Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

TIẾNG THƠ 3

(ĐC sưutầm trên NET)

Trần Quang Hải : Có bao nhiêu cách ngâm thơ ở Việt Nam

Hỏi : Tôi có dịp nghe người Tàu ngâm thơ giống như đọc thơ . Còn người Việt ngâm thơ có cảm tưởng như hát vậy ? Xin cho biết bên xứ Việt Nam có bao nhiêu cách ngâm thơ ? và ngâm thơ có nhạc đệm hay không ?

Đáp : Nguyên cả Á châu, ngâm thơ đều là đọc thơ với giọng trịnh trọng, chứ không có ngân nga lên xuống như Việt Nam . Xứ Việt Nam duy nhứt có nhiều thể loại ngâm thơ không những ở Á châu mà luôn cả trên thế giới .
Nếu ông nghe người Việt ngâm thơ mà có cảm giác như hát , điều đó dễ hiểu là vì người Việt phát triển thể điệu ngâm thơ trên một bát độ , lên xuống .



Hỏi: Xứ Việt Nam có bao nhiêu cách ngâm thơ ?

Đáp :Ở miền Bắc có 4 loại ngâm thơ : ngâm sa mạc, ngâm Kiều hay lẫy Kiều, ngâm thơ theo hát ru, ngâm thơ theo hát nói .

1. Ngâm Sa Mạc

Thang âm sa mạc rất đặc biệt, là có sự hiện hữu của quãng ba trung (tierce neutre / neutral third) có nghĩa là quãng ba ở chính giữa hai quãng ba thứ (tierce mineure / minor third) và quãng ba trưởng (tierce majeure / major third) . Thang âm (échelle musicale / musical scale) như sau : Do, Mi trung, Fa, Sol, Sib, Do . Người ngâm phải biết thể luật ngâm theo điệu Sa Mạc . Tất cả chữ chót của câu thơ bằng dấu huyền như “làng , buồn, tình, đời , vv” thì phải ngâm ở nốt DO. Còn chữ chót của câu thơ bằng không dấu như “thương, yêu, tôi , anh , em” thì ngâm ở nốt MI trung

2. Ngâm Kiều hay Lẫy Kiều

Ai là người Việt cũng đều biết tới truyện Kiều . Nhưng cách ngâm Kiều không phải là ai cũng biết . Thang âm gần giống như thang âm Sa mạc nhưng không có quãng ba trung mà là quãng ba thứ và được trình bày như sau : Do, Mib, Fa, Sol, Sib, Do . Khi ngâm ngừng ở chữ dấu huyền ở cuối câu thơ thì phải ngâm ở nốt DO . Khi chữ chót của câu thơ là không dấu thì phải ngâm ở nốt FA . Do đó tạo sự khác biệt giữa Sa Mạc và lẫy Kiều .

3. Ngâm thơ theo Hat Ru

Hát ru là điệu ru con miền Bắc, dựa trên thang âm : Do, Re, Fa, Sol, La, Do . Chữ có dầu huyền ở cuối câu thơ phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót không dấu thì phải ngâm ở nốt FA .Gọi là ngâm thơ chứ thật ra là hát ru , chỉ trừ là không có hát „à á a ời ! à á a à ơi ! „ như trong hát ru .

4. Ngâm thơ theo hát nói

Hát nói là một thể loại trong Ca Trù được dùng vào cách ngâm thơ miền Bắc . Thang âm rất đặc biệt : Do – Fa – Lab- Do. Chữ chót của câu thơ là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO, và nếu chữ chót là không dấu thì ngâm ở nốt FA , chứ không thể ngâm ở bất cứ nốt nào . Người nào ngâm theo thễ Hát nói là phải có căn bản về Ca Trù , nếu không thì sẽ ngâm sai .

Ở miền Trung có ngâm thơ Huế tức là dựa trên thang âm miền Trung (được nghe lúc hát hò mái nhì , hò mái đẩy). Thang âm gồm có những nốt nhạc như sau : Do, Re (hơi thấp), Fa (hơi cao), Sol, La (hơi thấp), Do . Nốt cuối câu có thể ở nốt DO hay nốt FA tùy theo người ngâm muốn dừng ở đău .

Ở miền Nam có nhiều cách ngâm thơ . Ở lục tỉnh người ta đọc thơ Vân Tiên (truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu) . Thang âm : Do , Mib, Fa, Sol, La, Do . Chữ chót là dấu huyền thì phải ngâm ở nốt DO. Nếu chữ chót là không dấu thì phải ngâm ở nồt FA

Ngâm thơ theo điệu Hò thì cũng dựa trên thang âm đặc biệt miền Nam như thang âm dùng trong đọc thơ Vân Tiên

Ngâm thơ Tao Đàn đặc biệt của miền Nam nhưng do nhà thơ Đinh Hùng (người Bắc) tạo ra sau hiệp định Genève năm 1954 chia nước Việt ra hai miền Bắc / Nam . Nhà thơ Đinh Hùng có làm một chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh Saigon « Ngâm thơ Tao Đàn » . Trong chương trình này có cách ngâm thơ đặc biệt , và khán giả nghe quen gọi là ngâm thơ theo điệu Tao đàn . Thang âm hoàn toàn miền Nam : Do, Mib, Fa, Sol, La, Do . Chữ cuối câu thơ nếu là dấu huyền thì ngâm ở nốt DO . Còn nếu không dấu thì ngâm ở nốt FA hay có thể ngừng ở nốt SOL

Lúc trước ở miền Nam trong chương trình “ngâm thơ Tao Đàn” ngoài Đinh Hùng , còn có bà Hồ Điệp (lúc trước khi vào Nam là cô đầu hát ca trù rất hay), Tô Kiều Ngân, nữ ca sĩ Hoàng Oanh , vv…
Ngày nay ở hải ngoại, có nhiều người thích ngâm thơ nhưng căn bản không có , hoặc không nắm vững các thể loại và lại thích trộn ba bốn thể loại ngâm thơ vào chung trong một bài khiến cho khi nghe một chương trình ngâm thơ trở thành nhàm chán .



Hỏi : Ngâm thơ có nhạc đệm hay không ?

Đáp : Lúc khởi đầu vào đầu thế kỷ 20, đệm ngâm thơ chỉ có tiếng sáo, đàn tranh , đàn bầu. Về sau có thêm đàn nguyệt (hay đàn kìm theo miền Nam)
Từ khi có thể điệu ngâm thơ Tao đàn thì lại có thêm piano. Lúc trước 1975 ở Saigon, GS Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi là người đàn piano để đệm ngâm thơ rất được ưa chuộng . Sau này ở hải ngoại, những người ngâm thơ được đệm chánh là tiếng sáo, tiếng đàn tranh, và đôi khi đàn bầu . Sự giới hạn nhạc khí là do bởi ở hải ngoại hiếm có nhạc sĩ dàn kìm .


Trần Quang Hải
Nhạc sĩ & Dân tộc nhạc học gia 

Bài ca mùa xuân 1961
Tố Hữu

Tôi viết bài thơ xuân
Nghìn chín trăm sáu mốt
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh...
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!

Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy
Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
Như buổi đầu hò hẹn, say mê
Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
Mà nói vậy: "Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ, và phần để em yêu..."
Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay
Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!

Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện
Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh
Tam Đảo, Ba Vì vui núi xuân xanh...
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng...
Ôi tiếng của cha ông thuở trước
Xin hát mừng non nước hôm nay:
Một vùng trời đất trong tay
Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng!
Việt Nam, dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người!
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!
           
Đời vui đó, hôm nay mở cửa
Như dãy hàng bách hóa của ta
Hỡi những người yêu, hãy ghé mua hoa
Và đến đó, sắm ít quà lễ cưới:
Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi
Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!
Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết...
Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết
Ta nắm tay nhau xây lại đời ta
Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!
           
Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc
Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần
Cả không gian như xích lại gần
Thời gian cũng quên tuần quên tháng.
Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng!
Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng
Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung
Người hợp tác nên lúa dày thêm đó.
Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ
Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm
Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi
Những đoàn xe vận tải nối nhau đi
Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì
Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi...
           
Nào đi tới! Bác Hồ ta nói
Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân
Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân
Mời những bàn chân, tiến lên phía trước.
Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!
Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?
Hỡi những người trai, những cô gái yêu
Trên những đèo mây, những tầng núi đá
Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!
Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai
Khói những nhà máy mới ban mai...
           
Tôi viết cho ai bài thơ 61?
Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt
Hà Nội rì rầm... Còi thổi ngoài ga
Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ...
Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó
Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!
Ta biết em rất khỏe, tim ơi
Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng
Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng?
Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà
Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
Miền Nam dậy, hò reo náo động!
Ba con tôi đã ngủ lâu rồi
Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi
Miền Bắc thiên đường của các con tôi!
Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
Treo trước mắt của loài người ta đó:
Hòa bình
ấm no
Cho
Con người
Sung sướng
Tự do!

ta đi tới

Tác giả: Tố Hữu
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước.
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
Đường cách mạng, dài theo kháng chiến...
Đến hôm nay đường xuôi về biển
Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí
Nói với Nửa - Việt Nam yêu quý
Rằng: nước ta là của chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Chúng ta, con một cha, nhà một nóc
Thịt với xương, tim óc dính liền.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Dù ai rào giậu ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!
Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng.
Những bàn chân từ than bụi, đầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng.
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!
Ta đi tới, không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển.
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

8-1955

Buồn quá phải không ông? Đất nước mình ( Ảnh minh họa)

 Một bài thơ ngằn ngặt nỗi buồn.  
Đất nước với sự yên hàn không có tiếng bom, tiếng đạn thế mà vẳng hẳn tiếng cười vô tư của cả xã hội, một cộng đồng người như mất phương hướng, lầm lũi đi, đi như vô vọng, không đích. Một dân tộc cô đơn, cứ tự mình huyễn hoặc để rồi chuốc lấy bao nhiêu nước mắt, tủi, hờn...Đau nữa, đất nước mình không thiếu anh hùng, cũng không thiếu sự thông minh, cương cường, dân sẵn sàng đạp bằng sóng dữ, chặn đứng quân xâm lược, chỉ thiếu người lãnh đạo, thiếu một minh chủ có uy, có tín, có tâm...
Thương đất nước mình.

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG 
ANH ?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
TRẦN THỊ LAM
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét