bao gồm văn phòng cho thuê, căn hộ, trung tâm hội nghị, tiệc cưới, trung tâm mua sắm và một khách sạn 5 sao mang tên Melia Yangon 430 phòng do tập đoàn nổi tiếng Melia quản lý.
    Với mức đầu tư này, HAGL đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanamar.
    Đây cũng là dự án đầu tư lớn thứ 2 của bầu Đức ra nước ngoài, sau cú đầu tư 1 tỉ USD vào Lào, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của tỉnh Attapeu vốn bị xếp là nghèo nhất nước.
    Trong buổi bàn giao giai đoạn một diễn ra ngày 23.6 có sự tham dự của thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, phái đoàn Myanmar do ngài Phó tổng thống Sai Mauk Kham dẫn đầu đã ghi nhận “công lao của ông Đoàn Nguyên Đức đã góp phần giúp giá bất động sản Myanmar gần về với giá trị thực”.
    Trong buổi lễ này, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã khánh thành Trung tâm thương mại và 2 block văn phòng cho thuê 27 tầng với diện tích sàn xây dựng 161.843 m2. Khách sạn 5 sao với quy mô 429 phòng mang thương hiệu Melia Yangon. Đây là tòa nhà cao 23 tầng, diện tích sàn xây dựng là 53.986m2.
    Cách đây 2 năm, bầu Đức đã xác định dự án khu phức hợp này sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho HAGL trong tương lai bởi bối cảnh lúc đó, và đến tận bây giờ, giá bất động sản cùng giá cho thuê văn phòng hạng A đều ở mức trên trời.
    Ngay sau lễ khởi công, bầu Đức đã ra lệnh thi công 24/24 với gần 5.000 lao động địa phương cùng nhân lực cao cấp bên Việt Nam sang, làm việc quần quật để đạt tiến độ do... bầu Đức đề ra.
    “Hiện tại giá thuê văn phòng loại B ở Yangon là 80 – 90 USD/m2. HAGL chỉ cho thuê 60 USD/m2 thôi” – bầu Đức cho biết.
    Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng cho thuê khi mặt bằng văn phòng vẫn chưa khô bê tông. Trong đó có cả đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar.
    Càng làm việc với Myanmar, có vẻ như bầu Đức càng khoái với cách làm ăn của người ở đây, có nhiều cái “không đụng hàng”.
    Ngoài cái lạ như đại gia chồng cái rụp 6 triệu euro kể trên còn có một doanh nhân, nhỏ hơn nhiều, đến thuê 190m2 dưới đất tại khu phức hợp để kinh doanh trong 3 năm nhưng không thích trả tiền thuê.
    Doanh nhân này đề nghị bầu Đức cầm trước 3 triệu đô la, sau 3 năm “tôi sẽ trả mặt bằng nhưng ngài cho tôi xin lại 3 triệu đô la và coi như tôi miễn trả tiền thuê”.
    Cách làm ăn của người Myanmar có vẻ đang khiến bầu Đức “rất khoái”. Ông đang cân nhắc nghiêm túc khả năng bán 50% khu phức hợp cho các đối tác đang đàm phán. Và với tốc độ bán nhà, cho thuê mặt bằng nhanh thế này, nhiều người tiên lượng rằng “dễ gì bầu Đức chịu chặt nửa con gà" cho người khác.
    Với diện tích sàn xây dựng kể trên, và nếu công suất cho thuê đạt 100% thì chỉ trong giai đoạn 1 này, người ta có thể lẩm nhẩm mỗi tháng bầu Đức bỏ túi ngót 10 triệu USD tiền thuê văn phòng.
    Và khách sạn 5 sao Melia Yangon 429 phòng, với giá phòng 5 sao tại Yangon hiện tại từ 250 – 300 USD/phòng/ngày, chúng ta có thể nhẩm tính dòng tiền của bầu Đức trong thời gian tới.
    Đấy là chưa kể giai đoạn 2 của dự án sẽ đi vào hoạt động năm 2017.
    Theo Lê Huỳnh Lê 
    Theo Trí Thức Trẻ/Một Thế Giới

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét