Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 87

-Đúng là chẳng có vết tích nào được lưu truyền trong sử xanh dân tộc! 
-"Thiên tài" mà như thế thì kể cũng...ẹ quá, khen nỗi gì!
-Chết là hết. Thèm gì một chút danh còm!

----------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương: Hiện tượng đặc biệt của nền văn học nghệ thuật nước nhà

GiadinhNet - Ngày 24/12 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương” nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (1931-2016).

Đại diện gia đình cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương lên nhận giải thưởng Đào Tấn.
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương lên nhận giải thưởng Đào Tấn.
“Gia tài” tác phẩm đồ sộ
Nhạc sĩ Trương Minh Phương thuộc thế hệ 3x – một lớp nghệ sĩ khá đặc biệt của nền âm nhạc Việt Nam, bởi khi Cách mạng Tháng Tám thành công, họ mới 10 – 15 tuổi. Tư duy, cá tính sáng tạo của nhạc sĩ Trương Minh Phương trọn vẹn là tư duy sáng tạo của văn nghệ cách mạng với cảm hứng trong trẻo ào đến từ cảm xúc của mình trên mọi nẻo đường Tổ quốc.
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Trương Minh Phương sở hữu “gia tài” tác phẩm đồ sộ, được giới chuyên môn đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, đồng thời nhận định tên tuổi ông là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Giống với thế hệ nhạc sĩ đi trước như: Trần Hoàn, Phạm Tuyên… nhạc sĩ Trương Minh Phương đi đến đâu là ca khúc của ông có mặt và được đón nhận nồng nhiệt ở đó, trong “gia tài ấy” không thể không kể tới những tác phẩm mang tính “ngành nghề ca”, “địa phương ca”…
Năm 2015, khi tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát” của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương được công bố, giới nghệ sĩ và công chúng nước nhà mới ngỡ ngàng trước gần 1.400 trang, in khổ 19x27cm. Đó là kết quả lao động sáng tạo, cống hiến to lớn đến bất ngờ của ông qua 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian.
“Đó thực sự là một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng của hiện thực cuộc sống được phản ánh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiều sâu nhân văn của tác phẩm”, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhận định.
Đặc biệt, cố nhạc sĩ Trương Minh Phương là một trong những người sáng tác nhiều nhất về đề tài rừng núi. Những ca khúc xuất sắc nhất, độc đáo nhất của ông có thể kể tên qua những ca khúc: “Nhớ rừng”, “Lời ru của rừng”, “Hát về rừng”, “Đêm rừng già”, “Người K’ho xuống núi”, “Vó ngựa Đơn Dương”, “Tôi là con của rừng”, “Âm vang Tả Trạch”, “Chiều Trường Sơn”… Ngoài mảng âm nhạc, các sáng tác sân khấu hay nhất của cố nhạc sĩ, nhà viết kịch cũng lại là các tác phẩm viết về rừng từ “Mưa rừng” đến “Gió rừng” từng nhận giải thưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP năm 1996, hay nhiều vở khác như: “Bão tố Trường Sơn”, “Dấu ấn Trường Sơn”, “Đêm Cha Cháp”, “Ánh mắt rừng xanh”, “Tình bạn rừng xanh”…
Chia sẻ cùng chúng tôi, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Phạm Việt Long nhận định: “Nhìn tổng quát, ca khúc của nhạc sĩ Trương Minh Phương là tiếng nói ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca sự hi sinh của nhân dân, đồng đội cho độc lập, tự do, ngợi ca, cổ vũ công cuộc xây dựng đất nước. Là người hoạt động văn hóa, tham gia cách mạng từ thuở thiếu thời, nhạc sĩ Trương Minh Phương đi nhiều, trải nhiều và hiểu nhiều. Ông hòa mình vào những vùng miền, con người… do vậy, các ca khúc được ông sáng tác một cách tự nhiên, hồn hậu, như là một sự tri ân cho cuộc sống. Riêng chủ đề về rừng đậm đà trong ca khúc của nhạc sĩ Trương Minh Phương đã gián tiếp tạo nên hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ cách mạng”.
Thêm một hình dung lãng mạn và sinh động
Cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Ảnh: TL
Cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Ảnh: TL
Tại cuộc Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, ngoài “gia tài” tác phẩm ca ngợi tình yêu Tổ quốc, công cuộc dựng xây đất nước thì Trương Minh Phương cũng là nhạc sĩ xuất sắc với các sáng tác ca khúc, ca cảnh, kịch hát múa cho thiếu nhi. Tác phẩm của ông về thiếu nhi rất lãng mạn, sinh động, kết hợp đời thường và cổ tích đặc biệt mang giá trị giáo dục cao. Bên cạnh đó, cố nhạc sĩ cũng viết nhiều kịch bản khá hay về chủ đề văn hóa giao thông, trong đó phải kể tới hai vở kịch “Cảnh sát giao thông mặc thường phục” và “Ngược chiều” viết từ những năm 1990 ở Huế. 26 năm trôi qua nhưng tính thời sự, thông điệp mới mẻ của vở kịch vẫn được bảo tồn, nhiều nghệ sĩ đã quyết định sẽ dàn dựng các tác phẩm này trong chương trình Văn hóa giao thông năm 2017 sắp tới.
Tương tự, nhiều vở kịch khác của Trương Minh Phương viết từ hơn 40 năm trước vẫn còn nguyên giá trị cập nhật, thời sự. Chẳng hạn, vở kịch dài ba cảnh “Mưa rừng” với bối cảnh ở một công trường khai thác gỗ. Những chi tiết sống động được người trong nghề đánh giá đầy ắp sự tươi xanh về chất liệu cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà “Mưa rừng” đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải sáng tác xuất sắc năm 1972 và giải thưởng đã được đích thân Chủ tịch Hội, nhà thơ kiêm đạo diễn sân khấu nổi danh Thế Lữ trực tiếp trao cho nhà viết kịch Trương Minh Phương. Đây được nhận định là một trong những vở kịch xuất sắc của sân khấu Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ sớm đi vào đề tài xây dựng con người.
Phát biểu tại Hội thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam nói: “Nhạc sĩ - Nhà viết kịch Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết, mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21...”.
Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931 - 2011), quê quán tại Phù Mỹ, Bình Định. Ngoài sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Khi mới 15 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng, có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật. Ông từng là Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình; nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Trị Thiên; chuyên gia văn hóa tại Savanakhet (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào)... Với những cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể trao tặng hơn 30 Huân – Huy chương, nhiều giải thưởng cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp âm nhạc…
Thành Nam
Tôn vinh nghệ sỹ đa tài Trương Minh Phương
Đây là nhận định của Giáo sư Hoàng Chương, cũng là ý kiến chung của các diễn giả khác tại hội thảo khoa học “Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương” diễn ra ngày 24/12 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (1931-2016).



Nghệ sĩ đa tài Trương Minh Phương

Hội thảo do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và những đóng góp của ông cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng gia đình cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương nhân sự kiện ý nghĩa này.

Sinh thời, Trương Minh Phương là một nghệ sĩ đa tài, sống khiêm nhường, lặng lẽ trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Đến năm 2015, khi tuyển tập đồ sộ mang tên “Rừng hát” được công bố, nhiều người mới ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo, cống hiến của ông với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Tuyển tập gồm 128 ca khúc, hợp xướng, tổ khúc âm nhạc; gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới; 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch đến tiểu phẩm sân khấu; 6 công trình nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân gian. Tại hội thảo, các đại biểu cũng được thưởng thức nhiều sáng tác đặc sắc của nhạc sĩ Trương Minh Phương.


Phu nhân của cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương lên nhận giải thưởng Đào Tấn.

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương đã tạo ra một khối di sản nghệ thuật cổ vũ cách mạng. Các ca khúc của Trương Minh Phương đầy ắp chất trữ tình, giai điệu gần gũi, ca từ giàu chất thơ, ca ngợi Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Kịch của Trương Minh Phương thể hiện khát vọng phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống sôi động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giáo sư Hoàng Chương khẳng định, dù Trương Minh Phương không còn nhưng những đứa con tinh thần của ông vẫn là di sản quý của nền văn nghệ cách mạng...

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho rằng: Bên cạnh những sáng tác đồ sộ, đầy chất trữ tình, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn có nhiều đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, phát triển văn hóa dân gian. Các tác phẩm của ông cần được dàn dựng, biểu diễn nhiều hơn trên sân khấu. Các nhà trường cần đưa vào giảng dạy những tác phẩm ấy. Việc quảng bá về các tác phẩm của Trương Minh Phương cần được thực hiện đúng mức để nghi nhận những đóng góp to lớn của ông với nền âm nhạc nước nhà.


Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo.

Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931-2011), quê quán tại Phú Mỹ, Bình Định. Ông là nhạc sĩ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Khi mới 15 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng và có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật, cho lý tưởng cao đẹp vì độc lập dân tộc. Ông từng là Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình; nguyên Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa Bình Trị Thiên; chuyên gia văn hóa tại Savanakhet (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào)... Với những cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể trao tặng nhiều phần thưởng, giải thưởng cao quý.

Nhân dịp này, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương đã được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn năm 2016 vì những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc ở các lĩnh vực sáng tác tác phẩm âm nhạc mới; sưu tầm, nghiên cứu, phát triển dân ca, dân nhạc; sáng tác các tác phẩm sân khấu mới; bảo tồn, phát huy sân khấu truyền thống.
Thúy Hương

Đọc “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương: Tiếng lòng chan chứa tình người




Tác giả: 
Mai An
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” cho thấy một chân dung đồ sộ của tác giả - nhạc sĩ Trương Minh Phương. Một đời gắn bó với dải đất Bình Trị Thiên khói lửa, mỗi nốt nhạc, lời văn ông viết ra đều chan chứa tình người, tình đất đai đồng ruộng.
“Tặng em Phương…”
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương được Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1.2015 gây ngạc nhiên cho người đọc trước tiên bởi sự đồ sộ của sức sáng tạo người nghệ sĩ. Hơn 1.300 trang giấy khổ 19x27cm là quá trình cống hiến không mệt mỏi của nhạc sĩ Trương Minh Phương từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi ông qua đời năm 2011.

Nhạc sĩ Trương Minh Phương và Tuyển tập “Rừng hát”. T.L
Cậu bé thiếu sinh quân Trương Minh Phương đã từng làm liên lạc của Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh tỉnh Lâm Đồng, chi đội 2 Giải phóng quân Nha Trang, rồi do có khiếu âm nhạc, được điều về Đoàn tuyên truyền lưu động Trung Bộ. Tháng 9.1948, Thượng tướng Trần Văn Trà gặp Trương Minh Phương khi đó mới 17 tuổi đầu, ấn tượng của ông còn lưu lại trong dòng thủ bút: “Kỷ niệm ngày gặp gỡ đồng bào Khu IV trong đó có em Phương kháu khỉnh, lanh lợi, dạn dĩ, có lẽ sẽ là một cán bộ tương lai của đất nước”.
Trương Minh Phương đã có một bước khởi đầu thuận lợi như thế, ai gặp cũng yêu mến. Năm 1948, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã xúc động ghi lại mấy dòng: “Tặng em Phương và tất cả những em Phương trên đất nước Việt Nam. Nước Việt Nam với 4.000 năm lịch sử đã trẻ lại với các em. Rồi nước Việt Nam cũng sẽ lớn lên với các em, và sẽ theo các em trên những bước đường rộng lớn”.
Sự kỳ vọng của một nhà thơ lớn đã không lầm, “em Phương” hồi nào đã trưởng thành, gắn bó cả đời với dải đất Bình Trị Thiên và có những cống hiến lớn cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của khu vực miền Trung từ những ngày đầu giải phóng. Nhạc sĩ đã đi hầu khắp Trường Sơn để hiểu hơn về tình đất, tình rừng, tình người nơi đây và lấy đó làm đề tài chính trong những sáng tác của ông. Năm 1949, ông từng làm Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình rồi về công tác tại Ty Thông tin Quảng Bình, giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà văn hóa Bình Trị Thiên. Ngoài ra, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn có một thời gian dài làm chuyên gia văn hóa tại Savanakhet (Lào). 30 giải thưởng lớn nhỏ trên các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, những huân huy chương trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật chắc chắn là những minh chứng cụ thể nhất cho tài năng và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của ông.
TS nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức- Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế hồi tưởng: “Nhạc sĩ Trương Minh Phương là người đi nhiều, viết nhanh, cấu tứ đề tài và giai điệu trong các ca khúc của anh rất gần gũi với quần chúng, dễ hát, dễ phổ cập. Với tác phong nhanh nhẹn, giản gị, cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, anh luôn sống hòa đồng với những người xung quanh. Cho đến bây giờ, hình ảnh anh với nụ cười hóm hỉnh vẫn lưu giữ đậm nét trong tình cảm của thế hệ nhạc sĩ chúng tôi, những người em, người học trò của anh”.
Tấm lòng son lưu lại
Ngoài những tác phẩm âm nhạc như “Nhắn Cuội đêm trăng”, “Đắp lại đường xưa”, “Tổ khúc sông Gianh”, ca cảnh “Chuyến xe đêm”, tập ca khúc “Nhớ rừng”… đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc vận động sáng tác âm nhạc toàn quốc và giải của Hội Nhạc sĩ, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn là cây viết sân khấu cự phách. Ông viết nhiều đề tài, thể loại, kịch ngắn-dài, ca kịch, kịch thiếu nhi, kịch tuyên truyền cổ động… và ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn sâu đậm.
Đọc kịch của ông trong tuyển tập “Rừng hát”, có thể nhận ra ngay nhân cách, trí tuệ và đạo đức cao đẹp của người nghệ sĩ chân chính. Người nghệ sĩ ấy luôn đau đáu với đời, xót xa vì những mảng xấu, hết lòng vun xới để cái tốt, cái đẹp được rực rỡ khoe sắc, tỏa hương. Vở kịch ngắn “Ngược chiều” đã đoạt giải Nhì về tuyên truyền pháp luật của Bộ Văn hóa Thông tin cho thấy tấm lòng son của ông dành cho cuộc đời và thế hệ trẻ. Thông qua câu chuyện của cô giáo trẻ đi vào đường ngược chiều, gặp đúng vị phụ huynh học sinh của mình là cảnh sát giao thông ở đó, người cảnh sát theo lời năn nỉ của con gái muốn tha cho cô giáo khỏi bị phạt. Tuy nhiên, cô giáo đã có một ứng xử vô cùng bất ngờ khi nhất quyết xin người cảnh sát cứ ghi vé biên lai phạt mình, bởi cô không muốn “chỉ vì 50.000 đồng mà đánh mất cái quý giá, sự trong trắng của tâm hồn trẻ”.
Lời thoại của cô giáo trong vở kịch khiến bất cứ ai có lương tri đều phải suy ngẫm: “Chúng ta phải tạo cho trẻ em có cơ hội nhận thức được sự giá trị của bản thân trong môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn. Phải giáo dục, chuẩn bị cho các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm với xã hội”. Hoàn cảnh xã hội hôm nay khiến chúng ta càng thấy thấm thía hơn điều này, không thể đòi hỏi một lớp trẻ lớn lên với tâm hồn trong trắng, không vụ lợi, thượng tôn pháp luật, sống vì lẽ phải nếu người lớn lãng quên trách nhiệm “làm gương”.
Có thể học được từ những vở kịch, truyện ngắn và đặc biệt là những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Trương Minh Phương rất nhiều những điều tuyệt vời như vậy. Ngôn ngữ dùng để chuyển tải tư tưởng của ông rất giản dị, dễ hiểu, mộc mạc và chân phương, thế nhưng sức nặng và giá trị nhân bản đem đến cho độc giả là vô cùng ấn tượng. Bài học về luân lý ở đời, lối sống, cư xử nhân nghĩa giữa người với người thông qua các vở kịch như “Hoa hướng dương”, “Ngôi sao xuống thấp”, “Tiếng chim giữa mùa đông”, “Trái đắng, trái ngọt”… sẽ còn mãi những giá trị tốt đẹp.
Cho dù ông đã kết thúc hành trình của mình trên cõi thế, nhưng những tác phẩm nhạc sĩ Trương Minh Phương để lại cho đời vẫn tiếp tục sứ mệnh cao cả của nó. Sẽ còn mãi những giai điệu hàn gắn những vết thương, xoa dịu những nỗi đau, ngợi ca cuộc sống. Sẽ còn mãi những lời văn như luồng nước trong trẻo để rửa đi những bụi bặm, nhem nhuốc ở đời.
Văn là người, nhạc là người, từ văn, từ nhạc của nhạc sĩ Trương Minh Phương, có thể hình dung ra chân dung một con người có tấm lòng đôn hậu, thanh cao, một nhân cách tử tế và hết sức có trách nhiệm với đời sống, xã hội.
(Nguồn: http://danviet.vn)


Nghệ sĩ Trương Minh Phương - Hiện tượng đặc biệt trong nền nghệ thuật VN

VietTimes -- Sở hữu khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị nghệ thuật cao, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam, một nghệ sĩ toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân.
Xuân Lan - /

Hội thảo khoa học về Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương đã thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến tham dự và ghi nhận những đóng góp của ông với nền nghệ thuật nước nhà.Hội thảo khoa học về Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương đã thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến tham dự và ghi nhận những đóng góp của ông với nền nghệ thuật nước nhà.
Đó là nhận định của Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, về những cống hiến của Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (1931-2016) vừa diễn ra sáng nay (24/12).
Nhân sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng gia đình cố nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương.
Tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát” của ông được công bố năm 2015 với gần 1.400 trang in khổ 19/27cm, giới nghệ sĩ Việt Nam mới ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo, cống hiến to lớn đến bất ngờ của ông: 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian.
“Đó thực sự là một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng của hiện thực cuộc sống được phản ánh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiêu sâu nhân văn của tác phẩm”, Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc nhận định.
Kịch của Trương Minh Phương là sáng tạo về nhiều đề tài, nhiều không gian, thời gian khác nhau với nhiều hình tượng phong phú, đa dạng, từ Bí thư, chủ tịch, giám đốc, thủ trưởng đến bộ đội, công an, chiến sĩ biên phòng, người thành phố, người dân tộc thiểu số...
Nhưng hình tượng cốt lõi, tâm đắc nhất của tác giả vẫn là người lính Trường Sơn năm xưa, là lớp thanh niên trẻ tuổi với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao cái lớn, cái chung, cái tập thể. Do đó, nhân vật trong tác phẩm của Trương Minh Phương phần lớn là nhân vật tích cực, tiên tiến, biết hi sinh cá nhân cho tập thể và luôn luôn biết vươn lên để tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Thay mặt Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ trao giải thưởng chính thức cho tác phẩm "Mưa rừng" của tác giả Minh Phương (ảnh tư liệu)
“Có thể nói, những tác phẩm kịch bản của Trương Minh Phương có đề tài đa dạng, nhiều chiều và cập nhật rất nhanh hơi thở của cuộc sống. Trong đó, những kịch bản có nội dung, đề tài, nhân vật về lực lượng Vũ trang chiếm một vị trí đặc biệt (…) Ông luôn đau đáu với đời, đấu tranh với cái xấu, cái ác; xót xa vì những số phận bất hạnh, hết lòng vun xới để cái tốt, cái thiện và cái đẹp được khoe sắc, toả hương”, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Phần lớn các kịch bản của ông đã được dàn dựng trên sóng phát thanh truyền hình, trên sân khấu của các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp, không chuyên, các nhà văn hoá ở nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
Theo Thạc sĩ Văn hoá Trần Anh Tuấn (Văn phòng Bộ TT&TT), một mảng đề tài mà Nhạc sĩ Minh Phương sáng tác nhiều đó là viết về đồng bào dân tộc thiểu số. “Ông đã cùng ăn, cùng ở với đồng bào ở các bản làng xa xôi hẻo lánh nên có nhiều tác phẩm nghệ thuật về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến những sáng tác như: “Đêm rừng già”, Người Cơ Ho xuống núi”, “Nghe đàn đá Khánh Sơn”.
Dù có một khối tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật và vô cùng đồ sộ nhưng suốt đời mình, Nghệ sĩ Trương Minh Phương khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào. Ông cứ thế trong trẻo ùa ra cảm xúc của mình trên các nẻo đường Tổ quốc, chọn con đường đến với giới cần lao đang cần tiếng hát như sự sống không thể thiếu ánh mặt trời.
Tại Hội thảo, các đại biểu, diễn giả đều thống nhất Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương cần được tôn vinh xứng đáng hơn bởi những gì mà ông đã cống hiến trên lĩnh vực nghệ thuật. Nhân dịp Hội thảo này, Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn đã chính thức thống nhất truy tặng Giải thưởng mang tên danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc cho nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Đồng thời, GS. Hoàng Chương cũng đề xuất Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông.
Hội thảo do Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931 - 2011), quê tại Phù Mỹ, Bình Định. Ông là nhạc sỹ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Với những cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể trao tặng hơn 30 Huân – Huy chương, nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp âm nhạc,…

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vinh danh bố mình?

Posted by adminbasam on 25/12/2016
Nhà báo Trần Ngọc Kha: “Ca này THỐI KHẮM QUÁ, đương kim Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vô cùng yêu quý của tôi ơi. Không còn thuốc nào đỡ được đâu anh ạ“.
_____
FB Nguyễn Thông

Hiện tượng lặng lẽ

25-12-2016
Ông Trương Minh Phương, bố của Bổ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: VTC.
Ông Trương Minh Phương, bố của Bộ trưởng Bộ 4T – Trương Minh Tuấn. Ảnh: VTC/ ĐĐK.
Thú thực, tôi rất bất ngờ khi thấy hầu hết các báo, kể từ báo Nhân Dân chúa trùm cho đến đám tép riu lắt nhắt (thôi, chả kể tên ra đây kẻo chạm tự ái) và hầu như không sót báo điện tử, trang tin điện tử nào, viết bài ca ngợi một nhân vật văn nghệ có tên là Trương Minh Phương. Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Văn hóa dân gian… của quốc gia cũng đều tranh giành tên ông để vinh dự cho mình. Rất lạ.
Từ bé đến giờ, là người rất quan tâm đến đời sống văn nghệ, tôi chưa một lần nghe đến tên bác Phương, cả văn, cả nhạc, cả văn hóa dân gian, cả sân khấu, tức là tất cả. Tôi hỏi lão Maddox, lão cũng lắc đầu, tôi hỏi mấy người có tên tuổi nữa, họ cũng lắc đầu, không biết. Một người nổi tiếng mà không ai biết. Thật lạ.
Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:
GS Hoàng Chương: “Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hóa khiêm nhường – một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ” (chính GS cũng phải thừa nhận hầu hết chưa biết).
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ca ngợi mới khiếp: “Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”. Thú thực chả biết ông Quân có thuộc bài hát nào của nhạc sĩ xuất sắc này.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống” (bác Kha rất khéo mồm).
Trung tướng Hữu Ước: “Khi bài ‘Chiều Trường Sơn’ vang lên, tôi có cảm giác như cả rừng Trường Sơn chuyển động. Tôi đánh giá rằng đây là một trong những cái bài hay nhất về Trường Sơn kể từ sau khi giải phóng đến bây giờ…” (thú thực với trung tướng, lâu nay khi cần hát về Trường Sơn, chả có nhà tổ chức nào chọn bài hay nhất này. Tôi đố bác nào thuộc được một câu trong bài hát mà đồng chí Hữu Ước bảo là dạng hay nhất đấy)
GS Hoàng Chương còn đề nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương, chưa kể ông vừa được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn do đích thân ông Nguyễn Thế Kỷ ủy viên trung ương đảng trao…
Nói chung, đây là nhân vật rất đặc biệt, một tài năng, một sự nghiệp lớn, thậm chí cực lớn bị chìm khuất hầu như không mấy ai biết, đài báo nhà nước suốt bao nhiêu năm không hề phổ biến sáng tác của ông, không dòm ngó tới sự nghiệp của ông, rất vô trách nhiệm trong việc làm cho mọi người biết đến ông.
Không biết trên đất nước này còn có bao nhiêu “nhân vật lặng lẽ” cần được phát lộ, khảo cổ như vậy. Mà nếu được tìm thấy, chả biết có được những Hoàng Chương, Đỗ Hồng Quân, Thế Kỷ, Thụy Kha, Hữu Ước… ca ngợi nức nở vậy không.
Cũng may, tôi đọc báo Đại Đoàn Kết thì được biết ông là thân phụ của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông.
Tôi viết những thông tin trên chỉ để nói về một hiện tượng đặc biệt chứ không có ý khen ngợi hoặc chê bai, cũng chả ẩn ý gì, nên không chấp nhận những nhận xét quá khích.

Con là ‘trùm’ truyền thông CSVN, cha được ‘bơm’ thành ‘thiên tài’

Posted by adminbasam on 26/12/2016
Sinh tiền, ông Phương làm đủ mọi thứ mà thiên hạ vẫn không biết ông là ai. Chỉ đến khi con trai ông là Trương Minh Tuấn trở thành Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trong chính phủ Việt Nam, tài năng của ông Phương mới được khai quật và phát lộ.
______
26-12-2016
Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương. (Hình: VietNamNet)
Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI (NV) – ‘Trên vòm trời văn hóa – nghệ thuật Việt Nam vừa có một “ngôi sao” mới tên là Trương Minh Phương. Khác với những ngôi sao khác, “ngôi sao” này không tự phát sáng mà được truyền thông nhà nước ở Việt Nam bơm thổi.
Hôm 24 tháng 12,  Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu – Bảo tồn – Phát huy văn hoá dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học đã cùng phối hợp để tổ chức một… “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương.
“Hội thảo khoa học” này được tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam tường thuật một cách trang trọng. Nhờ vậy, người ta mới biết ông Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân gian,… Nói chung là ông Phương đa tài, chỉ có điều lúc ông còn sinh tiền lại chẳng có ma nào biết đến và ngưỡng mộ.
Trong “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương, rất nhiều viên chức lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các hội đoàn trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đang sống nhờ ngân sách nhà nước, khẳng định ông Phương đích thực là “thiên tài”.
Một ông có học hàm “giáo sư” tên là Hoàng Chương, nhấn mạnh: “Nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương là một ‘hiện tượng đặc biệt’ trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam”. Vì tin chắc công chúng không hiểu tại sao lại như vậy nên ông “giáo sư” này chú thích thêm: “Tôi nói đặc biệt bởi hầu hết chúng ta chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hoá khiêm nhường, một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ”.
Một ông vừa có học hàm “giáo sư”, vừa có danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” tên là Lê Ngọc Canh, thú nhận: “Rất ít người biết tới nghệ sĩ tài ba, cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống với rừng, làm nên sự nghiệp lớn cũng từ rừng nhưng người trong giới thì tường tận về ông, họ luôn gọi ông là ‘già làng’ của giới văn hóa nghệ thuật”.
Cần lưu ý là trên facebook, rất nhiều cá nhân hoạt động trong giới văn hóa, nghệ thuật khẳng định, chưa bao giờ họ nghe nói tới ông Trương Minh Phương và cũng chưa bao giờ họ có cơ hội thưởng thức những “tác phẩm”, “công trình” của “thiên tài” này.
Tương tự, ông Đỗ Hồng Quân, một nhạc sĩ lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tuyên bố: “Trương Minh Phương không chỉ là một nhạc sĩ, nhà soạn kịch như chúng ta đã biết mà còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”.
Rất tiếc là trong hội thảo chẳng có ai hỏi những người tham dự có ai biết nhạc phẩm nào trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương để lại hay không?
Cũng có thể do mường tượng được khoảng cách quá lớn giữa thực tế và những lời tụng ca, một ông “nhà thơ’ tên là Thuỵ Kha giải thích, khi sinh tiền, ông Phương “khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống”. Ông Phương là “nhạc sĩ giữa đời thường”, chuyên viết về những “đối tượng cần lao” như “cô gái làm ngân hàng”, “chàng trai là công nhân dầu khí”,…
Phân tích về những “tác phẩm” trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương “để lại cho đời, một ông có học hàm “phó giáo sư” và học vị “tiến sĩ” tên là Trần Trí Trắc, ca ngợi: “Kịch của ông Phương là nguồn sống của sân khấu quần chúng”. Ở đây cần giải thích thêm rằng, trước nay, “sân khấu quần chúng” là sân khấu phi chính thống, tất cả các tác phẩm chỉ nhắm vào việc tuyên truyền. Ông Trắc cũng chẳng lạ gì điều này nên chú thích thêm: “Kịch của ông Phương ‘hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp’ nhưng diễn ở các sân khấu quần chúng vẫn hiện lên đầy đủ đặc trưng nhận thức, giáo dục thẩm mĩ”. Đó là chưa kể, “kịch” của ông Phương còn đầy tính “triết lý về lẽ sống, lẽ đời”.
Ông Trắc dẫn vài câu “triết lý” của ông Phương mà ông Trắc bảo rằng… “khó quên”. Nó như thế này: “Con voi xích được nhưng con người thì khó xích”! “Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm”!?.
h1Trương Minh Tuấn, Phó ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông. (Hình: Getty Images)
Sinh tiền, ông Phương làm đủ mọi thứ mà thiên hạ vẫn không biết ông là ai. Chỉ đến khi con trai ông là Trương Minh Tuấn trở thành Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trong chính phủ Việt Nam, tài năng của ông Phương mới được khai quật và phát lộ.
“Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương được tổ chức nhân sự kiện ông Phương được truy tặng giải “Đào Tấn” vì “những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc, nền kịch nghệ Việt Nam”. Hội thảo kết thúc với đề nghị “Đảng và Nhà nước nên truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương”!
Theo hướng này, trong tương lai, nếu ông Trương Minh Tuấn trở thành Tổng Bí thư hay Chủ tịch Nhà nước CSVN, ông Phương sẽ trở thành danh nhân nước Việt! Đây đó tại Việt Nam sẽ có những quảng trường, những con đường mang tên Trương Minh Phương.
Trong thiết chế xã hội chủ nghĩa, Bắc Hàn có Kim Il-sung, Kim Yong-il, Kim Yong-un thì hà cớ gì Việt Nam lại không có những thứ đại loại kiểu như Trương Minh Phương – Trương Minh Tuấn? (G.Đ)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét