Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 96

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tục lệ thờ chó đá trước cửa của người Nùng

 
Tại thôn Khòn Thống,xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình ( Lạng Sơn)khi vào thăm bản,chúng tôi thấy nhà nào cũng thờ chó đá,theo Bà Canh người ở bản,thì tục này đã có từ lâu, nó được truyền từ đời này sang đời khác. Ngày xưa núi rừng đang còn hoang vu, vì vậy dân bản quan niệm thờ chó đá để nó canh thúC
Bà Vi Thị Canh (người ở bản) cho hay: “Chó đá của nhà tôi được truyền từ đời cụ tổ đến bây giờ, đến nay cũng phải mấy trăm năm rồi. Tết nguyên đán, ngày rằm mùng một tôi đều phải kính cẩn thắp hương, đặc biệt phải cúng thức ăn cho “chó đá” đến hết ngày lễ mới thôi”.


Bà Vi Thị Canh bên con chó đá của gia đình mình
Bà Canh năm nào cũng vậy đều làm công việc rửa ráy lau bụi cho “chó đá” trước khi ăn tết. Bà phải quét vôi trắng, tuyệt đối không có vết bụi bám lên. Nếu gia đình nào không chú trọng đến con vật linh thiêng này thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn xui xẻo. Vào tối 30 tết gia chủ sẽ rán lên lưng con chó đá một tờ giấy màu đỏ kiểu như mặc áo để ngài cùng đón năm mới với gia đình.
Trao đổi với ông Vi Văn Thượng ( trưởng bản Khòn Thống), ông cho biết: “Cả bản có 273 hộ dân mà đã có tới 90% gia đình thờ chó đá, ngoài ra thôn cũng đã cho đúc một con chó đá to, uy nghiêm trước cửa nhà văn hóa để thờ cúng”.
Theo ông Thượng, chó đá của người dân nơi đây trung bình nặng khoảng chừng 5 – 7kg cũng có thể to hơn, họ tạc theo tư thế ngồi hoặc đứng. Dáng “chó đá” được ưa thích nhất chính là thế phục mồi hoặc sẵn sàng tấn công. Kiểu như: hai chân con chó chống thẳng, mồm và mắt phải nhìn chăm chăm vào một điểm ở phía trước…
Việc thờ chó đá không chỉ là tín ngưỡng đa thần mà còn là nét văn hóa thờ “chó đá” độc đáo của người Nùng. Người dân bản địa quan niệm rằng, chó đá sẽ đem lại may mắn cho họ. Chính vì vậy họ không bao giờ ăn thịt chó và luôn coi chó là con vật thiêng liêng nhất đối với tổ tiên dòng họ./.
(Theo danviet.vn)

Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Việt Nam?
Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hay tết Đoan Dương, tết giữa năm, tết giết sâu bọ…diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 (Âm lịch). Đoan là bắt đầu, Ngọ hay Dương đều mang nghĩa là lúc giữa trưa, lúc nhiều dương khí. Ngọ cũng là tháng Năm (Âm lịch), khi mặt trời gần trái đất nhất, dương khí thịnh nhất.
 Mận là loại quả quen thuộc trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Ảnh: Megafun.
Những ngày đầu tháng 5 đồng thời cũng là những ngày giao mùa, mùa nắng sang mùa mưa, lạnh sang mùa nóng. Trong nông nghiệp xưa, đây là những ngày giao vụ từ vụ Chiêm sang vụ Mùa. Những ngày này, các loài sâu bọ cũng bắt đầu sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Người ta truyền nhau nhiều tập tục văn hóa lễ hội, ăn uống, hái lá thuốc… để tạ ơn tổ tiên; cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật, ma quỷ quấy phá.
Nguồn gốc tết Đoan Ngọ bắt đầu từ chủng Việt?
Trong bài viết: “Phong tục tết Đoan Ngọ Việt Nam và Trung Hoa dưới góc nhìn chức năng”, Ths Nguyễn Ngọc Thơ đưa ra quan điểm, từ cuối đời Đông Hán, nhiều người đã cho rằng, tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ cái chết của Khuất Nguyên, một vị quan nước Sở. Do chán chường vì khuyên can vua Sở không nên tin vào nước Tần không thành và bị đầy đi xa xứ, ông đã ôm đá nhảy xuống sông Mịch La (một nhánh sông Tương ở Hồ Nam, Trung Quốc) tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5. Đời vua sau tiếc thương nên làm đồ cúng tế, mang ra sông thả xuống. Ông hiện về báo mộng đồ cúng tế bị cá ăn hết nên nhà vua đã cho gói bánh, cột chỉ nhiều màu thả xuống sông cho cá sợ không ăn. Từ đó dần thành ra tập tục, bao gồm cả lễ hội đua thuyền rồng của Trung Quốc vào ngày này hàng năm. 
Theo một truyền thuyết khác thì tết này liên quan đến chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên tiên. Truyện gần giống Từ Thức lên tiên của Việt Nam. Ngày mùng 5 tháng 5 hai chàng Lưu, Nguyễn vào rừng hái thuốc, gặp tiên rồi cùng sánh duyên. Nửa năm trở về thì cảnh vật, con người đã ra thiên cổ, hai chàng đành bỏ đi đâu không ai biết. Từ đó, người ta dùng ngày ngày 5 tháng 5 tưởng nhớ hai chàng.
Ở Hàn Quốc, tết Đoan Ngọ cũng là để tưởng nhớ một vị tướng tên Gulwon thời vua Hwe, triều đại Cho Sun (TK 13 đến 19), bị địch bắt và tự vẫn để giữ khí tiết trung quân đúng ngày mùng 5 tháng 5 (Korean Annual Customs and Food-Dano, 2009). Nếu sự kiện trên là có thật thì tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc mãi từ thế kỷ 13 mới bắt đầu có.
 Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. 
Ở nước ta, tết Đoan Ngọ có tên là tết Giết sâu bọ, tết Giữa năm. Không biết ngày này bắt đầu từ khi nào nhưng trong ca dao Việt có câu:
“Tháng năm là tết Đoan Dương
Nhớ ngày Giỗ mẹ Việt thường Văn Lang”
Theo đó, mùng 5 tháng 5 là ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ. Nhà nhà sắp cơm, bánh để cúng tế, tưởng nhớ tổ tiên. Như vậy ngày giỗ quốc mẫu của Việt Nam phải có từ trước thời Khuất Nguyên cả nghìn năm. Hơn nữa, nước Sở xưa vốn có khối dân Bách Việt chủng Yueh (chủng Việt) chiếm đa số và nắm quyền bính, mà Khuất Nguyên vốn là người nước Sở. Việc tự vẫn của một cá nhân không thể trở thành lễ hội của một quốc gia, mà theo các nhà nghiên cứu, cái chết của Khuất Nguyên là vì Đại tộc Bách Việt (Tư Mã Thiên,  q. 40 - Sử thế gia, tờ 3b; Hứa Văn Tiền, dịch An Nam thông sử - nguyên tác của sử gia Nhật Bản Nhan Thôn Thành Doãn, do Tân Hoa Xã Hương Cảng phát hành, 1957, trg 34)1.  
Nếu theo Nông lịch của ông bà ta, mỗi năm của ta bắt đầu từ tháng 11 âm lịch (Một, Chạp, Giêng, Hai…), tức là bắt đầu vào vụ lúa Chiêm. Đầu tháng 5 là kết thúc vụ Chiêm, bước vào đầu vụ Mùa. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Như vậy, ngày này là ngày đặc trưng của nền văn hóa lúa nước, khác xa với văn hóa lúa mạch. Vì thế, ngày này là ngày được bắt đầu bởi Việt tộc chứ không phải Hán tộc, mà chúng ta còn gọi là Tết giữa năm (Nguyễn Ngọc Thơ, Phong tục tết Đoan Ngọ Việt Nam và Trung Hoa dưới góc nhìn chức năng). Người Việt hoàn toàn có thể tự tin rằng, Đoan Ngọ hoàn toàn là tết truyền thống của dân tộc Việt mình.
Muôn màu Tết Đoan Ngọ trên thế giới
Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng. Người Mường vùng Mường Khương có món đặc sản bánh khúc truyền thống rất ngon. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc (một chi của họ hoa Cúc), đậu xanh, hạt vừng (mè) rang. Gạo ngâm kỹ, xay nhuyễn cùng rau khúc rồi nhào thành bột, làm thành bánh có bỏ nhân đậu xanh trộn vừng rang. Bánh được hấp hoặc rán.
Người Kinh miền Bắc thì thường ăm cơm rượu, trái cây và một số loại bánh vào sáng mùng 5 ngay sau khi ngủ dậy để giết hết sâu bọ trong người. Theo người già thì cơm rượu làm cho sâu bọ trong người bị say, phải ngoi lên, trái cây là kết tinh của cây, cũng là các vị thuốc làm tiệt trừ mọi sâu bọ. 
Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác. 
Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà để trừ ma tà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…
Ở Hàn Quốc, ngày 5 tháng 5 là ngày lễ Dano hay còn gọi là Suritnal - có nghĩa là Ngày dài hay ngày của Trời (Korean Annual Customs and Food-Dano, 2009)2. Ngày này người ta làm bánh Suritteok và Yaktteok có hình tròn với nguyên liệu cũng từ bột gạo và lá cây ngải cứu. Phụ nữ thường gội đầu bằng thảo mộc, nam giới quấn rễ cây quanh người để trừ tà. Ngày này người ta cũng tham gia các lễ hội đua thuyền, đu quay, đấu vật…Vào tháng 11 năm 2005, UNESCO đã công nhận ngày lễ Dano của Hàn Quốc là Di sản văn hóa phi vật thể.
Ở Trung Quốc, người ta hay gói bánh chưng (trước đây gọi là bánh Kê nếp) vừa để ăn, vừa để biếu lẫn nhau. Một số nơi người ta ăn trứng muối và uống rượu Hùng Hoàng để tiễu trừ tà ma. Những đứa trẻ được quấn chỉ ngũ sắc, mang giày hình hổ…để cầu chúc cho trẻ được khỏe mạnh. Người dân vùng núi thì lên rừng hái lá thuốc. Tại các khu vực sông Tương, Trường Giang…người ta tổ chức đua thuyền rồng rất náo nhiệt. 
Ngọc Long

Top 10 ngôi chùa linh thiêng cho chuyến hành hương ngày Tết

Du Lich Tet - Mùa xuân, mùa của muôn hoa khoe sắc, mùa mà hàng ngàn người nô nức đến những ngôi đền, chùa,…để cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho những người thân yêu trong dịp đầu năm mới.
Cùng điểm qua top 10 ngôi chùa linh thiêng được nhiều du khách viếng thăm nhất trong những chuyến hành hương ngày Tết:

1. CHÙA MỘT CỘT (HÀ NỘI)
Chùa Một Cột còn có tên gọi là Diên Hựu tự, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Xuất phát từ giấc mơ của vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm dẫn vua lên tòa sen, chùa được xây dựng như một đóa hoa sen nổi giữa mặt hồ tĩnh lặng.


Chùa có quy không lớn nhưng lại mang đến một vẻ đẹp rất riêng, vừa uy nghi cổ kính lại vừa thanh thoát nhẹ nhàng đưa con người đến gần hơn với cõi Phật. Hằng năm, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á này thu hút không ít du khách trong và ngoài nước đến viếng cảnh, lễ bái.

2. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ (QUẢNH NINH)
Tọa lạc ở độ cao trên 1000 m, Thiền viện Trúc lâm Yên Tử là kinh đô Phật giáo của nước Đại Việt cách đây 700 năm, nơi sinh ra thiền phái Trúc lâm và là điểm đến rất hấp dẫn của những du khách hành hương. Thiền viện Trúc Lâm nằm trên một vùng có cảnh trí thiên nhiên của vùng núi Yên Tử đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ.

[IMG]
Du lịch hành hương tại đây, du khách sẽ được khám phá rất nhiều điều thú vị trên vùng đất Phật, bắt đầu từ suối Giải Oan, chùa Hoa Yên đến chùa Vân Tiêu, vườn tháp Yên Tử,…Điểm đến chính của du khách là chùa Đồng – ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á. Trong chùa, thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

3. CHÙA Ở HƯƠNG SƠN (HÀ NỘI)
Cách trung tâm Hà Nội 70km, quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm 18 đền, chùa, hang động nằm ở bốn thôn Yến Vĩ, Đức Khê, Hội Xá và Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Để tham quan những ngôi chùa người hành hương thường đi theo các tuyến đường khác nhau. Mỗi ngôi chùa ở Hương Sơn đều gắn với những truyền thuyết ly kỳ, trong đó, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan và động Hương Tích.

[IMG]
Chùa Giải Oan nằm giữa chùa Thiên Trù và chùa Hương, ở đây có giếng nước trong vắt gọi là giếng Long Tuyền, tương truyền Phật Bà Quan Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi tọa thiền trước khi vào cõi Phật. Cách chùa Giải Oan không xa là động Hương Tích, thế giới Phật tích bên trong động với tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đã nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ…Đến tham quan địa danh này, du khách như lạc vào tiên cảnh, và có cảm giác rất yên bình, khiến du khách quên đi cuộc sống ồn ã của đời thường.

4. CHÙA BÚT THÁP (BẮC NINH)
Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ thuộc Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ thời hậu Lê. Mặc dù đã trải qua những lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét nguyên sơ bí ẩn.

[IMG]
Chùa Bút Tháp là nơi có nhiều tượng xếp hàng đầu trong danh sách các pho tượng cổ đẹp Việt Nam như bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, bộ tượng tam thế, tượng Quan âm tọa sơn, tượng Văn Phù và Phổ Hiền Bồ Tát. Đến với chùa Bút Tháp những ngày đầu xuân, ngoài việc chiêm ngưỡng những nét tài hoa của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ, còn là dịp để du khách khấn những lời nguyện ước về một năm mới bình an, hạnh phúc.

5. CHÙA BÁI ĐÍNH (NINH BÌNH)
Nằm uy nghi trên ngọn núi Bái Đính có khuôn viên rộng khoảng 539 ha, chùa Bái Đính được xây dựng với kiểu kiến trúc chùa hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, được xem là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam.

[IMG]
Sở hữu nhiều kỷ lục như Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Châu Á…Hằng năm, chùa Bái đính đón hàng vạn phật tử về hành hương.

6. CHÙA THIÊN MỤ (THỪA THIÊN – HUẾ)
Bắt nguồn từ truyền thuyết về lời tiên đoán của một bà lão nhà trời, sau khi vào trấn giữ Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Tự. Trải qua hơn 400 năm, chùa Thiên Mụ không chỉ là chốn tâm linh của người dân Huế, mà còn là chốn có phong cảnh hữu tình ở Huế. Thiên nhiên thơ mộng và kiến trúc cổ kính giao hòa với nhau đến mức hoàn chỉnh.

[IMG]
Điểm sáng ở chùa Thiên Mụ là ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng, Đại Hồng Chung cao 2,5m, nặng trên 3 tấn và bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch. Du khách bước qua cổng chùa sẽ thấy lòng tĩnh lại, 108 tiếng chuông như giữ nhịp thời gian và giải tỏa mọi phiền muộn trong lòng người.

7. CHÙA LINH ỨNG (ĐÀ NẴNG)
Nếu có dịp du lịch Đà Nẵng vào thời điểm Tết Nguyên Đán, du khách đừng quên viếng thăm chùa Linh Ứng trên bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, nơi nổi danh với sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc trang nhã, không gian thanh tịnh và khung cảnh thiên nhiên sóng nước, mây trời bao la. Bên cạnh đó, chùa Linh Ứng còn nổi bật bức tượng Quan Thế Âm cao 67m, được xem là cao nhất của Đông Nam Á.

[IMG]
Tượng đứng trên một tòa sen đường kính 35m, đôi mắt hiền từ nhìn xuống ban phúc lành và che chở chúng sinh. Trong lòng tượng gồm 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt và tư thế khác nhau. Vãn cảnh chùa, du khách như được gột sạch những toan tính đời thường và cảm nhận sự thư thái trong tâm hồn.

8. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM ĐÀ LẠT (LÂM ĐỒNG)
Khi du xuân ở “thành phố ngàn hoa”, du khách nên viếng thăm Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt, một trong ba thiền viện lớn nhất nước ta theo phái Trúc Lâm.Nằm cạnh hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm thành phố 5 km, Thiền Viện Trúc Lâm được xem là thiền viện lớn nhất trong cả nước cả về không gian lẫn quy mô tụ tập. Bên trong chính điện thờ Phật Hoa Liên, hai bên là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà.[IMG]

Phía ngoài là toà tháp uy nghiêm bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1.98 m nặng 1.1 tấn trên có khắc bài thơ của Trúc Lâm Ðầu Ðà. Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt tuy không mang vẻ cổ kính, nguy nga như các chùa ở miền Bắc song nơi đây lại ẩn chứa bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh, là nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy sự yên bình.

9. CHÙA GIÁC LÂM (THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi chứa đựng nhiều cổ vật quý hiếm cùng sự thăng hoa trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Điểm nổi bật của chùa là 38 tháp cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX và 113 pho tượng Phât cổ. Ngày xuân, nơi đây đón hàng ngàn khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, lễ phật và chiêm ngưỡng nét uy nghiêm các tượng Phật.

[IMG]
10. CHÙA VĨNH NGHIÊM
Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh với điện Phật được bài trí tôn nghiêm thờ Thích Ca Tam Tôn, chính giữa thờ đức Phật Thích Ca, hai bên thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Sau điện Phật là điện Địa Tạng thờ Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Âm, và Hộ Pháp.

[IMG]
Đặc biệt, chùa còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14m, được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc theo phong cách văn hóa thời Lý – Trần. Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm các tăng ni phật tử thường đến nghiên cứu phật học và du khách thập phương đến tham quan cầu may mắn, hái lộc đầu năm.

Trong ánh nắng xuân tươi đẹp, còn gì thú vị hơn khi được hòa cùng dòng người nô nức viếng chùa và cầu nguyện, ước mong một năm mới sung túc, bình an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét