Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

CÂU CHUYỆN TÍNH BÁO 47

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Những bí mật bị đem bán

VietnamDefence - Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, sĩ quan cao cấp Jack Sherman phụ trách hợp đồng mua sắm của quân chủng Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã bị phát giác ăn hối lộ 43,5 ngàn đô la.
Ông này đã cung cấp các tài liệu về các kế hoạch mua sắm thiết bị điện tử cho 4 “chuyên gia tư vấn” của các hãng nhận thầu. Một trong các “chuyên gia tư vấn” đã tố cáo J. Sherman với FBI. Cảnh J. Sherman nhận hối lộ đã bị quay phim bằng camera bí mật do các nhân viên FBI bố trí. Tháng 1 năm 1989, toà án ở Alexandria (thị trấn ngoại ô Washington) đã tuyên bố ông này có tội. J. Sherman đã đồng ý trả lại cho chính phủ Mỹ 43,5 ngàn đô la. Công tố viên yêu cầu mức án án nghiêm khắc 20 năm tù và khoản tiền phạt 500.000 đô la.

J. Sherman và 4 sĩ quan khác đã bị bắt giữ vào tháng 6 năm 1988 khi người ta đã phát hiện các tài liệu mật của Lầu Năm góc trong quá trình khám nhà họ. Các nhân viên FBI đã lấy lời khai ở hệ thống kiểm soát của tập đoàn Whittaker  ở Los Angeles vì nghi ngờ tập đoàn này có liên hệ với J. Sherman.

Cuộc điều tra sau đó đã cho thấy sự cấu kết của công ty Whittaker  hoạt động khi đó dưới tên Lee Telecommunication (LTC) với các “chuyên gia tư vấn” đã bắt đầu vào năm 1981 khi công ty gặp phải những khó khăn tài chính. Cựu chủ tịch LTC Harvey Lee, phó chủ tịch Scott Lamberth và Thomas Ingram đã đồng ý trả cho J. Sherman những khoản tiền lớn cho sự giúp đỡ để giành được hợp đồng sản xuất hệ thống kiểm soát điện tử với Lầu Năm góc. Tiền được trả cho J. Sherman thông qua một “chuyên gia tư vấn” độc lập Muldoon. Tiếp sau lần hồi lộ đầu tiên 43,5 ngàn đô la là các lần hối lộ khác. Vào năm 1986, J. Sherman đã giúp tăng giá trị các hợp đồng của Lầu Năm góc ký với LTC từ 600 ngàn đô la lên tới 2,4 triệu đô la, và sau đó là tới 6 triệu đô la.

Toà án liên bang ở Alexandria tháng 9 năm 1989 đã tuyên bố hãng Whittaker  và “chuyên gia tư vấn” của hãng  phạm tội mua chuộc quan chức Lầu Năm góc và tuyên phạt công ty 3,5 triệu đô la (1,5 triệu vì tội hình sự; 1,5 triệu vì đơn kiện dân sự và 500 ngàn để bồi thường chi phí cho chính phủ).

Toà án liên bang ở Alexandria, trong khi tiếp tục vụ án trong khuôn khổ chiến dịch Ill Wind vào tháng 4 năm 1989, đã kết tội 3 phó chủ tịch của công ty Newbary Park ở California vì có ý đồ phạm tội đưa hối lộ cho chuyên gia tư vấn William Parkin trị giá 160.000 đô la để đổi lấy thông tin “nội bộ” của Lầu Năm góc nhằm giành được hợp đồng trị giá 24 triệu đô la cho hãng Teledyne Inc. sản xuất các thiết bị nhận dạng địch-ta đối với máy bay quân sự. Chuyên gia tư vấn W. Parkin đã nhận được thông tin mật, cũng thông qua hối lộ, từ viên kỹ sư Stewart Berlin của Hải quân Mỹ. Các luật sư bào chữa của công ty Teledyne, theo như họ nói, đoan chắc là W. Parkin đã nhận thông tin bằng con đường hợp pháp từ các nguồn chính thức. S. Berlin đã đồng ý với đề nghị của W. Parkin giúp đỡ cho công ty Teledyne nhận được hợp đồng để đối lấy khoản tiền thưởng cho hoạt động “tư vấn”.

Trong quá trình điều tra, đã xác định được nhân vật trung tâm trong vụ hối lộ liên quan đến công ty Teledyne là chuyên gia tư vấn thương mại Fred Lunker. Ông này đã bị kết án 27 tháng tù và bị phạt 25.000 đô la. Hai đồng phạm khác là chuyên gia tư vấn W. Parkin và nhân viên dân sự của Hải quân Mỹ S. Berlin thì bị kết án 26 tháng tù và phạt 25.000 đô la mỗi người.

F. Lunker và W. Parkin đồng thời còn đóng vai trò “nhà tư vấn” cả cho công ty Hazeltine. Thông qua nhân viên của Hải quân Mỹ S. Berlin, họ đã nắm được giá mua của Lầu Năm góc và giá chào hàng của các hãng cạnh tranh. Các nhà tư vấn đã chuyển thông tin “nội bộ” này cho phó chủ tịch tập đoàn Hazeltine là Charles Furcinity và ông này đã sử dụng nó khi ký hợp đồng với Hải quân Mỹ sản xuất thiết bị thử nghiệm radar máy bay tổng trị giá 150.000 đô la. Tháng 1 năm 1989, C. Furcinity đã bị kết án 3 tháng tù và phạt 20.000 đô la vì tội tham nhũng.

Toà án Alexandria vào tháng 8 năm 1990 đã tuyên bố cựu chuyên gia tư vấn về các vấn đề quốc phòng, thiếu tá không quân về hưu Bernie Zettl phạm tội chuyển giao báo cáo mật về ngân sách Hải quân Mỹ cho tập đoàn GTE và tuyên phạt 10.000 đô la. Những quan chức của các hãng Boeing, Grumman, Hughes Aircraft, General Motors, RAS Corp. và Raytheon có liên quan đến những áp phe của Zettl cũng bị trừng phạt. Họ đồng ý trả khoản bồi thường tổn hại 14,9 triệu đô la. Một vài bị can làm vẻ không biết tính chất phi pháp của việc buôn bán tài liệu chính phủ. Nhân viên của Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng Mỹ M. Valenski đã bác bỏ những khẳng định này và chứng minh rằng, tất cả họ đều biết rất rõ những áp phe của B. Zettl và GTE, còn các công ty thì cố tình không nhìn nhận nghiêm túc các hiện tượng lừa đảo và giả điếc trước lời cảnh tỉnh của lý trí.

Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, đã phát giác không chỉ những vi phạm tài chính liên quan đến lạm dụng quyền hạn khi chuẩn bị và ký các hợp đồng với Lầu Năm góc, mà cả những gian lận chính trị. Toà án liên bang ở Alexandria vào tháng 1 năm 1989 đã kết tội vi phạm Luật về vận động bầu cử đối với cựu nhân viên tập đoàn Unisys là Robert Barrett và nhà tư vấn của hãng này là Josef Hill vì những khoản quyên góp bất hợp pháp trị giá ít nhất 27.000 đô la ủng hộ các nghị sĩ R. Dyson, W. Dickinson, R. Reja, J. Sasser và B. Chappell. R. Barrett và J. Hill có nguy cơ bị tù tới 5 năm và phạt đến 250.000 đô la. Tuy vậy, các nghị sĩ tuyên bố không biết về các khoản quyên góp này trong quá trình vận động trước bầu cử. Các đại diện Chính phủ Mỹ đưa ra ý kiến sẽ không có phiên toà chống các nghị sĩ đó.

Các nhà bình luận quân sự và chính trị ở Mỹ đã gọi những kết quả của chiến dịch Ill Wind là một vụ Irangate mới hay Pentagate và so sánh tác động của nó đối với hoạt động mua sắm vũ khí của Lầu Năm góc với những hậu quả của vụ nổ tàu con thoi vũ trụ Challenger đối với chương trình nghiên cứu vũ trụ Mỹ.

Trong quá trình tiến hành chiến dịch Ill Wind, đã thực hiện nghe lén nhiều ngàn cuộc nói chuyện điện thoại, gần 300 người bị tình nghi bị triệu tới toà, đã đưa ra trên 100 bản cáo trạng. Một trăm nhân viên của FBI và Cục điều tra Hải quân Mỹ đã tiến hành thanh tra hồ sơ tài chính của các nhà tư vấn và các công ty thầu khoán cung cấp hàng cho Lầu Năm góc. Đã phát hiện những vi phạm luật pháp từ phía các công ty sau:

- McDonell-Douglas Corp. chuyên sản xuất máy bay quân sự, các hệ thống tên lửa và tiến hành các hoạt động nghiên cứu (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc trị giá 7,7 tỷ đô la năm 1987);

- United Technologies Corp. chuyên sản xuất động cơ máy bay; trực thăng và bảo dưỡng tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 3,6 tỷ đô la);

- Unisys Corp. chuyên sản xuất các hệ thống máy tính điện tử và đã ký hợp đồng với Lầu Năm góc trị năm 1987 giá 2,3 tỷ đô la);

- Northrop Corp. sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến thuật, tên lửa, khí cụ bay không người lái (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 1,1 tỷ đô la);

- Teledyne Inc. sản xuất động cơ máy bay, khí cụ bay không người lái, tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 359 triệu đô la).

Điệp viên thế kỷ XX: Liên lạc viên của Đại tá Abel

VietnamDefence - Đại tá Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR Yuri Sergeyevich Sokolov là liên lạc viên của nhà tình báo huyền thoại Abel.
Luôn luôn ở bên cạnh

Đại tá Vilyam Genrikhovich Fisher (Rudolf Ivanovich Abel) trên một con tem Liên Xô
Đại tá Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR Yuri Sergeyevich Sokolov là liên lạc viên của nhà tình báo huyền thoại Abel. Có lẽ ông là người cuối cùng trong số những người đã làm việc với con người là biểu tượng của tình báo Liên Xô không phải ở trong các phòng làm việc ở Yasenevo và Lubyanka, mà hoạt động trên địa bàn mạo hiểm của kẻ thù chủ yếu - Hoa Kỳ. Chỉ có rất ít đồng nghiệp là biết đến tên tuổi ông. Kể cả những phần thưởng cao quý cũng vòng quanh mà không tìm ra người nhận.

Sokolov hầu như biến mất, tan biến trong màn bí mật gắt gao, nơi mà người ta biết đến họ chỉ theo bí số. Vào thời Abel, ông được gọi là Claude. Tôi cực kỳ lúng túng và sau mấy năm cố lần mò tìm hiểu về những điều lắt léo không thể tưởng tượng được của vụ gián điệp hạt nhân Xôviết, tôi cũng chỉ đem vào câu chuyện được che phủ bởi màn bí mật này một phần đóng góp nhỏ nhoi đáng xấu hổ của mình. Trong cuốn sách “Sự thật về đại tá Abel”, đại tá Sokolov - Claude đã chính thức bị “mai táng”. Các nhân viên Cục S (tình báo bất hợp pháp) đã ám chỉ như vậy với tôi.

***

- Thưa Yuri Sergeyevich, ông đã làm việc tại Mỹ bao nhiêu năm?

- Từ năm 1947 đến hết năm 1952. Tôi có hàm ngoại giao là bí thư thứ ba. Ban đầu ở lãnh sự quán, sau đó được chuyển tới cơ quan đại diện ở Liên Hiệp Quốc. Gần 6 năm trời và không có lấy một lần nghỉ phép.

- Công việc có lẽ rất căng thẳng. Còn bây giờ, theo tôi, không phải như thế nên người ta vẫn cho phép nghỉ ngơi.

- Phải, bây giờ chắc không như thế. Nhưng tôi đã được làm việc với lưới điệp viên rất giá trị do đó không thể có sự thay ca. Hướng tình báo khoa học kỹ thuật là hướng tôi đã làm suốt đời.

- Ông đã có những ngồn tin quý giá?

- Cực kỳ quý giá. Có khá nhiều người cung cấp tin cho tôi về bí mật nguyên tử. Còn khi chúng ta cho nổ quả bom nguyên tử của mình, sự quan tâm của chúng ta không vì thế mà chấm dứt: việc nghiên cứu tiến triển, các nhà khoa học đã tiến tới bom khinh khí, rồi xuất hiện vấn đề phương tiện mang phóng.

- Thế ông lấy đâu ra các điệp viên? Ông tuyển mộ à? Họ làm gì? Bây giờ, họ ở đâu?

- Tôi tiếp nhận họ từ những người đi trước. Còn họ làm gì và hiện ở đâu thì tôi sẽ không nói đâu. Những cộng tác viên của chúng tôi là những người ít có nhu cầu nhất để được nổi danh trên mặt báo.

- Nhưng mà, Yuri Sergeyevich, đã từng ấy năm trôi qua rồi còn gì!

- Thôi được. Ví dụ, ở Mỹ, tôi làm việc với Morris và Lona Cohen. Đó là những tên tuổi nổi danh trong thế giới của chúng tôi.

- Không có gì là của bản thân ông ư? Dù sao, vợ chồng ông là một trong những cặp vợ chồng gián điệp lừng danh nhất.

- Ông dùng từ “gián điệp” ở đây là thô thiển và không thích hợp.

- Xin ông thứ lỗi. Morris và Lona lấy cắp cho Liên Xô các bản vẽ bom nguyên tử. Họ qua đời và được chôn tại Moskva. Vậy mà chỉ sau khi chết, họ mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.

- Tôi được cử sang Mỹ chính là để nối lại liên lạc với họ. Chúng tôi đã gặp gỡ, làm quen và kết thân với nhau. Chúng tôi vẫn là bạn cho đến tận cuối cùng.

- Thế còn với Abel thì sao? Làm thế nào mà ông được làm việc cùng ông ấy? Ông dù sao cũng làm việc tại sứ quán cơ mà?

- Tại Liên Hiệp Quốc.

- Thì vẫn là làm việc công khai. Còn ông ấy thì là điệp báo bất hợp pháp. Tôi nghe nói rằng, người ta cấm việc liên lạc giữa người đang hoạt động dưới “vỏ bọc” công khai hợp pháp với các tình báo viên bất hợp pháp.

- Người ta nói đúng đấy. Nhưng việc liên lạc với Abel cũng mới chỉ được thu xếp thôi. Người ta đòi hỏi thông tin phải được chuyển thật nhanh. Cần tăng cường hỗ trợ cho Abel.

- Sự hỗ trợ nào?

- Tất cả. Chờ các liên lạc viên tới ư? Mất thời gian lắm. Và người ta đi đến nhận định là cũng không thể thiếu được phương thức liên lạc thông qua sứ quán. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện của hai xếp của mình. Một người trong số đó là Vladimir Barkovsky, người hoạt động trên hướng tình báo khoa học kỹ thuật, đã đề xuất với trưởng trạm điệp báo của chúng tôi sử dụng Glebov vào nhiệm vụ khó khăn này.

- Glebov thì có liên quan gì ở đây?

- Glebov, cũng như Claude, cũng là tôi mà thôi.

- Khi đó ông bao nhiêu tuổi rồi?

- 27. Tôi mới được phong quân hàm trung uý. Vậy là tôi nghe được câu chuyện và sau đó người ta giải thích cho trôi: thiết lập liên lạc với một điệp viên bất hợp pháp, giúp anh ta thực hiện các nhiệm vụ nghiệp vụ và thật khẩn trương, khẩn trương...

- Thế ông có biết Abel thì làm gì không?

- Tôi được thông tin chung chung về ông ấy. Nhưng lập tức tôi phải vượt qua một trở ngại lớn. Từ Trung ương, người ta liên lạc với ông ấy...

- Từ Moskva?

- Phải, từ Trung ương, người ta quy định điểm liên lạc cách không xa nhà tôi. Đó là ngẫu nhiên thôi, nhưng rất nguy hiểm. Tôi phải thay đổi xe buýt mấy lần. Tôi phải đi đường vòng. Kiểm tra - không có gì đáng nghi, mọi chuyện đều êm. Tôi, tất nhiên là người đầu tiên, xuống xe buýt và khi đang lại gần, tôi đã nhận ra ông ấy.

- Ông có được cho xem ảnh ông ấy không?

- Chẳng có ảnh nào hết. Đó là con người có gương mặt góc cạnh. Tôi vẫn đi thản nhiên, khi đi ngang qua ông ấy, tôi cúi xuống, sửa lại dây giày và nói bằng tiếng Nga: đồng chí Mark, sau 5 phút nữa, trong rạp chiếu phim - ở bên dưới, trong toalet.

- Sao cơ?

- Mark. Đó là tên hoạt động của ông ấy. Trước tiên, tôi phải đi lẹ tới rạp chiếu phim, ghé vào quầy bar, nhấm nháp cái gì đó. Lại kiểm tra một lần nữa - mọi sự bình thường. Tôi xuống lầu và ông ấy đã chờ sẵn ở đó. Ông ấy lại gần tôi và chúng tôi ôm nhau. Ông nói: cả năm trời tôi không gặp được người bên mình. Đầu tiên, tôi đọc mật khẩu cho ông ấy. Chúng tôi trao đổi với nhau và sau đó là những cuộc gặp mới.

- Ông xưng hô “cậu tớ” ngay với ông ấy à?

- Đâu có. Đó chỉ là bây giờ, những người dẫn chương trình truyền hình mới hay “cậu tớ” với tất cả thôi. Còn chúng tôi thì phải sau này khi đã làm việc hợp ý nhau một thời gian.

- Các ông đã hoạt động thế nào?

- Đã có những buổi liên lạc rất thú vị. Kể cả liên lạc trực tiếp lẫn liên lạc hộp thư mật.

- Yuri Sergeyevich, những hộp thư mật được đặt ở đâu? Chúng được chuẩn bị ra sao? Những cái gì được bỏ vào đó?

- Chúng tôi bố trí hộp thư mật ở những địa điểm khác nhau - trong rừng, trong công viên - nơi có nhiều cây, chỉ không ở New York thôi và không được ở chỗ trống trải. Một lần đã xảy ra một chuyện rất ngớ ngẩn với hộp thư mật của chúng tôi. Anh có muốn nghe kể không?

- Tất nhiên là có.

- Đó là ở ven thành phố New York , trong công viên, trên một quả núi. Cảnh quan thiên nhiên rất đẹp - phía dưới người ta chơi bóng đá, bóng chày. Và tôi phải bỏ những tài liệu mã hoá vào hộp thư mật ở đó cho anh ấy - tài liệu viết trên giấy cực mỏng. Thế mà trước khi đó, một đồng nghiệp đến chỗ tôi mang theo một cái xương gà. Nó không nhỏ và không đập vào mắt, tôi cạo, rửa sạch - và quả thực là tôi có được cả một kho chứa tài liệu ngon lành dày cả ngón tay ở bên trong cái xương gà. Tôi lau bằng dầu tây để chó hay mèo đều không thể tha đi được. Và tôi nhét vào đó mấy tờ giấy - trông vẫn bình thường. Trước đó, tôi nhận từ Abel thông qua các hộp thư mật những hộp chứa thư kiểu bulông và êcu: ông ấy khoan rỗng chúng và nhét tài liệu vào đó. Tôi lấy chất dẻo bịt kín cẩn thận cái xương gà của mình và ném vào hộp thư mật. Ngày hôm sau, tôi quay lại và thấy Abel để lại tín hiệu không tìm thấy hộp đựng thư.

- Tín hiệu gì?

- Tín hiệu quy ước của chúng tôi. Chúng tôi thông báo tất cả bằng tín hiệu. Nguy rồi! Nếu kẻ nào đó đã thấy được thì chúng chắc phải chộp được quả tang cả tôi rồi. Tôi muốn đi đến đó kiểm tra, có thể cái xương gà của tôi đang rơi đâu đó gần đấy và đang cười cợt tôi và Abel. Nhưng tôi không thể làm thế, tôi không được quyền. Tôi báo cáo tất cả với trưởng trung tâm. Ông ấy cũng dự đoán chắc chỉ là Abel không nhận ra hộp thư thôi. Chúng tôi hỏi về Trung ương.

- Chả lẽ chỉ có thế mà đã hỏi ngay về Moskva ư?

- Với chúng tôi, tất cả đều phải là bằng linh giác, và lý do ở đây thì thật nghiêm trọng. Chúng tôi nhận được ngay câu trả lời. Người ta không huy động thêm một cán bộ tình báo khác mà cho phép tôi kiểm tra hộp thư mật. Và chưa đến hộp thư tôi đã trông thấy cái xương gà đáng thương của tôi đang nằm trơ trên đám cỏ cao gần gờ đá và chả ai thèm để ý đến nó cả. Tôi kiểm tra ngay: hộp chứa thư không bị mở.

- Tại sao ông lại tin chắc là như thế?

- Chúng tôi thường để lại dấu hiệu bảo hiểm. Nhưng tôi khi đó quá hồi hộp. Tôi quả thực đã phạm sai lầm.

- Thế lỗi là của ai? Chả lẽ không phải là lỗi của Abel? Rõ ràng là ông ấy có thể đoán biết rằng thư được để trong cái xương chứ.

- Tôi đã không báo trước cho ông ấy về kiểu hộp chứa thư mới. Sau này, ông ấy kể với tôi: “Quả thực tôi cũng cầm cái xương gà và giữ nó trong tay. Nó chả giống gì với một hộp chứa thư cả và thế là tôi lẳng luôn vào bụi rậm”. Abel là con người rất khéo, ông ấy chỉ nói: “Đúng là anh chơi khăm tôi”. Ông ấy luôn thừa cẩn thận và kiên nhẫn. Chỉ có một lần ông ấy không giữ được như thế.

- Khi nào cơ?

- Một lần, tôi gặp Abel ở một thành phố khác chứ không phải ở New York. Tôi đã kiểm tra rất kỹ, chúng tôi gặp nhau, trò chuyện và tôi chuyển cho ông ấy mấy lá thư của vợ và con gái Evelina. Ông đọc thư và tôi thấy mặt ông đỏ bừng, mấy giọt lệ rơi trên má. Sau này, tôi không bao giờ nhìn thấy ông ấy để cho tình cảm lấn át lý trí. Lúc đó, tôi vô duyên lại đi hỏi thăm ông ấy là có gì không hay xảy ra không. Còn ông ấy đáp: “Anh sao thế! Hoàn toàn trái lại. Nhưng tôi rất buồn. Tôi luôn nhớ vợ con và Tổ quốc.” Lúc đó, Abel đề nghị tôi thăm dò xem liệu có thể nhận vợ anh ấy vào làm việc ở cơ quan đại diện tại Liên Hiệp Quốc không. Tôi nghĩ bụng, anh chàng đáng thương ban đầu thì đứng xa nhìn vợ, sau đó chúng tôi sẽ phải tổ chức cho anh ấy cuộc gặp tại nhà mật, và có thể chúng có thể tóm được chúng tôi ở đâu đó - thế là đột nhiên có những rắc rối thì sao? Chắc chắn Abel cũng đã nghĩ về điều đó. Và anh chỉ khẽ nói: “Giá như tôi có thể nhìn thấy cô ấy dù là chỉ từ xa xa...”. Anh đề nghị mua cho vợ mình một chiếc đàn viôlôngxen, chị ấy là nhạc công chuyên nghiệp mà.

- Anh quá yêu chị ấy phải không?

- Cả yêu thương lẫn buồn nhớ - tất cả cùng lúc. Tôi không chắc lắm nhưng khi Yulian Semyonovich miêu tả trong phim “17 khoảnh khắc mùa xuân” cuộc gặp của Stierlitzvới vợ trong một nhà hàng nhỏ, có lẽ ông ấy đã ám chỉ đến chính cuộc gặp không thành mà tôi đã viết.

- Thế ông viết về điều này ở đâu? Trong cuốn sách nào chăng? Hay là trong hồi ký?

- Tôi miêu tả việc này trong các báo cáo của mình. Tôi không viết tiểu thuyết, còn thơ... thì cũng có vài bài cho Abel, Morris và Lona Cohen.

- Và dù chỉ là bài thư tứ tuyệt phải không?

- Chúng tôi đã gặp nhau trên bờ vắng lặng, tịch mịch. Abel leo lên một tảng đá và đứng đó rất lâu mắt nhìn đăm đắm vào lòng đại dương. Im lặng. Sau đó, anh ấy đến gần: “Anh biết không, ở đằng kia, bên kia đại dương là nhà tôi”. Đó chính là cảm xúc sâu lắng nhất mà mỗi tình báo viên đều trải nghiệm. Cả tôi cũng vậy:

Trước mắt ta là thay đổi triền miên
Từ đốm sáng thành sắc màu rực rỡ
Từ rì rầm thành ầm ào con sóng
Rồi lại đến một phút giây tĩnh lặng
Bỗng trào lên niềm ước ao da diết
Mong sao ta được một mình
Chỉ một phút không cần mang mặt nạ
Cái mặt nạ xa lạ, khó rời xa, quen thuộc.

Tôi rất không muốn những tình cảm của chúng tôi đối với anh lại là chuyện tầm thường giả tạo. Lo lắng, căng thẳng, xa nhà. Tình báo viên nào cũng luôn mạo hiểm gấp đôi - điều đó làm con người ta kiệt quệ, héo khô.

- Yuri Sergeyevich, ông cho rằng, Abel bị bắt chỉ vì liên lạc viên Häyhänen phản bội - anh ta cũng là tình báo viên bất hợp pháp mà?

- Vâng anh ấy rất mong liên lạc viên khác là Robert. Anh ta đáng lẽ phải tới nơi, còn tôi đã hàng mấy chục lần đi qua tuyến tàu điện ngầm trên mặt đất, mắt nhìn chăm chăm tưởng chừng như khoan thủng cả một cái bốt điện thoại tại một ga tàu điện ngầm. Chính trên bốt điện thoại đó, liên lạc viên phải đánh tín hiệu “đã đến”.

- Tín hiệu gì vậy?

- Hoặc là hình tam giác, hoặc là nét kẻ, giờ thì tôi không còn nhớ nữa. Hoặc tín hiệu phức tạp hơn: chúng ta gặp nhau vào ngày này và giờ này. Tôi đã đi tuyến đường này cả tháng trời mà vẫn vô vọng. Còn sau đó thì chiếc bốt điện thoại cũng biến mất. Người ta dỡ mất nó. Chúng tôi rất lo lắng và băn khoăn. Chẳng lẽ anh ấy bị sa bẫy, bị lộ rồi sao? Một thời gian sau, Trung ương thông báo rằng, Robert đã hy sinh trên đường đi.

- Anh ấy bị giết ư?

- Anh ấy hy sinh trên biển. Biển Baltic. Anh ấy phải đi qua vịnh và con tàu chở anh ấy đã bị đắm. Ngắn gọn mà nói thì đó là do những tình huống không may.

- Thế ông có biết người đó không?

- Tôi ư - không biết. Abel thì biết và rất đau xót.

- Nếu như Robert tới được Mỹ thì có lẽ Vilyam Genrikhovich đã chẳng phải ngồi 6 năm khốn khổ trong nhà tù Mỹ.

- Anh ấy có rất nhiều khả năng và những quan hệ rất rộng rãi. Con người quảng giao này có mối giao thiệp quen biết rộng.

- Vậy thì thực ra ông ấy đã thu được những thông tin gì vậy? Phải chăng là chỉ về bom nguyên tử? Giá trị thông tin ra sao? Về vấn đề này có nhiều ý kiến không giống nhau, đôi khi hoàn toàn trái ngược.

- Tôi chẳng bình luận làm gì. Chúng tôi có luật cư xử riêng của mình. Không được phép xía vô chuyện của người khác. Tôi sẽ không định và không thể nói chi tiết được. Thành phần lực lượng điệp viên chủ yếu mà chúng tôi đã thu hút hợp tác sẽ luôn là điều bí mật. Nhưng có thể nói rằng, có nhiều tin tức, rất nhiều, đã giúp đất nước ta rút ngắn 2-3 năm nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm bí mật và tiết kiệm được 18-20 triệu rúp theo thời giá bấy giờ.

- Thế sau đó, ở Moskva, ông đã gặp gỡ Abel, hai người vẫn chơi với nhau chứ?

- Phải, chúng tôi quan hệ tốt với nhau, ông ấy luôn vui khi gặp tôi. Nhưng kết bạn, qua lại gia đình nhau - cái đó thì không có. Ông ấy dù sao cũng lớn tuổi hơn tôi. Anh cũng phải hiểu cho là Abel làm việc ở cục điệp báo vốn hoạt động khá tách biệt. Có nhiều việc họ không được khuyến khích làm đâu.

- Yuri Sergeyevich, theo tôi hiểu thì chuyến công tác sang Mỹ ấy chưa phải là chuyến cuối cùng.

- Tôi làm việc cho tình báo khoa học kỹ thuật ở nước ngoài trong 25 năm. Sau Mỹ là Anh, Áo, Geneva...

- Xin ông bỏ quá cho câu hỏi này của tôi. Nhưng mà không hỏi thì không được. Ông biết đấy về cái cảm giác phần thưởng cứ chẳng đến lượt ông ấy.

- Biết giải thích cho anh thế nào bây giờ nhỉ... Với tôi, một đại tá đã có 50 năm phục vụ và một số huân chương. Không phải là ông tướng, cũng chẳng phải anh hùng - điều đó có sao đâu? Anh phải hiểu ai đã làm việc cho chúng tôi thì họ làm việc không phải vì quân hàm và tiền bạc. Tìm những người như thế có lẽ phải ở chỗ nào khác cơ. Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi có bổn phận phải làm. Và niềm vui của chúng tôi là ở đó. Còn sau quãng đời hoạt động, số phận đưa đẩy tôi tới trường đại học (tình báo) của chúng ta, nay đã là học viện, ở đó tôi giảng dạy, hướng dẫn các bài thực hành cho các tình báo viên tương lai. Trong năm nay tôi mới nghỉ. Vậy là tôi đã trải qua cả nửa thế kỷ trong cái nghề này rồi...

Điệp viên thế kỷ XX: “Những người chết sống lại”

VietnamDefence - Trong tình báo bất hợp pháp có nhiều điều rất trần trụi, gần như tất cả được chấp nhận một cách căng thẳng, đau đớn, nếu như bản thân anh không khép mình vào những nguyên tắc khốc liệt của ngành này.
Ngày 11 tháng 6 năm 1996, tại sân bay thủ đô Sheremetyevo-2, người ta đang bồn chồn chờ đợi chiếc máy bay từ Canada. Một đám đông những người đi đón - bạn bè, người thân, bạn làm ăn và các tài xế taxi vốn nhung nhúc khắp nơi nữa - đã vây kín phòng chờ.

Không ai thèm để ý đến những người bình thường mặc thường phục đang tách một cặp vợ chồng trẻ khỏi đám đông hành khách. Người ta tống người đàn ông và người phụ nữ ấy vào trong một xe ôtô và chiếc xe phanh rít lên rồi vọt ngay đi.

Đôi vợ chồng Ian và Lorie Lambert đưa mắt nhìn sân bay đang khuất dần với một nỗi buồn khó giấu. Họ thừa hiểu rằng, họ không bao giờ còn ra khỏi nước Nga được nữa...

Tình báo bất hợp pháp luôn có một vị trí đặc biệt. Và điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. “Các hiệp sĩ của áo choàng và dao găm” đang làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao thì chả việc gì phải giấu nguồn gốc Nga của mình. Điều tồi tệ nhất chờ đợi họ một khi bại lộ chỉ là trục xuất về nước thôi. Người ta không thể bắt nhà ngoại giao được.

Tình báo viên bất hợp pháp lại là người sống dưới tên của người khác. Không một ai, kể cả những người bạn thân thiết nhất cũng không được biết Peter (hay Michael) trên thực tế lại là Pyotr (hay Mikhail) và anh ta đã sinh ra không phải ở Quebec hay Monte Carlo mà là ở tỉnh lẻ nào đó ở nước Nga xa xôi.

Bất kỳ một tình báo viên bất hợp pháp nào, loại người có thần kinh và tâm lý vững vàng như sắt thép, đều phải chấp hành nguyên tắc bí mật cực kỳ gắt gao và tính kỷ luật rất cao. Nhiều khi thậm chí cả trưởng trung tâm tình báo cũng không được biết về sự tồn tại của lưới tình báo bất hợp pháp trên địa bàn nước mình phụ trách.

Còn gì có thể giật gân hơn vụ xì căng đan bung ra giống như một quả bom vào giữa năm 1996. Đôi vợ chồng Lambert bám rễ ở đất nước của lá phong (biểu tượng quốc kỳ của Canada - ND) từ 5 năm trước. Là con cái của những người lưu vong Canada, họ ở tuổi chưa biết gì đã bị đưa khỏi đất nước và lớn lên ở châu Âu. Khi chẳng còn người họ hàng nào còn sống thì vợ chồng nhà Lambert bất ngờ nhận được một khoản thừa kế khá lớn. “Chúng ta hãy trở về mảnh đất tổ tiên thôi!” - họ quyết định.

Nhà Lambert định cư ở Toronto. Lối sống mà họ đã có không khác gì mấy lối sống chung ở đây. Đôi vợ chồng lui tới các nhà hát, nhà hàng. Họ còn mời khách khứa đến nhà. Họ mở mang kinh doanh của mình.

“Vợ chồng nhà Lambert mới dễ chịu làm sao, - các bạn hữu mới của họ trầm trồ. - Họ thật là một đôi vợ chồng hạnh phúc!”

Ôi thôi. Sự liên kết này hoá ra lại mỏng manh đến mức đáng kinh ngạc. Ba năm sau khi đã “xã hội hoá”, tổ ấm gia đình Lambert đã vỡ tan tành. Ian rời bỏ Lorie để đến với một người bạn đời khác, một phụ nữ Canada 100%.

Người đàn bà bị ruồng bỏ nhưng còn khá ưa nhìn này biết làm gì bây giờ? Chị ta cũng cặp với một anh chàng khác. Người đàn ông mà cô chọn là tiến sĩ Peter Miller.

Tuy nhiên, vợ chồng nhà Lambert không chính thức hoá việc ly dị của mình. Thật là kinh ngạc với bạn bè khi mà họ chọn cách tiếp tục sống trong khuôn khổ hôn nhân hợp pháp. Sau này mới biết họ đã phải làm điều đó một cách rất khó khăn.

Cái bí mật đáng sợ của vợ chồng Lambert chỉ bị khám phá vào ngày 22 tháng 5 năm 1996 khi cơ quan phản gián Canada CSIS (Canadian Security Intelligence Service - Cục Tình báo An ninh Canada - ND) đã bắt giữ họ vì tội làm gián điệp cho Moskva.

Những người bị bắt không chối cãi lâu. Sau khi ngồi trong nhà lao Toronto được chừng hơn tuần, họ đã thú nhận là họ có quan hệ với họ Lambert giống như Giáo hoàng La Mã với việc sản xuất xe đạp vậy. Không dừng ở đó, họ còn khai tên thật (?) của mình: Dmitri Vladimirovich Olshansky và Yelena Borisovna Olshanskaya.

Sự bộc tuệch đến thế của họ đã gây ra sự phẫn nộ dễ hiểu của Moskva. Vấn đề là ở chỗ, theo nguyên tắc, tình báo viên bất hợp pháp phải hết sức tránh né đến cùng những lời khai thật. Chỉ cần nhớ rằng, nhà tình báo Xôviết huyền thoại Rudolf Abel, người đã từng bị FBI bắt, đã hoà nhập vào câu chuyện nguỵ trang đến mức thậm chí được chôn cất cũng dưới cái tên Abel, trong khi trên thực tế tên ông là William Genrykhovich Fisher.

Hơn nữa, chúng tôi cũng không thể khẳng định 100% Olshansky không phải là bí danh. Thôi tốt hơn là chúng ta bỏ qua chuyện này.

Không xin phép Trung ương về việc ly dị, “vợ chồng Lambert” thực tế đã đặt mình ra ngoài vòng pháp luật, vi phạm nguyên tắc thiêng liêng của tình báo bất hợp pháp là cần phải cư xử với cấp trên như với cha cố nhận xưng tội.

- Trong tình báo bất hợp pháp có nhiều điều rất trần trụi, gần như tất cả được chấp nhận một cách căng thẳng, đau đớn, nếu như bản thân anh không khép mình vào những nguyên tắc khốc liệt của ngành này, - cựu chỉ huy tình báo bất hợp pháp của KGB, thiếu tướng Yuri Drozdov nhận xét. - Điều chính yếu nhất trong những nguyên tắc đó là sự công khai và trung thực tuyệt đối và báo cáo đầy đủ về tất cả những bước đi và hành động của anh ở nước ngoài cũng như trong nước.

Vợ chồng Olshansky còn phạm một tội nặng không kém nữa - đó là họ thú nhận làm việc cho một cơ quan tình báo cụ thể, cho Cục Tình báo Đối ngoại SVR của Nga. Các đại diện chính thức của SVR từ chối bình luận vấn đề này. Theo thông tin mà phản gián Canada công bố, vợ chồng Olshansky là cán bộ chính thức của SVR. Họ được tung sang Canada vào năm 1991 bằng giấy tờ giả. Lai lịch giả của họ được xây dựng dựa vào yếu tố tình cảm. Quả thực, vợ chồng Lambert thật đã rời Canada và sau này đã chết lặng lẽ ở ngoài Canada. Moskva liền lợi dụng điều đó không chậm trễ.

Theo giả thiết của CSIS, “những người chết sống lại” đã quan tâm đến chính nước Canada. Chỉ với tư cách một căn cứ để có thể từ đó tiến hành hoạt động chống các nước khác (nhân thể cũng phải nói rằng, các cơ quan tình báo Liên Xô/Nga đã thực hành thủ đoạn tương tự không phải là lần đầu tiên. Chẳng hạn như tình báo viên bất hợp pháp lừng danh của KGB Konon Molody bị bắt ở Anh dưới tên Gordon Longsdale, cũng có trong người hộ chiếu Canada).

Người Canada thừa hiểu cái giá của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Ottawa có thái độ mềm mỏng hơn đối với vấn đề gián điệp so với những người Mỹ láng giềng. Lần trục xuất cuối cùng các công dân Liên Xô diễn ra mãi năm 1988. Khi đó, đã có 8 nhà ngoại giao bị buộc tội hoạt động gián điệp bị lùa về nước.  Đáp lại, Moskva đã yêu cầu 2 nhà ngoại giao Canada cuốn xéo và cấm nhập cảnh 7 vị khác, trong đó có bà Ann Lichi, người mới đây được cử làm đại sứ Canada ở Liên bang Nga (?).

Bộ mặt mới của tính nhà nước Nga đã bắt buộc người ta phải có một sự kính nể thái quá trong thái độ đối với các cường quốc khác. Ta biết là khi Yevgeny Maksimovich Primakov còn làm giám đốc SVR, để đáp lại yêu cầu của Ottawa, ông ấy đã hạ lệnh triệu hồi một số thuộc cấp của mình. Người Canada nói họ biết rõ nhiệm vụ thật sự của những người này. Điều đó đã xảy ra hình như vào năm 1994. Sau đó, người ta thậm chí đã bổ nhiệm một người gọi là “trưởng trung tâm tình báo bất hợp pháp” tại Canada với trách nhiệm thường xuyên liên hệ với các cơ quan tình báo nước sở tại.

Vậy là nhân nào quả ấy. Vợ chồng Lambert - Olshansky vào tháng 6 đã phải ra đứng trước vành móng ngựa vì bị buộc tội... vi phạm luật di trú. Người ta không nói một câu về hoạt động gián điệp. Phiên toà kết thúc khá vui vẻ. Công tố viên trưởng Canada Herb Grey và bộ trưởng di trú Lucient Robiart chỉ ký kệnh trục xuất “các tình báo viên bất hợp pháp” này.

Điều thú vị là Lorie - Yelena nhất quyết không muốn về nước. Sau cô ta, đến lượt Ian - Dmitri cũng muốn ở lại nước ngoài. Cả hai hiểu rõ Moskva sẽ không đón họ bằng bánh mì muối. Ngày xưa thì những phốt kiểu này sẽ khiến cho cặp vợ chồng tình báo viên này phải trả giá đắt. Ngày nay thì trong không khí tổng tha thứ thì họ chỉ bị tước quân hàm, phần thưởng, đồng thời bị thải hồi khỏi cơ quan. Nhưng hiển nhiên là Cheka sẽ cố tìm hiểu ai là kẻ đã bán đứng các chiến sĩ trên trận tuyến thầm lặng của mình cho kẻ thù. Đến lúc này thì đang có một số phỏng đoán về điều này.

1. Lối sống mới ở phương Tây đã làm cho Olshansky mê muội. Tình yêu đối với người vợ hợp pháp đã lớn đến mức một lần anh ta đã quyết định dốc bầu tâm sự.

“Em yêu, - Ian nói, - anh hoàn toàn không phải là người em nghĩ đâu. Anh là tình báo viên của Nga!!” Người phụ nữ trẻ sửng sốt sau đó đã hé lộ cái tin khủng khiếp ấy cho cha mình. Và ông này, theo đúng nghĩa vụ của một người yêu nước chân chính đã đi theo con đường bấp bênh “vì nước, diệt thân” để đi báo cho cảnh sát.

Mấy ngày trước khi bị bắt, Ian Dmitri đã bảo người vợ Canada của mình là có công chuyện nên định bay sang một nước châu Âu (có lẽ là Thuỵ Sĩ). Phản gián Canada sợ rằng, anh chàng tình báo viên bất hợp pháp kia sẽ không quay trở lại nữa nên vội vã túm cổ anh ta. Hơn nữa, dù điều đó có không xảy ra thì việc rò rỉ thông tin đã vẫn cứ xảy ra. Bạn trai của Lorie - Yelena, chàng tiến sĩ Miller khi thăm cô ta trong buồng giam đã nói:

- Lorie đã thú nhận với tôi rằng, cô ấy là gián điệp Nga. Trước đây, cô ấy là người theo chủ nghĩa xã hội và chân thành tin tưởng là cô ấy đang hành động chỉ vì lợi ích tổ quốc. Khi Ian ruồng bỏ cô ấy và chỉ quan hệ với cô ấy thuần tuý vì công việc, điều này đã làm cho Lorie bị kích động mạnh. Nếu thêm ít lâu nữa, có lẽ tự cô ấy đã đến tự thú với chính quyền Canada. Cô ấy đã nói thẳng điều đó với tôi.

Vụ “Canada” cũng chẳng phải là trường hợp đầu tiên các gián điệp bị người thân thích của mình tố giác. Ví dụ như siêu điệp viên KGB Walker, cựu đại tá Cục An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Agency, NSA) bị chính người vợ đau khổ vì ly dị của ông ta tố giác.

2. Nếu như “người đàn bà vô đạo đức trong sinh hoạt” dường như là lời giải thích hợp lý cho vụ xì căng đan thì chính quyền Canada, về phần mình, lại đề nghị người ta tin vào một giả thiết khác. Cơ quan phản gián Canada đã lần ra dấu vết của vợ chồng Lambert từ khá lâu mà không có sự giúp đỡ bên ngoài nào. Những người Canada tự xưng mới toanh này chẳng có ai thân thích ở đây đã lập tức gây ra sự nghi ngờ nào đó. Họ bắt đầu bị “theo” và cuối cùng người ta phát hiện ra họ là những tên gián điệp.

Bất cứ cơ quan tình báo nào cũng luôn tìm cách lợi dụng mọi tình huống cho lợi ích của mình. Cùng với người Canada, những người đã khẳng định lần ra vợ chồng Lambert bằng cách theo dõi và tính toán, có nghĩa là họ có thể được xem là những kẻ có nghề cao thì các nhân viên Cheka cũng đưa ra tiếng nói của mình.

Không lâu sau khi vợ chồng Olshansky bị trục xuất, trên một số phương tiện thông tin đại chúng của Nga rõ ràng là được các cơ quan tình báo “phím” cho, đã xuất hiện một số bài nói về “nạn săn tìm gián điệp với mục đích chống Nga của phương Tây”. Người ta khẳng định các tình báo viên bất hợp pháp đã bị bắt chỉ với mục đích - làm cân bằng danh tiếng chói sáng của FSB sau vụ bắt quả tang điệp viên của tình báo Anh, viên chức Bộ Ngoại giao Nga P.A. Obukhov. Lúc đó, đã có 4 nhân viên sứ quán Anh bị trục xuất khỏi Nga vì bị buộc tội hoạt động gián điệp.

Theo ý kiến của các tác giả những bài báo này, cơ quan phản gián Canada CSIS đã hành động có sự phối hợp chặt chẽ của người Anh. Họ thậm chí đã lên kế hoạch đánh đổi vợ chồng Olshansky lấy một điệp viên bị bắt. Nhưng đại diện chính thức của CSIS đã kiên quyết bác bỏ tin này.

Cuộc sống đã chứng minh rằng, ông ta đã không nói dối. Vợ chồng Olshansky - Lambert đã yên lành vượt đại dương bay về trong vòng tay “bạn bè” của các đồng nghiệp. Tên gián điệp Anh Obukhov (cũng giống như tên gián điệp Anh bị bắt hai năm trước là Vladimir Sintsov) cũng ngồi bóc lịch trong nhà tù Lefortovo, cái nhà tù mà như được biết, quyền quản lý nó đã được chuyển trở lại từ Bộ Nội vụ về cho FSB.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét