Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 50/e

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                      Huyền thoại TÀU KHÔNG SỐ - Tập 9+10

Những trận chiến anh hùng của thủy thủ tàu không số

Bắt đầu hành trình, mỗi tàu không số đều được gắn thuốc nổ, khi chiến đấu với địch và nhận thấy không thể vượt qua, thuyền trưởng sẽ cho phá hủy tàu, đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay kẻ thù.
Nguyên là trưởng tiểu ban tác chiến, huấn luyện, người làm kế hoạch tác chiến cho tàu không số đi vào 19 bến thuộc các tỉnh Nam Bộ, ông Nguyễn Hữu Tuần cho hay, để giữ bí mật tuyệt đối, tất cả các khâu đều được bảo mật. Những vùng xây dựng cầu cảng, bến bãi phải di dân, khoanh vùng nhưng cả chính quyền và người dân đều không biết bên trong dùng làm gì. Riêng đội đóng tàu được tuyển chọn kỹ, đóng tàu hai đáy và cũng không biết tàu đó được giao cho ai, chở gì.
“Thuyền trưởng và thủy thủ tàu không số không được tiết lộ nhiệm vụ với gia đình. Trước mỗi hành trình, họ phải gửi lại giấy tờ, ghi địa chỉ quê quán, người thân, chụp ảnh để lưu lại trong hồ sơ. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau đó là những lần truy điệu sống để không may hy sinh còn có thông tin gửi về địa phương. Thế nhưng ai cũng quyết tâm chiến đấu vì đất nước, có thủy thủ không được đi đã bật khóc”, ông Tuần kể.
Vị chỉ huy kế hoạch tác chiến cho hay, mỗi chiếc tàu rời bến đều được gắn thuốc nổ xung quanh. Khi chiến đấu với kẻ thù và cảm thấy không thể vượt qua, thuyền sẽ được phá huỷ để đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay địch. Mọi giấy tờ, căn cước chiến sĩ mang theo cũng được làm giả, tàu đi đến địa phận nào tùy tình hình mà thay biển số cho hợp lý, đề phòng địch kiểm tra, phát hiện.
Hình ảnh Những trận chiến anh hùng của thủy thủ tàu không số số 1
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41. Ảnh: Trọng Thiết.
Giọng bùi ngùi, trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 cho hay, ông và đồng đội nhiều lần đối mặt với kẻ thù, chiến đấu anh dũng, nhưng cuối cùng phải cho nổ tàu vì không đủ sức đánh lại địch với lực lượng hùng mạnh. Ông kể, tàu 41 là tàu vỏ sắt đầu tiên được lựa chọn vận chuyển vũ khí vào bến khu 5. Tàu do ông làm thuyền trưởng, ông Trần Hoàng Chiều làm chính trị viên cùng 19 thủy thủ và 3 người là quân giải phóng được tỉnh ủy Phú Yên cử ra miền Bắc xin vũ khí.
Đêm 14/11/1964, tàu rời bến Bãi Cháy, 12 ngày sau thì vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Sáng 27/11, đột ngột có máy bay địch từ đất liền bay đến lượn trên tàu nhiều lần. Sau khi hội ý, ông lệnh cho thuỷ thủ mang cờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa kéo lên đỉnh cột buồm, đồng thời mang cá, mực đã chuẩn bị sẵn giả vờ tụ tập ngồi nhậu.
Chiếc máy bay tiếp tục bay lượn kiểm tra, hai tàu khác của địch từ đất liền tiến ra áp mạn song song với tàu 41. Một chiếc sau đó tách đội hình, các khẩu pháo trên tàu địch đều được mở bạt che, hướng nòng súng về phía tàu ta sẵn sàng nhả đạn. “Chúng tôi vẫn giả vờ ngồi nhậu, mặt khác bí mật chuẩn bị các loại súng B40, B41, lựu đạn chống tăng, bộc phá… sẵn sàng chiến đấu. Trong trường hợp cần thiết sẽ lao về phía tàu địch và cho nổ tung”, thuyền trưởng Thạnh kể.
Tuy nhiên, sau hai giờ theo dõi không phát hiện nghi vấn, địch cho tàu tăng tốc chạy vào bờ. Tàu 41 thẳng tiến đến đích và khi cách khoảng một hải lý, tàu thả trôi chờ tín hiệu của bến. “Khi phía bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt, chúng tôi sung sướng vì từ đó chúng ta đã có thêm một bến mới, bến Vũng Rô”, trung tá Thạnh hồ hởi nói.
Ông cho hay, tàu 41 dường như có duyên với những cái mới. Năm 1966, khi Mỹ tổ chức lực lượng đặc nhiệm ken dày chốt các cửa sông, tàu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường khu 5, vào bãi ngang Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên sử dụng phương pháp thả hàng xuống biển, đánh dấu để bến vớt lên dần.
Hình ảnh Những trận chiến anh hùng của thủy thủ tàu không số số 2
Con tàu mang số hiệu 41 (nay được đổi là HQ 671) là tàu không số duy nhất còn lại hiện nay. Ảnh: Trọng Thiết.
Trước chuyến đi, để làm quen với địa hình nơi tàu đến, thủy thủ tàu 41 có gần nửa tháng luyện tập với đặc công nước ở bãi biển Đa Lạt (Thái Bình). Đêm 19/11/1966 tàu rời bến. 8 ngày sau thì đến đúng địa điểm nhưng không nhận được tín hiệu hiệp đồng. Hai thủy thủ thông thạo nghề biển, bơi giỏi, mang áo phao và vũ khí cá nhân nhận nhiệm vụ bơi vào bờ bắt liên lạc với bến, lực lượng còn lại tập trung thả hàng.
“Lúc đó, có hai tàu địch đang theo dõi chúng tôi, thi thoảng lại dùng đèn tín hiệu liên lạc với nhau. Thả được 1/3 lượng hàng thì nhận được tín hiệu trong bờ, không khí làm việc khẩn trương hơn nhưng do sóng thuỷ triều lớn đã làm chân vịt bị cong không thể cơ động xa được”, ông Thạnh kể.
Trước tình thế nguy cấp, ông Thạch quyết định đưa người vào bờ, còn thuyền trưởng, máy trưởng ở lại chuẩn bị điểm hoả bộc phá hủy tàu rồi bơi vào bờ sau. Con tàu nổ tung cũng là lúc các cỡ pháo trên tàu địch bắn tới tấp vào bờ chặn đường rút lui của thủy thủ ta. Hai người đã hy sinh, số còn lại vượt đường Trường Sơn, ba tháng sau mới về đến miền Bắc.
Trong ký ức của nguyên thuyền trưởng tàu 41, có những người đồng đội đã hy sinh mà đến giờ ông vẫn còn đau xót. Đó là những thủy thủ tàu 165 chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) năm 1968 do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương là chính trị viên cùng 18 thủy thủ. Tàu chở 64 tấn vũ khí, xuất phát ngày 25/2. Đến 18h ngày 29/2, sau bức điện cuối cùng, tàu mất hoàn toàn liên lạc. Biết tàu gặp địch nên mấy ngày sau đó anh em ở bến cử người đi dọc bờ biển tìm dấu vết. “Cả người và thuyền đều không thấy, đồng đội chỉ tìm được nhiều mảnh gỗ có vết đạn nham nhở trôi dạt vào bờ”, ông Thạnh kể.
Cũng trong năm 1968, tàu 235 chở vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng và Nguyễn Tương làm chính trị viên cùng 20 cán bộ, thủy thủ. Ngày 6/2/1968 tàu xuất phát. Ngày 29/2, khi qua vùng biển Nha Trang thì máy bay địch phát hiện. 20h cùng ngày, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng vào bờ. Lúc này, hải quân vùng 2 duyên hải của địch đã điều động nhiều tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta.
Một khó khăn cho tàu 235 là khi quay vào bờ không gặp bến đón. Trong lúc nguy cấp, thuyền trưởng chỉ đạo thủy thủ thả hàng xuống biển, sau này bến vớt lên. Khi thả được 2/3 số hàng thì thuyền trưởng cho ngưng và đưa tàu chạy ven bờ xa nơi thả hàng. Tàu chiến địch lập tức đuổi theo và một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra khiến thuyền trưởng và máy trưởng bị thương, máy tàu hỏng nặng không thể cơ động xa.
“Lúc này anh Vinh đã cho tàu vào gần bờ để những người bị thương sơ tán lên, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị điểm hỏa bộc phá tàu rồi bơi vào bờ sau. Tiếng nổ của con tàu khiến địch điên cuồng bắn phá ven biển nhằm dọn đường cho bộ binh vây bắt thủy thủ. Anh Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh”, thuyền trưởng Thạnh ngậm ngùi.
Mái tóc đã bạc nhưng giọng nói còn sang sảng, đại tá Trần Phong, nguyên quyền đoàn trưởng đoàn 125 Hải quân tâm sự, thời đại của thế hệ ông với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã làm nên huyền thoại đường không dấu, tàu không số, trí - hiếu - trung - dũng - anh hùng. "Ngày nay, ta có trời, có biển thì phải biết giữ gìn. Nếu tổ quốc cần chúng tôi, các anh cứ gọi. Chúng tôi luôn sẵn sàng”, ông dặn dò thế hệ lãnh đạo hải quân tiếp nối.
Hoàng Thùy
Nguồn : VnExpress

“Đường vàng” trên biển: Trận chiến oanh liệt

23/10/2016 23:43

Trong lịch sử Hải quân Việt Nam, trận đánh của 16 “cảm tử quân” tàu 69 thuộc đoàn tàu không số với lực lượng hùng hậu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ sẽ mãi được nhắc đến

Dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức ở Hà Nội tuần qua, chúng tôi gặp lại cựu binh Lê Xuân Khảm (SN 1940; ngụ tại quận Hải An, TP Hải Phòng). Nhắc lại trận chiến hơn 3 giờ với tàu địch trên vùng biển Cà Mau vào năm 1966, trong chuyến đi chở hơn 60 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam, ánh mắt người thợ máy tàu 69 năm nào lại bừng sáng.
9 tháng nằm bờ
Vốn là giáo viên Trường ĐH Hàng hải, ông Khảm là một trong 200 trí thức, sinh viên của Hải Phòng tình nguyện đi chiến đấu và được tăng cường cho miền Nam. Sau đó, ông được biên chế về đoàn tàu không số. Tàu 69 lúc ấy có 16 người do ông Nguyễn Hữu Phước (quê Cà Mau) làm thuyền trưởng, ông Tăng Văn Huyển (Bến Tre) là chính trị viên. Trong 14 người còn lại, ông Khảm phụ trách máy 2.
Năm 1966, tàu 69 được lệnh chở 61 tấn vũ khí từ Bến K15 (Hải Phòng) vào Bến Vàm Lũng (Cà Mau). Tàu 69 được ngụy trang thành tàu nghiên cứu khoa học của nước ngoài. Nhân gió mùa Đông Bắc, biển động rất mạnh nên tàu khu trục, tuần duyên của hải quân địch nằm bờ không tuần tra, tàu 69 ra khơi thẳng tiến vào Nam. Thế nhưng, khi đến khu vực ngang với vùng biển Đà Nẵng, tàu 69 bị tàu Mỹ phát hiện và đeo bám. Dù vậy, các thành viên trên tàu vẫn quyết tâm phải vào được Vàm Lũng vì quân dân miền Nam đang rất thiếu vũ khí.
Cựu binh Lê Xuân Khảm kể lại trận đánh oanh liệt của tàu 69 với tàu địch Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cựu binh Lê Xuân Khảm kể lại trận đánh oanh liệt của tàu 69 với tàu địch Ảnh: TRỌNG ĐỨC
“Tối 22-3-1966, sau khi cắt đuôi tàu địch, tàu 69 chuyển hướng chạy hết tốc lực vào gần Côn Đảo. Tuy nhiên, do đoán trước được nên địch đã cho tắt 2 ngọn hải đăng ở Côn Đảo và Hòn Khoai khiến tàu 69 không thể xác định đường đi. Rạng sáng hôm sau, khi tiếp cận bờ thì anh em mới biết tàu đã lạc bến đến vài chục km. Phía ngoài, tàu địch bao vây, truy tìm; trong bờ, dân quân, du kích địa phương ngỡ tàu 69 là của địch nên nổ súng tấn công. Sau khi biết chính xác tàu 69 là bên mình, dân quân, du kích đã ra dẫn vào, lo ngụy trang. Máy bay địch liên tục quần thảo nhưng không phát hiện được” - ông Khảm nhớ lại.
Sau khi bắt liên lạc, tàu 69 liền quay lại Bến Vàm Lũng. Giao vũ khí xong, tàu 69 không quay về được vì tàu địch canh phòng rất cẩn mật, phải nằm lại bến đến 9 tháng.
Chống chọi hàng chục tàu địch
Đến tối 1-1-1967, xác định địch nghỉ Tết Dương lịch, tàu 69 lên đường quay ra Bắc. “Khi gần đến vùng biển quốc tế thì anh em phát hiện bị nhiều tàu địch bao vây. Cuộc họp khẩn kéo dài chưa đến 2 phút, thuyền trưởng và chính trị viên tàu 69 quyết định nổ súng tấn công tàu địch trước. Hai khẩu 12 ly 7 trên tàu ta đồng loạt nhả đạn khiến 1 tàu địch bị bất ngờ thiệt hại nặng, không tấn công được nữa” - ông Khảm kể.
Tuy nhiên, gần chục tàu địch khác đã triển khai đội hình tấn công khiến tàu 69 cũng bị thiệt hại nặng nề, 1 người hy sinh, 3 người bị thương nặng. Sau đó, tàu 69 vừa rút vào bờ vừa tấn công đáp trả. Các thuyền viên đã hủy tài liệu, hải đồ, chuẩn bị phương án cho nổ tàu. Tàu lại cháy trong khi hệ thống cứu hỏa đã bị bắn hỏng, thuyền viên phải chia nhau vừa tấn công vừa dập lửa.
“Sau mấy giờ quần thảo, nhiều người trên tàu bị thương nhưng anh em đều cố gắng bám trụ chiến đấu. Trong đó, chiến sĩ báo vụ Phan Hải Hồ - 25 tuổi, quê Nam Định - bị thương ngay loạt đạn đầu. Cổ chân dính đạn, bàn chân gần như đứt lìa nhưng anh vẫn ôm súng chiến đấu không lùi bước. Hồ còn đề nghị anh em cắt đứt bàn chân để anh chiến đấu cho thuận tiện nhưng không ai nỡ. Sau này, về đến bến, bàn chân anh bị cắt bỏ. Gương chiến đấu anh dũng của Hồ được truyền đi khắp đoàn tàu không số” - ông Khảm khâm phục.
Suốt 3 giờ vừa đánh vừa rút, pháo tạo khói được các thuyền viên tàu 69 liên tục ném xuống biển, mù mịt cả một vùng làm hạn chế tầm nhìn của địch. Nhân đó, tàu 69 tìm cách tiếp cận bờ và về được đúng Bến Vàm Lũng. Dù địch đã cử 2 tàu chặn trước ở khu vực này nhưng ta cũng bố trí lực lượng trên bờ đánh trả làm chúng phải bỏ chạy. Tàu 69 quay về bến trú ẩn an toàn. Trong khi đó, tàu địch tưởng tàu 69 chạy sang vùng biển mũi Cà Mau, đuổi theo không thấy, quay về thì đã bị mất mục tiêu.
Sau sự kiện này, do địch huy động lực lượng canh phòng cẩn mật, tàu 69 không thể quay ra Bắc nên tạm thời trú ẩn ở một con lạch nhỏ gần Bến Vàm Lũng. Những thuyền viên còn lại trên tàu đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với lực lượng địa phương ở vùng cửa sông...
“Đây có lẽ là một trận đánh hy hữu trong lịch sử Hải quân Việt Nam. Tàu địch lên đến hàng chục chiếc bao vây nhưng tàu 69 vẫn chiến đấu anh dũng và chạy thoát an toàn” - ông Khảm nhận xét.
“Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ; của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước; của sức mạnh tinh thần và trí tuệ dân tộc Việt Nam đã đánh thắng sức mạnh vật chất hiện đại của đế quốc Mỹ” - lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc trên phiến đá nhìn xuống Bến Vũng Rô.
Sự kiện Vũng Rô
Ngày 1-2-1965, tàu 43 chở 63 tấn vũ khí, hàng hóa xuất Bến K15 vào Bình Định. Do tình hình bến bãi ở Bình Định bị động nên tàu 43 được lệnh vào Bến Vũng Rô (Phú Yên). Ngày 15-2-1965, tàu 43 cập Bến Vũng Rô. Ngay trong đêm, lực lượng trên bến tập trung bốc dỡ hàng, đến 3 giờ hôm sau mới xong. Thế nhưng, tời neo bị hỏng phải sửa chữa nên tàu không thể rời bến ngay, phải ngụy trang ở lại. Trưa cùng ngày, một máy bay địch bay ngang Vũng Rô đã phát hiện “mỏm đá lạ” và tàu 43 bị lộ. Địch đã tổ chức nhiều đợt tấn công để cướp tàu.
“Chỉ huy bến quyết định cử lực lượng của Trung đội K60 mang một khối thuốc nổ hơn 600 kg xuống đánh cho chìm tàu. Đó là một quyết định táo bạo để địch không lấy được những tài liệu còn lại trên tàu” - đại tá Đặng Phi Thưởng - Trưởng Ban Liên lạc Bến Vũng Rô, nguyên tổ trưởng của Trung đội K60 - nhớ lại. Theo đại tá Thưởng, từ ngày 17 đến 20-2, địch liên tục tấn công bằng bộ binh, không quân, hải quân vào Bến Vũng Rô và các vùng lân cận nhằm cướp các kho vũ khí ta chưa kịp chuyển đi. “Địa hình hiểm trở ở Vũng Rô đã tạo điều kiện để ta vừa đánh địch vừa tranh thủ vận chuyển vũ khí về hậu cứ, lại có thể rút lui” - đại tá Thưởng nhìn nhận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-10
TRỌNG ĐỨC - HỒNG ÁNH

Những con tàu “Không số” được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Tàu 41
Tàu 41 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ tháng 11 – 1962 đến tháng 4 – 1970 Tàu 41 đi được 15 chuyến, chở 530 tấn hàng an toàn. Tàu nhiều lần vượt qua khó khăn, nguy hiểm, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để phổ biến chung trong toàn Đoàn.
Tiêu biểu như chuyến đi đầu tiên ngày 11-10-1962, Tàu 41 dùng thuyền gỗ có buồm, gắn máy để vận chuyển hơn 28 tấn vũ khí vào Cà Mau. Gặp gió mùa Đông Bắc, dù phải vật lộn với sóng to, gió lớn, nhiều lần gặp địch nhưng anh em vẫn bình tĩnh đánh lừa địch, đưa hàng đến bến an toàn. Chuyến đi đầu tiên thành công đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 11-1-1973, Tàu 41 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ nhất).
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, Tàu 41 được bổ sung cho Vùng 4 Hải quân với tên mới là HQ 671. Trong chiến dịch CQ 88, Tàu HQ 671 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 6-1-1989, Tàu HQ 671 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ hai).
2.  Tàu 42
Tàu 42 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ năm 1963 đến 1970, Tàu 42 đã chở được 11 chuyến với hơn 500 tấn vũ khí tới bến an toàn.
Mặc dù tàu nhỏ, máy móc thô sơ, nhiều chuyến đi tàu gặp sóng to, gió lớn, bị địch ngăn chặn, săn lùng 5 đến 6 chặng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn dũng cảm, mưu trí, vượt mọi nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15-10-1965, Tàu 42 được cải dạng giống tàu cá của một số nước trong khu vực Đông Nam Á và chở hơn 61 tấn vũ khí vào Cà Mau. Tàu vượt qua Hải Khẩu (Trung Quốc), chuyển hướng theo đường hàng hải quốc tế xuống phía Đông quần đảo Hoàng Sa và phía Tây quần đảo Trường Sa, hòa vào dòng tàu buôn đi xuống Đông Nam Cà Mau. Trên đường đi, Tàu 42 vượt qua sự kiềm tỏa của 1 tàu Khu trục Mỹ, sau 6 ngày hành trình trên biển tàu đã cập bến ở rạch Kiến Vàng – Cà Mau an toàn. Chuyến vận chuyển mở đường theo phương thức mới của Tàu 42 đã thành công giúp nối thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển sau 8 tháng tạm ngưng vận chuyển.
Với thành tích đó, ngày 25-8-1970, Tàu 42 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
3. Tàu C154
Tàu C154 được biên chế về Đoàn 125 năm 1965. Từ 1965 đến 1975 tàu thực hiện nhiệm vụ vận tải cho chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến đi của tàu thường kéo dài hàng tháng, vượt hàng ngàn hải lý, thời tiết mưa bão thất thường, sóng to, gió lớn, địch kiểm soát gắt gao. Nhiều lần địch cho máy bay, tàu chiến khiêu khích ở hải phận quốc tế, do đó có chuyến Tàu C154 phải vòng qua vùng biển Philippin, Inđônêxia để đánh lừa và tìm cách tránh địch.
Trong chiến dịch giải phóng miền Nam vào mùa Xuân năm 1975, tàu đã phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển bộ binh, đặc công tiến đánh giải phóng các đảo ở vùng biển phía Nam và chở hàng ngàn người bị địch giam giữ ở các đảo về đất liền an toàn.
Với những thành tích đó, ngày 12-9-1975, Tàu C154 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
4. Tàu C165
Tàu C165 được biên chế về Đoàn 125 năm 1964. Từ 1964 đến 1968, Tàu C165 đã đi được 9 chuyến, vận chuyển hơn 600 tấn vũ khí, hàng hòa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Do yêu cầu kịp thời chi viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Tàu C165 được lệnh chở 65 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng – Cà Mau. Ngày 1-3-1968, Tàu C165 gặp 8 tàu địch bao vây, chúng gọi loa yêu cầu ta đầu hàng. Cán bộ, chiến sĩ Tàu C165 đã bình tĩnh xử lý, không thuyết phục được ta, tàu địch liền nổ súng kết hợp với máy bay oanh tạc từ trên không. Trong tình thế hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh điều khiển tàu luồn lách tránh đạn và đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do lực lượng 2 bên không cân sức, Tàu C165 bị trúng đạn không cơ động được. Trước tình hình đó anh em đã tranh thủ bốc hàng thả xuống biển và điểm hỏa mìn phá hủy tàu, không để tàu và hàng rơi vào tay quân thù. 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng Tàu C165 tại vùng biển Cà Mau.
Với thành tích dũng cảm đó, ngày 10-4-2001, Tàu C165 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
5. Tàu C43
Tàu C43 được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1968 Tàu C43 đi được 6 chuyến; chở được hơn 287 tấn vũ khí và phương tiện khác vào bến Cà Mau an toàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể Tàu C43 đã 2 lần chiến đấu anh dũng nhiều giờ liền với máy bay và tàu chiến địch trong tình thế không cân sức, nhưng cả 2 lần đã thắng lớn. Tại trận chiến đấu lần thứ nhất (tháng 3-1967) tàu đã diệt gọn 3 hải thuyền ngụy, bắn bị thương 1 tàu Mỹ. Lần 2 (3-1968), đã tiêu bắn rơi 3 máy bay HVIA; bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác; tàu được phá hủy để bảo đảm bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với thành tích đó, Tàu C43 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
6.  Tàu  C54
Tàu C54 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1972, Tàu C54 đi được 16 chuyến, chở được 800 tấn vũ khí, hàng hóa vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải chiến trường Cửa Việt an toàn.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 17-3-1963, tàu chở 44 tấn vũ khí vào bến mới-Trà Vinh. Là loại tàu vỏ sắt, lần đầu thử nghiệm để khắc phục hạn chế trước đây của tàu gỗ và chống phát hiện của địch. Bằng sự khéo léo, tinh thần quyết tâm cao độ của tập thể tàu đã xử lý linh hoạt các tình huống và vượt chặng đường dài trên biển, cập bến Trà Vinh an toàn. Chuyến đi đã chở được một lượng vũ khí lớn cung cấp cho chiến trường Khu 9 sau cuộc chống càn “Sóng tình thương” của địch, đồng thời là dấu hiệu mở màn cho giai đoạn phát triển nhảy vọt của công tác vận tải quân sự trên biển và mở được nhiều bến mới ra khắp các chiến trường Nam Bộ,  Khu 6, Khu 5.
Với những thành tích đó, ngày 20-9-2011, Tàu C54 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
7.  Tàu C55
Tàu C55 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, Tàu C55 đi được 11 chuyến, chở được 747 tấn vũ khí và 2 tấn gạo, đưa 27 lượt cán bộ cao cấp của Trung ương vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tàu đã thực hiện hiệu quả việc quay vòng, nhanh chuyến, có thời điểm trong vòng 43 ngày tàu đã đi được 3 chuyến vào sâu trong chiến trường miền Nam.
Tiêu biểu là chuyến xuất phát ngày 11-10-1963 chở 61 tấn vũ khí vào bến Cà Mau. Nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi vào bến Rạch Gốc, tàu bị mắc cạn ngay giữa cửa bến, xung quanh có tàu và máy bay địch ngày đêm tuần tra, kiểm soát. Trong một tình thế nguy hiểm, với một lượng hàng lớn, nhiều lần máy bay và tàu địch “thăm hỏi” nhưng tàu đã bình tĩnh, khéo léo dấu mình, che được mắt địch. Khi nước lên, tàu đã thoát cạn vào bến, xuống hàng và ra Bắc an toàn.
Với những thành tích đó, Tàu C55 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
8.  Tàu C56
Tàu C56, được biên chế về Đoàn 125 năm 1961. Từ 1961 đến 1975, Tàu C56 đi được 9 chuyến, vào các bến (Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Phan Thiết) và 1 chuyến đi Cô Công- Cam phu chia. Tàu đã chở được hơn 349 tấn vũ khí và gần 100 cán bộ vào Nam chiến đấu.
Tiêu biểu là chuyến đi vào Đông Xuân 1964 – 1965 để cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã. 22 giờ ngày 22-12-1964, tàu vào cửa Lộc An (sông Ray), nhưng chờ mãi không có tín hiệu của bến, tàu định trở ra, vừa lúc phía bờ có ánh đèn pin báo hiệu, một trung đoàn bộ binh đã chờ sẵn để nhận vũ khí. Nhờ sự cung cấp vũ khí kịp thời của Tàu C56 mà ngày quân ta đã đánh chiến dịch Bình Giã thắng lợi. Đây là một đòn góp phần quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.
Với thành tích đó, Tàu C56 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
9. Tàu C69
Tàu C69, được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1966 Tàu C69 đi được 9 chuyến, vào 2 bến (Trà Vinh, Cà Mau), chở được 654 tấn hàng cho chiến trường miền Nam. Sau trận chiến đấu năm 1966, Tàu 69 nằm lại ở bến Cà Mau cho Quân khu 9 quản lý, sử dụng. Nay con tàu là di tích lịch sử của địa phương để làm biểu tượng chiến thắng.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 15-4-1966, tàu chở 61 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng- Cà Mau. Chuyến đi bị địch theo dõi, tàu phải áp dụng nhiều chiến thuật ngụy trang nghi binh, luồn lách qua các hệ thống phòng thủ của địch để cập bến. Sau khi thả hàng xong, do Tàu C100 bị lộ, buộc Tàu C69 phải ngụy trang ém tại đây chờ thời cơ ra Bắc. Khi tàu vừa ra khỏi Vàm Lũng thẳng hướng giữa Hòn Khoai và Côn Đảo thì phát hiện tàu địch bám theo, chúng nổ súng vào tàu ta. Tình huống buộc phải chiến đấu, thuyền trưởng ra lệnh nổ súng đánh trả. Theo lệnh thuyền trưởng tất cả DKZ trên tàu đồng loạt nhả đạn khiến tàu địch không dám vào gần tàu. Máy bay C130 lượn vòng, hỗ trợ cho biên đội tàu chiến, xả đạn về phía tàu ta. Tàu bị bốc cháy, một số thiết bị trên tàu hỏng. Đứng trên khối bộc phá để chiến đấu với kẻ thù khi tàu đang bị cháy, cán bộ, chiến sĩ Tàu C69 đã bình tĩnh và dũng cảm, vừa cứu tàu vừa chiến đấu. Đến 0 giờ ngày 1-1-1967, Tàu C69 đã vào đến bến an toàn. Trong trận chiến đấu này, Tàu C69 đã đánh trả quyết liệt làm cho 5 tàu và 2 máy bay của địch bỏ chạy.
Với những thành tích đó, tàu Tàu C69 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
10. Tàu C121
Tàu C121 được biên chế về Đoàn 125 năm 1963. Từ 1963 đến 1975, tàu đi được 9 chuyến vào 3 bến (Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre) và vận tải cho chiến trường Cửa Việt. Tàu đã chở được 427 tấn hàng cho chiến trường miền Nam.
Tiêu biểu là chuyến đi ngày 29-9-1970, tàu chở 40 tấn vũ khí vào Cồn Lợi-Bến Tre. Bằng chiến thuật và kinh nghiệm, chỉ huy tàu xử lý khéo léo linh hoạt các tình huống và đưa con tàu cập bến Cồn Lợi-Bến Tre an toàn rồi trở ra Bắc. Đây là con tàu đầu tiên đã vào được Bến Tre và về Hải Phòng an toàn sau 3 năm bị địch kiểm soát chặt chẽ. Điểm đặc biệt của chuyến đi này là cán bộ, chiến sĩ đã dùng xuồng cao su bọc nẹp nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến đạt hiệu quả cao. Qua chuyến đi của Tàu C121 vào bến Cồn Lợi thành công và trở lại căn cứ an toàn, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng cho nhân rộng phương thức dùng xuồng cao xu bọc nhôm chuyển tải hàng từ tàu vào bến.
Với những thành tích đó Tàu C121 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
11. Tàu C235
Tàu C235, được biên chế về Đoàn 125 năm 1968. Trong chuyến đi ngày 6-2-1968, tàu chở 16 tấn vũ khí vào Hòn Hèo (Khánh Hòa). Phát hiện ra tàu ta, quân ngụy điều 3 tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều khiển tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đã đến được bến. Tàu không gặp bến đón. Thuyền trưởng lệnh toàn tàu khẩn trương cho hàng xuống nước rồi sẽ vớt sau. Lúc này, các tàu địch đang khép chặt vòng vây. Thuyền trưởng cho ngừng việc thả hàng và đưa tàu chạy ven bờ với ý định nghi binh để không lộ vị trí thả hàng.
Tàu địch được lệnh bắn vào Tàu C235, đồng thời chúng gọi máy bay đến thả pháo sáng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh vừa chỉ huy anh em chiến đấu, vừa điều khiển tàu chạy sát vào bờ. Dưới sự chiến đấu ngoan cường của tàu ta, tàu địch không thể tiếp cận được. Lúc này, bên ta đã có 5 thủy thủ hy sinh, 2 đồng chí bị thương nặng, 7 đồng chí bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho thợ máy Ngô Văn Thứ đặt kíp nổ phá khoang máy, còn lại anh em khác rời tàu bơi vào bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại kiểm tra lần cuối và bơi vào bờ sau cùng. Hơn 10 phút sau, một cột lửa bùng lên cùng với một tiếng nổ dữ dội chấn động đến tận Nha Trang. Sức công phá mạnh của thuốc nổ, kiến Tàu C235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, lúc đó là 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968.
Những ngày sau đó, lực lượng ta lên bờ tiếp tục chiến đấu. Do đêm tối, lực lượng lên trước không bắt liên lạc được với đồng chí lên sau. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chống trả quyết liệt, buộc địch phải rút lui. Những ngày sau, đồng đội tìm thấy thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã hy sinh với tư thế vươn lên phía trước như còn đang chống trả quyết liệt và đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Tàu C235 gồm 20 cán bộ, chiến sĩ qua trận chiến đấu ác liệt đã làm 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Tàu C235 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 20-9-2011.
Thanh Tùng (Tổng hợp)

Nguyễn Phan Vinh và tàu 235 - Bản hùng ca bất tử

15:00 26/10/2006

21 tuổi nhập ngũ, 35 tuổi hy sinh,  đó là hai dấu ấn trong quân ngũ của Trung úy, thuyền trưởng tàu Hải quân  Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968). Năm 1970, anh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được mang tên anh, đảo Phan Vinh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét