Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 49

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                   Việt Nam đã giành lại đảo Len Đao từ Trung quốc như thế nào? 

Trường Sa 1988: Hải quân Việt Nam đã giành lại Len Đao như thế nào?

Một tháng sau cuộc hải chiến Trường Sa, bộ đội Việt Nam đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.



Tàu HQ-605 của Việt Nam hành quân đến Len Đao khoảng 5g sáng 14/3/1988.

Ngay lúc các chiến sĩ công binh vừa cắm xong cờ chủ quyền lên đảo chìm này, các tàu chiến Trung Quốc ào ào áp sát. Đó là những tàu pháo và khu trục hạm rất lớn, trang bị cả tên lửa.

Sau khi đe dọa không thành công, chiến hạm Trung Quốc lùi dần ra xa khỏi tầm súng bộ binh của tàu Việt Nam và điên cuồng nổ súng bắn cháy tàu HQ 605 làm tàu chìm ngay mép đảo. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ ta dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn. Tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đang ở đảo Sinh Tồn được lệnh đến ứng cứu cũng bị trúng đạn của kẻ thù.

Một tháng sau, công binh Việt Nam bí mật đổ bộ, xây dựng công sự trên đá Len Đao và giữ được đá này. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá Len Đao như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Trở lại với sự biến ngày 14/3/1988. Trước đó, ngày 11/3, nhiều chiến sĩ Trung đoàn E83 được lệnh khẩn lên tàu. Trung đội trưởng Đinh Xuân Toại (Đơn vị C7 – D3 – E83) lẽ ra cũng lên tàu HQ-604, nhưng đến giờ cuối, anh cùng một số chiến sĩ khác được điều chuyển sang tàu không số nhỏ hơn, chuyển hướng đến đảo Tốc Tan.
Khi đang xây dựng mốc chủ quyền và nhà trên đảo này, các anh nghe tin đồng đội bên Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao bị tấn công. Cả ngày đó, cùng với lực lượng từ đảo Sinh Tồn và cụm đảo xung quanh đó, các anh đã cố gắng tiếp cận Gạc Ma tiếp cứu đồng đội, nhưng bị tàu Trung Quốc ngăn chặn nên không thể vào được.
Ngày hôm sau, khi đã đưa được những chiến sĩ thương vong về Sinh Tồn, đơn vị anh Toại được đưa về đất liền, chuẩn bị lực lượng chiến đấu.
Một tháng sau, các anh đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.
Chúng tôi có 35 lính công binh và 7 thủy binh, được Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trực tiếp chỉ huy, ra đi với quyết tâm giành lại đảo. Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị tư tưởng có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông, và họ cũng quyết liệt giành giật đảo của ta. Nhưng chúng tôi vẫn đi, quyết tử”. Anh Toại kể lại.
Từ 2h sáng, các anh bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao, tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo. Các chiến sĩ không tiếp cận được.
Buổi sáng ra, tình huống trước lặp lại: Trung Quốc cho tàu áp sát uy hiếp, lần này nhiều hơn: 7 tàu chiến Trung Quốc và vô số xuồng nhỏ vây quanh uy hiếp. Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của Việt Nam ít hơn rất nhiều. Hai bên liên tiếp gọi loa sang nhau khẳng định chủ quyền.
Lúc đó không khí căng như dây đàn, cả hai bên cùng chĩa súng vào nhau, sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy hai bên gọi loa sang nhau nói rất nhiều bằng tiếng Trung Quốc, tôi không hiểu lắm. Nhưng sau được nghe lại là phía Trung Quốc nói đây là đảo thuộc chủ quyền của họ, yêu cầu Việt Nam tránh xa. Phía mình cũng nói lại đây là chủ quyền của nước Việt Nam và chúng tôi đang thực hiện của chủ quyền của Việt Nam. Hai bên cứ trao đổi một hồi, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Được một hồi, 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, phía tàu Trung Quốc tản ra và chúng tôi được yên ổn làm việc. Rất may hôm đó không xảy ra xung đột, không bên nào nổ súng”, anh Toại cho biết.
Trước đó, các anh đã được huấn luyện xây nhà cấp tốc trong đất liền. Một ngôi nhà kiên cố trung bình phải xây trong vài tháng, các anh được huấn luyện xây hoàn thiện trong hai tháng. Nhưng khi làm tại Len Đao, các anh phải làm nhanh hơn nữa, chỉ trong mười mấy ngày đã xây xong ngôi nhà tại đảo.
Sau khi xây xong nhà tại Len Đao, nhóm anh Toại tiếp tục di chuyển xây nhà tại đảo Đá Nam rồi gặp bão. Tàu của các anh bị xô dạt, chìm nổi trong bão 25 ngày mới quay lại được đất liền. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu được Ban chỉ huy Vùng 4 Hải quân khen thưởng.
Từ 1988 đến nay, Trung Quốc chiếm giữ Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ thành công Cô Lin và Len Đao.
S.T

CQ-1988: Không quân Việt Nam xuất kích giành lại đảo Len Đao

(Quan hệ quốc tế) - Sau khi Trung Quốc nổ súng vào tàu và chiến sĩ Việt Nam ở đá Gạc Ma, Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá.

    Su-22M không phải là máy bay có tầm bay xa vì vậy nếu sai một chút nhỏ về phương hướng thì không còn đủ nhiên liệu để về đến đất liền.
    Để thực hiện chuyến bay đường dài này, máy bay đã phải lắp thêm 4 thùng dầu phụ cho máy bay. Và đến khi bay về hạ cánh an toàn, lượng dầu mỗi máy bay chỉ còn lại khoảng 700 kg, chỉ đủ bay thêm được khoảng hơn 10 phút nữa.
    Sau chuyến bay đầu tiên, hình ảnh máy bay của không quân ta bay qua Trường Sa đã củng cố thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền của các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo. Các chuyến bay sau đó, các phi công đều cố gắng đưa máy bay xuống rất thấp, bộ đội ngoài quần đảo nghe tiếng máy bay đã ùa ra đón.
    Trong chiến dịch CQ-88, ngay từ đầu chủ trương của ta là chỉ sử dụng các lực lượng vận tải và công binh để thực hiện đóng quân bảo vệ chủ quyền, không để đối phương tạo cớ đánh chiếm toàn bộ quần đảo khi lực lượng của ta còn mỏng do phải căng sức trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc và Tây Nam.
    Vì vậy, trong giai đoạn ban đầu, không quân tiêm kích ít khi hiện diện trên quần đảo Trường Sa. Thực hiện nhiệm vụ lúc này là các máy bay vận tải AN-26 của Trung đoàn 918.
    Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao
    Ngay sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma diễn ra vào ngày 14-3, trong các ngày tiếp theo, máy bay An-26 của Không quân Việt Nam đã bay ra Cô Lin, Len Đao trinh sát trận địa.
    Ngày 30-3-1988, tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Đồng thời những máy bay chiến đấu cũng được lệnh sẵn sàng yểm trợ lực lượng hải quân bảo vệ chủ quyền.
    Một tháng sau trận đánh bảo vệ Gạc Ma, Hải quân đi trên tàu chiến hải quân, chở theo 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.
    Trước khi đi, phía ta đã xác định có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông và họ cũng quyết liệt xâm chiếm đảo của ta nên lực lượng máy bay chiến đấu cũng đã được lệnh sẵn sàng yểm trợ hải quân chiến đấu.
    Từ 2h sáng, Hải quân Việt Nam bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên ta chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao. Tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo nên các chiến sĩ không tiếp cận được.
    Buổi sáng, phát hiện ra ta cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp. Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của ta ít hơn rất nhiều. Không khí hết sức căng thẳng, quân ta xác định sẵn sàng cho trận chiến bảo vệ đảo.
    Khi đó, trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, tàu Trung Quốc - đúng như truyền thống ngàn đời “cậy mạnh hiếp yếu” - ngay lập tức chạy tản ra. Bộ đội ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.
    • Thiên Nam

                                                   Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam như thế nào?!

    Sao không chiếm lại Gạc Ma?

    Thứ bảy, 14/03/2015, 10:05 (GMT+7)
    (An Ninh Quốc Phòng) - Sao không chiếm lại Gạc Ma? Rất nhiều người nêu câu hỏi đó, khi nhắc về một phần của máu thịt Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng ngày 14/3/1988. Nhưng sao chỉ hỏi “sao không chiếm lại Gạc Ma”?
    Sao không chiếm lại Gạc Ma? Nếu người hỏi chỉ thấy mỗi đảo Gạc Ma, không nhìn xa hơn, rộng hơn, sẽ chẳng có câu trả lời nào lọt tai họ.
    Ngoài bãi san hô Gạc Ma, từ đầu năm 1988 đến tháng 3/1988, Trung Quốc đã chiếm các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Su Bi, Huy Ghơ ở quần đảo Trường Sa? Thay vì hỏi sao không lấy lại các đảo đó, tại sao chỉ hỏi “sao không chiếm lại Gạc Ma”?
    haichiengacma
    Những người lính Việt Nam anh hùng không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội, tinh thần quyết tử của chiến sĩ ta thật oai hùng
    Sao năm 1988 không chiếm lại các đảo bị Trung Quốc chiếm?
    Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy cụm 2 Trường Sa (cụm Sinh Tồn, bao gồm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin) trong CQ88 trả lời câu hỏi này của tôi.
    “Nói năm 1988 mình thả lỏng để Trung Quốc chiếm đảo là hoàn toàn sai. Tôi là người trong cuộc, tôi rất hiểu. Mình chủ yếu là tàu vận tải, phương tiện thô sơ, đi ra đến đúng đảo chủ yếu là nhờ kinh nghiệm, xác định định vị dựa vào các tàu buôn lớn của nước ngoài. Cố gắng rất lớn. Vì đảo là đảo chìm, một bãi cạn mênh mang. Ý chí, quyết tâm của mình lớn, nhưng tiềm lực, khả năng của mình hạn chế. Phải thừa nhận với nhau chuyện đó. Nhưng không có chuyện thả lỏng Trung Quốc nó muốn làm gì thì làm.”
    “Quần đảo Trường Sa quá rộng, các điểm đảo cách nhau rất xa, mình chủ trương đóng giữ tất cả các đảo, nhưng phải chú ý đóng giữ các đảo lớn, bãi chìm lớn trước, bãi nhỏ sau. Nhiệm vụ của tôi là xây dựng xong hai nhà cao chân trên Đá Đông thì lên Ga Ven, làm xong nhà ở Ga Ven, nếu còn lực lượng, còn phương tiện thì mới giải quyết nốt Chữ Thập… Mà đúng cái mùa gió ghê gớm, thời tiết khắc nghiệt. Khi đi, tôi nói với sở chỉ huy, Liên Xô có phương tiện, mình phải nhờ để có gì họ cứu hộ cứu nạn với mình. Lúc sóng gió nguy cơ nhất, liên tục báo về tọa độ tương đối, để có gì là Liên Xô ra cứu hộ cứu nạn…”
    Người ta cứ thắc mắc, sao mình không đánh lại ở Gạc Ma. Thực ra mà nói, mình không có phương tiện để đánh. Như cái 605, có hai bệ pháo 40 ly của Mỹ ở mũi tàu, cũ rồi, đạn từ thời Mỹ, chưa chắc còn nổ được. Thứ hai, tàu Trung Quốc nó đậu cách mấy hải lý, nó dùng pháo lớn bắn vào mình. Mình bắn lại nó, cũng không bắn tới.
    Sao mình không đưa tàu chiến ra?
    Mình khẳng định chủ quyền của mình, đưa ra chủ yếu là các phương tiện vận tải, anh em công binh ra giữ chủ quyền. Chứ mình không đưa tàu chiến ra để đối đầu, nổ súng. Chủ quyền là của mình, mình có trách nhiệm tiếp tục đóng giữ, bảo vệ. Chủ trương của mình là vậy. Có đưa tàu chiến ra Trường Sa, là để tăng cường hỗ trợ bảo vệ. Khi mình có chủ trương tiến hành làm nhà cao chân trên tất cả các đảo chìm, mình dùng từ “đóng giữ”, vì chủ quyền của mình rồi, chứ không phải mình “chiếm đóng”. Chính vì quan điểm đó, nên chúng tôi dù khó khăn mấy cũng làm, bằng phương tiện thô sơ của mình.
    Còn Trung Quốc, họ muốn có chủ quyền bằng sức mạnh. Tức là, một cái tàu đưa người định chiếm đóng đảo nào thì có tàu chiến khác đi cùng, thậm chí là tàu tuần dương, như tàu 064, 062. Họ đi đâu đều có phương tiện đồng bộ, sẵn sàng nổ súng. Nếu lúc đó mình đưa tàu chiến ra, tình hình trở nên phức tạp hơn. Có thể xảy chiến tranh, khốc liệt hơn, mà hy sinh của mình lớn hơn. Vì Trung Quốc nó có phương tiện đầy đủ hơn. Nó đánh từ xa, phóng tên lửa từ xa, từ tàu tuần dương, tàu khu trục cỡ lớn.
    tran_chien_gac_ma
    “Thà hy sinh không chịu mất đảo, hãy để máu mình tô thắm truyền thống Hải quân Việt Nam”
    Khi chiến sự xảy ra, lực lượng Liên Xô không tham gia, vì sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp. Họ chỉ giúp mình xác định tọa độ, cung cấp cho mình các phương tiện, báo cho mình thông tin về lực lượng của nó. Chứ họ không ra mặt ở đó được. Tôi nghĩ, lúc đó nếu Liên Xô vào, là cái cớ để lực lượng Mỹ cũng có mặt, thì trở nên còn phức tạp nữa. Tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, đâu chỉ có Việt Nam và Trung Quốc.
    Không chiếm lại các đảo bị Trung Quốc chiếm, ta làm gì?
    Năm 1975, Việt Nam đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.
    Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10/3/1978), Sinh Tồn Đông (15/3/1978), Phan Vinh (30/3/1978), Trường Sa Đông (4/4/19878). Tổng cộng đến năm 1978 ta đóng giữ 9 đảo ở quần đảo Trường Sa, đều là đảo nổi.
    Ngày 5/3/1987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đảo Thuyền Chài.Trong chiến dịch CQ88, trước ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2/12/1987), Tiên Nữ (25/1/1988), Đá Lát (5/2/1988), Đá Đông (19/2/1988), Đá Lớn (20/2/1988), Tốc Tan (27/2/1988), Núi Le (28/2/1988).
    Ngày 14/3/1988, ta đóng giữ thêm đảo Len Đao và đảo Cô Lin. Nhân đây cũng nói thêm về vài bài báo ca ngợi quân ta “chiếm lại Len Đao”. Đảo Len Đao có bị Trung Quốc chiếm bao giờ, mà ta chiếm lại. Ngày 14/3/1988, lực lượng ta trên tàu HQ-605 đã cắm được cờ trên bãi Len Đao, nhưng do Trung Quốc cản trở nên ta chưa thể dựng nhà được. Sau đó, trong thế hai bên rình rập nhau, ta đã khôn khéo chớp thời cơ, đổ người đổ phương tiện lên đóng giữ Len Đao, chỉ trong một đêm.
    Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta không lấy lại được Gạc Ma, nhưng đóng giữ thành công đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ đảo Đá Nam. Tổng cộng trong CQ88, ta đóng giữ 11 đảo chìm. Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.
    Được, mất của ta sau CQ88 và sự kiện 14/3/1988, các bạn tự trả lời.

    Giải mật tài liệu CIA về trận hải chiến Trường Sa

    Báo cáo của CIA nhận xét rằng trận hải chiến 1988 đã không làm cho Việt Nam sợ hãi. Việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phát tín hiệu rằng Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa bằng bất kỳ...
    Hồi ức người trong cuộc về cuộc chiến đẫm máu tại Gạc Ma 1988

    Hồi ức người trong cuộc về cuộc chiến đẫm máu tại Gạc Ma 1988

    Ngày 14/03/1988 đã xảy ra trận chiến đẫm máu giữa Hải quân Việt Nam và Trung Quốc tại Gạc Ma, Trường Sa. Trận chiến kết thúc, hải quân Việt Nam chỉ có chín người sống sót. Bối cảnh và...
    (Theo Nhà báo Nguyễn Đình Quân)

    Sách ‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’ sẽ có chữ ký của nhân chứng

    Thứ tư, 16/03/2016, 17:45 (GMT+7)
    (An Ninh Quốc Phòng) - Cuốn sách về trận chiến lịch sử năm 1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ có chữ ký, lăn tay của các chiến sĩ Gạc Ma còn sống tới ngày hôm nay.
    Ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty First News – Trí Việt cho biết, bản thảo cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử đã được Cục Xuất bản duyệt đề tài xuất bản cho Nhà xuất bản Văn học vào ngày 14/3. Trước đó, bản thảo sách từng được chuyển qua nhiều nhà xuất bản nhưng không được duyệt in.
    Vừa qua, một số thông tin cho rằng, cuốn sách khó được xét duyệt xuất bản vì chất lượng nội dung hay đề tài nhạy cảm. Là đơn vị xuất bản sách, ông Phước khẳng định, bản thảo Gạc Ma – Vòng tròn bất tử đầu tiên nộp cho NXB Trẻ vào tháng 4/2014. Sau đó theo tư vấn của Vụ Xuất bản – Ban Tuyên giáo Trung ương, First News đã rút về để biên tập, hoàn thiện bản thảo và nộp đến NXB đúng chức năng hơn.
    Sách 'Gạc Ma - Vòng tròn bất tử' sẽ có chữ ký của nhân chứng
    Bức tranh của họa sĩ Bùi Lệ Trang được dùng làm bìa sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử. Ảnh: T.V
    Vì cuốn sách đang được xã hội và bạn đọc quan tâm nên First News – Trí Việt cùng các tác giả và Thiếu tướng Lê Mã Lương đang hoàn chỉnh bản thảo. Theo đó, bìa chính thức của cuốn sách sẽ sử dụng bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử mà First News đã đặt họa sĩ Bùi Lệ Trang vẽ vào tháng 4/2015.
    Câu nói cuối cùng trước lúc hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Phương khi bị trúng đạn quân thù, ngã xuống và chuyển lá cờ Tổ quốc cho chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh cũng được tham vấn những nhân chứng có mặt trên đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 để có câu chữ chính xác nhất.
    Ông Phước khẳng định, thông tin xác thực về những gì diễn ra ở đảo san hô Gạc Ma sẽ thể hiện rõ hơn qua chữ ký và lăn tay của các nhân chứng cựu binh Gạc Ma còn sống.
    Gạc Ma – Vòng tròn bất tử được kỳ vọng là cuốn sách tái hiện đầy đủ và rõ nét nhất về trận chiến Gạc Ma. Từ đó nâng cao tinh thần bảo vệ lãnh thổ, biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
    (Theo Tri Thức Trẻ)

     

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét