Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

HIỆN THỰC KỲ ẢO 77

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?

(VTC News) - Trong hành trình nghiên cứu bãi đá cổ Sapa 15 năm nay, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã phát hiện nhiều điều lý thú. Bãi đá cổ Sapa cũng đã cung cấp một trong số hàng trăm chứng cứ chứng minh cho công trình nghiên cứu cả cuộc đời ông: Nền văn hiến lạc Việt đã trải 5.000 năm!
Tin liên quan
 
Tôi cũng đã đọc một số cuốn sách trong số cả chục cuốn sách của ông viết về nền văn minh Lạc Việt và tôi phải công nhận rằng, đó là những tài liệu nghiên cứu rất nghiêm túc, khoa học. Riêng tinh thần yêu nước của ông thì có thể nói là… điên cuồng.

Trong khi các nhà khoa học, kể cả những người có kiến thức uyên bác nhất đều tìm cách bác bỏ nền văn minh Lạc Việt đã tồn tại 4.000 năm, thì ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại âm thầm đi tìm lời giải đáp cho sự tồn tại của nền văn hiến Lạc Việt những 5.000 năm lịch sử.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Chữ Việt cổ trên bãi đá cổ Sapa? 

Ông bảo rằng: “Cả đời tôi đã và sẽ dành toàn bộ trí lực để chứng minh luận điểm của mình, cũng như bảo vệ quan điểm cội nguồn Kinh Dịch là của dân tộc Lạc Việt, có nguồn gốc từ nước Bách Việt cổ xưa”.

Để chứng minh nền văn hiến Lạc Việt đã tồn tại rất lâu đời và phủ nhận quan điểm của các nhà khoa học khác cho rằng thời Hùng Vương chỉ là một liên minh bộ lạc đóng khố hoặc cùng lắm là một nhà nước sơ khai, ông đã dày công viết cuốn sách đầu tiên về một thời khuyết sử của dân tộc Việt, đó là cuốn “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”.

Những truyền thuyết trong dân gian được giải mã đã dẫn đến ý tưởng rất mãnh liệt trong ông là: Cội nguồn văn hóa Đông phương thuộc về nền văn hiến Lạc Việt. Đây chính là nội dung của lịch sử văn hiến trải gần 5.000 năm của dân tộc Việt.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Hòn đá có hình khắc nằm ngay bên đường. 

Qua nghiên cứu này, ông đã nhận ra rằng, Kinh Dịch là của dân tộc Việt, bởi tất cả những mật ngữ trong những di sản văn hóa phi vật thể được giải mã đều chỉ thẳng đến điều này. Rõ nhất chính là truyền thuyết: “Bà Nữ Oa vá trời”.

Để tìm ra sự hướng dẫn của các mật ngữ để lại, ông sưu tầm tất cả những cuốn sách về ca dao tục ngữ, truyện cổ, truyền thuyết Việt... Có thời gian cả năm trời ông đóng cửa đọc nghiến ngấu cả ngàn pho sách có nội dung như trên và dừng lại ở nhưng câu ca dao, tục ngữ, những truyện cổ Việt… có vẻ bí ẩn, trái khoáy, là lạ để tìm cách giải mã. Hy vọng sẽ có một hướng dẫn nào đó chứng minh điều này. Nhưng có vẻ như vô vọng….

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Ông Tuấn Anh đã nghiên cứu bãi đá cổ Sapa từ 15 năm trước.  Ảnh: Nguyễn Văn Dương

Cũng lúc ấy, những bài viết của các nhà nghiên cứu, các học giả thi nhau chiếm lĩnh mặt báo minh chứng về cái “tinh thần khoa học” trong việc phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống trải 4.000 năm của dân tộc Việt. Có tờ báo đã mở hẳn một chuyên đề: “Nhìn lại lịch sử” để đăng các loại bài như thế. Điều này càng làm ông nóng ruột.

“Sẽ không thể phục hồi được những giá trị văn hóa truyền thống, nếu không chứng tỏ được nội dung và giá trị của nó” - Từ sự suy nghĩ đó, ông đã cho ra đời cuốn sách “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam” vào năm 2002. Cuốn sách này đã chứng minh nền văn hiến lâu đời qua hệ thống tranh dân gian.

Tuy nhiên, khi gửi cuốn sách đi in, họ đọc chưa hết đã quẳng vào sọt rác, vì… cãi lại cả các nhà khoa học lỗi lạc.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Ông Tuấn Anh trong một lần đi làm từ thiện ở miền Trung. Ảnh: Nguyễn Văn Dương. 

Trong lúc đang bế tắc trong việc chứng minh cội nguồn Kinh Dịch của dân tộc Lạc Việt thì có một nhà khoa học sau khi sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu đã cho rằng: “Bãi đá Sapa của người Việt cổ tạo dựng vào khoảng năm 300 trước Công nguyên”. Nhận được thông tin này, ông mừng như vớ được vàng. Đây chính là thời gian sụp đổ của nhà nước Văn Lang theo chính sử (năm 258 trước Công nguyên).

Ông chợt nhớ lại một truyền thuyết về cuộc truyền ngôi giữa đời Hùng Vương cuối cùng và Thục Phán. Truyền thuyết nói rằng: “Sau khi nhường ngôi cho Thục Phán, vua Hùng và hoàng tộc đi về vùng Tây Bắc”.

Vùng Tây Bắc chính là vị trí của tỉnh Lào Cai - gần với Phong Châu – kinh đô cuối cùng của nhà nước Văn Lang – nơi chứa đựng những ký hiệu bí ẩn trên bãi đá cổ Sapa! Phải chăng, bãi đá cổ Sapa là pho sách ghi lại những bí mật của cha ông ta để đời sau giải mã? Phải chăng đây chính là một nửa cái chìa khóa cần ráp lại để mở kho tàng đầy bí ẩn của phương Đông?

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Bản dập bãi đá cổ Sapa trong một triển lãm ở Thụy Điển. Các nhà khoa học phương Tây đã sững sờ trước sự kỳ bí của những hình khắc này. Ảnh: sưu tầm. 

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố hùng hồn: “Sau khi quán xét bãi đá cổ Sapa, tôi thấy không cần phải tiếp tục viết sách chứng minh cho nền văn minh Lạc Việt trải gần 5.000 năm văn hiến. Bởi vì, sự kỳ vĩ của trí tuệ tổ tiên cho thấy sớm muộn nền văn minh này sẽ được sáng tỏ. So sánh tri thức của tổ tiên thì tri thức khoa học hiện đại với những phương tiện như vệ tinh nhân tạo, bom nguyên tử chỉ là trò chơi của trẻ con. Chỉ cần một trận động đất, trận sóng thần làm thí dụ thì tất cả những thứ trò chơi trẻ con ấy sẽ móp méo và dùng để bán ve chai”.

Sự nhỏ bé của khoa học hiện đại, chính là vì nó chưa khám phá được hết những bí ẩn của vũ trụ. Dù chưa nghiên cứu hết những hình vẽ trên bãi đá cổ, nhưng ông khẳng định rằng: “Một phần những bí ẩn của vũ trụ trong nền văn hóa Đông phương huyền vĩ đang ở trong những đường nét ngoằn ngoèo trên bãi đá cổ Sapa”.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Một hình khắc đầy bí ẩn.

Hầu hết những hình khắc trên bãi đá cổ này qua nghiên cứu của ông đều giải thích về sự vận động và tương tác từ vũ trụ.

Tất nhiên, mỗi một người đều có cái nhìn riêng. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh tự cho mình là đúng, cũng như các nhà nghiên cứu khi quán xét bãi đá cổ cũng tự cho mình là đúng bởi không hề có tiêu chí cho sự giải mã. Ai muốn hiểu thế nào cũng được.

Chính vì vậy mà hình cái mặt cối đá được vẽ rất chi tiết, có người thì bảo “Đấy là biểu tượng của một xã hội nông nghiệp”, nhưng ông lại bảo rằng đó là biểu tượng cho sự tương tác của vũ trụ. Có người sẽ lên giọng chê bai rằng: “Vào thời cổ đại, lạc hậu thì làm sao mà người ta có thể hiểu được rằng tương tác là nguyên nhân sự tồn tại và phát triển của vũ trụ?”.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Đây là biểu tượng của một xã hội nông nghiệp, chiếc cối đá, chiếc bánh dầy hay biểu tượng của sự tương tác của vũ trụ? 

Chính vì thế, trong con mắt một số người, ông trở thành người gàn dở, một kẻ siêu tưởng. Tuy nhiên, ông vẫn luôn tự hào là người luôn tìm cách nâng tầm trí tuệ dân tộc, chứ không nhăm nhe đi tìm lý lẽ để bác bỏ trí tuệ của ông cha để lại.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh hài ước: “Rất nhiều người ôm một đống sách Hán và bĩu môi trước những lý thuyết của tôi. Họ khẳng định một cách chắc chắn rằng Kinh Dịch là của người Hoa Hạ, trong khi đó, hàng ngàn năm trôi qua chính người Trung Quốc lại không lý giải được cội nguồn của nó cũng như không hiểu được rất nhiều chỗ huyền bí trong Kinh Dịch mà tiêu biểu là họ không tìm thấy căn nguyên của thuận tự 64 quẻ Hậu Thiên từ nền văn minh Hoa Hạ.

Nước Việt đã có nền văn hiến 5.000 năm?
Hòn đá cổ khổng lồ, có hình khắc tuyệt đẹp trải kín bề mặt bị biến thành cầu trượt. 

Còn tôi lại có thể lý giải được cội nguồn của Kinh Dịch dựa trên rất nhiều cơ sở khoa học mà sự kỳ vĩ trên các hình khắc ở bãi đá cổ Sapa đã nói tất cả thì tôi chẳng thấy xấu hổ gì mà không nhận Kinh Dịch là của người Việt mình.

Tôi tin rằng, nếu có người giải mã được toàn bộ bãi đá cổ Sapa thì đó phải là lúc một lý thuyết thống nhất vũ trụ được chứng minh. Nhưng nghe ra điều đó còn xa vời quá. Điều cần kíp nhất lúc này là phải bảo tồn gấp pho sách Dịch văn cực quý này, kẻo vài năm nữa nó sẽ biến mất khỏi tâm trí người Việt”.

Có một sự thực mà ai cũng thấy, đó là trong khi những bí ẩn của bãi đá cổ Sapa chưa được sáng tỏ, thì nó đã sắp biến mất bởi sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của chúng ta với những giá trị của tổ tiên.

Trần Bình Thủy

Huyền bí “bảo tàng đá” lớn nhất Việt Nam

Hàng nghìn hiện vật bằng đá có niên đại trên 300 năm, nằm rải rác tại địa bàn vẫn còn là một bí ẩn đối với giới nghiên cứu khoa học khi tìm hiểu về giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc…


Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện có 46 lăng đá cổ, trong đó phần lớn tập trung tại huyện Hiệp Hòa với 26 lăng, Việt Yên 11, Tân Yên 5. Những lăng đá tiêu biểu như: Dinh Hương, Nội Dinh, Bầu Đá, Vân Cẩm, lăng họ Ngọ, họ Trần…
Huyền bí “bảo tàng đá” lớn nhất Việt Nam
Những bức tượng đá cổ với nét chạm khắc tinh xảo vẫn "trơ gan
cùng tuế nguyệt". Ảnh: PV
“Trơ gan cùng tuế nguyệt”
Ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) có một “Bảo tàng đá” được xem là lớn nhất nước, tồn tại mấy trăm năm mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trước thách thức thời gian. Đó là hệ thống các lăng tẩm bằng đá- nơi an táng của những bậc tước hầu, quận công trong các triều đại phong kiến xa xưa.
Mấy thế kỷ trôi qua, hệ thống lăng đá ở Bắc Giang vẫn còn khá nguyên vẹn. Những bức tượng bằng chất liệu đá xanh quy mô, bề thế hình người, voi, ngựa, sấu, nghê, chó… được đục đẽo, chạm trổ một cách tinh xảo, công phu và bày đặt nghiêm trang tầng tầng, lớp lớp theo phong cách đăng đối, đối xứng xung quanh khu lăng mộ, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng như lạc bước vào cõi đá của thế giới người xưa.

Hầu hết các công trình lăng đá được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 - 18 dưới thời Lê Trung hưng. Kiểu kiến trúc điển hình là phía ngoài lăng được xây tường bao quanh bằng đá ong, trong có bia đá, xung quanh là tượng quan hầu võ tướng, phía trước có hồ nước tụ thủy, cây cối thâm u, thường có mộ táng hợp chất kèm theo (Kiểu mộ ướp xác, có thể giữ cho thi thể người chết còn khá nguyên vẹn trong một thời gian dài.
Huyền bí “bảo tàng đá” lớn nhất Việt Nam
Cổng “lăng” bằng đá với những bức phù điêu độc đáo còn sót lại.
Theo đó, thi hài được ngâm vào dầu thông cho thơm và mặc rất nhiều quần áo đẹp có thêu hình rồng phượng rồi đặt trong một cỗ quan tài bằng gỗ thông, loại gỗ có hương thơm, rồi bỏ nhiều chè búp, hoa hòe, giúp cho xác ướp được thơm và khô ráo…). Nhưng giá trị độc đáo nhất của khu lăng đá là nghệ thuật tạc tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Các đề tài thể hiện phong phú, trong đó có tượng voi ở nhiều tư thế ngồi, đứng, quỳ, phục, vòi cuộn lại, cổ đeo chuông lớn. Tượng ngựa tạc theo kiểu: yên cương, nhạc ngựa, lục lạc, ngò hoa, vải phủ, khăn thêu... Tượng nghê và sấu được miêu tả rất có hồn; chó được miêu tả đơn giản hơn, ít phức tạp hơn song không vì thế mà mất đi nét độc đáo riêng
Quá khứ huy hoàng
Nằm trọn trong một khu đồi cao ráo thuộc xã Đức Thắng, ba bề bốn bên là đồng ruộng, cảnh sắc chất chứa nhiều nét huyền thoại u tịch, lăng đá Dinh Hương được xây dựng thời Hậu Lê (năm 1727) dưới triều vua Lê Dụ Tông.
Theo dân gian truyền lại: Chủ nhân khu lăng  đá  này một vị quan có nhiều công lao với triều đình nhà Lê. Hai lần được nhà vua cử đi sứ phương Bắc. Năm 1740, dưới triều đại vua Lê Hiển Tông, vị quan này cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương, năm 1749 ông mất.

Khu lăng đá được chủ nhân tự lựa chọn, xây dựng cho mình từ khi vẫn còn sống. Toàn bộ chất liệu bằng đá xanh, được các hiệp thợ vùng Kinh Bắc đục đẽo một cách tinh tế với những hình thù, họa tiết cầu kỳ, phong phú. Cấu trúc lăng được chia làm ba phần khá đồ sộ và hoành tráng gồm: Phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia đá ở bên phải. Phần mộ táng hình vuông, diện tích gần 100m2 với tường vây bằng đá ong… Theo đánh giá đây là một trong những lăng đá hoành tránh và đẹp nhất tại Bắc Giang.
Được xây dựng trước lăng Dinh Dương, lăng họ Ngọ (thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn) có niên đại 1697, đời vua Lê Hy Tông- nơi lưu giữ di hài Phương quận công Ngọ Công Quế. (Lăng xây dựng khi ông vừa được nhà vua phong là: Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, giữ chức phó tả thị nội thư, tả binh phiên, tư lễ giám).

Theo các tư liệu lịch sử,  Ngọ Công Quế là bậc văn võ song toàn, tư cách khoan hòa độ lượng, với việc nước thì tận tâm phụng sự, với quê hương ông hết lòng quan tâm giúp đỡ. Toàn bộ kiến trúc ngoại thất của lăng được xây bằng chất liệu đá muối và đá ong lấy ở núi IA cách đó khoảng 1,5 km. Trực tiếp Ngọ Công Quế thuê các thợ đục đá giỏi nhất vùng về làm lăng mộ cho chính mình.

Bố cục kiến trúc theo hướng Nam, hình chữ nhật với diện tích khoảng 400m2. Trên khu đất trước phần mộ là hai dãy tượng chầu đặt theo lối đăng đối hai bên đường thần đạo: hai con voi phục, hai cặp người dắt ngựa, hai con sấu bằng đá xanh.

Phía sau hương án là cổng vào phần mộ có mặt bằng 15,1 m x 12,5 m có tường đá bao quanh cao 1,9 m. Trước phần mộ là một hương án để tế lễ, cạnh hương án có hai con nghê ngồi chầu và ngẩng cao đầu. Hai bên hương án là hai bàn đá dùng để đặt các đồ tế lễ. Trên nền cổng phần mộ chạm hai người đứng hầu, trên cổng khắc chữ "Linh Quang Từ"…
Ngoài những lăng đá kể trên, huyện Hiệp Hòa còn nhiều lăng đá khá đẹp,  độc đáo và hoành tráng khác như: lăng họ Bùi, lăng họ Hà, lăng họ Khổng, lăng họ Ngọ,…
Huyền bí “bảo tàng đá” lớn nhất Việt Nam
Bao giờ lăng đá “thôi buồn”?
Thâm trầm, hoành tráng và kỳ bí là những cảm giác của chúng tôi khi tiếp cận những khu lăng mộ trên. Mấy trăm năm đã trôi qua song đến nay, những khu lăng đá này vẫn là những bài toán chứa nhiều ẩn số đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, những bí ẩn về “công nghệ” ướp xác, nghệ thuật tạo tác, ý nghĩa tạo hình trong kiến trúc, tượng thờ…

Tuy nhiên, tham quan một vòng qua các lăng mộ ở đây, chúng tôi không khỏi xót xa cho những hiện vật đá nằm trơ trọi giữa những khu đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Một cảm giác lạnh lẽo, u vắng bao trùm trên các khu lăng mộ, hương khói tắt lạnh đã lâu mà hậu duệ của các vị quan ấy cũng cũng chẳng thấy chạnh lòng?

Được biết, vài năm trước đây tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ kinh phí tu sửa, bảo vệ các khu lăng đá này nhưng việc làm đó vẫn chỉ như “muối bỏ biển”, đến nay nhiều công trình bị xuống cấp, xâm hại và bỏ hoang. Mộ số lăng không còn tường bao bằng đá ong như cũ, nhiều lăng mộ, nhiều pho tượng bị phá vì những lời đồn đại có vàng bên trong (lăng Dinh Hương, lăng Nội Dinh...), nhiều lăng mộ bị đào bới để truy tìm đồ quý.
> Sở hữu một số lượng lớn các lăng đá cổ và độc đáo vào bậc nhiều nhất nước hiện nay nhưng hệ thống di sản kể trên chỉ tồn tại một cách lặng lẽ bên những cánh đồng làng.
Tỉnh Bắc Giang hiện vẫn chưa tìm ra một hướng đi cụ thể nào để đầu tư, quảng bá, thu hút du khách đến tham quan hệ thống các di sản này, các đoàn du lịch chủ yếu đến tự phát và nhỏ lẻ trong thời gian ngắn…
Hiệp Hòa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, tại đây những dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt, làm quan, các tướng lĩnh có nhiều cống hiến, công lao qua việc phò tá triều đình phong kiến, những dòng họ nổi tiếng là: Ngô, Ngọ, Lê, Trần, Giáp, Dương, Khổng… từng rạng danh trên đất Kinh Bắc mấy thế kỷ qua.

Một trong những bằng chứng thuyết phục nhất là hệ thống các lăng tẩm, thành quách tư gia của những ông quan này. Vùng Kinh Bắc xưa, nay gồm Bắc Giang, Bắc Ninh có truyền thống khoa bảng, trong 73 khoa thi (1554-1787), thì chỉ riêng Kinh Bắc có tới 199 vị tiến sĩ vào làm quan lớn trong triều đình.
Chính những vị này, khi về già thường về quê chọn đất xây lăng mộ làm chỗ nghỉ vĩnh hằng cho mình, cũng là  nơi để dòng tộc thờ phụng. Vì vậy, khi xây dựng lăng tẩm cũng được chủ nhân lựa chọn rất kỹ về phong thủy, phong cách nghệ thuật. Điều độc đáo nhất của các lăng đá ở Bắc Giang là nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua những tượng người, tượng thú, nhà bia - bia - cổng lăng - mộ - nhà mộ và đồ thờ.

Với những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, hầu hết các lăng mộ đều đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đã có nhiều nhà nghiên cứu và du khách về đây tìm tòi, chiêm bái và thưởng ngoạn hệ thống di tích độc đáo này. Mặc dù mang trên mình những giá trị vô giá ấy nhưng đến nay các khu lăng đá này dường như vẫn bị chìm sâu trong gấc ngủ dài mà chưa được đánh thức.
Huyền bí “bảo tàng đá” lớn nhất Việt Nam
Sở hữu một số lượng lớn các lăng đá cổ và độc đáo vào bậc nhiều nhất nước hiện nay nhưng hệ thống di sản kể trên chỉ tồn tại một cách lặng lẽ bên những cánh đồng làng. Tỉnh Bắc Giang hiện vẫn chưa tìm ra một hướng đi cụ thể nào để đầu tư, quảng bá, thu hút du khách đến tham quan hệ thống các di sản này, các đoàn du lịch chủ yếu đến tự phát và nhỏ lẻ trong thời gian ngắn…,

Tương lai, nếu biết khai thác thì đây sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách bốn phương. Hiện nay, tại khu trưng bầy ngoài trời của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang có trưng bày nhiều hiện vật đá được phục chế theo tỷ lệ 1:1 so với các tượng đá ở lăng đá trên để phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, người có nhiều năm nghiên cứu về những khu lăng đá này cho hay: Lăng tẩm ở Bắc Giang là công trình kiến trúc dành để chôn cất những quan lại cao cấp thời Lê- Trịnh và thường được xây dựng ngay trên quê hương của người đó.
Lăng đá được xây dựng sớm nhất là lăng Đĩnh quận công Ngô Công Mỹ, xã Thái Sơn được xây dựng vào năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), lăng xây dựng muộn nhất là lăng Lan trung hầu Nguyễn Hạnh Thông, xã Đông Lỗ niên đại năm Cảnh Trị thứ 9 (1771). Đây có thể xem là một “Bảo tàng đá” tiêu biểu cho nền nghệ thuật xây dựng và điêu khắc lăng mộ đã phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật lăng tẩm Việt Nam.

Kim Sa - GĐ&XH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét