TT & HĐ V - 50/e

                        Khoa học vũ trụ và khám phá - Trở lại vụ nổ BIGBANG | máy gia tốc hạt

 
PHẦN V: THỐNG NHẤT
 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky

"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo".
JohnDewey

"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci

"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới"
Albert Einstein

"Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein

“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad

CHƯƠNG IX (XXXXX): CÁCH NHÌN MỚI VỀ BỨC TRANH

"Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy."
"Cái gì có lý là sự thật, và cái gì là sự thật sẽ có lý."
"Lòng dũng cảm với sự thật là điều kiện đầu tiên cho nghiên cứu triết học."
"Không phải tính tò mò, không phải sự kiêu căng, không phải việc cân nhắc lợi ích, không phải trách nhiệm hay vì làm theo lương tâm mà chính là cơn khát không chịu chấp nhận thỏa hiệp, đầy khốn khổ và không thể dập tắt, dẫn chúng ta đến sự thật."
"Sự thật trong triết học có nghĩa là khái niệm và hiện thực bên ngoài phù hợp với nhau."
Hegel

"Nếu những người đi trước thiếu tinh thần mạo hiểm, ngày nay sẽ không có đèn điện, ra đa, máy bay, vệ tinh nhân tạo, cũng không có chất penicillin và xe hơi."
F. Kedwell (Mỹ)
 
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Da Vinci (Ý)

"Người nghiên cứu mẫu mực không phải là người thấy và thông báo lại cái mà những người quan sát bình thường đã thấy và thông báo lại, mà là người thấy trong các sự vật quen thuộc cái mà chưa ai thấy"
Norwood Russell Hanson
 
"Triết học là lời phủ dụ của con người về tự nhiên, là ngọn đèn tỏa ánh sáng gợi mở cho nhận thức tiến lên mỗi khi khoa học mù lòa và khoa học là sự cố gắng phá tan màn đêm bế tắc đó bằng ngọn đèn triết học, nhờ thi ca toán học."
NTT
 
"Không thể hình dung nổi con người ngày nay lại sống thiếu toán học Không có toán học, con người trở thành mù tịt. Nhưng có toán học, thì tư duy trừu tượng bị lũng đoạn thái quá bởi tính trừu tượng chủ quan vô độ của con người làm cho nhận thức khoa học về Vũ Trụ trở nên ảo tưởng, xa rời thực tại và chân lý"
Thầy Cãi

"Loài người có thể hiểu được sự thực của Vũ Trụ như nó vốn dĩ, trước khi họ bị diệt vong!?"
NTT 




(Tiếp theo)

     ***

Trong Wikipedia có viết:
"Chiến tranh là hiện tượng chính trị – xã hội có tính chất lịch sử, sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực giữa các tập đoàn xã hội trong một nước hoặc giữa các nước hay liên minh các nước với nhau. Đặc trưng của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc nhất định và thường kết hợp với các hình thức đấu tranh khác (chính trị, kinh tế, ngoại giao,...).
(...) .
Nói tóm lại, chiến tranh là sự xung đột do từ mâu thuẫn ý thức giữa các tư tưởng khác nhau. Nguyên nhân của những mâu thuẫn này xuất phát từ tham vọng riêng của từng thực thể con người. Khi những tham vọng này đối chọi nhau đến mức độ căng thẳng cao độ thì chiến tranh xảy ra. Chỉ khi nào tồn tại hai bên đối nghịch nhau thì chiến tranh mới bùng nổ. Những hình thức chiến tranh đi từ hình thức thô thiển như chiến tranh vũ trang đến thể loại chiến tranh vi tế như sử dụng văn hóa để công kích.
(...) .
Hậu quả của chiến tranh không chỉ có sự hoang tàn mà còn có cả sự tiến bộ. Chiến tranh là thành phần không thể thiếu trong quá trình tiến hóa của tất cả các sinh vật, đoàn thể, tổ chức hầu đạt được mục tiêu sống còn và phát triển. 
(...). Những người theo thuyết lịch sử chú ý đến khía cạnh bất khả kháng của chiến tranh, họ cho rằng nó ngẫu nhiên như là một tai nạn giao thông. Có thể có các điều kiện, tình huống giống như là sắp xảy ra chiến tranh nhưng người ta không thể tiên đoán được thời gian và địa điểm xảy ra chiến tranh. Các nhà xã hội học phê phán cách tiếp cận này, họ cho rằng sự bắt đầu của các cuộc chiến tranh là do một số nhà lãnh đạo đưa ra, đó không phải là tai nạn thuần túy. Vẫn còn có những bất đồng nhưng thực sự rất khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống tiên đoán về chiến tranh.
Theo các học thuyết tâm lý chiến tranh (...), (...), cho rằng đó là "bản năng xâm lược" của con người, là "hành vi" của con người. Các đại diện của thuyết này như E.F.M. Durban và John Bowlby cho rằng loài người đặc biệt là đàn ông sinh ra đã có thói quen xung đột. Thông thường những loại xung đột này bị kìm nén bởi xã hội, nó cần một cơ hội để giải thoát các xung đột bằng chiến tranh. Học thuyết nhân khẩu có 2 nhóm: những người theo thuyết Malthus và những người theo thuyết bùng nổ dân số trẻ.
Học giả người Anh Thomas Robert Malthus (1766 - 1834) cho rằng dân số luôn tăng dù chúng bị hạn chế bởi chiến tranh, bệnh tật và đói kém. Đây là lý thuyết được tính toán với xã hội trước đây khi mà nền sản xuất chưa phát triển và tỷ lệ tăng dân số không điều khiển được. Theo thuyết Malthus thì sự mất cân bằng giữa việc tăng dân số và tăng thức ăn là nguồn gốc của xung đột. Nghĩa là trong khi dân số tăng theo cấp số nhân thì nguồn tài nguyên, của cãi lại tăng theo cấp số cộng tạo ra sự mất cân đối dẫn đến chiến tranh. Lý thuyết bùng nổ dân số trẻ lại quan niệm do sự mất cân đối giữa những lực lượng trẻ được đào tạo, đến tuổi trưởng thành, cần có việc làm và số lượng những vị trí có thể cho họ trong xã hội là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự nổi loạn trong xã hội (bao gồm cả chiến tranh). Theo các học thuyết này "con người cần thức ăn, cần vị trí nên họ bắn nhau".
Theo học thuyết của chủ nghĩa Márx: chiến tranh là hiện tượng chính trị – xã hội mang tính lịch sử, là hoạt động đấu tranh giữa các giai cấp, các nhà nước, các lực lượng chính trị có địa vị, lợi ích đối lập nhau trong một nước hoặc giữa các nước nhằm đạt được mục đích chính trị nhất định.
(...) .
Chiến tranh có nguồn gốc từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và đối kháng giai cấp không thể điều hòa. Trong đó, chế độ chiếm hữu tư nhân là nguồn gốc kinh tế – nguồn gốc sâu xa; đối kháng giai cấp là nguồn gốc xã hội – nguồn gốc trực tiếp của chiến tranh.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân chung: Là sự tác động giữa phương thức sản xuất bóc lột và những hiện tượng chính trị xã hội do phương thức sản xuất đó sinh ra dưới hình thức bạo lực vũ trang của giai cấp này đối với giai cấp khác.
Nguyên nhân đặc thù: Là sự tác động của những chính sách hiếu chiến, phản động của giai cấp thống trị, những kẻ cầm đầu nhà nước, tổ chức hoặc nhóm cực đoan.
Nguyên nhân đơn nhất: Là sự tác động có tính đột biến, tức thì từ những nhân tố cá biệt như cá tính bất thường của cá nhân cầm đầu tổ chức hoặc diễn biến không chuẩn xác của các thông tin, của phương tiện tiến hành chiến tranh,...trong những tình huống nhất định.
Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân chung là cơ bản, xuyên suốt của mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử loài người.
(...). Bản chất của chiến tranh thể hiện trên hai mặt cơ bản luôn có sự thống nhất với nhau: Mặt chính trị và mặt bạo lực vũ trang. Chính trị là mục đích, bạo lực vũ trang là phương thức, biện pháp để thực hiện mục đích chính trị. Mặt chính trị và mặt phương thức bạo lực vũ trang không tách rời nhau".
Triết học duy tồn cho rằng các trường phái triết học, kể cả triết học Mác - Lênin, khi nói về chiến tranh đều có phần đúng và phần sai, phần sai là chủ yếu.
Theo quan niệm của triết học duy tồn, suy cho cùng thì xã hội là một hiện tượng của thế giới tự nhiên, cho nên sự hình thành , tồn tại và phát triển của nó phải tuân theo các qui luật cơ bản của tự nhiên, phải nhận thức nó như nhận thức các hiện tượng tự nhiên khác. Nhưng đồng thời, xã hội cũng là kết quả có được từ sự chi phối của quá trình tiến hóa - thích nghi, là sản phẩm có được từ tư duy trừu tượng, từ đòi hỏi của lao động sáng tạo, cho nên sự hình thành, tồn tại và phát triển của nó cũng có những nét đặc thù của thế giới sinh vật, thuộc về thế giới sinh vật. Nguyên nhân nguồn cội làm nên mọi nguyên nhân gây ra các hiện tượng trong thế giới tự nhiên, của Tự Nhiên Tồn Tại là nguyên lý tự nhiên, thì nguyên nhân sâu xa gây ra các hiện tượng trong vận động xã hội cũng suy ra được từ nguyên lý số một ấy. Chẳng hạn. hiện tượng biến đổi nhưng bảo toàn khối lượng của vật chất có thể được giải thích trên cơ sở cố gắng duy trì tồn tại vốn có của chúng, thì sự biến đổi hình thái xã hội qua các thời kỳ cũng có thể giải thích được, dựa vào sự cố gắng duy trì tồn tại ấy, nhưng để giải thích rõ ràng hơn, có thể dựa vào sự thể hiện đặc thù của nguyên lý tự nhiên trong thế giới sinh vật: cố gắng sinh tồn (sự phát triển tư liệu và lực lượng sản xuất, gọi chung là trình độ sản xuất).
Phải cho rằng, lối sống lập thành xã hội không phải chỉ ở loài người mới có, mà ở các loài sinh vật đã thấy những hình thức sống quần cư khác nhau, các cá thể có liên quan với nhau mặt này hay mặt khác, lỏng lẻo hay chặt chẽ, có huyết thống hay không có huyết thống, nhằm tạo điều kiện hơn trong mưu sinh, trong việc tăng cường bảo vệ sự sống giống loài trước những tại họa đến từ môi trường. Lối sống hợp thành quần cư ở loài ong, loài kiến ..., nhất là lối sống hợp thành bầy đàn ở một số loài động vật hoang dã có thể coi là những hình thức manh nha, sơ khai của hình thức sống theo cộng đồng xã hội, một lối sống chủ yếu và cơ bản ở loài người biết tư duy trừu tượng. Sự thể đó bày ra một cảm tưởng rằng, lối sống theo cộng đồng xã hội là một sự lựa chọn tất yếu của loài có tư duy trừu tượng trong quá trình đấu tranh, vật lộn với môi trường thiên nhiên hữu hạn để sinh tồn. Không tìm ra cây lương thực này thì loài người cũng sẽ tìm được cây lương thực khác để chuyển phương thức sống cơ bản từ săn bắt - hái lượm sang trồng trọt - chăn nuôi, từ du cư, di cư sang định cư lâu dài, tạo điều kiện sống quây quần xã hội, hợp tác sản xuất nông nghiệp, vì đây chính là sự lựa chọn có tính chất tất yếu, có tính chất tối ưu, lựa chọn mà như không lựa chọn trên bước đường kiếm kế mưu sinh của mình.
Tóm lại, phương thức sống theo hợp quần xã hội là tất yếu đối với mọi loài được trang bị tư duy trừu tượng do có sự chi phối bởi qui luật phát triển lạm phát về số lượng cá thể sinh vật trong một môi trường thiên nhiên hữu hạn. Nhờ cuộc đấu tranh sinh tồn lâu dài để tiến hóa - thích nghi thông qua biến dị - di truyền trong một môi trường sống đặc thù và thường xuyên biến đổi, loài người đã hun đúc được một thứ vũ khí vô cùng lợi hại trong việc mưu sinh, cố gắng sống còn mà không loài sinh vật nào khác có được, đó là tư duy trừu tượng. Nhờ sự hối thúc thường xuyên của tư duy trừu tượng trong sự tích cực tìm cách mưu sinh tốt hơn, loài người, từ kiếp sống lang thang bầy đàn, đã đến được với lao động sáng tạo rồi từ đó mà có trồng trọt - chăn nuôi, tự cung tự cấp, sống ổn định lâu dài, liên kết thành xã hội tạo điều kiện hợp tác sản xuất, bắt chước thiên nhiên tạo ra các thứ dưỡng sinh, theo phương châm:
                              Một cây làm chẳng nên non
                            Ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
Không phải xã hội đã hoàn thiện ngay từ buổi đầu xuất hiện. Xã hội hình thành, tồn tại và phát triển cũng như một thực thể sống, có thể gọi là thực thể sống ảo, tức là cũng sinh ra từ liên kết vật chất, từ cố gắng tồn tại,  cũng  trong vòng ảnh hưởng của cuộc đấu tranh sinh tồn, làm như cũng tiến hóa - thích nghi, cũng vận động và phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, đạt đến hoàn thiện và suy tàn theo sự phát triển và suy tàn của cuộc sống loài người. Tương tự như thế giới tự nhiên mang tính đầy đủ, vận động tự do, chuyển hóa ra muôn vàn trạng thái, miễn là không Hư Vô, vận động xã hội cũng vậy, miễn tồn tại xã hội được bảo toàn. Chính vì vậy mà vận động nội tại xã hội thể hiện ra thành các lực lượng tương phản, đối kháng nhau, đấu tranh với nhau theo nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn mà triết học duy vật biện chứng đã mường tượng ra. Có lẽ nhận thức về xã hội của triết học duy vật biện chứng còn nhiều sai lầm dẫn đến một học thuyết cải tạo xã hội đậm màu lý tưởng, dẫn đến triệt tiêu sự tồn tại xã hội. Song, không phải vì thế mà tất cả những nhận thức về xã hội của nó đều sai lầm. Trong "Giáo trình triết học Mác - Lênin" (NXB chính trị quốc gia - 2004) viết:
"(...). Quá trình phát triển của tự nhiên đã sản sinh ra sự sống và theo qui luật tiến hóa, trong những điều kiện nhất định, con người đã xuất hiện từ động vật.
Sự ra đời của con người không chỉ là kết quả của các quá trình sinh học mà quan trọng hơn là kết quả của quá trình lao động. Đây là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên, khai thác và cải biến giới tự nhiên để đáp ứng nhu cầu tồn tại của mình. Chính trong quá trình lao động, cấu tạo cơ thể của con người ngày càng hoàn thiện hơn và cũng chính trong quá trình lao động, nhu cầu trao đổi, hợp tác đã làm ngôn ngữ xuất hiện. Lao động và ngôn ngữ là hai sức kích thích chủ yếu của sự chuyển biến bộ não của loài vật thành bộ não của loài người, tâm lý loài vật thành ý thức.
Sự hình thành con người gắn liền với sự hình thành các quan hệ giữa người với người, quá trình chuyển biến từ động vật thành người cũng là quá trình chuyển biến từ cộng đồng mang tính bầy đàn, hành động theo bản năng thành một công đồng mới khác hẳn về chất, ta gọi là xã hội. Đây cũng là quá trình chuyển biến từ vận động sinh học thành vận động xã hội.
(...).
Xã hội là hình thái vận động cao nhất của thế giới vật chất. Hình thái vận động này lấy con người và sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng. (...).
Như vậy, xã hội là bộ phận đặc thù của tự nhiên. Tính đặc thù của bộ phận này thể hiện: Phần còn lại của tự nhiên chỉ có những nhân tố vô ý thức và mù quáng tác động lẫn nhau; còn trong xã hội, nhân tố hoạt động là những con người có ý thức, hành động có suy nghĩ và theo đuổi những mục đích nhất định. Hoạt dộng của con người không chỉ tái sản xuất ra chính bản thân mình mà còn tái sản xuất ra giới tự nhiên.
(...) xã hội vừa phải tuân theo những qui luật của tự nhiên, vừa phải tuân theo những qui luật chỉ vốn có đối với xã hội. Cũng như các qui luật tự nhiên, các qui luật xã hội mang tính khách quan.
(...).
Như vậy, qui luật của tự nhiên được hình thành xuyên qua vô số những tác động tự phát, mù quáng của các yếu tố tư nhiên, còn qui luật xã hội được hình thành trên cơ sở hoạt động có ý thức của con người. (...). Cho nên, cũng giống như các qui luật tự nhiên, qui luật xã hội là những mối liên hệ khách quan, tất yếu và phổ biến giữa các hiện tượng và các quá trình xã hội. Có nghĩa là, trước tiên, qui luật xã hội phải mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của qui luật nói chung, đó là tính khách quan, tất yếu và phổ biến.
Tính khách quan của qui luật xã hội thể hiện ở chỗ, tuy qui luật xã hội được biểu hiện thông qua hoạt động của con người nhưng nó không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của bất kỳ một cá nhân, hay một lực lượng xã hội nào..."
Có thể khẳng định, sự hình thành xã hội là một quá trình tất yếu, do đòi hỏi của con người từ lao động sáng tạo, tìm tòi vươn lên sản xuất, hình thức kiếm ăn hiệu quả nhất trong việc cấp dưỡng, duy trì sống còn. Sản xuất là dạng lao động sáng tạo hiệu quả  cao có chủ đích và được công cụ hỗ trợ. Sản xuất xã hội là sản xuất ra của cải vật chất cho cá nhân con người nói riêng, đồng thời cho tồn tại và phát triển xã hội nói chung. Thông qua quá trình sản xuất mà tình cảm con người ngày càng được củng cố và trở nên sâu sắc. Do đó, ngày nay, sản xuất đã trở thành đặc trưng cơ bản, chính yếu cho xã hội loài người. Sự phát triển của trình độ sản xuất qua các thời kỳ lịch sử đã phản ánh lên cấu trúc xã hội, thể hiện ra thành các trạng thái xã hội có thể phân biệt được tương đối với nhau. Triết học duy vật biện chứng cũng nói: "Mỗi xã hội được đặc trưng bằng một phương thức sản xuất nhất định. Phương thức sản xuất đóng vai trò quyết định đối với tất cả các mặt của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Sự thay thế kế tiếp nhau của các phương thức sản xuất trong lịch sử quyết định sự phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao".
Loài vượn người - loài vượn cổ chưa chuyển hóa thành người hoặc mới chập chững những bước đi đầu tiên của con người, như số đông các loài động vật hoang dã khác, vẫn sống theo lối bầy đàn, kiếm ăn được chăng hay chớ, di cư thường xuyên mưu sinh trong một phạm vi môi trường rộng lớn Với số lượng cá thể ngày càng đông trong khi nguồn thức ăn bị giới hạn, sự cố gắng sống còn đã hối thúc loài vượn người mở rộng nguồn thức ăn, tìm tòi những thức ăn mới ngoài săn bắt - hái lượm. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh sinh tồn trong điều kiện hoàn cảnh môi trường đặc thù nào đó bắt chúng tiến hóa - thích nghi theo hướng nảy sinh ra tư duy trừu tượng, tạo nên nhữnh yếu tố tiền đề cần và đủ cho lao động sáng tạo ra đời. Từ đó, loài vượn người chuyển hóa thành người vượn, thế hệ loài người đầu tiên, tăng tốc quá trình phát triển đi lên của giống loài.
Trong quá trình phát triển ấy, tác dụng tổng hợp của tư duy trừu tượng và lao động sáng tạo đã giúp loài người khám phá ra một phương thức mới hiệu quả hơn hẳn phương thức săn bắt - hái lượm trong việc đảm bảo sống còn, đó là trồng trọt - chăn nuôi. Nhưng có được trồng trọt - chăn nuôi rồi, con người, về hình thức, vẫn chưa dứt khoát vượt thoát khỏi đời sống của loài vật hoang dã, vẫn sống theo lối bầy đàn, hầu như vẫn chưa có các khái niệm như tư hữu, để dành, tích lũy...Phát hiện ra cây lương thực (lúa nước), trồng "đại trà", đảm bảo nguồn thức ăn ổn định, lâu dài, giải phóng con người khỏi phần lớn những công việc kiếm ăn thuần túy thường ngày đầy khó khăn, vất vả, tạo điều kiện cho con người có lối sống định cư, có văn hóa, tiến thẳng lên văn minh, chính là cuộc cách mạng vĩ đại thứ hai trời long đất lở (sau cuộc cách mạng tìm ra công dụng của lửa và ăn thức ăn chín). Lần đầu tiên con người biết đến sản xuất, trình độ cao nhất của lao động sáng tạo, lao động ra giá trị thặng dư. Cuộc cách mạng đó vĩ đại đến nỗi cho đến ngày nay, nhiều người vẫn không biết rằng, loài người sinh ra từ đâu, cứ đinh ninh loài người sinh ra từ Chúa hoặc Thánh. Nhờ cuộc cách mạng vĩ đại đó, loài người bước vào đời sống hợp quần xã hội, tổ chức sản xuất nông nghiệp, thoát ly kiếp sống theo bầy đàn của loài động vật hoang dã, chính thức làm người.
Nhưng làm người là gì? Có lẽ đó là một câu hỏi chưa ai trả lời đích xác được. Trước những câu hỏi đại loại về con người như vậy, thường người ta vẫn trả lời theo hướng thiên vị, tự cho loài người là giống loài đẹp đẽ tối cao, đã là người thì phải đẹp đẽ, hoàn thiện. Thực ra đâu phải như vậy. Loài người đẹp đẽ nhất và cũng xấu xí nhất trong thế giới sinh vật. Phải chăng nên trả lời như thế!? Cũng chưa được vì chưa phân biệt dứt khoát được giữa con vật với con người, Anh bạn Hoang Tưởng của chúng ta có lần nói: "Con người là con vật ý thức được tương lai và hành động theo nhận thức quá khứ, có sáng tạo và khống chế được những hối thúc bản năng". Chúng ta nhớ lại và ngẫm nghĩ, hóa ra đó có thể là câu trả lời thỏa đáng nhất.

                                                    ***
Loài người, sau khi tiếp cận được lối sống cộng đồng xã hội và sở hữu được lối mưu sinh bằng lao động sản xuất ra giá trị thặng dư, tiến lên nền sản xuất hành hóa (mà trước đó chưa hề có), thì đã có đủ "thời gian rảnh rỗi" để bắt đầu có đủ khả năng xây dựng những công trình vĩ đại (như kim tự tháp, vạn lý trường thành...), bắt đầu tiến lên văn minh như vũ bão, đã  có vẻ như đã hóa thánh: không có mang nhưng bơi, lặn giỏi hơn cá, không có cánh nhưng bay lượn thuần thục hơn chim. Nhưng không phải vì thế mà con người giảm bớt được tính mù quáng trong hoạt động sống của nó, trái lại tính mù quáng đó ngày càng trở nên tồi tệ hơn, phạm vi ngày càng sâu rộng hơn, không còn là sự mù quáng đơn thuần của con vật nữa, mà là sự mù quáng trong sáng suốt, minh tuệ của con người. Bằng chứng rõ ràng nhất, không thể chối cãi được là sự gây hấn chiến tranh, phổ biến sự giết chóc tàn sát dã man ngay chính đồng loại mình. Ở thế giới sinh vật hoang dã, đâu có thấy phổ biến hiện tượng tìm kiếm sống còn bằng cách đi ngược lại với cố gắng bảo toàn sống còn ấy!?
Nếu Trái Đất đã may mắn có được thiên nhiên - một môi trường tự nhiên phù hợp để dung túng thế giới sự sống, thì sự tự giác tích cực mưu sinh kết hợp với tư duy trừu tượng đã tạo ra được xã hội - một môi trường sống nhân tạo không thể từ bỏ của lối sống đại đa số con người. Chính lối sống hợp quần xã hội và sinh tồn bằng lao động thặng dư trong qui mô sản xuất và ăn chia thành quả nhất định không những đã dẫn đến đáp ứng cho sự sống còn sinh học, mà còn đáp ứng cho một hình thái sống còn thứ hai, chỉ loài người tư duy trừu tượng mới có, không thể thiếu được và làm nên văn hóa nhân loại, đó là sự sống còn tinh thần. Nếu mục đích chủ yếu của đấu tranh sinh tồn cho sự sống còn sinh học là cái ăn, thì mục đích của đấu tranh sinh tồn cho sự sống còn tinh thần là danh lợi. Thực ra lợi là những thứ cần thiết cho sự sống còn của con người (trong đó tất nhiên có cả đời sống tinh thần), gồm thực phẩm và những thứ tiêu dùng thiết yếu phi thực phẩm, nảy sinh trong quá trình tiến lên văn minh của loài người. Còn danh là thứ làm thỏa mãn đời sống tinh thần (là lợi), đồng thời cũng gián tiếp sinh ra lợi (quyền lực, lợi ích). Trong xã hội loài người, mọi hoạt động của con người đều nhằm mục đích danh lợi. Cho nên, muốn giải thích được thỏa đáng những hiện tượng xảy ra trong xã hội, tiên quyết phải dựa vào luận điểm này.
Môi trường sống xã hội, dù nhân tạo, thì xét cho cùng, cũng bị chi phối bởi các qui luật của môi trường thiên nhiên, chỉ có điều dưới những dạng đặc thù (chẳng hạn qui luật đấu tranh sinh tồn, qui luật cung cầu...). Tư duy trừu tượng, do bị áp lực thường xuyên bởi các qui luật ấy trong suốt quá trình lao động sản xuất xã hội lúc gặp thuận lợi cũng như lúc khó khăn, và nhất là qui luật phát triển lạm phát về số lượng cá thể sinh vật khi gặp điều kiện thuận lợi, đã nhào nặn con người thành những sinh linh có tâm hồn với đầy đủ các sắc thái tình cảm "hỉ, nộ, ái, ố" sâu sắc, hình thành đủ mọi khái niệm như sướng - khổ, giàu - nghèo, yêu - ghét, vị tha - hận thù...Tình hình đó nhất thiết dẫn dắt con người tới sự tranh giành, cướp đoạt lẫn nhau gây nên sự chết chóc đồng loại. Và chiến tranh là không tránh khỏi.
Theo triết học duy tồn, chiến tranh là hình thái cực đoan của tranh giành danh lợi (danh lợi và quyền lợi) của hai hay nhiều xã hội, của hai hay nhiều tập đoàn người. Vì chiến tranh là tranh giành danh lợi cực đoan nên sự giết chóc, tàn sát lẫn nhau, phá hoại thành quả của nhau giữa người với người là đương nhiên khi con người vẫn còn chìm đắm trong mù quáng nhận thức.
Xã hội hình thành là một đòi hỏi tự nhiên từ sự tự giác sống còn và chủ động mưu sinh của con người. Xã hội tồn tại nhằm tạo điều kiện làm ra của cải, vật chất (danh lợi) bằng cách thức sản xuất. Xã hội tồn tại dần dần hun đúc nên cuộc sống tinh thần của con người với đầy đủ những sắc thái chia ra làm hai mặt tốt - xấu của nó. Nói chung mặt tốt là mặt có tác dụng gắn kết, duy trì sự tồn tại xã hội, còn mặt xấu là mặt có tác dụng phá hoại, làm phân rã xã hội.
Khi xét mức sống dân cư của một thời đoạn xã hội thì phải dựa trên trình độ tiêu dùng của dân cư thời đoạn xã hội đó mà đánh giá. Mức sống ngày nay chắc chắn là văn minh hơn, nhưng không thể gọi là cao hơn, sung túc hơn mức sống thời nguyên thủy. Có lẽ hình thái đầu tiên của xã hội loài người là hình thái Cộng sản nguyên thủy. đặc điểm của hình thái này là sở hữu chung về tư liệu sản xuất, lao động tập thể và hưởng chung thành quả lao động; công cụ sản xuất thô sơ, lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ thấp. Dù "Cộng sản nguyên thủy" là một khái niệm xuất phát từ Karl Marx và Friedrich Engels, nhưng quan niệm của chúng ta có khác. Chúng ta cho rằng, vào thời Cộng sản nguyên thủy, chế độ sống theo vợ chồng mẫu hệ đã manh nha hình thành, manh nha trở thành tế bào xã hội, đời sống dân cư sung túc, của cải dồi dào, chưa có nhà nước, chưa có khái niệm danh lợi, chưa phân định giàu - nghèo, chưa có khái niệm tư hữu,  chưa phân tầng giai cấp...Xã hội thời kỳ đó thực sự bình đẳng, thực sự tự do, hồn nhiên hết mực.
Do những biến động thiên nhiên cũng như sự chuyển hóa xã hội ảnh hưởng đến sản xuất, sản xuất không theo kịp mức sống trung bình xã hội dẫn đến những giai đoạn thịnh - suy xã hội kế tiếp nhau. Điều đó làm cho một loạt những khái niệm cũng như phong phú sắc thái tình cảm liên quan đến đời sống con người như: của cải, vơ vét, tích lũy, giàu - nghèo, sướng - khổ, lười nhác - siêng năng, thiếu thốn - dư thừa,  hạnh phúc - khổ đau, vui - buồn...được hình thành và ngày càng trở nên sâu sắc. Xuất hiện những hiện tượng không làm cũng có ăn. Kiếm được cái ăn không phải nhờ tự bản thân lao động mà đôi khi chỉ nhờ vào có sức trấn áp, đe dọa đồng loại, tức nhờ vào bạo lực. Cũng từ đó, mặt xấu về cuộc sống tinh thần của con người trong xã hội hình thành và ngày càng phát tác tiêu cực đến đoàn kết xã hội, có nguy cơ làm phân rã xã hội. Tình hình đó đương nhiên đòi hỏi sự ra đời của nhà nước để điều hành, trị an xã hội, tăng cường sự đoàn kết, hoạt động đồng bộ xã hội, bảo toàn xã hội.
Như vậy, mục đích tự nhiên đầu tiên, nguyên thủy, xuyên suốt và thiết yếu của nhà nước là trị an xã hội. Chính vì thế mà bản chất tự nhiên đầu tiên, nguyên thủy của nhà nước cũng là hoạt động vì đại đa số dân cư trong xã hội, nghĩa là "của dân, do dân và vì dân".
Học thuyết Mác - Lênin đã quan niệm chưa thuyết phục về sự ra đời của nhà nước khi cho rằng, lực lượng sản xuất phát triển đã dẫn đến sự ra đời chế độ tư hữu và từ đó xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng và cuộc đấu tranh giai cấp không thể đều hòa được xuất hiện. Điều đó dẫn đến nguy cơ các giai cấp chẳng những tiêu diệt lẫn nhau mà còn tiêu diệt  luôn cả xã hội. Để thảm họa đó không diễn ra, một cơ quan quyền lực đặc biệt đã ra đời. Đó là nhà nước. 
Nhà nước đầu tiên trong lịch sử là nhà nước chiếm hữu nô lệ, xuất hiện trong cuộc đấu tranh không điều hòa giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ...Mác - Ăngghen đã viết: "nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác". Rốt cục, theo họ, bản chất của nhà nước, theo nguyên nghĩa, là nhà nước của giai cấp bóc lột. Từ quan niệm sai lầm đó, các nhà cách mạng mácxít đã đi đến nhận định, cho dù được che giấu dưới hình thức tinh vi như thế nào, cho dù có bị khúc xạ qua những lăng kính phức tạp ra sao, nhà nước trong mọi xã hội có giai cấp đối kháng cũng chỉ là công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Vì thế mà các nhà cách mạng mácxít đi đến một chủ trương đầy tính cực  đoan: xóa bỏ chế độ tư bản, dùng chuyên chính vô sản tiêu diệt giai cất tư sản, đập tan nhà nước tư sản, xây dựng nhà nước vô sản của giai cấp công nhân, tiến lên xóa bỏ nhà nước.
Thực ra, do Tự Nhiên Tồn Tại khi vận động và chuyển hóa xét cho cùng chỉ phải tuân theo một nguyên lý duy nhất là nguyên lý tự nhiên nên nó tồn tại một cách vừa tự do tối đa lại vừa bị ràng buộc tuyệt đối, tức là muốn chuyển hóa thành cái gì cũng được miễn có khả năng, nhưng không được Hư Vô. Từ đó dẫn đến một đặc trưng quan trọng của Tự Nhiên Tồn Tại là đầy đủ. Đầy đủ là thứ gì cũng có, chỉ không có Hư Vô. Vì đầy đủ nên Tự Nhiên Tồn Tại vô cùng phong phú, đa dạng, có thể phân thành vi mô - vĩ mô, có thể thấy vừa liên tục vừa gián đoạn, và đặc biệt có thể phân thành tầng lớp, có thể được nhìn nhận như một thế giới tương phản, gồm các lực lượng đối nghịch nhau. Và xã hội, vì là bộ phận của Tự Nhiên Tồn Tại, của tự nhiên, của thiên nhiên, của thế giới sinh vật, có thể coi là bức tranh thu nhỏ của Trái Đất nên cũng có những đặc tính tương tự như của Tự Nhiên Tồn Tại, tương tự như của thiên nhiên Trái Đất, cũng có những đặc trưng về tính đầy đủ nhưng thể hiện ra dưới dạng đặc thù của riêng xã hội, mà triết học cổ đại Trung Hoa từ lâu đã gọi là hai lực lượng Âm - Dương và có lẽ được xây dựng nên từ ý niệm ban đầu là lưỡng phân lưỡng hợp được quan sát và nhận biết tuyệt đích của người Việt cổ (!), coi như chỉ xã hội loài người mới có. Một trong những biểu hiện nổi bật của tính đầy đủ trong xã hội loài người là sự phân định dân cư xã hội thành hai lực lượng tương phản giàu - nghèo. Lúc đầu, sự phân tầng giàu - nghèo chỉ có tính ngẫu nhiên, hời hợt, nghĩa là sự phân tầng giàu - nghèo hình thành từ những yếu tố tự nhiên (như gặp thời tiết thuận hòa,
thiên nhiên ưu đãi...). Theo quan niệm của chúng ta, sự phân tầng giàu nghèo do yếu tố tự nhiên (hoặc không do bóc lột thặng dư), không được coi là phân tầng giai cấp. Nhưng do các yếu tố thuận lợi - bất lợi, nhất là các quá trình thịnh - suy xã hội tác động đến tính chủ động tích cực đảm bảo sự sống còn của con người, dần dần làm cả mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực của đời sống tinh thần của con người ngày càng phát triển, nghĩa là các sắc thái tình cảm ngày càng trở nên sâu sắc. Đó là nguyên nhân làm xuất hiện hàng loạt khái niệm mới, như của cải, tích cốc phòng cơ, cướp bóc, tranh giành, căm thù, tư hữu, phè phỡn, đói khổ, tốt - xấu, khinh - trọng, thừa - thiếu, đạo đức...
Cuối thời Cộng sản nguyên thủy, mặt trái của đời sống tinh thần dân cư nổi trội tàn phá xã hội mạnh mẽ. Nguy cơ phá vỡ sự đoàn kết tồn tại xã hội buộc đông đảo dân cư (đại biểu là tầng lớp giàu có) phải tập hợp lại, tìm cách hoàn thiện loại hình nhà nước - loại hình tổ chức đặc biệt, đã tồn tại tự nhiên từ trước như một dạng nhà nước sơ khai, đóng vai trò duy nhất là điều hòa hoạt động xã hội, đảm bảo sự ổn định xã hội. Mục đích hoàn thiện nhà nước là để cho nó có đủ năng lực thực hiện trị an xã hội, duy trì đời sống xã hội, giúp cho dân cư toàn xã hội được kiếm ăn, mưu sinh thuận lợi, trôi chảy. Việc làm đó là cần thiết để bảo vệ sự sống còn xã hội, nhưng đồng thời vô hình dung cũng bảo vệ như một lẽ đương nhiên công cuộc làm ăn cho tầng lớp giàu có. Đi đôi với quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước là quá trình chuyển hóa xã hội: hình thái cộng sản nguyên thủy tan rã, hình thành hình thái mới có tên tư bản nguyên thủy (tạm đặt tên như thế vì trên thế giới chưa ai thừa nhận hình thái xã hội này trong lịch sử xã hội loài người; chúng ta là những người đầu tiên nêu ra!), trình độ sản xuất đã được nâng cao hơn, đã xuất hiện sơ khai hình thức sản xuất hàng hóa, con người đã bắt đầu biết tích lũy của cải, sở hữu công cụ lao động và tư liệu sản xuất, chế độ vợ chồng ra đời....
Trong thời tư bản nguyên thủy, lòng tham (sự ham muốn) đã trở thành như bản chất con người, cuộc sống gắn kết gia đình (vợ chồng và con cái) được củng cố, đóng vai trò như tế bào làm nên xã hội (chúng ta tin hình thức hợp thành gia đình sẽ trở nên nhạt nhòa khi hình thái cộng sản chủ nghĩa trở thành xã hội hiện thực). Cũng trong thời tư bản nguyên thủy, nhà nước biến thái dần thành nhà nước của tầng lớp giàu có, bênh vực tầng lớp giàu có. Dân cư trong xã hội đã nhận thức rõ thế nào là danh lợi, quyền lực và tranh giành quyền - lợi trong xã hội cũng chính là hoạt động nhằm cố gắng sống còn. Sự đấu tranh đã xảy ra một cách phổ biến. (Chiến tranh là cuộc gây chết chóc lẫn nhau vì danh lợi nói chung, còn đấu tranh là cuộc đi xóa bỏ bất công trong hưởng thụ danh lợi, tình trạng cực đoan của đấu tranh là chiến tranh!). Lúc này sự phân định giàu - nghèo trong xã hội không còn mang yếu tố tự nhiên thuần túy nữa mà chủ yếu là mang yếu tố nhân tạo: nghèo do nhà nước áp chế, chèn ép, bóc lột mà nghèo đi, giàu do nhà nước ưu tiên, bênh vực dung túng, do cướp bóc được  mà giàu lên. Chính sự phân tầng giàu - nghèo bất chính ấy là nguyên nhân xuất hiện giai cấp.
Như vậy, phải cho rằng sự hình thành nhà nước là tiến đề xuất hiện giai cấp chứ không phải ngược lại như quan niệm của Mác - Lênin. Hơn nữa, không phải lúc nào trong xã hội cũng phân tầng giai cấp và sự tồn tại các giai cấp đạt mâu thuẫn đối kháng; khi nhà nước còn mang chức năng ban đầu (bản chất nguyên thủy là của dân, do dân và vì dân) thì không có phân tầng giai cấp và lịch sử xã hội loài người đã chỉ ra, chưa từng có sự phân tầng giai cấp nào khác ngoài sự phân tầng ra hai giai cấp thống trị - bị trị, nghĩa là tầng lớp công nhân, nông dân, vô sản, tư sản chưa từng tồn tại như những giai cấp có sức sống độc lập mà Mác - Lênin đã lầm tưởng để từ đó hô hào  cuộc cách mạng kinh thiên động địa, đầy ảo tưởng gọi là cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp khốc liệt, phá - xây điên cuồng, hướng tới lý tưởng xã hội tươi đẹp bằng cách bước đầu tiên là đạp đổ chế độ cũ, tiêu diệt giai cấp tư sản bóc lột, nhưng rốt cuộc... chẳng đến đâu cả, không những không xóa bỏ được giai cấp tư sản, mà còn làm xuất sinh từ bản thân mình một tầng lớp "ăn tàn phá hại", đục khoét mục ruỗng xã hội còn hơn cả giai cấp tư sản, đó là bè lũ "tư sản đỏ"!
Qua thời tư bản nguyên thủy thì đến thời chiếm hữu nô lệ. Đặc trưng của thời kỳ này là nhà nước chuyển hóa thành một thứ công cụ bạo lực đứng về phía tầng lớp giàu có, sẵn sàng trấn áp xã hội và được gọi là nhà nước chủ nô (chức năng nguyên thủy ban đầu đã thoái hóa xuống mức tối thiểu). Xã hội phân chia lực lượng dân cư thành hai tầng lớp mâu thuẫn đối kháng nhau rõ ràng là tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị. Sự tư hữu đã đạt đến mức độ tới hạn của nó: những gia đình có của không những chia nhau chiếm hữu hầu hết tư liệu sản xuất, mà còn chiếm hữu cả lực lượng lao động (chiếm hữu nô lệ), biến lực lượng lao động thành một dạng công cụ sản xuất, một đồ chơi giải trí đặc biệt. Sự làm giàu bất chính nhờ được nhà nước "cảnh sát" bảo hộ của tầng lớp thống trị và sự bị đày đọa cùng cực, bị vô sản hóa của tầng lớp bị trị đã ngày càng khoét sâu mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai giai cấp, nung nấu sự bùng nổ cách mạng xã hội, làm xuất hiện hình thái xã hội phong kiến thay thế hình thái chiếm hữu nô lệ.
Cuối thời chiếm hữu nô lệ, những đòi hỏi phá bỏ những ràng buộc, xiềng xích nô lệ, được tự do mưu cầu danh lợi đã làm cho chiến tranh trở thành hiện tượng phổ biến. Sự mở rộng và phát triển của sản xuất hàng hóa yêu cầu nâng cao hơn nữa việc chiếm hữu đất đai và trình độ sản xuất đã là nguyên nhân chủ yếu dọn đường cho hình thái xã hội phong kiến ra đời thay cho chế độ chiếm hữu nô lệ đã trở nên lạc hậu. Đây là thời kỳ tồn tại tầng lớp điền chủ giàu có, sống xa hoa, phè phỡn, lãng phí nhờ thu điền tô của tầng lớp nông dân, nông nô trong xã hội. Đặc trưng của thời đại phong kiến là nhà nước khẳng định chế độ độc tài (chế độ quân chủ), cha truyền con nối như một lẽ tự nhiên. Chiến tranh huynh đệ tương tàn, giành giật danh lợi trong nội bộ tầng lớp thống trị và khởi nghĩa nông dân xảy ra triền miên chống sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của tầng lớp thống trị. Cứ ngỡ với tình trạng như thế, chế độ phong kiến rất nhanh suy tàn, chịu sự thay thế của một hình thái kinh tế xã hội mới. Nhưng không, thật lạ lùng, dù có lúc thịnh lúc suy, chế độ phong kiến vẫn tồi tại dai dẳng hàng ngàn năm, "thọ" nhất trong số các hình thái kinh tế xã hội đã từng tồn tại cho đến nay. Điều đó làm chúng ta suy nghĩ rất nhiều để cố tìm ra lời giải thích thỏa đáng. Có lẽ do trình độ sản xuất hàng hóa đã chưa đủ để tiến lên sản xuất tập trung, qui mô lớn!
Như chúng ta đã khẳng định, thế giới này chỉ có Tự Nhiên Tồn Tại chứ không thể có Hư Vô. Do đó, đặc tính cơ bản nhất của Tự Nhiên Tồn Tại là tồn tại và chuyển hóa. Khi tồn tại thì nó (Tự Nhiên Tồn Tại) phải cố gắng tồn tại (thể hiện ra là quán tính), và khi chuyển hóa thì biến đổi từ dạng tồn tại này sang dạng tồn tại khác. Sinh vật cũng tương tự, ra đời để sống cho dù đến mức hạn định thì phải chết đi (chuyểng sang dạng tồn tại khác). Do đó, trong một thiên nhiên chịu ảnh hưởng bởi qui luật tăng trưởng lạm phát về số lượng cá thể và nguồn thức ăn có tính hạn định, thì qui luật đấu tranh sinh tồn là qui luật cơ bản nhất trong thế giới sinh vật. Nhờ có qui luật đấu tranh sinh tồn mà quá trình tiến hóa - thích nghi được triển khai để thế giới sinh vật chuyển hóa thành đa dạng giống loài và hoàn thiện các cấu trúc cơ thể, các chức năng tìm kiếm thức ăn như ngày nay. Một trong những kết quả tưởng ngẫu nhiên nhưng thực ra là tất yếu của quá trình tiến hóa - thích nghi là làm xuất hiện loài người - loài có tư duy trừu tượng (ở bất cứ nơi nào có môi trường giống Trái Đất đều phải sinh ra loài có tư duy trừu tượng!). Loài có tư duy trừu tượng là loài tích cực nhất trong đấu tranh sinh tồn. Do đó, việc tìm ra lối sống tối ưu để đảm bảo sống còn là hướng đi tất yếu của nó. Và lối sống tối ưu ấy là định cư lâu dài cùng với sự đoàn kết, hợp quần thành cộng đồng xã hội.
Cần phải cho rằng, hình thức sống theo lối cộng đồng xã hội ở loài người có tư duy trừu tượng là tiếp nối hình thức sống theo lối quần thể, bầy đàn theo bản năng ở các loài sinh vật. Nếu mục đích của lối sống quần thể, bầy đàn là tăng cường hiệu quả trong hoạt động sống còn, trong việc kiếm ăn, thì mục đích của lối sống cộng đồng xã hội cũng tương tự, là nhằm tăng cường khả năng sống còn, tăng cường hiệu quả trong lao động, sản xuất, và cuối cùng là tạo khả năng tìm kiếm danh lợi ở mỗi cá thể. Trong thời đại phong kiến, tuy sự bóc lột của tầng lớp thống trị đối với tầng lớp bị trị không ngừng tăng lên làm suy tàn xã hội, song sự phát triển của trình độ sản xuất hàng hóa xã hội và hình như cả sự xuất hiện chiến tranh liên miên cũng góp phần tích cực vào sự duy trì chế độ phong kiến (?). Điều đặc biệt là hình thức nhà nước độc tài (nhà nước quân chủ) đã như một hình thức nhà nước tối ưu, mặc định. Mọi cuộc chiến tranh, sau khi lật đổ được chế độ quân chủ này, ông vua này, thì rồi cũng dựng nên một chế độ quân chủ khác, ông vua khác. Phải chăng chế độ độc tài mang những yếu tố tự nhiên cần có, nghĩa là hợp lý, của mọi chế độ xã hội?
Tuy vậy, chế độ phong kiến rồi cũng đến thời kỳ suy tàn. Nhờ vào sự phát triển vũ bão của khoa học - kỹ thuật, và có lẽ do sự "đuối sức" của nền sản xuất hàng hóa thủ công, mang tính tự cung tự cấp trước sự lớn lên không ngừng về số lượng hàng tiêu dùng phi thực phẩm cộng với sự chi phí quá mức xa hoa, phung phí như tiệc tùng thừa mứa, xây dựng những cung điện, đền đài nguy nga, đồ sộ, ...của tầng lớp thống trị, làm phát sinh đòi hỏi mở rộng nền sản xuất hàng hóa cũ để thiết lập một nền sản xuất có trình độ cao hơn, rộng lượng hơn, tập trung hơn để đạt hiệu quả cao hơn, gọi là nền sản xuất công nghiệp. Nhưng muốn có nền sản xuất công nghiệp thì chế độ quân chủ trở nên không còn phù hợp nữa, phải xây dựng chế độ mới có khuynh hướng tự do hơn, dân chủ hơn quen gọi là chế độ tư bản. Và thế là một hình thái kinh tế xã hội mới ra đời, thay thế hình thái kinh tế xã hội phong kiến, được gọi là hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa. Hiện nay chúng ta đang sống trong hình thái xã hội này.
(Còn tiếp)

-------------------------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH