Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Danh cầm VĂN GIỎI

(ĐC sưu tầm trên NET)

Danh cầm khiến thiên hạ khóc mỗi khi so dây

Đến thăm "Đệ nhất danh cầm đương đại" Văn Giỏi, tôi bật cho ông nghe mấy bài vọng cổ do các danh ca một thời trình bày. Chỉ nghe qua một đoạn nhưng ông có thể biết những ai ca, ca bản gì, ai đờn và đờn gì. Ông nổi tiếng khi đờn các bản oán, mỗi khi ông so dây nhả âm là khiến cho nhiều người rơi nước mắt.

Ngón đờn thuyết phục lạ thường
Không bị khiếm thị từ bé như "tiền nhân" Văn Vĩ, nhưng năm 29 tuổi (1976), đôi mắt của Văn Giỏi (tên thật là Trần Văn Giỏi, quê xã Long Trung, Cay Lậy, Tiền Giang) bị nhậm, sau đó kéo "mây cườm" và mờ dần, đến năm 1983 thì không thấy gì nữa.

"Đệ nhất Danh cầm" đương đại Văn Giỏi
Ông kể:"Nội ngoại toàn là dân chơi đờn ca tài tử - cải lương, có người đi đờn chính cho những gánh hát vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước".
Ngay từ nhỏ, Văn Giỏi đã lần lượt được "thọ giáo" từ những bậc "cao tay" ghi-ta phím lõm. Anh Tư Vĩ (con người cô ruột), dạy làm quen với dây, phím và bài bản vọng cổ, cải lương. Thấy cháu còn nhỏ nhưng quá mê đờn và có tố chất nghệ sĩ nên cậu Ba Kiệm và cậu Tám Kiềm lần lượt dạy ba Nam - sáu Bắc - bảy Lễ (bảy bản Hạ - đờn cò). Sau đó thấy ông sáu Oanh (làm nghề hớt tóc) có ngón đờn oán hay quá bèn xin "thụ ngón". Vậy là không bao lâu, chàng "thư sinh 18" vốn thuộc dòng trung lưu đã sành sõi 20 bài bản đờn tổ.
Đã mang nghiệp "cầm ca số kiếp con tằm...", chàng thanh niên Văn Giỏi quyết chí lên Sài Gòn tìm đường "nhả tơ trả nợ dâu xanh". Và từ đây, sự nghiệp của Văn Giỏi cứ "bay cao bay xa". Những ngày đờn cho ban Thành Công, Hương Thanh Bình, Trâm Hoa Miền Nam... Văn Giỏi "hân hạnh" được thể hiện "bản lĩnh" đồng thời cũng được "lĩnh hội" ngón đờn của "Đệ nhất danh cầm ghi-ta phím lõm" Văn Vĩ, đàn kìm của Năm Cơ, đàn tranh của Bảy Bá, đàn cò của Ngọc Sá...
Nhạc sĩ Nhị Tấn cho biết: "Phải nói Văn Giỏi là một "biệt tài" xưa nay hiếm có. Ghi-ta phím lõm, tranh, kìm, cò, sến, violon loại nào chơi cũng hay. Nhưng không biết Văn Giỏi thể hiện như thế nào mà lại được gia nhập nhóm Văn Vĩ sớm vậy! Trong khi ngày trước, Văn Vĩ "chê" ngón đờn Duy Trì (cũng là một người đàn kìm hay nổi tiếng) nên không cho gia nhập nhóm.
Tiếng tăm vang dội
Bước đầu vào nghề đã sớm được "rạng danh". Năm 1969, Văn Giỏi được hai hãng băng, đĩa lớn nhất lúc bấy giờ là Việt Nam và Continantal ký hợp đồng dài hạn. Bộ độc tấu và hòa tấu cùng những danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá, Ngọc Sáu, Hai Thơm, Chính Trích... trong băng từ cassete "Nhạc cổ điển Việt Nam" từ đó đến nay người trong giới luôn yêu quý và tìm nghe. Đây được xem là những "bước nhảy" vang dội trong giới chơi Cổ nhạc khắp trong và ngoài nước. Nhưng từ sau giải phóng (1975-1990), khi cùng Thanh Hải (đờn tranh) đờn chánh cho Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM mới là thời gian rực rỡ nhất của Văn Giỏi. Cùng thời gian này Văn Giỏi còn cộng tác đờn "chầu" cho các đoàn Cải lương: Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Kiên Giang... Với những tuồng "để đời": Đường gươm Nguyên Bá, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Lan và Điệp, Lưu Bình Dương Lễ, Đời cô Lựu, Gánh cỏ sông Hàn...

"Đệ nhất danh cầm" đương đại trong vườn nhà
Với tất cả những gì đã học về nghề và vui buồn với đời, Văn Giỏi đã "ngẫu hứng" sáng tác nên hai bài đờn "đỉnh cao" sự nghiệp vào năm 1978 là: "Cửu khúc Lam giang" và "Phi vân điệp khúc". Nhạc sĩ Nhị Tấn bình luận: "Hai bài đờn là sự thể hiện trình độ cảm thụ "rành rọt" nền âm nhạc tài tử, cải lương "thang âm ngũ cung", biết kết hợp với làn điệu ca nhạc Huế với dân ca Nam Bộ. Hai bài có tiết tấu khoan nhặt, lả lướt, âm điệu sâu lắng, trữ tình, chữ đờn mới lạ, vừa bùi vừa thơm nên rất được công chúng và giới chơi nhạc đón nhận. Sau đó hai bản này rất thường xuyên được ứng dụng vào trong bản vọng cổ và cải lương".
Rồi năm 1983, chính cái năm đôi mắt Văn Giỏi mờ hẳn cũng là lúc ông cùng tri kỷ Thanh Hải dựa theo làn điệu dân ca Liên khu 5 cho ra đời "Vọng kim lang". Một bản nhạc nức nở, thổn thức, khắc khoải như tiếng lòng người cô phụ thương nhớ chồng đang chốn xa xăm. Có người khen: "Xem Văn Giỏi đờn, ta thấy như tâm và tay là một. Không thấy được vạn vật, tâm hồn mặc nhiên "nhả" vào đường tơ, tiếng tơ lảnh lót trên những ngón tay búng bẩy, lăn tròn đều trên cung phím".
Còn nhạc sĩ Nhị Tấn nhận xét: "Văn Giỏi có lối đờn chặn dây trên một cách vô cùng độc đáo, nhất là bản oán. Thường người ta đờn 5 dây, Văn Giỏi đờn 6 dây. Ba dây 4, 5, 6 bị "chặn âm" tạo ra tiếng bass trầm ấm. Giữa Văn Vĩ và Văn Giỏi có lối nhấn nhá chữ "xang" cũng khác. Văn Vĩ nhấn chìm sâu, mùi mẫn, thấm thía, Văn Giỏi lại nhấn lả lướt, bay bướm, rung bật. Vì vậy ai ai cũng công nhận: Văn Vĩ ra đi Văn Giỏi còn đó".
Tài năng mà khiêm tốn
Mặc dù rất giỏi nhưng Văn Giỏi không bao giờ tự phụ và sống rất chừng mực. Nhạc sĩ Nhị Tấn kể lại: "Hồi tôi cùng Năm Cơ, Văn Giỏi, Đoàn Quy... còn đờn cho quán Ngọc Sơn (bến Tôn Thất Thuyết, Q.4), khi đến tiết mục cổ nhạc của ban thì vì "món tiền thưởng" của khách "sộp" mà người dẫn chương trình hôm đó bỏ qua tiết mục và giới thiệu đến tân nhạc. Tôi bực bọn khinh rẻ anh em, coi trọng đồng tiền nên đá phăng cái bảng đăng ký chương trình xuống sông. Mọi người trong ban nhạc cổ ai cũng tỏ ra hoang mang, riêng Văn Giỏi chỉ cười hòa ý vị...
Văn Giỏi là thế, không nói nặng lời với ai, không để dạ thù hằn ai bao giờ". "Năm 1980, nhà ở dưới Đa Phước, Q.8. Hôm má tôi mất, anh em trong ban văn nghệ hay tin, dù trời tối nhưng nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Tư Thiên, Sáu Thoàn, Văn Vĩ, Văn Giỏi... không quản đường xa, mang dàn nhạc tới. Đêm tối, đường đồng, bờ đê nhỏ, người sáng mắt đi không khó thì Văn Vĩ, Văn Giỏi "té lên té xuống".
Được ngồi nói chuyện với danh cầm Văn Giỏi mới thấy ông từ tốn, khiêm nhường và hào sảng đến nhường nào. Ông bảo: "Mình sống theo thuyết nhà Phật nên bây giờ không màng đến chuyện danh tiếng". Mỗi tháng ít nhất Văn Giỏi ăn chay hai ngày rằm và mùng một. Có tiền là ông cứ "tuôn" hết cho mấy người bán vé số. "Họ than nghèo, bán ế thì mua giúp thôi", ông cho biết.
Tuy giờ đây tuổi đã qua lục tuần nhưng mỗi khi nghe có chương trình từ thiện mời đi đờn gây quỹ là Văn Giỏi sẵn sàng "có mặt". Vì vậy mấy chục năm đi đờn làm từ thiện, ông đã góp rất nhiều tâm, sức và vật chất để xây rất nhiều nhà tình nghĩa, tình thương cho dân nghèo... Với những cống hiến cho âm nhạc dân tộc, Văn Giỏi đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 2007.
Đã mấy chục năm sống với biết bao sự hưng vong của thế sự, của đờn ca tài tử - cải lương, ông tâm sự: "Giờ đây không còn gì luyến tiếc mà thấy lòng mình thanh thản". Ông có một người vợ rất mực thương yêu chồng, bốn người con chăm ngoan, có công ăn việc làm ổn định. Có một điều là trong các con không ai theo nghiệp bố. Về chuyện này ông bảo: "Nghề của mình vốn dĩ thiên hạ gọi "xướng ca vô loài". Bản thân đã trót vương mang rồi cũng không muốn con mình nối theo. Ai cũng có cái "duyên nghiệp" riêng nên mình không ép được".
Nguyên Pháp

Những danh cầm mắt tối, sáng tâm hồn

04/09/2015 04:44

Họ là những nhạc công khiếm thị, cả cuộc đời dành tâm huyết cho những ngón đờn từ khổ luyện, sáng tạo, cầu tiến để nuôi sống bản thân và đốt cháy đến tận cùng niềm đam mê âm nhạc dân tộc thông qua tiếng đờn tri âm, tri kỷ

Danh cầm cổ nhạc Văn Bền, hậu duệ của cố danh cầm Văn Vĩ, vừa về cõi vĩnh hằng ngày 1-9 ở tuổi 71 trong niềm thương xót của người thân, đông đảo nghệ sĩ sân khấu cải lương và khán giả mến mộ. Trước khi từ trần, ông đã tiếp nối và làm rạng rỡ con đường truyền thụ âm nhạc dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử, cho các thế hệ học trò. Không chỉ dạy nghề, ông còn dạy cả nhân cách sống để những học trò khiếm thị như mình vẫn ngẩng cao đầu, sống có ích cho cộng đồng, cho nền nghệ thuật của nước nhà.
Vượt qua bóng tối
Lý giải vì sao hầu hết các danh cầm cổ nhạc trứ danh đều khiếm thị, họ đã học nhạc cụ dân tộc bằng phương pháp nào để trong từng ngón đờn, từng cách nhấn nhá thang âm điệu thức ngũ cung, mỗi người có một lối trình diễn ngẫu hứng riêng, tạo nên dấu ấn cho bài vọng cổ và bài bản đờn ca tài tử, “ông vua vọng cổ” Viễn Châu giải thích: Đôi mắt cho ta nhìn thấy khung cảnh trữ tình để cảm xúc lâng lâng, còn với người khiếm thị, trí tưởng tượng của họ bay bổng gấp nhiều lần người sáng mắt. “Một lần ngồi uống trà, tôi hỏi anh Văn Vĩ, vậy chớ bị mù như vậy anh học đờn bằng cách nào? Anh cười nói học bằng thính giác. Tai nghe cho anh cảm nhận tốt những thang âm điệu thức, âm nhạc ngũ cung một cách dạt dào sâu lắng như khi ta thả hồn trước con sông. Anh Văn Vĩ cũng như các thế hệ học trò là người khiếm thị có 3 nguyên tắc sống đáng khâm phục: Học sự chuẩn mực trong ngón đờn trước khi phá cách; lắng nghe sự góp ý, rồi so sánh với các bậc cao niên mà đúc kết kinh nghiệm và xem cây đờn như là vợ” - nghệ sĩ Viễn Châu nói.

Danh cầm Văn Giỏi (trái), nhạc sĩ Thanh Hải và nghệ sĩ Bạch Tuyết trong live show “Tự tình quê hương” của nghệ sĩ Bạch Tuyết
Danh cầm Văn Giỏi (trái), nhạc sĩ Thanh Hải và nghệ sĩ Bạch Tuyết trong live show “Tự tình quê hương” của nghệ sĩ Bạch Tuyết
Sinh thời, mỗi đêm trăng rằm, nhạc sĩ Văn Bền thường được con trai chở qua Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM để đệm đờn cho các nghệ sĩ lão thành ca. Có lần, chúng tôi hỏi ông về nguyên tắc thứ ba mà danh cầm đờn tranh Bảy Bá đã nhắc, hậu duệ của nhạc sĩ Văn Vĩ cười: “Thầy tôi nghĩ ra yếu tố đó để khẳng định với học trò muốn đờn hay phải nâng niu, cưng chiều cây đờn như cưng vợ vậy”. Nhạc sĩ Văn Bền từ tốn giải thích: “Tâm hồn nghệ sĩ mà! Cứ để trái tim yêu, rung động thì đờn mới hay. Như thầy tôi, xem cây guitar phím lõm là vợ, xem các loại nhạc cụ khác là người tình. Chung thủy với vợ nhưng được yêu để sáng tạo trong tâm thức, ví như mình được ngắm nhiều bông hoa đẹp vậy”.
Danh cầm Văn Giỏi cũng sống cuộc đời mù lòa nhưng ngón đờn của ông cũng thuộc hàng trứ danh, sáng tạo cho đời sống âm nhạc cải lương hai điệu thức để đời: “Phi vân điệp khúc” và “Đoạn khúc lam giang”, đồng thời ông và nhạc sĩ Thanh Hải đã hợp soạn điệu thức “Vọng kim lang” làm nức lòng người hâm mộ. Nhạc sĩ Khải Hoàn cũng chịu cảnh đời khiếm thị nhưng nhờ quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, tiếng đờn guitar phím lõm của ông cũng vang danh. Các thế hệ học trò của nhạc sĩ Văn Bền: Văn Tâm, Văn Chánh, Văn Hiếu, Văn Nhân, Văn Thiện… 2/3 trong số họ đều khiếm thị, đang tiếp tục sự nghiệp của thầy. “Họ theo phương châm sống thiếu đôi mắt nhưng sáng tâm hồn. Ngón đờn phải sáng tươi, bay bổng” - nghệ sĩ Ngọc Giàu xúc động đúc kết.
Đời bất hạnh nhưng sống tử tế
Có lẽ nhờ những ngón đờn tươi sáng, khao khát được sống hạnh phúc mà cuộc đời những nhạc công khiếm thị trong nền cổ nhạc miền Nam đều vượt qua số phận bất hạnh để làm người tử tế.
Năm 3 tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi nguồn sáng của cậu bé Văn Vĩ. Từ đó, Văn Vĩ chỉ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua âm thanh, mùi vị và đôi bàn tay. Chính vì sống trong “thế giới bóng tối” mà danh cầm Văn Vĩ đã tạo nên thứ âm thanh tuyệt diệu, xuất chúng. “Ông rất thông minh, lượm được cây đờn guitar cũ ai đó bỏ ở chợ, ông tự mày mò học đánh đờn. Tài năng, đam mê và lòng quyết tâm đã giúp ông bước lên hàng đỉnh cao nghệ thuật. Ông sống tử tế, hiếu thảo nên được người trong giới kính trọng. Bản thân tôi nếu không có ông thì khó lòng theo nghiệp ca hát” - “sầu nữ” Út Bạch Lan xúc động nói.
Nhạc sĩ Văn Bền được nhạc sĩ Văn Vĩ nhận làm đệ tử truyền hết ngón nghề cũng từ sự đam mê, yêu đàn guitar phím lõm, lại có ý chí cầu tiến và sống đúng nghĩa khí của bậc trượng phu. “Thầy tôi mở lò đào tạo nhưng thấy những học trò nghèo không có tiền đóng học phí, ông tặng luôn lại còn nuôi ăn học” - nhạc sĩ khiếm thị Văn Thiện khóc kể lại khi đến dự đám tang thầy.
Danh ca Út Bạch Lan nhớ lại: “Anh Văn Vĩ và tôi từng đi đờn ca dạo để mưu sinh. Bữa đói bữa no nhưng dứt khoát phải kiếm được tiền mua bánh mì về cho hai bà mẹ (mẹ tôi và mẹ anh - NV). Có lần gặp trời mưa, hai anh em đi đờn hát chỉ kiếm đủ tiền mua hai ổ bánh mì không mang về cho hai mẹ và tôi cùng chấm nước tương ăn đỡ đói. Mẹ tôi hỏi anh Văn Vĩ sao không ăn, anh nói con ăn rồi, dù tôi biết bụng anh đang đói. Nhớ tình nghĩa của anh, tôi không sao quên được con người sống rất hiếu kính và tử tế nhất trong cuộc đời này”.
Nhạc sĩ Khải Hoàn là tay đờn chính trong dàn nhạc cổ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nhiều năm qua, ông mở phòng thu âm, hướng dẫn con trai chỉ huy phòng thu nên cũng ăn nên làm ra.  Đều đặn mỗi tháng, ông đóng góp cho quỹ từ thiện chăm lo nghệ sĩ nghèo. Nhạc sĩ Văn Giỏi dù đã rời xa sàn diễn, sống cuộc đời ẩn dật nhưng hễ ở đâu có người trong giới cần sự giúp đỡ, ông đều nhờ học trò mang tiền đến tận nơi giúp.
Hầu hết những mẩu chuyện kể về nhạc sĩ khiếm thị đều đầy nước mắt. Bao nhiêu vốn quý, sự thông minh, mẫn cảm họ dồn hết vào ngón đờn. Nói như danh cầm Văn Giỏi, tiếng đờn của người nhạc sĩ mù ví như tình cho không để mỗi khi đối diện với lương tâm, họ có được nụ cười mãn nguyện. Sống trong tăm tối nhưng tâm hồn sáng trong như ngọc.
Đa tình không kém
Tình duyên của các nhạc sĩ khiếm thị tài hoa cũng tràn ngập cung bậc cảm xúc không kém gì người sáng mắt. Các nữ khán giả của các đoàn hát đi xem có người chẳng mê kép hát mà mê anh nhạc công khiếm thị. Nhạc sĩ Văn Thiện là điển hình, anh có khuôn mặt sáng sủa, vì bệnh đậu mùa mà mất đi đôi mắt. Thế nhưng, nhờ điển trai, đờn hay nên được nhiều cô gái đem lòng yêu thương. Ngày cưới của Văn Thiện, thầy Văn Bền đến dự với một lời khuyên: Đa tình để ngón đàn thêm bay bổng nhưng đối với vợ phải chung thủy một lòng.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Đại danh cầm Văn Giỏi

Thứ tư, 07/05/2014 14:06
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) – Đại danh cầm Văn Giỏi là một nhạc sĩ nổi danh từ trước năm 1975, là một trong những danh cầm trong làng danh cầm cải lương Nam bộ.Ông có phong cách riêng từ tư chất lẫn nghệ thuật diễn tấu, một “Văn Giỏi” thần tượng của biết bao người mộ điệu và đồng điệu. Thế nhưng, từ lâu ông không được nhìn đời bằng đôi mắt bình thường như bao nhiêu người, mà chỉ cảm nhận bằng thái độ lạc quan trong sáng.

Hành trình vào nghệ thuật
Nhạc sĩ Văn Giỏi xuất thân từ quê hương của cải lương ,ông sinh năm 1945 tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, Tiền Giang – nơi có truyền thống đờn ca tài tử nổi tiếng. Ông bước vào nghề được bốn người thầy ở quê nhà truyền dạy tương đối đầy đủ và vững chắc, các bài bản ngón đàn… Nghệ nhân Tư Vĩ dạy vọng cổ các dây và một số bài bản cải lương; hai người cậu ruột thứ Ba và thứ Tám dạy Ba nam – Sáu bắc – Bảy bài (Bắc lễ) nhạc tài tử; nghệ nhân Sáu Oanh dạy Bốn oán.
vangoi-1.jpg
Năm 18 tuổi ông đã rành nghề và tham gia hoạt động văn nghệ ở quê nhà (1961 – 1963). Sau đó ông lên Sài Gòn và tìm đến các bậc danh cầm đương thời như: Văn Vĩ, Năm Cơ, Tư Thiên, Bảy Bá… để dợt nghề và học hỏi kinh nghiệm. Văn Giỏi được nghệ sĩ Chín Sớm giới thiệu vào đờn cho các ban ca kịch: Thành Công, Trâm Hoa miền Nam, Hương Thanh Bình… thỉnh thoảng cộng tác cho hãng băng và đài phát thanh (1964 – 1970). Trong thời gian này, ông cùng góp mặt với các danh cầm cổ nhạc hàng đầu của miền Nam, như : Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá, Tư Thiên, Hai Thơm, Tư Huyện, Ngọc Sáu, Năm Lòng, Chín Trích, Năm Vinh, Trần Xuân Nhã… hòa tấu và độc tấu các loại nhạc cụ trong băng cassette “Nhạc cổ điển Việt Nam” do công ty Continatal sản xuất, đã đóng góp vào kho tàng cổ nhạc Việt Nam. Đến nay những bản nhạc đó vẫn còn nguyên giá trị.
Thời đó, Văn Giỏi là một trong những nhạc sĩ trẻ được mến mộ, liền được hai hãng băng lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ (Việt Nam và Continantal) mời ký hợp đồng dài hạn. Ông không những đờn chánh guitare phím lõm, mà ông đờn sến cho hàng trăm chương trình vọng cổ và cải lương trong băng cassette và đĩa hát, được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Tài hoa xin tặng cho đời...
Sau 1975, Văn Giỏi không theo sân khấu cải lương, anh thỉnh thoảng chỉ đờn chầu cho một số đoàn cải lương, như Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Kiên Giang (Trọng Hữu)… Cũng là một kế sinh nhai, ông dạy đờn ca tại nhà và cộng tác (đờn chánh guitar) với Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh 15 năm (1975 – 1990). Từ khoảng năm 1976 – 1980, đôi mắt của Văn Giỏi có triệu chứng bị cườm, mắt mờ dần, sau đó ông bị khiếm thị cho đến bây giờ. Tạo hóa cướp đi nguồn sáng, Văn Giỏi lại tập trung cho nghệ thuật với ước mong quãng đời còn lại của mình cho có ý nghĩa.
Ngón đờn của ông bấy giờ mượt mà và trẻ trung mới lạ. Lúc bấy giờ, các ngón đờn guitare phím lõm độc đáo đương thời có mỗi nét riêng để chinh phục công chúng. Danh cầm Văn Vĩ nhấn chữ “xang” nghe nức nở như tiếng lòng, mắc mõ trong khuôn nhịp, các láy đờn giòn giã… Danh cầm Năm Cơ, với phong cách đằm thắm, ngón nhấn sâu lắng, chữ “xang” mùi mẫn, các láy đờn ít chữ nhưng nắn nót, vuốt dây một cách duyên dáng… Riêng danh cầm Văn Giỏi đột phá nhiều thủ pháp mới trong diễn tấu. Ông luôn sáng tạo đường nét mới, rất nhiều ngón láy, chữ nhạc mới và mới nhất là lối đờn chặn các dây trên tạo tiếng bass trầm ấm. Lối nhấn chữ “xang” của ông cũng khác các tiền bối của mình, không nức nô như Văn Vĩ, không mùi mẫn sâu lắng như Năm Cơ mà âm điệu tươi tắn, bay bổng tạo thành một phong cách phóng khoáng, lả lướt, trẻ trung. Có lẽ vì thế, lò nhạc tại gia của ông thu hút rất đông môn đệ, ước tính ông có vài trăm học trò ca và cả ngàn học trò đờn, từ Huế cho đến Cà Mau…
Đáng chú ý là nhạc sĩ Văn Giỏi cho ra đời hai thể điệu mới: Phi vân điệp khúc và Đoản khúc lam giang (1976), sáng tác trên nền tảng dòng nhạc cải lương (thang âm ngũ cung), kết hợp âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca Nam bộ. Từ đó đến nay, nhiều tác giả vọng cổ, cải lương thường hay đưa hai thể điều ấy vào tác phẩm của mình. Ông và NSƯT Thanh Hải lại kết hợp khai thác giai điệu Vọng kim lang của làn điệu dân ca Liên khu 5, biến tấu và cải biên lớp dạo đầu (intro) theo một phong cách mới cũng rất được thịnh hành trong cải lương. Ba giai điệu này, có thể được thấy bóng dáng của cả ba khắp trên lĩnh vực cải lương toàn quốc. Một phong cách sáng tạo trẻ trung đầy quyến rũ ấy, nhạc sĩ Văn Giỏi – Thanh Hải là một liên danh trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh một thời gian vang danh, như rồng – phụng một thời “làm mưa làm gió”.
Một thời gian dài nhạc sĩ Văn Giỏi cộng tác cho nhiều xí nghiệp băng từ, hàng trăm chương trình cải lương, các chương trình qui mô của HTV như “Vầng trăng cổ nhạc”, chung kết giải giọng ca hàng tuần, “Bông lúa vàng” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2007, ông rất vui mừng và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Đức độ của người nghệ sĩ
Xưa nay, Văn Giỏi vốn tính tình hiền lành, khiêm tốn, hài hòa với mọi người. Chưa ai thấy ông chê một đồng môn đồng nghiệp nào. Ông thường tìm cái hay của từng người để khen ngợi và động viên. Dù là khiếm thị, nhưng anh đã vượt lên số phận, không chỉ đã cống hiến trọn đời mình cho nghệ thuật âm nhạc dân tộc, để lại cho đời những nét nhạc tài hoa, mà ông còn làm tròn trọng trách với gia đình. Mấy mươi năm qua, ông là người tạo ra nguồn kinh tế chính của gia đình, có thu nhập bằng nghề đờn của mình cao nhất so với các nhạc sĩ khác. Cơ ngơi khá vững chắc, con cái học hành đến nơi đến chốn và đã có việc làm ổn định, cũng chính là hạnh phúc của ông.
Sau khi “Đệ nhất danh cầm” Văn Vĩ qua đời, nhạc sĩ tài hoa Văn Giỏi được trong giới tôn vinh là “Đệ nhất danh cầm giutar phím lõm” kế vị cố danh cầm Văn Vĩ. Ai gọi ông là “Đệ nhất” ông không dám nhận, ông chỉ nhận “nhạc sĩ” là đủ rồi. Vì thế, không những được công chúng mến mộ ngón đờn tài hoa của ông, mà các danh cầm đương thời cũng như những nghệ sĩ tài danh cũng đều mến phục tài nghệ ông.
Không chỉ nhạc cụ guitar phím lõm đã đưa Văn Giỏi lên đỉnh vinh quang mà các nhạc cụ khác loại nào ông cũng đờn hay, ngón đờn đạt đến điêu luyện “bậc thầy” từ kìm, sến, violon đến cò, gáo… Riêng guitar, ngón đờn của ông ngày càng đĩnh đạc hơn, nét nhấn sâu sắc, lắng dịu hơn. Có thể nói, phong cách diễn tấu ở mỗi độ tuổi của người nhạc sĩ cũng biến tấu theo thời gian trầm lắng như những người thầy mà ngày xưa ông đã học được ở quê nhà Cai Lậy.
Bốn người thầy của ông ở Chợ Ba Dừa – Long Trung, bây giờ người còn người mất. Mỗi khi về Cai Lậy, việc đầu tiên của Văn Giỏi là thăm thầy – gia đình thầy với nghĩa cử “nhớ nguồn”. Nhiều năm qua, ở TPHCM ông cùng bạn bè Hội đồng hương Tiền Giang tại TPHCM vận động xin nhiều căn nhà tình nghĩa – tình thương cho Cai Lậy. Hầu hết những lần biểu diễn gây quỹ từ thiện ở quê nhà Văn Giỏi thường có mặt, vận động nhiều môn đệ cùng về tham gia biểu diễn phục vụ vô điều kiện. Ông tâm sự: “Mình khiếm thị, không làm những công việc như nhiều người khác, thì góp phần bằng tinh thần, bằng tiếng nhạc với quê nhà…”.
Theo Đỗ Dũng (Báo Cần Thơ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét