Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 50/b

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                        Huyền thoại TÀU KHÔNG SỐ - Tập 3+4

Kỳ tích 'Đoàn tàu không số'

(VTC News) - 14 năm, Đoàn tàu không số đã trải qua hơn 20 cơn bão, chiến đấu với 300 lượt tàu địch, 1200 lượt máy bay địch... cùng biết bao hy sinh thầm lặng.

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Hải Quân (tại Hải Phòng) – thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân vào những ngày cuối tháng 4, trong không khí cả nước đang hướng về l kỷ niệm ngày 30/4 giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại úy Nguyễn Thu Phương, nhân viên thuyết minh của Bảo tàng giới thiệu với chúng tôi về những kỳ tích, những chiến công và những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.

Đầu những năm 1960, tuyến giao liên Trường Sơn-559 làm nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường Miền Nam đã hoạt động nhưng chủ yếu mới đưa được người và vũ khí vào các tỉnh khu 5, còn các tỉnh ven biển thì chưa tới được.

Thời kỳ này, phong trào cách mạng Miền Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về vũ khí cho chiến trường Miền Nam đang là đòi hỏi cấp bách, có tính sống còn. Đồng bào Miền Nam phải đánh giặc bằng giáo mác, gậy tầm vông.

Miền Nam đang cần vũ khí! Chi viện vũ khí cho cách mạng Miền Nam vào thời điểm này, không còn con đường nào khác là đường biển.
Nơi xuất phát đầu tiên của Đoàn tàu không số huyền thoại
Bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) - Nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của Đoàn tàu không số huyền thoại chở hàng đi chiến trường - Ảnh Minh Khang 

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng về việc vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển, từ cuối năm 1961 đến đầu 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của 4 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh ra miền Bắc an toàn. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thuỷ 759 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Miền Nam.

Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường.
Sơ đồ các chuyến đi của Đường Hồ Chí Minh trên biển
Sơ đồ các chuyến đi của Đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh Minh Khang 

Giai đoạn vận chuyển bằng tàu gỗ, đi sát bờ (1962-1963)
Ngày 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ gắn máy Phương Đông 1 xuất phát từ bến Đồ Sơn- Hải Phòng do đồng chí Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một chỉ huy chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày cập bến Rạch Gốc - Cà Mau thành công.

Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Biển Đông với biết bao kỳ tích đã được mở. Sử dụng thuyền gỗ gắn máy, đi sát ven biển (phương pháp địa văn), vận chuyển được 178 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam. 

Giai đoạn vận chuyển bằng tàu sắt, đi xa bờ (1963- 1965)

Đoàn 759 được chuyển giao về Quân chủng Hải quân với phiên hiệu Đoàn 125. Đây là giai đoạn vận chuyển tích cực nhất, hiệu quả nhất của đoàn 125.

Với những con tàu sắt có trọng tải lớn, chở được nhiều hơn, đi xa bờ hơn, ta đã vận chuyển được 80 chuyến, với hơn 4000 tấn vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng lớn của quân dân Miền Nam như chiến thắng Ấp Bắc (1963), Núi Thành, Vạn Tường (1965).

Tháng 12/1964, tàu 56 của Đoàn 125 chở 44 tấn vũ khí vào Bà Rịa (tháng 12/1964). Tại đây, một Trung đoàn bộ đội chủ lực tay không đã chờ sẵn, tiếp nhận vũ khí để tham gia chiến dịch bình giã và góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông-Bắc Sài Gòn. Trận này góp phần giáng một đòn quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- Nguỵ.
con tàu không số đang vận chuyển vũ khí trên biển
Một trong những con tàu không số đang vận chuyển vũ khí trên biển vào miền Nam 

Giai đoạn vận chuyển (1965-1968)
Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì một việc không may xảy ra. ngày 16/2/1965, tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ  huy, chở 63 tấn vũ khí  khi vào bến Vũng Rô - Phú Yên thì bị địch phát hiện.

Địa hình ở đây rất trống trải, địch tổ chức canh phòng nghiêm ngặt. Trước đó tàu 41 đã chở 3 chuyến vào đây thành công. Chúng cho nhiều máy bay, tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh đến bắn phá, tấn công.

Thủy thủ tàu 143 được sự hỗ trợ của lực lượng bến, đã tổ chức chiến đấu bảo vệ tàu. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, ta phải tổ chức rút lui và cho nổ bộc phá huỷ tàu. Song phá không hết. Vậy là con đường vận chuyển vũ khí bí mật bằng đường biển đã bị lộ...

Vận chuyển gián tiếp VT5.
Cuối năm 1968, đoàn 125 được giao nhiệm vụ tổ chức chiến dịch vận tải gián tiếp VT-5, đưa vũ khí, hàng hoá từ Hải Phòng vào sông Gianh, để từ đó hàng theo đường bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường. Từ tháng 11/1968 đến tháng 6/1969, đoàn đã huy động 542 lượt chuyến tàu, vận chuyển được hơn 30 nghìn tấn hàng chi viện chiến trường Miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu không số
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu không số tại Cảng Bính Đông Hải Phòng mùa xuân năm 1970 

Giai đoạn vận chuyển 1969- 1972.
Thời kỳ này, địch phong toả ngày càng nghiêm ngặt. Nhưng địch càng phong toả, ta càng tìm nhiều phương thức vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam. Tháng 8/1969, tàu 42 được cải dạng thành tàu nghiên cứu biển, đã tổ chức chuyến trinh sát mở tuyến vận chuyển mới thành công.

Theo tuyến đi này, các tàu chở vũ khí đi trên đường hàng hải quốc tế, vòng qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sâu xuống vùng biển Xu-Ma-Tra, sau đó quay lại vịnh Thái Lan, rồi bất ngờ tàu chuyển hướng, đưa vũ khí vào vùng biển Tây Nam- Việt Nam.

Đây là giai đoạn vận chuyển đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của Đoàn 125, vận chuyển được hơn 400 tấn vũ khí chi viện chiến trường Miền Nam. Tiêu biểu là chuyến đi của tàu 645 vào quân khu 9, ngày 24/4/1972. khi chuyển hướng vào bến thì gặp tàu địch tấn công.

Tàu bị thương nặng, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hoả các khối bộc phá cho tàu nổ tung và hy sinh anh dũng cùng với con tàu thân yêu của mình trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Phối hợp vận chuyển với đoàn 371.
Năm 1971 - 1972, công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ quốc phòng giao cho Hải quân phối hợp với đoàn 371 - Quân khu 9 bí mật chở vũ khí trên những con tàu đánh cá hợp pháp. Trong 2 năm, đã vận chuyển được 520 tấn vũ khí vào chiến trường khu 9. Đặc bùệt, ta còn đưa đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp đi công tác, làm nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng Miền Nam.
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ tại bên K15 Đồ Sơn - Ảnh Minh Khang 

Trải qua 10 năm (1962- 1972) trực tiếp vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sự phong toả gắt gao, ác liệt của địch để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đoàn đã tổ chức 168 chuyến đi, vận chuyển được 6.105 tấn vũ khí, hàng hoá vào 19 bến  trên địa bàn 9 tỉnh ở Miền Nam, kịp thời chi viện vũ khí cho cho quân dân Miền Nam làm nên những chiến thắng vang dội, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ Ngụy, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà.
Trải qua 14 năm (1961-1975) vận chuyển, chi viện chiến trường Miền Nam, Hải quân đã đi 1879 lượt chuyến tàu vận tải, vận chuyển được 152.876 tấn vũ khí, đạn dược, 80.026 lượt người, đi qua 3.758.000 hải lý trên đường Hồ Chí Minh xuyên Biển Đông, trực tiếp chiến đấu với 300 lượt chiếc tàu địch, 1.200 lượt chiếc máy bay, khắc phục được 4.000 quả thủy lôi, bắn chìm và bắn bị thương 10 tàu, bắn rơi 5 máy bay và bắn bị thương nhiều chiếc khác, tiêu diệt hàng trăm sinh lực địch, vượt qua hơn 20 cơn bão để vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Với thành tích trên, Đoàn 125 hai lần được tuyên dương đơn vị AHLLVTND (12/1967 và 6/1976). 5 tàu được phong đơn vị AHLLVTND, 6 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng danh hiệu AHLLVTND ...  tiêu biểu cho phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Hải quân.

Thuyền trưởng Tàu không số kể về đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại

Dân trí 50 năm đã qua nhưng ký ức về những tháng ngày lênh đênh trên Tàu không số vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những nỗi đau như một vết sẹo khó lành mãi ám ảnh người thuyền trưởng, đó là ký ức về những đồng đội đã bỏ lại thân mình nơi biển cả...


Nhiều người bất ngờ khi gặp lại Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, Cựu chiến binh Hải quân Việt Nam tại trường quay Đài Truyền hình Việt Nam, trong chương trình Giai điệu Tự hào tháng 9 - Bám biển quê hương ngày 19/9 tại Hà Nội. Bất ngờ hơn, khi ông được mời làm thành viên Hội đồng bình luận chương trình, bên cạnh nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tiến sĩ Trần Công Trục - chuyên gia biển Đông, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ…
Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1941, quê Bến Tre) cùng huyền thoại Tàu không số đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ông cũng một trong những người đầu tiên vượt biển từ Nam ra Bắc để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Những năm tháng lịch sử hào hùng ấy đã được ông chia sẻ trong chương trình.
Chỉ mong về thắp nén nhang cho đồng đội
Tháng 6/1961, chiến trường miền Nam bước vào cuộc chiến chống Mỹ cam go. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, ông Đức cùng 5 đồng đội lên đường ra Bắc để chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam trên một chiếc tàu gỗ đánh cá ọp ẹp.
Chuyến đi đầu tiên nhằm khảo sát tình hình hoạt động của địch, địa hình, đường đi,... Vượt qua 2.000 km trên biển chỉ với một tấm bản đồ sơ sài, qua bao vòng vây bom đạn của địch, cuối cùng ông Đức và đồng đội cũng ra được miền Bắc trong sự bất ngờ của những người chỉ huy, và cả chính bản thân ông.


Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, CCB Hải quân Việt Nam kể lại những năm tháng gắn bó với Đoàn tàu không số.
Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, CCB Hải quân Việt Nam kể lại những năm tháng gắn bó với Đoàn tàu không số.

Chuyến đi đầy bão táp ấy đã mở ra chương đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Ngày 23/10/1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu Đoàn tàu không số. Trong suốt 14 năm từ đó cho đến ngày toàn thắng, hàng trăm con tàu gỗ nhỏ mong manh như chiếc lá giữa biển khơi đã chuyên chở vào chiến trường miền Nam hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa. Cùng với đó, là tấm lòng của hậu phương miền Bắc.
Ông Sáu Đức kể, hiểm nguy nơi biển cả bao la với những cơn bão khủng khiếp cũng chưa thấm vào đâu nếu so với những cuộc lùng sục của kẻ thù gồm hàng trăm chiếc tàu của hạm đội 7 Mỹ, hải quân Ngụy, máy bay trinh sát và cả vệ tinh do thám của Mỹ.
“Đầu không đội trời, chân không đạp đất, không có thứ gì để chiến đấu và chống trả. Không chỉ vậy, chúng tôi còn đương đầu với gió bão. Sóng gió cấp 6-7 là lúc tàu bắt đầu đi, vì chỉ khi đó mới gặp ít nguy cơ phải đương đầu với địch. Đi lúc bão mà thành công còn hơn đi trong trời êm mà phải phá tàu”, ông Đức kể lại.
50 năm đã qua nhưng ký ức về những tháng ngày lênh đênh trên Tàu không số vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những nỗi đau như một vết sẹo khó lành mãi ám ảnh người thuyền trưởng giờ đã bước vào tuổi thất thập. Đó là vào ngày 27/2/1968, khi chiếc tàu mang số hiệu 43 chở hơn 40 tấn vũ khí vào cảng Lý Sơn, Quảng Ngãi thì bị địch phát hiện. 17 chiến sĩ trên tàu thì 3 người thiệt mạng, 12 người bị thương. Mọi người cùng dìu nhau bơi vào đất liền để tìm sự giúp đỡ. Tàu cũng được kích nổ để phá.
Ông Đức đau xót nhớ về người đồng đội trẻ mới ngoài 20 không may mắn. Chiến sĩ Vũ Xuân Ruệ quê ở Tiền Hải, Thái Bình mới cưới vợ được 3 ngày đã lên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Bị thương nặng trên khoang lái, chàng trai trẻ chỉ kịp mấp máy với ông: “Anh Đức ơi, chắc em chết mất thôi. Chúc các anh chiến đấu thắng lợi, về miền Bắc an toàn”, rồi gục xuống tắt thở. “Cậu ấy chết trên tay tôi. Một chàng trai trẻ 24 tuổi, mới cưới vợ được 3 ngày đã lên đường làm nhiệm vụ. Rồi hy sinh ngay sau đó. Tôi thương đồng chí lắm. Đồng chí mất trên biển cũng không còn xác nữa”, giọng ông Đức nghẹn ngào.
Vào đến bờ, các chiến sĩ bị thương được người dân đưa vào bệnh xá Đặng Thùy Trâm và được chính bác sĩ Đặng Thùy Trâm tận tình cứu chữa và chăm sóc. 35 ngày sau, tất cả bình phục lại tiếp tục lên đường.
Chuyến tàu thành công nhất
Sau sự kiện Vũng Rô năm 1967, đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Mỹ lập tức siết chặt khu vực biển Đông, tăng cường tàu tuần tiễn, máy bay trinh sát để ngày đêm săn lùng, âm mưu cắt đứt hoàn toàn đường biển nối liền tiền tuyến với hậu phương.
Suốt 3 năm liền (1965-1968), không một con tàu nào của ta lọt qua được vùng biển này. Thất bại, các chiến sĩ phải phá tàu bơi vào bờ. Quân ta trên chiến trường miền Nam lâm vào cảnh khó khăn, nhiều chiến sĩ hy sinh. Tình thế ấy buộc Trung ương Đảng phải chỉ huy một chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam bằng mọi giá.
Đó là vào tháng 10/1969, khi cả nước đang chìm trong nỗi đau vì Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới qua đời. Ông Sáu Đức khi đó được điều làm thuyền phó tàu 154 nhận nhiệm vụ mới là đi khắp vùng biển các nước Đông Nam Á tìm đường vào Nam. Khi đó, tàu 154 đang nằm ở Xưởng 3, Hải Phòng.
Đó là chuyến đi đáng nhớ nhất, cũng là chuyến đi dài nhất của ông trên biển. Bình thường, mỗi hải trình của Tàu không số chỉ kéo dài 5, 6 ngày nhưng lần này, để tránh nanh vuốt của địch, tàu 154 phải đi ra ngoài vùng biển tự do khắp Đông Nam Á, vòng qua hàng loạt các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia rồi mới quay trở lại miền Nam Việt Nam.
Ông Đức kể, trong đêm cuối cùng khi tàu đi từ Malaisia sang đảo Hòn Khoai (Cà Mau), trời mưa tầm tã, thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam thắp đèn sáng rực trên biển. Mưa bão và sóng trên tàu đánh cá khiến ra đa trinh sát của địch bị nhiễu. Tận dụng cơ hội này, tàu 154 tranh thủ len lỏi vào vùng đánh cá của dân rồi mở hết tốc độ, lao thẳng vào bến trên đất liền. 1h sáng, tàu cập cảng. Ai nấy đều vui mừng khôn siết.

Người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân.
Người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân.

“Mọi người cho rằng, vong linh Bác Hồ đã phù hộ nên tàu mới cập bến trót lọt. Chuyến tàu đó, chúng tôi chở được 60 tấn vũ khí để chi viện, góp phần không nhỏ vào công cuộc thắng lợi của miền Nam, ổn định chiến trường, giữ vững vùng giải phóng. Thành công của chuyến đi này là điều nằm ngoài sức tưởng tượng. Ngay đồng chí Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn còn không tin nổi, gọi điện xác nhận liên tục”, ông Sáu Đức nhớ lại.
Theo ông Đức, khi Bác Hồ qua đời, anh em đã hạ quyết tâm dù có hy sinh cũng phải đưa bằng được một chuyến tàu vào miền Nam dù tình hình lúc đó vô cùng khó khăn. May mắn là chuyến đi thành công tốt đẹp, tàu 154 được Nhà Nước phong tặng Huân chương “Anh hùng lực lượng vũ trang”. 18 chiến sĩ trên tàu đều được tặng thưởng Huân chương hạng Nhất tới hạng Ba. Với không chỉ cá nhân ông Sáu Đức, đó là một chuyến đi để đời.
Đi qua hơn nửa thế kỷ, vượt qua bao giông bão, bom đạn, người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân...
Hoàng Anh

Huyền thoại tàu không số 235: Trận chiến sinh tử

 

(Kiến Thức) - Trận hải chiến kiên cường của cán bộ, thủy thủ tàu 235 đã đi vào huyền thoại, là dấu son chói lọi của Hải quân nhân dân VN anh hùng.

Năm này tròn 53 năm kỷ niệm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại (23/10/1961 – 23/10/2014). Đây là dịp tưởng nhớ và tôn vinh hàng ngàn thủy thủ, những con người quả cảm, từng một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên biển. Công lao của các anh hùng, liệt sĩ thật lớn lao và luôn được trân trọng, mãi là những bài học cho thế hệ trẻ về phẩm chất truyền thống cao đẹp “ Bộ đội Cụ Hồ”.
 Tưởng niệm tàu không số anh hùng.
Con tàu (không số) anh hùng mang bí số 235 đã anh dũng “cảm tử” tại vùng biển Hòn Hèo, thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Xuất phát từ một cảng biển hậu phương miền Bắc, con tàu được biên chế 20 thủy thủ, do Trung úy Nguyễn Phan Vinh, một người con quê hương đất Quảng chỉ huy. Đây là con tàu nhận lệnh đưa hàng trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm 29/2/1968, sau khi tàu đã gần tới vùng biển Hòn Hèo thì bị địch phát hiện. Trời tối, tàu phải tắt hết các tín hiệu, thế nhưng Phan Vinh vẫn chỉ huy tàu vào gần đến bến.
Phía sau là 7 tàu chiến địch đuổi theo, trực thăng trên cao pha đèn, thả pháo sáng, bắn xối xả vào tàu… Các thủy thủ còn sống sót như Lâm Quang Tuyến, Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật bùi ngùi kể lại: “Thuyền trưởng Vinh của chúng tôi rất giỏi, rất quyết đoán, tàu 235 là tàu cao tốc, có 4 máy nên khi bị bao vây, thuyền trưởng đã tính đến việc phá vòng vây địch. Tất cả đều đặt niềm tin vào anh. Nhưng do địch huy động lực lượng quá đông và liên tục nã đạn ác liệt làm máy hỏng, ý đồ của địch là bắt sống tàu. Nhưng thuyền trưởng đã thực hiện nhanh phương án tiếp theo, gói bọc kín hàng thả xuống biển. Đồng thời cho tàu chạy ra nơi khác để bảo toàn nơi thả hàng…
Lúc này đã có một số thủy thủ hy sinh ngay trên tàu. Sau khi đã thả hết hàng xuống đáy biển, Phan Vinh thét lên, tất cả bơi vào bờ, lên núi, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị thuốc nổ để phá hủy tàu... Cả tấn thuốc nổ đã được kích hoạt, một tiếng nổ long trời, kèm cột lửa bốc cao, cắt đôi và văng mảnh lớn con tàu lên sườn núi. Suốt 13 ngày trong rừng, các thủy thủ ăn lá cây, ve sầu, kể cả ốc sên… mà sống… không còn đạn, không lương thực…
Kẻ địch lại bao vây, lùng sục, do đó anh em đã phải phân tán ra nhiều nơi. Do bị thương nặng, thuyền trưởng Phan Vinh đã hy sinh. Quá khát nước, nên Mai Xuân Khung xung phong đi tìm nước uống, đi được vài phút thì nghe có tiếng súng nổ, rồi không thấy Khung về, ai cũng nghĩ Khung đã hy sinh. Nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (2011), bất ngờ chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, thế là cứ ôm chặt nhau đến không còn kẽ hở. Là những người may mắn còn sống, những thủy thủ sống sót như chúng tôi thật vui mừng, bởi đã kiên cường trước sự tấn công của kẻ địch, vẫn bảo vệ được số vũ khí, hủy gọn con tàu để giữ mãi bí mật con đường huyền thoại. Chúng tôi nhớ mãi cái đêm năm ấy (1/3/1968), 14 thủy thủ đã anh dũng hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Phan Vinh. Máu xương các anh đã vĩnh viễn hòa vào vùng biển đại dương đất Mẹ”.
Các thủy thủ tàu không số 235 gồm thủy thủ Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến, Nguyễn Văn Phong và phóng viên báo Dân Việt (từ trái sang).
Đã 53 năm trôi qua, giờ đây con tàu 235 và cùng nhiều con tàu không số khác được vinh danh Anh hùng. Những đồng đội năm xưa đã có dịp tìm gặp lại nhau, cùng về đây thắp cho nhau nén nhang và thầm gọi tên nhau, vẫn cứ xưng hô bằng “mày – tao” thật dung dị, nhưng ai cũng nghẹn trào cảm xúc. Trong khi trò chuyện với cựu thủy thủ Hà Minh Thật (hiện sống tại TP.HCM), bỗng dưng ông lặng người đi, khóe mắt đỏ hoe và ông chỉ cho chúng tôi xem nơi còn nguyên mảnh đạn nằm sát cột sống gần hông suốt 46 năm qua...
 Anh hùng Nguyễn Phan Vinh (1933-1968)
Nhắc tới con đường huyền thoại trên biển, là Tổ quốc và nhân dân nhắc tới các thủy thủ đã anh dũng hy sinh. Trong đó có trận hải chiến kiên cường của 20 cán bộ, thủy thủ tàu 235 đã đi vào huyền thoại, là dấu son chói lọi của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Với chiến công phi thường ấy, ngày 25/8/1970, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1990), tên người thuyền trưởng tàu 235 đã thành tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) – đảo Phan Vinh, một trường trung học cơ sở ở Ninh Hòa, một đường phố ở Nha Trang cũng đã mang tên người anh hùng Phan Vinh...
Thắp hương tại Bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tàu 235 tại sườn núi Bà Nam, thuộc dãy núi Hòn Hèo. 
Miếu thờ và bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tàu 235 đã được người dân, chính quyền địa phương và Quân chủng Hải quân xây dựng tại sườn núi Bà Nam thuộc dãy núi Hòn Hèo, nơi có mảnh xác tàu 235 văng lên khi tàu “cảm tử”. Ngày 26/4/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm tàu 235 - đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Hà Trang

 

Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh

43 năm sau ngày con tàu không số nổ tung, trên sườn núi Bà Nam (Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa), bên ô cửa mạn của xác tàu vẫn nghi ngút khói hương và những nắm cơm cúng 14 thủy thủ.

Nổ long trời lở đất
“Mới sáng sớm, đất trời rung chuyển sau tiếng nổ lớn chưa từng thấy. Một cột khói khổng lồ dựng lên trên biển, cháy tới 3 ngày đêm…” - cụ bà Võ Thị Phải (82 tuổi), một cư dân bám trụ ở Ninh Vân ngày ấy, kể lại sự kiện tàu không số ký hiệu 235 của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Tiếng nổ làm rung chuyển đến tận TP.Nha Trang cách đó vài chục cây số, làm đứt đôi con tàu, hất tung nửa tàu lên núi Bà Nam cách vị trí nổ vài trăm mét và cao hơn mặt nước biển khoảng 200m.
Hình ảnh Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh số 1
Các chiến sĩ tàu 235 sống sót trở về, từ trái qua: Nguyễn Duy Phong,Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thập.
Ngày 1.3.1968, dù bị lộ từ trước nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn chỉ huy đưa được tàu không số ký hiệu 235 chở gần 14 tấn vũ khí vào sát bến Ninh Vân. Anh quyết định cho thả hàng chìm xuống nước để quân dân ở bến vớt sau. Khoảng 1 giờ 30, tàu 235 bị 7 chiến hạm của địch vây chặt từ phía sau, phía trước là núi Hòn Hèo. Thuyền trưởng Phan Vinh cho tàu rời khỏi vị trí thả hàng để bảo vệ số vũ khí đã thả. Tàu địch và máy bay tiếp viện đuổi theo, bắn dữ dội. Thủy thủ trên tàu 235 bắn trả quyết liệt làm một tàu địch bốc cháy.
Về phía ta, có 5 người hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh dù máu chảy đầy mặt do đạn sượt qua đầu nhưng vẫn chỉ huy phá vòng vây. Nhưng máy tàu bị địch bắn hỏng nặng. Anh lệnh toàn bộ rời tàu, đưa người đã hy sinh, bị thương vào bờ, và điểm hỏa cho nổ tàu.
Sau tiếng nổ long trời lở đất của 3 tấn thuốc, con tàu đứt làm đôi, một nửa bị hất văng lên núi, nửa còn lại chìm xuống biển.
Những người hùng trong lòng dân
Kể về tàu không số 235, ông Nguyễn Bá Cường (67 tuổi, Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa), nguyên là Trạm trưởng Trạm xá căn cứ Hòn Hèo, sau này từng là Bí thư Huyện ủy huyện Ninh Hòa, rất tự hào: “Những ngày được chăm sóc các thủy thủ còn lại của tàu 235 là những ngày đáng tự hào nhất cuộc đời tôi. Với tôi và người dân Ninh Vân, anh hùng Phan Vinh và 13 thủy thủ ấy không chết, tên anh đã thành tên trường, tên đường, tên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa…”.
Hình ảnh Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh số 2
Vợ chồng ông Cường, bà Hương kể lại sự kiện tàu 235 ngày 1.3.1968.
Ngay sau tiếng nổ kinh hoàng, máy bay địch bắn phá dọn đường rồi thả hàng ngàn bộ binh càn quét. Về phía ta, sau khi lên bờ, 9 thủy thủ còn lại chia làm hai cánh. Thuyền trưởng Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt chặn ở cánh Nam để cho 7 người khác rút lên núi. Sau này, người dân Ninh Vân đã tìm đến nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của hai anh. Các anh hy sinh ở tư thế nằm vươn người về phía trước như đang chiến đấu… Năm đó thuyền trưởng Phan Vinh vừa tròn 35 tuổi, chưa một lần yêu.
Hình ảnh Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh số 3 Những ngày được chăm sóc các thủy thủ còn lại của tàu 235 là những ngày đáng tự hào nhất cuộc đời tôi. Với tôi và người dân Ninh Vân, anh hùng Phan Vinh và 13 thủy thủ ấy không chết, tên anh đã thành tên trường, tên đường, tên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa... Hình ảnh Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh số 4

Ông Nguyễn Bá Cường
Bảy người đi theo cánh Bắc, gồm thuyền phó Đoàn Văn Nhi và sáu thủy thủ. Tất cả đều thương tích đầy mình. Họ dìu nhau di chuyển nhiều ngày trong rừng, đói và khát. Ngày thứ 11, anh Khung đi tìm nước uống, bị địch bắt. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi bị thương quá nặng đành phải ở lại. Ngày thứ 12, các thủy thủ liên lạc được với du kích, quay lại đón anh Nhi nhưng anh không còn ở đó nữa. “Sau năm 1975, người dân Ninh Vân phát hiện trong một hang đá có một bộ hài cốt, bên cạnh còn khẩu K54, được xác định là của anh Nhi” – ông Nguyễn Bá Cường rưng rưng kể.
Bà Phạm Thị Hường (65 tuổi) - vợ ông Cường, tiếp lời: Năm 1967, tôi được tổ chức bí mật rút về Ninh Vân làm y tá cho đơn vị bến K67 Ninh Vân. Khi xảy ra chiến sự, đơn vị bến tổ chức ra đón anh em nhưng bị địch bắn phá ác liệt. Đơn vị đành di tản. Sau đó, tôi bị lạc trong rừng 2 ngày, đói và khát… Vậy mà, các thủy thủ tàu 235 đã bị lạc trong rừng đến 12 ngày. Các anh khát đến nỗi, thậm chí không tiểu ra nổi để mà uống…”. Bà Hường kể tiếp trong nước mắt: “Riêng những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Bà con Ninh Vân đã đưa họ về làng chôn cất…”.
Những ngày đón 5 thủy thủ còn lại của tàu 235 về trạm xá chăm sóc là những ngày tháng đói khổ tột cùng. Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều đã bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài mà vẫn không đủ no. Nhưng, 5 “người hùng” tàu 235 luôn được dân dành phần ăn nhiều nhất để phục hồi sức khỏe…
“Ngày chia tay, anh Lâm Quang Tuyến nói với tôi rằng, những cái tăng, võng mà tôi đã khâu tặng các anh sẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời thủy thủ tàu 235…” - bà Hường không ngăn được nước mắt…
Xã “không số”
Năm 2009, ngay sau khi thông tuyến con đường vượt qua dãy Hòn Hèo vào đến xã đảo Ninh Vân, những thủy thủ tàu không số đã có dịp cùng vợ chồng ông Cường trở về chiến trường Ninh Vân năm nào.
Hình ảnh Chuyện kể ở nơi 14 người hùng tàu không số hy sinh số 5
Thắp hương tại di tích xác tàu không số 235 trên núi Bà Nam.
Ngày chiếc tàu không số 235 cập bến, Ninh Vân xa xôi, hẻo lánh, chỉ 7 hộ dân kiên cường bám trụ nay đã có trên 390 hộ. “Xã không số” Ninh Vân ngày nào, vốn chỉ được biết đến vì gắn với sự kiện tàu không số, nay đẹp như tranh vẽ. Những gành đá hiểm trở ngày xưa của Ninh Vân đã làm nên những khu du lịch hạng sang nổi tiếng.
Bãi cát mênh mông trắng, bỏ hoang hóa ngày nào đã được cải tạo trồng hàng chục ha tỏi, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Đồi hoang nơi xảy ra trận càn năm xưa đã là nơi trồng cỏ voi và chăn thả trên 1.200 con bò. Bến Ninh Vân, nơi xảy ra chiến sự ác liệt của tàu không số 235 trở nên tấp nập vào mùa thu rong mơ, đem về cho người dân gần 7 tỷ đồng/năm. Mặt nước trước bến được nhiều hộ đầu tư nuôi tôm hùm, rong sụn, cá biển … rất có hiệu quả.
Chủ tịch xã Trà Thị Bông Sen, vốn là con gái của một cán bộ cách mạng từng cùng gia đình kiên cường bám trụ ở Ninh Vân ngày nào, cho biết: Năm nay, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đoàn tàu không số tại đây. Nhân dân Ninh Vân sẽ được đón đoàn cựu binh của đoàn tàu không số từ Bắc chí Nam đến thăm. Đặc biệt chúng tôi sẽ được gặp lại 5 thủy thủ tàu 235 năm xưa…
Nguồn : Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét