TỰ DO (ĐL)

 
Nghĩa Vợ Tình Chồng - Lưu Ánh Loan

 lam-thu-tuc-ly-hon

TỰ DO
 

"Hiểu biết thật sự là hiểu biết có thể đưa ta tới tự do"

                                               Châm ngôn Ấn Độ

"Hãy sống và hãy để cho người khác sống với!"

                                               S. Radhakrishnan


Anh và em
Hai đời tuổi trẻ
Tự do yêu nhau
Ràng buộc vào hôn lễ
Mơ hạnh phúc ngày sau...

Cau trầu thắm quyện chưa lâu
Bức bối nảy sinh, nhức đau bó buộc
Đành đến ly hôn, cởi bỏ duyên tơ lệ thuộc
Lại trả nhau về hai nẻo tự do!

Ôi con sông nào không có hai bờ
Nhịp cầu, con đò nối liền thân phận
Tự do nào không còn ràng buộc
Ràng buộc nào mất hết tự do?!

Nếu trên đời này có tuyệt đối tự do
Sẽ hóa toàn xung đột
Tự do không khi hiển nhiên trói cột?

Hỡi những lứa đôi, hỡi những mối tình
Cứ hồn nhiên mà kết nối trái tim
Mở lối nghĩ suy hướng về chung nhịp điệu!
Khi hai linh hồn đã hòa đồng ước vọng
Tự nhường nhịn nhau từ hai nẻo tự do
Sẽ thành nghĩa tình tối thượng tự do
Trong đằm thắm, vui mừng lệ thuộc
Giữa chợ đời, chẳng gì mua chuộc được
Đến đầu bạc răng long
Đến tận cùng của hạnh phúc trăm năm!...


                                                                Trần Hạnh Thu

 
Nhớ Lắm Vợ Ơi ‣ Sáng tác & Thể hiện: RANDY (OFFICIAL MV)

Vì sao án ly hôn ở Thành Phố Hồ Chí Minh tăng mạnh?

Theo TAND TP.HCM, năm qua lượng án hôn nhân-gia đình tăng đột biến so với các năm trước. Qua các vụ việc cụ thể, những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đã được chỉ ra: Vợ chồng bất đồng trong lối sống, suy nghĩ; nạn bạo lực gia đình; thiếu kỹ năng chung sống…

Nhiều cặp vợ chồng trẻ trình độ học vấn cao, có thừa kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, giao tiếp… nhưng lại thiếu hiểu biết và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.

Theo TAND TP, năm qua tình trạng ly hôn nhiều chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng trong suy nghĩ, lối sống giữa vợ chồng.


lam-thu-tuc-ly-hon


Bất đồng trong lối sống

Chẳng hạn như chuyện của vợ chồng anh T. ở quận Gò Vấp. Họ lôi nhau ra tòa, khăng khăng xin ly hôn cho bằng được chỉ vì ganh nhau trong những việc rất nhỏ như ai nấu cơm, ai đón con… Vợ thì nói không bao giờ chồng làm giúp một chút việc nhà dù là nhỏ nhất như quét nhà, vứt rác, hay đi đón con… Anh lại bảo rằng “những việc đó là thiên chức của người phụ nữ Việt Nam, có gì mà làm lớn chuyện”… Mâu thuẫn cứ chất chồng theo ngày tháng, cuối cùng họ quyết định chia tay nhau.

Vụ khác, tháng 6-2009, TAND quận Phú Nhuận từng giải quyết ly hôn cho một cặp vợ chồng trẻ chỉ vì cô vợ chê chồng không còn ga lăng, tâm lý như hồi còn đang yêu. Cô bảo: “Ngày chưa lấy nhau anh ấy lãng mạn lắm, hay kiếm cớ tặng hoa, quà cho em và thường nói những lời yêu thương ngọt ngào. Giờ lấy được nhau rồi thì cộc cằn, thậm chí ngày 8-3 còn bỏ đi nhậu”… 

Bạo hành gia đình

Tại những quận, huyện vùng ven của TP, tình trạng bạo hành gia đình còn diễn ra mà nạn nhân hầu hết vẫn là phụ nữ. Không chỉ bị bạo hành về mặt thể chất, nhiều người còn bị bạo hành về tinh thần như chồng ngang nhiên cặp bồ, rẻ rúng, khinh thường, lạnh nhạt… Chính vì vậy mà hiện nay phụ nữ có xu hướng chủ động xin ly hôn nhiều hơn nam giới.

Chung sống với vợ hơn 10 năm, có với nhau ba mặt con, bất ngờ ông H. (huyện Cần Giờ) đổi tính trăng hoa, quan hệ tình cảm với người khác. Phát hiện ra, vợ ông và các con ra sức can ngăn, khuyên nhủ. Không những ông H. không thay đổi mà còn thường xuyên gây gổ, đánh đập vợ. Một lần bà bị ông đánh gãy tay nên uất ức làm đơn xin ly hôn. Nhìn hai ông bà nông dân gầy gò, tóc đã muối tiêu lếch thếch dắt nhau ra tòa, ai cũng ái ngại.

Một vụ khác xảy ra ở huyện Bình Chánh: Bản tính cộc cằn, gia trưởng, từ ngày cưới nhau về, anh B. thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ. Có lần người vợ báo chính quyền và anh B. đã bị xử phạt hành chính về hành vi bạo lực với vợ nhưng vẫn không chừa. Dù đã cố gắng nín nhịn chịu đựng những cái tát tai của người chồng vũ phu để nuôi hai con nhưng đến một ngày, người vợ cũng phải đâm đơn xin ly hôn vì không thể sống mãi trong “địa ngục trần gian” được nữa.

Một thẩm phán chuyên xử án hôn nhân kể: Có một cặp, chồng ở nhà trông con, vợ vất vả buôn bán xoay sở đủ kiểu để lấy tiền nuôi gia đình. Thấy vợ quan hệ rộng, người chồng ghen tuông, thường kiếm cớ gây lộn. Ghen không xong, người chồng sinh ra chán nản, rượu chè suốt ngày để cản trở việc buôn bán của vợ. Cuối cùng, người vợ cũng phải xin ly hôn.

Thiếu kỹ năng chung sống

Một thực tế khác khi giải quyết án ly hôn được ngành tòa án TP vạch ra là độ tuổi xin ly hôn ngày càng trẻ hóa. Nhiều cặp vợ chồng trẻ trình độ học vấn cao, có thừa kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, giao tiếp… nhưng lại thiếu hiểu biết và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.

Chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng anh C. Lúc chưa lấy nhau, anh C. làm nghề kinh doanh tự do, còn cô vợ là sinh viên năm cuối. Họ quen nhau trên mạng bằng những cuộc chat thâu đêm suốt sáng, cuối cùng phải cưới vội vì nhiều lần… “trót dại”. Cuộc hôn nhân này kéo dài chẳng được bao lâu vì anh C. thì vẫn ham vui nhậu nhẹt, cô vợ lại ức chế vì học hành dở dang, còn trẻ mà đã phải con bồng con bế, không được đi du lịch chỗ này chỗ kia… Cuối cùng, cả hai nộp đơn ra tòa xin “đường ai nấy đi”.

Tháng 3-2009, TAND quận Phú Nhuận cũng phải giải quyết ly hôn cho một cặp vợ chồng trẻ măng vì không hợp nhau. Họ kết hôn khi người vợ chưa đầy 20 tuổi và sinh được một con chung. Sau hơn một năm chung sống, cả hai mới nhận ra rằng quyết định đi đến hôn nhân của mình là quá vội vàng vì họ chẳng hiểu gì về nhau cả. Cứ hễ chồng thích ăn món gì thì vợ không thích, còn vợ thích mặc quần áo màu gì thì người chồng lại dị ứng khiến cả hai bất hòa trầm trọng…

Theo Phó Chánh án TAND TP Huỳnh Ngọc Ánh, trong năm qua đã xuất hiện trường hợp nguyên đơn là người nước ngoài hoặc Việt kiều về nước xin ly hôn với công dân Việt Nam (21 vụ). Đây là những trường hợp hoàn toàn mới và việc giải quyết án sẽ vất vả, kéo dài hơn thông thường vì phải công chứng, chứng thực đơn, tài liệu, phiên dịch tại tòa…

Ông Ánh nhìn nhận án ly hôn là loại án có số lượng cao nhất, năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng ngành tòa án TP đã nỗ lực cao và chủ động gỡ vướng nên lượng án tồn, án quá hạn rất ít (63 vụ).

Theo một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM, ly hôn vì bất đồng trong cá tính, suy nghĩ, quan điểm chiếm tỉ lệ cao nhất (39,5%).

Tại buổi báo cáo đề tài này, Tiến sĩ Mai Ngọc Luông cho rằng đây là sự thay đổi tất yếu trong xã hội đô thị. Cá tính của những trí thức trẻ đã thể hiện rõ nét hơn, họ dám trung thực với bản thân hơn trong nếp sống và suy nghĩ của mình.

Theo Tiến sĩ Luông, cá tính mạnh trong cuộc sống hiện đại thì rất tốt nhưng nó lại là kẻ thù của hôn nhân vì người ta dễ tự do thể hiện cá tính mà thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học mới công bố về tình trạng ly hôn của thanh niên trên địa bàn TP.HCM của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tài (Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM), hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Cũng theo khảo sát này, 43,4% cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn.

Theo một kết quả nghiên cứu được công bố năm 2008 của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh và chiếm 31%-40%, nghĩa là cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.

Từ đó, báo cáo kết luận: Tuổi thọ hôn nhân ở Việt Nam càng ngày càng giảm.

Theo thống kê của các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình ở TP.HCM, số người đến tư vấn ly hôn chiếm đến 70% trong các ca tư vấn.

(Nguồn: http://phapluattp.vn/)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH