Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

KÝ ỨC CHÓI LỌI 50/c

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                      Huyền thoại TÀU KHÔNG SỐ - Tập5+6

Nữ công an 40 năm bảo vệ hài cốt thủy thủ tàu không số

Kể lại việc làm âm thầm lặng lẽ của mình suốt 4 thập kỷ qua, người phụ nữ tuổi đã ngót 70 nghẹn ngào: "Thương lắm, ngày đó (16/4/1972) chú ấy còn trẻ, mặc quần áo hải quân, nằm sấp dưới bãi cói…"

Tròn 40 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Binh nhất Dương Thành Hiến, chiến sĩ đoàn  tàu "không số" hy sinh ngày 16/4/1972 đã được trở về nghĩa trang quê nhà, bên những người thân. Tại buổi lễ truy điệu anh, bát hương bỗng cháy bùng lên như một sự "ứng nghiệm" thiêng liêng của người đã khuất. Cảm ơn một nữ cán bộ Công an TP Cảng Hải Phòng đã mấy chục năm ròng gìn giữ phần mộ của liệt sỹ.
Chúng tôi gặp bà Đào Thị Minh tại lễ truy điệu liệt sỹ Dương Thành Hiến, chiến sĩ đoàn tàu không số hy sinh cách đây 40 năm, được bà giữ gìn hài cốt cho đến tận ngày nay.
Xuất thân từ gia đình nghèo ở huyện Ninh Giang, Hải Dương. Năm 1967, vừa mới kết hôn, bà Minh đã phải tiễn chồng là ông Trần Văn Uông (tức Min), sĩ quan của một Cục Nghiệp vụ thuộc Bộ Công an lên đường chi viện An ninh miền Nam và  tình nguyện tham gia lực lượng dân quân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng "chia lửa" với chồng ở chiến trường.
Trong một lần vác đạn phục vụ trận địa pháo, không may bà bị sẩy thai. Nhưng ba ngày sau, người ta lại thấy bà xông xáo tiếp đạn trận địa pháo trong khói bom mịt mùng. Thế rồi bà Minh được tuyển vào làm nhân viên khối Văn phòng Bộ Công an cùng với mẹ chồng là cụ Lê Thị Cuông (tức Côn), chuyên phục vụ tại nơi làm việc và tiếp khách cho cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.
Tới năm 1982, bà Đào Thị Minh được chuyển về Phòng PX15 - Công an TP Hải Phòng. Cư trú cùng chồng, con tại số nhà 507, đường 5-2, phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho tới ngày hưu trí.
Kể lại việc làm âm thầm lặng lẽ của mình suốt 4 thập kỷ qua, người phụ nữ tuổi đã ngót 70 nghẹn ngào: "Thương lắm, ngày đó (16/4/1972) chú ấy còn trẻ, mặc quần áo hải quân, nằm sấp dưới bãi cói…". Rồi bà kể, khi ấy đang công tác tại Văn phòng Bộ Công an, nghe tin B52 rải thảm ở thôn Cam Lộ, ruột nóng như lửa không biết tin tức người thân, bà xin phép cơ quan về thăm nhà 5 ngày. Khoảng 10h sáng 16/4/1972, trong lúc tranh thủ đi bắt cáy ở bãi gần bến Lâm, sông Cấm, bất ngờ bà thấy một thanh niên mặc quần áo đại cán hải quân nằm sấp giữa bãi cói mọc cao vượt đầu người. Bà Minh vội chạy về gọi bà con ra cùng giúp. Xem kỹ, trên ngực áo ngoài của nạn nhân còn rõ hàng chữ: "Bộ đội Củ Chi - Đoàn tàu không số vận tải hàng Bắc Nam".
Bỏ hết việc nhà, bà Minh tất tả chạy đi mua áo quan, kiếm vải sô, áo mưa, thùng múc nước… cùng với 2 người trong thôn đưa chiến sỹ tầu không số lên một chiếc áo mưa, tắm rửa sạch sẽ, làm các thủ tục an táng cẩn thận cho anh ngay sát khu mộ họ tộc chồng bà phía sau nhà.
Hình ảnh Nữ công an 40 năm bảo vệ hài cốt thủy thủ tàu không số số 1
Bà Đào Thị Minh trong lễ tiễn đưa hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang.
Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, bà Minh chỉ cố gắng làm được như vậy rồi lại vội vàng lên đơn vị. Biết bao vất vả trên vai, song mỗi lần bà tranh thủ về thăm nhà, bà vẫn dành thời gian chăm sóc phần mộ của chiến sỹ vô danh và không quên báo cáo chính quyền xã quan tâm tìm kiếm thân nhân người đã hy sinh.
Chiến tranh qua đi, từ ngày được chuyển công tác về Hải Phòng, bà Minh mới có điều kiện thăm nom, hương khói rất chu đáo, cẩn thận phần mộ người chiến sĩ, nhất là những ngày lễ, Tết, mùng "Một", hôm "Rằm". Trong bà luôn đau đáu một nỗi niềm, phải bảo vệ cẩn thận hài cốt và sớm tìm được thân nhân người đã hy sinh.
Trong rất nhiều năm, bà liên tục gặp chính quyền phường để đề nghị, song tất cả vẫn vô vọng. Đầu năm 2011, sau nhiều đêm trăn trở, bà gặp ông Vũ Xuân Hiếu, Chủ tịch mới của UBND phường bàn kỹ phương án. Bằng nhiều kênh thông tin, cho tới đầu năm 2012, Cục Chính sách thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân đã đến tận Cam Lộ, khẩn trương lập hồ sơ.
Kết quả giám định mẫu ADN tại Viện Pháp y, Bộ Quốc phòng cho thấy, người được bà Minh tìm thấy và giữ gìn hài cốt chính là liệt sỹ Dương Thành Hiến, SN 1950, quê gốc tại tổ 3, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Liệt sỹ Hiến là một trong 8 sĩ quan, chiến sỹ của con tàu không số có trọng tải 200 tấn, thuộc Đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân. Con tàu này đã xuống đủ hàng, chuẩn bị nổ máy vào miền Nam đã bị trúng bom Mỹ. Đến nay, duy nhất mới tìm được hài cốt của liệt sỹ Dương Thành Hiến...
Suốt 40 năm qua, bà Đào Thị Minh hết lòng chăm lo, bảo vệ phần mộ và giữ gìn cẩn thận hài cốt của liệt sỹ, ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long, có một người mẹ hàng chục nghìn ngày đêm khắc khoải mong chờ tin của đứa con trai. Ông Dương Thanh Hiên- một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu và là anh cả trong số 7 anh em của gia đình kể lại: hè năm 1970, Dương Thành Hiến lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Trung đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân, đóng ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
2 năm sau, cũng vào một ngày hè năm 1972, mưa tầm tã, cụ bà Đỗ Thị Gái gọi ông Hiên nói "Không hiểu em Hiến thế nào mà mẹ nóng cháy cả ruột gan". Quả nhiên, gia đình ông ngay đó nhận được giấy báo tử từ Bộ Tư lệnh Hải quân gửi về ghi rõ: "Không còn thi hài và di vật". Người mẹ chỉ nhận được duy nhất tấm ảnh 4x6 của con trai mặc quân phục. Trong nỗi đau, cụ Gái đã âm thầm nhờ người lập một ngôi mộ giả theo cách "xương dâu, đầu gáo" (xương làm bằng thân cây dâu, còn đầu làm bằng gáo dừa già) để có nơi thắp hương tưởng nhớ con.
Cũng theo ông Hiên, những người còn lại trong gia đình hầu như tuyệt vọng, không nghĩ rằng sẽ tìm được hài cốt của người thân. Cho đến khi nhận được thông báo, cả nhà xúc động không thể tin được đó là sự thật, không thể nói hết sự cảm động, biết ơn tấm lòng của "bác Minh Công an". Gia đình ông đã quyết định nhận bà là chị cả trong nhà.
Còn ông Dương Quý Lợi, em ruột liệt sĩ - nguyên sĩ quan Công an tỉnh Quảng Ninh tâm niệm: "Chuyện bác Minh đáng được coi như một... huyền thoại giữa đời thường. Gia đình tôi không biết làm gì để xứng đáng với công lao của bác. Mẹ tôi nơi suối vàng hẳn vợi đi nỗi khắc khoải chờ con".
Theo Công an Nhân dân
Nguồn : Zing

6 thủy thủ tàu không số nhận danh hiệu anh hùng

Sáng 21/10, tại TP Hải Phòng, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho 7 tập thể và 6 cá nhân đoàn tàu không số.
Hình ảnh 6 thủy thủ tàu không số nhận danh hiệu anh hùng số 1
Chủ tịch nước trao Huân chương Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số. Ảnh: Trọng Thiết.
Đánh giá cao công lao của các thế hệ cán bộ chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định, quân và dân các tỉnh, thành phố nơi có bến bãi, sự giúp đỡ của các nước bạn là một phần làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.
"Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sáng ngời của truyền thống yêu nước, hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc, thực sự trở thành một huyền thoại lịch sử...", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nguyên thuyền trưởng đoàn tàu không số, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh tâm sự, ông rất tự hào khi được tham gia chiến đấu, tạo nên những trang sử có giá trị tinh thần về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Hình ảnh 6 thủy thủ tàu không số nhận danh hiệu anh hùng số 2
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Trọng Thiết.
Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 7 tập thể và 6 cá nhân đoàn tàu không số vì đã có công lao to lớn, thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trước đó, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đoàn tàu không số tại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng).
<>Danh sách 7 tập thể và 6 cá nhân nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân:
<>- Tập thể: Tàu 55, 54, 43, 121, 56, 235, 69.
<>- Cá nhân:
1. Hồ Đắc Thạnh, sinh 1934 tại thị xã Tuy Hòa, Phú Yên.
2. Đỗ Văn Sạn, sinh 1936 tại Thiệu Tân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
3. Liệt sĩ Đinh Đạt, sinh 1915 tại Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Ngãi.
4. Liệt sĩ Lê Văn Một, sinh năm 1921 tại xã Điều Hòa, Châu Thành, Tiền Giang.
5. Liệt sĩ Dương Văn Lộc, sinh 1915 tại xã Tam Quan, Tam Kỳ, Quảng Nam.
6. Liệt sĩ Huỳnh Văn Sao, sinh 1912 tại thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
<>Trọng Thiết
 
Nguồn : VnExpress

Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số

Bắt đầu hành trình, mỗi tàu không số đều được gắn thuốc nổ, khi chiến đấu với địch và nhận thấy không thể vượt qua, thuyền trưởng sẽ cho mở kíp nổ phá hủy tàu, đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay kẻ thù.
Nguyên là trưởng tiểu ban tác chiến, huấn luyện, người làm kế hoạch tác chiến cho tàu không số đi vào 19 bến thuộc các tỉnh Nam Bộ, ông Nguyễn Hữu Tuần cho hay, để giữ bí mật tuyệt đối, tất cả các khâu đều được bảo mật. Những vùng xây dựng cầu cảng, bến bãi phải di dân, khoanh vùng nhưng cả chính quyền và người dân đều không biết bên trong dùng làm gì. Riêng đội đóng tàu được tuyển chọn kỹ, đóng tàu hai đáy và cũng không biết tàu đó được giao cho ai, chở gì.
“Thuyền trưởng và thủy thủ tàu không số không được tiết lộ nhiệm vụ với gia đình. Trước mỗi hành trình, họ phải gửi lại giấy tờ, ghi địa chỉ quê quán, người thân, chụp ảnh để lưu lại trong hồ sơ. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau đó là những lần truy điệu sống để không may hy sinh còn có thông tin gửi về địa phương. Thế nhưng ai cũng quyết tâm chiến đấu vì đất nước, có thủy thủ không được đi đã bật khóc”, ông Tuần kể.
Vị chỉ huy kế hoạch tác chiến cho hay, mỗi chiếc tàu rời bến đều được gắn thuốc nổ xung quanh. Khi chiến đấu với kẻ thù và cảm thấy không thể vượt qua, thuyền sẽ được phá huỷ để đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay địch. Mọi giấy tờ, căn cước chiến sĩ mang theo cũng được làm giả, tàu đi đến địa phận nào tùy tình hình mà thay biển số cho hợp lý, đề phòng địch kiểm tra, phát hiện.
Hình ảnh Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số số 1
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41. Ảnh: Trọng Thiết.
Giọng bùi ngùi, trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 cho hay, ông và đồng đội nhiều lần đối mặt với kẻ thù, chiến đấu anh dũng, nhưng cuối cùng phải cho nổ tàu vì không đủ sức đánh lại địch với lực lượng hùng mạnh. Ông kể, tàu 41 là tàu vỏ sắt đầu tiên được lựa chọn vận chuyển vũ khí vào bến khu 5. Tàu do ông làm thuyền trưởng, ông Trần Hoàng Chiều làm chính trị viên cùng 19 thủy thủ và 3 người là quân giải phóng được tỉnh ủy Phú Yên cử ra miền Bắc xin vũ khí.
Đêm 14/11/1964, tàu rời bến Bãi Cháy, 12 ngày sau thì vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Sáng 27/11, đột ngột có máy bay địch từ đất liền bay đến lượn trên tàu nhiều lần. Sau khi hội ý, ông lệnh cho thuỷ thủ mang cờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa kéo lên đỉnh cột buồm, đồng thời mang cá, mực đã chuẩn bị sẵn giả vờ tụ tập ngồi nhậu.
Chiếc máy bay tiếp tục bay lượn kiểm tra, hai tàu khác của địch từ đất liền tiến ra áp mạn song song với tàu 41. Một chiếc sau đó tách đội hình, các khẩu pháo trên tàu địch đều được mở bạt che, hướng nòng súng về phía tàu ta sẵn sàng nhả đạn. “Chúng tôi vẫn giả vờ ngồi nhậu, mặt khác bí mật chuẩn bị các loại súng B40, B41, lựu đạn chống tăng, bộc phá… sẵn sàng chiến đấu. Trong trường hợp cần thiết sẽ lao về phía tàu địch và cho nổ tung”, thuyền trưởng Thạnh kể.
Tuy nhiên, sau hai giờ theo dõi không phát hiện nghi vấn, địch cho tàu tăng tốc chạy vào bờ. Tàu 41 thẳng tiến đến đích và khi cách khoảng một hải lý, tàu thả trôi chờ tín hiệu của bến. “Khi phía bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt, chúng tôi sung sướng vì từ đó chúng ta đã có thêm một bến mới, bến Vũng Rô”, trung tá Thạnh hồ hởi nói.
Ông cho hay, tàu 41 dường như có duyên với những cái mới. Năm 1966, khi Mỹ tổ chức lực lượng đặc nhiệm ken dày chốt các cửa sông, tàu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường khu 5, vào bãi ngang Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên sử dụng phương pháp thả hàng xuống biển, đánh dấu để bến vớt lên dần.
Hình ảnh Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số số 2
Con tàu mang số hiệu 41 (nay được đổi là HQ 671) là tàu không số duy nhất còn lại hiện nay. Ảnh: Trọng Thiết.
Trước chuyến đi, để làm quen với địa hình nơi tàu đến, thủy thủ tàu 41 có gần nửa tháng luyện tập với đặc công nước ở bãi biển Đa Lạt (Thái Bình). Đêm 19/11/1966 tàu rời bến. 8 ngày sau thì đến đúng địa điểm nhưng không nhận được tín hiệu hiệp đồng. Hai thủy thủ thông thạo nghề biển, bơi giỏi, mang áo phao và vũ khí cá nhân nhận nhiệm vụ bơi vào bờ bắt liên lạc với bến, lực lượng còn lại tập trung thả hàng.
“Lúc đó, có hai tàu địch đang theo dõi chúng tôi, thi thoảng lại dùng đèn tín hiệu liên lạc với nhau. Thả được 1/3 lượng hàng thì nhận được tín hiệu trong bờ, không khí làm việc khẩn trương hơn nhưng do sóng thuỷ triều lớn đã làm chân vịt bị cong không thể cơ động xa được”, ông Thạnh kể.
Trước tình thế nguy cấp, ông Thạch quyết định đưa người vào bờ, còn thuyền trưởng, máy trưởng ở lại chuẩn bị điểm hoả bộc phá hủy tàu rồi bơi vào bờ sau. Con tàu nổ tung cũng là lúc các cỡ pháo trên tàu địch bắn tới tấp vào bờ chặn đường rút lui của thủy thủ ta. Hai người đã hy sinh, số còn lại vượt đường Trường Sơn, ba tháng sau mới về đến miền Bắc.
Trong ký ức của nguyên thuyền trưởng tàu 41, có những người đồng đội đã hy sinh mà đến giờ ông vẫn còn đau xót. Đó là những thủy thủ tàu 165 chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) năm 1968 do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương là chính trị viên cùng 18 thủy thủ. Tàu chở 64 tấn vũ khí, xuất phát ngày 25/2. Đến 18h ngày 29/2, sau bức điện cuối cùng, tàu mất hoàn toàn liên lạc. Biết tàu gặp địch nên mấy ngày sau đó anh em ở bến cử người đi dọc bờ biển tìm dấu vết. “Cả người và thuyền đều không thấy, đồng đội chỉ tìm được nhiều mảnh gỗ có vết đạn nham nhở trôi dạt vào bờ”, ông Thạnh kể.
Cũng trong năm 1968, tàu 235 chở vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng và Nguyễn Tương làm chính trị viên cùng 20 cán bộ, thủy thủ. Ngày 6/2/1968 tàu xuất phát. Ngày 29/2, khi qua vùng biển Nha Trang thì máy bay địch phát hiện. 20h cùng ngày, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng vào bờ. Lúc này, hải quân vùng 2 duyên hải của địch đã điều động nhiều tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta.
Một khó khăn cho tàu 235 là khi quay vào bờ không gặp bến đón. Trong lúc nguy cấp, thuyền trưởng chỉ đạo thủy thủ thả hàng xuống biển, sau này bến vớt lên. Khi thả được 2/3 số hàng thì thuyền trưởng cho ngưng và đưa tàu chạy ven bờ xa nơi thả hàng. Tàu chiến địch lập tức đuổi theo và một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra khiến thuyền trưởng và máy trưởng bị thương, máy tàu hỏng nặng không thể cơ động xa.
“Lúc này anh Vinh đã cho tàu vào gần bờ để những người bị thương sơ tán lên, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị điểm hỏa bộc phá tàu rồi bơi vào bờ sau. Tiếng nổ của con tàu khiến địch điên cuồng bắn phá ven biển nhằm dọn đường cho bộ binh vây bắt thủy thủ. Anh Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh”, thuyền trưởng Thạnh ngậm ngùi.
Mái tóc đã bạc nhưng giọng nói còn sang sảng, đại tá Trần Phong, nguyên quyền đoàn trưởng đoàn 125 Hải quân tâm sự, thời đại của thế hệ ông với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã làm nên huyền thoại đường không dấu, tàu không số, trí - hiếu - trung - dũng - anh hùng. "Ngày nay, ta có trời, có biển thì phải biết giữ gìn. Nếu tổ quốc cần chúng tôi, các anh cứ gọi. Chúng tôi luôn sẵn sàng”, ông dặn dò thế hệ lãnh đạo hải quân tiếp nối.
Hoàng Thùy
Nguồn : VnExpress

Chuyến tàu không số duy nhất chở thủy lôi

Gần đến bến đỗ thì bị địch bao vây, tàu 42 chở 60 tấn vũ khí và 4 quả thủy lôi đã nhanh trí bật đèn giống tàu địch, hòa vào vòng vây, sau đó tăng tốc lao vào bãi đổ hàng.
Ông Lưu Đình Lừng, cựu thủy thủ tàu không số năm xưa nay đã về hưu, an hưởng tuổi già tại phường Ngọc Hải, thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. Khuôn mặt rám nắng, dáng người rắn rỏi, ông cho biết, từ khi bước chân xuống tàu năm 1964, ông đã có 10 chuyến ra Bắc vào Nam, lênh đênh trên biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Trong những lần ấy, ông cảm thấy tự hào và nhớ như in chuyến đi đầu tiên sau khi đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện. Đó là chuyến tàu chở 4 quả thủy lôi duy nhất trong hàng nghìn tấn vũ khí được vận chuyển vào Nam. Ông Lừng nhớ lại, để đưa thủy lôi xuống tàu, những người lính phải dùng băng xích để kéo xuống xuồng, sau đó lại vất vả đưa xuống hầm hàng của tàu.
Hình ảnh Chuyến tàu không số duy nhất chở thủy lôi số 1
Ông Lưu Đình Lừng nhớ nhất là chuyến vận chuyển vũ khí vào Cà Mau có 4 quả thủy lôi năm 1965. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trước khi tàu rời bến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vác một hòm đạn AK xuống tàu, động viên các thuỷ thủ. Đêm hôm đó, tất cả mọi tư trang, giấy tờ tùy thân các ông đều gửi lại, cán bộ lãnh đạo thì ân cần bắt tay, dặn dò từng người.
"Nhiệm vụ của tàu 42 khi ấy là đưa vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) và nghiên cứu tuyến đường vận chuyển mới sau một thời gian tạm ngưng do địch phát hiện. Hành trình nếu suôn sẻ dự kiến mất khoảng nửa tháng với 7 ngày vào, 7 ngày ra và 1-2 ngày bốc hàng", ông Lừng nói.
Khẽ nhăn vầng trán, người cựu binh nhớ lại, đêm ngày 15/10/1965, tàu 42 được cải trang thành tàu đánh cá Philippines lặng lẽ rời bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng). 16 thủy thủ tham gia chuyến đi dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Ngọc Ẩn.
Không giống như những chuyến hàng trước, lần này ngoài 60 tấn vũ khí, tàu 42 còn phải chở thêm 4 quả thủy lôi, mỗi quả nặng hơn một tấn. Đây là loại vũ khí đặc biệt dùng để phá hủy những chiến hạm lớn của địch nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng với chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.
Không thể đi dọc đường bờ biển bởi sau sự kiện Vũng Rô, con đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ, địch tăng cường tuần tiễu và thả bom mìn, thủy lôi phong tỏa. Tàu 42 với nhiệm vụ mở đường mới phải nhằm hướng hải phận quốc tế để đi. Sau khi rời bến K15, tàu vượt qua Long Châu, đảo Hải Nam, sau đó nhập vào dòng tàu buôn đi về phía quần đảo Trường Sa.
"Lênh đênh trên biển, ngoài việc quan sát kẻ địch chúng tôi còn phải đối phó với sóng, gió, bão. Chỉ sóng thôi cũng đã làm sơn ở ngoài tàu tróc hết, bào mòn mạn tàu, nấu cơm thì phải đứng giữ nồi ở yên vị trí, có khi đến 3 tiếng cơm mới chín. Và sau mỗi chuyến đi, một người sút khoảng 4 cân", ông Lừng kể và cho biết, khi tàu 42 của ông tới gần quần đảo Trường Sa thì bị máy bay Mỹ phát hiện.
Trước tình huống nguy cấp, thuyển trưởng đã hạ lệnh thay biển số của tàu phù hợp với hải phận đi qua, mang lưới ra gỡ để địch tin là dân đánh cá. Sau khi tiếp cận mà không phát hiện điều bất thường, máy bay địch bỏ đi, tàu 42 tiếp tục xuôi về phía đảo của Philippines và chuyển hướng vào Cà Mau.
"Khi gần bến đỗ, anh em trên tàu đang mừng thầm vì chuyến đi khá thuận lợi thì lại phát hiện những vệt sáng ở phía trước. Biết là có tàu địch, chúng tôi được lệnh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu", ông Lừng kể.
Hình ảnh Chuyến tàu không số duy nhất chở thủy lôi số 2
Tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp,
Những vệt sáng cứ xuất hiện nhiều lên, cả phía trước, bên phải, bên trái và sau đó tạo thành một vòng tròn bao quanh thuyền 42. Biết đã bị bao vây, thuyền trưởng Cứng lập tức ra lệnh bật đèn giống địch và cho tàu chạy dần ra ngoài, nhập vào vòng tròn của nhóm tàu địch. Cứ như thế, tàu chạy vòng quanh một lúc, khi vào gần bờ, thuyền trưởng hạ lệnh tắt đèn, tăng tốc lao vào bến, nơi có đội ngũ tiếp ứng đang đợi sẵn.
"Có những lúc căng thẳng đến mức như sắp phải nhả súng chiến đấu với địch, nhưng với tài phán đoán và xử lý của thuyền trưởng Cứng, mọi vòng vây đều được phá, chúng tôi vào bến an toàn", ông Lừng kể lại.
Ông cho biết, đội tiếp nhận hàng ở bến đã phải rất vất vả mới di chuyển được bốn quả thủy lôi đến nơi an toàn. Họ phải chọn những chiếc thuyền to, chèo ra đến gần tàu hàng thì dìm xuống nước. Hàng chục người sau đó sẽ dùng đòn khênh thủy lôi lên và đẩy chiếc thuyền chìm lên, tát cạn nước. Thuyền dần dần nổi và bốn quả thủy lôi lần lượt được vận chuyển vào bờ.
Giọng hào hứng, ông Lừng chia sẻ, với 4 quả thủy lôi vận chuyển vào đã có tác dụng rất to lớn, trong đó có việc đánh chìm chiếm hạm "khủng long" Balon Ronge Victory có trọng tải 20.000 tấn của Mỹ do tổ đặc công Rừng Sác thực hiện. Chiến thắng này đã tạo nên cục diện mới ở chiến trường miền Nam, khiến quân địch phải lo sợ.
Sau chuyến đi khảo sát thành công ấy, tuyến đường vận tải trên biển đi qua hải phận quốc tế vào Nam được hình thành. Ban chỉ huy tàu cũng vinh dự được báo cáo kết quả với Quân ủy Trung ương và được nhận Huân chương Quân công hạng ba. Đặc biệt, cả đoàn còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một cây thuốc lá có ghi dòng chữ “Bác Hồ tặng”.
"Trước khi đi tàu được găm hàng tấn thuốc nổ để nếu không chiến đấu nổi với địch sẽ phá hủy tàu. Cánh thủy thủ chúng tôi đều biết mỗi lần ra đi là một lần không hẹn ngày trở lại, thế nhưng với nhiệt tình cách mạng của lớp thanh niên lúc bấy giờ, chúng tôi không sợ chết, thậm chí không được đi đã khóc nức nở. Bây giờ nếu hải quân cần, chúng tôi vẫn sẵn sàng", ông Lừng nói.
<>Hoàng Thùy
 
Nguồn : VnExpress

Chiến công thầm lặng của chính trị viên tàu không số

Chín lần lênh đênh trên biển với hai lần phải phá hủy tàu, nguyên Chính trị viên tàu không số 43 Trần Ngọc Tuấn đã được bác sĩ Đặng Thùy Trâm tận tình cứu chữa tại bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Không ngớt lời khen khi nhắc đến đồng đội là thủy thủ tàu không số năm xưa, nguyên trưởng tiểu ban tác chiến, huấn luyện Nguyễn Hữu Tuần dành những lời cảm phục nhất cho ông Trần Ngọc Tuấn, nguyên Chính trị viên tàu 43. Theo ông Tuần, đó là người chỉ huy xuất sắc, dũng cảm của đoàn tàu không số, nhưng về sau lại phải mưu sinh vất vả và chiến công thì không mấy người biết tới.
Không một lời than thở, người chính trị viên được ông Tuần nhắc tới chỉ cười hiền: "Còn được sống đến hôm nay tôi đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội hy sinh ngoài chiến trường. Ngày ấy chúng tôi không bằng cấp, mới học lớp 1, lớp 2 thậm chí mù chữ nhưng vẫn quyết tử ra đi, là vì chúng tôi muốn đánh đuổi quân thù, thống nhất đất nước".
Gói gọn cuộc đời trong câu thơ mượn của thi sĩ Hồ Xuân Hương "hai chìm, bảy nổi, chín lênh đênh", ông Tuấn cho biết, trong 9 chuyến tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam, ông làm chính trị viên trên các tàu 56, 55, 43. Sau lần chở 44 tấn vũ khí vào miền Nam đánh trận Bình Giã, ông được điều về tàu 43 xây dựng đơn vị này vững mạnh toàn diện.
Khi nhiệm vụ hoàn thành, tháng 3/1965, để góp phần chi viện cho chiến trường khu 5 đánh lớn thắng lớn, tàu 43 được cử lên đường do ông làm chính trị viên, Nguyễn Đắc Thắng là thuyền trưởng đi vào Quảng Ngãi.
Ông Tuấn kể, sau khi đi ra hải phận quốc tế, tàu bị địch phát hiện nhưng qua theo dõi một thời gian không thấy biểu hiện lạ, chúng bỏ đi. Tàu 43 chuyển hướng tiến về bến, khi cách Sa Kỳ khoảng 25 hải lý, lại phát hiện 3 tàu chiến Mỹ đuổi theo, rọi đèn pha vào, kêu gọi đầu hàng.
Hình ảnh Chiến công thầm lặng của chính trị viên tàu không số số 1
Nguyên chính trị viên Trần Ngọc Tuấn với hai lần chỉ huy bộc phá hủy tàu. Ảnh: Trọng Thiết.
"Chúng tôi xác định phá vòng vây địch để đưa tàu vào bến, nếu còn thời gian thì đổ hàng. Nhưng lúc đó 3 tàu chiến Mỹ thi nhau tấn công buộc chúng tôi phải đánh trả", ông Tuấn kể và cho hay, với nỗ lực của các thủy thủ, một tàu địch đã bị trúng đạn khiến hai tàu còn lại chỉ dám ở xa bắn mà không lại gần.
Cuộc chiến giằng co suốt từ tối hôm trước cho tới 5h sáng hôm sau thì tàu 43 mới lao được vào bờ, tuy nhiên tứ phía đều bị bao vây. Chỉ huy quyết định phá hủy tàu, không để rơi vào tay địch. "Lúc ấy rất căng thẳng, tàu không thể cơ động, bao nhiêu đạn pháo của địch lại tập trung xung quanh đòi hỏi người đánh bộc phá phải dũng cảm, nhanh chóng, chính xác. Tôi và vài thủy thủ nhận nhiệm vụ ở lại phá hủy tàu, còn anh em rời tàu trước", ông Tuấn kể.
Theo ông Tuấn, có 3-4 vị trí trên tàu đặt bộc phá, mỗi vị trí có 3 loại kíp: hóa học, dây cháy chậm và kíp điện. Để chắc chắn phá được tàu, các thủy thủ đã lắp thêm thiết bị để có thể điều khiển phá tàu từ trong bờ thông qua một sợi dây dài khoảng 1.000 m. Để kéo dây vào bờ, hai thủy thủ cứ bơi được một đoạn lại bị dây quấn vào người không thể di chuyển. Họ phải lặn xuống, gỡ dây rồi tiếp tục bơi.
Khi kéo tới bờ, lắp dây vào bình điện, quay một vòng thì tàu chập điện nổ. Dù tiếc vũ khí, nhưng cả đoàn vui mừng khi đánh nhau suốt 3 giờ với 3 tàu chiến Mỹ và một trực thăng nhưng không thủy thủ nào bị thương, bí mật được đảm bảo.
Vẫn nụ cười nhưng pha phần chua xót, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn cho biết, sau khi bộc phá tàu, cả đội đổ lên bờ hành quân vượt Trường Sơn ra Bắc. Đây là chuyến đi cam go, khổ sở vì không bắt được liên lạc với đơn vị, không có giấy tờ tùy thân, không chế độ ăn uống. Đi đến đâu các ông xin ăn đến đó, đói thì ăn rau rừng.
"Đau lòng nhất là không có giấy tờ nên qua các trạm gác chúng tôi bị cho là quân đào ngũ. Đến trạm 400 ở Hà Tĩnh, họ tập trung chúng tôi lại, cho học chính trị để bắt trở lại chiến trường. Tôi kiên quyết nói 'Không được, giờ các đồng chí bắt chúng tôi lại, ở chiến trường mà có chiến sự gì các đồng chí chịu trách nhiệm. Tôi yêu cầu được gặp Tổng cục Chính trị, vòng vo mãi mới được đi tiếp", ông Tuấn kể.
Ngày 14/3/1967 bắt đầu hành quân, nhưng người cuối cùng về đơn vị là tháng 10. Ai cũng bị sưng lá lách, ốm đau, quặt quẹo. Khi chưa kịp hồi sức, cả đội lại được động viên tham gia chuyển vũ khí cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Vì khát khao độc lập, tự do nên dù sức yếu thủy thủ tàu 43 vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra đi. Trận này tiếp tục vào Quảng Ngãi, nơi mà cách đây vài tháng quân ta có một tàu bị địch bắt, đem xác về trưng bày để thị uy. Tại bến này, chúng cũng tập trung lực lượng phòng thủ rất mạnh.
Ông Tuấn cho hay, dù chuyến đi này lành ít dữ nhiều, có thể không về nhưng anh em sẵn sàng ra đi. Thậm chí có người vừa cưới vợ được 20 ngày là lái chính Vũ Xuân Rệ và y tá kiêm pháo thủ Võ Nho Tòng chuẩn bị cưới cũng xung phong lên thuyền.
"Lúc đó tôi quán triệt anh em, đi chuyến này nếu gặp địch vây thì kiên quyết đánh trả, nếu bị bắt không được khai báo, noi gương Nguyễn Văn Trỗi, học tập Nguyễn Đức Thuận", ông Tuấn nói và cho hay, thời điểm này địch dùng máy bay tầm cao quan sát, nếu phát hiện tàu ta thì báo cho rađa, chờ khi mình vào hải phận chúng mới đánh. Điều này khiến quân ta rất bị động.
Khi tàu 43 vào cách bờ khoảng 20 hải lý thì có 4 tàu địch ở phía sau đuổi theo. 0h50 phút ngày 1/3/1968, chúng đồng loạt bắn pháo sáng. Lập tức chỉ huy tàu lệnh thủy thủ tiêu hủy tài liệu và chuẩn bị chiến đấu. Thuyền trưởng Thắng đứng trên đài chỉ huy quan sát, tính toán thời điểm lệnh nổ súng.
Còn ông Tuấn đi xuống từng vị trí kiểm tra. Khi vào buồng lái, thấy Vũ Xuân Rệ một tay giữ tay lái, một tay cầm thủ pháo hứa với ông: "Tôi Vũ Xuân Rệ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiêu diệu địch" (nếu địch vào bắt sống thì cầm thủ pháo nhảy qua tàu địch rồi giật kíp nổ".
Khi pháo sáng bắn được 30 phút thì từ 4 tàu địch bắt đầu dập đạn vào, dù tròng trành nhưng tàu 43 vẫn nhằm hướng bến lao vào. Địch mỗi đợt cử 2 tàu lao vào tấn công. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh bắn. Khi đánh hết tàu của địch, máy bay lại xuất hiện bắn đạn cực nhanh vào tàu ta. Lúc này thuyền trưởng lệnh cho súng 12D7 bắn rơi một chiếc. Cứ như thế, hết tàu đến máy bay địch thay nhau đánh tàu 43, còn thủy thủ ta liên tiếp phản công.
Hình ảnh Chiến công thầm lặng của chính trị viên tàu không số số 2
Ông Tuấn và các đồng đội năm xưa. Ảnh: Trọng Thiết.
Đến lần thứ ba pháo bắn vào thì tàu 43 lảo đảo. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn lao vào buồng lái thấy lái tàu Rệ bị thương nặng, ngã xuống sàn nhưng một tay vẫn giữ vòng lái, thực hiện đúng lời dặn "giữ vững vị trí chiến đấu". Ông Tuấn điều chỉnh tay lái đưa tàu về hướng theo chỉ huy của thuyền trưởng, điều lái hai Lưu Công Hào vào thay.
"Khi đang băng bó cho Rệ, cậu ấy chỉ kịp nói 'Chính trị viên ở lại chiến đấu trả thù cho em' rồi tắt thở. Thường khi sắp ra đi, người ta nhắn nhủ với vợ, người thân nhưng Rệ thì không, chỉ gửi lại tinh thần chiến đấu. Tôi đau là đau ở chỗ đó", ông Tuấn ngậm ngùi.
Khi xuống boong tàu, ông Tuấn lại phát hiện y tá kiêm pháo thủ số 2 Võ Nho Tòng cũng đã trúng đạn hy sinh. Toàn thân ngã xuống nhưng tay vẫn ôm chặt pháo. Lúc này mạn phải lại có 2 tàu địch tấn công.
4h30 ngày 1/3/1968 tàu 43 lao vào được đến bờ. Thuyền trưởng hạ lệnh phá hủy tàu vì sau thời gian dài chiến đấu tàu bị mất mát quá lớn về người và vũ khí. Hơn nữa trời đã sáng, nếu kéo dài thời gian địch sẽ vào cướp tàu.
Thương binh, liệt sĩ được đưa vào bờ trước, một nhóm chiến sĩ ở lại chiến đấu yểm hộ bộ phận đánh bộc phá. Khi điểm hỏa xong, định giờ 30 phút, thấy đồng hồ chạy 5 phút thì ông Tuấn và các chiến sĩ còn lại bơi vào bờ. Đang bơi thì thủy thủ tên Kiểm bị trúng đạn địch, sóng cuốn anh đi khiến cả đội tìm miết không thấy xác.
"Thời gian nổ tàu đã đến mà vẫn không thấy Kiểm, chúng tôi dìu nhau vào bờ. Vừa đến nơi thì thấy phía tàu phát ra một ánh chớp sáng lòe, một cột nước bốc lên và sau đó là tiếng nổ. Bộc phá thành công", ông Tuấn nói.
Tập trung đội để hành quân ra Bắc, thủy thủ tàu 43 lại gặp phải lính thủy đánh bộ của Mỹ xuống càn quét. May mắn bắt liên lạc được với du kích địa phương, cả đội được đưa xuống hầm ẩn nấp. Chiều 7/3, họ đưa các chiến sĩ đến bệnh xá dân y của huyện Đức Phổ.
Ông Tuấn nhớ, lúc đó trạm có 8 người, 2 nam, 6 nữ trong đó có cô da trắng trẻo, xinh đẹp ân cần hỏi thăm, kiểm tra vết thương cho cả nhóm. Sau này ông mới biết đó là bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội vào tháng 3/1967.
"Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, ngày 10/4 chúng tôi đỡ hơn nên lên đường hành quân. Tôi nói với nữ bác sĩ: "Chúc Thùy Trâm ở lại mạnh giỏi, hẹn gặp lại trong ngày hội Bắc Nam thống nhất". Cô ấy đã khóc và trả lời "Các anh cứ đi, hẹn gặp lại trên miền Bắc thân yêu", vị chính trị viên nghẹn ngào kể lại. Ông cũng không ngờ rằng đó là lần gặp mặt duy nhất, cuối cùng với nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Sau chuyến đi từ Hải Phòng vào sông Gianh năm 1969, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bị ốm nặng, phải đi an dưỡng ở bệnh viện. Điều trị mãi không khỏi nên bộ chỉ huy động viên ông chuyển sang làm công tác tổ chức. Ông nói "tổ chức phân công đi đâu tôi đi đó". Vậy là ông về làm công tác tuyển sinh ở trường Thủy sản.
Sau giải phóng trường chuyển vào Nha Trang, Khánh Hòa. Khi về hưu, ông đi bán thuốc lá để kiếm tiền nuôi con ăn học. Bị thanh niên lừa hết tiền thuốc, vị lính già lại đi gác cổng cho một trường trung học với đồng lương ít ỏi. Trường Thủy sản mở trung tâm 3, ông được mời về đó làm bảo vệ.
"Tôi tưởng mình đã bị lãng quên, nhưng đến năm 2001 nhà văn Đình Kính tìm được tôi khi đang lụ khụ ngồi gác cổng. Giờ tôi con cái trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn hai ông bà già chăm sóc cho nhau. Cuộc sống như vậy đã hạnh phúc lắm rồi", vị chỉ huy già nhăn nheo vầng trán nói.
<>Hoàng Thùy
 
Nguồn : VnExpress

Chuyện tình cổ tích của thuyền trưởng tàu không số

Nghe tin Tư Thắng hy sinh, Sáu Thùy không tin bèn tìm cách vượt Trường Sơn ra Bắc để tìm tung tích người yêu. Suốt 8 năm chia cách, họ vẫn tin tưởng, đợi chờ ngày hội ngộ.
"Mối tình xuyên biển Đông", "mối tình vượt thời gian" hay "chuyện tình cổ tích" là nhận xét của cựu thuỷ thủ tàu không số về tình yêu của nguyên thuyền trưởng tàu 43 Nguyễn Đắc Thắng và nữ y tá Huỳnh Biên Thùy. Gặp rồi yêu nhau trong chiến tranh, liên hệ thưa thớt qua vài cánh thư và suốt nhiều năm không tin tức, nhưng họ một lòng hướng về nhau với tình cảm chân thành nhất.
Dường như mối duyên Thắng - Thùy được ông trời xe sẵn. Lần đầu gặp mặt, Đắc Thắng (còn gọi là Tư Thắng) chừng 24 tuổi, còn Biên Thùy (hay Sáu Thùy) mới 19. Khi ấy Tư Thắng là thuyền phó phụ trách hàng hải tàu 56 cùng đồng đội chở vũ khí từ Hải Phòng vào bãi Kiến Vàng (Cà Mau). Trong lúc chờ vận chuyển vũ khí xuống, thủy thủ lên nhà khách nghỉ ngơi và giao lưu văn nghệ.
"Tôi đặc biệt chú ý đến cô gái có tên Sáu Thùy vì da trắng, người nhỏ nhắn, xinh xắn. Khi hỏi hoàn cảnh gia đình, tôi càng cảm thấy cô có nhiều điểm trùng hợp với mình", ông Thắng nhăn vầng trán rộng, kể lại.
Hình ảnh Chuyện tình cổ tích của thuyền trưởng tàu không số số 1
Hai vợ chồng ông bà Đắc Thắng - Biên Thùy đã xấp xỉ 80, sống hạnh phúc bên nhau tại căn nhà nhỏ ở Cần Thơ.
Với giọng Cần Thơ ngọt lùi, ông cho hay, từ khi còn bé đã đi làm liên lạc, 19 tuổi thì tập kết ra Bắc. Sau khi đi học, tháng 5/1963 ông được chuyển về đoàn tàu không số, hai tháng sau đi chuyến đầu tiên. Còn cô Sáu Thùy cũng sớm làm giao liên, rồi bị bắt, tù đày 3 năm. Tháng 2/1964, cô nhập ngũ vào đoàn 962 phục vụ hậu cần ở nhà khách và sau này nhận thêm nhiệm vụ y tá quân y.
Tàu neo lại bến vài ngày, ông Thắng có cơ hội xuống bếp giúp bộ phận hậu cần làm cơm. Trong lúc nhặt rau, làm cá, ông lân la hỏi chuyện Sáu Thùy. Biết cô sinh ra trong gia đình cách mạng, có anh đã hy sinh, ông càng cảm phục người con gái có ý chí kiên cường này.
"Khi tàu sắp phải rời bến trở về Bắc, tôi đặt vấn đề với Sáu Thùy chuyện tình yêu, cưới xin bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, tôi đến đâu cũng chỉ được vào vài ngày, điều kiện ở trong bến cũng chặt chẽ, nam nữ không được tự do tìm hiểu", ông Thắng cho hay.
Đón nhận tình cảm của Tư Thắng, nhưng Sáu Thùy trả lời chưa thể quyết định được vì còn mẹ già và anh em ở quê. Chàng thuyền phó khi ấy phải dùng tình cảm và lý do làm nhiệm vụ nay đây mai đó, cơ hội gặp lại rất hiếm hoi để thuyết phục. Cuối cùng cô cũng đồng ý báo cáo chuyện hai người với cấp trên.
"Lúc đầu bến chưa chịu vì họ cũng có ý đồ rút chị em địa phương vào để gây dựng gia đình cho anh em ở bến. Nhưng rồi nhận thấy vấn đề của hai người là chính đáng nên họ đồng ý cho gặp mặt, trao đổi và để cô Thùy làm lý lịch đưa cho tôi mang ra báo cáo với cấp trên ngoài Bắc", ông Thắng kể lại và cho hay, đoàn tàu không số là đơn vị bí mật nên việc cưới hỏi phải điều tra bên vợ cẩn thận về hoàn cảnh gia đình, xu hướng chính trị... đề phòng sau này có biến cố.
Làm xong lý lịch, hai bên đại diện cho Tư Thắng và Sáu Thùy tổ chức một buổi gặp nhau để trao đổi. Sáu Thùy tặng cho ông một nhẫn vàng, một khăn tay làm tin. Còn Tư Thắng chỉ có mỗi tấm hình để lại. Tưởng mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng do đơn vị Sáu Thùy không mặn mà nên khi tàu Tư Thắng ra Bắc thì họ tổ chức kiểm điểm cô. Cấp trên Tư Thắng thì dễ dàng hơn, chấp nhận mối tình sau khi đã kiểm tra lý lịch.
Về phần Tư Thắng, dù đã hứa hẹn nhưng ông không thể trở lại bến Cà Mau do sau khi trở về được điều qua tàu khác vào Bến Tre. Đi hai chuyến ông lại về tàu 56 nhưng chuyển hàng vào bến Bà Rịa. Để liên lạc với người yêu, thi thoảng ông lén viết thư nhờ bạn tàu khác chuyển vào, và ngập tràn hạnh phúc khi nhận được hồi âm cùng quà của Sáu Thùy.
"Trong 4 năm từ 1964 đến 1968 chúng tôi gửi cho nhau khoảng 10 bức thư. Nhiệm vụ bí mật nên ngay cả chúng tôi cũng không biết lịch trình của các tàu bạn. Thi thoảng anh Nguyễn Chánh Tâm (thuyền trưởng tàu 165) chở hàng vào Cà Mau tự mua quà và nói của tôi gửi để Sáu Thùy đỡ tủi thân", ông Thắng nói.
Mặc dù vậy, cô Sáu rất trân trọng và mong được gặp người yêu. Năm 1968, chuẩn bị cho tổng tấn công, cô xin đi theo cùng tiểu đoàn của đơn vị 962 ra chiến trường chiến đấu. Nhưng ý định của cô là đi để có điều kiện vượt Trường Sơn ra ngoài Bắc tìm Tư Thắng.
Hình ảnh Chuyện tình cổ tích của thuyền trưởng tàu không số số 2
Ông bà Thắng - Thùy vui với đứa cháu ngoại duy nhất.
Sau nhiều lần cố gắng nhưng không thể ra Bắc vì đồn bốt địch, Sáu Thùy ở lại trung đoàn 1 của quân khu 9 tham gia chiến đấu. Lúc này cô lại nhận được tin Tư Thắng hy sinh. Cô đau khổ xin cấp trên được về làm lễ truy điệu. "Vậy là tôi đã được làm truy điệu sống một lần từ dạo ấy", Tư Thắng cười.
Trong các năm 1968-1972, hai người không liên lạc gì với nhau. Suốt thời gian này, tàu sắt vào Nam cũng bị hạn chế vì địch truy tìm gắt gao. Tư Thắng được rút về đoàn 950 làm nhiệm vụ mới, hoạt động hợp pháp, đi tàu gỗ 2 đáy cải dạng tàu cá ra miền Bắc chở vũ khí. Tháng 7/1972, ông Thắng lúc này đã là thuyền trưởng, đi chuyến đầu tiên bằng đường hợp pháp, vào bến Đầm Cùng (Cà Mau).
Hai tháng sau, thông cảm với tình cảnh của Sáu Thùy và Tư Thắng, cấp trên tổ chức cho 2 người gặp nhau nhưng không báo trước. Thùy được giao liên dẫn đi, họ nói cho về phép thăm mẹ. Còn Tư Thắng khi ấy đang giăng câu ngoài đồng, râu ria để rậm vì phải cải dạng để đi hợp pháp.
"Cuộc hội ngộ ấy như Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga. Cuối cùng thì sau 8 năm chờ đợi, chúng tôi mới gặp lại. Ai cũng tưởng rằng người kia đã hy sinh nhưng vẫn một lòng chờ đợi", Tư Thắng nghẹn ngào. Ông Thắng thận trọng hỏi "Ngày xưa anh còn trẻ, hai người hứa hôn. Giờ vì điều kiện chiến tranh, hành quân vượt Trường Sơn nên già, ốm thì có nên tổ chức cưới hay không". Sáu Thùy trả lời "Trước sau như một, dù hoàn cảnh nào vẫn yêu thương nhau".
Niềm vui như vỡ òa khi nghe người yêu nói, sáng hôm sau Tư Thắng trình bày với hai bên đơn vị về đám cưới. Ngày vui của hai người được tổ chức theo đời sống mới chỉ có anh em trong đơn vị. Đoàn 962 và 950 cho đôi vợ chồng trẻ 3 nghìn làm vốn. Bánh trái trong lễ cưới được các chị em tự làm như bánh bò, bánh thịt, bánh kẹp, bánh quai chèo... Thức ăn thì vào rừng bắt rắn, kỳ đà...
Trong ký ức của Đắc Thắng, địa điểm cho "tuần trăng mật" của hai vợ chồng cũng rất đáng nhớ. Đó là một cái chòi trong vườn chuối, phía dưới có hầm nấp pháo, bom. Đêm người nằm ở trên thì rắn ở dưới thở phò phè. Ở đó khoảng 2 tuần thì đơn vị cho đôi vợ chồng đi theo giao liên về thăm quê ngoại. Hết phép, ông đưa vợ về đơn vị, còn mình thì xuống tàu ra Bắc nhận vũ khí.
Dù hai đơn vị đóng gần nhau nhưng mỗi lần đi thăm chồng Sáu Thùy phải chèo xuồng cả ngày, có khi đi từ sáng mà nửa đêm mới tới, nhiều lúc phải tránh biệt kích địch. Thăm chồng 1-2 ngày cô lại phải chèo xuồng về đơn vị để chồng tiếp tục với những chuyến tàu Bắc - Nam.
"Về sau đơn vị thông cảm, điều vợ tôi về đoàn 950 để hai người có điều kiện ở gần nhau. Năm 1973 chúng tôi có đứa con trai đầu lòng, năm 1976 có đứa con gái thứ hai và năm 1979 thì có con trai út. Cả ba con đều mang hai họ Nguyễn - Huỳnh thể hiện sự gắn bó keo sơn của bố mẹ", người cựu thủy thủ cho hay.
Giờ đã gần 80 với ngót 60 năm gắn bó với hải quân, cựu thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Đắc Thắng đã được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. "Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố mẹ nên cả hai con trai tôi đều vô sinh, may đứa con gái có một cháu trai. Giờ vợ chồng tôi sống khá ổn định nhờ đồng lương hưu, chăm sóc nhau lúc tuổi già", thủy thủ anh hùng tàu không số tâm sự.
<>Hoàng Thùy
 
Nguồn : VnExpress

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét