SỞ HỮU ĐẤT ĐAI (chép)

SỞ HỮU ĐẤT ĐAI
-Ranh giới lãnh thổ hình thành từ bao giờ? Lãnh thổ là một khu vực đất đai nhằm mưu sinh được cho là đã bị chiếm cứ bởi một cá thể, vài cá thể hay một cộng đồng sinh vật nào đó. Ở nhiều loài sinh vật đã có cái tạm gọi là "ý niệm bản năng" về lãnh thổ, đã có những "hành vi sinh học" nhằm xác định ranh giới lãnh thổ tuy còn mờ nhạt, cũng như những hành động bảo vệ lãnh thổ khi bị xâm phạm. Ở loài người, khi đã hình thành tập quán sống định cư lâu dài (bằng trồng trọt cây lương thực và chăn nuôi gia súc), thì khái niệm về lãnh thổ cũng trở nên rõ ràng và việc giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ cũng trở nên có ý thức trước nạn xâm lấn của tập đoàn người khác. Nói tóm lại, việc phân định lãnh thổ, giành giật lãnh thổ và bảo vệ lãnh thổ có nguyên nhân sâu xa từ sự đấu tranh sinh tồn, mà xa hơn nữa, có thể tìm thấy gốc xuất phát trong "cố gắng tồn tại"- một qui luật nền tảng của Tự Nhiên.
-Nếu xét về mặt hình thành lãnh thổ, thì dân tộc Việt đã định cư trên mảnh đất này từ rất lâu rồi. Nhưng lãnh thổ Việt Nam có lẽ chỉ được xác định tương đối dứt khoát vào thời các vua Hùng, đó là khu vực trong phạm vi châu thổ sông Hồng và miền duyên hải ở đó. Sau, cùng với quá trình lan tỏa dân cư tự phát xen lẫn tự giác, mà lãnh thổ Việt Nam mới có hình thù như ngày nay. Có lẽ vào buổi đầu, khái niệm sở hữu đất đai cũng tương tự như sở hữu lãnh thổ, nghĩa là người dân Việt có quyền sở hữu "cha truyền con nối" đất đai để sinh sống (làm nông nghiệp mà không có đất đai thì thật khốn khổ (!) và từ đây chúng ta phần nào hiểu được vì sao người Việt còn gọi lãnh thổ là "đất nước" và vì sao "quê hương, đất nước" là thiêng liêng!). Đến nay do quan niệm cộng sản về quyền sở hữu mà đất đai thuộc quyền "sở hữu toàn dân", nhà nước "tự cho phép" mình làm đại diện chủ sử hữu!

-Việc sở hữu toàn dân về đất đai là đúng hay sai? Trước tiên, muốn trả lời câu hỏi đó phải trả lời được câu hỏi: sở hữu toàn dân là gì? Thiên nhiên và những thực phẩm có được từ thiên nhiên để sống còn, thuở đầu tiên không là của ai cả. Mọi người đều có thể kiếm sống ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, miễn là có khả năng sinh tồn được. Về sau, trong quá trình phát triển xã hội, tình cảm con người ngày một sâu sắc nhờ có quá trình phát triển mọi mặt xã hội (chủ yếu là phát triển lực lượng dân cư!) tuân theo qui luật "đấu tranh sinh tồn" làm nảy sinh khái niệm "sở hữu". Sở hữu là sự chiếm đoạt được số đông thừa nhận những thứ trực tiếp hay gián tiếp có trong thiên nhiên hoặc nhân tạo giúp cho việc mưu sinh hay sống còn (gọi là của cải) cho một cá nhân, một tập đoàn hay một cộng đồng người, một dân tộc người chiếm đoạt (được gọi là "chủ sở hữu"). Lãnh thổ và sở hữu đất đai cũng từ đó mà hình thành. Đẻ ra khái niệm sở hữu của cải tức là đẻ ra một hướng lựa chọn mới để mưu sinh, tồn sinh và phát sinh. Đẻ ra sự tích lũy, sở hữu là đẻ ra thêm một hướng nữa trong mưu sinh, tồn sinh và phát sinh, lấy của cải cùng với sức lao động (thặng dư) tạo thêm ra của cải. Đó là cách nói vắn tắt nhất về quá trình mưu sinh mang yếu tố tất yếu hình thành nên sự bóc lột, chiến tranh, và nền kinh tế tư bản trong xã hội loài người. Lúc đầu, người ta chỉ biết khái niệm chung về sở hữu, mặc dù các hình thức sở hữu đã tồn tại rất sớm trong thực tế. Chính cuộc đấu tranh đi đòi quyền sống lâu dài và quyết liệt của quần chúng cần lao đã vạch ra rõ ràng sự khác nhau của các loại sở hữu và dẫn đến khái niệm công hữu, cộng sản. Ngày nay,  người ta phân biệt hai loại sở hữu cơ bản trong thực tế là sở hữu tư nhân (tư hữu) và sở hữu tập thể (công hữu). Sở hữu toàn dân thuộc về công hữu. Công hữu là sở hữu không thuộc tư hữu mà thuộc của tất cả mọi người. Theo wikipedia: "Sở hữu trong kinh tế chính trị, là một phạm trù cơ bản, chỉ mối quan hệ giữa người với người trong việc chiếm dụng của cải. Nó là hình thức xã hội của sự chiếm hữu của cải. Nó có thể được luật hóa thành quyền sở hữu và được thực hiện theo cơ chế nhất định gọi là "chế độ sở hữu" và "Quyền sở hữu" bao gồm 3 quyền sau: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt
- Chiếm hữu: quyền nắm giữ tài sản/tiêu sản trong tay
- Sử dụng: quyền sử dụng tài sản/tiêu sản theo ý muốn
- Định đoạt: quyền quyết định cho mượn, cho thuê, bán, cầm cố, thế chấp, phá hủy
Khi cho người khác/tổ chức khác mượn hoặc thuê tài sản/tiêu sản thì ta đã trao cho họ 2 quyền: chiếm hữu và sử dụng. Còn quyền định đoạt vẫn nằm trong tay ta. Người khác/tổ chức khác đó sẽ vi phạm pháp luật nếu họ sử dụng quyền định đoạt (bán, cầm cố, thế chấp, phá hủy) đối với tài sản/tiêu sản của ta". 
-Như vậy, công hữu là một khái niệm rất tương đối. Tùy phạm vi sử dụng mà nó có nghĩa riêng, chung hay tối nghĩa. Thí dụ lãnh thổ Việt Nam, nều xét trên bình diện thế giới, thì nó thuộc dạng tư hữu (của riêng người Việt Nam), nếu xét riêng trên lãnh thổ Việt Nam, thì nó là công hữu (của mọi người Việt Nam), nhưng "của mọi người" xét cho cùng là "không của ai cả".
-Tương tự như vậy, đất đai, khi con người còn săn bắt-hái lượm, là không thuộc sở hữu của ai cả. Nhưng khi phương thức trồng trọt-chăn nuôi thành tập quán sống lâu dài, khi lao động trên một mảnh đất làm kế mưu sinh đã thành thói quen thì sở hữu tư nhân về đất đai ra đời. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu một mặt là do đòi hỏi về sự phát triển số lượng lực lượng lao động xã hội (cũng có nghĩa là sự phát triển nhu cầu lương thực xã hội), mặt khác là do kiếp đời người hữu hạn, cũng như sự phát triển văn minh lãnh thổ..., đã tất yếu làm xuất hiện đòi hỏi phải phân phối và phân phối lại đất đai. 
-Có thể nói, quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai, nếu hiểu đúng đắn, là một yêu cầu của chính quần chúng, là một quan niệm tiến bộ, văn minh, vừa thỏa mãn với sự mưu sinh của quần chúng vừa phù hợp với sự phát triển đất nước!
-Trên mạng thấy:
 Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, tiếp tục nhất quán khẳng định “… đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Tại Chương 1, Điều 4, Luật Đất đai năm 2013 ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
Nói đất đai thuộc chế độ SHTD, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, điều này có nghĩa là, SHTD không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Nhà nước chỉ là đại diện cho chủ SHTD, tức là toàn thể công dân của một nước. Nhà nước thay mặt toàn dân quy định việc phân định các quyền năng và cơ cấu các chủ thể thực hiện các quyền năng này nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai. Và quy định việc phân chia lợi ích thu được từ đất đai đáp ứng yêu cầu của toàn dân và của toàn xã hội. Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước có được một tập hợp các quyền cơ bản: Quyền sở hữu; quyền định đoạt và quyền quản lý.

Người dân - người sở hữu, có các quyền năng, như: Quyền chiếm hữu, QSDĐ, quyền hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; quyền được bảo vệ khi người khác xâm phạm đến QSDĐ hợp pháp của mình; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm QSDĐ hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai; quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, quyền được giao dịch trên thị trường đất đai, quyền thế chấp, thừa kế, cho, tặng QSDĐ. Đây là các quyền hoàn toàn chính đáng trong khái niệm “sở hữu toàn dân”. Bởi người dân là chủ thể chính chứ không phải Nhà nước.

Với cách hiểu như trên thì SHTD về đất đai không phải là phạm trù, thuật ngữ lý thuyết, trừu tượng, thuần túy mang tính pháp lý, mà là một phạm trù kinh tế hiện thực.
-Luật pháp nói như vậy nhưng trên thực tế người ta vẫn hiểu thế này: lúc bình thường sở hữu đất đai coi như thuộc về tư hữu (vì coi như đều có cả ba quyền: chiếm hữu, sử dụng,mua bán), nhưng khi cần thì sự tư hữu ấy chuyển hóa thành công hữu, tức là thuộc sở hữu nhà nước (như đã nói, khái niệm "sở hữu toàn dân" là một khái niệm mông lung, bất định. Yêu cầu cụ thể hóa chủ sở hữu đất đai buộc lý tưởng cộng sản phải đi đến quan niệm "đại diện chủ sở hữu". Mà nhà nước đại diện cho một chủ sở hữu mông lung, không xác định được thì có khác gì là chính chủ sở hữu đâu?).
-Từ xưa, lãnh thổ là môi trường sinh sống thường xuyên của một cộng đồng người (một dân tộc, một bộ lạc...) nhất định, đất đai là phần lãnh thổ mà người dân mưu sinh hàng ngày (thậm chí là kiếm tìm hạnh phúc!) trên đó. Đối với những nước còn thuần nông nghiệp (như Việt Nam) thì thành ngữ "tất đất tấc vàng" vẫn đúng. Mặt khác, do qui luật "đấu tranh sinh tồn" và tăng trưởng lạm phát số lượng dân cư chi phối, nên xuất hiện nhu cầu phân phối lại đất đai, nên hướng phát triển lên văn minh của xã hội loài người (nói riêng là cộng đồng người), kéo theo nhu cầu về đất đai lãnh thổ dùng vào việc công cộng, cải tạo, xây dựng lãnh thổ cho phù hợp, vững mạnh, tương xứng với nền văn minh ấy là tất yếu.
-Vậy, việc sử dụng đất đai trong một lãnh thổ nhằm thỏa mãn hai mục đích. Hai mục đích đó, trong một xã hội phát triển lành mạnh, sáng suốt, xét cho cùng thì đều phục vụ cho mục đích chung, thường gọi là "quốc kế dân sinh". Mục đích thứ nhất, có tính thường xuyên, đóng vai trò cơ bản, chủ yếu, mặc định, quyết định đến sống còn, thịnh suy, an nguy xã hội là nuôi trồng thực phẩm, lương thực để đảm bảo đời sống người dân. Mục đính thứ hai, có tính lâu dài, nhân tạo, công cộng thuộc lãnh thổ, cũng rất quan trọng nhưng không quyết định trong "quốc kế dân sinh", thường được cho là có tính hỗ trợ (có đắc lực hay không thì chưa biết!) cho mục đích thứ nhất.
-Đất nước Việt Nam ta sau chiến tranh, vượt qua thời lạc lối, đổi mới, phát triển nền kinh tế, hướng tới "dân giàu nước mạnh" cũng chính là nhằm đạt được hai mục đích trên.Tuy nhiên, một phần vì chưa thấm nhuần khái niệm "nhà nước nhân dân" (là nhà nước của dân, do dân và vì dân), một phần vì nạn tham nhũng (lấy danh nghĩa qui hoạch vì quốc kế dân sinh nhưng thực ra là vì tư lợi), phần nữa là chưa thấu đáo kiến thức, nên việc thực hiện hai mục đích ấy ở nhiều nơi chưa đồng bộ, chưa phù hợp, còn gây ra nhiều mâu thuẫn, nhiều phản ứng gay gắt, dần hình thành nguy cơ làm rạn vỡ niềm tin không thể hồi phục được của nhân dân đối với chính quyền.
-Thử hỏi từ khi thực hiện "quốc kế dân sinh" đến nay (nhất là thời kỳ đầu!), đã có bao nhiêu cuộc đền bù giải tỏa cho người dân cực kỳ rẻ mạt, phi lý, đã có bao nhiêu cuộc cưỡng bức đất đai đầy ngang trái, bất công? Nhiều lắm, thậm chí là không đếm xuể! Ôi đất nước Việt Nam ngày nay, trong đó có bao nhiêu phần là máu xương của những người anh hùng giữ nước, có bao nhiêu phần là mồ hôi nước mắt của người dân?
-Nguyên nhân chân chính của sự hình thành nhà nước trên một lãnh thổ là phối hợp hành động nhằm tạo ra (những) hành động chung, chính đáng, phù hợp, đạt hiệu quả tối ưu, phụng sự cho công cuộc mưu sinh của cộng đồng người sống trên lãnh thổ đó (gọi là "toàn dân"). Vì lẽ đó, không những đất đai là sở hữu toàn dân mà đại diện chủ sở hữu đất đai (tức nhà nước) cũng thuộc sở hữu toàn dân, nghĩa là dân có đủ ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhà nước(!). Đại diện cho toàn dân để sử dụng ba quyền đó và cả quyền sở hữu đất đai chính là quốc hội. Qua đây mà thấy, quốc hội phải là nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của một đất nước, có quyền lực tối cao, hoạt động độc lập như một thực thể và chịu trách nhiệm trực tiếp trước toàn dân. Nếu đúng chức năng, vai trò của quốc hội là cực kỳ quan trọng, nó quyết định đến sự tồn vong của cả một chế độ, và nếu xét trên bình diện cá nhân thì chủ tịch quốc hội là người có quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm chính và trực tiếp trước toàn dân về những quyết sách của nhà nước.
-Trước đây, dưới ách đô hộ, bóc lột của quân xâm lược và triều đình phong kiến thối nát, nhân dân ta phải sống đời lầm than, đói khổ. Đảng cộng sản Việt Nam đã tiền phong chiến đấu hy sinh, dẫn dắt toàn dân làm cách mạng, mở đường, chỉ lối cho dân tộc đến bến bờ độc lập, tự do. Lúc đó Đảng nắm vai trò toàn quyền lãnh đạo là đương nhiên, chính đáng, hợp lòng dân, được đại đa số nhân dân hết lòng ủng hộ, ca ngợi và trung thành đi theo Đảng. Sau khi đập tan chính quyền thực dân, xây dựng nhà nước nhân dân, thành lập quốc hội, Đảng không còn trong sáng như xưa nữa, nhiều đảng viên dần đã có những biểu hiện ngày càng rõ ràng về sự thoái hóa, biến chất làm mất niềm tin của nhân dân, nhưng Đảng vẫn tự coi mình có quyền lãnh đạo nhà nước. Đây là một mâu thuẫn rất sâu sắc về mặt lý luận. Muốn lãnh đạo nhà nước thì Đảng phải thao túng quốc hội (qua đây mà thấy Đảng có cố gắng không độc tài đến mấy vẫn phải độc tài!). Chính vì thế mà quốc hội ngày nay vẫn là một thực thể phụ thuộc, chưa phải là nơi hội tụ đủ nhân tài, tinh hoa trí tuệ của toàn dân, chưa là đại diện chân chính của nhân dân cần lao, nghĩa là của dân tộc Việt.
-Hoạt động duy nhất của nhà nước nhân dân là phụng sự "quốc kế dân sinh" làm "dân giàu nước mạnh". Có lẽ phải quan niệm lại cách sử dụng đất đai trong một lãnh thổ để thỏa mãn lâu dài cùng lúc hai mục đích "quốc kế dân sinh", để không còn có thể núp bóng danh nghĩa "vì dân" mà tư lợi. Nên chăng, cần cho rằng trong một đất nước đồng thời tồn tại hai quyền sở hữu đất đai là tư hữu và công hữu? Quyền tư hữu về đất đai là quyền sở hữu có tính tương đối, có giới hạn. Còn quyền công hữu về đất đai là quyền sở hữu có tính tuyệt đối, lâu dài. Trong khi thực thi hai quyền đó, có thể có lúc xảy ra trúc trắc, trái chiều, mâu thuẫn, nên để hòa hợp, hài hòa, thuận thảo hai mục đích và được đại bộ phận nhân dân ủng hộ, luôn luôn phải thỏa mãn nguyên tắc cơ bản là ưu tiên quyền sở hữu tư nhân, vì xét đến cùng thì nhà nước cũng chỉ là công cụ của toàn dân, cán bộ nhà nước, trước khi bước vào chấp nhận hoạt động "quan trường", phải thấm nhuần tư tưởng là đầy tớ phụng sự cho dân. Nghĩa là, khi nhà nước cần thu hồi một khu vực đất đai nào đó, phục vụ cho "quốc kế dân sinh", phải lấy đảm bảo kế sinh nhai lâu dài của nhân dân trong vùng qui hoạch làm tối thượng dù nhà nước có phải chịu thiệt thòi trước mắt (thực ra là toàn dân thiệt thòi chút ít vì cuộc sống của bộ phận dân cư khu vực), nghĩa là phải thực hiện nghiêm chỉnh các bước sau:
1, Lập dự án. Phân tích có khoa học ích lợi của công trình. Xác định xem công trình đã thực sự phù hợp về không gian và cả thời gian chưa.
2, xem xét cụ thể mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân trong khu vực qui hoạch để có kế hoạch phân phối đất đai sản xuất mới và đền bù thỏa đáng.
3, Nhất quyết phải hỏi ý dân minh bạch, rõ ràng (trừ các công trình an ninh quốc phòng) và tôn trọng triệt để ý kiến phán quyết (theo số đông) của nhân dân (nếu ý kiến nhân dân là phủ định thì dứt khoát không triển khai!).
-Nếu ngay từ đầu "các quan" thực hiện chính trực việc qui hoạch đất đai theo ba bước ấy, tin chắc rằng sự phản kháng của dân chúng như từng thấy (vụ Đoàn Văn Vươn, mở rộng Hà Nội, Dương Nội, Văn Giang, Fomosa...) đã không xảy ra, đã không phải chứng kiến những cảnh đau lòng. Vì dân tộc Việt, như đã thấy từ ngàn xưa, là dân tộc bất khuất, thông minh, biết lẽ phải, nhẫn nhịn, vị tha, hết mình ủng hộ nhà nước nếu nhà nước đó thực sự là "của dân, do dân và vì dân", tồn tại và hành động chỉ vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của toàn dân, chứ tuyệt đối không có một mưu lợi nào khác.
-Mong nhà nước nghĩ lại!
-Vậy, có thơ rằng:

          ÔNG ĐỊA

 Cục đất có được chút màu bôi
Bôi mình xanh đỏ, tô mắt môi
Gấp miếng giấy bồi phe phẩy quạt
Kiếm chỗ thâm trầm đặt đít ngồi

Kiếm chỗ thâm trầm đặt đít ngồi
Khỏe re ông Địa được thăm nuôi

Khỏi cần làm lụng mà no béo
Phạch bụng nghênh nhòm tít mắt cười

Phạch bụng nghênh nhòm tít mắt cười
Quyền cao chức cả, thế mà thôi
Ai dám khinh ông là cục đất
Cũng người, cũng ngợm, cũng như Trời

Cũng người, cũng ngợm, cũng như Trời
E nỗi thằng Dân lúc thất thời
Cáu ông, nó quẳng vù thiên lý
Bay trúng bệ thờ, nát rã rời!

                            Trần Hạnh Thu                

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH