THỰC TẠI & HOANG ĐƯỜNG 46/b

THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (IV)
                         ĐẠI CHÚNG
--------------------------


PHẦN V: THỐNG NHẤT

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
                                                         A. Anhxtanh
“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad



CHƯƠNG VI: THỰC CHỨNG

“Tinh thần thời đại cũng có thể là một sự thực khách quan như bất cứ sự thực nào trong khoa học tự nhiên (…).
Do đó, hai quá trình, quá trình khoa học và quá trình nghệ thuật, không phải là rất khác nhau. Cả khoa học và nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ đã tạo nên ngôn ngữ con người mà nhờ đó chúng ta có thể nói về những phần rất xa xôi của thực tại…”
W. Heisenberg


(tiếp theo)
Đó là chuyện về sau này chứ lúc ấy, khi mua sách về, chúng ta “lôi” ông “Khổng Tử” ra đọc trước. Có lẽ là do đã có kinh nghiệm về thành, bại trong những lần bước vào đời và cũng do câu nói vui trong dân gian chúng ta còn nhớ: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử lải nhải là quân tử khôn” mà chúng ta đọc “Khổng Tử” thấy… chán phèo. Tư tưởng của ông nghe “nổ” quá còn cuộc đời ông sao về cuối, lê thê, ảm đạm quá. Ý đó làm chúng ta chạnh lòng. Rồi chúng ta quay sang đọc "Lão Tử”. Khổng Tử thì chúng ta biết từ “tám hoánh” (vì chúng ta sinh ra và lớn lên vào thời mà hình ảnh nhà nho vẫn được trọng vọng, tôn vinh), còn Lão Tử thì mãi đến sau này chúng ta mới “tiếp xúc” được về mặt tư tưởng (nhờ “Đổi Mới” và kinh tế thị trường?). Ấy vậy mà khi đọc “Lão Tử”, lòng chúng ta bừng sáng. Thực ra ngay lúc đó, chúng ta chưa hiểu được toàn bộ học thuyết triết học uyên thâm của Lão, nghĩa là chưa hiểu được “Đạo tự nhiên”, mà chỉ thấm thía được cái “Đức huyền diệu” của Lão mà thôi. Nhưng thế cũng quá đủ cho chúng giải tỏa được nỗi khắc khoải: làm thế nào cùng một lúc vừa lo được ổn chuyện cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình, vừa có thể “vùi đầu” tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng về bản chất không gian và thời gian.
“Xuất thế vô vi”, “vô vi vô bất vi”, “kẻ biết đủ là giàu” là những yếu tố tư tưởng giúp chúng ta nhanh chóng (trong vòng 3 ngày) đề ra một hoạch định cho cuộc sống, cho việc làm ăn tiếp theo của mình.
Có thể cho rằng lần hoạch định ấy là bước chuẩn bị cho cuộc “vào đời lần thứ tư” của chúng ta và cũng là lần cuối cùng. Nếu ba cuộc vào đời trước chủ trương “nhập thế hữu vi”, “vỗ ngực xưng tên” ầm ĩ, thì cuộc vào đời cuối cùng này lại chủ trương “xuất thế vô vi”, không “xuất đầu lộ diện” nữa và cũng “im hơi lặng tiếng”, nhưng vẫn “lảng vảng” trong thời cuộc, vẫn “làm tất cả” (theo cách “hồn nhiên”, uyển chuyển theo thời cuộc chứ không theo cách khiên cưỡng, “cứng còng” duy ý chí nữa).
Muốn thực hiện được như thế, điều tiên quyết là chúng ta phải tìm cho được hai người có sẵn bản tính thật thà, chăm chỉ, tương đối sáng dạ để đào tạo, truyền thụ thành hai trợ thủ trung thành, đắc lực, có khả năng “tác chiến độc lập”, quán xuyến công việc như một thủ lĩnh thực thụ. Trong một xã hội kim tiền, “người khôn của khó” thì rõ ràng, tìm và thu phục được hai con người như thế không phải là chuyện dễ dàng, chỉ trong một sớm một chiều, mà phải cần thời gian, phải có kinh nghiệm nhận biết nhất định, hơn nữa là phải chân thành cầu hiền tài thực sự và đặc biệt là phải có duyên. Chúng ta thật may mắn (có duyên tiền định) được “trời ban cho” hai người trợ thủ đẹp về nhân cách, tốt về năng lực, để cùng làm, cùng ăn, biết cảm thông chia sẻ, giúp chúng ta ẩn dật ở nhà, tập trung tinh thần và lực lượng đến mức cao nhất có thể vào việc thực hiện cuộc hành trình… đi tìm cái gì đó.
Nếu không có sự hoạch định mang đầy màu sắc mách bảo tâm linh huyễn hoặc và duyên tiền định đưa đẩy một cách dị thường ấy thì lúc này; làm sao chúng ta “vi vu”, “lêu lổng” ở đây được?
Phải chăng cuộc “gặp gỡ” lần đầu tiên giữa chúng ta và Lão Tử, tưởng chừng như hoàn toàn tình cờ, nhưng thực ra lại là do sự “xúi giục”, đặt bày tâm linh nào đó? Nếu đúng là thế thì phải cho rằng cuộc vào đời lần cuối cùng là hoàn toàn mang tính định mệnh. Nhưng làm sao có được cuộc vào đời lần cuối cùng nếu không có cuộc vào đời lần thứ ba và trước đó nữa là cuộc vào đời lần thứ hai, rồi cuộc vào đời đầu tiên? Theo nguyên lý nhân - quả, không có cuộc vào đời trước thì cũng không thể có cuộc vào đời sau. Như vậy, có thể nói: nhìn ở góc độ này, đời người là một quá trình tự thân; sống theo lý trí và ý chí của bản thân mình nhằm, trước là chủ động thích ứng với môi trường để sống còn, sau là tích cực phấn đấu chế ngự môi trường để sự sống còn đó vươn lên khá giả, giàu có, vinh quang; nhìn ở góc độ khác, đời người là một quá trình được cấu thành của môi trường nên cũng lệ thuộc vào môi trường, lý trí và ý chí của nó bị chi phối mạnh mẽ bởi những tác động thường xuyên, liên tục, có thể nhận biết được và không thể nhận biết được bởi thực trạng và những biến đổi tự nhiên - xã hội, những biến cố xảy ra trong xã hội, bởi trình độ nhận thức chung của thời đại. Từ đó mà thấy, bất cứ một người tỉnh táo và có lý trí nào cũng đều sống tự quyết hướng theo định mệnh của mình. Thế thì đối với riêng chúng ta, lực lượng tâm linh nào đã khai mở trí não, gợi ý và hối thúc, khiến chúng ta tình nguyện hiến dâng quãng đời còn lại để kể lể “Câu chuyện hoang đường về Tự Nhiên Tồn Tại” quá ư là tràng giang đại hải này?
“Nhân chi sơ vốn bản thiện” (người ta khi mới sinh ra đều mang tính thiện). Câu nói đó theo mọi người, đúng, sai đến cỡ nào không biết, nhưng theo chúng ta, đúng nhất phải là "Nhân chi sơ vốn...không thiện không ác" và cũng tự nhận mình đã là con người như vậy. Bà cố ngoại của chúng ta là người sùng tín đạo Phật, còn bà ngoại thì còn sùng tín cả Cộng Sản. Hai “Đạo” ấy dù có những quan niệm triết học khác xa nhau về tự nhiên - xã hội, nhưng có một điểm chung rất quí báu, hoàn toàn phù hợp với Đức Huyền Diệu là kêu gọi mọi người từ ái, chính trực, giáo huấn con người hướng thiện, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nêu cao tinh thần vị tha, độ lượng. Bà cố ngoại và bà ngoại đã thấm nhuần được cái điểm quí báu đó. Còn phía bên nội chúng ta thì hình như có dây mơ rễ má với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn về mặt huyết thống, chí ít thì cũng là với nữ tướng Bùi Thị Xuân. Chắc là vậy nên ở người cha của chúng ta lúc sinh thời, luôn thấy phảng phất khí phách của con nhà tướng, sống buông thả, tự do, bất phục. Có lẽ sự pha trộn hai dòng máu ấy đã làm cho chúng ta, ngay ở tuổi niên thiếu đã có những bản tính: thật thà cả tin, dễ xúc động, rụt rè nhút nhát nhưng nhiều khi lại gàn bướng, hiếu thắng. Sự thể hiện tổng hợp những bản tính ấy đã làm cho bạn bè cùng trang lứa đánh giá chúng ta là loại người vừa ngố vừa khùng vừa… hay cãi.
Một con người có một tuổi thơ yên ả, vô lo, được giáo dục theo lý tưởng "thân ái" và có những bản tính như thế mà bước vào xã hội, tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tồn đầy rẫy quyền mưu được giăng ra bởi  ý chí và do đó cũng không thiếu cam go, gay gắt, tàn nhẫn, nhiều khi là quyết liệt, khốc liệt đến lạnh tanh nhân ái, mà không vấp lên vấp xuống, không chuốc đổ vỡ, bi kịch, không từng trải hoang mang, chán nản, khổ đau mới là chuyện lạ đời! Đến tận bây giờ, hồi ức lại những năm tháng “dữ dội” của đời mình, dù đã trôi xa trong dĩ vãng, chúng ta vẫn còn toát mồ hôi hột (cảm nhận thế thôi chứ với tình trạng thể xác hiện nay, làm sao mà… “toát” được?!), mà căm ghét kẻ rắp tâm đoạt lợi bằng cách cố tình hãm hại chúng ta một cách trơ tráo, vô liêm sỉ nhất. Tuy nhiên, nói thật lòng, chúng ta không hận thù họ và dù có thể họ mang tội, thậm chí là phải chịu bị phạt tội trước trời đất thì cũng không bao giờ đổ lỗi cho họ về những thiệt hại mà họ đã gây ra cho chúng ta. Vì xét cho cùng, định mệnh của cuộc đời chúng ta là phải trải qua những biến cố khốn khổ đó, không thể khác được! Vả lại, trong “Kinh dịch” có viết: “Trong đạo xử thế, biết trách mình là khôn, chỉ trách người là vụng”, và trong sách “Nhi vị” có viết: “Người có nhân chẳng bao giờ lấy thịnh suy mà thay đổi tiết tháo, người có nghĩa chẳng bao giờ lấy mất còn mà đổi lòng”. Nhưng có lẽ hay nhất là câu Cao Bá Quát để lại cho đời: “Nhân nghĩa là cái đạo rộng lớn vô biên. Làm người có nghĩa có nhân trước hết là giữa lòng thủy chung với thiên hạ”.
Nghĩ nghĩ ngợi ngợi đến đây thì hồn vía chúng ta bỗng thấy hiện lên rõ mồn một bài thơ mà mình đã làm vào những ngày nặng nề nhất của cuộc đời, khi chúng ta phải đi đến quyết định đầu hàng trong cuộc quyết đấu giành giàu sang, phú quí, nhằm bảo toàn tính mạng bản thân và gia đình:
TẶNG MÌNH
“Thế mà nay chịu khốn khổ nơi đây, đó là trời hại ta, chứ không phải tội ta đánh không giỏi.”
Hạng Vũ       
Đã từng một thuở phong trần
Bôn ba vó ngựa, dấn thân anh hùng
Mười năm thi triển võ công
Lẽ ra tài ấy đã lừng lẫy danh
Nhát tay chém lũ tiểu nhân
Mắc vào gian kế hỏi còn trách ai?
Sắp lên đến đoạn đầu đài
Mà còn thương hại thằng người lận dao
Thì đừng dấy nghiệp binh đao
Thiên thời cũng chịu, mưu sâu bằng thừa!
Thôi đi!...Xuống ngựa là vừa
Bẻ cung, chôn kiếm, quẳng cờ, bãi binh
Vô vi, xuất thế, an sinh
Rửa lòng thèm khát lợi vinh, thịnh cường.

Tấn tuồng mưu bá đồ vương
Chê thương Hạng Vũ, khen trừng Lưu Bang
Diễn trên sân khấu nhân gian
Nhục vinh phút chốc, vĩnh hằng như nhau.
***
Vùng không gian quanh chúng ta đã trở nên u ám, xám xịt hơn. Chúng ta vẫn đang vun vút bay (mà thực ra là lan truyền!) hướng tới lỗ đen của Ngân Hà. Ô! Hình như có tiếng khóc sướt mướt ở gần đâu đây thì phải. Lạ nhỉ?
- Ai đấy? - Chúng ta hỏi vang vọng trong tâm tưởng.
Tiếng khóc nín bặt, nhưng chỉ trong khoảng khắc, rồi lại bật ra, không lê thê sướt mướt nữa mà ngắt quãng sụt sịt:
- Tôi… đây… chứ ai!...
- Phát ra tiếng Việt sõi như vậy thì ông là người Việt. Điều đó rõ rồi. Nhưng cụ thể là ai mới được chứ? Kể ra thì giọng nghe cũng quen quen đấy!
- Tôi là… Hiện Thực đây, là… nửa cái tôi của Thầy Cãi đây (hay anh muốn là của Ba Đá cũng được!). Trong khi anh… được… tha hồ phởn chí… “tung tăng” khắp nơi, thì tôi… lại bị níu chặt… vào xó nhà, cắm đầu cắm cổ tốc ký… hết ngày này qua ngày khác… mọi phát biểu, nghĩ ngợi tùy hứng chả có đầu có đuôi, lại còn… “đầu cua tai nheo” quá chừng chừng để… cố cầu may… cho hai ta có được… chút danh phận, ấy vậy mà anh nỡ lòng nào lại quên béng tôi thế, hả… hả… hả?
- Ối, giời ạ! Thì ra là anh hả Hiện Thực? Có lẽ vùng không gian mà tôi đang hiện diện ở trong nó đã làm méo thông tin thần giao cách cảm từ anh truyền đến nên tôi không nhận ra, chứ nào tôi làm sao mà quên nổi anh được? Nhưng tại sao mà anh lại khóc mùi mẫn đến thế?
Có lẽ mắt Hiện Thực đã ráo hoảnh nên thông tin nghe mạch lạc hơn:
Tôi thì cố chôn vùi những sầu thảm trong quá khứ của cuộc đời chúng ta đi, còn anh thì vừa cứ nghĩ ngợi, gợi nhớ về chúng nhiều quá, làm tôi tức điên lên và… khóc…
Hoang Tưởng (cũng là chúng ta!) nghe vậy liền đáp:
- Đúng là tôi vô tình thật! Xin lỗi anh nhé, Hiện Thực. Thật là “nhàn cư vi bất thiện”, ông bà nói chả sai tí nào!... Thôi, để giết thời gian, không cho sự sốt ruột chờ đợi ngày tái ngộ dày vò, tôi sẽ kể anh nghe vài chuyện vui để giải khuây, được chứ?
- Ừ, kể đi! Xem tôi có cười được không nào?
- Câu chuyện đầu tiên:
Có lần Khổng Tử đi đâu đó, gặp hai đứa trẻ cãi nhau. Một đứa nói: “Mặt Trời lúc mới mọc gần ta hơn và buổi trưa thì ở xa ta hơn”. Đứa kia cãi: “Mặt Trời khi mới mọc xa ta hơn là vào giữa trưa”. Đứa trước nói: “Mặt Trời lúc mới mọc to như một cái mâm, trong khi ở giữa trưa nó chỉ to bằng cái đĩa là cùng. Khi thấy Mặt Trời to hơn thì nó phải ở gần hơn và ngược lại, khi thấy Mặt Trời nhỏ hơn thì nó phải ở xa hơn”. Đứa kia lại cãi: “Mặt Trời mới mọc thì mát, vào giữa trưa thì nóng. Nóng hơn thì phải ở gần hơn, vậy Mặt Trời lúc giữa trưa phải ở gần chúng ta hơn lúc nó mới mọc”. Khổng Tử đứng nghe hai đứa trẻ tranh luận, không biết giải thích thế nào cho phải. Hai đứa trẻ thấy vậy, cười nhạo: “Thế mà thiên hạ cho ông là người uyên bác, học rộng hiểu nhiều!”.
- Chuyện hay nhưng cũ rích. Tôi nghe kể đến nhàm tai rồi!
- Vậy thì chuyện thứ hai:
Có một anh phóng viên về một vùng quê, thấy một ông già ngồi trước sân uống rượu. Dưới chân ông già là năm, bảy chai rượu cỡ một lít, trống trơn, nằm ngổn ngang. Anh phóng viên nọ ngẫm nghĩ, thấy lạ, liền ghé vào hỏi cho ra lẽ: “Thưa ông! Làm ơn cho con hỏi, ông già thế mà còn uống một lúc hết những ngần ấy rượu ạ?”. Ông già trả lời tỉnh queo: “Có gì đâu? Chuyện thường ấy mà! Ngày nào mà tôi chẳng uống hết ngần ấy rượu.”. Anh phóng viên bụng bảo dạ: “Ông già ước chừng cũng đến 80 tuổi rồi chứ chả chơi. Vậy mà còn uống rượu khỏe thế chắc phải có bí quyết sống gì đây rất đáng quí”, bèn hỏi tiếp: “Thế thưa ông, ông sống như thế nào mà lớn tuổi rồi vẫn quá khỏe như vậy ạ!?”. Ông già cười móm mém: “Sáng uống rượu, trưa uống rượu, chiều uống rượu, tối uống rượu, ngày nào cũng uống rượu, uống riết thành quen mà được như thế, vậy thôi!”. Anh phóng viên nghe mà thấy lùng bùng lỗ tai, chưa kịp nghĩ ngợi thêm được gì thì ngay lúc đó, từ trong nhà bước ra một ông lão trông còn già hơn ông kia, một tay chống gậy, tay kia xách một can rượu loại 10 lít còn đầy. Anh phóng viên chưa kịp định thần, lại càng tá hỏa tam tinh hơn nữa: “Ối, cha mẹ ơi! Ở vùng quê này, người ta không những giữ được sức khỏe rất tốt lúc về già mà còn rất thọ nữa. Ông lão này chắc cũng phải ngót nghét 100 tuổi rồi chứ không ít!”. Thế rồi không kìm nổi sự tò mò dâng lên đột ngột, anh phóng viên vội quay lại hỏi ông già đang ngồi uống rượu: “Dạ, xin ông cho con mạo muội hỏi, năm nay ông đã bao nhiêu tuổi và cụ kia bao nhiêu rồi ạ?”. Ông già nhướn cặp mắt đỏ ngầu lên nhìn, nói: “Thằng kia mà “cụ” cái con khỉ! Nó là con tôi đấy! Tôi năm nay đã 50 tuổi rồi, còn nó mới 30 tuổi thôi. Nó còn uống nhiều hơn tôi nữa…”. Nghe đến đó, anh phóng viên vỡ lẽ, bật cười sặc sụa một hồi đến ngạt thở, lăn đùng ra, ngất lịm.
- Chuyện này cũng “xưa” rồi, nhưng có cải biên nên nghe cũng tạm!
- Đây là chuyện thứ ba:
Trong nhà thương điên ở Xêviia, có một anh chàng bị gia đình gửi vào đó vì bệnh mất trí. Anh này học luật pháp tôn giáo ở Oxuna, song dù có tốt nghiệp ở trường đại học Xalamanca, thì theo dư luận của số đông, anh vẫn là kẻ bị điên. Sau mấy năm tĩnh dưỡng, chàng cử đó nghĩ là mình đã trở lại sáng suốt, minh mẫn, và với ý nghĩ như vậy, anh viết thư cho Đức Tổng giám mục, khẩn khoản xin cứu anh thoát khỏi cảnh sống khổ sở hiện tại, vì nhờ lòng nhân từ của Thượng Đế, trí thông minh của anh đã hồi phục, chẳng qua gia đình muốn chiếm đoạt tài sản của anh nên vẫn cho nhốt anh vào nhà thương điên và mong anh điên cho tới chết, mặc dù sự thật khác hẳn. Tin vào nội dung bức thư với lời lẽ ý tứ khôn ngoan, hợp tình hợp lý, Đức Tổng giám mục phái một giáo sĩ đến hỏi ông giám đốc nhà thương xem những điều chàng cử viết cho ông có thực hay không, sau đó sẽ nói chuyện với chàng ta, nếu thấy chàng ta tỏ ra tỉnh táo thật sự thì cho ra khỏi nơi đó và trả lại tự do. Giáo sĩ được ông giám đốc nhà thương cho biết là chàng cử vẫn còn điên, thường có những hành vi rất tức cười nhưng nhiều khi nói năng lại cứ như người tỉnh táo, lúc tỉnh khôn bao nhiêu thì lúc điên lú lẫn bấy nhiêu, cứ nói chuyện trực tiếp với anh ta khắc rõ. Giáo sĩ muốn xác nhận thực tế xem sao, bèn gặp chàng cử trò chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Trong suốt thời gian đó, chàng cử không hề thốt ra một lời nào lệch lạc quàng xiên mà trái lại, nói đâu ra đó khiến vị giáo sĩ không thể không nghĩ rằng anh ta có trí khôn như mọi người. Trong cuộc nói chuyện, chàng cử thổ lộ rằng ông giám đốc nhà thương nhận quà cáp của gia đình anh nên đã chơi xấu, bảo anh ta lúc điên lúc tỉnh. Chàng cử còn nói với giáo sĩ: nguyên nhân tai hại gây ra sự bất hạnh này là số tài sản kếch xù của anh và vì gia đình anh muốn hưởng trọn số tài sản đó nên đã làm cho mọi người tưởng lầm và không tin Thượng Đế đã rủ lòng thương tới, khiến anh từ một con vật trở lại thành người. Tóm lại, theo lời chàng cử thì ông giám đốc là một kẻ khả nghi, gia đình anh ta là những người tham lợi độc ác, còn anh ta thì hoàn toàn có lý. Sau cuộc trò chuyện, giáo sĩ quyết định dẫn anh chàng cử đến gặp trực tiếp Đức Tổng giám mục để ngài chứng kiến tận mắt, sờ tận tay sự thật của việc này. Với ý nghĩ đó, ông đề nghị giám đốc nhà thương cho trả lại quần áo mà chàng cử đã mặc khi vào nhà thương. Ông giám đốc nhắc vị giáo sĩ cao chừng việc mình làm vì chàng cử thật ra vẫn còn điên dại, không có điều gì phải nghi ngờ cả. Mặc cho ông giám đốc khuyên can, vị giáo sĩ vẫn giữ nguyên quyết định đưa chàng cử đi. Ông giám đốc đành phải tuân theo vì biết đó là lệnh của Đức Tổng giám mục. Thế là chàng cử được nhận lại bộ quần áo còn tốt lành của mình. Sau khi trút bỏ bộ đồ nhà thương và ăn mặc lại tử tế, chàng cử xin phép vị giáo sĩ cho đi chào tạm biệt các bạn điên của chàng. Giáo sĩ ngỏ ý đi cùng để tiện thể thăm những người điên trong nhà thương. Thế là hai người và một số người có mặt tại đó cùng đi. Tới một chuồng nhốt một người mắc bệnh điên khùng nhưng lúc đó đang tương đối tỉnh, không quậy phá, chàng cử nói:
“Người anh em của tôi ơi, anh có muốn dặn dò gì không? Tôi trở về nhà đây. Thượng Đế nhân từ bác ái đã trả lại trí khôn cho tôi mặc dù tôi không xứng đáng được hưởng. Tôi đã khỏi bệnh và tỉnh táo. Đối với quyền lực của Chúa, không có việc gì không làm được. Tôi đã đặt hết hy vọng và tin tưởng vào Người. Một khi Người đã đưa tôi trở lại trạng thái ban đầu, Người cũng sẽ làm như vậy đối với anh nên anh cũng đặt niềm tin vào Người. Tôi sẽ lo gửi quà bánh vào, anh cứ ăn tự nhiên. Vì đã qua cảnh đó, tôi nghĩ rằng, tất cả các bệnh điên rồ của chúng ta đều do bụng rỗng và óc đầy không khí. Anh bạn hãy can đảm lên! Mềm yếu trước đau khổ là hủy hoại sức khỏe và đi mau tới cõi chết!”.
Có một bệnh nhân ở chuồng đối diện, nghe được hết những lời chàng cử nói. Đang nằm tô hô trên một chiếc mền cũ, hắn vùng dậy, lớn tiếng hỏi ai là người đã khỏi bệnh điên và được ra khỏi nhà thương. Chàng cử đáp:
“Người anh em, tôi là người được ra khỏi nhà thương. Tôi không cần phải ở lại đây nữa và tôi hết lòng cảm tạ Thượng Đế đã phù hộ tôi!”.
“Ông cử ơi, hãy liệu mồm liệu miệng! - Bệnh nhân điên nói - Tôi e quỉ nó lừa ông đấy! Xếp bộ giò lại và ở yên trong chuồng cho khỏi mất công đi ra rồi lại đi vào!”.
“Tôi biết chứ! - Chàng cử cãi - Tôi đã khỏi bệnh và không việc gì phải nằm trong này nữa.”.
“Ông mà khỏi bệnh ư? - Bệnh nhân điên lại nói - Thôi, mời ông đi đi! Trước thần Hupitet mà tôi thay quyền trên Trái Đất này, tôi xin thề: chỉ riêng việc tôi cho ông ra khỏi nhà thương ngày hôm nay và coi ông là người có trí khôn thôi, thành Xêviia sẽ bị tôi trừng trị, và sự trừng trị đó khủng khiếp đến nỗi người đời sẽ nhớ mãi trong các thế kỷ sau này, amen. Anh chàng cử quèn ngu xuẩn kia không biết rằng ta có thể làm được việc đó ư? Như ta đã nói, ta là Hupitet Sấm vang. Ta có trong tay những tia chớp rực lửa dùng để uy hiếp và phá hủy Trái Đất. Nhưng ta chỉ trừng phạt cái đô thị dốt nát này bằng hình thức sau đây: trong suốt 3 năm, kể từ lúc ta ra tuyên bố trừng phạt này, ta không làm mưa xuống Xêviia và các vùng lân cận. Mi thì tự do, lành mạnh, tỉnh táo, còn ta thì điên rồ, bệnh hoạn, bị trói buộc ư? Nếu thế, thà ta tự thắt cổ cho chết còn hơn sống mà làm mưa!”.
Mọi người đứng xung quanh đều chăm chú nghe những lời quát tháo của bệnh nhân điên. Chàng cử nghe xong quay lại phía giáo sĩ, nắm lấy tay ông, nói:
“Xin ngài đừng phiền lòng và đừng quan tâm tới những lời tên điên này vừa nói. Nếu hắn là Hupitet và không muốn làm mưa thì tôi, Nếptunô - cha và thần nước - sẽ làm ra mưa khi tôi muốn và khi nào cần thiết.”.
Giáo sĩ nhẹ nhàng đáp lại:
“Thưa ngài Nếptunô, ta không nên chọc tức ngài Hupitet! Xin ngài hãy ở lại nhà thương, một ngày khác thuận tiện và rỗi rãi hơn, chúng tôi sẽ trở lại tìm ngài!”.
Câu chuyện đến đây là hết.
- Chuyện này sao y bản chính từ tác phẩm bất hủ có tựa đề “Đônkiôtê, nhà quí tộc tài ba xứ Mantra” của văn hào Xecvantex chứ gì? Thôi Hoang Tưởng ơi, nếu anh không có chuyện nào mới và hay ho (mà chắc làm gì có vì anh bỏ Trái Đất chu du trong Vũ Trụ lâu quá rồi còn gì) thì thôi, đừng kể nữa! Hãy…
- Không, tôi sẽ kể cho anh chuyện này, chắc chắn là mới toanh, anh chưa từng nghe bao giờ. Đây là câu chuyện tôi coi như món quà nhỏ tặng anh ngày chúng ta đoàn tụ. Nghe nhé:
Xưa kia (đây là cái “xưa” xưa nhất của mọi cái xưa; con số 13,8 tỷ năm được các nhà vật lý đoán định cho tuổi Vũ Trụ, so với cái “xưa” này chẳng nhằm nhò gì (!), nó vượt ra khỏi thời gian!), có một thân thể vô cùng phi thường, vô cùng huyền ảo mà loài người sau này không sao hình dung được, đặt bừa cho cái tên là Vĩnh Hằng, và một tinh thần cực kỳ siêu phàm, cực kỳ trác tuyệt, mà loài người sau này cũng không sao hình dung được, cũng đặt bừa cho một cái tên là Tạo Hóa. Không biết bằng cách nào mà Tạo Hóa “gian díu” được với Vĩnh Hằng, sinh ra một đứa con vĩ đại hơn mọi vĩ đại, sau này được loài người đặt tên là Không Gian. Lúc đầu Không Gian hoàn toàn không nhúc nhích, không có bất cứ động đậy nào, chỉ là một khối vĩ đại của mọi vĩ đại nhưng bại liệt, như bị hôn mê sâu vậy. Thương xót con quá, Vĩnh Hằng nói với Tạo Hóa:
“Ông ạ, tội nghiệp Không Gian, con của chúng ta quá! Nó sống mà như chết, cứ lù lù một đống ù lì, bất động như thế, khổ thân cho nó lắm! Ông là tinh thần trác tuyệt của mọi trác tuyệt, xem có cách nào làm cho nó sống động, tưng bừng lên, vui thú như con người ta được không?”.
“Bà nói cái gì thế? Con người ta nào ở đây? Bà đừng có mà dựng chuyện hoang đường! Ở đây tuyệt không có cõi nào, cái gì cả ngoài tôi, bà và Không Gian chết tiệt kia thôi! Bà hãy nhớ cho điều đó!”.
“Vâng, vâng!... Tôi có hơi quàng xiên một chút, xin lỗi ông nhé! Nhưng dù sao đi nữa…”.
Vĩnh Hằng chưa kịp nói hết câu, Tạo Hóa đã ngắt lời:
“Con mình rứt ruột đẻ, là tinh huyết của mình, sao lại không thương? Thấy Không Gian li bì như thế, tôi cũng buồn lòng lắm chứ. Làm nó tỉnh dậy thì dễ rồi, nhưng phải hượm hượm đã, kẻo… hối không kịp!”.
“Có chuyện gì mà hối không kịp hả ông?”.
“Bà biết đấy, con trẻ mà biết tung tăng, bay nhảy rồi nếu không có cách kìm chế chúng sẽ gây tai họa khó lường được. Tôi phải tìm biện pháp chế ngự hữu hiệu đã, rồi sẽ làm cho Không Gian hoạt náo. Nếu không thế, cứ tùy tiện cho Không Gian hoạt náo thoải mái, còn bà thì có tính nuông chiều quá đáng, chẳng may nó thành đứa nghịch tử, đập phá lung tung, trúng vào tử huyệt là tức khắc nó sẽ bị tiêu vong. Nó đang “có” mà thành “không” thì tôi đây cũng không còn. Lúc đó may ra chỉ còn lại một mình bà là “có” thôi.”
“Ông nói sao ấy chứ, làm gì xảy ra như thế được? - Vĩnh Hằng trố mắt (chắc là cái gì đó chứ không phải như mắt người!) ngạc nhiên – Giả sử như có chuyện ông và Không Gian biến đi thì biến đi đâu mới được chứ?”.
“Ôi dào cái mụ này, sao mà khờ khạo thế?! Không phải “biến đi” mà là “biến hóa”. Không Gian mà tiêu vong thì lập tức tôi cũng biến hóa thành kẻ thù một mất một còn của chính tôi, nghĩa là lập tức xuất hiện một kẻ và mụ phải ôm ấp kẻ cực kỳ quái gở, không những đen ngòm đến kinh khiếp mà còn vô hồn đến bạt vía ấy. Lúc đó mụ có chịu nổi không?... Sao lại cười hả mụ kia? Ái chà, chắc lại khoái cái cảnh được âu yếm cái kẻ rỗng tuếch và hư hỏng đó chứ gì? Thật là đồ…”
Đang thấy vui vì thấy rằng Tạo Hóa thương mình và Không Gian thật lòng, nghe đến đó, Vĩnh Hằng vụt nổi tam bành:
“Ông không được miệt thị tôi như thế! Cấm ông đấy! Tôi đường đường như thế này mà thèm chung chạ với kẻ mạt hạng, vô hồn vô vía, chẳng có bất cứ một cái gì (kẻ mà sau này chúng ta gọi là Hư Vô) ấy à? Đồ ăn nói hồ đồ! Gớm, mang tiếng là tinh thần tối thượng, trác tuyệt của mọi trác tuyệt mà lại nói năng thô bỉ quá chừng! Ôi, sao mà đau lòng thế!...”
Thường vẫn vậy, khi Vĩnh Hằng “mặt đỏ như vang” thì bao giờ Tạo Hóa cũng “mặt vàng như nghệ”:
“Ấy chết, tôi muôn lần xin bà tha lỗi! Tôi thật vô ý vô tứ quá, định đùa cho bà vui một tí, không ngờ lại làm bà tổn thương. Đừng giận nữa kẻo tàn phai nhan sắc nghe bà! Thôi, bà hỏi con xem nó thích hoạt động kiểu gì để tôi còn lo liệu”
Vĩnh Hằng luôn thương yêu đến cùng cực đứa con độc nhất vô nhị của mình, nghe vậy, tươi tỉnh trở lại liền bèn thủ thỉ hỏi Không Gian, khối vĩ đại của mọi vĩ đại đang im thít trong lòng mình.
“Sao con, hỡi Không Gian bé bỏng của mẹ? Cứ mạnh dạn nói ra đi để bố trù tính!”
Khối vĩ đại của mọi vĩ đại có vẻ hơi rùng mình và từ trong sâu thẳm trầm trầm vang vọng ra:
“Aum! Bay nhảy, múa may quay cuồng trong lòng mẹ (chứ còn ở đâu được nữa?) chẳng thích thú mà cũng chẳng hay ho gì, chỉ gây ra sự mệt mỏi vô ích và chán chường vì đơn điệu. Nhưng ù lỳ, bất động, mê man như lúc này thì… thà chết còn sướng hơn. Thưa bố mẹ, tồn tại mà như không tồn tại thì tồn tại làm gì ạ?... Thế cho nên con muốn là “Có” tất cả, vừa tĩnh lặng dịu hiền như mẹ, vừa sôi động dữ dội như bố, vừa tĩnh vừa động, trong tĩnh có động và trong động có tĩnh, vừa là thế này vừa là thế kia, vừa là cả hai mà cũng không phải cả hai!...”
“Ái chà chà! Cái gì cũng muốn hết cả thì còn gì cho tao và mẹ mày hả Không Gian? ! Tạo Hóa gầm gừ rồi nổi xung thiên - Đồ oắt con to xác kia, sao lại tham lam vô độ lượng như thế? Thật quá thể!... Mà sao mụ lại cho ra đời cái thứ quỉ quái này được hả Vĩnh Hằng?”.\
Vĩnh Hằng nghe vậy, bật khóc sụt sùi, nước mắt dàn giụa (hồi đó làm gì có nước mắt nhỉ? Nhưng đàn bà khóc lóc mà không chảy nước mắt thì còn khó tin hơn!), thương Không Gian bao nhiêu thì cũng giận Tạo Hóa bấy nhiêu. Mãi sau mới thốt được một cách ấm ức:
“Chơi cho đã rồi mặc kệ ra sao thì ra, lại còn đổ thừa cho tôi nữa! Nếu ông không ve vãn, tằng tịu tôi thì làm sao xuất hiện khối vĩ đại của mọi vĩ đại này được. Nếu Không Gian quả thực có tính tham lam như ông nói thì hoàn toàn là tại ông chứ, sao lại tại tôi, vì ông là… Tạo Hóa mà?… Nhưng thực ra, con chúng ta có tham lam gì đâu. Nó muốn được như thế, thiết nghĩ, cũng chẳng có gì là quá đáng. Muốn có tất cả thì đồng thời cũng muốn có “Không Gì Cả”, nghĩa là vừa muốn có vừa muốn không có, muốn cả hai thì cũng tương đương với không muốn cả hai. Không Gian chỉ ước muốn đơn giản có vậy thôi mà ông quát mắng nó, chì chiết tôi thậm tệ. Ông ác độc quá ông ơi!...”
Thảng thốt đến đó, Vĩnh Hằng lại tiếp tục khóc sụt sùi.
Trước cảnh sầu muộn ấy, Tạo Hóa cảm thấy hối hận, thương Vĩnh Hằng vô cùng, nên lên tiếng dỗ dành:
“Tôi biết lỗi mình rồi! Thôi bà đừng khóc nữa kẻo bị… bệnh thì khốn khổ! Được rồi, tôi sẽ chiều chuộng bà, cho Không Gian toại nguyện mơ ước của nó… Có điều tôi báo cho bà biết trước: khi Không Gian được toại nguyên thì cũng là lúc tôi và bà phải hòa nhập luôn vào nó, nghĩa là lúc đó, Tạo Hóa, Vĩnh Hằng và Không Gian sẽ hợp thành một thực thế duy nhất…”
“Cũng được chứ sao đâu! Có khi như thế hóa ra lại hay: tạo nên khối gắn kết keo sơn, bền vững, chan chứa yêu thương và đầy ắp cảnh quây quần, đàn tụ… Tất cả vì đứa con duy nhất của chúng ta, làm đi ông nhé! - Vĩnh Hằng tươi tỉnh, rạng rỡ hẳn lên”.
Thế là Tạo Hóa hô:
“Hỡi Không Gian, hãy là sự vĩ đại của mọi vĩ đại đồng thời là sự vi tiểu của mọi vi tiểu, hãy là tất cả đồng thời không là gì cả, hãy thường biến trong bất biến và bất biến trong thường biến!”
Tiếng hô vừa dứt thì lập tức cả Không Gian, Vĩnh Hằng lẫn Tạo Hóa đều… hóa, hòa quyện vào nhau thành Tự Nhiên Tồn Tại, với thể xác là Vũ Trụ, với thể chất nền tảng là Không Gian (gồm vô vàn hạt KG tích tụ nên), chuyển hóa không ngừng (biểu hiện của Tạo Hóa!) qua bất tận những “tức khắc” thời gian (biểu hiện của Vĩnh Hằng!).
Vì Tự Nhiên Tồn Tại có tất cả nên nó phải có thời khắc đầu tiên và thời khắc cuối cùng, và vì không có gì cả nên cũng không có hai thời khắc ấy, nghĩa là lúc nào cũng có thể là thời khắc đầu tiên đồng thời là thời khắc cuối cùng. Chính vì vậy, quang cảnh Vũ Trụ ngày nay mà chúng ta thấy cũng tương tự như quang cảnh lúc nó mới xuất hiện: là một đại dương Không Gian mênh mông “sinh sinh diệt diệt” vô vàn những sự vật - hiện tượng và vạn vật - hiện tượng trình hiện ra trước quan sát một cách vô cùng sinh động, “biến biến hóa hóa” không ngừng thành muôn hình vạn trạng với muôn vùng quần tụ hợp thành một “xã hội” vô cùng khổng lồ các thiên thể tích cực vận động, tương tác, cạnh tranh lẫn nhau để sống còn.
Trị vì và duy trì cái “xã hội” khổng lồ và sinh động gồm đông đảo vô kể các thành viên ấy là ông tổ Không Gian và vợ ông ta là bà chúa Thời Gian. Từ mối tình thủy chung vĩnh cử của ông tổ Không Gian và bà chúa Thời Gian mà nảy sinh ra các hạt mầm âm - dương. Các hạt mầm âm - dương được dung dưỡng, nuôi nấng lớn dần lên thành các vì tinh tú và các thiên hà.
Vì thủy chung vĩnh cửu thì cũng là vô thủy vô chung nên có thể coi Ngân Hà là hậu duệ của đời đầu tiên, hay đời cuối cùng, thậm chí là đời thứ bao nhiêu của ông tổ - bà chúa cũng được. Từ một hạt mầm âm - dương, được dung dưỡng trong điều kiện “mưa thuận gió hòa”, Ngân Hà nảy nở thành một tinh tú xinh đẹp, rực rỡm múa tít váy xòe, tỏa tinh hoa ngào ngạt như thế trong khi vẫn tiếp tục lớn lên. Váy của Ngân Hà cứ xòe rộng ra mãi và trên đó tinh hoa ngào ngạt dần kết tinh lại thành chi chít các vì sao ấy cũng múa tít. Lúc này Ngân Hà đã “phổng phao” thành một thiên hà.
Nói riêng Mặt Trời, nó cũng xoáy tít thò lò và vì được Ngân Hà cấp dưỡng thường xuyên nên cũng vung vãi vật chất ra xung quanh, làm hình thành nên một vành đai nóng bỏng gồm các hạt cơ bản. Khả năng cấp dưỡng của Ngân Hà có hạn độ nên Mặt Trời cũng chỉ lớn lên đến mức độ nhất định và xoáy chậm hơn. Các hạt cơ bản trong vành đai của nó tương tác với nhau tạo nên những thực thể lớn hơn và vành đai cũng nguội dần, dàn trải ra theo hai hướng về phía Mặt Thời và ra xa Mặt Trời. Các thực thể ấy tiếp tục kết tụ với nhau và từ đó mà hình thành nên các hành tinh của Mặt Trời, trong đó có Trái Đất. Ngày nay, dấu tích mà vành đai đó vẫn còn quan sát thấy ở khoảng giữa quĩ đạo của sao Hỏa và sao Mộc, được các nhà thiên văn học đặt tên là “Vành đai thiên thạch”. Trong vành đai thiên thạch vẫn còn chứa hàng trăm ngàn thiên thạch đủ mọi hình dạng, đủ mọi kích cỡ từ vài trăm mét tới vài trăm km.
- Câu chuyện cổ tích tôi vừa kể có hay không Hiện Thực?
- Mới thì đúng là mới toanh rồi, còn hay thì đối với tôi kể ra cũng tạm được, nhưng đối với người khác thì không biết thế nào…
- Dù sao anh cũng ghi chép lại giùm tôi nhé!
- Tôi đã ghi chép lại xong rồi đây, không sai và sót một chữ… Kệ anh! Mai mốt người đời có chửi rủa thì anh giơ mặt ra mà chịu báng, tôi không chịu đâu đấy!
Hoang Tưởng nghĩ thầm: “Hoang Tưởng thì vô hình nên làm gì có mặt, chỉ Hiện Thực mới có mặt vì anh ta hữu hình. Đúng là đồ ngớ ngẩn!”
- Này, đừng có mà nghĩ trộm về tôi như thế, không hay ho gì đâu! Ai mà không có đôi lúc lầm lẫn trong đời? Trong câu chuyện lớn mà cha kể từ trước tới nay, thiếu gì những lầm lẫn ngớ ngẩn. Tôi mà lôi hết ra thì chất lên như núi… Thôi, câm họng đi và nhắm mắt lại! Cha đã ở ngay trên miệng lỗ đen của Ngân Hà rồi đấy, thưa cha!...
- Tôi cũng chả có họng lẫn mắt!... Nhưng sao anh biết là tôi đang ở ngay trên miệng lỗ đen hả Hiện Thực?... Ừ nhỉ!... Đúng r… ồ… i!
Cảm thức tiêu biến, yên ắng tuyệt đối! Thông tin bằng thần giao cách cảm giữa hai cái tôi cũng đột ngột bị cắt đứt!
***
Suốt hơn cả tuần ngồi tốc ký liền tù tì lượng thông tin truyền về ồ ạt từ Hoang Tưởng, đến lúc này tôi mới được dừng bút. Người mệt nhừ, chân tay mỏi rã rời, mắt mờ đi và đầu óc thì lú lẫn hẳn. Cũng may là vừa đúng lúc cơ thể rơi vào kiệt quệ sức lực và tinh thần thì được nghỉ ngơi. Nếu vừa rồi Hoang Tưởng không chui tọt vào lỗ đen của Ngân Hà thì không biết sự thể đối với tôi sẽ tệ hại đến mức nào nữa!
Tôi uể oải đứng dậy, rời khỏi cái bàn ngổn ngang sách vở, giấy tờ, kê ở xó nhà - nơi mà tôi tự lưu đày mình đến chung thân, tình nguyện lao động khổ sai cho Hoang Tưởng - cầm khay trà ra bộ bàn ghế đá ở ngoài sân. Trời đầy mây nên có vẻ như sà xuống thấp. Mây không trắng muốt mà trắng đục, không nổi cuộn mà giăng đều ra như một cái mền dày, gây cảm giác nằng nặng như bị thấm nước. Mới khoảng 2 giờ chiều mà cảnh sắc đã xầm xuống như lúc 5 giờ chiều. Có lẽ một phần cũng vì tôi ngồi trong sân có tường cao bao bọc và trên là vòm cành lá đan xen che phủ. Thỉnh thoảng từng đợt gió mang theo nhiều hơi nước thổi ào về mát rượi. Có lẽ rồi trời cũng mưa nhưng phải một lát khá lâu nữa và mưa sẽ không sôi nổi, ồn ào, dứt khoát mà rả rích, lã chã. Những trận mưa không được sấm chớp báo hiệu và đi kèm thường vẫn như thế. Dân gian quen gọi đó là mưa Ngâu tháng bảy. Nhẩm tính, đúng là đang giữa tháng bảy âm lịch. Mưa Ngâu gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Có lần ngồi ngắm mưa Ngâu, tôi đã “tức cảnh sinh tình” như thế này:
Lạ thay Chức Nữ - Ngưu Lang.
Muôn năm khóc mãi dở dang vuông tròn
Đố ai ngăn được nguồn cơn
Cho Thu ráo hoảnh không còn lệ Ngâu.
Trời đất đến là lạ, xoay vần thời tiết khí hậu, làm xuất hiện bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nối tiếp nhau luân hồi không ngừng nghỉ và hơn nữa còn làm cho bốn mùa tương phản với nhau từng đôi một: Xuân - Thu, Hạ - Đông. Nếu mùa Xuân là mùa của hồi sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc, gợi cho lòng người hân hoan, phơi phới yêu đời thì mùa Thu là mùa của héo úa, lá vàng rơi rụng, gợi nên cảnh già nua làm cho lòng người cứ man mác buồn thương, man mác nhớ tiếc. Khi mùa Hè là mùa rực rỡ nắng, dào dạt mưa, cây cối xum xuê, hoa trái rộ cành, sặc sỡ, trĩu mọng, gợi cho lòng người dịu bớt lo toan, hồ hởi và đoan hậu vui sống, thì mùa Đông là mùa lạnh giá, cảnh vật ảm đạm, sự sống sinh vật như ngưng trệ, gợi cho lòng người về sự thê lương, chết chóc.
Trong bốn mùa ấy, mùa nào làm cho lòng người trào dâng cảm xúc lai láng và thi vị nhất? Có người cho là mùa Hạ vì những biểu hiện sôi nổi và sung mãn của nó. Có người lại cho rằng mùa Xuân vì những biểu hiện hồi sinh, tinh khiết và đầy hứa hẹn tươi sáng của nó. Nhưng đối với tôi, và có lẽ với cả nhiều người đứng tuổi có tính đa sầu đa cảm, thì đó là mùa Thu.
Như đã nói thì mùa Thu thường có những cảnh sắc gây cho lòng người những nỗi buồn man mác về kiếp đời, loáng thoáng nỗi buồn thương, tiếc nuối về những tháng năm tươi vui đẹp đẽ của cuộc đời đã chỉ còn là kỷ niệm trôi sâu trong dĩ vãng, không bao giờ trở lại nữa.
Buồn man mác là một trạng thái tình cảm tương đối khó tả. Nó làm cho tâm hồn lâng lâng lưu luyến, lai láng nhớ nhung, lắng dịu ưu phiền. Nó không phải là vui nhưng nhiều khi làm cho tâm hồn thấy thú vị, nó là buồn mà không hề làm cho tâm hồn sầu thảm, khổ sở. Nó tao nhã, nhẹ nhàng như đêm trăng thanh gió mát; nó êm ái, diệu vợi, thoảng chút ngậm ngùi như lời hát ầu ơ của người mẹ ru con…
Theo tôi, một con người thức, tỉnh trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, không thể hoàn toàn vô tình được, dù có thể vô tình vô cảm ở một vài khía cạnh, trước một vài hiện tượng hay biến cố. Hơn nữa, nếu thực sự cũng có lúc vô tình hoàn toàn thì sự vô tình đó chỉ có thể xảy ra trong chốc lát, không duy trì kéo dài được như ở loài vật.
Có thể qui tình cảm của con người thành bốn biểu hiện cơ bản là vui, buồn, yêu, ghét. Mỗi biểu hiện cơ bản đó lại bao gồm nhiều sắc thái tình cảm tương đối khác nhau. Chẳng hạn đối với vui thì có: hơi vui, vui quá, sung sướng, hạnh phúc…; đối với buồn thì có: buồn thiu, buồn tê tái, buồn não nề…; đối với yêu thì có: thích, say mê, yêu đắm đuối…; đối với ghét thì có: không ưa, ghét cay ghét đắng, căm ghét, căm thù… Nói chung, khi con người ta sống không được theo ý muốn, bị thất vọng, vô vọng thì nỗi buồn sẽ đến. Tùy mức độ của nỗi buồn mà dẫn đến ghét, thù. Khi con người ta được đáp ứng, thỏa mãn điều mình đang cần, đang ước muốn thì cái vui ập đến. Tùy mức độ đáp ứng, thỏa mãn của những thứ làm cho vui mà xuất hiện sự yêu những thứ ấy. Trong bốn thể hiện cơ bản vui, buồn, yêu, ghét thì có thể coi vui và buồn hợp thành một cặp tương phản lưỡng nghi, yêu và ghét hợp thành một cặp tương phản lưỡng nghi, trong đó vui - buồn hay yêu - ghét làm chuyển biến lẫn nhau, làm tiền đề thể hiện của nhau, không có tình cảm vui thì cũng không có tình cảm buồn và ngược lại, không có tình cảm yêu thì cũng không có tình cảm ghét và ngược lại. Cần thấy rằng, nguồn gốc của yêu - ghét có xuất phát điểm từ vui - buồn, không có vui - buồn, nhất quyết không thể xuất hiện yêu - ghét. Ở những loài động vật bậc cao, có bộ não đã được phức tạp hóa nhất định, có thể đã cảm giác được vui - buồn và ở nhiều loài, cả yêu - ghét nữa, nhưng nói chung còn mờ nhạt, chưa sâu sắc. Ở loài người, do có bộ não với khả năng suy nghĩ, tư duy trừu tượng đã đạt đến cao độ, thậm chí là hết mức có thể, mà sự vui - buồn, yêu - ghét thể hiện ra được ở nhiều cung bậc khác nhau từ nhạt nhòa đến sâu sắc và một khi đã bị kích hoạt thì trở nên vô cùng dữ dội. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất làm xuất hiện tất cả sắc tái tình cảm trên là quá trình đấu tranh sinh tồn ở loài người.
Khó mà hình dung được bốn thể hiện cơ bản về tình cảm nói trên hình thành cùng một lúc được, mà phải có trước, có sau. Vậy thì, tình cảm cơ bản nào được hình thành đầu tiên, đóng vai trò tiền đề cho ba tình cảm cơ bản còn lại hình thành trong thế giới sinh vật nói chung và đối với loài người nói riêng? Tôi cho rằng đó là tình cảm buồn. Chính cuộc đấu tranh sinh tồn và tiến hóa thích nghi trong thế giới sinh vật đã dần dần hun đúc nên thứ tình cảm buồn ấy, làm cho sự thể hiện của nó ngày một rõ rệt và ở loài người thì đạt đến độ tinh vi sâu sắc nhất, để rồi được khắc ghi không thể xóa nhòa trong tiềm thức con người, đồng thời đóng luôn cái vai trò là căn nguyên làm biểu lộ ra mọi sắc thái tình cảm của con người. Thông thường một con người, lúc rảnh rỗi nhất, ở trạng thái tinh thần bình lặng nhất, sẽ cảm nhận được một sắc thái tình cảm rất êm dịu, rất nhẹ nhàng, thấp thoáng chút xíu sự bâng khuâng, phảng phất chút xíu sự hụt hẫng, thoang thoảng mơ hồ chút nhớ nhung luyến tiếc, thảng hoặc lại trỗi dậy bâng quơ chút thi vị. Cái sắc thái tình cảm ấy chính là sự thể hiện của nỗi buồn đang nằm ở tầng sâu ẩn dấu trong tiềm thức, và được gọi là “cái buồn mông lung, man mác”. Có nhà thơ nào đó đã viết:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.”
Lúc viết hai câu thơ đó, chắc nhà thơ đang buồn man mác!
Nếu suy luận ở trên là thỏa đáng thì trên cơ sở đó, có thể rút ra kết luận: nếu ở loài vật, cái đóng vai trò như nền tảng, làm chỗ dựa cho những cảm giác vui, buồn, yêu, ghét thể hiện ra, là sự vô tình, thì ở loài người, nền tảng ấy chính là trạng thái buồn mông lung man mác của tâm hồn. Như vậy, buồn man mác là trạng thái tình cảm của tâm hồn con người. Sự tồn tại của nó tuy có tính lặn, chìm khuất, nhưng đồng thời lại có tính bền vững, thường trực, duy trì lâu dài, còn mọi trạng thái tình cảm khác, so với nó, đều có tính nổi trội nhưng không bền vững, chỉ nhất thời. Có thể ví von rằng, sắc thái tình cảm buồn mông lung man mác như mặt hồ nước mênh mông phẳng lặng, còn mọi sắc thái tình cảm khác như là những biểu hiện biến động ở những mức độ khác nhau của mặt hồ ấy, từ một gợn nhỏ lăn tăn cho đến xoáy chìm, sóng nổi. Biến động nào rồi cũng qua đi và khi hầu hết các biến động không nổi lên nữa thì mặt hồn lại trở về trạng thái hầu như phẳng lặng, nghĩa là sự phẳng lặng của mặt hồ trở nên nổi trội.
Lâm vào tình trạng buồn đau thì không ai muốn rồi, nhưng ở trong trạng thái vui vẻ mãi thì rồi cũng đến lúc chán nản (một sắc thái của nỗi buồn). Rõ ràng, không có buồn thì cũng không có vui nên không thể vui mãi mà không… hết vui. Như vậy, có vẻ lạ lùng nhưng thực ra là tự nhiên, tâm hồn con người đều không “chịu đựng nổi” hai tình trạng đó lâu dài, mà chỉ chấp nhận được một cách bình thản, nhiều khi còn thú vị, sự duy trì kéo dài và liên tục tình trạng buồn man mác (hơi thoảng buồn trong an nhiên tự tại). Nước lã bị coi là vô vị nhưng lại là nền tảng cho mọi thức uống. Không có nó, không thức uống nào có thể triển khai được. Không có nó, không chỉ loài người mà cả thế giới sinh vật trên Trái Đất này không thể sống còn được. Dù bị coi là vô vị thì nước lã vẫn không thể vô vị đối với con người và người ta có thể uống thường xuyên liên tục kéo dài suốt đời mà không chán, rất nhiều khi còn cảm thấy ngon lành, ngọt ngào thực sự và vô cùng thỏa mãn, chứ không thể uống bất cứ một thức uống nào khác như thế được. Có những thức uống lúc này lúc khác được coi là tuyệt vời, nhưng chỉ mang tính nhất thời và rồi cũng chán. Riêng đối với nước lã, bình dị va lạt lẽo thế mà không ai chán, chẳng bao giờ chán, trái lại, ai cũng cần nó, thường xuyên cần nó, và nếu thiếu nó thì “khát khao” nó, thấy quí trọng nó, do đó, hóa ra là nó “trên cả tuyệt vời”. Tình trạng buồn man mác của tâm hồn cũng tương đối giống như… nước lã. Đời người luôn trải qua những biến đổi, chấn động và từ đó mà cũng xuất hiện đan xen nhau, tiếp nối nhau những sắc thái tình cảm khác nhau trong tâm hồn.
Nếu sắp xếp tất cả các sắc thái tình cảm vào một hệ thống tương phản thì sẽ có duy nhất một sắc thái tình cảm có tính trung dung, đóng vai trò “mức O” của mọi sự phát triển sắc thái tình cảm. Một cách hoàn toàn khách quan thì sắc thái tình cảm đặc biệt, đóng vai trò làm gốc tương phản đó phải là “vô tình thuần túy”. Tuy nhiên vì con người có tư duy và mang trong tiềm thức “nỗi buồn truyền kiếp” được hun đúc nên từ quá trình đấu tranh sinh tồn đầy bi thương của loài người, nên ở con người cái sắc thái tình cảm đóng vai trò gốc ấy không phải là “vô tình thuần túy” nữa, cũng không phải là “vui man mác”, mà phải là buồn man mác với ít nhiều thi vị nghĩa là đôi lúc thoáng nhẹ nỗi vui, mỉm cười bâng quơ dù đang buồn man mác!).
Vì tình trạng buồn man mác đóng vai trò gốc, mức O, mang tính nền tảng, cơ bản nên nó cũng có tính lặn, tính tĩnh tại, và như thế, mọi trạng thái tình cảm còn lại so với nó đều mang tính nổi trội, động. Nhìn chung, tĩnh là trạng thái bình thường, thông thường, coi như không bị kích thích, động là tình trạng bị kích thích. Một cách tự nhiên, trạng thái động bao giờ cũng có xu hướng trở về trạng thái tĩnh và trạng thái tĩnh, khi bị kích thích sẽ chuyển biến sang trạng thái động. Trạng thái động có hai loại tương phản nhau là âm (chẳng hạn: buồn, ghét) và dương (chẳng hạn: vui, yêu). Nếu trạng thái động có tính cương, hoạt náo, tiêu hao năng lượng (mất sức) thì trạng thái tĩnh có tính nhu, lặng, (hầu như không tốn năng lượng (không mệt). Như đã nói, trạng thái tĩnh về tình cảm đáng lẽ ra phải là sự vô tình, thờ ơ, nhưng ở con người có thiên hướng buồn, và hơn nữa, với quan niệm tĩnh về tình cảm không chỉ là không buồn không vui mà đồng thời cũng còn là vừa buồn vừa vui, nên trạng thái đó phải là buồn man mác có hơi hướng thi vị, tức là nó cũng “động” thuộc về tập hợp trạng thái động nhưng được kích thích ở mức coi như thấp nhất và được qui ước là “tĩnh”. Tôi cho rằng, đời người là một cuộc dàn trải những biến động thường xuyên làm xuất hiện trong tâm hồn phong phú những sắc thái khác nhau với những mức độ hoạt động khác nhau và đều có thể qui về một trong bốn dạng cơ bản là vui, buồn, yêu, ghét. Trong đó, tình trạng buồn man mác có hơi hướng thi vị là trạng thái tình cảm tĩnh lặng nhất, thư thái nhất, êm dịu nhất, an lành nhất, thi vị nhẹ nhàng nhất của tâm hồn. Vì thế mà nó được con người ta yêu thích và trở thành ấn tượng dễ chịu, sâu sắc trong tâm hồn của những ai đã và đang qua trải nghiệm cuộc đời. Tôi cho rằng mùa Thu có nhiều những cảnh sắc nhất gợi nên nỗi buồn man mác mang hơi hướng thi vị, trong tâm hồn và do đó, mùa Thu cũng là mùa “sợi nhớ sợi thương” nhất, đằm thắm nhất mà cũng du dương nhất đối với tôi.
Thực ra ở Nam bộ - Việt Nam, một năm được phân định tương đối rõ ràng thành hai mùa Mưa và Nắng, chứ khó mà thấy được rành rọt được bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông như ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, một trong những đặc trưng của mùa Thu là lá vàng rụng nhiều, và trong sân nhà tôi có một cây nhãn cổ thụ, một cây sứ già, cho nên cứ mỗi độ lá vàng của chúng rơi đầy sân là tôi biết được mùa Thu đã về. Cảnh lá vàng rơi rụng lả tả theo từng đợt gió nổi mát rượi trong sân thường làm cho lòng tôi trỗi dậy nhiều hoài niệm vui buồn lẫn lộn. Trước đây, trong một lần như thế, tôi đã vỡ lẽ ra điều ngộ nghĩnh này: người ta, trong sâu thẳm, luôn bị nỗi buồn truyền kiếp ám ảnh, chế ngự nên ai cũng vậy, luôn tìm cách chạy trốn, vùng thoát khỏi nó, luôn tận dụng mọi cơ hội đến với niềm vui sống. Nhưng thử hỏi, trên cõi đời này, mấy ai có được một niềm vui sống đích thực va trọn vẹn? Vì thế mà có lẽ nỗi buồn chứ không phải niềm vui mới là giềng mối làm nên những kiệt tác văn chương, những bất hủ thơ ca. Từ suy nghĩ đó, tôi đã cho ra đời bài thơ ca ngợi nỗi buồn sau đây:
HUYỀN THOẠI NỖI BUỒN
Ngày xưa ông Tạo dỗ dành rằng
Người khôn nên được hưởng Nỗi Buồn
Có chàng phụng phịu: “Con không muốn…”
Ông cười: “Thôi, cố khóc một lần!”

Chàng khóc rống lên trút Nỗi Buồn
Cuộn dòng lệ chát chảy thành sông
Lòng chàng sạch sanh Niềm Cô Quạnh
Hí hửng về vui với Phố Đông.

Từ đó tình chàng tỉnh như không
Chỉ còn quay quắt với hơi đồng
Nói cười nhăng cuội, trơ vai kịch
Triền miên lạc thú với đêm hồng.

Lệ chát tràn trề hóa Bể Đông
Tiên cá ngây thơ uống no lòng
Vụt hóa ngẩn ngơ niềm cô quạnh
Lên ngồi bờ đá ngóng mênh mông.

Nàng đâu hay mình đã cảm thông
Nỗi Buồn Trần Thế để vương lòng.
Biết thương, biết nhớ trong chờ đợi
Biết là hạnh phúc buổi trùng phùng.

Thế rồi hồn nàng hóa hồn người
Ươm trong buồn nhớ những mầm vui
Kết trái tình yêu từ độ đó
Đủ đắng cay, chua chát, ngọt bùi.

Chàng kia dần hóa quỉ Sa tăng
Rình mò, quấy nhiễu khắp lương dân
Linh hồn xơ cứng trong hoan lạc
Gầm gừ, hú hét rợn đêm trăng
¯¯¯
Về sau con cháu ở Phố Đông
Lũ lượt kéo về tắm Bể Đông
Tìm hớp Nỗi Buồn trong lệ chát
Nghe ngàn xưa vỗ tiếng vọng thầm:
“Thế gian mà vắng Nỗi Buồn
Linh hồn bốc cháy, điêu tàn thơ ca
Xấu đau xấu đớn cỏ hoa
Núi ngồi thô lỗ, sông trơ đáy ghềnh
Xuân cằn tê lụi chồi mầm
Hè hun khô khốc, gió hầm vũ phu
Đục ngầu bụi bặm trời Thu
Đông ghè băng giá đắp mồ Tình Yêu
Loài người thành lũ quái chiêu
Đói xương khát máu, lêu têu bầy đàn.”
- Thơ với chả thuổng, buồn với chả nhớ!... Thôi, vui lên đi, tôi về rồi đây này!
Hiện Thực đang ngồi buồn man mác bên bàn đá, giật thót mình, quay ngoắt đầu lại nhìn vào trong nhà, rồi reo lên:
- Ôi, anh Hoang Tưởng!... Mới thấy anh chui tọt vào lỗ đen của Ngân Hà mà giờ này đã xuất hiện ở nhà, thật nhanh quá sức tưởng tượng! Có phải là anh đã di chuyển theo đúng quĩ đạo mà anh đã suy đoán không?
- Tôi mù tịt, đâu có biết quái gì! Vừa mới hoàn hồn trở lại tức thì…
- Thôi, kệ! Cũng chẳng cần biết làm gì nữa! Điều quan trọng là anh đã về nguyên lành, không bị chút “sứt tai gãy gọng” nào. Mà cũng thật đúng lúc… Nãy giờ thèm nói chuyện để thư giãn, xả hơi mà chả có ai, cứ ngồi đây nhìn lá vàng rơi mà nghĩ ngợi linh tinh, mệt cả đầu…
- Cái anh này, nhìn lá vàng rơi thì chỉ có hoài niệm và buồn man mác một cách thi vị thôi. Như thế là dễ chịu chứ mệt mỏi nỗi gì!...
Hiện Thực phá lên cười:
- Ha, ha,… ha! Tôi đùa anh đấy!... Mà này, tôi đã ghi chép xong toàn bộ thông tin của anh gửi về từ trước đến nay thành một “núi giấy” ở trên bàn làm việc ấy. Vì phải tốc ký “liến thoắng” liên tục nên không biết có sơ sót gì không? Anh đã về rồi thì nên đọc lướt qua một chút…
- Thôi, thôi! Tôi chả dại gì mà dây vào cái đống giấy ấy, vừa tốn thời gian, vừa tự mình làm thui chột sự hoang tưởng của mình. Đó là công việc của anh và anh phải tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của nó trước… Tự Nhiên Tồn Tại, Hiện Thực ạ! Còn tôi chỉ có nhiệm vụ là la cà, ngao du đến những nơi tôi muốn và… “phán” thoải mái!...
- Anh nói sao? Sao tôi lại phải chịu trách nhiệm trước Tự Nhiên Tồn Tại trong khi chỉ là người chép lại một cách nghiêm túc nhất những kể lể bạt mạng và ngông cuồng của anh? - Hiện Thực trợn mắt sửng cồ - Anh đừng có giở cái trò “được ăn được nói được gói mang về” rồi “ném đá giấu tay” như thế nhé, không xong với tôi đâu!... Ông thì dán đít vào ghế, ngồi ghi chép quần quật hết ngày này qua ngày khác, còn mày thì rong chơi phởn chí khắp nơi, chẳng thèm ngó ngàng tới ai. Đồ tệ bạc!
- Ấy chết! Sao anh lại chửi tôi nặng nề thế hả Hiện Thực? Anh viết lách quần quật thì tôi hành trình hùng hục, cũng tốn công sức lắm chứ nào có kém gì! Ý tôi muốn nói là quĩ thời gian của chúng ta sắp hết mà tôi còn phải sục sạo nhiều nơi nữa. Chứ tôi mà chúi mũi vào đống giấy ngồn ngộn như núi kia thì chắc rằng chúng ta sẽ không hoàn thành được “Câu chuyện hoang đường về Tự Nhiên Tồn Tại”. Cả tôi và anh, đều cùng phải nỗ lực, mỗi người một việc chứ biết làm sao? Cố gắng lên nhé! Anh hãy tưởng tượng đến cái ngày đống giấy còn to hơn thế kia nữa được in thành sách, bán chạy như tôm tươi trên khắp thế giới và tiền chảy vào nhà chúng ta như thác đổ, sóng trào…
- Tiền vào như thế có mà chết ngạt! - Hiện Thực vui vẻ trở lại - Anh lém lắm, Hoang Tưởng ơi! Tôi xin lỗi về sự cáu bẳn vừa rồi vì hiểu lầm anh. Thực ra, tôi mến mộ anh biết chừng nào! Chính anh chứ không ai khác đã động viên, giữ vững tinh thần tôi trong những lúc cô đơn, hiu quạnh… À, này! Lúc nãy thấy anh về là tôi cứ ngỡ câu chuyện mà chúng ta muốn kể cho thiên hạ nghe đã đến hồi kết thúc rồi. Bây giờ nghĩ lại thấy còn thiếu thiếu cái gì đó, hình như là chưa có được một cái hậu trọn vẹn. Đúng không anh Hoang Tưởng?
- Đúng đấy! Chúng ta còn phải mày mò tìm cách vạch ra cho được nhiều ngộ nhận của vật lý hiện đại về Tự Nhiên Tồn Tại, nhất là phải lật đổ cho được quan niệm Big Bang về Vũ Trụ…
- Ái chà chà! - Hiện Thực ngắt lời Hoang Tưởng - Coi chừng đấy Hoang Tưởng ơi! Công nhận là anh có khả năng hoang tưởng “ác liệt” hơn nhiều người nhưng trình độ vật lý hiện đại của anh thì nói anh đừng giận, chẳng đâu vào với đâu cả. Không khéo đâm đầu vào đó, không những không giải quyết được gì mà còn bị nện cho u đầu bể trán, chuốc lấy thất bại nhục nhã ê chề nữa!
- Cảm ơn anh đã cảnh báo! Dù sao thì tôi cũng phải cố liều một phen xem sao, chứ cứ để sự tức tối anh ách trong lòng thật không sao chịu nổi. Có thể rồi tôi sẽ hoàn toàn bó tay, bất lực hoàn toàn thì lúc đó tôi sẽ nháy anh hủy bỏ những trang viết về chuyện đó, và nó sẽ được giấu tịt trước mắt người đời. Nhưng biết đâu chừng… Hãy nhớ lại đi Hiện Thực, trước đây tôi đã không ít lần từng vượt qua chướng ngại vật tưởng không cách nào vượt qua nổi, ngoạn mục như thế nào!
Hiện Thực khẽ lúc lắc đầu ái ngại:
- Ở trường hợp này khó khăn gấp bội phần anh ạ… Thì tùy ý anh thôi. Tôi dù sao cũng chỉ là gã thư ký quèn, ngồi hí hoáy ở xó nhà, không thể có tầm nhìn xa trông rộng như Tôn Ngộ Không, quên, xin lỗi, như anh được.
- Yên tâm đi Hiện Thực nhé! Có nhà văn đã nói: “Không có những chiến công lớn lao cho những tâm hồn phẳng lặng”. Ở đời, có đi mới có đến, nếu không xông pha thì làm sao gặt hái được thành tựu? Trước sau gì tôi cũng phải lang thang vào cái thực tại mà vật lý hiện đại đã dàn dựng nên, để “cưỡi ngựa xem hoa” một lần cho biết rồi lúc đó sẽ trù tính. Nhưng trước hết, tôi phải quay lại vật lý cổ điển để làm cái công việc là tìm cách “thực chứng” cho những biểu thức mà chúng ta đã “sáng tạo” ra, và cho rằng chúng là những biểu thức cơ bản nhất của vật lý học, dù được viết dưới dạng “không giống ai”.
- Có lý đấy! Thế anh định bao giờ tiến hành và theo hướng nào?
- Ngay bây giờ tôi sẽ đến Thư viện Quốc Gia. Nội dung tiếp theo của câu chuyện chắc cũng khá nhiều và đề cập đến nhiều vấn đề. Chỉ Thư viện Quốc Gia may ra mới đáp ứng được.
Nói đoạn, Hoang Tưởng vụt biến mất, chẳng khác gì một… vong hồn.
Hiện Thực mỉm cười tủm tỉm về sự “hô biến” ấy rồi đứng dậy đi vào nhà, khẩn trương dọn dẹp lại bàn làm việc, chuẩn bị sẵn sàng giấy bút để bước vào công cuộc “nai lưng cày cấy” mới. Xong đâu đấy, Hiện Thực vừa định đi rửa mặt cho tỉnh táo thì Hoang Tưởng lại vụt hiện ra.
- Ô hay! Sao anh lại về? – Hiện Thực ngạc nhiên hỏi.
- Trống rỗng, chẳng có gì ở đó cả!
- Trống rỗng là thế nào? Đã mang tên là Thư viện Quốc Gia mà trống rỗng sao? Hay là anh đi lạc?
- Lạc thế quái nào được mà lạc! Có những nơi cực kỳ xa xôi chưa một lần đến mà tôi còn tìm đến trúng phóc được như thời Xuân Thu – Chiến Quốc bên Tàu, thậm chí đường đến diện kiến Đấng Tạo Hóa hun hút thậm thượt như thế mà tôi còn chưa lạc nữa là…
- Lạ quá nhỉ! Làm sao bây giờ? A! Trên kệ sách của chúng ta cũng có khá nhiều sách vật lý. Anh xem lang thang trên đó có thể “kiếm chác” được gì chăng?
- Ừ! Có lẽ vậy… cũng không đến nỗi nào, vì tôi đi theo cách mà tôi đã từng và đang đi.
- Anh nói thế tôi không hiểu gì cả Hoang Tưởng ơi! Lang thang thì kiểu gì mà không được?
- Anh quên rồi sao? Ngày xưa ấy, tít trong quá khứ xa mơ, trước khi chào tạm biệt anh để lên đường, xuất bôn quyết tìm cho ra được “cái gì đó”, tôi đã từng nói với anh rằng tôi đã xác định được một con đường, một cách đi cho riêng mình và phù hợp nhất với mình. Với trình độ kiến thức khoa học cỡ… phổ thông, muốn tìm hiểu Tự Nhiên Tồn Tại thì dù có khả năng hoang tưởng “ghê gớm” như tôi, cũng không thể “chen chân” nổi trên những đại lộ khoa học chính qui chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu khoa học đích thực, trên những đường băng hàn lâm thẳng tắp dành cho những nhà bác học tài năng xuất sắc, biết sử dụng các phương tiện hỗ trợ tối tân vào công cuộc đi chinh phục những bí ẩn. Từ nhận định đó mà tôi đã chọn con đường chưa có một ai đi trên đó vì nó chưa từng có trước đó, với cách đi là tránh xa các đại lộ khoa học chính qui, các đường băng hàn lâm, tự vạch vẽ, tìm lối mà đi một cách hồn nhiên, không khiên cưỡng, câu nệ, tùy thuộc vào đòi hỏi của ngoại cảnh và cả ý thích của nội tình mà có thể là rề rà quanh quẩn, thong dong “cưỡi ngựa xem hoa”, cắm đầu cắm cổ hành quân xa, và cũng có thể là vùn vụt trong không gian, bao la hay vi vút trong thời gian miên man, cứ tiến theo hướng tự nhiên mà đất trời thầm thì chỉ bảo. Chính vì thế mà như anh cũng thấy rồi đấy, con đường mà tôi đã đi từ trước đến nay có hình thù thật là bất định, lúc ngược lúc xuôi, lúc đến lúc về, lúc ra đi lúc trở lại, lúc ngoằn ngoèo quanh co nhỏ hẹp, lúc thẳng tắp hun hút thênh thang, lúc cụ thể quen thuộc lúc mông lung phi thường, lúc…
- Ối, thôi thôi!... Dừng lại đi!... Anh lại bắt đầu nổi cơn hoang tưởng rồi.
Hoang Tưởng đang cao hứng, hùng hồn, nghe vậy, chững lại:
- Hề, hề!... Ừ nhỉ, không lê thê cho tốn thời gian nữa!... Tóm lại, sắp tới tôi sẽ tiếp tục cách đi ấy trên con đường ấy. Anh thấy thế nào, được không?
- Tôi làm sao mà biết có được hay không được? Nhưng anh còn sự lựa chọn nào khác hợp hơn nữa đâu mà hỏi. Anh muốn đi tiếp thì cứ thế mà đi, còn có gặt hái được gì hay không là tùy thuộc hoàn toàn vào may rủi. Tôi nghĩ vậy… À! Mà này: tôi nhớ có lần, lâu lắm rồi, anh đã thử đặt tên cho con đường anh đi nhưng chưa được và anh có nói sẽ đặt tên vào dịp khác. Theo tôi, lúc này là thích hợp nhất…
- Đúng rồi! Để tôi nghĩ xem… A! Cái tên “Con đường cổ tích” nghe hay không?
- Còn “kêu” quá anh à! Tôi cho rằng cái tên “Con đường danh riêng cho những gã hoang tưởng” là xác thực nhất.
- Không được! Tôi không muốn “tư hữu” con đường ấy vì dù tôi là người vạch ra nó thì công lao của anh trong việc tạo dựng ra nó không phải là nhỏ. Nó là của chung chúng ta. Vả lại, chúng ta vì “giàu có” hoang tưởng nhưng “nghèo kiết xác” kiến thức hàn lâm nên con đường mà chúng ta tạo dựng luôn toát ra cái vẻ chất phác, cục mịch, quê mùa. Vậy, nên chăng đặt tên con đường ấy là “Con đường của những gã nhà quê”, hả Hiện Thực?
- Hay quá! Cái tên đó đúng là hợp lý hợp tình hơn cả. Tôi đồng ý! Và để kỷ niệm cuộc đặt tên thành công này, tôi đề nghị anh làm một bài thơ ca ngợi trước khi lang thang trên kệ sách. Nhưng phải nhanh cấp kỳ, vì tôi biết anh là người “xuất khẩu thành thơ” với tốc độ thuộc hàng thượng thừa…
- Xong rồi! Đây:
Ôi con đường của những gã nhà quê
Dẫn ta đi khắp đó đây vô định
Vui thú biết bao giữa bốn bề cô quạnh
Quên kiếp trăm năm, quên cả ngày về.

Con đường quanh co không lối không lề
Có đêm mưa tuôn mềm lòng sỏi đá
Có ngày chói chang rực tươi hoa lá
Có những cảnh mơ huyền diệu tuyệt vời.

Ta đi lang thang bỏ lại nỗi đời
Lấp liếm ưu phiền, thỏa niềm mê muội
Thà như kẻ bị lưu đày biệt xứ
Còn hơn ngồi chán ngấy xó Trần gian
- Này, anh lại cạnh khóe, xỏ xiên tôi đấy à, Hoang Tưởng? Đừng có quá đáng thế chứ! Tôi mà nổi điên lên là anh phải hối hận đấy! - Hiện Thực gầm gừ.
- Đùa chút cho vui ấy mà…
- Vui gì nổi mà vui! Cà khịa đến cỡ đó mà nói là “đùa chút” à? Cái câu “còn hơn ngồi chán ngấy xó Trần gian” bằng chửi cha người ta rồi còn gì…
- Cha anh không là cha tôi chắc? Nói thế mà cũng…
- Tôi quên thôi, có gì mà ầm ĩ nào?... Nói thế để tỏ rõ cho anh thấy tôi đã bị anh làm tổn thương đến cỡ nào… Thật anh chả là cái thá gì cả đâu! Nói cho anh biết, nếu không có cái tôi Hiện Thực chấp nhận ngồi một chỗ thì làm sao có được cái núi giấy kia? Không có tôi thì đố anh viết được dù một chữ!... Đừng có làm tôi điên tiết, uất quá tự treo cổ mình lên. Đến lúc đó, dù anh có “Quên kiếp trăm năm, quên cả ngày về” thì quỉ Sa tăng cũng lôi cổ anh về… địa ngục, đố thoát!...
- Anh nói hoàn toàn đúng, Nếptumô ạ!
- Mày nói tao bị điên đấy à, hả thằng Hupitet kia? Được rồi! Ông đốt hết cái đống giấy ghi chép toàn chuyện tào lao này đi cho mày biết tay!...
Hoang Tưởng hốt hoảng thực sự:
- Ấy chết! Đừng!... Đừng như thế mà Hiện Thực ơi! Mai mốt nếu may mắn có được chút vinh quang nào thì cũng nhờ vào nó đấy. Chớ làm điều dại dột mà hối không kịp! Tôi không thể làm cuộc hành trình thứ hai giống hệt như vừa qua nữa đâu. Anh cũng biết mà!... Thôi! Cho tôi xin lỗi anh về sự đùa quá lố của tôi… Hai câu thơ cuối anh cứ sửa lại như thế này nhé:
Cứ đi đi mà tan thành cát bụi
Cho Hiện Thực cười hùi hụi giữa Trần gian.
Hiện Thực tính dễ nóng mà cũng nhanh nguội, nghe thế dịu giọng lại liền:
- Mệt anh quá! Thôi anh lên kệ sách mà chu du đi. Đừng để phí thời gian thêm nữa! Trời đã xẩm tối rồi kìa! Để tôi đi bật đèn cho sáng kệ sách… À, mà anh cần quái gì tới đèn!...
Hoang Tưởng vụt biến mất, gửi lại vang vọng tiếng cười ha hả, sảng khoái trong đầu Hiện Thực.
 
                                                            ***

Trước hết, chúng ta viết lại một số biểu thức vật lý mà chính chúng ta đã thiết lập được:
1- Những biểu thức chuyển đổi thời gian và khoảng cách giữa hai hệ chuyển động (đều) tương đối so với nhau:
         
          2- Hai biểu thức cộng vận tốc:
        
3- Biểu thức biểu diễn mối quan hệ giữa  nội năng và động năng của một vật:
4- Biểu thức về quan hệ giữa năng lượng và thể tích của hạt KG:
         
Chúng ta cho rằng những biểu thức trên là những biểu thức cơ bản nhất, tổng quát nhất, mang tính căn nguyên của vật lý học. Từ chúng có thể dẫn xuất, suy ra, nếu không tất cả thì cũng là hầu hết những biểu thức vật lý cơ bản khác.
Nhận định như thế là quá “chủ quan khinh địch” và do đó mà cũng thật hợm hĩnh! Nhưng biết đâu chừng, nếu đúng thì sao? Thì những biểu thức trên sẽ trở thành những người lính xung kích ưu tú của vật lý học trong công cuộc khám phá những bí ẩn của Vũ Trụ để nhận thức đúng đắn hơn về Tự Nhiên Tồn Tại.
Sẽ rất bấp bênh nếu sự đúng sai của một nhận định được quyết định chỉ bằng suy lý, biện luận thuần túy. Do đó muốn quả quyết nhận định trên là thực sự đúng đắn thì cần phải trưng ra được những bằng chứng không ai có thể chối cãi được và để có thể trưng ra được những bằng chứng ấy thì trước hết những biểu thức nêu trên phải mô tả được một cách xác đáng hiện thực khách quan trong lĩnh vực vật lý học.
Dù có thấy rằng những biểu thức ấy được xây dựng nên từ những suy diễn, chứng minh hoàn toàn hợp lý thì cho đến lúc này vẫn chưa thể khẳng định dứt khoát được mức độ xác thực của chúng. Trong lịch sử toán học và vật lý học đã xảy ra rất nhiều trường hợp một biểu thức, một nhận định hay một lý thuyết được mọi người thừa nhận suốt một thời gian tương đối dài vì đã có chứng minh chặt chẽ, được thực nghiệm, kiểm chứng và thậm chí là đã tỏ ra đắc lực trong ứng dụng thực tiễn, mãi về sau mới biết là chúng chưa hẳn đúng, còn khiếm khuyết hoặc hoàn toàn sai lầm.
Vì vậy, mục đích của chúng ta đến với vật lý học lần này là lấy những biểu thức mà chúng ta đã thiết lập được làm cơ sở để suy ra một số biểu thức quan trọng đang tồn tại trong vật lý học, đã được thử thách qua quá trình lịch sử kiểm nghiệm và ứng dụng dài lâu nên tỏ ra hoàn toàn đúng đắn. Thông qua đó mà trả lời luôn sự nhận định ở phía trên của chúng ta là đúng hay sai.
(còn tiếp)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI

PHẦN IV: BÁU VẬT

PHẦN V: THỐNG NHẤT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH