Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

TIẾNG THƠ 4

 (ĐC sưu tầm trên NET)
----------------------------------------------------------------

người đi tìm hình của nước

Tác giả: Chế Lan Viên
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn.

Trǎm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây!

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương, nửa đời quen thuộc,
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi...

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lǎm triệu con người.

Có nhớ chǎng, hỡi gió rét thành Ba Lê?
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa bǎng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,
Những đất tự do, những trời nô lệ,
Những con đường cách mạng đang tìm đi.

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
ấn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng tỉnh giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?...

Ơi, độc lập!

Xanh biếc mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,

Bác thấy:

Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt

Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc...
Không còn người bỏ xác bên đường ray.

Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trǎng vào phòng ngủ công nhân
Những keó quê mùa đã thành trí thức
Tǎm tối cần lao nay hóa những anh hùng.

Nước Việt Nam nghìn nǎm Đinh, Lý, Trần, Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn nǎm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc
Tuyết Matxcơva sáng ấy lạh trǎm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi! Nhưng Bác chẳng dừng chân.

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

Hành trình của một người yêu nước trong “Người đi tìm hình của nước”

Người đi tìm hình của Nước (1960) là một bài thơ hay của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Nhiều nhà phê bình đã tiếp cận bài thơ như một sự chiêm nghiệm về vị lãnh tụ vĩ đại – Người cha già kính yêu của dân tộc, đã bôn ba tìm đường cứu nước khi đất nước còn chìm đắm trong đau thương. Xuân Diệu cho rằng, đây là một trong ba bài thơ thành công nhất của tập Ánh sáng và Phù sa (NXB Văn học, 1960). Có thể thấy, xuyên suốt bài thơ là hành trình của một người yêu nước, từ lúc con tàu La Touche Treville đưa Người vượt cả một chặng dài lênh đênh trên sóng bể cho đến lúc Người tìm thấy “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước” và trở về với Tổ quốc yêu thương.

Bài thơ lấy cảm hứng từ những sự kiện quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi gặp Chủ nghĩa Lê-nin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Có thể nói rằng, bài thơ được khởi nguồn từ hồi ký của Người viết vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Lê-nin (4-1960), bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin.

Soi chiếu lịch sử từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc đều đi vào khủng hoảng:

Bao nẻo người đi bước trước sau
Một câu hỏi lớn biết về đâu?
Năm châu thăm thẳm trời im tiếng
Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu.   

Qua đó, mới thấy khát vọng cháy bỏng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên viết:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Dòng thơ có 10 từ, như khép mở hai chặng đời. Hai vế câu tưởng như trái ngược nhau nhưng lại có mối quan hệ nhân quả, rất lô-gíc : vì yêu nước, không cam tâm nhìn nhân dân nô lệ nên phải ra đi tìm lại dáng hình đất nước - một đất nước độc lập-tự do.

Khởi đầu của cuộc hành trình, người thanh niên ấy canh cánh bao nỗi niềm. Con tàu như mang chở cả tình yêu Tổ quốc:

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Những bãi bờ, làng xóm, những hàng tre quen thuộc của đất nước càng lúc càng mờ khuất dần, lẫn vào chân trời, thì cũng là lúc dậy lên đau đáu trong tâm can về tình yêu xứ sở. Trong cái đêm đầu tiên xa nước ấy, tình yêu và nỗi nhớ nước càng sâu sắc, thấm thía :

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?

Nói “ai nỡ ngủ” là nói đến sự can thiệp của ý thức đối với tiềm thức, Người không đành lòng ngủ, song thực ra, đây chính là nỗi thao thức tự nhiên, biểu hiện của tấm lòng lo nước thương dân ở Người. Cho đến mãi những năm tháng sau này, trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc hay trong những đêm khuya ở núi rừng Việt Bắc kháng chiến, Người cũng đã có biết bao đêm “không ngủ được” như thế.

Chế Lan Viên như hóa thân vào tận ngõ ngách tâm hồn nhân vật trữ tình để thể hiện rất xúc động quá trình diễn biến tâm lý của người ra đi:

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương…

Trong ngỡ ngàng trước những bến bờ xa lạ, Người càng thấy yêu hơn, hiểu nhiều hơn về nỗi đau thương của dân tộc, đất nước mình. Nếu như không có sự tồn tại của hình ảnh đất nước đau thương, có lẽ sẽ không có động lực để Người đi tìm dáng hình tương lai cho Tổ quốc Việt Nam mới – Hình của Đảng lồng trong hình của Nước, để đem lại “cơm áo”, “hạnh phúc” cho dân tộc muôn đời.

Hình ảnh người thanh niên yêu nước xuất hiện ở hai khổ thơ đầu không kỳ vĩ, hoành tráng như đấng trượng phu chí lớn “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du) hoặc cuồn cuộn hào khí như người sĩ phu yêu nước “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió. Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” (Lưu biệt khi xuất dương – Phan Bội Châu). Trong hai khổ thơ này, hình ảnh người thanh niên hai mươi tuổi, vượt trùng dương mênh mông đi tìm đường cứu nước hiện ra thật khiêm nhường và giản dị nhưng lại trở thành hình mẫu cao cả, đối lập với những cuộc đời quẩn quanh, nhỏ bé trong ao tù nô lệ:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Hành trình của người thanh niên yêu nước mở ra với mục tiêu chính trị cụ thể, không mơ hồ, huyễn hoặc hay ảo tưởng. Cái mà Người đi tìm không phải là những chân trời nghệ thuật, hay “một đấng vô hình sương khói xa xôi” mà là một chân lý cụ thể cho dân, cho nước :

Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.

Những câu thơ giàu chất suy tưởng gợi lên một nhân cách với tầm tư tưởng lớn của thời đại. Nhà thơ như dẫn dắt chúng ta đi theo hành trình cứu nước gian khổ của người thanh niên yêu nước. Trong những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác trong những năm tháng bôn ba ở xứ người, Chế Lan Viên chọn lựa các chi tiết tiêu biểu, cô đúc lại bằng lối so sánh giàu giá trị biểu cảm và đầy sức gợi :

Có nhớ chăng hỡi giá rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.

Đọc lại những câu thơ này, chúng ta thật sự xúc động và càng thấy kính yêu Bác biết bao ! Con đường cứu nước của Bác thấm đẫm những giọt mồ hôi từ bao công việc khó nhọc của một người giàu nhiệt huyết, hừng hực ý chí đấu tranh. Theo dòng sự kiện, Chế Lan Viên khái quát cuộc đời hoạt động của Người bằng ngôn ngữ thơ vừa mượt mà, trữ tình vừa sắc sảo, trí tuệ với một phong cách tài hoa.

Lịch sử thế giới đã trải qua những giờ phút rung chuyển của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917. Hành trình cứu nước của Bác được soi rọi bởi “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Và, cũng chính ánh sáng mặt trời ấy đã dẫn đường cho Người đến với Chủ nghĩa Lê-nin. Dường như dáng hình đất nước đã dần dần xuất hiện khi Người đọc được Luận cương của Lê-nin:

Luận cương đến với Bác Hồ. Và người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

Cái độc đáo trong những câu thơ trên là ở chỗ từ những sự kiện chính trị trọng đại, Chế Lan Viên đã thổi vào đó cảm xúc, suy nghĩ, làm sống dậy cái phút giây lịch sử trong hành trình cứu nước một cách thật xúc động.

Giọt lệ của lòng yêu nước sao quá đỗi thiêng liêng! Dẫu ai đã đọc qua áng văn nghị luận ở dạng hồi ký của tác giả Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin - cũng không thể hình dung về sự vận dụng tài hoa, sáng tạo mà có sức lay động lòng người đến thế của Chế Lan Viên! Suốt hành trình cứu nước, đây là giọt nước mắt hạnh phúc vô biên đầu tiên, xua tan bao nỗi lo dân nước, kể từ khi Người xa rời Tổ quốc yêu thương:

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây ! Hạnh phúc đây rồi !”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

Có người cho rằng, phát hiện của Bác giống như phát hiện của nhà khoa học khi tìm ra chân lý. Cũng cần nói thêm rằng, Bác Hồ của chúng ta đã tìm thấy một chân lý lịch sử: Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Người tin rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người thanh niên yêu nước đã vượt qua bao chông gai hiểm trở để đi tìm và đã tìm thấy con đường đúng đắn, đem lại tự do độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Bằng những khổ thơ đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi đẹp của đất nước. Sự gắn kết điểm nhìn của tác giả với điểm nhìn của nhân vật trữ tình yêu nước là ở niềm tin yêu, lạc quan về những thay đổi tốt đẹp của ngày mai:

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.

Hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam bước lên đài vinh quang với vẻ đẹp rực rỡ lạ kỳ:

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che

Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc về công lao vĩ đại của Người khai sáng ra nước Việt Nam mới.

Từ những sự kiện lịch sử, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo: NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC. Có thể khẳng định, đây là một trong những bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Trên con đường đến với cách mạng và nhân dân, “từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả” (P. Eluard), từ “ngọn gió siêu hình thổi nghìn nến tắt“ đến “bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”, thơ Chế Lan Viên mang tầm cao mới, thể hiện tiếng nói của dân tộc và thời đại.
Đà Nẵng, tháng 5-2011
NGUYÊN TÂM
                     
Đừng quên
Hỡi ai đi lên phía trước chớ quên sau lưng mình cái hang Pắc Bó
Đi tận cùng năm tháng không quên
Đi khuất lấp vẫn còn nhớ mãi
Đi muôn xa còn quay lại ngoái nhìn.

Qua Điện Biên, Ấp Bắc đừng quên
Vượt sông Hồng, sông Cửu không quên
Đong mùa vàng năm tấn, nào quên
Gặt vạn ngày thắng Mỹ, không quên.

Cả nước mắt, hang này là độc lập
Thay non sông đón Bác buổi ban đầu
Rừng hiền hậu suối khe chất phác
Lịch sử lấy nơi này làm đất chôn rau

Dù muôn trùng còn cách mũi Cà Mau
Một tấc đất đã là Tổ quốc
Nay có trong tay trời Nam bể Bắc
Dám đâu quên hang nhỏ thuở ban đầu


Nắm đất biên thuỳ

Mùa bioóc-cà ơi, mùa bioóc-ca ơi,
Trăng hoa núi khắp sườn cao biên giới
Thơm lá thơm hoa thơm rừng thơm suối...
Thơm ngát hồn ta, xuân lắng đời Người.

Biên giới vô hình thay, biên giới hữu hình...
Có phải xưa nay gió qua đây gió đều lộng thổi
Đầu lau lao xao, bông ngả đón mình
Mây quá trắng trên trời chừng muốn nói.

Bác từng vượt qua bao quốc gia sông núi bao lần
Sá gì một sắc kim anh chỗ biên thuỳ kia, chân dừng sững lại.

Trời bể ba mươi năm nay một chút tần ngần
Cái đích suốt đời nay mới tới.

Tổ quốc rồi đây, Tổ quốc thân yêu
Mà nhân loại không làm khuây khoả nổi
Tổ quốc đau thương. Tổ quốc khổ nghèo
Mỗi iên đá chỗ biên thuỳ đều rắn lại

Gió rừng cao thổi chòm râu phơ phất của Người
Thanh niên năm nao, nay Bác tóc râu rồi
Nhưng đã sáng trăm lần đôi mắt sáng
Cả thế giới thu vào trong, như ngọc một đời

Bác lặng âm thầm. Vầng trán trầm ngâm
Cả sông núi đất trời cùng một phút hồi tâm
Phút sâu thẳm trong li ti huyết quản
Nghe thủy triều nín lại thủy triều dâng.

Rừng thẳm. Non xa. Bể rộng. Sông dài...
(Một chút làng Sen đau ở cuối trời)
Giai cấp. Giống nòi. Nghìn xưa. Hiện tại
Một phút định hình. Một phút hoài thai.

Phút kính cẩn hai tay nâng lấy đất
Ba mươi năm đất ấy ở trong hồn
Nay xương thịt nay hình hài trước mặt
Bác lặng nhìn và cúi ghé môi hôn...


Hang mở nước

Ai đi lên phía trước
Chớ quên sau lưng mình
Cái cửa hồng bình minh
Chốn hang sâu mổ nước.

Nay núi sông hiển hách, nhìn đây
Cầm trang thơ rộng khổ nhìn đây
Lên đài cao nhân loại nhìn đây
Say vua Hùng chim Lạc nhìn đây.

Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm
Hang đá này Bác đắp chiếc chăn sui
Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm
Giò rừng đừng thổi nữa, gió rừng ơi.

"Cuộc đời cách mạng thật là sang"
Bắt con ốc khe, chặt nõn chuối ngàn
Đây bát cơm ngô qua ngày bệnh yếu
Bác chia cùng dân tộc giữa lầm than.

Lạnh cánh chim đêm nó gọi thù thì
Bác ngủ đi nào, không Bác mệt
Thức đến sáng trời chưa hết việc
Kìa gà rừng đã gáy te te.

Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa
Thảo từng trang sử lớn cho đời
Tượng Mác trầm ngâm trong hình thạch nhũ
Rõi từng dòng từng chữ qua vai.

Sử Đảng thân yêu, sử cả loài người
Sử Tổ quốc trong hồn thơ lục bát
Bia Tự Đức, đã một thời mất nước
Lót đường in dòng sử ngày mai.


Đời dưới ấy

Ngày mai, ngày mai...
Ở dưới kia đời đâu có ngày mai
Sông thương đau dòng nước chia hai
Ngỡ dòng đục lẫn dòng trong muôn thuở
Đời chảy xuôi trong quặn thắt của đời.

Đã mỏi rồi chằng? Những dáng Trường Sơn...
Núi chon von thì trời lại chon von
Cao chi bấy những trời cao vô vọng
Thổi gió hư vô trên đỉnh của hồn

Đất nước thừa người làm thơ mà thiếu người làm sử,
Không câu thơ viếng mộ các anh hùng,
Kẻ gọi đò chỉ còn có gió
Nào ai lại qua trên Hàm tử, Chương dương?

Những trang sách nước nhà do tay giặc viết
Tống đồng ơi, ngươi có ích chi?
Thừa bốn nghìn năm mà thiếu một ngày độc lập
Thì trống đồng đào được lại chôn đi.

Giặc Pháp chưa qua thì đà giặc Nhật
Triều vua đẻ những triều vua kế tục
Đêm hồng hoang đêm trung cổ tự say mình
Vẫn thiết triều lên án những bình minh

Tự vạn tuế tung hô đến giờ phút chót
Giết những vầng dương giết những tiếng gà
Đĩa hát cũ rỉ rền lời mất nước
Không biết trên núi rừng sắp dậy Tiến quân ca.


Mắt Bác trên cao

Trên non cao đã sáng ngời đôi mắt Bác
Không phải mắt Người khi ngắm một vầng trăng hay đọc một câu thơ
Không phải hồ thu hay là gương ngọc
Để khóc cười những số phận riêng ta...

Mà mắt lịch sử giương giữa trời bão táp
Mắt từng ngắm trăm dân tộc quốc gia đi những thế cờ
Những thế non sông. Nay định đoạt
Bước đường trường cách mạng sẽ xông pha.

Mắt thấy rụng các đế quốc sỏ sừng, các triều vua vạn đại
Nhân dân xô trong sức cuộn băng hà,
Thấy Hồng Lĩnh, Trường Sơn vươn vai Phù Đổng lại
Dòng Thương bi ca rồi sẽ hùng ca.

Có phải nhìn bằng mắt đâu, Bác nhìn với trái tim mình
Vô hạn thương yêu, vô hạn cảm tình
Trái tim ấy nghìn năm còn đập mãi
Đâu đời cần nhân ái lại hồi sinh.

Vạn xác máy bay thù hôm nay Người cũng nhìn thấy trước
Mắt mở ra không khép lại bao giờ
Dẫu ta bay đến thiên thể nào chói mắt
Thì cũng trong ánh sáng đường bay của chính Bác Hồ cho.


Ngọn lửa đầu tiên

Hỡi nhũ đá hang sâu rơi thánh thót
Từng thấy Bác ung dung bên tượng Mác cười
Đọng thời gian đá dệt nhũ cho đời
Nhưng cách mạng không thể nhỏ từng giọt một.

Hãy bùng lên thôi! Hãy cháy lên thôi
Cả Trung Ương đoàn tụ bên Người
Lịch sử gọi và Đảng ta đã đáp
Đảng gọi kêu và dân tộc trả lời.

Chữ Việt Minh đầu tiên, câu Cứu Quốc đầu tiên
Thơm như vị hương hồi ta nhớ mãi,
Ta có quên ư? thì rừng nhắc lại,
Ai quên được nguồn khi uống suối Lê nin.

Khu căn cứ đầu tiên, vùng xuất kích đầu tiên
Cái trứng non sông, bọc hồng đất nước,
Cây buổi giêng hai, lịch ngày thứ nhất
Đi ngàn đời ngàn thuở vẫn không quên.

Qủa trám núi hạt dẻ rừng nuôi cán bộ
Hang đá vôi làm chỗ in truyền đơn
Lốc cốc đàn trâu canh ta tiếng mõ
Lòng nhớ đời và thơ cũng ghi ơn.

Biết ơn bộ áo Tày Nùng màu chàm xanh là sắc áo đầu tiên của Bác
Chiếc hài sảo Người đi, tay nải Người cầm
Xước chân Người đá tai mèo nhọn hoắt
Có nắm lá rừng hái tự tay dân.

Ổ rơm nghèo đẻ ra ta, giường đá lạnh đẻ ra ta
Cái tã rách nát bươm, cái chùm rau dính máu
Những mật xanh vàng mẹ phải mửa ra
Những quặn thắt từng cơn không thể giấu.

Cháo bẹ rau măng, vây lùng, bủa quét
Cái nở sinh là một vết thương hồng!
Khi cưu mang giọt máu trong lòng
Đẻ cái sống đau gần như cái chết

Đẻ ra balê, giao hưởng ngày nay là súng kíp hoả mai buổi ấy
Tờ truyền đơn in thạch năm xưa đẻ ra pháo binh cơ giới bây giờ
Cái thai nhỏ càng đi xa càng gióng bấy
Như tự ngày trứng nước mẹ từng mơ


Ngoảnh về Pắc Bó

Nay ta hồi sinh cho cây chò đại thụ nghìn năm
Nay voi xa về uống lại Bạch Đằng
Nay xẻ vạn ngọn núi che trời làm bước tiến
Chỗ ngất trời là chỗ sẽ hành quân.

Nay múa sạp, xòe hoa với những gót hồng,
Mùa vui sao năm lúa Chín thơm đồng
Hạt lúa mới gởi Người đi tuyến lửa
Có câu chèo điệu hát nằm trong.

Nay thế giới bình tâm lắng phương đây một tiếng đàn bầu
Biếc trời Việt Nam chung thuỷ một màu
Hồn ta đấy, bốn nghìn năm thế đấy,
Rót vào lòng, càng lắng lại càng sâu.

Nay... Nay... Nay... Hãy ngoảnh nặt về non cao Pắc Bó
Nghe Lênin giọng suối đang cười
Lắng tiếng suối Bác lại ngồi viết sử
Chương mới: Ngày mai. Dòng mới: Ngày mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét