Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

BẠN BIẾT CHƯA ? 26

(ĐC sưu tầm trên NET)




Lý Bạch - Bậc 'Thi Tiên' vĩ đại của nhà Đường

Được hậu thế gọi là Thi Tiên (Thơ Tiên), Lý Bạch là một ngôi sao sáng chói trên thi đàn Trung Quốc từ thời nhà Đường đến nay.

Lý Bạch - Thi Tiên vĩ đại của Trung Hoa

Lý Bạch (701 - 762) được xem là  một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên.

Lý Bạch

Học giả Lý Dương Băng trong "Thảo Đường Tập Tự" đã có câu nói bất hủ về thiên tài Lý Bạch “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi). 
Hơn 1.000 bài thơ của Lý Bạch còn để lại có một ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. 
Ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, nhiều học giả đã dày công nghiên cứu thi ca Lý Bạch và luôn tìm thấy những vẻ đẹp mới của thơ Lý Bạch. 
Thơ của Lý Bạch rất giản dị tự nhiên, không cầu kỳ chải chuốt, gọt dũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ và sức quyến rũ một cách lạ lùng. Người ta gọi Lý Bạch là “Người Trung Hoa kim cổ kỳ nhân” chính vì vậy.
Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép hơn cả. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. 
Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Cao Ly mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài. 

Lý Bạch là người rất yêu Trăng

Cho đến nay, thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan...
Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì lòng ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".
Khác với Đỗ Phủ (người kém Lý Bạch 11 tuổi, và cũng được hậu bối tôn là Thi Thánh (Thơ Thánh), thơ Lý Bạch thích viển vông, phóng túng, ít đụng chạm đến thế sự mà thường vấn vương hoài cổ, yêu nét đẹp của thiên nhiên, cảm thông cho người chinh phụ, nhớ quê hương....

Những câu chuyện người đời truyền tụng về Lý Bạch:

Chuyện thi cử

Năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông (742), Lý Bạch đến Tràng An ứng thí, tình cờ gặp Hạ Tri Chương (đang giữ chức Hàn Lâm), cả hai đều mê rượu, mê thơ nên trở thành thân thiết.
Đề thi năm ấy là: "Không mong văn chương hơn thiên hạ, chỉ cần văn chương đúng ý quan chấm thi". 
Khoa thi vừa xong, Hạ Tri Chương sợ Lý Bạch không có tiền đút lót sẽ bị đánh rớt, liền gửi một lá thư giới thiệu cho giám khảo. Thư đến hai quan giám khảo là Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung, hai người này vốn không thích Hạ Tri Chương, nên càng ghét Lý Bạch. 
Lúc chấm thi, thấy hai chữ Lý Bạch, Dương Quốc Trung liền phê: "Người này dốt quá chỉ đáng mài mực cho bọn sĩ tử thôi". Cao Lực Sĩ phê hùa theo: "Có lẽ chưa đáng mài mực, chỉ đáng cởi giày cho họ thôi". Rồi đánh hỏng vào bài thi của ông.

Chuyện trong cung


Thi rớt kỳ ấy, Lý Bạch nghe lời Hạ Tri Chương ở lại chơi ít tháng, đợi Hạ tiến cử. Một hôm sứ nước Phiên dâng thư cho vua Huyền Tôn bằng tiếng Phiên, cả triều không ai đọc được. 
Vua vừa tức giận vừa hổ thẹn, hẹn sứ giả 6 ngày sẽ trả lời thư. Hạ Tri Chương kể chuyện cho Lý Bạch nghe. Vì Lý Bạch từng được mẹ dạy chữ Phiên, ông bảo "cũng chẳng khó gì", liền hôm sau được vua Đường vời vào triều. 
Lý Bạch không chịu vào, vua liền phong cho chức Học vị tiến sĩ, ông mới mặc áo, đội mão bước vào. Cầm thư Phiên, Lý đọc vanh vách, vua từ đó rất thích ông, không ngờ lại có người thông tuệ như vậy, liền thăng chức cho ông làm Hàn Lâm học sĩ.
Thời gian trong cung của Lý Bạch cũng có nhiều chuyện được chép lại, đại loại là về tài thơ của Lý Bạch. Như việc Lý Bạch say rượu làm thơ thần tốc thì có rất nhiều.

Cái chết 'kỳ lạ' của Thi Tiên Lý Bạch


Thời kỳ sau của Lý Bạch ít được chú ý, đến khi Đường Đại Tông - một người yêu thơ Lý Bạch - lên ngôi thì ông đã không còn nữa rồi. 
Có người bảo ông chết do bệnh, nhưng trong dân gian còn lưu truyền một chuyện đẹp đẽ về cái chết của Lý Bạch:
Lý Bạch và Trăng như hình với bóng, trong thơ Lý Bạch tràn đầy ánh trăng và nhìn vào Trăng, người ta thấy thơ Lý Bạch và như thấy hình bóng ông lúc ẩn lúc hiện.

Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Thạch

Có lẽ vì thế mà trong dân gian còn lưu truyền một chuyện rất đẹp về cái chết của ông: Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Thạch (khúc sông Dương Tử ở chỗ có hòn Thái Bạch), trong khi say rượu thấy bóng trăng ở lòng sông ông nhảy choàng xuống để bắt lấy mà cùng với trăng vĩnh viễn an giấc ngàn thu!... 
Người đời sau dựng một cái đài ở đấy gọi là “Tróc nguyệt đài” (Đài bắt trăng)… Có những họa sĩ Trung Quốc đã vẽ những bức tranh "Lý Bạch bắt trăng".
Lương Ánh (T/h


Lý Bạch và tấn bi kịch gia đình do bốn cuộc hôn nhân mang lại

Bốn cuộc hôn nhân là bốn giai đoạn cuộc đời với bốn tấn bi kịch gia đình khiến thi tiên Lý Bạch phải đeo mang không ít phiền não.

Thi tiên Lý Bạch cạn chén cùng trăng

Với con mắt của chúng ta thời nay, lấy phải một người chồng như Lý Bạch là điều bất hạnh nhất của một người phụ nữ
Trong suốt cả cuộc đời, ngoài việc làm thơ và “chìm trong cơn say” ra, ông chẳng làm được gì: không làm nổi một kiếm khách, không đắc đạo thành tiên, cũng không trở thành một nhân vật như người mà ông hằng ngưỡng mộ. 
Ông sáng tạo ra những áng thơ diệu tuyệt lưu danh muôn thuở, nhưng cũng có tiếng để đời với hình tượng của một người cha, người chồng thất bại nhất.

Thi tiên chiêm bao bên "bạn hiền"

Lý Bạch sống ở vùng Tây Vực, chịu ảnh hưởng tất yếu phong tục, tập quán, văn hóa của tộc người Đột Quyết - tộc người vẫn theo chế độ Mẫu hệ, coi trọng địa vị, thân phận của người phụ nữ, đàn ông kết hôn sẽ theo về nhà vợ ở.
Vì thế, hẳn Lý Bạch luôn cảm thấy vinh dự khi làm rể và ở rể cửa nhà quan lớn người Hán. Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Việc ông “vịn vào nhà quyền quý mà leo lên” để nâng cao địa vị thân phận của mình khó tránh khỏi cái sự tầm thường. Có lẽ, bi kịch cuộc đời Lý Bạch bắt nguồn từ quan niệm hoàn toàn khác biệt giữa người Hán và người Đột Quyết này.
Cuộc hôn nhân mà ông lựa chọn chẳng hề đem đến sự nghiệp vẻ vang, nhiều tiền nhiều bạc cho ông, ngược lại còn khiến ông chuốc lấy bao phen sầu muộn, khiến ông chỉ biết tìm đến rượu bầu bạn và rồi thơ cứ thế tuôn trào.

Trăng, thơ, rượu luôn bầu bạn cùng thi tiên

Khi 27 tuổi, ông kết hôn lần đầu tiên với bà Hứa. Bà Hứa xuất thân con nhà danh gia vọng tộc, ông nội từng làm tả thừa tướng, cụ nội từng được phong làm An Lục quận công.
Khi lấy bà Hứa, phần lớn thời gian Lý Bạch sống ẩn cư, ngoài lúc cày cấy, ông ngày ngày đọc sách, thỉnh thoảng rủ bạn đến nhà cùng làm thơ uống rượu. Nhưng thời gian sau, ông thường xuyên xa nhà, có lúc là vì muốn tìm cơ hội làm quan, có lúc là để đi thăm thú danh lam thắng cảnh. Có thể thấy mối quan hệ vợ chồng có sự thay đổi. Chắc hẳn ông đã chán ngán thân phận ở rể. Ở rể nào phải chuyện mát mặt gì trong truyền thống văn hóa Trung Quốc. Sau khi bà Hứa qua đời, cảm thấy áp lực dồn dập đổ lên đầu, ông biết mình khó mà ở trong nhà họ Hứa, bèn ôm hai con về Sơn Đông kiếm ăn, nhờ vả người thân bạn bè.
Đến đây, ông nhanh chóng sống chung với một bà họ Lưu, với ý định để bà này chăm lo cho hai đứa con. Bà Lưu này không phải con người lãng mạn, hoàn toàn không có hứng thú với thơ của Lý Bạch, hơn nữa biết được ý định của ông, bà càng cảm thấy chán ghét một ông chồng cả ngày chỉ biết uống rượu làm thơ, ba hoa khoác lác mà không biết kiếm ra một xu nuôi sống gia đình. Đây là cuộc hôn nhân khiến ông cảm thấy buồn bực nhất vì ông luôn bị bà ta chì chiết, giễu cợt, chửi rủa vào cái lý tưởng cao xa, niềm vui thú với sông nước với thơ phú với rượu của ông. Cuối cùng hai người bỏ nhau.
Người thứ ba chỉ được làm thiếp, tên bà không được lưu lại, việc bà luôn sống cùng Lý Bạch, hay ly hôn và ngay cả chuyện bà sống chết thế nào cũng đều không được nhắc đến, chỉ biết rằng, bà có một người con trai với ông.
Người vợ thứ 4 của ông và cũng là người cuối cùng lấy ông về làm chồng chính là cháu gái của tể tướng Tông Sở Khách, lúc ấy ông chừng 50 tuổi. Thân phận ở rể trong phủ nhà họ Tông lại còn có hai đứa con riêng chắc chắn sẽ khiến ông không được nhà họ Tông tôn trọng, nể nang. Vì thế, sau khi lấy Tông phu nhân không lâu, ông lại vội vàng phiêu bạt khắp nơi không chịu về nhà. Qua những lá thư ông viết cho vợ, cho thấy ông rất yêu thương bà, nhưng ông không có cơ hội được cảm nhận sự ấm áp của một mái ấm gia đình.

Thi tiên “ôm trăng tự vẫn” trên dòng Thái Thạch

Cuối cùng, sau nhiều biến cố xảy ra, vào một đêm trăng tuyệt đẹp, khi thi tiên ngất ngư men rượu, ông “ôm trăng tự vẫn” trên dòng Thái Thạch, kết thúc bi kịch của một đời “sống trong cơn say, chết trong chiêm bao”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét