Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 6

 (ĐC sưu tầm trêh NET)

Bầu Đức ‘ôm hận’ mất 104 tỷ đồng

Thêm một tuần làm việc không mấy suôn sẻ với ông bầu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khi cổ phiếu HAG tụt dốc, mất 2,2%, về mốc 17.600 đồng/cổ phiếu, khiến cho bầu Đức phải "ôm hận"' mất 104 tỷ đồng.

Tuần làm việc từ 15 - 17.6, cổ phiếu HAG có 2 phiên giảm giá, 2 phiên chững và chỉ duy nhất có một phiên tăng giá nhẹ. Cụ thể, ngày 15.6, cổ phiếu HAG mất 1,1%, tương đương với mức giảm 200 đồng/cổ phiếu. Ngày 16.6, cổ phiếu HAG quay đầu tăng giá nhẹ, lên 100 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên ngay ngày hôm sau, cổ phiếu HAG lại tiếp tục giảm 200 đồng/cổ phiếu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Trong 2 phiên cuối tuần, cổ phiếu HAG tạm thời chững lại, giữ nguyên mốc 17.600 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, tổng kết chung trong tuần, cổ phiếu HAG mất 300 đồng/cổ phiếu, khiến bầu Đức phải chấp nhận "ôm hận" mất đi hơn 104 tỷ đồng.
Trước đó, trong tuần làm việc từ 8 - 12.6, cổ phiếu HAG cũng có 2 phiên tăng giá và 2 phiên giảm giá, tuy nhiên tổng kết chung lại thì cổ phiếu HAG vẫn giữ nguyên mức giá so với tuần trước đó, khiến khối tài sản của bầu Đức vẫn tiếp tục giữ nguyên.
Hiện, ông bầu Đoàn Nguyên Đức vẫn giữ vị trí thứ 2 trong Top những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối lượng tài sản trên 6.107 tỷ đồng, chỉ đứng sau tỉ phú Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Theo Motthegioi.v

Một tuần, tỷ phú Phạm Nhật Vượng 'trúng đậm' gần 550 tỷ đồng

Tạm nhường phần lợi nhuận lớn cho bầu Đức vào tuần trước, sang tuần làm việc đầu tiên của tháng 6, tỉ phú Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có cú bứt phá ngoạn mục khi cổ phiếu của Vingroup (mã VIC) tăng trưởng mạnh mẽ, giúp người giàu nhất sàn chứng khoán Việt thu về gần 550 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là một trong những tuần thành công đối với tỉ phú Phạm Nhật Vượng khi cổ phiếu VIC có đến 3 phiên tăng giá mạnh và chỉ có duy nhất 1 phiên giảm giá.
Cụ thể, trong ngày làm việc đầu tiên của tháng 6, cổ phiếu VIC tăng 2,5% (tương đương mức tăng 1.200 đồng/cổ phiếu), lên ngưỡng 48.700 đồng/cổ phiếu. Mặc dù ngay sau đó (ngày 2/6) cổ phiếu VIC lại mất 1,2% (tương đương mức giảm 600 đồng/cổ phiếu), nhưng sang ngày 3.6, cổ phiếu VIC lại quay đầu tăng điểm.
Theo đó, ngày 3/6 và ngày 4/6, cổ phiếu VIC lần lượt tăng 0,4% và 1%, tương đương mức 200 đồng/cổ phiếu và 500 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, ngày 5/6, cổ phiếu VIC tạm thời chững lại.
Như vậy, tổng kết chung cả tuần, cổ phiếu VIC đã tăng 1.300 đồng/cổ phiếu so với tuần trước, giúp cho tỉ phú Phạm Nhật Vượng "bổ sung" vào khối tài sản của mình gần 550 tỷ đồng.
Hiện, tỉ phú Vingroup vẫn chiếm lĩnh ngôi vị đầu bảng trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với khối tài sản trên 20.642 tỷ đồng.
Trước đó, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có một tuần làm việc cuối cùng của tháng 5 không mấy suôn sẻ khi cổ phiếu VIC giảm 2%, tương đương mức giảm 800 đồng/cổ phiếu. Sự sụt giảm này đã làm cho tỉ phú Vingroup mất trắng 338 tỷ đồng.

Theo VietNamNet

Tha hồ nợ bảo hiểm thất nghiệp?

07:37 20/06/2015

Luật cũ hết hiệu lực, luật mới lại không quy định về truy thu, tính lãi với tiền chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do vậy, từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng “bó tay” trước những đơn vị chậm nộp BHTN.

Tha hồ nợ bảo hiểm thất nghiệp?
Người dân Hà Nội làm thủ tục hưởng bảo hiểm. Ảnh: Ngọc Châu.
Ngân sách nhà nước nợ có tính lãi?
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng tăng cả về số đơn vị và số tiền nợ. Tuy nhiên, các trường hợp nợ BHXH, BHYT đều bị xử lý theo Luật BHXH. Riêng với BHTN, tới nay chưa có quy định xử lý vi phạm và tính lãi với số tiền chậm đóng. Trong khi, đây là những công cụ quan trọng, nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHTN, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Trước đây, BHTN được quy định trong Luật BHXH và việc xử phạt, tính lãi chậm đóng BHTN được tính như với BHXH. Khi Luật Việc làm ra đời, quy định về BHTN được chuyển sang Luật Việc làm (có hiệu lực từ 1/1/2015). Tuy nhiên, luật này lại không quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và tính lãi chậm đóng với BHTN.
Ngoài ra, theo Luật Việc làm, Quỹ BHTN được hình thành từ đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ (tối đa 1% tiền lương tháng của người lao động). Tuy nhiên, thực tế ngân sách nhà nước chiếm gần 50% số nợ của BHTN.
Cụ thể, theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính hết năm 2014, số tiền nợ BHTN là hơn 336 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước nợ hơn 151,9 tỷ đồng, thu tiền lãi chậm đóng được 25 tỷ đồng. Tương tự, năm 2013, nợ BHTN là hơn 572,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước nợ hơn 359,6 tỷ đồng, thu lãi chậm đóng được hơn 18,8 tỷ đồng.
Chiều 18/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Điều Bá Được- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định, việc xử phạt và tính lãi chậm đóng BHTN được thực hiện đồng bộ, không phân biệt nguồn đóng (doanh nghiệp và ngân sách nhà nước nợ đều được tính như nhau). “Còn thực tế có thu lãi với ngân sách nhà nước nợ BHTN hay không, tôi cũng chưa nắm được”, ông Được nói.
Theo ông Được, từ đầu năm 2015, Luật Việc làm có hiệu lực không có quy định xử lý vi phạm, tính lãi chậm đóng với BHTN, nên đơn vị bảo hiểm cũng chưa biết tính thế nào. “Vì vậy, việc tính lãi với hành vi chậm nộp BHTN đang phải tạm dừng”, ông Được nói.
Từ thực tế này, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành văn bản quy định về các hành vi và hình thức xử lý vi phạm đóng BHTN. Đồng thời, tính lãi chậm đóng BHTN như tính lãi với BHXH.
Đợi các bộ, ngành cho ý kiến
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thu BHTN đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Tình trạng nợ BHTN chưa được ngăn chặn hiệu quả, do không có quy định về truy thu tiền và tính lãi tiền chậm đóng BHTN. Ngoài ra, việc xác định đối tượng thu BHTN tại các đơn vị nhà nước gặp vướng mắc vì quy định chưa cụ thể.
Về quy định các hành vi và xử lý vi phạm với BHTN, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động), trong đó có nội dụng về BHTN. Khi nghị định mới ra đời, các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm về BHTN sẽ được thực hiện theo nghị định này.
Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, khuôn khổ pháp lý hiện tại chưa có quy định việc truy nộp và tính lãi chậm đóng BHTN. Do đó, bộ này đề xuất, trước mắt cho phép tính lãi chậm đóng BHTN như tính với BHXH, được quy định trong Luật BHXH 2006 (có hiệu lực hết tháng 12/2015).
Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH đang được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ những nội dung này. Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang đợi phản hồi của các bộ ngành, nên chưa bình luận được gì.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong 3 năm 2012-2014, BHTN thu được 30.913 tỷ đồng. Tuy nhiên, số người hưởng BHTN cũng tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2012, có 583.645 lượt người hưởng BHTN, với số tiền 2.645 tỷ đồng. Năm 2014, con số này tăng lên 785.789 lượt người, với số tiền 4.528 tỷ đồng.
Theo Báo Tiền Phong

Mỗi trường hợp tử hình tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng

Đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin khó tưởng tượng, mỗi trường hợp bị án tử hình phải đưa từ các tỉnh thành xa tới nơi có nhà thi hành án để tiêm thuốc độc chi phí khoảng 200-300 triệu đồng…

  Mỗi trường hợp tử hình tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1

Đại biểu Phạm Xuân Thường: Đưa một bị án tử hình từ Lào Cai về Sơn La, từ Thái Bình vào Nghệ An để thi hành án tốn 200-300 triệu đồng (ảnh: Việt Hưng).

Thảo luận về dự thảo luật tạm giam, tạm giữ chiều 19/6, Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập đến chính sách giam giữ với người bị kết án tử hình. Hiện vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau, một loại đề nghị quản lý tập trung, giam chung các bị án tử hình vào một nơi; một loại đề nghị giữ nguyên mô hình hiện nay, quản lý các đối tượng này ngay tại trại giam.
Ông Thường cảnh báo, dồn tất cả các bị can bị thi hành án tử hình về một trại tập trung sẽ rất khó khăn cho công tác bảo vệ và rủi ro rất lớn vì hiện tại đang tách ra, giao cho mỗi địa phương quản lý một vài trường hợp mà đã rất vất vả với số bị án tử hình này. Ông Thường cho biết, đi giám sát thì thấy mỗi bị án tử hình phải bố trí riêng một phòng giam, bên cạnh đó lại phải bố trí phòng cho 2 phạm nhân khác để theo dõi an toàn của người này và thực tế, dù theo dõi kỹ vậy, nhiều bị án vẫn tự tử được.
“Nếu bây giờ tập trung hết số người chờ thi hành án tử hình vào một nơi thì không tưởng tượng được Bộ Công an sẽ quản lý như thế nào, sức ép lên cán bộ quản lý ra sao. Mô hình này chỉ thuận hơn cho việc thi hành án vì việc thi hành án hiện nay đang rất tốn kém và rất phức tạp” – đại biểu Thường thông tin.
Ông Thường dẫn chứng từ cuộc giám sát ở Sơn La, mỗi trường hợp thi hành án tử hình phải đưa từ Lào Cai xuống Sơn La để… tiêm thuốc độc chi phí khoảng từ 200 - 300 triệu đồng, đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn kém cỡ đó mà quan trọng nhất là không an toàn.
Để khắc phục tình trạng này, ông Thường đề nghị tạo điều kiện cho Bộ Công an tổ chức những xe thi hành án lưu động để thuận tiện cho việc thi hành án tử hình và vẫn giữ mô hình quản lý các bị án tử hình tại các trại tạm giam của công an tỉnh.
Đồng ý với quan điểm của ông Thường, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng cảnh báo, không thể gom hết các bị án tử hình về một chỗ mà nên để ở trong các nhà tạm giam như hiện nay. Tuy nhiên, ông Ngũ kiến nghị, phải kiên cố hóa nhà giam giữ những bị án tử hình này. Mô hình quản lý tại trạm giam của công an tỉnh hiện nay theo ông Ngũ vẫn đang thực hiện và không có vấn đề gì, ở nhiều nước khác người ta cũng tổ chức như vậy, chỉ cần kiên cố hóa phòng giam là đảm bảo.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cũng lo ngại, nếu tập trung quản lý giam giữ tất cả những người bị kết án tử hình, cả số lượng án đã có hiệu lực pháp luật và án chưa có hiệu lực pháp luật tại một nơi thì rất khó khăn trong việc thực hiện hoạt động tố tụng cũng như “đánh đố” công tác quản lý giam giữ. Tập trung tất cả các đối tượng này vào một nơi, theo bà Huyền, sẽ là một nguồn nguy hiểm cao cho hoạt động quản lý, giám sát.
Quản lý giam giữ độc lập với cơ quan điều tra để chống bức cung, nhục hình
  Mỗi trường hợp tử hình tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2

Đại biểu Lưu Thị Huyền: "Tập trung tất cả các bị án tử hình vào cùng một nơi là một nguồn nguy hiểm cao độ" (ảnh: Việt Hưng).

Về vấn đề tổ chức lại hay giữ nguyên mô hình trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc lực lượng công an quản lý như hiện nay, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, bởi thực tiễn chứng minh, công tác quản lý giam giữ theo cách thức này suốt thời gian qua không có vấn đề gì.
Đề cập chuyện có một số vụ bức cung, nhục hình xảy ra nhưng ông Thường nói, sẽ tìm cách để khắc phục.
Còn việc tổ chức một bộ máy độc lập thực hiện việc giam giữ thì có nghĩa phải xây dựng thêm ở Việt Nam khoảng 700 nhà tạm giữ và gần trăm trại tạm giam khác. Việc này không phù hợp với điều kiện của hiện nay và cũng chưa khẳng định được là chắc chắn tốt vì khi xây dựng riêng, quản lý riêng như vậy, vấn đề bảo vệ đặt ra rất phức tạp.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ lật lại vấn đề, nếu để hệ thống quản lý tạm giam, tạm giữ nằm trong cơ quan điều tra thì nguy cơ bức cung, nhục hình và dẫn đến vi phạm quyền con người. Chia sẻ hướng quan điểm này và khẳng định đó là cách nhìn tiến bộ, đúng đắn. Cách để hạn chế tối đa những vị phạm trong hoạt động giam giữ đã thể hiện trong Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật vì đã tách cơ quan quản lý tạm giam, tạm giữ riêng, những khoản độc lập.
Ông Ngũ dẫn chứng, Bộ công an hiện đã có Cục quản lý hướng dẫn tạm giam, tạm giữ thuộc Tổng cục 8 – là một cơ quan quản lý tương đối độc lập so với cơ quan điều tra. Ở công an tỉnh cũng có một phòng quản lý về thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp lại đảm nhiệm việc quản lý về tạm giam, tạm giữ độc lập với Phòng cảnh sát hình sự, cơ quan điều tra hình sự. Ở huyện cũng có đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, nhà tạm giữ cũng được tách khỏi cơ quan điều tra của công an cấp huyện.
Ông Ngũ cho rằng không nhất thiết phải thành một hệ thống ngành dọc riêng biệt với Bộ Công an để làm công tác này vì dù hiện tại việc giam giữ vẫn do cơ quan công an đảm nhiệm nhưng đơn vị quản lý trực tiếp đã độc lập, tách khỏi cơ quan điều tra rồi.
Việc lập một hệ thống mới, đại biểu cũng nhận định, sẽ tốn kém, tốn kém (về cả bộ máy lẫn cán bộ) mà cũng không phải vì động tác tách ra theo ngành dọc thì sẽ khắc phục được chuyện bức cung, nhục hình. Bức cung, nhục hình chỉ giải quyết được bằng công tác cán bộ và các thủ tục pháp lý thực hiện sao cho tốt, chặt chẽ.
Gai người với hình ảnh chiếc cùm chân trong phòng giam
Đại biểu Trịnh Kim Chi (Phú Yên) phản ứng với quy định người bị giam giữ vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị cùm chân. Bà Chi đề nghị bỏ quy định này, vì người bị tạm giam, tạm giữ khi chưa hẳn là tội phạm mà cùm chân họ như vậy có phải vi phạm quyền con người?
“Khi đi khảo sát những cơ sở giam giữ, thấy những thanh sắt để cùm chân ở sát tường, trên giường ngủ can phạm tôi cảm thấy rất gai người. Do đó, theo tôi không nên quy định hình thức kỷ luật cùm chân mà có thể giam họ ở phòng cách ly sẽ tốt hơn” – bà Chi đồng thời đề nghị trang bị hệ thống camera trong trại giam để phòng ngừa tình trạng can phạm tự tử, tiêu cực trong hoạt động giam giữ.
Theo P.Thảo/Dân trí

Vì sao hóa đơn tiền điện tăng mạnh?

TP - Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, đợt nóng khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hoá đơn tiền điện nhiều gia đình tăng cao.
Ảnh minh họa: Internet Ảnh minh họa: Internet
Đợt nắng nóng kéo dài  khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt. Hầu hết các gia đình đều tăng thời gian sử dụng điều hoà, có gia đình dùng điều hoà 24/24 trong cả tuần nắng nóng. Chị Thu Thảo (Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm) cho biết, nhà có con nhỏ nên chị bật điều hoà 26 độ suốt ngày đêm để cháu đảm bảo sức khỏe. “Trời nắng nóng thế này ra người lớn ra đường còn ốm, huống gì trẻ con”, chị Thảo nói. Chị Thảo cho biết, so với các tháng trước, tháng này hoá đơn tiền điện gia đình chị tăng gần gấp ba, tới 1,3 triệu đồng. Tham khảo một số hàng xóm quanh khu vực, hầu như mọi hóa đơn đều tăng, ít nhất 10%, cao nhất lên đến 100%.
Các chuyên gia về năng lượng đưa ra lời khuyên, người dân nên rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị, bởi dù thiết bị đã tắt nhưng vẫn cắm vào nguồn điện thì vẫn tiêu thụ một lượng điện năng đáng kể. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công Thương.
Theo ông Anh Tuấn, Giám đốc kỹ thuật tại một trung tâm điện máy thì sản lượng điện tiêu thụ của điều hoà thường chiếm đến 60% tổng điện năng của các thiết bị trong nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng điều hoà lãng phí mà không hay biết như ra khỏi phòng, dù chỉ chốc lát là lập tức tắt máy điều hòa để tiết kiệm điện; lắp điều hoà ở bức tường nóng nhất nhà; để nhiệt độ quá thấp so với mức nhiệt bên ngoài… Những thói quen đó vừa gây tốn điện, vừa khiến điều hoà nhanh hỏng mà vẫn không mát. Ông Tuấn đưa ra lời khuyên, cần thường xuyên vệ sinh tấm lưới lọc, mặt nạ, quạt gió của máy; để nhiệt độ tiêu chuẩn trung bình 26 độ; giảm đi 5 độ so với nhiệt độ tiêu chuẩn, điều hoà vừa không mát mà năng lượng tiêu thụ còn tăng thêm 40%...
Theo số liệu vận hành lưới điện Thủ đô trong những ngày qua cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về sản lượng điện tiêu thụ của ngày bình thường và những hôm nắng nóng. Cụ thể, ngày 27/5, khi nhiệt độ lên tới 39 độ C, toàn thành phố đã tiêu thụ 57.751 MWh. Công suất đỉnh đạt 2.886 MW. Vượt xa mức tiêu thụ cao nhất của cùng kỳ năm 2014 cả về công suất và sản lượng (tăng 133%). Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, theo quy luật vào mùa nắng nóng hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao, có trường hợp tăng đột biến là do nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát tăng cao, nhiều hộ gia đình chưa biết cách sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Hơn nữa, tháng 5 học sinh nghỉ hè nên đa phần thời gian sử dụng điều hòa và thiết bị làm mát trong gia đình tăng cả ban ngày và ban đêm. Có lúc sử dụng tăng trên 10 giờ/ngày so với ngày thường. Đây cũng là yếu tố khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.
Đại diện EVN HANOI thông tin, nhiệt độ bên ngoài càng cao thì thời gian làm mát của các thiết bị điện lạnh càng dài. Thay vì vài phút để điều hòa có thể làm mát không gian thì nay phải mất 15- 20 phút, khiến điện năng sử dụng tăng lên. EVN HANOI cho biết thêm, trong tháng 6, công ty sẽ tiếp tục triển khai nhắn tin miễn phí thông báo đến khách hàng ngày ghi chỉ số công tơ. Cùng với đó, khách hàng cũng có thể chứng kiến việc ghi chỉ số tại công tơ, chủ động theo dõi sản lượng điện của gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét