MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG 3

-Đừng tin những gì Trung Quốc nói!
-"Khẩu Phật tâm xà", một trong 36 kế của binh pháp Tôn Tử!
-Đừng bao giờ quên :Trung Quốc = quỷ quyệt!

-------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trêh NET)

Không làm phức tạp tình hình Biển Đông

Dân trí Tại cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp tình hình trên Biển Đông, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Bắc Kinh, Trung Quốc tiến hành Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, từ ngày 17-19/6/2015.
Tại Phiên họp lần này, hai bên đã tập trung trao đổi về trọng tâm các lĩnh vực hợp tác nhằm thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 4/2015 vừa qua, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Hai bên nhất trí duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức tốt một số hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân và Thanh niên hai nước trong năm 2015.
Hai bên đã xác định một số trọng tâm công tác lớn nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước, nhất là trong các lĩnh vực Ngoại giao, Quốc phòng, An ninh, thực thi pháp luật; nhất trí các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, cùng có lợi đạt tiến triển mới, bao gồm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển ổn định, cân bằng, lành mạnh mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế giữa các địa phương biên giới hai nước.
Hai bên trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã chứng kiến lễ ký Biên bản Phiên họp lần 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Chiều 18/6/2015, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển ổn định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mong muốn hai bên triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2015), thiết thực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng đến xu thế phát triển của quan hệ hai nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: VGP/Hải Minh)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Thủ tướng Lý Khắc Cường quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương Trung Quốc thực hiện tốt kết quả đạt được tại Phiên họp lần này; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh, bình đẳng cùng có lợi, nhất là tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu gạo và các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam để góp phần giải quyết vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc; tạo điều kiện cho tăng cường giao lưu, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới hai nước, kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá cao kết quả Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng và kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước; sẵn sàng cùng Việt Nam nắm chắc xu thế phát triển quan hệ hai nước, xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo cơ sở cho phát triển quan hệ hai nước.
PV

Biển Đông: Đừng để Việt Nam đứng giữa hai “làn đạn”

Dân trí Trước những động thái mới của các nước về vấn đề Biển Đông, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng, phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo ta đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh.

Ngày 2/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - đã chia sẻ với báo chí những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn
Từ khi Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, còn Mỹ quyết định xoay trục sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì tình hình biển Đông ngày càng nóng hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Biển Đông tuyến hàng hải hết sức quan trọng cho nên nó là mối quan tâm, lợi ích chung của nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Đối với Trung Quốc, một điều rõ ràng là họ có xu hướng mở rộng, độc chiếm Biển Đông. Điều đó cho thấy Biển Đông là khu vực nhạy cảm, do vậy, phải bảo đảm lợi ích giữa các nước trong hòa bình. Còn nếu xảy ra xung đột, không chỉ riêng chúng ta mà nhiều nước bị thiệt hại.
Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
Vậy Việt Nam ứng xử thế nào trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích giữa hai cường quốc này?
Ở những vùng biển quốc tế, quyền lợi giữa các nước là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không có chuyện anh to, anh bé. Còn khi người khác xâm phạm đến chủ quyền của mình thì mình phải bảo vệ trước chứ không thể tôn trọng lợi ích nào cả.
Trước sự việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ đã đem tàu chiến và máy bay bay qua khu vực này để khẳng định tự do hàng hải. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng có những tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào thái độ đó của Mỹ trong thời gian qua?
Đây là vấn đề lợi ích của các nước lớn, đan xen, lợi dụng lẫn nhau, còn Việt Nam như đứng giữa hai làn đạn. Do vậy, theo tôi mình phải cương quyết, nhất quán, không ngả về bên nào. Ứng xử vấn đề này phải rất khéo léo, cái gì tranh thủ được thì phải tranh thủ, còn cái gì ảnh hưởng đến quyền lợi thì mình phải cương quyết.
Kiên quyết đấu tranh những gì Trung Quốc vi phạm
Chiều ngày 5/6, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, sau đó Quốc hội có ra Nghị quyết hay thông báo để cử tri nắm được tình hình hay không?
Trong chương trình trước đó thì không có, thế nhưng trước sự phức tạp tình hình, Quốc hội sẽ họp riêng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông vào chiều 5/6 tới. Còn việc ra Nghị quyết thì Quốc hội phải có cả một quy trình cụ thể. Thực tế đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông như xây cảng, sây bay quân sự, đưa pháo ra các đảo ở Trường Sa còn nghiêm trọng hơn cả sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trước đây? Do vậy, nhiều cử tri cho rằng, phản ứng của ta hiện nay là chưa tương xứng với tình hình?
Thực chất đây là sự cạnh tranh giữa hai siêu cường. Do vậy, vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ vì không khéo mình đứng giữa hai làn đạn. Còn những gì Trung Quốc vi phạm thì đương nhiên Việt Nam cương quyết đấu tranh.
Trước khi sang đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Thượng nghị sĩ John McCain có chia sẻ gì về vấn đề biển Đông không?
Ông John McCain còn phản đối việc Trung Quốc tôn tạo, xây đắp trái phép các bãi đá, đảo ở biển Đông gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước trên thế giới vì đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Trước hành động của Trung Quốc, ông John McCain mong muốn các bên dùng biện pháp hòa bình để đảm bảo vấn đề an ninh trong khu vực.
Việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam liệu có là điều kiện để ta tăng cường năng lực quốc phòng, bảo đảm vấn đề an ninh Biển Đông?
Có thể nói, việc Mỹ mở cửa bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Tức là độ tin cậy của Việt Nam trong vấn đề hội nhập ở mức cao hơn. Khi độ tin cậy cao hơn thì các xu hướng hợp tác thuận lợi hơn nhiều.
Việc Mỹ mở cửa như vậy, còn Việt Nam mua như thế nào thì phải cân nhắc, tính toán kỹ. Vì thực chất tiềm lực quốc phòng của mình trên biển mình không thiếu, nhưng sử dụng lúc nào, có nên sử dụng hay không hay dùng liệu pháp hòa bình? Nói như thế không phải là chủ quan nhưng khả năng của mình là cũng đảm bảo được.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)

Biển Đông: Sự cứng rắn của Mỹ và sự “khôn ranh” của Trung Quốc

Dân trí Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Khắc Huỳnh, tại Biển Đông, thái độ của Mỹ đang từ từ cứng rắn lên thông qua những biện pháp khác nhau.

Những chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ John McCain cũng như của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trước và sau Đối thoại Shangri-La 2015 trong bối cảnh hiện nay đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như dư luận quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Huỳnh - nhà ngoại giao kỳ cựu, từng tham gia phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, nguyên đại sứ Việt Nam tại nhiều quốc gia.
Biển Đông: Sự cứng rắn của Mỹ và sự “khôn ranh” của Trung Quốc
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Không phải là Mỹ đang làm to chuyện tại Biển Đông mà sự thực là Mỹ có trách nhiệm rất lớn đối với vấn đề tại khu vực này.  PV: Trong bối cảnh Biển Đông và tình hình quốc tế hiện nay, dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao, việc thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ John McCain cùng với tuyên bố sẽ đến Việt Nam ngay sau đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy điều gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Muốn thấy được ý nghĩa từ việc làm cụ thể của Mỹ thì phải thấy tổng quát được những điều sau: Mỹ đang cần gì? Mỹ đang lo cái gì? Mỹ đang gỡ vấn đề gì?
Hiện nay, Mỹ đang là nước có uy tín và tiềm lực rất mạnh. Vấn đề quốc tế Mỹ đang quan tâm hiện nay ngoài Ukraine chính là vấn đề tại Biển Đông. Không phải là Mỹ đang làm to chuyện tại Biển Đông mà sự thực là Mỹ có trách nhiệm rất lớn đối với vấn đề tại khu vực này. Vì vậy mà trong các vị Bộ trưởng hoặc lãnh đạo tham gia Đối thoại Shangri-La 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là người phát biểu mạnh mẽ nhất.
Mỹ đang lo vấn đề Biển Đông nhiều nhất. Mỹ coi đó là vấn đề chiến lược. Điều này là nhất quán trong chiến lược nói chung của Mỹ. Mỹ đang củng cố vị trí của mình tại Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Thái Bình Dương. Mỹ không thể để cho Trung Quốc chi phối và nắm lấy thế thượng phong ở Thái Bình Dương. Đó là mục tiêu của Mỹ.
Vì quan tâm đến vấn đề Biển Đông nên Mỹ buộc phải có quan hệ tốt với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philipines… để đối phó với Trung Quốc. Vừa qua, việc Tổng thống Mỹ để Thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội của Mỹ cho thấy Mỹ đề cao quan hệ với Nhật Bản thế nào. Trong những nước liên quan đến Biển Đông, Việt Nam là một mục tiêu rất lớn của Mỹ. Nước Mỹ tất nhiên có quan hệ đồng minh với Philippines nhưng Việt Nam có tư thế vững vàng và lực lượng mạnh mẽ hơn. Việt Nam biết cách ứng phó với những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông hơn.
Qua việc chúng ta ứng phó với giàn khoan Hải Dương-981 năm ngoái, Mỹ khen Việt Nam. Mỹ khen ở đây không phải là khen hung hăng mà khen chúng ta rất linh hoạt: lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo… Việt Nam đối phó với hành động gây hấn của Trung Quốc vừa bằng chính trị vừa bằng ngoại giao và quốc phòng rất khéo. Rất cứng rắn mà không có tiếng súng nào.
Trong tình hình hiện nay, Mỹ cần nắm lại thế thượng phong tại Thái Bình Dương để đảm bảo tự do hàng hải nên Mỹ cần Việt Nam. Việc các ông nghị sỹ hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam chính là để củng cố và biểu thị sự quan hệ với Việt Nam.
Mỹ đang cần gì ở Việt Nam? Mỹ muốn hai nước gần nhau hơn. Ở nước Mỹ, ai là người mạnh nhất? Đó là người dân Mỹ. Các vị nghị sỹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam là để đáp ứng yêu cầu của người dân Mỹ và làm những gì mà người dân Mỹ tán thành.

Tại phiên thảo luận ở Đối thoại Shangri-La ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do hàng không: “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Bởi sau cùng, việc biến mấy đá ngầm thành sân bay không tạo ra chủ quyền và cho phép Trung Quốc ngăn cản tự do hàng hải hay hàng không”. Ông đánh giá khẳng định này từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh quốc tế hiện nay như thế nào?
Phát biểu đó rất đúng đắn. Mỹ và Trung Quốc đang căng với nhau nhưng không công khai. Mỹ không gây sự với Trung Quốc mà dùng đạo lý, lý lẽ và vận động dư luận để lấn tới bằng máy bay và tàu chiến (theo quy định của pháp luật quốc tế cho phép) nhằm đe Trung Quốc. Mỹ không tới những đảo đó để tạo tranh chấp, mà đảm bảo tự do hàng hải trong đó Mỹ và Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ.
Mục đích của Mỹ là để chứng minh rằng những việc làm của Trung Quốc trên Biển Đông không tạo thành chủ quyền cho họ.
Những điều này rất phù hợp với lập trường của Việt Nam. Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên những đảo đá đã chiếm của Việt Nam. Lập trường của ta trong trường hợp này có nhiều điểm phù hợp với Mỹ. Chính vì vậy mà Mỹ mới cần Việt Nam.
Tại Đối thoại Shangri-La 2015, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm chính là thái độ của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều đó là thái độ không quá gay gắt từ trưởng đoàn của Trung Quốc nhưng kèm với đó là những lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Là một nhà ngoại giao, ông đánh giá nước cờ ngoại giao này của Trung Quốc như thế nào?
Trung Quốc bao giờ cũng “khôn ranh”. Họ biết tại Shangri-La có những ai phản đối họ. Chính vì vậy họ đã tìm cách tránh đi những căng thẳng trực tiếp từ Đối thoại này. Đó là những thủ đoạn ngoại giao của Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng ở nơi không cần thiết phải căng thẳng.
Giữa một bên là phát biểu rất mạnh mẽ như Mỹ và một bên tỏ ra khôn ngoan như Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì để vừa bảo vệ được chủ quyền vừa đảm bảo các quyền lợi khác?
Đó là trách nhiệm của những nhà ngoại giao nhưng tóm lại trong 2 chữ: “Khôn khéo”. Chúng ta không công kích quá mạnh Trung Quốc tại nơi mang tính ngoại giao như Đối thoại Shangri-La nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn phải lên tiếng phản đối. Ở những cuộc họp báo quốc tế, lãnh đạo đất nước phải lên tiếng phản đối…
Có một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc có nói rằng biện pháp đưa tàu chiến và máy bay trinh sát đến những nơi Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa chưa phải là biện pháp mạnh nhất mà Mỹ hoàn toàn có thể có những biện pháp mạnh hơn như việc Quốc hội Mỹ ra nghị quyết phản đối Trung Quốc. Ông có nghĩ năm nay Quốc hội Mỹ sẽ ra một nghị quyết như vậy hay có một động thái nào đó mạnh mẽ hơn?
Tôi chưa đoán được cụ thể nhưng tôi cho rằng những hành động hiện nay của Mỹ chưa phải là những động thái mang tính mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thái độ của Mỹ đang từ từ cứng rắn lên thông qua những biện pháp khác nhau. Họ làm rất có tính toán. Có thể trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ sẽ lên tiếng, Quốc hội Mỹ sẽ lên tiếng…
Theo ông, việc Trung Quốc đưa một số vũ khí ra đảo Hải Nam cũng như ra một số đảo mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tại Trường Sa có thể là nhân tố khiến Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ sớm hơn trong thời gian tới?
Tôi cho rằng với Mỹ, tất cả những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay đều làm cho Mỹ tỏ thái độ cứng rắn hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Chính Quang (thực hiện)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH