THỰC TẠI & HOANG ĐƯỜNG 46/a
THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (IV)
ĐẠI CHÚNG
--------------------------
PHẦN V: THỐNG NHẤT
“Chính qua cuộc đấu tranh
nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn
nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành
con mồi của ảo vọng”.
A. Anhxtanh
“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy
cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad
CHƯƠNG VI: THỰC CHỨNG
“Tinh thần thời đại cũng có
thể là một sự thực khách quan như bất cứ sự thực nào trong khoa học tự nhiên
(…).
Do đó, hai quá trình, quá
trình khoa học và quá trình nghệ thuật, không phải là rất khác nhau. Cả khoa
học và nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ đã tạo nên ngôn ngữ con người mà nhờ
đó chúng ta có thể nói về những phần rất xa xôi của thực tại…”
W. Heisenberg
Vùng không gian phía trước mặt cứ như
trời chiều đã nhập nhoạng, chẳng thể ngắm nghía cái gì cho rõ ràng nữa ngoài
cái miệng lỗ tròn vành vạnh và đen kịt như mặt trời đang trong tình trạng bị
nhật thực toàn phần. Mà cũng chẳng còn đề tài khả dĩ nào để suy tưởng nghiền
ngẫm nhằm “giết” bớt thời gian chờ đợi đến nao lòng ngày xuất hiện trở lại ở
nơi chôn nhau cắt rốn.
Làm gì bây giờ đây? Vùng vẫy chân tay,
múa may quay cuồng để ôn lại mấy bài quyền cước mà xưa kia chúng ta học được từ
người thầy chuyên dạy võ cho bộ đội đặc công, là không thể được rồi! Thực hành
bài khí công thiền pháp kiểu nằm thở (ngọa thiền) rõ ràng là cũng không thể
được nốt (“nằm” thì có thể nhưng làm sao thở đây?!). A! Ừ nhỉ, hay là làm thơ?
Nói chung, phải có hai yếu tố làm tiền đề cho thơ ca là cảnh sắc thiên nhiên và
nhân tình thế thái. Ở đây không thể “tức cảnh sinh tình” được vì… tối quá, cũng
không thể “trầm tư mặc tưởng” được vì chỉ có… vong hồn. Làm thơ cho thật dở thì
ai cũng làm được nhưng không ai thèm đọc. Làm thơ cho hay thì đầu tiên người
làm thơ phải có tâm trạng, nhưng chưa đủ, mà phải qua khổ luyện, nghiền ngẫm,
và nhất là phải có khiếu nữa. Để có được những bài thơ thật sự hay thì người
làm thơ còn phải có một tâm hồn lớn, chân tình với cuộc đời, cảm thông được nỗi
đau nhân quần, thấm thía được nỗi buồn nhân sinh. Có lẽ thế mà những bài thơ
bất hủ bao giờ cũng ẩn chứa những lời nhắn nhủ chí tình chí nghĩa, những lời an
ủi thấm đẫm nhân văn và man mác nỗi tiếc thương, ưu tư, sầu muộn. Thấy một
người đang đọc thơ mà cười lên khanh khách, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, thì
đó chỉ có thể là bài thơ dở kiểu “con cóc” hoặc “hay” kiểu… Bút Tre mà thôi!
Chúng ta thuộc “tuýp” người đa sầu, đa
cảm nên ngay từ nhỏ đã rất thích thơ ca. Chính một phần quan trọng nhờ thơ ca
mà tâm hồn chúng ta lớn lên, biết thương xót những cảnh đời khổ đau, biết yêu
thương sâu sắc dân tộc mình, tổ quốc mình.
Rồi chúng ta cũng tập tành làm thơ. Lúc
đó thật khó làm sao! Viết ra được bài thơ thì rất nhanh, chỉ khoảng 2 tiếng là
xong. Hí hửng tưởng hay lắm, hôm sau đọc lại thấy dở òm. Thế là bắt đầu sửa,
mới đầu sửa ít, sau sửa nhiều, sửa riết thành… bài thơ khác. Dù sao cũng hài
lòng! Làm xong bài thơ rồi thì đem… giấu, vì xấu hổ không dám cho bạn bè thấy.
Tự mình “hay” với mình được một tháng thì bỏ bẵng vì bận làm những bài thơ
khác.
Một thời gian sau, sau khi đã vật lộn mệt
nhoài với thơ, tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để có được dăm bảy bài “hay
không còn chỗ chê” thì đem bài thơ đầu tiên ra đọc lại để “ôn cố tri tân” và
cũng để thưởng thức tài hoa của mình, thì lại thấy… dở òm. Lại sửa đi, sửa lại
mãi để rốt cục có được một bài thơ mới dài gấp ba bài thơ cũ. Sửa xong, thở
phào, đọc lại lần cuối và thấy… mãn nguyện, mắt rưng rưng đẫm lệ đầy tự hào.
Đang tự hào thì chợt nghĩ tới dăm bảy bài thơ, vội đem ra đọc lại từng câu từng
chữ và… đau khổ, vì chúng sao mà trở nên khô khan, nông nổi đến thế. Lúc đó,
trong đầu chúng ta bật ra ý nghĩ: “Hay là thơ hay hay không còn phụ thuộc vào
tâm trạng người đọc? Trước đây, khi mới làm xong, chúng ta thấy những bài thơ
ấy “quá hay”, bây giờ lại thấy “dở quá” là bởi vì chúng ta vừa đọc xong bài thơ
“hay nhất”? Có lẽ, một cách khách quan, những bài thơ đó vẫn hay chứ không đến
nỗi tệ. Nhưng muốn biết có đúng như vậy không thì làm sao nhỉ? Chắc là phải đưa
cho thằng bạn thân đọc để nó bình phẩm mới được!”.
Thế rồi vượt qua mọi sự ngại ngùng vốn dĩ
của một tâm hồn quá hiếu thắng nên trở nên gàn rở, quá tự ái nên dễ bị tổn
thương và do đó mà cũng hóa ra rụt rè trong giao tiếp xã hội, chúng ta đã đưa
bài thơ “hay nhất” cho thằng bạn gần gũi nhất xem. Đọc xong nó phán: “Cũng
được! Té ra mày cũng có khiếu về thơ cơ đấy!”. Chúng ta nhìn chăm chăm vào mặt
nó dò xét và thấy ánh lên một nụ cười thầm ý nhị. Rồi chúng ta lại kín đáo đưa
bài thơ cho thằng bạn thứ hai đọc. Thằng này “nuốt” xong bài thơ thì gật gù:
“Kể cũng hay đấy! Vần điệu đúng luật, bố cục khá chặt chẽ, chữ viết nắn nót rất
đẹp… Cố lên, có triển vọng đấy! Nhưng cố giảm bớt múa may loạn xạ hô hoán ồn ào
đi!”.
Hai lời
khen ấy làm chúng ta chán nản hoàn toàn, bỏ bẵng đến ngót nghét 15 năm
trời không ngó ngàng gì đến thơ thuổng nữa.
Đời người là một quá trình tồn tại lạ kỳ.
Không ai có thể đi đúng theo con đường đời mà mình đã dự định, “vạch vẽ” ra
thuở đầu đời, kể cả kẻ duy ý chí nhất. Bởi làm gì có sẵn con đường ấy! Ngay từ
bước đầu tiên tự lập, mỗi người đều phải tự “vạch lối mà đi, mở đường mà tiến”
trong bon chen kiếm sống, trong mày mò tìm hạnh phúc, qua đó mà vô tình cũng
đồng thời làm ra con đường đời cho bản thân mình và nó chỉ được hoàn thành (rồi
ngay lập tức trở thành “di tích”) khi mình đã đi qua cuộc đời. Vào khoảng cuối
cùng của chặng đường đời, khi mà tất cả những nỗ lực bon chen, kiếm tìm đã hầu
như không còn nữa, nhiệt huyết đã hạ, hạnh phúc hay khổ đau thì cũng đã an bài,
khi mà phía trước đã hiện ra đường nét của một bến đò mà mọi cuộc đời sớm
muộn gì cũng đều kết thúc ở đó, hóa thành vong hồn, qua đó sang bờ bên kia đi
vào miền u minh, viên miễn, thì con người ta chẳng còn gì mà phải hy vọng hay
thất vọng nữa, cứ sống thế thôi và thường hay “ngoái nhìn về”, săm soi những
chặng đường đời quá vãng. Chúng ta cũng vậy, dù chưa đến nỗi già nua như thế
nhưng cũng bắt đầu sống như thế, nghĩa là bắt đầu biết nhẹ nhàng sống, bình
thản trước một ngày mai qua đò ly biệt và ngồi hàng giờ trong đêm khuya làm
sống lại những sự kiện vui tươi cũng như đau buồn của quá khứ.
Có nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc đời
mỗi người mà không ai có thể đoán trước được, có thể ngờ được, tạo nên những
khúc ngoặt của đường đời, vô duyên cớ một cách kỳ lạ, không tài nào lý giải
được để cuối cùng chỉ còn cách cho đó là định mệnh có sẵn, là số phận đã được
vạch vẽ ra ngay từ lúc lọt lòng.
Vậy thì định mệnh hay số phận có thực
không? Chúng ta cho rằng vừa có vừa không! Nếu hiểu định mệnh hay số phận như
là một bản tổng kết cuộc đời, có biên niên chính xác, rạch ròi, thì là không,
còn nếu hiểu như là một dự đoán xác xuất tương đối chính xác, dựa trên những số
liệu về ngày sinh tháng đẻ, chỉ tay, diện mạo con người mà chỉ ra những chiều
hướng tiến triển của con đường đời, và theo những chiều hướng ấy có thể dễ xảy
ra những loại sự kiện có tính đặc trưng nào đó, thì là có. Như vậy, cũng cần
phải cho rằng những thuật bói toán như chiêm tinh, tử vi, đoán mộng, xem chỉ
tay… cũng có không ít sự thực hàm chứa trong đó. Những thuật bói toán đó có lý
là vì chúng đã được xây dựng nên từ hàng ngàn năm, được hun đúc nên từ biết bao
nhiêu chiêm nghiệm, biết bao nhiêu quan sát, suy ngẫm về con người, đời người,
thông qua biết bao nhiêu thế hệ, xuất phát từ nhu cầu thiết tha của con người
là mong muốn được biết trước cuộc đời mình ra sao, hạnh phúc hay khổ đau, gặp
nhiều may mắn hay hoạn nạn để mà cố gắng né tránh những xui xẻo, để mà van nài
đất trời cho tai qua nạn khỏi.
Dù rằng đến nay các thuật đoán mệnh có độ
chính xác còn nhiều hạn chế, vẫn khoác những bộ cánh lòe loẹt rắm rối đầy siêu
nhiên, huyền bí, thì cũng nên thừa nhận chúng cũng là một thành quả như bao
thành quả khoa học khác trong việc nhận thức tự nhiên - xã hội - con người. Từ
trước đến nay khoa học luôn chối bỏ tính nghiêm túc của thuật bói mệnh, bởi vì
giọng điệu của nó lạc lõng trong khoa học, hơn nữa, kết quả chiêm bói của nó
không cần đến bất cứ sự trợ giúp khoa học nào, mà hoàn toàn dựa trên cơ sở cảm
nhận thuần túy những trùng hợp lặp đi lặp lại có tính phổ biến về đường đời con
người, được đúc kết lại thành bài bản sau cả ngàn thế hệ trong lịch sử loài
người. Dù chưa có được một lời giải thích thỏa đáng, rõ ràng nào, thậm chí toàn
là những lời giải thích mập mờ, khiên cưỡng, duy linh thì cái bài bản ấy đã và
vẫn đang thu phục được niềm tin của rất nhiều con người, vẫn sống bền bỉ, dẻo
dai, và mạnh mẽ trong xã hội loài người. Có như thế là vì nó đã tỏ rõ được tính
có lý của nó và dù còn nhiều sai sót (tất nhiên là không thể khắc phục được
triệt để sai sót) thì coi như nó đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc đảm nhận
chức năng dự đoán đường đời của mỗi con người - cái chức năng mà, oái oăm thay,
khoa học ngày nay chịu bó tay, hoàn toàn bất lực, không thể thực hiện được.
Chúng ta đã từng dự đoán rằng trong tương
lai, một ngành khoa học nữa mà chúng ta gọi là “Khoa học tâm linh” sẽ ra đời.
Lúc đó, các thuật đoán mệnh khác nhau sẽ được tập hợp lại, được lột bỏ những
khiên cưỡng, mờ ám, vô nghĩa đi để lộ ra cái cốt lõi tinh túy của chúng, được
nghiên cứu sâu sắc hơn để rút tỉa từ chúng những chí lý, hợp nhất lại thành một
bộ phận, một khoa học chuyên biệt trong khoa học tâm linh.
Nhưng muốn cho khoa học tâm linh ra đời,
vật lý học phải tiến bước thêm một chặng dài nữa. Rồi đây, chúng ta chắc chắn
như đinh đóng cột… mục (!), vật lý học muốn toàn thiện, toàn mỹ thì phải điều
chỉnh, sửa đổi rất nhiều những quan niệm đang hiện hành của nó. Muốn thế, việc
đầu tiên là vật lý học phải từ bỏ cách hiểu cực đoan, máy móc và hẹp hòi về sự
“thực chứng” đi, phải mở rộng ý nghĩa nó ra, tự “giải thoát” mình để có cơ hội
nghiên cứu sâu hơn nữa trong Vũ Trụ vi mô, từ đó làm xuất hiện một chuyên ngành
mới của vật lý học, cực kỳ quan trọng đối với vật lý học, đóng vai trò làm nền
tảng cho vật lý học, mà chúng ta tạm đặt tên là “Không Gian học”, hay theo cách
phân chia qui ước khác, là “Vật lý siêu vi mô”, bên cạnh những thuật ngữ đã có
sẵn (vật lý vĩ mô, vật lý trung mô, vật lý vi mô). Vật lý siêu vi mô hình thành
và hoàn thiện sẽ là tiền đề cho khoa học tâm linh (trong đó ắt hẳn phải có khoa
chuyên ngành tạm gọi là “Dự đoán sinh mệnh học”) ra đời và đồng thời cũng đảm
nhận luôn vai trò, cơ sở kiến thức cốt lõi, giúp khoa học tâm linh chứng minh,
giải thích được một cách đích đáng mọi hiện tượng tâm linh mà ngày nay hầu như
vẫn còn mờ mịt trong màn sương huyền bí. Dù sao thì chúng ta cũng xác định chắc chắn ngay bây giờ rằng nếu hiện tượng vong hồn là có thật thì phải tìm giải thích theo hướng có nguyên nhân chứ không thể từ Hư Vô được.
Trong Vũ Trụ, không có một sự kiện nào
xảy ra mà không có nguyên nhân. Những sự kiện xảy ra trong một đời người cũng
vậy. Trong đời mình, không ít lần chúng ta quyết định hành động một cách bất
thình lình đến kỳ lạ, không hề có ý định từ trước, ngược với thói quen, cá
tính, làm thay đổi có tính bước ngoặt cuộc đời mình, con người mình, mà không
tài nào lý giải cho tỏ tường được, hoàn toàn vô duyên vô cớ, cứ như là “trời
xui đất khiến”. Có như vậy vì sự kiện đó xảy ra thực sự không phải vô duyên vô
cớ, chỉ có điều nguyên nhân sâu xa tạo thành nên nó không phải là do chúng ta
chủ ý tạo ra và đồng thời chúng ta cũng hoàn toàn không nhận thức được.
Ở một góc độ quan sát nhất định, có thể
cho rằng một cách tương đối, hành động của một con người là có tính tự thân,
theo lý trí của bản thân mình và thông qua ý chí của mình mà tự quyết dược vận
mệnh đời mình. Nhưng ở góc độ nhìn xuyên suốt và bao quát từ sự tự thân và tự
quyết ấy chỉ có tính nhất thời, phiến diện, bất toàn và hình thức. Con người là
một thực thể nên không thể biệt lập hoàn toàn với môi trường chứa mình mà tồn
tại được, không thể không trao đổi, tương tác qua lại với môi trường mà sống
được. Nói: một người hành động theo suy nghĩ của mình, cũng chẳng khác gì nói:
một con vật hành động có lý trí, và nếu chỉ vậy thôi thì đó đúng là tự thân
hành động. Nhưng suy nghĩ ấy hay lý trí ấy được hun đúc nên từ đâu, từ những
yếu tố nào? Đặt ra câu hỏi ấy cũng là mở ra cuộc “trường chinh vạn dặm” về hỏi
và đáp để cuối cùng làm xuất đầu lộ diện một loạt những yếu tố chi phối như:
trình độ nhận thức, bản tính, ràng buộc xã hội, thôi thúc bản năng, điều kiện
tự nhiên, tâm trạng nhất thời… Đến đây thì rõ ràng, cái suy nghĩ hay lý trí nói
trên xuất hiện là hoàn toàn tự nhiên, có duyên cớ hẳn hoi chứ không thể tự dưng
được, và hơn nữa, mức độ về sự tự thân của hành động đã “giảm giá trị” chân
thực đi rất nhiều rồi.
Ngoài những yếu tố chi phối, tác động đến
suy nghĩ và hành động như đã nêu ra ở trên, còn một yếu tố mà nhận thức ngày
nay chưa “tiệm cận” được nên cũng khác thường, khó nhận biết, nhưng rất có thể
lại là yếu tố quyết định làm xuất hiện những suy nghĩ, hành động bột phát hết
sức kỳ lạ, ngược hẳn với nhân cách, lối sống trước đó, không thể ngờ được và
thậm chí làm chuyển biến hẳn thiên hướng cuộc đời tưởng như đã được định đoạt.
Có thể gọi yếu tố đó là “sự tác động tâm linh”. Tác động tâm linh đối với một
sinh linh là kết quả tổng hợp của tương tác giữa sinh linh đó với (môi) trường
cảm ứng kích thích không gian. Có thể hình dung đại khái trường ấy là sự hợp
thành của hai trường: trường cảm ứng kích thích có nguồn gốc sinh vật (được tạo
dựng nên từ sự tác hợp của các “điểm” hoạt động thu - phát KG, bao gồm loài
người (các sinh linh và vong linh - tàn dư của sinh linh), động vật và thực
vật), mang tính hoạt động nổi trội, bất ổn, và trường cảm ứng kích thích có
nguồn gốc vô sinh (được tạo dựng nên từ sự tác hợp của các khối thu - phát KG như:
Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, núi non, sông biển…), mang tính thụ động, lặn,
tương đối ổn định. Chúng ta cho rằng những hiện tượng có thực, đã từng xảy ra
từ trước đến nay, dù ít gặp nhưng được nhiều người tận mắt chứng kiến mà không
thể giải thích tường tận được, như: một người bỗng dưng trèo lên trốn trên trần
nhà, người nhà tìm gọi liên tục mà không lên tiếng (hiện tượng “ma giấu”), một
người tự nhiên có một ngày bỏ hết công việc đồng áng thường nhật để làm một
việc chưa bao giờ từng làm là ra vườn đốn cây, chặt cành chất gọn gàng thành
đống như đống củi, phải mời thầy về cúng giải mới hết (hiện tượng “ma nhập”),
có người đang ngủ say bỗng thức dậy, tâm trạng hết sức bồn chồn lo lắng, đến
nỗi không sao ngủ lại được, thậm chí nằm yên cũng không được, phải dời sang chỗ
khác mới ngủ lại được, gần sáng thì một mảng trần nhà bằng bê tông rơi xuống
trúng ngay chỗ cũ (hiện tượng “điềm báo”)…, đều là những biểu hiện của sự tác
động tâm linh.
Trong tương
tác, khi vật lý siêu vi mô đã trở thành một bộ phận cốt yếu, không thể thiếu
được của vật lý học, thì cấu trúc, những qui luật vận động của trường cảm ứng
kích thích không gian nói trên, cũng như sự tương tác giữa môi trường ấy với
sinh linh, gây ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ và hành động của sinh linh,
sẽ trở nên hoàn toàn sáng tỏ và đồng thời cũng là nội dung chủ yếu của khoa học
tâm linh. Đến lúc đó, dựa vào lý thuyết “Dự đoán sinh mệnh”, trên cơ sở những
tài liệu lưu trữ về sự chu chuyển theo thời gian trong vận động của trường cảm
ứng kích thích không gian trên Trái Đất, cũng như những tài liệu thu thập được
về mặt tâm linh của một đứa trẻ nào đó và thân bằng quyến thuộc cả đã khuất lẫn
còn sống của nó chẳng hạn (như: ngày tháng năm sinh, sinh quán, những đặc thù
nổi trội trong hoạt động của não bộ…), người ta có thể rút ra những kết luận
xác xuất về tương lai của cuộc đời đứa trẻ đó. Như vậy, sẽ đến một thời đại mà
mỗi một con người, trước khi bước vào đời, đều “lận lưng” được một hồ sơ “dự
đoán sinh mệnh” tương đối chi tiết của mình, có mức độ chính xác cao hơn nhiều
so với bói mệnh chiêm tinh hay tử vi ngày nay, để từ đó mà có hướng tích cực
điều chỉnh cải tạo linh hồn mình làm giảm thiểu những xui rủi, bất trắc trong
cuộc đời mình, từ đó mà nâng cao được chất lượng cuộc sống. Chúng ta còn tin
vào thời đại đó, một trong vài cách thức điều chỉnh, cải tạo linh hồn đạt hiệu
quả cao, đó là một tổng hợp thực hành tu tập, được rút tỉa ra từ những tinh túy
của yoga và khí công, đưa vào nghiên cứu đến tường tận rồi chỉnh lý, phát triển
nâng cao hơn nữa và cuối cùng đúc kết lại thành bài bản dưới tên gọi (tạm lấy
tên cũ!): “Khí công thiền pháp”…
Chẳng có bất cứ
một điềm báo nào, chỉ “đùng một cái”, sau 15 năm không hề mảy may ngó ngàng gì
tới nữa, chúng ta lại đột ngột nổi cơn mê mẩn thơ ca và sự mê mẩn ấy vẫn còn
nguyên vẹn cho đến lúc này. Vì không thể tìm ra được một nguyên nhân khả dĩ nào
làm xảy ra sự kiện “quay ngoắt” lại với thơ ca đầy bất ngờ ấy, chúng tà đành
phải “đổ vấy” cho sự tác động tâm linh.
Xưa kia, chớm
bước vào tuổi thanh niên, vì yêu thương mà chúng ta đã chủ động đến ve vãn nàng Thơ. Tình yêu thời trai trẻ, khi đã bốc lên rồi thì bao giờ cũng hừng hực. Cái
hừng hực ấy, cộng với sự bồng bột pha lẫn ngại ngùng xấu hổ đã làm cho sự ve
vãn của chúng ta trở nên bộp chộp, vụng về và do đó mà cũng ngớ ngẩn, khờ khạo.
Ve vãn kiểu gì mà cứ chạy vòng quanh, cứ lấp ló, thập thò ở cách xa lắc, khoa
chân múa tay phô diễn những cử chỉ, điệu bộ không giống ai, gây ngạc nhiên, vui
vẻ là nhiều chứ tình thì chẳng thổ lộ được bao nhiêu? Cho nên nàng Thơ chẳng
hiểu được đó là sự ve vãn tỏ tình, do đó mà cũng chẳng mảy may động lòng, cứ
giương cặp mắt xanh biếc thơ ca và rợp mát mộng mơ nhìn chúng ta quay cuồng rồi
cười lên khanh khách, thích thú vì tưởng rằng người trai đang hồn nhiên vui
nhộn và rõ ràng là có năng khiếu diễn… hề.
Nàng Thơ không
có nét đẹp lộng lẫy của cao sang, đài các, cũng không có cái nét đẹp tinh khôi,
tươi thắm của thôn xóm, đồng quê. Nói chung, hình hài dáng vóc nàng trước những
cặp mắt trần tục và cả những cặp mắt chuyên chấm thi hoa hậu. trông… thường
thôi, chẳng có chút gì gọi là sắc sảo. Ấy vậy mà đối với những anh chàng đa sầu
đa cảm, nàng lại có một sức hút đến ghê hồn.
Lúc đầu thoạt
ngắm nhìn, chúng ta cũng thấy Thơ chẳng có gì đáng được gọi là hấp dẫn, thậm
chí còn hơi xấu nữa là đằng khác. Tuy nhiên dần dà, cảm nhận của chúng ta về
Thơ thay đổi lúc nào không biết. Trong Thơ tiềm ẩn một điều gì đó rất lạ, ngày
một quyến rũ chúng ta, làm cho lòng chúng ta xao động mỗi khi thấy Thơ, gây ra
nỗi buồn nhớ trong thời gian xa Thơ. Rồi có một lần chúng ta nhìn trộm sau lưng
Thơ, đang chăm chú đến mái tóc dài mượt mà mới gội để xõa ra, dài đến ngang
lưng thì Thơ đột nhiên quay ngoắt lại. Không kịp phản ứng và cũng để tỏ ra một
trang nam nhi không thèm ngó trộm, chúng ta giương mắt nhìn thẳng vào mắt nàng.
Thế là lần đầu tiên hai người nhìn nhau không chớp. Khoảng thời gian nhìn nhau
đó không lâu, chắc chỉ chục giây mà sao lúc đó cứ như chìm đắm trong hàng thế
kỷ. Sau khi bừng tỉnh, chúng ta nhoẻn cười gượng gạo, nói lảng một cách lãng
nhách: “Tóc Thơ… nhiều quá!”, Thơ cụp hàng mi cong mướt rồi từ từ quay về lại
phía trước, nét mặt bình thản, không hề có một chút biểu cảm gì. Còn chúng ta
thì bị hớp hồn từ đó bởi ánh mắt trong veo, sâu lắng, miên man và thoáng buồn
ấy. Cũng từ đó, chúng ta cố ve vãn Thơ và vì không dám thổ lộ bằng lời nên cứ
tìm cách lảng vảng, lượn vòng quanh Thơ, làm đủ trò hòng bày tỏ tình yêu thầm
kín của mình.
Hiệu quả đạt
được sau một thời gian dài “hùng hục” ve vãn kiểu “trẻ người non dạ” ấy là
chúng ta thành kẻ mất hồn thực sự, còn nàng Thơ thì vẫn: “trơ như đá, vững như
đồng”, vẫn ngồi thản nhiên nhìn chúng ta dở đủ mọi trò ngớ ngẩn bằng đôi mắt
ánh lên niềm vui trên cái nét thoáng buồn cố hữu, miệng nhoẻn cười, lâu lâu lại
bật lên thành tiếng khanh khách.
Một vở kịch dù
có hay đến mấy mà cứ xem đi xem lại hoài thì rồi cũng chán. Có lẽ vì thế mà
cuối cùng nàng Thơ không còn để ý đến những “sô diễn” của chúng ta nữa. Đau đớn
nhất là Thơ còn thì thầm với một người bạn và lọt đến tai chúng ta: “Tính khí
gì mà bốc đồng còn hơn con nít! Hình như nó bị tưng tửng thì phải…”.
Câu nói ấy của
Thơ đã như một mũi dao nhọn hoắt xuyên thấu khối tình si một chiều và do đó mà “công
cuộc” ve vãn nhằm cố tỏ tình nhưng hầu như chỉ có tác dụng “mua vui” của chúng
ta cũng kết thúc một cách… chưng hửng. Tuy nhiên, chính câu nói: “… bớt múa may
loạn xạ, hô hoán ồn ào đi!” của thằng bạn mới làm cho tinh thần của chúng ta
suy sụp hẳn, tình yêu say đắm nàng Thơ của chúng ta thực sự chết tốt, hết cả mơ
mòng, hết cả vấn vương, hết luôn cả niềm hứng khởi trước thơ, ca, nhạc, họa…
Sự giận hờn nổi
lên cuồn cuộn bởi lòng kiêu hãnh bị thương tổn đã nhanh chóng dập tắt ngúm ngọn
lửa tình đang cháy rừng rực. Ngay cả cái ánh mắt lung linh, diệu vợi từng một
lần soi rọi (tưởng lâu hàng thế kỷ) đến tận cùng sâu thẳm nỗi nhớ niềm thương
trong tâm khảm chúng ta và đọng lại ở đó, phát ra những sắc màu óng ánh tưởng
chừng như không thể hủy hoại được, cũng không còn lấy một chút le lói nào. Đối
với kẻ đa sầu, đa cảm thì phải chăng đó là điều kỳ diệu?
Khi tình yêu
cuồng si, da diết đến sướt mướt nàng Thơ của chúng ta đã hoàn toàn tan biến,
ráo hoảnh thì cũng là lúc chúng ta bước vào đời.
Hình như những
kẻ đa sầu, đa cảm đều có sẵn lòng nhún nhường, lượng thứ. Do đó, trong cái xã
hội mà tình yêu thương đồng loại đã ít nhiều bị nguội lạnh đi bởi mức độ thèm
khát kim tiền đã bị kích hoạt lên và bắt đầu thái quá (thể hiện ra như: nạn
tham quan lại nhũng đã trở nên phổ biến, sách nhiễu mãi lộ hầu như công khai,
xảy ra khắp nơi, ngay cả trong hai ngành nghề được cho là cao đẹp nhất là chữa
bệnh cứu người (ngành y) và truyền thụ văn hóa, văn minh (ngành giáo dục) và
lượng kim tiền chiếm hữu được đã đóng vai trò như một thước đo quan trọng bậc
nhất về danh giá con người, những kẻ đa sầu đa cảm cũng thường phải chịu lép
vế, thiệt thòi trên con đường hoạn lộ mưu cầu công danh và nhất là phải trải
qua nhiều dằn vặt, buồn đau.
Sau 15 năm dấn
thân trong trường đời, bôn ba đi tìm hạnh phúc và nỗ lực bon chen cố kiếm chút
công danh, chúng ta trở thành một người đàn ông, mà nếu xét về mặt hạnh phúc
thì có được một “gánh nặng” gồm người vợ hiền và hai đứa con gái nhỏ xinh, còn
nếu xét về mặt công danh thì là “thủ lĩnh” của một gia đình “nghèo mạt rệp”.
Theo đánh giá thông thường trong xã hội kim tiền thì đó là một thất bại hoàn
toàn.
Tuy nhiên, chúng
ta không cho là như vậy. Dù rằng, về công danh, đúng là chúng ta hoàn toàn
chẳng sơ múi được gì, về mặt lợi lộc vật chất cũng chẳng kiếm được chút “cơm
cháo” nào gọi là để dành “tích cốc phòng cơ”, thậm chí còn không đủ độ nhật,
luôn “thiếu trước hụt sau”, và về lợi ích tinh thần thì đã phải chịu biết bao
nhiêu những dằn vặt, muộn phiền, đắng cay, u uất, trong đời sống và công việc,
những đổ vỡ, thương tổn, khổ tâm đến đau đớn trong niềm tin và kỳ vọng vào
mình, vào người và vào xã hội trong suốt 15 năm “bâng khuâng đi tìm lẽ yêu đời”
ấy, thì cũng chính nhờ thế, nghĩa là nhờ được quan chiêm đủ mọi tình cảnh hỉ,
nộ, ái, ố xảy ra trong trường đời, nhờ bản thân được trải nghiệm và thấm thía
sự bần hàn, túng quẫn nhiều khi đến cùng cực trong quá trình nỗ lực tìm hướng
lập thân giữa một xã hội đang trong tình trạng hoang mang và cũng đầy cạm bẫy,
chông gai, mà chúng ta đã có được một tinh thần bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn,
kiên định hơn, lạc quan hơn, đồng thời tâm hồn chúng ta cũng đồng cảm hơn, rộng
lượng hơn, cao thượng hơn, nhân hậu hơn, và điều đặc biệt là chúng ta đã rút ra
được một kết luận tối quan trọng: chúng ta quá ư là vô phước, vô duyên với công
danh, có cách nghĩ, cách hành động và nhiều quan niệm lạc lõng, hoàn toàn không
thích hợp với lối sống chốn quan trường.
Chính cái kết
luận ấy đã “dìu dắt” chúng ta đi đến quyết định có tính “cách mạnh”. Và “cuộc
cách mạng” chỉ xảy ra và kết thúc trong đúng có 3 ngày, dẫn đến không phải
thành công hay thất bại gì, mà là sự “quay ngoắt” đột ngột theo hướng khác của
một cuộc đời. Chúng ta còn nhớ ngày đầu tiên là ngày chủ nhật. Sáng hôm đó, vợ
chồng đang ngồi nói chuyện với nhau về “cơm, áo, gạo, tiền”, bàn bạc và hoạch
định lại cách chi tiêu tiền lương sao cho hợp lí, có thể tích cóp được chút
đỉnh phòng khi có chuyện phải cần đến. Đang bàn tính, vợ buột miệng có ý than
thở: “Ông mà là đảng viên (Đảng Cộng sản Việt Nam, thời đó phải là đảng viên,
thậm chí không cần bằng cấp chuyên môn, mới được làm thủ trưởng đơn vị như:
trưởng phòng, giám đốc… trong các cơ quan do nhà nước quản lý, và hầu như chỉ
tồn tại loại cơ quan này vì hình thức tư bản tư nhân vẫn còn bị cấm chỉ. Có lẽ
vì vậy mà tính “vì dân” trong phấn đấu vào Đảng sau này không còn nữa mà chỉ
còn vì tư lợi, nghĩa là từ đó mục đích vào Đảng đã bị chủ nghĩa cơ hội thao
túng. Đây phải chăng là một sai lầm trong công tác xây dựng Đảng với quan niệm
sai lầm về chuyên chính vô sản?!) thì đã lên trưởng phòng, tăng thêm được chút
lương cũng đỡ. Cái thằng đó mới về làm chưa đầy một năm mà đã được kết nạp
Đảng, giờ là trưởng phòng, lẹ thiệt! Chắc ông bị “đì” rồi còn gì!...”. Câu nói
“phang ngang” của vợ có lẽ chỉ vô tình chứ không có ý trách cứ, chê bai, bóng
gió gì. Ấy vậy mà nó làm cho chúng ta nhức nhối rồi nổi điên tiết: “Bà thì biết
cái quái gì! Chú ruột nó là vụ trưởng…”. Gầm gừ đến đó thì chúng ta chững lại,
quay sang nhìn hai đứa con gái đang chụm đầu say sưa với trò chơi sắp hình,
chìm vào im lặng. Không, lúc đó chúng ta không hề giận vợ, cũng không phải tự
ái, mà buồn cho thân phận mình, thương vợ con mình có một người chồng người cha
bất lực, chẳng làm nên trò trống gì và cảm thấy tức thở vì sự trào dâng uất ức
bấy lâu đã cố ghìm nén trong lòng. Uất ức ấy nảy sinh, oái oăm thay, là từ sự
thấu hiểu được vì đâu mà nên nỗi! Chao ôi, tình đời!
Cái quyết định
đổi đời đã như một tiếng sét ngang tai, rất đanh và rền vang: “Nghỉ việc! Rời
bỏ ngay cái “chính trường” mà suốt 15 năm đem hết năng lực ra phấn đấu một cách
chính trực vẫn không có được một chỗ đứng khả dĩ ổn định để có thể hướng tới
một tương lai sáng sủa hơn. Chúng ta đã "ngộ" ra: đó là một xã hội mang nhiều hoang mang mà nếu là xã hội xã hội chủ nghĩa thì dứt khoát không theo nghĩa như chúng ta nghĩ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Dứt khoát phải ra đi! Dứt khoát phải quay về với
dân dã, đời thường, vì đó mới chính là nơi chốn, là nơi chúng ta thuộc về nó, cái nơi từ
lâu mở rộng vòng tay đón mà trước đây vì mù quáng, chúng ta đã không nhận ra! Và phải
gấp lên mới được!”.
Với quyết định
đó, chúng ta nhoẻn cười, nói chậm rãi và mạch lạc cho vợ nghe: “Em à, chắc phải
tìm cách khác, chứ sống như thế này bấp bênh lắm! Mai, tôi xin nghỉ việc cơ
quan ra ngoài kiếm việc khác làm!”. Vợ chúng ta là một người phụ nữ ít lời,
lành tính, chiều chồng và “biết tỏng” chúng ta khi đã “quyết” điều gì rồi thì
như dao chém cột, nên vẫn ngồi im thin thít, chỉ có đôi mắt là giương lên tròn
xoe nhìn chúng ta không chớp, có vẻ thảng thốt, âu lo.
Thế là đơn xin
nghỉ việc được thảo xong ngay chiều chủ nhật và đến sáng thứ hai thì đã “có
mặt” trước mũi ông trưởng phòng tổ chức của cơ quan, nơi chúng ta đang làm
việc. Ông này cũng tròn xoe mắt nhìn chúng ta: “Có chuyện gì thế? Sao lại
nghỉ?...”. Chúng ta đáp lại nhỏ nhẻ, có phần rụt rè: “Dạ, thưa anh! Nghỉ việc
nơi này, kể cũng rất tiếc! Nhưng đành phải vậy, vì hoàn cảnh gia đình em…”. Ông
trưởng phòng tổ chức cắt ngang: “Thôi được rồi!... Mà nghĩ kỹ rồi phải
không?... Để tôi trình giám đốc đã… Chiều mai, khoảng 2 giờ cậu ghé lại đây…”.
Tin chúng ta
xin nghỉ việc lan ra rất nhanh trong cơ quan. Bạn bè của chúng ta thực sự lo
lắng vì thời buổi đó viên chức lao động gián tiếp, ngồi bàn giấy, bỏ nhà nước
ra ngoài rất khó kiếm sống. Những kẻ không ưa chúng ta thì xầm xì: “Nghỉ việc
rồi thì có bốc cứt mà ăn. Rồi cũng phải xin vào làm lại thôi!”. Còn vài kẻ ganh
ghét chúng ta thì nói toẹt: “Ngữ đó mà làm được gì! Kệ đi, cho nó chết!”.
Chiều thứ ba,
đúng hẹn, chúng ta ghé. Ông trưởng phòng đi đâu mất. Cô nhân viên nói, ông có
dặn nếu chúng ta tới thì bảo đợi một chút. “Một chút” của ông trưởng phòng tổ
chức là một tiếng rưỡi. Thời đó, không cần biết đến thuyết tương đối hẹp của
Anhxtanh, người dân Việt Nam
ai mà không biết thời gian co giãn được như sợi dây cao su, thậm chí là còn co giãn “thoải mái” hơn thời gian của Anhxtanh nữa, co giãn vô tội vô vạ! Chúng ta
cũng quá biết rồi nên bình tâm rít thuốc chờ đợi, chẳng sốt ruột gì. Đúng 3 giờ
rưỡi thì ông về (cũng may(!), ông ta mà đi “suốt” luôn thì cũng phải chịu chứ
làm gì được?). Mặt ông đỏ gay (chắc là đã “ực” cả lít bia “đối chứng” ở quán
bên kia đường chứ không ít!). Có lẽ vì men bia mà ông trở nên ồn ào, vồn vã:
“Cái cậu này lạ đời, đang ở trong “biên chế” ngon lành, người ta phải… (chắc
định nói hai tiếng “tốn tiền” nhưng kịp “hượm” lại?!) khó khăn lắm mới xin vào
được, ấy thế mà đùng đùng xin nghỉ!... Thời buổi khó khăn này, dân trí thức,
nghề ngỗng không biết, ra ngoài lấy gì mà ăn, rõ là dại dột!... Tôi trả lại đơn
cho cậu nhé?...”. Chúng ta chưa kịp mở miệng thì ông nói tiếp luôn: “Nói thế
thôi chứ cậu có muốn nghỉ cũng không nghỉ được đâu! Tôi đã trình giám đốc, ông
ấy nói cơ quan vẫn đang cần cậu nên không giải quyết, nếu cậu nghỉ ngang, sẽ
không nhận được bất cứ chu cấp, trợ cấp nào theo chế độ và cũng không được nhận
lại hồ sơ, lý lịch cá nhân của cậu. Giám đốc còn dặn tôi rằng, cơ quan đồng ý
cho cậu nghỉ một tuần ăn lương để tĩnh trí lại rồi tiếp tục đi làm. Ưu ái cậu
đến thế còn gì!... Thôi nhé, về xả hơi, hú hí với bà xã đi!... Thứ ba tuần sau
có mặt, nhớ đấy!...”. Ông bắt tay chúng ta chào tạm biệt rất chặt, biểu lộ sự
chân tình và mãn nguyện vì (chắc là theo ông nghĩ) đã kịp thời chặn đứng được
một “cú tự tử” lãng nhách…
Phải nói rằng, ông
trưởng phòng tổ chức là một người tốt, được nhiều người trong cơ quan yêu mến,
kính trọng. Ông có lối sống ngay thẳng, khoáng đạt, có cách nói rổn rảng. tuồn
tuột, có vẻ tỉnh bơ nhưng nếu ai biết, sẽ thấy trong đó chứa chất tính chân thực ân tình thường thấy ở người "chân đất". Nghe
nói ông đã từng là tiểu đoàn trưởng bộ binh Quân Giải Phóng, có mặt trong hầu
hết những trận đánh lẫy lừng ở địa bàn miền Tây - Nam Bộ thời Chống Mỹ, cứu nước, bị
thương trong chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long. Sau ngày Thống nhất đất
nước, ông xuất ngũ và được điều về làm trưởng phòng tổ chức của cơ quan này.
Khi chào ra về,
chúng ta đã thầm cảm ơn lòng tốt của ông trưởng phòng tổ chức và chỉ thế thôi
chứ tin chắc sẽ chẳng bao giờ còn quay lại cái cơ quan ấy nữa. Ông trưởng phòng
tổ chức lúc đó, đâu thể ngờ được rằng, tờ đơn xin nghỉ việc của chúng ta không
phải là “thành quả” của một cơn bốc đồng thiếu suy nghĩ, mà là của cái kết luận
quan trọng, rút ra được sau 15 năm “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, đang
nung nấu tức tưởi tâm can thì bị câu nói “phang ngang” như một định mệnh của
người vợ kích động, gây bùng nổ.
Ngày đầu tiên
thoát ra hẳn cái vòng quay đơn điệu, tẻ nhạt đến nhàm chán: “sáng vác ô đi, tối
vác về”, cũng như “đào ngũ” khỏi lực lượng “biên chế” của nhà nước, chúng ta
tưởng sẽ thoải mái, vui vẻ lắm, nhưng không phải. Khi con đã đi nhà trẻ, vợ đi
làm thì căn phòng trở nên vắng lặng. Sự vắng lặng ấy lúc đầu cũng làm cho tâm
trạng của chúng ta thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi thật, nhưng dần dần (những lúc
rảnh rỗi ngồi không, hay chờ đợi con, người ta thường có cảm giác như thời gian
trôi chậm chạp hẳn!), xuất hiện xen lẫn cả sự trống trải, hơi hụt hẫng, hơi
tiêng tiếc, loáng thoáng buồn và loáng thoáng âu lo. Có lẽ ai tự nhiên “đùng
đùng” bỏ công việc nói chung là ổn định với đồng lương ở mức trung bình của
thời ấy, trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình thật sự eo hẹp, khó khăn, cũng
đều có cái tâm trạng “tả pí lù” (thập cẩm, đủ thứ hằm bà lằng) như thế cả.
Chúng ta cũng
dự định nghỉ ở nhà một tuần, theo đúng “hoạch định” kiểu gia ơn (và cũng có thể
là mua chuộc) của ông giám đốc cơ quan mà chúng ta vừa rời bỏ, rồi sau đó mới
bắt đầu “vào đời lần thứ hai” đi tìm việc làm ở các cơ sở tư nhân nhỏ, lẻ (được
che đậy bằng những nhãn mác mang danh sở hữu tập thể như “tổ hợp”, “hợp tác
xã”…). Để tránh né đi cái tâm trạng “thảng thảng, thốt thốt” ấy, chúng ta lôi
hết đống giấy tờ, sách vở có thể chất đầy một tủ quần áo cỡ bự, đã thu thập,
tích lũy, giữ gìn được trong suốt gần chục năm trời ra, thu dọn, loại bỏ bớt, sắp
xếp lại cho gọn. Cứ nghĩ chỉ cần một ngày thong thả là xong công việc, ai dè
phải kéo lê thê đến ba ngày.
Không phải tốn
thời gian nhiều như thế là vì khối lượng công việc “đồ sộ” mà vì công việc cứ
bị gián đoạn. Dỡ cái đống “ấp lủng” giấy tờ sách vở sau bao nhiêu năm không ngó
ngàng tới đó ra thì kỷ niệm đồng thời cũng trỗi dậy, những năm tháng dĩ vãng ùn
ùn lũ lượt hiện về, làm cho chúng ta phải ngừng tay, ngồi thừ ra đó như mất hồn
đến một hồi mới sực tỉnh lại được để tiếp tục công việc.
Dù có chậm chạp
thì công việc cũng đến hồi hoàn tất. Khi chúng ta đang gom cái phần giấy tờ,
sách vở bị thải loại để buộc gọn lại cho “vợ bán ve chai” thì vô tình thấy một
tờ giấy khổ A4 gấp làm đôi, đã ố vàng. Tò mò vì sợ quăng đi thứ cần lưu giữ lại
nên chúng ta nhặt nó lên và mở ra xem. Thật là hết sức bất ngờ! Té ra đó chính
là bài thơ cuối cùng, “hay nhất” mà chúng ta đã viết xưa kia, vào cuối thời hoa
niên và từ lâu rồi, những tưởng đã vĩnh viễn thất lạc.
Nhặt lại được
bài thơ ấy chỉ là sự tầm thường vô tình, nhưng nhặt được trong cái bối cảnh
chuẩn bị tinh thần để “bước vào đời lần thứ hai” với một tâm trạng không chút
hồ hởi mà cũng không chút bi lụy, thì lại là sự bất thường, hữu ý và hơn nữa,
có hơi hướng tâm linh. Sau này, có lần chúng ta đã nghĩ như vậy và hơn nữa, còn
cho rằng đó chính là thời điểm nàng Thơ đã thì thầm trong tiềm thức của chúng
ta thông qua thần giao cách cảm: “Ngày xưa em cũng biết tình anh đối với em tha
thiết lắm. Nhưng vì anh còn trẻ người non dạ quá mà em không thể theo “nâng
khăn sửa túi” cho anh được vì sớm muộn gì cuộc tình nông nổi ấy, nếu có thành
ra thì cũng sớm đổ vỡ mà thôi. Bây giờ, khi anh đã “thấm thía” cuộc đời đến độ
“chín muồi” thì anh lại… có vợ mất rồi nên em cũng không thể về với anh được.
Hôm nay em hiện ra dưới dạng bài thơ “hay nhất” mà anh viết hồi đó để khuyên
anh quay lại với thơ ca và lúc này là lúc khởi đầu hợp ý nhất. Dù không thể
trực tiếp “mớm lời” thì bằng cách gián tiếp, em sẽ cố gắng trợ giúp. Hãy quay
lại “quấn quít” với thơ ca anh nhé! Rồi anh sẽ thấy thơ ca chính là đôi cánh
diệu kỳ giúp cho tâm hồn con người bay ngày một cao, một xa, đến khắp góc bể
chân trời trong thế giới mộng tưởng và khi đó tâm hồn mới có cơ may đạt đến sự
toàn ngộ về thế thái, sự toàn thiện toàn mỹ về nhân tình!...”
Thời gian đã
làm cho nét mực nhạt nhòa, nhưng vẫn còn đọc được. Lúc đó, chúng ta đã đọc đi
đọc lại bài thơ đến cả chục lần với siết bao bồi hồi, xúc động. Một thời gian
sau, chúng ta chép nó lại vào một cuốn sổ mới, có thay đổi lại vài từ cho bớt
“nổ” và thuộc làu làu cho đến tận bây giờ. Đây này:
TUYÊN
NGÔN
Sống có nghĩa
như ngọn đèn thao thức
Trăn trở đời
mình cố tỏ canh thâu
Sống có nghĩa
biết cười vào số phận
Đêm tối càng
đen càng lấp lánh vì sao.
Sống có nghĩa
biết từ trong bùn đất
Tha thiết vươn
lên, bát ngát tình yêu
Sống có nghĩa
là giao hòa nảy nở
Gieo hạt giống
vàng, chín rộ mùa sau.
Sống có nghĩa
khi trở về cõi chết
Hiến lại cho
đời một chút phù sa
Để những mầm
lên thêm tràn trề sinh lực
Cho Trần Gian
này thêm tươi thắm lá, hoa…
Có lẽ phần chủ
yếu làm cho chúng ta xúc động mạnh là nội dung bài thơ. Bài thơ được sáng tác
ra từ 15 năm trước hình như không phải dành cho cuộc “vào đời lần thứ nhất” mà
như một điềm báo trước về sự xuất hiện cuộc “vào đời lần thứ hai”. Điều bất ngờ
nhất là bài thơ đó sau khi được sinh ra, chưa một lần cất tiếng rành rọt thì
nhanh chóng bị ruồng bỏ và biệt tăm trong quên lãng, lại đột nhiên xuất hiện,
cất tiếng dõng dạc, ngân nga và vang vọng vào thời khắc rất cần sự an ủi, động
viên tinh thần trước cuộc xông pha không thể quay lui, có tính “quyết tử” để
“quyết sinh” và đồng thời cũng là để tự tôn trước người đời, bảo toàn phẩm giá.
Sự xuất hiện
cực kỳ đúng lúc của bài thơ “hay nhất” tưởng đã thất lạc làm rúng động cõi lòng
chúng ta và trong chốc lát, chúng ta đã thấu tỏ đến chân xác cái tuyệt vời mà
thơ ca hàm chứa. Thế là tình yêu thơ ca lại trỗi dậy dào dạt trong tâm can.
Chúng ta quay
về với thơ ca như vậy đó!
Cũng trong
những ngày nghỉ ngơi, chờ đợi ấy, chúng ta làm được bài thơ đầu tiên sau 15 năm
cách xa thơ ca và tuyệt tình với nàng Thơ. Bài thơ này hơi bị “thô mộc”, cũng
hơi bị “hô hoán”, nhưng không hề “nổ”. Chúng ta thích nó như một khắc ghi kỷ
niệm hơn là như một thổ lộ tâm tình. Nó đây:
NGHỈ
VIỆC
Ta quyết về
đây, Tự do ơi
Bon chen danh
lợi chán nản rồi
Hùm thiêng chịu
cũi thành lơ láo
Cóc tía thế cô,
vẫn cậu Trời
Miếng cơm, manh
áo mà thảnh thơi
Hơn yên thân
ngợm, chẳng ra người
Từ nay lộng gió
đường thiên lý
Ngâm thơ, uống
rượu, chẳng cần thời.
Đường thiên lý
quanh co muôn nẻo
Đầy gian lao,
mà đủ buồn, vui
Ta chấp nhận
hướng đi giông bão
Một mất, mười
còn, vạn sinh sôi.
“Thừa thắng
xông lên”, chúng ta viết tiếp bài thơ thứ hai. Bài này nghe rất “khí phách” nên
không những có tính “hô hoán” mà còn ẩn chứa cả chất “nổ” nữa. Tuy nhiên, nếu
đặt nó vào cái hoàn cảnh sinh ra nó thì cũng ổn, thậm chí là cũng hay:
TỰ
ĐỘNG VIÊN
Hãy cười vang
cho đời quèn ngạo nghễ
Hãy hát lên cho
rực rỡ đêm đen
Thuyền có nát
cứ dương buồm đây đó
Cánh chim bằng
đâu xá những đường tên.
Đã là vàng thì
đừng thèm sợ lửa
Đã làm trai nào
há quản gian nan
Thân tráng sĩ
là cầm cương ngồi ngựa
Tơi tả hình hài
vẫn trơ mãi hồn gan.
Bài thơ “Thách
thức” mà chúng ta đã từng “khoe”, ra đời sau bài thơ này. Nó được hoàn thành
vào ngày cuối cùng làm “nhà báo” (ở nhà báo con báo vợ!).
Sự xuất hiện
bài thơ “Thách thức” vào thời kỳ ấy, như bây giờ chúng ta nhận định, hình như
là có sự mách bảo tâm linh hối thúc. Nếu cho rằng bài thơ “Tuyên ngôn” là điềm
báo trước về cuộc “vào đời lần thứ hai” thì cũng có thể cho rằng bài thơ “Thách
thức” là điềm báo trước về cuộc hành trình “đi tìm cái gì đó” của chúng ta sau
một thời khoảng cũng ngót nghét 15 năm “dấy nghĩa”, “nếm đắng, nằm cay há phải
một hai sớm tối, lên bờ xuống ruộng, nào chỉ ba sớm bảy chiều”, lê la hết đầu
đường xó chợ mà tìm tòi học hỏi cái “khôn” cái “ngoan” ở đời, mà “ngộ” cho được
Đức Huyền Diệu, mà hiểu được như thế nào là làm ăn lương thiện, như thế nào là
giàu có chính đáng và đâu là lằn ranh không được vượt qua trong đối tác kinh
doanh vì nếu vượt qua sẽ làm tổn thương Đức Huyền Diệu, để rồi nỗ lực “lấy sức
ta mà giải phóng cho ta” khỏi khốn khổ, đói nghèo, để quay lại ngạo nghễ nói
với cái đám “bất tài vô tướng”, nhờ “núp bóng nhà nước mà giàu sụ bất chính,
từng “trù ẻo” và cũng đã ngỡ chúng ta “chết từ tám hoánh nào rồi” ấy, rằng:
“Đây này, với hai bàn tay trắng thôi, vẫn xây nên cuộc đời, vẫn “tậu được” nhà
cửa, đất đai. Nhưng cái tuyệt vời nhất là đây: chúng tao vẫn bảo toàn trọn vẹn
phẩm giá con người trong suốt quá trình tạo ra của cải tài sản cho mình và đàng
hoàng hưởng thụ của cải, tài sản đó không một chút hổ thẹn, còn chúng mày thì
tuyệt đối, có thèm khát đến mấy cũng không thể làm được như thế! Đúng là: “Kiếp
luồn cúi, đỉnh chung, mà nhục/ Thân tự do, rau cháo, mà vinh”!”.
Sau khoảng 28
năm mưu sinh (nghĩa là sau 15 năm “vô công rỗi nghề”, ngồi chơi xơi nước”,
“sáng vác ô đi, tối vác về” của một thời "bao cấp", và tiếp theo là 13 năm “vơ đông vét tây, thu nam
gom bắc”, “tay làm hàm nhai”, “sáng xách bị đi, tối xách về” của một thời "đổi mới"), chúng ta cũng
tích lũy được chút đỉnh gọi là “lưng vốn”, để tự thấy cũng khá “nở mày nở mặt”
giữa đám cần lao (thế thôi, chứ so với các bậc “đại gia” và cả “trung gia” thì
chỉ như… con muỗi, không, như con vi khuẩn mới đúng!).
Đáng lẽ ra đến
mức đó, “an phận thủ thường” là “trên cả tuyệt vời” rồi. Nhưng thói thường, mấy
ai chịu dừng bước trên đà thắng lợi, mấy ai đã từng nếm trải thảm trạng đói
nghèo cực khổ, đang vào thời sung sức cũng như làm ăn thuận lợi kiểu “làm đâu
được đó”, “xuôi chèo mát mái”, “thuận buồm xuôi gió” và hơn nữa, nhiều khi là
“làm chơi ăn thật”, lại không “được voi đòi tiên”, không “thừa thắng xông lên”.
Chúng ta cũng không ngoại lệ và hơn nữa, thuộc vào hàng ngũ “tiêu biểu”, “điển
hình” trong số đó. Có như thế là vì ngoài lòng tham cố hữu mà ở “người trần mắt
thịt” ai cũng có, chúng ta còn có tính quá hãnh tiến nữa.
Trong nhiều
trường hợp, nhất là đối với chúng ta khi còn ở thuở hàn vi rất cần đến sự nỗ
lực cao độ để xông pha, thì sự hãnh tiến là có lợi. Nhưng sự hãnh tiến thái quá
thường lại chỉ có hại. Một nguyên nhân quan trọng làm cho sự hãnh tiến trở nên
thái quá là việc “gặt hái danh lợi” bỗng dưng trở nên dễ dàng, không phải bận
tâm nhiều mà cứ “đầu xuôi” là “đuôi lọt”. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất,
đối với trường hợp của chúng ta thôi, lại là thế này: ngay từ độ tuổi thanh
niên, chúng ta đã bị “hớp hồn” bởi những lời giáo huấn của Khổng Tử, tin tưởng
một cách nông cạn, thiếu suy xét quan niệm sống của Nho Giáo, nghĩ rằng đã là
người thì phải sống sao cho có khí phách theo “khuôn thước” nhân, lễ, nghĩa,
trí, tín mà Nho Giáo đề ra, phải “cột trụ kiên cường”, phải “dấn thân” không
quản ngại mọi gian nguy, phấn đấu không ngừng trên con đường hoạn lộ để tạo lập
công danh, để đạt cho được đến “công thành, danh toại” mà giúp nước, cứu đời,
nghĩa là phải “nhập thế hữu vi” bằng mọi giá với khẩu hiệu “tu thân, tề gia,
trị quốc, bình thiên hạ”. Đó cũng là nền tảng tư tưởng cốt lõi mà chúng ta đã được dạy dỗ dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa.
Sự hãnh tiến
thái quá đã làm cho chúng ta mù quáng, “chủ quan khinh địch”, tưởng chỉ cần
bước một bước là… tới trời (!), để rồi biến thành kẻ quá ư hung hăng, hung hăng
đến bạt mạng. Thế là một kế hoạch phấn đấu gầy dựng, tạo của cải vật chất trong
5 năm để tiến tới kinh doanh bất động sản ra đời, và “đùng một cái”, chúng ta
trở thành “ông” giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Sơn Đông (đặt cái
tên này nhằm tưởng nhớ đến người cha kính mến của chúng ta, làm cho người mát
lòng mát dạ nơi chín suối), có qui mô nhỏ bằng… hạt mít, có vốn điều lệ, dù đã
khai khống lên gấp 20 lần cũng… chả ra làm sao cả. Có thể coi đây là bước khởi
đầu cho “cuộc vào đời lần thứ ba” của chúng ta.
Đang làm ăn
thuận lợi trong phạm vi “ven bờ” dù nhỏ hẹp nhưng vẫn đầy tiềm năng và hơn nữa
là phù hợp với tài và lực của mình, chúng ta “đùng đùng” xông ra biển lớn trên
một con thuyền chỉ to hơn cái thúng một chút, với hầu hết trang thiết bị chỉ
dùng để “đánh giáp lá cà”, còn kinh nghiệm thì “có cũng như không”, hòng “đánh
bắt xa bờ”.
Với một hành
trang “lỏng lẻo” như thế và niềm tin cố hữu vào sự tử tế của con người mà tham gia “hùng hục” vào “cuộc chơi lớn” đầy rẫy “cờ
gian bạc lận”, “mưu ma chước quỉ”, và không thiếu gì những kẻ gọi là “đá cá lăn
dưa”, “ba que xỏ lá”, “ăn cháo đá bát”, “qua sông đấm buồi vào sóng”, “ăn quịt
ở lường”, “ném đá giấu tay”, “khẩu Phật tâm xà”, “ngậm máu phun người”, “giết
người không dao”…, thì nguy cơ thất bại thảm hại đã hiện ra lồ lộ, ai cũng có
thể thấy được, chỉ có chúng ta, lúc đó, vì hãnh tiến thái quá nên quá “say máu
đỏ đen” và do đó mà trở nên… mù tịt…
Trên đời này
một trong những hành động nhẫn tâm nhất, đểu cáng nhất, trơ tráo nhất, hèn hạ
nhất là lừa dối bạn bè, người thân của mình nhằm mưu cầu lợi riêng. Nhân đây,
tôi xin kể về ba nhân vật mà tôi cho là những điển hình của thời buổi điển
hình. Thằng đầu tiên, “đệ nhất anh hào”, tôi đặt tên là “bồ láo Thắng” (thằng
bạn láo toét tên Thắng, thằng bố láo). Đầu nó to lắm, dễ lầm tưởng là vĩ nhân
nhưng thực ra lại là đứa bất tài mang linh hồn “ngợm”, rượu bia vặt suốt ngày
phần lớn bằng tiền túi người khác nhờ giỏi cách gài qua độ lại. Nó trả ơn cứu
mạng của bạn bằng cách nói xấu người cho đẹp ta. Bạn tin tưởng nó thì nó nhân
cơ hội dụ lấy luôn vợ bạn làm vợ mình. Nó khốn quẫn trong làm ăn, bạn dù còn
nghèo nhưng thương tình cố gom cho nó mượn nợ. Khi có tiền rồi thì dấu bạn đi
mua đất, bạn biết chuyện thì đổ thừa cho vợ, bắt chước vụng về màn Lưu Bị ném
con để lấy lòng tướng: trước mặt bạn mà chửi vợ tơi bời, là “đồ con vợ ngu!”. Mấy năm
sau bán đất kiếm lời, bạn hỏi nợ thì tráo trở nói quên rồi, không nhớ, hình như
trả rồi… và lờ vờ rồi ăn quịt luôn. Điều nực cười nhất là có cái đầu to tổ
chảng như thế mà nó không nghĩ ra là đời nó có thể phè phỡn bởi quịt được nợ
nhưng sẽ gây ra biết bao tội tù cho đời con cháu nó. Ông Bà nói “Hổ dữ không ăn
thịt con”, nó đã phạm vào một trong những tội ác vô luân nhất là gán nợ cho con
cháu!
Nhân vật điển
hình thứ hai tôi đặt tên là Hầu trung (con khỉ mà trung nghĩa?! Con trâu anh
hùng hay trâu điên?). Thằng này đỡ hơn thằng kia về cái khoản trơ tráo và có
tài hơn. Nó là thằng hết sức lì lợm, cố đấm ăn xôi, lươn lẹo và thượng đội hạ
đạp có hạng. Từ một thằng vô danh tiểu tốt ở trại cải tạo ra, léng phéng thế
nào mà được bồ nhí của một “tai to” chiều chuộng, “nói giùm” cho để lọt được vào
một kho gạo đầy ắp và lớn “đùng đoàng”. Tất nhiên kho gạo đã sẵn có chuột rồi.
Nói nó có tài là ở chỗ này: từ một con chuột đói mới vào, nó linh hiển kiểu gì
mà chỉ sau 5, 6 năm nó vụt trở thành con chuột trọc phú vĩ đại, đám chuột cũ bị
nó đạp xuống hàng đệ tử chầu chực ban phát, còn mấy “cha” coi kho thì được nó
đội đủ cả nhà lầu, xe hơi. Gạo “chảy” vô tội vạ như thế mà cái kho vẫn luôn đầy
vì liên tục được rót từ trên trời xuống vô tư theo sự khẩn cầu chẳng khác gì
“lệnh” của con chuột vĩ đại. Đến tận bây giờ cũng chẳng có “ma” nào biết chuyện
ấy. Điều kỳ lạ nhất là dần dà mấy cha coi kho cũng bị nó đạp về hưu tuốt luốt,
chẳng cha nào dám ho he, còn nó thì trở thành một “tai to” mới với biết bao
nhiêu lời khen ngợi, tung hô. Của đáng tội, cũng nên “thông cảm” chút ít cho
nó. Trong giai đoạn nền kinh tế bao cấp không hẳn bao cấp, thị trường chưa ra
thị trường, hơi giống thời kỳ "công trường thủ công tiền tư bản", chuột nhiều vô kể. Mà đã là chuột, muốn tiến thân dựng nghiệp thì
chỉ có một cách duy nhất là cố đội đạp, đục khoét cho giỏi mà ngoi lên mà thôi. Điều làm
tôi ghê tởm thằng Hầu trung là nó lúc nào cũng tìm đủ mọi cách bớt xén, xà xẻo
tiền bạc của chính những người làm công cho nó. Có một lần nó khoe với tôi rằng
nó nợ lương công nhân vì vàng hạ giá, nó lấy số tiền ấy đi mua vàng chờ đến khi
lên giá mới bán ra trả lương công nhân, kiếm được số "lãi" kha khá và nó coi đó
là một chiến công. Vợ nó, nếu không ai biết, cứ tưởng là ô-sin (người ở) trong
nhà, phải chịu chế độ cấp phát tiền chợ và báo cáo chi tiêu từng ngày. Nó
thương tiền đến độ Ơgieni Grăngđê cũng phải chào thua. Có lẽ nó là kẻ nhẫn tâm
nhất thế giới.
Tôi đặt tên
nhân vật thứ ba là Vua nổ. Thằng này đáng thương hơn hai thằng kia vì bị bệnh
Vĩ cuồng. Thuở hàn vi, nó có một người bạn tốt, hiền như đất. Lúc đó thị trường
trong nước đang có nhu cầu to lớn về một mặt hàng ngoại nhập. Nó rủ rê vài đứa
bạn mày mò và phát hiện ra mặt hàng đó chỉ là sự kết hợp hết sức giản đơn từ
vài nguyên liệu thiên nhiên có sẵn trong nước, vừa dồi dào về số lượng vừa rẻ
như "bèo". Không có vốn lận lưng, và để né tránh rủi ro, nó đã phủ dụ người bạn
hiền cầm nhà của mình để lấy tiền mua nguyên vật liệu . Lũ bạn bè kề vai sát
cánh, nỗ lực trong vòng một năm thì công việc tạm ổn, đã thiết lập được một
mạng lưới bán hàng đủ cho sản xuất. Tương lai giàu có đã mở ra trước mắt. Chính
lúc này thằng Vua nổ mới bộc lộ bản chất tham lam ích kỷ và xảo quyệt của nó. Nó ngấm ngầm gây
chia rẽ nội bộ tạo tình thế cho từng thằng bạn mắc sai lầm và từng đứa một lần
lượt ra đi với một khoản tiền chia cũng khá. Cuối cùng thì người bạn nối khố
hiền như cục đất, người cầm nhà để tạo vốn ban đầu cho công cuộc tìm vàng ấy
cũng bị gài bẫy cho ra rìa nốt với số tiền trong tay là số tiền đủ chuộc lại
cái nhà và hai phần ba số tiền lãi còn lại sau hơn một năm kinh doanh. Vua nổ
đóng vai kẻ khốn khổ vì bạn, bao nhiêu công sức đành đổ sông đổ biển, phải làm
lại từ đầu với vốn liếng hầu như bằng không. Nhưng nó đâu biết rằng có một
người biết tỏng cái tâm địa đen ngòm của nó. Đó chính là vợ người bạn hiền của
Vua nổ. Chị ta từng coi tôi là một người anh, một người thầy (dù tôi không xứng
đáng) một người biết giữ miệng (cũng không xứng đáng nốt), đã kể hết cho tôi
nghe trước khi chết ba tháng vì bệnh ung thư như là dịp cuối cùng trút bỏ nỗi
lòng cho những người còn ở lại trần thế. Kể lại câu chuyện này, tôi xin lỗi
vong hồn chị và cũng xin lỗi vong hồn anh (vì anh cũng đã đi xa lâu rồi và có
lẽ anh chị đã đoàn tụ, đã tha thứ cho nhau về những lỗi lầm của kiếp người!).
Mong chị và anh hiểu cho lòng tôi, mục đích của tôi không phải là bêu riếu mà
là thay mặt anh chị tố giác, coi như cùng với anh chị để lại cho hậu thế một
lời nhắn nhủ cảnh giác.
Vua nổ đã tán
tỉnh chị và trong một lần buông thả, chị đã ăn nằm với nó tại nhà mình. Chị đã
phải khóc hết nước mắt và nơm nớp lo sợ vì lần dại dột ấy. Việc cầm nhà của
người bạn hiền cho Vua nổ làm vốn là có sự tiếp tay của chị. Đến khi chồng chị
bị cho ra rìa thì chị mới thấy rõ đòn độc địa của Vua nổ, nhưng chị đã không
dám nói ra dù rất thương chồng và căm hận kẻ đã gây điều tác tệ. Vua nổ tuy
không còn đủ vốn nhưng, cơm lành canh ngọt đã bày sẵn ra mâm đâu vào đấy, đã có
thể mua gối đầu nguyên vật liệu. Sản phẩm làm ra có chất lượng tương đương hàng
ngoại nhập, lại rẻ hơn nhiều, đã được thị trường hồ hởi đón nhận, báo hiệu một
nhu cầu khổng lồ chờ cung ứng. Và quan trọng hơn cả là Vua nổ đã bí mật thỏa
thuận với một tập đoàn nước ngoài ngầm ngầm chuẩn bị đầu tư mở rộng trên danh
nghĩa cơ sở mà Vua nổ đứng tên (cũng có thể là một cuộc rửa tiền chăng?). Điều
này chị ta biết được qua sự rỉ tai của vợ Vua nổ (thật khốn nạn!).
Thế là sau hai
năm vất vả “làm lại từ đầu”, thằng Vua nổ đã mua được ngôi nhà to đùng ngay khu
trung tâm thành phố để làm “tổng hành dinh”. Và sau bốn năm kế tiếp nữa nó
nghiễm nhiên đứng vào hàng ngũ các đại gia!
Phải công nhận
rằng Vua nổ có biệt tài ăn cắp ý tưởng. Và mắc bệnh vĩ cuồng nên luôn tự nhận
là của mình. Và tự phong cho mình đủ mọi bằng cấp và học vấn mà mình không có:
rồi cứ thế mà nổ, nổ liên tu bất tận, nổ không biết ngượng mồm. Bạn bè cũ ai mà
không biết nó nổ. Khi thành đại gia rồi, để giấu đi cái quá khứ ít học hèn kém
của mình và cũng để nổ cho thoải mái tự nhiên hơn, nó đã cắt đứt mọi quan hệ
với bạn bè cũ, kể cả những ân tình ngày xưa đã từng cưu mang nó. Chắc vì vậy mà
nó được đặt tên là Vua nổ, một tuýp người kỳ quặc với một cuộc làm giàu cũng kỳ
quặc đến mức hy hữu.
“Tam đại anh
hào” kể trên chính là đại diện “xứng đáng” nhất của đám làm giàu bất chính, làm
giàu trên đau khổ của người khác, làm giàu nhờ chà đạp lên mọi giá trị đạo lý
làm nên phẩm giá con người và như vậy cũng có nghĩa là dày xéo lên cái lý tưởng xã hội mà cha ông chúng ta mơ ước lúc sinh thời, vì nó mà cha ông chúng ta làm cách mạng. Cùng với sự tiến bộ xã hội thì đám này hiện nay còn
không nhiều đâu, một phần về với đất (do ăn uống vô độ), một phần vô ngồi hộp
(vì tham lam vô độ bị lòi đuôi), một số đã gác kiếm, hạ cánh an toàn, chẳng có
việc gì làm nên thường đi rao giảng đạo lý và tổ chức từ thiện rùm beng một cách đạo đức giả. Làm
giàu mà lương thiện đã cực khó rồi, huống hồ là biết sống vì đại chúng!
Con đường làm
giàu chân chính bắt đầu có thể là năng khiếu nhưng trước sau gì cũng phải rèn
luyện, học hành để phát huy tài năng, vì chỉ khi có tài năng mới nhận biết và
đón bắt kịp thời cơ hội mà vươn lên giàu có, và biết rằng chớ nên bắt chước tam
đại anh hào của một thời "tiền tư bản" ấy. Nhưng ai ơi, hãy luôn luôn nhớ rằng đời người là hữu hạn để mà
thấy cho hết ý nghĩa của sự giàu nghèo, sang hèn trước khi dấn bước vào thương
trường muôn mặt bi hài. Người xưa đã để lại cho chúng ta những nhắc nhở hết sức
quí giá để làm hành trang. Dưới đây là một số tôi sưu tầm được:
“Sự nghèo không
đáng xấu hổ, chỉ đáng xấu hổ là những người nghèo không có chí.”
Lã
Khôn
“Việc khó trong
đời phải làm từ chỗ dễ. Việc lớn trong đời phải làm từ chỗ nhỏ.”
Lão
Tử
“Trong đời này,
kẻ nào sợ hiểm nguy sẽ luôn thấy hiểm nguy.”
Anon
“Biết được
người hay người dở, ấy là khôn; tự biết mình hay mình dở, ấy là sáng suốt.”
Sách
Kinh lý
“Những kẻ
chuyên dùng sức mạnh, làm việc mạo hiểm, bắt cọp bằng tay không, chết cũng
không thốt lời oán hận, ta không đi với những kẻ ấy. Ta chỉ đi với những kẻ gặp
việc thì cẩn thận xem xét, nhiều mưu chước mà biết quyết đoán.”
Khổng
Tử
“Đức nhỏ mà ở
ngôi cao, trí mọn mà mưu toan lớn, nếu không gặp họa là hiếm lắm vậy.”
Kinh
dịch
“Cái gì cũng
biết mà đạo làm người không biết thì chưa gọi là người biết được.”
Hoài
nam tử
“Nhà có của cải
hàng nghìn, hàng vạn mà không biết cách làm ăn, thì cũng như nghèo vậy.”
Hàn
thi ngoại truyện
“Muốn cho người
ta yêu mình, trước hết phải yêu người đã. Muốn cho người ta theo mình, trước
hết phải theo người đã.”
Quốc
Ngữ
“Người quân tử
hiểu rõ việc nghĩa cho nên thích nghĩa. Kẻ tiểu nhân hiểu rõ việc lợi cho nên
thích lợi.”
Luận
ngữ
“Không gì nghèo
bằng không có tài
Không gì hèn
bằng không có chí.”
Vông
cách
“Không lấy bậy
của ai, gọi là giàu. Không bị nhục với ai, gọi là sang.”
Công
Ngư
“Người quân tử
có khi phạm điều bất nhân, chứ chưa từng thấy kẻ tiểu nhân mà làm được điều nhân
nghĩa.”
Khổng
Tử
“Một sự nghĩ
không cẩn thận có khi để lo cho bốn bể. Một ngày làm không chu đáo có khi gây
di họa đến trăm năm.”
Sách
cách ngôn
“Người có nhân
chẳng bao giờ lấy thịnh suy mà thay đổi tiết tháo, người có nghĩa chẳng bao giờ
lấy mất còn mà đổi lòng.”
Sách Nhi vị
“Lấy quyền thế
mà giao du, quyền thế nghiêng là tuyệt, lấy lợi mà giao du, lợi hết là tan.”
Cương
thường
“Người bạn hèn
nhát đáng sợ hơn kẻ thù vì người ta đề phòng kẻ thù và hy vọng ở bạn bè.”
L.
Tônxtôi
“Khi sống sung
túc, phẩm hạnh lớn nhất là sự điều độ.
Khi gặp tai
họa, phẩm hạnh lớn nhất là sự kiên cường.
Bây
cơn
“Nhân nghĩa là
cái đạo rộng lớn vô biên. Làm người có nghĩa có nhân, trước hết là giữ lòng
thủy chung với thiên hạ.”
Cao
Bá Quát
“Mai kia đi hết
con đường
Mỗi người lại
một mảnh gương để đời!...”
Phạm
Hổ
“Sự giàu sang
như cái nhà trọ chỉ có người cẩn thận thì mới ở được lâu. Sự nghèo hèn như cái
áo rách, chỉ có người cần kiệm mới thoát khỏi được.”
Sách
cách ngôn
“Khi giàu có
người ta dễ làm người lương thiện, nhưng khi nghèo khó, làm người lương thiện
thật khó khăn.”
E.
Rulet
“Giàu là cội
nguồn của lo âu vô tận.”
Bơ-cách-lốc
“Thế có thể làm
điều ác mà không làm tức là thiện rồi. Sức có thể làm việc thiện mà không làm,
thì là ác rồi.
Sách
cách ngôn
***
Sau ba năm múa
may quay cuồng loạn xị xà bì, chúng ta rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nhà cửa
bị cầm cố, lãi mẹ đẻ lãi con thay nhau quần thảo tơi bời hoa lá cành. Tình
trạng kinh tế gia đình đã ở bên bờ vực “khuynh gia bại sản”, tồi tệ đến độ cuộc
sống đói khổ, vô gia cư xưa kia có thể xộc về lại bất cứ lúc nào. Chỉ đến khi
lâm vào tình trạng nguy kịch, ngàn cân treo sợi tóc đó, chúng ta mới hoàn toàn
thoát ra được khỏi vòng kiềm kẹp của sự hãnh tiến thái quá. Nhưng vẫn chưa đủ
tỉnh táo để tìm ra biện pháp giải cứu dứt khoát và hiệu quả nào vì lại rơi ngay
vào vòng chế ngự của sự tự ái, sợ mất thể diện mà thành ra gàn bướng, ù lỳ.
Phải thêm một thời gian 6 tháng trời vùng vẫy, quẫy đạp “trong rọ”, tiền thì cứ
tiếp tục mất, tật thì cứ tiếp tục mang như thế để tìm đủ mọi cách vượt thoát
(theo hướng kiên cường quyết tâm hoàn thành cho được kế hoạch 5 năm đã đề
ra!!!) mà vẫn vô phương và phải đến khi bị một chủ thầu xây dựng lừa gạt, ăn
quịt một lúc 20 lượng vàng nữa (tổng cộng số vàng mà chúng ta bị mất do các đối
tác lừa đảo trong cuộc vào đời lần thứ ba là khoảng 100 lượng tính ra tiền Việt
Nam theo thời giá năm 2012 là khoảng hơn bốn tỷ rưỡi đồng), chúng ta mới tỉnh ngộ ra được rằng, không
những vô duyên với công danh mà chúng ta cũng vô duyên với sự giàu sang phú
quý!
Kể cũng may,
nếu không có cú lừa ấy, chắc chúng ta còn đại bại ở mức thê thảm hơn nữa. Chính
cú lừa ấy đã làm cho chúng ta hoảng loạn, đồng thời chán nản nhân tình thế thái
đến cùng cực. Sự tác động đồng thời của các yếu tố: suy sụp, chán nản và cả lời
nhắc nhở hiền khô của mụ vợ: “Ông bà nói: sống có cái nhà, chết có cái mồ. Ông
làm sao thì làm, chẳng may bị thất bại thì đừng để đến nỗi phải bán nhà!”, đã
giúp chúng ta có được quyết định tối ưu: “đánh trống bỏ dùi”, đột ngột dừng
bước, bỏ dở tất cả, rút chạy “không kèn không trống”, “lặn” xuống, “co” lại,
hoạt động ở mức cầm chừng “được đâu hay đó” để cốt sống qua ngày và chủ yếu là
bảo toàn căn nhà ở và một số của cải, vật chất còn “rơi rớt” lại, chưa “đội nón
ra đi”.
Sự thất bại
nặng nề của cuộc vào đời lần thứ ba làm chúng ta vô cùng đau buồn và suy nghĩ rất
nhiều về thân phận mình. Lúc đó, chúng ta biết rằng, với độ tuổi “ngũ thập tri
thiên mệnh”, chúng ta sẽ không bao giờ còn một cơ hội làm ăn nào nữa để vươn
tới một cuộc sống khá giả và hơn nữa là để tích lũy được chút ít tiền bạc, của
nả lo cho cuộc sống về già. Đó chính là điều làm chúng ta lo âu, sầu muộn nhất
và cứ mỗi lần nghỉ đến vợ con thì lương tâm lại bị dằn vặt ghê gớm(!).
Sau một thời
gian thì công việc làm ăn cũng bình ổn trở lại. Nhưng tương lai thì vẫn cứ mù
mịt. Dù sao thì cái tâm trạng nặng nề muộn phiền và âu lo cũng phần nào nguôi
ngoai. Nguôi ngoai thôi chứ không thể dứt được, nó đeo bám như đỉa đói ngày này
qua tháng khác, lúc bận bịu hay bù khú với bè bạn thì lắng xuống, lúc rãnh rỗi
lại nổi lên, nhiều khi nhức nhối. Để khuây khỏa, chúng ta quay lại với thói
quen đọc sách khoa học – triết học mà chung ta đã bỏ bẵng ít ra là cũng 10 năm
trời.
Trong một lần
như thế, chúng ta lôi quyển “Lý thuyết tương đối hẹp và rộng” do chính Anhxtanh
viết ra để đọc lại. Ngay từ thuở thiếu thời, chúng ta đã nghe đến thuyết tương
đối và hiểu ngây ngô rằng thuyết đó chỉ ra: trên đời này chẳng có cái gì tuyệt
đối cả mà cái gì cũng tương đối. Đến thời thanh niên, chúng ta mới có dịp tiếp
xúc với thuyết tương đối hẹp, không hiểu gì mấy, nhưng khâm phục Anhxtanh. Cũng
từ đó, cái Vũ Trụ mà Anhxtanh vạch vẽ ra đã gây nên một sự tò mò không dứt được
và bắt chúng ta phải cố tìm hiểu nó.
Trình độ toán,
lý rất hạn chế đã không cho phép chúng ta hiểu được dễ dàng thuyết tương đối
hẹp (chứ nói gì đến thuyết tương đối rộng!). Phải mất một thời gian dài tự
trang bị kiến thức, tự tìm tòi học hỏi thêm thông qua đọc sách, chúng ta mới
nắm bắt được nội dung của nó, nhưng cũng chỉ… tương đối thôi.
Tuy nhiên, khi
coi như đã hiểu được thuyết tương đối hẹp rồi, nghĩa là trút được một “đống” tò
mò đè nặng tâm trí rồi thì ngay lập tức lại xuất hiện một vấn đề hết sức bất
thường: nếu thuyết tương đối hẹp là chân lý, nghĩa là không gian và thời gian
(có vẻ) hòa trộn với nhau được, hơn nữa, có tính co giãn theo vận tốc, khối
lượng tăng lên khi vận tốc tăng, sự đồng thời bị phá vỡ… là có thật thì những
định luật bảo toàn vật chất, bảo toàn năng lượng mà chúng ta đã học từ thời phổ
thông, phải bị vứt vào sọt rác, còn nếu không, phải xét lại thuyết tương đối
hẹp. Thế là “đống” tò mò mới lại nảy sinh.
Cái “đống” tò
mò ấy đã làm chúng ta tốn biết bao nhiêu thời gian, biết bao nhiêu tâm trí mà
vẫn không sao giải quyết được vấn đề. Dù thế, sự hao tổn ấy cũng không vô ích:
chúng ta lớn khôn lên nhiều, nhận thức được rất nhiều điều quan trọng và đặc
biệt là chính cái “đống” tò mò ấy đã dẫn chúng ta đến trước những mô tả về cuộc
thí nghiệm của Maikensơn - Mookly để trầm tư mặc tưởng trên đó để rồi đột nhiên
“đốn ngộ” được “gót chân Asin” trong phép biến đổi của Lorenxơ.
Khi lôi quyển
sách “Lý thuyết tương đối rộng và hẹp”, mở ra định đọc lại thì chúng ta thấy
hai tờ giấy xé từ vở học trò, đã ngả màu, xếp lại, kẹp trong đó. Chúng ta nhớ
lại ngay, đó chính là hai tờ giấy minh họa một thí nghiệm tưởng tượng của mình,
được thực hiện để thiết lập một phép biến đổi mới thay cho phép biến đổi
Lorenxơ.
Có thể nói
rằng, thí nghiệm tưởng tượng đó là một bước đi cực kỳ quan trọng và có tính đột
phá khẩu. Nhưng dù sao thì “cửa mở” vẫn còn quá nhỏ hẹp, chỉ mới cho thấy triển
vọng mà chưa thể “xông” vào được. Chúng ta đã phải dừng lại ở đó, tính đến lúc
này, ước chừng cũng là 25 năm. Khi đọc lại hai tờ giấy đó, lòng chúng ta lại
nổi say mê trở lại, muốn vứt bỏ hết để quay về tiếp tục tìm hiểu Vũ Trụ. Nhưng
bằng cách nào đây khi mà không thể rời bỏ được cuộc sống phải làm việc hàng
ngày để lo cơm, áo, gạo, tiền?
Thế rồi trong
một lần khác vào ngày giáp Tết, việc làm đã hết sạch, để “giết” một ngày “rỗng
rang”, chúng ta đi ra hiệu sách. Sáng hôm đó, chúng ta mua được ba cuốn sách có
tựa đề lần lượt là “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, “Khổng Tử”, “Lão Tử” và bộ sách
gồm 5 tập có tựa đề “Lịch sử triết học phương Đông”. Cuốn đầu do Nguyễn Hiến Lê
dịch, hai quyển sau do Nguyễn Hiến Lê viết, bộ sách 5 tập do Nguyễn Đăng Thục
chấp bút.
Những cuốn sách
đó viết rất hay, chứng tỏ tài năng không thể phủ nhận được của cả người dịch
lẫn người viết. Chúng ta nhân tiện đây xin cảm ơn họ vì nhờ họ mà chúng ta tiếp
cận được nhiều tinh hoa thâm hậu của quá khứ và qua đó nhận chân dần dần được
cơ sở chân chính nhằm đánh giá thị phi trước nhân tình thế thái, trước những
biến động thời cuộc mà chúng ta tưởng đã hiểu rõ từ lâu nhưng thực ra chẳng
hiểu gì. G. W. Curtis có nói: “Sách là ngọn đèn bất diệt của sự thông thái tích
lũy lại”. Thật chí lý!
(còn tiếp)
Mời xem:
(còn tiếp)
Mời xem:
Nhận xét
Đăng nhận xét