Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 10

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trở ngại tưởng không thể vượt qua ở chặng đầu quan hệ Việt - Mỹ

Ở chặng đầu nỗ lực cải thiện quan hệ, Việt Nam và Mỹ phải đối diện với vô vàn khó khăn do lịch sử để lại, do sự ngờ vực và chống phá của các phe nhóm.
    bang-9898-1435020077.jpg
    Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng. Ảnh: Việt Anh
    Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng chia sẻ với VnExpress về thuở ban đầu của quan hệ Việt - Mỹ, nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước.
    - Những ngày đầu Việt Nam nỗ lực biến quan hệ với Mỹ từ thù thành bạn đã diễn ra như thế nào?
    - Giai đoạn đó có rất nhiều trở ngại, từ quốc hội, chính phủ Mỹ, báo giới, người dân, cựu binh và cả cộng đồng người Việt di tản sau chiến tranh. Có những trở ngại gần như gây nản chí nếu mình mong nó phát triển nhanh. Khó khăn này kéo dài suốt từ những năm 1980 đến năm 1995, là tất yếu do lịch sử để lại. Việt - Mỹ từng ở hai bên chiến tuyến, dùng tất cả những gì có thể để đánh bại bên kia, khi cuộc chiến chấm dứt thì những điều đó vẫn còn đọng lại trong từng người, không dễ mất đi được. Nhưng cả lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đều mong muốn phá bỏ bao vây cấm vận, điều đó là cần thiết.
    - Những trở ngại đó cụ thể là gì?
    Có một trở ngại chính là vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) và tù binh chiến tranh (POW). Mặc dù từ năm 1973 Việt Nam đã thả hết tù binh nhưng phía Mỹ vẫn nói "còn người bị giam giữ ở Việt Nam thì không có chuyện bình thường hóa quan hệ".
    Rồi vấn đề người di tản, tôi ở Mỹ 9 năm thì thì có đến hàng trăm cuộc biểu tình phản đối, số lượng lên đến hàng nghìn người, họ ném đá, ném trứng thối, phá các chuyến thăm Mỹ của các lãnh đạo Việt Nam. Đến mức tôi đi đến đâu cũng phải cảnh giác với biểu tình vì chắc chắn có khoảng vài ba trăm người ở một bang nào đó đứng trước cổng "đón". Kinh khủng nhất là tháng 8/1995, tôi đến quận Cam và phát biểu công khai trước đám đông, đó cũng là lần đầu tiên một quan chức Việt Nam đến đối thoại trực diện với người dân Mỹ.
    - Hai nước lúc đó đưa ra với nhau những điều kiện gì?
    - Suốt từ năm 1975 đến 1995, ưu tiên của Việt Nam là bỏ cấm vận, mà để bỏ cấm vận thì hai nước phải thiết lập quan hệ liên lạc. Trong giai đoạn 1985-1988, Việt Nam chào đón Mỹ sang thảo luận các vấn đề MIA đồng thời với việc bàn bạc bỏ cấm vận. Cuối năm 1988, Việt Nam yêu cầu Mỹ cho lập văn phòng ở Washington DC để thông tin về hài cốt lính Mỹ mất tích, họ hứa về báo cáo với Quốc hội nhưng sau đó không được. Việt Nam thì tuyên bố không tiếp tục thương lượng về MIA nữa. Mọi chuyện tưởng như đi vào bế tắc.
    Lúc đó Thượng nghị sĩ John McCain và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phải đứng ra "dàn hòa". Đến tận tháng 1/1995, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố hai bên đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc tại Washington.
    - Có lần nào hai bên gần đạt được thành quả rồi bị thất bại?
    Đầu năm 1993 tôi được cử sang làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), mọi người ở nhà hy vọng "khoảng 6 tháng nữa Việt Nam sẽ thiết lập một cơ quan liên lạc ở Washington". Đột nhiên đến khoảng tháng 3, tháng 4, phía Mỹ đưa ra cái gọi là tài liệu của Thượng tướng Trần Văn Quang, cựu thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam gửi cho Bộ Chính trị, báo cáo về việc "đưa tù binh Mỹ từ Việt Nam sang Nga" như thế nào. Sự kiện đó như quả bom nổ tung, làm tan nát hết các dự định giữa hai bên. 
    - Sự thực là sao thưa ông?
    - Thời điểm đó ông Bill Clinton dự định có thể đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nhưng sau đó chính quyền phải tạm dừng. Việt Nam cũng tạm dừng nỗ lực và đi điều tra tài liệu về "tù binh bị đưa sang Nga". Khi ấy Mỹ và Nga có quan hệ tương đối hòa giải, vì thế khi Washington kiểm tra lại xem tài liệu đó có trong kho lưu trữ thật không, Moscow nói không có, báo cáo kia là giả. Báo cáo đó thuộc về một trong những nhóm cựu hữu chống phá quan hệ Việt - Mỹ, họ không phải hoạt động theo cảm tính, mà có nghiên cứu và chuẩn bị hẳn hoi. Họ thuê người viết các báo cáo, chờ xem Mỹ và Việt Nam tuyên bố cái gì thì họ tung ra. Hai bên giải quyết được rất nhiều vấn đề nhưng đến đoạn gần cuối họ vẫn bị họ phá. Chính vì những tài liệu như thế mà đến tận cuối năm 1993 ông Bill Clinton mới tuyên bố cho Việt Nam vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) và đến tháng 2/1994 mới tuyên bố bỏ lệnh cấm vận. Mất rất nhiều thời gian như thế.
    Việt Nam còn phải chứng minh như thế nào nữa để Mỹ không hoài nghi về vấn đề POW?
    - Khoảng năm 1991 hoặc 1992, đoàn Mỹ nói với Việt Nam rằng họ nhận được tin vẫn còn người Mỹ còn sống (bị giam làm tù binh), đề nghị Việt Nam chuẩn bị một chiếc trực thăng, "khi nào ăn cơm xong sẽ đi". Đoàn sau đó lên đường sang Gia Lâm, và khi lên máy bay, họ chỉ đến Thanh Hóa, máy bay đỗ xuống một khu rừng, đó chính là trại tù binh trước đây. Nhưng lúc đó đã tan hoang rêu phong rồi, không còn ai. Sau năm 1994 thì mức độ nghi ngờ có giảm đi.
    Có một vài người, trong đó ông John McCain có thể coi là "người tháo nút" nhiều vấn đề, ông có quyền lực và nhìn xa trông rộng. Từ cấp cao thì có ông Bill Clinton. Ngoài ra còn có Thượng nghị sĩ John Kerry (nay là Ngoại trưởng Mỹ), bà Virginia Foote, người tiếp cận Nhà Trắng rất sát sao về các vấn đề Việt Nam.
    bang-2-8285-1435020077.jpg
    Đại sứ Lê Văn Bàng, phải, gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1997 về việc mở cơ quan ngoại giao. Ảnh: Nhân vật cung cấp
    - Nhìn lại chặng đường bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, những thành tựu nào hai nước đã đạt được mà trước đây ông tưởng rằng sẽ rất khó khăn?
    - Hai bên đã đạt được những kết quả rất nổi bật, chẳng hạn như Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 29 tỷ USD năm ngoái, số sinh viên Việt đang học ở Mỹ gần 17.000, khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đáng kể là quan hệ quân sự. Hồi xưa tôi từng tìm hiểu xem Mỹ có thể bán thiết bị kỹ thuật cao hoặc các thiết bị phi sát thương cho Việt Nam nhưng rất khó. Khoảng năm 1996-1998, Nhà nước yêu cầu tôi thử tiếp cận công ty tư nhân của Mỹ để mua một số động cơ của tàu cao tốc, trang bị cho tàu trên biển. Tôi hỏi một công ty ở bang Connecticut, làm việc xong thì gửi đề nghị lên Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không được. Đến 2004 Việt Nam đề nghị mua vũ khí của Mỹ nhưng cũng không được chấp thuận.
    Bây giờ thì họ hứa bán cho mình. Nói chung quan hệ kinh tế, quân sự và đào tạo là những điều trước đây rất khó khăn, mà giờ đạt được rồi. Tôi từng nghĩ quan hệ chiến lược Việt - Mỹ rất "xa vời", nhưng tôi hiểu thực chất quan hệ toàn diện bây giờ có ý nghĩa chiến lược, đó là thành tựu rất nổi bật. Việc hợp tác với Mỹ có thể góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển hơn nữa, duy trì được hòa bình, ổn định.
    bang-3-1430-1435020077.jpg
    Ông Lê Văng Bàng, cùng Thượng nghị sĩ John Kerry (bìa trái), hiện là ngoại trưởng Mỹ, và Thượng nghị sĩ John McCain, ngoài cùng bên phải, trong lễ khai trương các dự án của Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tại Việt Nam, tháng 3/1998. Ảnh: NVCC
    Việt Anh

    Tổng thống Mỹ Obama có thể thăm Việt Nam năm nay

    Trả lời phỏng vấn của độc giả VnExpress, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết năm nay sẽ chứng kiến nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có thể có việc Tổng thống Obama tới Việt Nam.
      - Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã nói: "Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai". Xin được hỏi ngài đại sứ, chính sách của nước Mỹ hiện nay chọn những nội dung nào là trọng tâm để hiện thực quan điểm đó? Xin cám ơn. (Nguyễn Công Danh, 45 tuổi)
      - Tôi rất vui có mặt ở đây tại thời gian này, trong giai đoạn lịch sử này khi chúng ta kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Đây cũng là năm có lẽ có khoảng 6 đến 7 ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam sang thăm Mỹ và có 5 hoặc 6 quan chức cấp bộ trưởng Mỹ, có thể cả tổng thống Mỹ, sang thăm Việt Nam. (Xem video)
      Đây cũng là năm dự kiến chúng ta hoàn tất đối tác TPP, có thể mang lợi ích to lớn cho Việt Nam và Mỹ. Vào ngày 12/7 tới chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Năm nay các hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức tại hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Cho tới nay, sứ quán đã phối hợp tổ chức tại 50 tỉnh thành, với nội dung tập trung làm sâu sắc mối quan hệ này. 
      Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng trích dẫn câu nói của Ngoại trưởng John Kerry. Ông nói "trên thế giới không có hai nước nào làm tốt hơn Việt Nam và Mỹ trong việc đưa mối quan hệ hai nước gần nhau hơn, hướng tới tương lai". 
      Hai nước ta đã xử lý vấn đề chất dioxin cùng với việc xử lý người mất tích. Sự hợp tác đó mở khả năng tiến hành nhiều hợp tác khác. Chúng ta có nhiều tiến triển trong nhiều lĩnh vực. Tin tốt là ta đã đạt được tiến độ trong kinh tế, thương mại, chính trị ngoại giao, giáo dục, môi trường, sức khỏe đến mối quan hệ hai nước. 
      Tôi muốn nêu 3 lĩnh vực cụ thể mà quan hệ hai nước đã vượt qua tầm song phương ra toàn cầu. Thứ nhất là gìn giữ hòa bình. Mỹ đã giúp VN đào tạo binh sĩ, cán bộ đủ kỹ năng cần thiết để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới. Thứ hai là sức khỏe toàn cầu. Việt Nam là một nước trọng điểm trong sáng kiến của tổng thống Mỹ về sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ còn hơp tác cùng VN trong việc đối phó với nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh truyền nhiễm. Thứ ba là cơ hội hơp tác kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong những nước trọng tâm trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
      HUY-9179-1636-1434966162.jpg
      Ảnh: Giang Huy
      - Liệu Mỹ có làm ngơ việc Trung Quốc muốn chiếm cả Biển Đông, khi ông Tập Cận Bình mang những miếng mồi béo bở về kinh tế sang Mỹ vào tháng 9 tới không? (Lượng Minh Trung, 61 tuổi, Đồng Tháp - Việt Nam)
      - Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông rất rõ ràng. Từ lâu chúng tôi đã ủng hộ tự do hàng hải, các hoạt động thương mại an toàn, không bị cản trở và phù hợp với luật pháp quốc tế.
      Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không tiến hành những hành động khiêu khích, đe dọa sử dụng vũ lực.
      Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng vô thời hạn các hoạt động cải tạo đất và chấm dứt việc quân sự hóa các vị trí chiếm đóng tại khu vực này. Các bên cần tham gia vào quá trình đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng tại khu vực này.
      Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực này có phản hồi tích cực với lời kêu gọi của chúng tôi. 
      - Khi nào Việt Nam có cơ hội để mua máy bay chiến đấu F16, máy bay săn ngầm P3C Orion? Xin cảm ơn đại sứ. (Hiếu, 35 tuổi)
      AIR-P-3C-Orion-Norwegian-lg-14-3781-2577
      Máy bay săn ngầm P3 Orion do Mỹ sản xuất.
      - Mấy tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến thăm Việt Nam. Ông ấy đã cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký kết về tuyên bố tầm nhìn chung giữa hai nước. 
      Bản tuyên bố này được xây dựng trên cơ sở biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng hai nước được ký từ năm 2011. Bản tuyên bố này tạo ra khả năng để mở rộng thương mại quốc phòng giữa hai nước chúng ta. 
      Việt Nam sẽ xem xét các nhu cầu quốc phòng và đưa ra đánh giá để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực quốc phòng hiệu quả. Mỹ sẽ xem xét tích cực các yêu cầu của Việt Nam, nhưng Việt Nam sẽ là người quyết định trong việc xác định nhu cầu quốc phòng phù hợp với mình. Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu của Việt Nam. 
      - Những gì xảy ra tại biển Đông không chỉ là tranh chấp lãnh thổ, nó làm ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tư cách là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế và quân sự, Mỹ luôn chủ trương không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên, Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông? (Nguyễn Đức Tài, 21 tuổi)
      Mỹ là một cường quốc. Chúng tôi có những lợi ích to lớn trong tương lai của châu Á. Tương lai của châu Á theo tầm nhìn của chúng tôi là một châu Á thịnh vượng, hòa bình, nơi các nước có thể giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế và biện pháp ngoại giao.
      Về lịch sử mà nói, khi xuất hiện một cường quốc đang trỗi dậy thì giữa cường quốc đang trỗi dậy và cường quốc hiện tại thường có xu hướng xảy ra xung đột.
      Để tránh khả năng xung đột đó, chúng tôi mong muốn phát triển một cấu trúc an ninh bền vững ở châu Á. Một cấu trúc an ninh bền vững ở châu Á đòi hỏi ASEAN phải là một tổ chức mạnh mẽ và đóng vai trò trọng tâm.
      Chúng tôi ủng hộ và mong muốn ASEAN phát triển mạnh hơn, đoàn kết hơn, thịnh vượng hơn nhằm tiến tới một châu Á mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng.
      Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong các nước ASEAN và Mỹ ủng hộ vai trò này của Việt Nam.Các cơ hội để giải quyết một cách hòa bình các khác biệt về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ trở nên khả thi hơn  khi ASEAN phát triển mạnh hơn và đoàn kết hơn.
      ted-1-7958-1434966162.jpg
      Đại sứ Osius. Ảnh: Giang Huy.
      - Tôi được biết Mỹ có hai cấp độ quan hệ với các nước khác. Một là đồng minh. Hai là đối tác bình thường. Có phải như vậy không thưa ngài? Quan hệ đối tác toàn diện là gì? Và chúng ta đang ở đâu? (Khiem Nguyen Huy, 42 tuổi, 49/7Y3 Quang Trung, P12, GV)
      Chúng ta là những đối tác mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng không chỉ quan hệ đồng minh mới quan trọng mà các quan hệ đối tác cũng rất quan trọng. 
      Tôi từng đến Ấn Độ để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ. Sau đó, tôi tới Indonesia xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Indonesia. Hiện tôi đang ở Việt Nam để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam.
      Điều khác biệt ở đây là chúng ta từng có những khó khăn trong quá khứ. Và trong thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để cải thiện điều này.
      - Ông có thể kể về chuyến đi đáng nhớ nhất của mình tại Việt Nam từ khi làm đại sứ đến nay? Những trải nghiệm có khác so với hình dung ban đầu? (Phạm Bích Nga, 50 tuổi, Lâm Đồng)
      - Hồi tháng 5, tôi có dịp cùng trợ lý ngoại trưởng leo lên đỉnh Fansipang. Nhóm của chúng tôi cả người Mỹ và Việt Nam, trong đó có một số nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng tôi đã leo đến tận đỉnh. Đó là một chuyến đi nhiều thách thức. Núi rất dốc, đoạn gần đỉnh vừa dốc vừa trơn. Rất khó khăn nhưng rất đáng để chúng tôi cùng nhau dốc sức.
      Mấy ngày trước khi chúng tôi đi, hai bên đã tiến hành vòng đối thoại về nhân quyền và đó là một thách thức khó khăn, nhưng chúng tôi đã làm việc đó cùng nhau.
      Năm nay tôi 53 tuổi và sẽ có người nói rằng thật điên rồ khi muốn trèo lên đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, nhưng đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam cũng là sếp cũ của tôi thường hay nói rằng không có gì là không thể và tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy.
      - Tôi rất hâm mộ tình yêu của ngài, ngài có hài lòng với tình yêu của mình không? (Dang tieu Tran, 33 tuổi)
      -Tôi rất tự hào về gia đình mà tôi và Clayton cùng gây dựng nên.
      Bạn đời và tôi đã kết hôn 9 năm trước vào thời điểm hôn nhân đồng tính chưa hợp pháp tại Mỹ. Chúng tôi đã nhận nuôi đứa con đầu lòng cách đây một năm rưỡi và đứa thứ hai cách đây 2 tháng. Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi hai con đều khỏe mạnh.
      - Ông muốn để lại dấu ấn gì của mình trong nhiệm kỳ này? (Phạm Văn Bình, 23 tuổi, Quảng Ngãi)
      - Điều tôi muốn là làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta. Theo quan điểm của tôi, để đạt được điều đó, ta phải cùng làm việc về các nội dung quan trọng với người dân. Những nội dung ấy là tạo điều kiện để trẻ em có sức khỏe tốt, học hành tốt, tạo công ăn việc làm cho người dân. Các hoạt động hợp tác về môi trường cũng quan trọng vì nó liên quan đến con cháu họ. 
      Hợp tác giáo dục là nội dung quan trọng, vì các hoạt động về lĩnh vực này tạo cơ sở cho tương lai của người dân. Một trong những nội dung hai bên đang hợp tác và cũng là nội dung thú vị nhất chính là hợp tác thành lập trường Đại học Fulbright đầu tiên ở Việt Nam. Đây sẽ là trường kiểu Mỹ độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam và sẽ được thành lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 
      Tới nay, chính phủ Mỹ đã góp 17,5 triệu USD và các tổ chức cá nhân khác cũng đóng góp rất nhiều, đưa tổng tiền là 40 triệu USD cho việc thành lập đại học này. Tôi tin chúng ta sẽ thành công và trường đại học này sẽ tạo ra mối quan hệ đối tác mạnh mẽ cho nhiều thập kỷ trong thời gian tới. 
      live_interview-1434962011.jpg
      Ảnh: Giang Huy
      - Trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam và Mỹ sắp tới, thông điệp mà phía Mỹ muốn đưa ra là gì? (Dương Văn Thanh, 55 tuổi, TP HCM)
      - Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản. Hãy nhìn lại trong 20 năm qua hai nước đã tiến xa chừng nào và từ đó có thể hình dung được khả năng tiến xa của hai nước trong 20 năm tới.
      Năm nay chúng ta có một cơ hội hiếm có để xác định tầm nhìn chung cho quan hệ hai nước. Chúng ta có thể chuyển từ hợp tác song phương hiệu quả sang hợp tác hiệu quả cấp khu vực và toàn cầu. Chúng ta có thể chứng minh rằng không gì là không thể. 
      - Việt Nam và Mỹ ngày trước là hai kẻ thù, sau 20 năm là quan hệ bang giao. Người Việt Nam chúng tôi thường dùng chữ "Bạn" để nói về mối quan hệ này. Từ "Bạn" theo cách nghĩ của người Việt Nam là thân thiện, giúp đỡ, sẻ chia ... và vì nhau để cùng phát triển. Vậy từ "Bạn" theo cách nghĩ của ngài và chính quyền Tổng thống Obama có giống như cách nghĩ và hành động của người Việt Nam hay không? (Nguyễn Văn Quang, 58 tuổi, 29 Lê Cơ , Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)
      - Có. Nếu chúng ta định nghĩa "Bạn" chính là cùng nhau làm việc để đạt được phát triển và hướng tới thành công của Việt Nam thì chắc chắn đó là điều mà chúng tôi nghĩ.
      live_interview-1434962140.jpg
      - Thưa ngài đại sứ, như chúng ta đã biết thì Mỹ đã cấp thị thực có thời hạn 10 năm cho Trung Quốc. Câu hỏi của tôi là, khi nào chính phủ Mỹ sẽ tăng hạn thị thực từ một năm lên 10 năm cho người mang hộ chiếu Việt Nam ? (Hà Quang Anh, 22 tuổi, 207 Nguyễn Trãi, Phường 2, Quận 5, TpHCM)
      - Các bạn biết không, hiện nay Việt Nam cấp thị thực ba tháng xuất nhập cảnh một lần cho công dân Mỹ. Trung Quốc cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần cho công dân Mỹ trong 10 năm. Trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có nước nào ngoài Việt Nam yêu cầu Mỹ có thị thực khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam. 
      Nếu chính phủ Việt Nam thực sự mong hội nhập quốc tế toàn diện thì việc chỉ cấp thị thực ba tháng một lần cho công dân Mỹ là một điều sai lầm. Một cơ chế cấp thị thực hiện đại hơn của Việt Nam sẽ tạo điều kiện tăng thêm số lượng khách du lịch, sinh viên, nhà đầu tư Mỹ sang Việt Nam. Nhưng vì Việt Nam thực hiện chính sách thị thực rất khắt khe như vậy nên tôi có nhiệm vụ phải áp dụng các cơ chế thị thực tương ứng.
      Trong tương lai gần chúng tôi chỉ có thể cấp visa ba tháng xuất nhập cảnh một lần cho công dân vì chúng tôi chỉ được cấp thị thực tương ứng với giá trị thị thực mà các nước cấp cho chúng tôi. Tôi không muốn làm việc này nhưng chính phủ Việt Nam không cho tôi thêm sự lựa chọn nào khác. Tôi đã nêu vấn đề này với mọi quan chức chính phủ Việt Nam mà tôi gặp ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Tôi nghĩ việc áp dụng quy chế khắt khe như vậy là trái với lợi ích của hai nước chúng ta. 
      Quý vị quan tâm đến xin visa đi Mỹ có thể tham khảo tại website: http://ustraveldocs.com/vn_vn/index.html
      - Nếu được cử làm Ngoại trưởng đầu tiên tới một xứ sở nào đó ngoài hành tinh Ngài có làm không? và tại sao? (Lê Phú Tài, 32 tuổi, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang)
      - Nếu tổng thống nói nhiệm vụ của tôi phải làm vậy thì tôi sẽ chấp nhận điều đó. Vì sao ư? Vì đó là nhiệm vụ. Tôi nghĩ nó sẽ là một cuộc phiêu lưu khi ta đến nơi chưa có ai từng đặt chân đến. 
      live_interview-1434962885.jpg
      - Thưa ngài đại sứ Ted Osius, hiện nay nông dân đất nước tôi rất khó khăn về vấn đề nguồn ra cho sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản cuộc sống nhiều nông dân đang rất khó khăn, tôi rất mong sản phẩm nông dân chúng tôi đến được thị trường Mỹ và các nước đồng minh thân Mỹ. Sau khi ký hiệp định TPP thì những mặt hàng nông sản và thuỷ sản có được đến tay người tiêu dùng Mỹ và các nước thân Mỹ không? (Nguyễn Long Hồ, 31 tuổi, TP HCM)
      Theo một số kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, việc ký kết thực hiện TPP sẽ giúp tăng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Với tư cách là nước ít phát triển nhất trong số 12 nước đang đàm phán TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng nhiều lợi ích nhất từ hiệp định này.
      Hiện nay, một nửa lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là nông sản và hơn một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng là nông sản.Vì vậy chắc chắn khi TPP hoàn tất thì lượng sản phẩm nông sản của hai nước xuất khẩu sang thị trường của nhau sẽ tăng lên.
      Vì vậy, tác động lớn nhất của TPP là sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Chính sách đó đã được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam công bố. Tôi rất lạc quan rằng quá trình đàm phán TPP sẽ sớm được hoàn tất. Điều này sẽ bổ sung, nâng cao đáng kể chất lượng quan hệ của chúng ta.
      - Thưa ngài Đại sứ, tôi đã nghe nói nhiều về lợi ích của Việt Nam khi tham gia hiệp định TPP mà chưa nghe nói về lợi ích của nước Mỹ. Xin ngài cho biết về điều này. (Pham Duc Ha, 64 tuổi, 635 Vu Tong Phan Ha Noi)
      Cách đây vài năm, Tổng thống Obama đã ra quyết định tái cân bằng chính sách của Mỹ sang châu Á. Có một số người diễn giải quyết định này là để chuyển các nguồn lực quân sự của Mỹ sang châu Á. Nhưng cách thể hiện chính xác hơn điều này là tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter khi nói rằng TPP quan trọng hơn nhiều so với một tàu sân bay.
      Hiệp định TPP sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế của 12 nước thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để 12 nước thành viên đặt ra và thực hiện tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong thương mại toàn cầu. Hiệp định này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chiến lược bởi vì điều này sẽ làm gia tăng lựa chọn của chúng tôi.
      Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với tôi rằng quyết định khi đưa Việt Nam tham gia TPP mang tính chiến lược. Và đối với Mỹ cũng vậy, việc Mỹ cùng với các nước hoàn thành hiệp định này cũng là một quyết định chiến lược.
      - Xin chào ngài đại sứ! Chúc ngài sức khỏe, thành công! Tôi xin được hỏi ngài nước Mỹ đang có những chính sách gì để khắc phục hậu quả chất độc da cam trên đất nước chúng tôi, xin cảm ơn ngài. (vu ngoc phan, 33 tuổi)
      Mỹ đã dành 100 triệu USD cho hoạt động khắc phục ô nhiễm dioxin gần sân bay Đà Nẵng và dự án này đã đạt được kết quả rất to lớn. Khi tôi lần đầu tiên tới Việt Nam, thời điểm đó hai nước còn chưa thảo luận về dioxin nhưng hiện nay vấn đề này đã trở thành một chủ đề được thảo luận tích cực giữa hai nước chúng ta.
      Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi rút ra rằng nếu chúng ta tôn trọng quá khứ và làm việc cùng nhau với thái độ chân thành về quá khứ thì sẽ mở ra cánh cửa tương lai cho quan hệ giữa hai nước. Một trong những điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi về người dân Việt Nam là sự chú ý và quan tâm của họ đối với tương lai. Cách hướng tới tương lai đó thể hiện sự lạc quan của người Việt Nam và tôi cũng rất lạc quan về tương lai. 
      - Ngài đại sứ thích điều gì nhất ở đất nước Việt Nam và có điều gì Ngài không hài lòng? (Lê Phú Tài, 32 tuổi, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang)
      - Điều quan trọng nhất là tôi yêu mến và tôn trọng người dân Việt Nam.
      Từ trải nghiệm của tôi, người dân Việt Nam rất mến khách, thông minh và cần cù lao động. Tôi rất thích và tôn trọng truyền thống lịch sử của Việt Nam. Ví dụ như tôi rất thích truyền thống ăn Tết, tôi đã có cơ hội nấu bánh chưng và thả cá đưa ông Táo về trời. Tôi thích các truyền thuyết của Việt Nam, đặc biệt là truyện người dân Việt Nam có dòng dõi con rồng cháu tiên.
      Truyền thuyết thể hiện tính cách và giá trị của người Việt Nam, đó là sức mạnh tinh thần, truyền thống học hỏi cũng như truyền thống nhân đạo.
      Tôi rất thích các món ăn của Việt Nam, đặc biệt là bánh xèo, phở hay bất cứ món nào có cua hoặc hoa quả tươi, kể cả sầu riêng.
      ted-2-8506-1434966162.jpg
      Danh sách những thứ tôi không thích ngắn hơn nhiều. Tôi không thích bất kỳ yếu tố nào làm giảm khả năng của người Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước vững mạnh và độc lập.
      Nếu không có những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền thì không chỉ mối quan hệ đối tác của chúng ta không thể khai thác hết các tiềm năng mà bản thân người Việt Nam cũng không thể khai thác hết tiềm năng của mình.
      Vì vậy điều mà tôi mong muốn được thấy trong tương lai ở Việt Nam là mọi người dân Việt Nam có thể khai thác đầy đủ mọi tiềm năng của mình, trong đó có việc được thực hiện các quyền tự do thể hiện ý kiến, tự do tôn giáo hay tự do hội họp.
      Tôi cho rằng đã có rất nhiều tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực nói trên kể từ khi tôi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên và tôi rất chào mừng những tiến bộ đó.
      Tôi muốn bổ sung một điều vào danh mục những điều tôi yêu thích ở Việt Nam là người dân Việt Nam luôn tràn đầy hy vọng và lạc quan về tương lai. Tôi chia sẻ tinh thần lạc quan đó của người Việt Nam.
      VnExpress

      Mỹ cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

      Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Trung Quốc rằng những tuyến hàng hải của thế giới, trong đó có Biển Đông, cần phải để mở cho thông thương,  đồng thời muốn Washington và Bắc Kinh "trung thực và thẳng thắn" trong quan hệ tương lai.
        REFILE - CORRECTING TYPO U.S. Vice President Joe Biden delivers remarks at the Strategic and Economic Dialogue (S&ED) at the State Department in Washington June 23, 2015. More than 400 Chinese officials are in Washington for annual talks under the wide-ranging Strategic and Economic Dialogue (S&ED) framework, which will involve eight U.S. cabinet secretaries. REUTERS/Yuri Gripas
        Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tổ chức ở Washington hôm nay. Ảnh: Reuters.
        "Tôi tin sự thành công và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai đi kèm việc tăng cường hành động với vai trò là một bên có trách nhiệm", AFP dẫn lời Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói khi tiếp đón đoàn quan chức Trung Quốc tới Washington dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) thường niên giữa hai nước. "Điều quan trọng là tìm ra những hướng đi mới để phối hợp ngay cả khi hai nước trong tương lai có sự cạnh tranh".
        Tuy nhiên, Phó tổng thống Biden cũng đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới Bắc Kinh, trong bối cảnh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang phức tạp, rằng những tuyến hàng hải của thế giới cần được "để mở và bảo vệ" cho thông thương.
        "Các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế và phối hợp cùng nhau để giữ những tuyến đường biển mở, đảm bảo thông thương", ông Biden nói. "Ý niệm về các tuyến hàng hải để mở và được bảo vệ trở nên quan trọng hơn mọi giai đoạn trong lịch sử loài người bởi sự liên kết của thế giới".
        Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông và Washington đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh dừng xây đảo nhân tạo trong khu vực nhưng không được. Trung Quốc trong tháng trước cho biết nước này sẽ thể hiện sức mạnh quân sự vượt khỏi biên giới trên biển và kiên quyết hơn ở trên không.
        "Những quốc gia từ chối ngoại giao và lựa chọn áp bức, đe dọa để giải quyết tranh chấp hoặc vờ như không thấy sự gây hấn với nước khác chỉ mang lại bất ổn", phó tổng thống Mỹ nói. Ông Biden cũng ca ngợi Trung Quốc là "đối tác" trong nhiều vấn đề, từ đàm phán hạt nhân đến biến đổi khí hậu.
        Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhất trí hai nước còn có sự bất đồng và nhấn mạnh "ưu tiên đối thoại hơn là đối đầu". "Trung Quốc và Mỹ không nên bước vào lối đi đối đầu và xung đột", ông Uông nói.
        Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung Quốc 2015 diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6. Dẫn đầu phía Mỹ tham gia sự kiện là Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jacob J. Lew. Phái đoàn Trung Quốc gồm khoảng 400 quan chức do Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Phó thủ tướng Uông Dương và Phó thủ tướng Lưu Diên Đông dẫn đầu.
        Như Tâm

        Không có nhận xét nào:

        Đăng nhận xét