Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 181/b (Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Phim tài liệu đầu tiên về vị tướng tình báo có hai bà vợ




Phim do Hãng phim Truyền hình TPHCM sản xuất tháng 10.2010. Sau khi được phát sóng trên HTV9 (20 - 29.10), phim tiếp tục phát sóng trên VTV1 từ 15.11.
10 tập phim khắc hoạ chân dung tướng tình báo Đặng Trần Đức - tức Ba Quốc (1921 - 2004) - một trong 4 điệp viên nổi tiếng nhất của tình báo chiến lược Việt Nam. Cuộc đời ông - một hành trình dài, ly kỳ, gay cấn đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến chiến tranh biên giới Tây Nam, trong đó hơn 20 năm ông hoạt động đơn tuyến ở Sài Gòn.
Sáng 15.11, giới thiệu về phim, đạo diễn Lê Phong Lan cho biết: “Phim chỉ là một lát cắt về cuộc đời huyền thoại của một nhà tình báo hoàn hảo với hai lần xây dựng thành công vỏ bọc - trở thành người thân tín của các ông trùm mật vụ trong hai cơ quan đầu não - Sở Nghiên cứu chính trị và Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Ông là một chiến sĩ cách mạng, thành công trên cả 3 vai trò: Điệp viên xuất sắc, cán bộ tình báo giỏi và một chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, là con át chủ bài của lưới tình báo A36. Để làm phim về ông, chúng tôi dành khoảng 5 năm, tìm, chọn lọc tư liệu ở kho lưu trữ hồ sơ, Bảo tàng Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, Trung tâm Vietnam Archive tại TP.Lubbock, bang Texas - một trong số nhiều trung tâm lưu trữ trên khắp nước Mỹ được hình thành sau chiến tranh VN, thực hiện phỏng vấn hàng ngàn người…”.
Tướng tình báo Đặng Trần Đức là nguyên mẫu của bộ phim truyền hình: “Vị tướng và hai bà vợ” (của tác giả Nguyễn Anh Dũng, phóng tác theo tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” của nhà văn Nguyễn Trần Thiết). Ông sinh năm 1922, trong một gia đình nghèo ở làng Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 5.1945, ông tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh tại khu Hàng Trống (Hà Nội). Năm 1954, ông là một trong những cán bộ ưu tú được Trung ương Đảng chọn bí mật vào Nam hoạt động. Ông đã tạo được vỏ bọc, “leo cao, chui sâu” vào chính quyền chế độ cũ. Ngoài tin tức về gián điệp, biệt kích, ông còn cung cấp tin tức về quân sự. Đặc biệt là thông tin về việc Mỹ sẽ ném bom miền Bắc năm 1973 và những hồ sơ, dữ liệu rất có giá trị. Nhiều hồ sơ, ông lấy được trước cả khi nó được đặt lên bàn của tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, bị bắt buộc phải thanh lọc nội bộ bằng máy phát hiện nói dối, ông đã vượt qua thử thách, tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị lộ vào tháng 5.1974. Trước khi rút, ông đã vận động một số nhân vật trong chính quyền Sài Gòn ủng hộ cách mạng - một việc làm táo bạo của một nhà tình báo.
Hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, ông và gia đình đã phải chịu một thiệt thòi, hy sinh lớn. Đó là người vợ đầu của ông - bà Phạm Thị Thanh - âm thầm chịu đựng tiếng đời khen chê, một mình nuôi con, quyết không hé lộ nửa lời về nhiệm vụ của chồng. Năm 1954, lúc ông ra đi, để giữ bí mật cho ông, vợ con ông đã chấp nhận rời Hà Nội, lên vùng rừng núi ở Nông trường Vân Lĩnh - Phú Thọ sống những tháng ngày cơ cực, bị phân biệt đối xử của xã hội vì tội có chồng và cha “theo giặc vào Nam”. Trong khi đó, những năm tháng ông hoạt động tại Sài Gòn, người vợ thứ hai của ông - bà Ngô Thị Xuân - cùng hai con đều tham gia công việc bí mật... Năm 1975, trở về, ông mới được biết rằng, ngay từ lúc mình ra đi, vợ con (ở Sài Gòn) đã phải vào tù ra khám, chịu đòn roi, ngược đãi vì tội có chồng, có cha “chống lại quốc gia”.
Sau giải phóng, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất tiếp tục tham gia vào ngành tình báo quốc phòng VN, trong vai trò là một cán bộ tình báo và sau này là chỉ huy tình báo. Ông có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng, giúp lãnh đạo hiểu rõ tình hình và đưa ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời về vấn đề Campuchia vào những năm bảy mươi thế kỷ trước.
Theo Lao Động


Phía sau người anh hùng - Bài 1: Tháo hoa tai cho chồng cưới vợ kế





Tướng tình báo Ba Quốc là người sống rất nghĩa tình và nguyên tắc. Nhưng tại sao ông lại có đến hai người vợ?

Đằng sau uẩn khúc này là một câu chuyện dài thấm đẫm nước mắt về sự hy sinh cao cả của gia đình ông…
Ông Ba Quốc tên thật là Đặng Trần Đức, sinh năm 1922 trong một gia đình nông dân nghèo ở Thanh Trì, một làng cổ nằm cạnh bờ đê sông Hồng, Hà Nội. Ông được biết đến với bí danh 3Q, một trong bốn con át chủ bài chiến lược trong các lưới tình báo hoạt động trước năm 1975 tại miền Nam (ba người còn lại là Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Đại tá Phạm Ngọc Thảo).
Những năm tháng sôi nổi
Trước khi bắt đầu hoạt động tình báo, con đường tham gia cách mạng của ông Ba Quốc được tóm lược như sau: tháng 5-1945, khi 23 tuổi, ông bắt đầu tham gia phong trào Việt Minh tại khu Hàng Trống, Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời xã Thanh Trì (Hà Nội). Tháng 12-1945, ông tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc. Tháng 4-1946, ông vào Đội công an xung phong phụ trách truy nã, trấn áp những kẻ phản động. Thời kỳ kháng chiến toàn quốc, ông làm trung đội trưởng công an xung phong ở mặt trận Khâm Thiên, sau đó là khu trưởng Đức Hòa trong Ủy ban di cư Thanh Sơn, phụ trách và hướng dẫn đồng bào tản cư từ Hà Nội về Khu 4.
(Từ trái qua) Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc), Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. (Ảnh tư liệu của đạo diễn Lê Phong Lan)
Sát cánh bên ông Ba Quốc trong những ngày đất nước mới giành được độc lập, tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong lực lượng công an xung phong tại Hà Nội, rồi vật lộn với cuộc tản cư lớn từ thành thị ra chiến khu những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là người nữ đồng chí và sau là vợ ông, bà Phạm Thị Thanh.
Bà sinh năm 1922, người huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có lẽ những năm tháng tản cư ngắn ngủi thời tuổi trẻ sôi nổi này lại là đoạn đời hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà. Đó là thời gian bà được sống gần chồng nhiều nhất trong suốt cuộc đời hơn mấy chục năm làm vợ.
Niềm vui hạnh phúc lứa đôi vừa chớm nở, đứa con đầu lòng chào đời chưa đầy một tháng thì ông Ba Quốc nhận được quyết định từ Sở Công an Hà Nội để vào thành hoạt động tình báo. Vì nhiệm vụ mới, tháng 5-1950, ông Ba Quốc được tổ chức đưa về Hà Nội (bấy giờ địch đang chiếm đóng) với danh nghĩa hồi cư, tìm vợ con bị thất lạc. Tổ chức bố trí cùng đi với ông còn có một người tên Đặng Văn Hàm, con rể của ông Đàm Y - Quận trưởng quận 1 (khu Hàng Trống).
Người đàn bà “chửa hoang”
Thông qua nhân vật Đàm Y, ông trở thành công an viên trong bộ máy chiếm đóng của Pháp ở Hà Nội, bắt đầu quá trình tạo vỏ bọc, chuẩn bị cho hoạt động tình báo lâu dài của mình. Nhờ thiết lập được mối quan hệ thân tình đặc biệt với ông Đàm Y, ông Ba Quốc gặp thuận lợi trong việc khai lý lịch và làm thẻ căn cước mới với một cái tên mới. Trong lý lịch ông khai ở Nha Cảnh sát và Công an Bắc Việt, tên mới của ông là Nguyễn Văn Tá. Thời gian này, ông mất liên lạc với tổ chức và đã nhiều lần liều lĩnh tìm cách bắt liên lạc lại. Nhưng phải đợi đến ba năm sau, qua ba lần bố trí người liên hệ, khi làm đồn trưởng Công an Từ Sơn, ông Ba Quốc mới móc nối được với tổ chức.

Chân dung ông Ba Quốc.

Bà Phạm Thị Thanh, vợ đầu của ông Ba Quốc.
Khi ông Ba Quốc nối lại liên lạc với tổ chức cũng là lúc ông nhận được tin vợ con ông đã được tổ chức bố trí đưa vào sống ở nội thành Hà Nội. Cuộc trùng phùng diễn ra với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hai người đã là vợ chồng hợp pháp từ năm 1947, đã có với nhau một mặt con nhưng trong hoàn cảnh này, ông đành ngậm ngùi nói với bà rằng họ chỉ có thể gặp nhau trong bí mật, lén lút chứ không thể sống hợp pháp, công khai.
Vì thương chồng, bà Thanh gật đầu chấp nhận, không một lời than, chỉ cốt mong sao chồng mình được bình yên, thân phận không bị lộ để hoàn thành công tác tổ chức giao phó.
Rồi xóm lao động nhỏ bình yên, nơi vợ con ông Ba Quốc trú ngụ trong một con hẻm sâu hun hút ở Hà Nội bắt đầu có những lời bàn tán xôn xao. Cô Thanh hàng xén tần tảo nuôi con ngày nào trong mắt họ giờ bỗng chốc trở thành một người đàn bà không đứng đắn, “không chồng mà chửa”. Mặc kệ những lời ong tiếng ve, bà Thanh vẫn âm thầm hạnh phúc với mái ấm riêng của mình, vẫn không thôi nhắn nhủ chồng hãy yên tâm công tác, đừng bận lòng đến mẹ con bà.
Đứa con trai thứ hai của ông Ba Quốc chào đời không bao lâu thì chiến dịch Điện Biên Phủ bùng nổ. Cả nước sống trong không khí náo nức của ngày vui đại thắng. Cùng lúc này, bên cạnh việc báo cáo tin tức về tình hình chính trị ở Hà Nội, ông Ba Quốc được lệnh của cấp trên chuẩn bị để theo đoàn người di cư vào Nam tiếp tục hoạt động, trước nguy cơ đất nước bị chia cắt lâu dài. Vỏ bọc của ông Ba Quốc cho đến giờ phút này là khá hoàn hảo nếu không kể đến một sơ sẩy bất ngờ và nguy hiểm trước đó.
Món quà cưới cho chồng
Khi cùng giao thông viên trên đường trở về chiến khu để học tập và nhận chỉ thị mới, đến vùng giáp ranh, cả hai dẫm phải bãi mìn và bị thương, được đưa vào điều trị tại BV Nhã Nam 14 ngày. Lúc trở về Hà Nội, ông bị Vũ Đình Lý - Trưởng Công an Hà Nội nghi ngờ nhưng vì nể ông Đàm Y nên không ra lệnh bắt. Vũ Đình Lý cho lập hồ sơ nghi vấn ông là nhân viên công an Việt Minh được phái vào thành hoạt động, giao cho cấp dưới tiếp tục theo dõi… Vào thời khắc này, nếu đơn thương độc mã vào Nam, ông Ba Quốc có nguy cơ bị lộ tung tích, vì hồ sơ nghi vấn ông là Việt Minh vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, vợ chồng Đàm Y - Quận trưởng quận 1, Hà Nội lại có ý gá nghĩa ông với người cháu gái của họ để chuẩn bị cho cuộc di cư vào Nam đang sắp sửa bắt đầu.
Trong tình hình đó, tổ chức đề nghị ông Ba Quốc nên thuận theo sắp xếp của ông Đàm Y để giải quyết tận gốc hồ sơ “Việt Minh nằm vùng” của mình, đồng thời củng cố vỏ bọc vững chắc cho chặng đường hoạt động gian nan và lâu dài phía trước.
Sau nhiều ngày đắn đo, ông Ba Quốc quyết định nói thật với vợ mình. Điều ông không ngờ là vợ của ông đã quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên cả hạnh phúc lứa đôi. Khi nghe chồng chia sẻ về nhiệm vụ mà tổ chức giao vào Nam hoạt động, phải lấy vợ khác để tạo vỏ bọc tốt nhất, bà Thanh đã lặng lẽ gật đầu nhưng với điều kiện: Ông Ba Quốc phải trao lại đôi hoa tai (quà cưới trước đây của bà) cho người vợ sau và phải ghi trên giấy tờ vợ sau là vợ kế...
Chúng tôi đã từng phỏng vấn tất cả người thân trong gia đình ông Ba Quốc khi làm bộ phim tài liệu Con đường bí ẩn về ông. Đây là những lời tâm sự của chị Đặng Thị Hữu Hạnh, con gái ông Ba Quốc với người vợ sau: “Trước năm 1975, khi nhìn tờ khai sanh của mình, tôi thấy dòng cuối, phần ghi là vợ chính thức hay vợ kế, bố tôi ghi là vợ kế. Tôi có hỏi bố tại sao gọi là vợ kế khi bố chỉ có một mình mẹ. Bố tôi nói khi nào con lớn lên thì bố sẽ nói cho nghe... Sau 1975, bố tôi mới lấy tờ khai sanh ra và nói rằng: Hồi trước con Hạnh có hỏi bố tại sao ở đây ghi là vợ kế mà không ghi là vợ chính thức thì bố giải thích luôn, bố hoạt động như thế này nên do điều kiện, bố đã có hai người vợ...”.
Trở lại câu chuyện dang dở trên đây, từ cái gật đầu đồng ý của bà Phạm Thị Thanh, ông Ba Quốc đã nén lòng cưới người vợ sau theo lời đề nghị của tổ chức rồi cùng người vợ sau vào Nam với vỏ bọc mới để hoạt động tình báo.
Đạo diễn LÊ PHONG LAN


Phía sau người anh hùng - Bài 2: Nỗi oan nghiệt của người ở lại





Khi ông Ba Quốc vào Nam hoạt động, ở miền Bắc, vợ và các con ông đã phải trải qua 21 năm đắng cay, tủi nhục, bị cô lập và phân biệt đối xử vì cái tội có chồng, có cha theo giặc.

Ngày tiễn ông Ba Quốc lên đường vào Nam hoạt động, bà Thanh, vợ đầu của ông, đang là công nhân tại Nhà máy in Tiến Bộ. Một ngày tháng 12-1954, người phụ nữ tên Tuyết Mai được Cục Tình báo cử đến gặp bà Thanh. Người này thông báo rằng để xóa mọi dấu vết và bảo vệ bí mật cùng sự an toàn cho chồng, bà và các con cần phải rời Hà Nội lên sinh sống tại Nông trường Vân Lĩnh - một vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh ở Phú Thọ.
Không một chút do dự, bà Thanh gật đầu ra đi, dù không biết tương lai sẽ như thế nào.
15 lần chuyển nhà để né sự miệt thị
Một nách hai con, cùng với người mẹ già yếu đuối, bà Thanh lên Nông trường Vân Lĩnh, bắt đầu một cuộc sống mới ở vùng đất khó khăn và xa lạ, chỉ với duy nhất số điện thoại tối mật của Cục Tình báo để liên hệ đơn tuyến khi cần thiết với một phụ nữ mà bà chỉ biết mỗi cái tên là Tuyết Mai.
Với đôi bàn tay mảnh mai chưa quen việc nặng, bà Thanh tự mình chặt cây làm nhà. Khởi đầu, mọi chuyện tuy có vất vả nhưng cũng khá suôn sẻ, thậm chí bà còn được đề nghị kết nạp Đảng ở nông trường. Thế nhưng khi bản lý lịch của bà được lật đi lật lại thì tai họa ập đến. Mọi người xa lánh, công việc bị mất, trợ cấp bị cắt.
Để sinh sống, chăm sóc các con và mẹ già, bà không từ chối bất kỳ công việc nặng nhọc nào. Đã bao lần, khi bà gầy dựng xong một công việc tốt đẹp thì lại bị điều đi làm việc khác, chỉ với lý do duy nhất được nhắc đi nhắc lại là bà có chồng theo giặc vào Nam. Từ năm 1959 đến năm 1973, mẹ con bà Thanh đã có đến 15 lần chuyển nhà theo sự thay đổi công việc và sự miệt thị của người đời. Lần cuối cùng là một căn nhà vách lá trống trước hở sau nằm trơ trọi giữa khu đồi rộng lớn.
Vợ chồng ông Ba Quốc-bà Thanh. Ảnh: PHONG LAN
Người ta những tưởng sự chịu đựng của một người đàn bà yếu đuối như thế đã là khủng khiếp. Nhưng nỗi đau của bà Thanh lại bị đẩy lên đến cao trào, day dứt hết lần này đến lần khác. Khi mẹ qua đời, bà tha thiết mong nông trường giúp lo tang lễ chu đáo, có nghi thức đọc điếu văn để tạ ơn đấng sinh thành. Người ta bảo sẽ làm với điều kiện là bà không được để khăn tang của chồng sau linh cữu mẹ vì chồng bà theo giặc. Bà nuốt lệ, tự an táng mẹ mình ngay trên khu đồi cạnh nhà.
Không được biệt đãi vì sợ lộ
Khi các con bà không được học hành tử tế như bao đứa trẻ bình thường khác vì có cha theo địch, bà âm thầm gõ cửa từng nơi để xin cho con nhưng không được giải quyết. Lời giải thích từ cấp trên rằng nếu con bà được biệt đãi thì thân phận của chồng bà sẽ gặp hiểm nguy, bởi kẻ thù rất nham hiểm! Nỗi đau ấy, bà đành nuốt lệ vào lòng và càng lặng lẽ hơn...
Chúng tôi đã có dịp cùng chị Đặng Thị Chính Giang, con gái lớn của bà Thanh và ông Ba Quốc, trở lại thăm Nông trường Vân Lĩnh, Phú Thọ, nơi gắn liền với những ký ức đau thương một thời của mẹ con chị. Khi nhắc lại tuổi thơ đầy giông bão của mình, chị Giang nức nở, nghẹn ngào: “Cho đến năm tôi học lớp 6, thấy mẹ tôi phải đi vay mượn nhiều. Có lúc người ta đưa mẹ tôi ra họp phụ nữ, người ta phê bình là tại sao hai mẹ con lại mặc chung một cái quần. Mẹ tôi nói bởi vì quá nghèo nên hai mẹ con chỉ mua chung được một cái quần. Khi khai giảng thì con tôi mặc, khi đi họp thì tôi mặc. Về nhà, mẹ tôi khóc. Đến lúc đó tôi mới biết nhà tôi rất nghèo…”.
Còn anh Trần Sơn - chồng chị Giang, vốn là người lính từng đóng quân cách nơi ở của mấy mẹ con bà Thanh không xa - hồi tưởng lại: “Nhà mẹ tôi cách nhà dân khác đến bốn, năm trăm mét. Ở giữa khu đồi đó có một cây đa, mẹ làm một cái túp lều bằng phên tranh. Muốn vào lối nào thì nhấc cái phên tranh ấy lên là vào được. Trong nhà, ngoài vài cái bát đĩa ra không có một cái gì cả. Ở thì chỉ kê được một cái giường và đi đi lại lại một tí thôi chứ không kê nổi bàn ghế gì cả. Không có gì cả”.
Ông Huỳnh Gì, một người hàng xóm năm xưa của bà Thanh, ngậm ngùi nói: “Tôi nhớ mãi hình ảnh một người đàn bà yếu đuối cùng bà mẹ già và hai đứa con ở cái nhà nhỏ ngoài kia. Cứ nhìn bà mẹ già đó thấy què quặt, khổ sở lắm… Tôi chưa thấy hình ảnh nào như thế, người đàn bà lúc nào cũng công việc, lúc nào cũng lo cho mẹ và cho con...”.

Chị Đặng Thị Chính Giang, con gái ông Ba Quốc và bà Thanh, bên ngôi nhà xưa ở Nông trường Vân Lĩnh, Phú Thọ. Ảnh: PHONG LAN
“Mẹ ngồi như hóa đá”
Không biết bằng sức lực nào mà bà Thanh có thể chịu đựng sự giày vò, cơ cực như thế trong ngần ấy năm trời mà không một lời san sẻ hay tiết lộ bất cứ một thông tin nào về người chồng với bất kỳ ai, cho dù là với chính những người con ruột thịt của mình! Tất cả người thân và quen biết cũ đều chỉ nhận thấy ở người đàn bà này một sự im lặng, chịu đựng đến tái tê lòng.
Nỗi cơ cực và buồn tủi của mẹ con bà Thanh ở Nông trường Vân Lĩnh được con gái nuôi của bà là chị Nguyễn Thị Hiên luôn mang theo những ấn tượng day dứt, bí ẩn không thể quên. Suốt những năm tháng ấu thơ, chị là bạn học của chị Giang, con gái bà Thanh. Cả hai cùng vượt qua quãng đường dài 10 cây số, trong trời rét căm căm của mùa đông miền Bắc để đến trường lúc 4 giờ sáng, cùng chia sẻ bữa đói bữa no và những câu chuyện ở Nông trường Vân Lĩnh.
“Tôi cứ nhớ một hình ảnh không bao giờ quên được. Mẹ mặc chiếc áo bà ba trắng với cái quần đen, xách cái túi, mang đôi dép mòn cũ đã đứt quai, lưng thì gù gù, đi một mình trên những con đường xa lắm. Cứ lặng lẽ, lặng lẽ như thế, lặng lẽ với con, lặng lẽ với gia đình rồi lặng lẽ với xã hội. Không bao giờ mẹ kêu khổ, không bao giờ mẹ nói vất vả, không bao giờ mẹ kêu ca…” - chị Hiên kể về người mẹ nuôi đặc biệt của mình.
Khi các con bà Thanh, vì điều kiện không được đi học tiếp, phải lựa chọn đi học nghề ở xa để sớm phụ giúp mẹ, chỉ còn duy nhất người con gái nuôi là chị Hiên ở lại nông trường, thỉnh thoảng ghé lại thăm bà. “Đến khi Giang học hết cấp 2 thì Giang đi trung cấp. Thành cũng đi nốt, chỉ còn tôi ở lại với mẹ. Thỉnh thoảng buổi tối tôi lên với mẹ. Hồi đó tôi viết thư cho Giang rằng mẹ ngồi như hóa đá chị à, mẹ ngồi lặng lẽ như hóa đá. Em đến tận nơi em nhìn thấy mẹ. Mẹ vẫn ngồi lặng lẽ, không nói, không gì cả. Em mới chạy tới ôm lấy mẹ, mẹ ngồi như hóa đá chị ơi. Khi nào em lên thì mẹ cười, mẹ nói, còn không thì mẹ ngồi một mình. Đó là những năm tháng Giang và Thành đều đi hết” - chị Hiên kể.
Tướng tình báo “3 trong 1”

Với tên gọi là Nguyễn Văn Tá, dưới vỏ bọc nhân viên của Sở Nghiên cứu chính trị và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) đã tung hoành ngang dọc trong hàng ngũ kẻ thù, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng, tối mật, giúp cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng xử lý kịp thời, góp phần vào thắng lợi chung. Ông còn trở thành “người tin cẩn” của các ông trùm tình báo phía đối phương, từng vượt qua cuộc kiểm tra “lòng trung thành với chế độ” bằng máy phát hiện nói dối để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một điệp viên chiến lược.
Khi chiến tranh kết thúc, ông là điệp viên duy nhất tiếp tục tham gia hoạt động trong ngành tình báo với nhiệm vụ là cán bộ tình báo và sau này là chỉ huy tình báo. Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công to lớn mà đến tận bây giờ người ta vẫn chưa thể công bố vì chính tầm quan trọng của nó.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng phát biểu rằng: “Ngành tình báo thường có ba loại nghề. Loại nghề thứ nhất là điệp viên, loại nghề thứ hai là cán bộ tình báo và loại nghề thứ ba là chỉ huy tình báo. Rất ít trường hợp, dù là những cây đại thụ trong ngành tình báo quốc phòng, cùng lúc làm được cả ba nghề này. Ông Ba Quốc là một trường hợp đặc biệt. Ông là một điệp viên giỏi. Sau giải phóng, ông trở thành một cán bộ tình báo và sau này là người lãnh đạo, chỉ huy tình báo giỏi. Trong cả ba vai trò ông ấy đều làm tốt”.
Đạo diễn LÊ PHONG LAN


Phía sau người anh hùng - Bài 3: Giải cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

PLO

Tại sao 10 nhân vật quan trọng của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc?
Tại sao Hà Nội biết trước Mỹ sẽ đánh bom B52 miền Bắc...? Câu trả lời nằm ở những chiến công của điệp viên Ba Quốc.
Khi vào Nam, ông Ba Quốc (với tên mới là Nguyễn Văn Tá) vào làm kế toán viên tại Nha Công an Nam phần. Nhưng vị trí mới không giúp ích nhiều cho công tác tình báo của một điệp viên. Vì vậy, qua điều tra và quan sát, mọi sự chú ý của ông đều tập trung vào một nhân vật đặc biệt là Trần Kim Tuyến. Đây là một người có quyền lực lớn, chỉ đứng sau gia đình họ Ngô và là giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, một cơ quan mật vụ chống cộng khét tiếng do chính quyền họ Ngô lập nên.
Tiếp cận trùm mật vụ Sài Gòn
Sau thời gian tiếp xúc với đủ các giới ở Sài Gòn, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng chuyển giao giữa Pháp và Mỹ, ông Ba Quốc đã nắm được thông tin có một chuyến tàu chuyển vàng lậu về nước Pháp, do trưởng phòng nhì Pháp Ginard tiết lộ. Ông quyết định sử dụng thông tin này làm món quà đặc biệt ra mắt trùm mật vụ Trần Kim Tuyến.
Ngay lập tức, một chỉ thị mật được ban hành, biệt phái ông từ Nha Công an Nam phần về Ban Công tác đặc biệt phủ tổng thống, đặc trách điệp vụ săn vàng. Nào ngờ, sự việc mới chỉ bắt đầu thì bất ngờ ông bị bắt đột ngột, không rõ lý do. Khi bình tĩnh suy xét và quan sát, ông mới biết mình là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe phái của hai anh em Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, mà tay sai là Trần Kim Tuyến (phe Ngô Đình Nhu) và Lý Thái Như (phe Ngô Đình Cẩn).
Đại tướng Lê Văn Dũng (trái) và tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ảnh: PHONG LAN
Tương kế tựu kế, ông Ba Quốc đã dựng lên một vở kịch nhỏ, đứng về phía Trần Kim Tuyến, khiến Lý Thái Như bị cách chức, còn ông nghiễm nhiên trở thành nhân viên chính thức của Sở Nghiên cứu chính trị, bắt đầu từ năm 1957. Điệp vụ vàng thất bại thế nhưng ông Ba Quốc lại đạt được mục đích của mình, trở thành người tin cẩn của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến.
Không lâu sau đó, ông tiếp tục “ghi điểm” với Trần Kim Tuyến qua việc khéo léo dẫn độ Trịnh Quốc Khánh, nhân vật quan trọng của lực lượng Hòa Hảo, về Sài Gòn mà không xảy ra bất kỳ sai sót nào. Chính vì thế, Trần Kim Tuyến đã đặc biệt tin tưởng, giao cho ông đặc trách việc theo dõi và truy bắt mười yếu nhân trong Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định từ tên chỉ điểm Huỳnh Kim Hiệp.
Thử thách sinh tử
Ở cương vị là nhân viên Sở Nghiên cứu chính trị, ông Ba Quốc đã nắm được mọi thông tin và hoạt động của 10 nhân vật quan trọng của Đặc khu ủy, đặc biệt là với Trình Văn Thanh (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), lúc đó là Bí thư Đặc khu ủy, thợ sửa radio ở tiệm Nguyễn Văn Ba trên đường Nguyễn Trãi.
Vào lúc này, ông Ba Quốc đã mất liên lạc với tổ chức, không biết báo cáo tin tức tối mật này cho ai. Trong lúc đó, cố vấn Ngô Đình Nhu lại hạ lệnh cho ông phải phối hợp với bên an ninh quân đội để cất một mẻ lưới, tóm gọn những “tên Việt cộng quan trọng”.
Ngày giờ hành động đã được ấn định. Tình thế đã nguy cấp. Một thử thách sinh tử được đặt ra với điệp viên Ba Quốc.
Ông quyết định phá vỡ nguyên tắc giữ bí mật. Lợi dụng khoản hở giữa giờ giao ban trước cuộc bố ráp với bên an ninh quân đội, ông đi thẳng đến tiệm sửa radio của Nguyễn Văn Ba, gặp Trình Văn Thanh và thông báo ngắn gọn: “Huỳnh Kim Hiệp đã phản bội. Các anh sắp sửa bị bắt. Xử lý gấp”. Rồi ông vội vã bước ra khỏi tiệm.
Nơi đây ngày xưa là tiệm sửa radio Nguyễn Văn Ba, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, với tên là Trình Văn Thanh, từng làm việc và hoạt động. Ảnh: PHONG LAN
7 giờ sáng ngày diễn ra cuộc vây ráp, từ vị trí quan sát, ông Ba Quốc chợt giật mình khi thấy Trình Văn Thanh từ trong tiệm dắt xe bước ra. Khắp khu vực xung quanh, từ cự ly 30-100 m, người của bên an ninh quân đội đã bố trí dày đặc các loại xe máy và ô tô túc trực sẵn để tiến hành “bắt cóc” đối tượng ngay giữa đường.
Ông Ba Quốc kể: “Tôi thấy Trình Văn Thanh từ tiệm radio lù lù xuất hiện ngay giữa đường, dắt xe máy ra. Tôi nghĩ bụng, quái, cái thằng cha này điên hay sao... Anh này mới dựng chân chống xe lên, đạp máy cho nó nổ rồi bình tĩnh dắt xe xuống chuẩn bị đi. Lúc đó anh này quay lại phía sau nhếch mép cười. Tôi nghĩ trong bụng, chắc thằng cha này có mưu mô gì đây. Xe anh này đi vọt một cái thì đến chợ An Đông. Anh nhấc xe lên vỉa hè và chạy vào chợ. Trong khi đó thì xe bao vây của an ninh quân đội vừa đuổi đến nơi và đụng vào mấy xe xích lô đậu ở ngoài chợ. Toàn bộ xe xích lô ở khu chợ vin vào cớ đó bao vây, bám lấy ô tô để bắt đền. Thế là Trình Văn Thanh chạy thoát”.
Với quyết định mạo hiểm của mình, ông Ba Quốc đã giải cứu được các yếu nhân trong tổ chức Đảng có vị trí rất quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Những chiến công thầm lặng
Sau cuộc giải cứu thót tim nêu trên, ông Ba Quốc lại được Sở Nghiên cứu chính trị giao phụ trách kế hoạch ám sát ông hoàng Campuchia Sihanouk cùng với Hoàng Ngọc Điệp. Vì lúc này ông hoàng Sihanouk đang theo đuổi chính sách trung lập nhưng “thân cộng”, cho miền Bắc Việt Nam mượn lãnh thổ ở vùng biên giới để chuyển quân và vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam, gây bất lợi lớn cho chính quyền Sài Gòn. Ông Ba Quốc đã nhanh trí sắp đặt để quả bom nổ trước giờ quy định, còn ông thì rút lui an toàn khỏi vụ việc này. Thế là ông hoàng Sihanouk thoát hiểm.
Được Trần Kim Tuyến tin tưởng và với vỏ bọc hoàn hảo, ông Ba Quốc đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu tối mật, trong đó có những hồ sơ quan trọng liên quan đến việc cài người vào hàng ngũ của ta, thông báo kịp thời về cho Trung ương xử lý. Ông đã bí mật lấy được tài liệu về bảy cơ sở truyền tin Mỹ cài cắm lại ở miền Bắc trước khi rút lui theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ. Số này nằm rải rác ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định và được Mỹ bàn giao lại cho Ngô Đình Diệm kết nối, sử dụng để đánh phá miền Bắc.
Sau sự kiện tết Mậu Thân 1968, hàng loạt cơ sở cách mạng trong nội thành và ở khắp nơi bị vỡ lớn. Một lần nữa, cấp trên đặt nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu với điệp viên Ba Quốc là công tác phản gián. Và ông đã tìm cách đột nhập vào phòng làm việc của Nguyễn Văn Giàu - Trưởng SOC đô thành (Sở Giao tế dân sự), sao chép trọn tập hồ sơ mật về 35 ổ gián điệp, biệt kích và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong câu chuyện liên quan đến tập hồ sơ này, có một nhân vật đặc biệt là Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (Hai Thương). Hai Thương bị bắt khi đang vận chuyển tài liệu này cùng với một tài liệu tối mật khác của điệp viên X6 (Phạm Xuân Ẩn) ra chiến khu. Kết quả là ông bị CIA tra tấn, cưa chân đến sáu lần nhưng vẫn giữ sự im lặng, bảo vệ bí mật cho hai con át chủ bài của tình báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng, gặp lại Hai Thương, ông Ba Quốc chia sẻ: “Cái tài liệu Thương giữ ngày đó rất quan trọng. Mất tài liệu đó coi như cũng mất tôi”.
Giai đoạn 1969-1974, ông Ba Quốc luôn theo sát các đối tượng như Trung tá Vũ Văn Nho - Giám đốc Trung tâm tình báo hỗn hợp Phòng 2, Thiếu tá Tổng tham mưu Nguyễn Hoàng - Phòng 3, Trung úy Vũ Văn Mùi - Trưởng ban Trận liệt và lãnh thổ... để thu thập các tin tức về quân sự. Nhiều hồ sơ về trận liệt và chiến dịch quan trọng của đối phương đã được ông nhanh chóng chuyển về cấp trên để kịp thời đối phó, đặc biệt là những thông tin về cuộc chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc của Mỹ và ý đồ của Mỹ trên bàn đàm phán Paris…
Mọi chuyện đang tiến triển rất thuận lợi thì bỗng xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Cuối tháng 5-1974, nữ giao liên trong lưới ông Ba Quốc bị bắt tại Hồng Ngự và có nguy cơ bị vỡ lưới. Ông Ba Quốc được lệnh phải rời vị trí ngay lập tức.
Và ông đã trở lại miền Bắc sau 21 năm bặt tin người ở lại…
Đạo diễn LÊ PHONG LAN


Phía sau người anh hùng - Bài cuối: Nước mắt ngày đoàn tụ

PLO

Ngày nhận danh hiệu anh hùng, ông Ba Quốc đã mang tấm huy hiệu về đeo trước ngực bà Thanh, vợ lớn của ông, và nói với các con rằng: Mẹ các con mới là người xứng đáng được đeo tấm huy hiệu anh hùng này.
Thời điểm cuối năm 1974 đầu năm 1975, trên hành trình ra Bắc, ông Ba Quốc - người điệp viên huyền thoại của lưới tình báo A36 - mang một tâm trạng rất khó tả. Một bên là niềm vui được gặp lại một gia đình mà ông đã phải rời xa từ 21 năm trước để vào Nam hoạt động theo sự phân công của tổ chức. Một bên là nỗi lo về hoàn cảnh của gia đình ở trong Nam khi ông bị lộ, phải ra đi vội vàng...
Vợ kế ngồi tù, con nhỏ bơ vơ…
Không bắt được ông, mật vụ và chính quyền Sài Gòn liền bắt và tống giam bà Xuân (người vợ sau) và anh Đặng Trần Vũ - con trai thứ của ông và bà Xuân. Các thành viên còn lại trong gia đình ông Ba Quốc đều bị giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt 24/24 giờ. Họ hàng, anh em, bạn bè không ai dám tới nhà, vì ai tới thì đều bị theo dõi cả.
Về hồ sơ vụ việc của ông Ba Quốc, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn kết luận: “Đương sự là Nguyễn Văn Tá, do bất mãn vì không được khôi phục nguyên cấp bậc cũ, đã bỏ nhiệm sở đi đâu chưa rõ. Có thể đã ra bưng biền theo Việt cộng. Chưa rõ có phải điệp viên do Cộng sản Bắc Việt cài vào hay không... Việc tiếp tục giám sát tư gia của đương sự cần phải được tiến hành”.
Những ngày cha vào chiến khu (rồi ra Bắc), mẹ ngồi tù, các em còn nhỏ, con trai lớn của ông Ba Quốc khi đó đang học lớp 12 phải đi dạy thêm để kiếm tiền lo cho các em. Đời sống vô cùng cơ cực và thiếu thốn, người em út phải đi nhặt rác kiếm sống.
Gia đình ông Ba Quốc - bà Thanh. Trong ảnh: Bà Thanh đang tựa người vào vai ông Ba Quốc.
Ảnh: PHONG LAN
Lúc này tổ chức đã cử một cán bộ cơ sở đem tiền đến giúp đỡ gia đình ông Ba Quốc nhưng ông này sợ bị lộ và bị bắt nên đem tiền về gói kỹ treo trên nóc nhà, cho đến ngày đất nước thống nhất mới đem đến đưa cho gia đình.
Về phần hai mẹ con bà Xuân, hai tháng sau khi vào tù, mẹ con bà bị chuyển về Bộ Tư lệnh Cảnh sát, bị tra tấn, ngược đãi. Nhưng nhờ thống nhất lời khai theo dặn dò của ông Ba Quốc trước ngày ông ra đi, mật vụ Sài Gòn đã không tìm thấy mâu thuẫn trong hai khẩu cung, họ đành trả tự do cho hai mẹ con bà sau gần sáu tháng giam giữ...
Hơn 7.000 ngày xa cách
Về phần ông Ba Quốc, khi ra đến Bắc, buổi sum họp đầu tiên của gia đình ông có quá nhiều tâm trạng. Ông bố sau bao nhiêu năm chờ đợi, mong ngóng tin tức con đã đem bao thương nhớ gửi vào những đòn roi đánh ông Ba Quốc một trận vì đứa con ra đi biền biệt, không một dòng tin nhắn gửi lại. Hai đứa con mà ngày ông ra đi, đứa lớn còn chưa biết gì, đứa nhỏ hãy còn trong nôi, giờ cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ với chính người bố ruột của mình.
Chị Đặng Thị Chính Giang, con gái của ông Ba Quốc và bà Thanh (người vợ đầu), kể: “Tôi không thể tưởng tượng bố tôi như thế. Tôi cảm thấy đó là một người đàn ông xa lạ lắm. Trong trí tưởng tượng của tôi, bố tôi là một người thanh mảnh, nhẹ nhõm và ngọt ngào, chứ tôi không nghĩ rằng ông cụ trông nghiêm khắc và trông sợ đến thế. Và tôi không có cảm giác đấy là bố mình. Đến năm 1976, cụ ra tôi vẫn chưa quen. Đến năm 1977, tôi mới có cảm giác rằng đấy là người bố của mình”.
Còn người vợ, niềm vui gặp lại chồng sau bao nhiêu năm xa cách bỗng chốc mặn môi khi bà hay tin ông đã có bốn con với người vợ sau…
Khi ông Ba Quốc hỏi: “Trong hơn 20 năm qua, em và các con đã sống như thế nào?”, bà nghẹn ngào. Câu chuyện về một người đàn bà có chồng bỏ vào Nam với lai lịch không rõ ràng, phải mang theo hai đứa con nhỏ lên vùng rừng núi Phú Thọ, sống âm thầm trong một nông trường quốc doanh với những người công nhân cải tạo khai hoang, vỡ đất, phải một mình đương đầu với gian nan, đói khổ với những lời đàm tiếu thị phi, để lặng lẽ sống, lặng lẽ nuôi con khôn lớn và chờ đợi... bà không đủ sức kể trong một, hai ngày. Bà đành hẹn ông khi nào thư thả sẽ kể cho ông nghe từng ngày một trong hơn 7.000 ngày xa cách ấy...
Gia đình thứ hai của ông Ba Quốc với bà Xuân. Ảnh: PHONG LAN
Ước nguyện đơn sơ
Niềm vui đoàn tụ kéo dài chưa quá hai ngày thì ông Ba Quốc nhận được lệnh trở vào Nam ngay để tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo vì lúc này Sài Gòn đã được giải phóng. Khi ông lên đường vào Nam thì cũng là lúc người cha không thể chịu đựng thêm nỗi đau cha con xa cách, ông cụ đã khóc mù cả đôi mắt…
Với bà Thanh, ông Ba Quốc hứa sẽ sớm trở về gặp bà. Thế nhưng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại tiếp tục cuốn ông đi mãi. 21 năm dài chờ đợi theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, giờ đây bà lại tiếp tục đợi chồng.
Hơn một năm sau, ông trở lại. Nhưng ông cũng chỉ sống được với bà vỏn vẹn có năm ngày chồng vợ, rồi một chuyến công tác đặc biệt lại kéo ông lên đường đi tiếp. Bà ở lại một mình. Rồi một cơn bão lớn ập đến, căn nhà bà ở bị đổ sập. Một bức tường đè lên khiến bà bị liệt nửa người. Thế là hết. Bà không còn khả năng làm vợ nữa.
Số phận đã áp vào cuộc đời khắc nghiệt của bà và bà âm thầm chịu đựng nó.
Chị Nguyễn Thị Hiên, con gái nuôi của ông Ba Quốc và bà Thanh, kể nguyện ước lớn nhất của mẹ nuôi mình là được sống với cha nuôi trong những ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc đời. “Con ơi, nếu bố con về hưu thì bố mở tiệm sửa xe, mẹ bán nước, để hai người sống cùng nhau”. Chị nhắc lại lời của mẹ nuôi trong nước mắt. Và đây là những vần thơ xúc động của chị viết về tình yêu của bố mẹ nuôi: “Bố ngồi bên giường lặng yên nghe mẹ thở/ Mà trong lòng nức nở nỗi thương đau/ Năm mươi lăm năm có dài đâu/ Mà như thấy trước, thấy sau một đời.
Cuộc đời là mấy mươi năm/ Đắng cay khổ cực âm thầm chia ly/ Bảy mươi lăm tuổi mẹ già đi/ Nhưng tình yêu mẹ vẫn thì xuân xanh/ Dịu dàng tiếng mẹ gọi anh/ Yêu thương tiếng bố thì thầm em ơi...”.
Sum họp và thống nhất
Ngày được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông Ba Quốc đã mang tấm huy hiệu về đeo trước ngực bà Thanh và nói với các con rằng: “Mẹ các con mới là người xứng đáng được đeo tấm huy hiệu anh hùng này”. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau câu chuyện này, bên cạnh bản báo cáo thành tích gửi tổ chức, ông Ba Quốc còn viết riêng một bản báo cáo công trạng của mình và trân trọng ký tên, gửi riêng cho vợ - bà Thanh.
Chị Chính Giang chỉ được mẹ tiết lộ về việc bố có gia đình thứ hai vào đúng ngày chị nghe tin bố trở về. Tương tự, chị Đặng Thị Hữu Hạnh, con gái ông Ba Quốc - bà Xuân, cũng được bố giải thích những thắc mắc về tờ giấy khai sinh của mình (ghi mẹ là vợ kế của cha) ngay trong ngày đoàn tụ với gia đình thứ hai, sau 1975.
Hai cuộc đoàn tụ diễn ra trong chưa đầy một tuần lễ, ở hai địa điểm cách nhau hàng ngàn cây số với nhiều cảm xúc và suy tư.
Chị Hạnh chia sẻ: “Mẹ tôi nói là chúng tôi phải ra thăm mẹ lớn. Vì trong cuộc chiến tranh này, mất mát thì đã nhiều rồi, bây giờ gia đình được đoàn tụ như vậy thì không còn gì hơn. Tức là bố tôi còn sống, mẹ lớn còn sống, chúng tôi còn đầy đủ nguyên vẹn thì không còn gì quý hơn. Khi ra Hà Nội, tôi gặp mẹ lớn với tình trạng cơ thể bị liệt, tôi đã rất xúc động. Tôi ôm chầm lấy bà và bà cũng ôm tôi… Hai người mẹ của mình đều phải gánh chịu những khổ cực, đắng cay và hy sinh, mất mát như thế thì mẹ lớn cũng như là mẹ ruột mình thôi”.
Và rồi một năm sau ngày ông Ba Quốc được phong tặng danh hiệu anh hùng (1977), cuộc sum họp đại gia đình đã được tổ chức tại miền Bắc, gồm bố ông, gia đình ngoài Bắc và gia đình trong Nam. Sau rất nhiều những trở ngại, băn khoăn và day dứt, cuối cùng ông Ba Quốc cũng được hưởng một ngày vui sum họp gia đình trọn vẹn trong niềm vui hòa bình, thống nhất của dân tộc.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời
Những ngày cuối đời, có người hỏi ông Ba Quốc: “Cái sợ nhất khi hoạt động tình báo lâu ngày trong lòng địch là gì?”. Ông trả lời không do dự: “Là nỗi cô đơn ghê gớm khi không liên lạc được với tổ chức”. “Vậy nỗi buồn lớn nhất khi hoạt động tình báo lâu ngày trong lòng địch là gì?”. Ông trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Là mỗi khi nhìn thấy đồng chí, đồng đội của mình bị bắt bớ, giam cầm, khảo tra mà mình không thể làm gì được”. Hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về nghề tình báo?”. Ông trả lời: “Tình báo chưa bao giờ là nghề của tôi”. Lại hỏi: “Nếu như được phép lựa chọn thì ông có thêm một lần nữa lựa chọn nhiệm vụ của một người chiến sĩ tình báo?”. Ông Ba Quốc: “Nhưng con người ta chỉ có một cuộc đời, không thể có một cuộc đời thứ hai. Vì thế, không thể có chữ “nếu”. Với lý tưởng cũng như với tình yêu, người ta chỉ được phép lựa chọn một lần cho mãi mãi…”.
Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét