Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

ÔN CỐ TRI TÂN 2 (Trần Xuân Bách)

-"Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...".(Trần Xuân Bách)

- -NÓI NHƯ CON "KÉT", LÀM NHƯ CON "KẸT"!
-QUAN "NỔ" = MỴ DÂN
-Định hướng như ... cứt mà đòi lên "Thiên Đường".  
-Rồi đây, lịch sử sẽ chỉ rõ công - tội!
------------------- 
-Xã hội chủ nghĩa mà chi
Thằng trên định hướng làm vì cho vui?
Chém cha cái lũ mắt đui
Mở đường chỉ lối cho chui xuống lầy
Chán đời hổ lốn tỉnh-say
Chạy quyền, chạy chức rẫy đầy thế a?
Con ông rồi lại cháu cha
Ăn hết "lộc nước" xót xa dân tình
Thương thay cho đám hậu sinh
Ăn phải cá gỗ của "mình" mớm cho
Ai xui xây đắp cơ đồ
Cho ai vơ vét, tha hồ giàu sang?


-------------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Trần Xuân Bách

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trần Xuân Bách
Trần Xuân Bách (23 tháng 5, 19241 tháng 1, 2006) là chính khách, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là người có chủ trương đa đảng ở Việt Nam

Tiểu sử

Ông tên thật là Vũ Thiện Tuấn quê tại xã Nam Ninh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Ông đã từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Giám đốc Công an Khu III, Chánh Văn phòng Liên khu ủy III, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Nam Định, Sơn Tây, Nam Hà, Trưởng ban Tôn giáo vận Trung ương, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.
Trần Xuân Bách đã tham gia Bộ chỉ huy tối cao chiến dịch tấn công Campuchia năm 1979 với tư cách là Phó Chính ủy, (Chính ủy là ông Lê Đức Thọ) sau đó ông làm trưởng Ban B68 của Đảng Cộng sản Việt Nam (chỉ đạo bộ máy hành chính của Campuchia).
Ông là Bí thư Trung ương Đảng từ khóa V (1982), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và được giao nhiệm vụ nghiên cứu về lý luận, phụ trách về đối ngoại kiêm Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, dưới thời ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư đảng ..
Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa III, IV.
Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do Gorbachov đưa ra đang lan tràn trong nhiều nước cộng sản. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 3 năm 1990), Trần Xuân Bách đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng .
Sau một thời gian ông được Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời về làm tại ban nghiên cứu ở Bộ Ngoại giao cho đến tháng 8 năm 1990 thì nghỉ hưu. Giáo sư Carl Thayer cho biết, "ông Bách không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông thì bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời."
Ông từng phát biểu: "Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...".
Do lâm bệnh nặng, ông đã mất hồi 15 giờ 34 phút, ngày 1 tháng 1 năm 2006. Ông được mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, nơi chôn cất các nhân vật lãnh đạo cao cấp.

Tặng thưởng

Ông đã được tặng thưởng các Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Angkor của Nhà nước Campuchia

Đời tư

Theo cuốn Bên thắng cuộc thì lúc sinh thời ông đã 2 lần lập gia đình. Năm 1956 ông ly dị và sống độc thân 20 năm. Cho đến năm 1976 thì ông kết hôn với người vợ thứ 2 là bà Nguyễn Thị Đức Thịnh. Ông và bà có với nhau 2 người con gái sinh năm 1977 và 1982.  Sau khi ông Bách bị kỷ luật, cách chức ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng thì bà Thịnh bị cơ quan "cho ra đứng vỉa hè, giữ xe máy cho khách đến liên hệ với cơ quan".

Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?


Tác giả: Trần Xuân Bách
.

.
Talawas: Ông Trần Xuân Bách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn 1986-1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đứng trước những biến đổi nền tảng và cuối cùng tan vỡ, là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam công khai đưa ra sớm nhất yêu cầu về đa nguyên chính trị, về cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, nhưng không tìm được sự ủng hộ trong Đảng và buộc phải nghỉ hưu từ tháng 8.1990. Ngày 01.01.2006, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 83 tuổi, tang lễ đã được cử hành ngày 07.01.2006. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một bài phát biểu cuối năm 1989 của ông về chủ nghĩa xã hội. Ở thời điểm này, bức tường Berlin đã sụp đổ.
.
Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn
Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước. Muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.

Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xức, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lý do của sự bức xúc:
Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.

Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.
Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn.

Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.

Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói.

Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác với những dự báo của Mác rồi.
Phải có tư duy khoa học. Tụng từng câu „Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội [1] như Mác và Ănghen nói trong „Tuyên ngôn Cộng sản“. Còn cụ thể như thế nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7, có thảo luận một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.

Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác
Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.

Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội 6
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong.
Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực (dân chủ, khoa học,nhân đạo, hiện đại).
Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội 6 khởi động.

Dân chủ không phải là ban ơn
Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.

Từ hai vấn đề đó, xẩy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.
Từ nay đến hết thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì? Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu–hành chánh, bao cấp, mất tư duy giáo điều. Và như thế là đúng lý luận của Mác, là phủ định của phủ định.
Đây là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng phải có bà đỡ.

Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới
Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa.
Ở Liên Xô, Gocbachốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề chính của cải tổ dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc dù căng thẳng, song không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây là một nước rất lớn.
Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan, bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau hội nghị 7 của trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Ngày 25-11-1989 Bộ Chính trị chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới.
Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm hội nghị 7, cần tránh cả hai thái độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định).

Phải thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới
Bộ Chính trị quyết định: Phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong Đảng từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội 6, nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và nghị quyết trung ương lần thứ 6 về cơ cấu kinh tế.

Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực
Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy. Đảng phải có năng lực trí tuệ.
Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại, không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo.

Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên xã hội).

[1]Câu trong nguyên bản tiếng Đức „[…] worin die freie Entwicklung eines jeden die Bedingung für die freie Entwicklung aller ist“ („trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người“), nguồn: MEW, Dietz-Verlag, Berlin, 1956 ff., Bd. 4, S. 482, hoặc website: http://www.mlwerke.de/me/me04/me04_459.htm(Chú thích của talawas)
Nguồn: Bài phát biểu ngày 13.12.1989 do „Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ“ quay ronéo và phổ biến, Những vấn đề Việt Nam, Nhà xuất bản Trăm Hoa, California, 1992, trang 389-393
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6228&rb=0403

PS/ BÀI VIẾT CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN ĐÁNG KÍNH
Bình luận nước ngoài về Trần Xuân Bách
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo GS Carl Thayer, tuy kinh tế tăng trưởng nhưng cải tổ chính trị Việt Nam nhiều năm qua vẫn vô cùng chậm chạp
Để giới thiệu thêm về ông Trần Xuân Bách, cựu ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ đảng Cộng sản Việt Nam, qua đời hôm 1.1.2006, BBC đã phỏng vấn giáo sư người Úc Carl Thayer, một chuyên gia về tình hình Việt Nam.
Câu hỏi đầu tiên của ban Việt Ngữ BBC hỏi GS Thayer là xin giáo sư cho biết tóm tắt ông Trần Xuân Bách là ai?
Carl Thayer: Từ một lãnh đạo sáng giá tại địa phương Trần Xuân Bách được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, và Ban bí thư TƯ tại đại hội V năm 1982. Và tại đại hội VI, đại hội đổi mới, Trần Xuân Bách giữ nguyên hai chức vụ này, cạnh đó còn được bầu vào Bộ Chính trị. Từ đó ông trở thành nhóm khoảng mười người có quyền lực nhất tại Việt Nam.
Ông được phân công phụ trách ban đối ngoại của TƯ Đảng, cơ bản là việc chăm lo quan hệ với các nước XHCN. Về sau người ta chuyển ông sang làm trưởng ban Văn hóa Tư tưởng TƯ. Rồi ông được giao nhiệm vụ tổng hợp cho Đảng nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, tại Đông Âu giai đoạn 1989-1991. Và ông đã viết một bản báo cáo khá dài về chuyện này, văn kiện làm cho ông gặp trục trặc về sau này vì đề nghị thay đổi ông đưa ra đã không được đa số đảng viên thời bấy giờ chia sẻ.
Vậy có thể nói rằng Trần Xuân Bách là một trong những khuôn mặt sáng giá hiếm thấy trong ban lãnh đạo của ĐCS thời bấy giờ, người có những ý tưởng theo sát thời cuộc?
Giai đoạn 1986 đến 1989 dưới thời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tại Việt Nam đã xuất hiện một sự thay đổi đáng kể về công khai, tuy nhiên sau khi sự kiện bức tường Bá Linh qua đi, đồng minh thân cận của Việt Nam như lãnh đạo Rumani Ceaucescu bị hạ bệ, các nhân vật bảo thủ trong đảng đã tìm cách bóp nghẹt tiến trình này. Và kể từ năm 1989 người ta thấy xu hướng bảo thủ tăng lên một cách rõ rệt. Có thể nói trong giai đoạn đó Trần Xuân Bách đại diện cho một nhóm mà học giải phương Tây như chúng tôi gọi là những người có “thiên hướng cải cách” trong ban lãnh đạo ĐCS Việt Nam, và ông này tương đối nổi là vì tư cách Ủy viên Bộ Chính trị của ông, và như tôi đã nói, ông ta là một trong những lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam công khai kêu gọi cải tổ chính trị trong giai đọan bấy giờ.
Và sau đó ông Trần Xuân Bách đã phải trả giá cho những gì ông phát biểu về cải tổ chính trị cần phải thực hiện song hành với cải tổ về kinh tế. Từ đó cho đến nay ông có thấy tín hiệu gì cho thấy đảng CS Việt Nam nghiêng về quan điểm này, hay ít ra tìm các học hỏi nó, thưa ông?
Tôi chưa thấy có gì xuất hiện cả. Trần Xuân Bách nhấn mạnh quá trình cải cách tại Việt Nam cần phải được thực hiện bằng hai bước song hành với nhau, cải tổ về kinh tế cần phải đi đôi với chính trị. Tranh luận lớn nhất dưới thời của ông ta là Việt Nam nên theo mô hình nào, nếu theo kiểu Liên Xô thì chỉ cải cách về chính trị, mà cuối cùng là thất bại, trong khi kiểu Trung Quốc lại phát triển khá về kinh tế.
Cuối cùng Việt Nam đi theo con đường của Trung Quốc, nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế là lý do người dân cần phải theo đảng. Cải tổ chính trị, theo tôi, thì vô cùng chậm chạp. Và kể từ khi ông Trần Xuân Bách bị sa thải, Việt Nam cũng chẳng đẩy mạnh cải cách chính trị gì cả, và thậm chí số người bất đồng chính kiến có vẻ tăng lên, số vụ hà hiếp họ cũng tăng lên. Do vậy Việt Nam vẫn còn đi sau trong lĩnh vực cải tổ chính trị, và Đảng muốn kiểm soát chặt chẽ tiến trình này.
Thời đó kêu gọi của ông Bách về đa nguyên, đa đảng đã không được chấp thuận. Tuy nhiên trong thực tế thì ngày nay cũng có thể nói rằng cũng đã xuất hiện một số quan điể̉m chính trị khác nhau tại Việt Nam trong gia đọan hiện nay.
Ông có ngạc nhiên trước cách thức người ta đối xử với ông Bách hay không? Từ một lãnh đạo cao cấp, sau đó bị đưa ra ngoài rìa mà chẳng có sự giải thích gì cả?
Điều làm cho nhiều người giật mình khi đọc qua thông cáo của Đảng thì ông này bị cách chức và sa thải ngay lập tức. Tuy nhiên nếu nhìn lại có lẽ chúng ta không thấy ngạc nhiên vì cũng có một số nhân vật lãnh đạo khác tại Việt Nam như Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Cơ Thạch cũng đã bị cho về vườn theo kiểu như vậy.
Nhưng ngay cả khi bị cho thôi việc, ông Bách vẫn giữ cái nhà ông ở, vẫn có xe hơi đưa đón, và sau một thời gian thì được bổ vào ban nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên giống như những quan chức khác khi không còn nằm trong bộ máy lãnh đạo, lại còn bị cho nghỉ sớm vì lý do tư tưởng, Đảng đã kiểm soát toàn bộ đường đi nước bước của ông này.
Ông Bách không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông thì bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời. Vào khoảng năm 2000, một vài bài thơ của ông được người ta đọc trên đài phát thanh Á châu tự do, và đó là tất cả những gì mà chúng ta biết được về ông ta. Khi Việt Nam cho ai đó ngồi chơi xơi nước, họ không thanh trừng những người này theo kiểu Stalin ở bên nước Nga, mà họ biến những người này thành cái bóng mờ của quá khứ, của hiện tại. Những người này không biết đi đâu mà chẳng bao giờ có quyền xuất hiện trước công chúng nữa.
Nói chuyện về ý thức hệ, hay đường hướng cải tổ của ông Trần Xuân Bách, liệu ngày nay chúng ta đang chứng kiến thêm những người có đầu óc cải cách như vậy hay không? Hay họ khác với trước, hay VN không tồn tại những người như vậy?
Tôi cho rằng những người có đầu óc cải tổ vẫn tồn tại nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Người ta còn nhớ sự kiện chấn động năm 1989 khi chế độ Honecker tại Đức, Ceaucescu tại Rumani, ban lãnh đạo Liên Xô sụp đổ, trong lúc Trung Quốc đang tìm một hướng đi… đã làm cho Việt Nam phân vân, lo sợ. Tuy nhiên sau đó bối cảnh quốc tế đã thay đổi nhanh chóng. Kinh tế TQ phát triển tới mức độ chóng mặt, Việt Nam cần phải chọn lựa một hướng đi cho phù hợp. Nước này có thể đi theo con đường của Trung Quốc.
Ban lãnh đạo hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là một số nhân vật lãnh đạo trước đó, đã tìm cách thúc đẩy quan hệ thân mật với Trung Quốc. Và tôi cho rằng Việt Nam đang cảm thấy tự tin là nước này đã tìm được lối đi. Nước này sẽ không phải trải qua cảnh xáo trộn như ở Đông Âu. Tuy nhiên những gì mà ông Trần Xuân Bách đã cảnh báo thời bấy giờ, như phân tích của ông về nguyên nhân Đông Âu sụp đổ, phân tích về bước tiến của cuộc cách mạng tin học trên thế giới, và tại Việt Nam ngày nay, người ta đang chứng kiến một sự mâu thuẫn, đó là mạng internet thì đang phát triển rộng khắp, phổ biến thông tin nhanh chóng, trong khi ĐCS tìm mọi cách kiểm soát nó.
Đây chính là một trong những điều mà ông Trần Xuân Bách đã cảnh báo trước đây, rằng cần phải dùng thông tin để nâng cao năng xuất lao động, và rằng khó mà kiểm soát thông tin một cách tuyệt đối, thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tìm cách làm chuyện đó, tôi cho rằng như vậy họ vẫn chưa để ý đến cái thông điệp chính yếu của Trần Xuân Bách.
(Giáo sư Carl Thayer hiện giữ chức Director of Defence Studies Forum tức Học viện Quốc phòng tại đại học New South Wales, Canberra, Úc. Ông đã nhiều lần đến Việt Nam nghiên cứu và ra nhiều bài viết, sách khoa học về chính trị và lịch sử Việt Nam).


Nên minh oan cho đồng chí Trần Xuân bách

txbach1Đồng chí Trần Xuân Bách đã từng là Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Giám đốc Công an khu III, Chánh văn phòng Liên khu ủy III, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Nam Định, Sơn Tây, Nam Hà; đại biểu Quốc hội các khóa 2, 3, 4; ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa 3, 4;Trưởng Ban tôn giáo vận Trung ương, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Ban B68 của Đảng (là Ban phụ trách về Campuchia); y viên Ban chấp hành Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng khóa V; y viên Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ khóa VI (Khóa 1986-1992), Bí thư Trung ương Đảng từ tháng 12-1986 đến tháng 3-1990. Nghỉ hưu từ tháng 8-1990.
Năm 1985, Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev lên cầm quyền ở Liên Xô, đã tiến hành nhiều chính sách đổi mới, như “Grasnost: công khai”, và “Perestroika: cải tổ”.
Tháng 6 năm 1988, Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan đã thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan, chấm dứt sự cầm quyền của Nhà nước cộng sản ở Ba Lan. Tại nước Hungary, ngày 15 tháng 3 năm 1989, 75.000 người biểu tình đòi quân đội Liên Xô rút khỏi Hungary, và đòi bầu cử tự do.  Ngày 25 tháng 4 năm 1989, quân đội Liên Xô bắt đầu rút khỏi Hungary. Tại Đức, Bức tường Berlin sắp sụp đổ.
Trong bối cảnh sục sôi phong trào cách mạng đòi dân chủ-tự do đó ở Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khi đó, thì ở nước ta, diễn ra Hội nghị Trung ương 7, tháng 8 năm 1989, của Đại hội Đảng Khóa 6-là Khóa Đại hội Đảng Đổi mới. Tại Hội nghị Trung ương 7 này, với khí thế Đổi mới của Đại hội Đảng 6, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng Trần Xuân Bách đọc một bản Báo cáo về đổi mới chính trị. Đồng chí Trần Xuân Bách đề nghị trong Đảng ta cho phép có “đa nguyên chính trị”, chứ không phải “đa đảng”-Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cầm quyền, nhưng cho phép có sự tham gia đông đảo các thành phần chính trị có các xu hướng chính trị khác nhau.
Thế nhưng vì báo cáo mạnh dạn đổi mới này, đồng chí Trần Xuân Bách bị cách chức, khai trừ khỏi đảng, từ ỦY viên Bộ chính trị, trở thành công dân thường.
Khi đó, chỉ có một người duy nhất dám đứng ra bảo vệ đồng chí Trần Xuân Bách, là Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch-là thân sinh của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hiện nay Phạm Bình Minh. Sau khi đồng chí Trần Xuân Bách bị cách chức tất cả, thì Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch mời đồng chí Trần Xuân Bách về làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao. Nhưng ông Trần Xuân Bách đã từ chối, vì không muốn làm phiền người bạn tốt Nguyễn Cơ Thạch.
Ngày mồng 1 tháng 1 năm 2006, ông Trần Xuân Bách từ trần, thọ 83 tuổi.
Bài viết dưới đây của 3 nhà trí thức nổi tiếng của nước ta là GS.Vũ Cao Đàm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; GS. Bùi Thế Vĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Hành Chính học, Học viện Hành chính Quốc gia; GS. Nguyễn Mạnh Tôn, chuyên viên Ngân hàng Ngoại thương.
Khi đồng chí Trần Xuân Bách còn làm Ủy viên Bộ chính trị, đồng chí đã lập một Hội đồng tư vẫn gồm nhiều vị trí thức, khoa học nổi tiếng, trong đó có ba vị trí thức nói trên, để nghiên cứu về đổi mới chính trị, trình bày cho Trung ương Đảng ta. Không ngờ vì báo cáo chính trị tâm huyết này, mà đồng chí Trần Xuân Bách bị trù dập, chỉ còn là công dân không bình thường-vì mọi ý kiến, phát biểu, tiếp xúc với ai của đồng chí Trần Xuân Bách từ nay đều bị theo dõi chặt chẽ, cho đến khi chết.
Công dân không được bình thường là như vậy.
Năm 2007, nhân ngày Giỗ đầu của đồng chí Trần Xuân Bách, 3 vị trí thức Vũ Cao Đàm, Bùi Thế Vĩnh, Nguyễn Mạnh Tôn có bài viết kỷ niệm về ông Trần Xuân Bách.
Đã đến lúc Đảng ta nên đánh giá lại về đồng chí Trần Xuân Bách, và minh oan cho đồng chí Trần Xuân Bách.
**************
Vũ Cao Đàm, Bùi Thế Vĩnh, Nguyễn Mạnh Tôn.
“Hôm nay là giỗ đầu anh Trần Xuân Bách. Chúng tôi xin thành kính gửi gắm những tình cảm sâu nặng tới anh, một chí sỹ đã dành trọn những năm tháng cuối cùng của cuộc đời cho ý tưởng trong sáng vì sự phát triển của đất nước.
Vào cuối năm 1989, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), chung tôi nhận được giấy mời đến Văn phòng Trung ương ĐCSVN để làm việc với anh Trần Xuân Bách. Chúng tôi được tập hợp thành một nhóm nghiên cứu gồm 5 người: Lê Hồng Tâm, nhà kinh tế, tên thật là Phó Bá Tòng, em ruột của Giáo sư Phó Bá Long (Ông Phó Bá Long trước 1975 là Hiệu trưởng Trường Chính trị Kinh doanh, Đại học Đà Lạt, sau là giáo sư Đại học Georges Town, Hoa Kỳ); Vũ Cao Đàm, viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Bùi Thế Vĩnh, viện trưởng Viện Hành Chính học, Học viện Hành chính Quốc gia; Nguyễn Mạnh Tôn, chuyên viên Ngân hàng Ngoại thương và Nguyễn Thanh Sơn, chuyên viên Ban Công nghiệp Trung ương ĐCSVN. Hai người lớn tuổi nhất, là anh Tâm và anh Sơn đã mất. Ba người còn lại chúng tôi đều đã lần lượt bước qua tuổi bảy mươi, vì vậy, chúng tôi mong muốn được ghi nhận lại một vài cảm nghĩ, với tư cách là những cộng sự và nhân chứng trực tiếp, về những điều anh Bách trăn trở trong suốt những năm cuối đời của anh.
Sau nhiều buổi trao đổi để “phát hiện” chúng tôi, anh Bách đã giao cho mỗi người chúng tôi phụ trách một chuyên đề: Lê Hồng Tâm nghiên cứu về chính sách kinh tế để phục hưng đất nước; Bùi Thế Vĩnh – biện pháp giải phóng lực lượng sản xuất; Vũ Cao Đàm – hệ thống chính trị trong tiến trình cải cách kinh tế; Nguyễn Thanh Sơn – chính sách phát triển nhân lực; Nguyễn Mạnh Tôn – biện pháp chống lạm phát. Công bằng mà nói, nhiều nội dung chúng tôi bàn thời đó còn khác lạ so với những điều được công nhận ngày nay, nhưng ngược lại cũng có nhiều biện pháp cải cách ngày nay đã vượt rất xa những điều chúng tôi bàn thời đó; tuy nhiên, do anh Bách luôn mạnh dạn gọi sự vật bằng tên thật của nó, cho nên đã dẫn đến những hệ luỵ như chúng ta đã chứng kiến.
Toàn bộ những nghiên cứu của chúng tôi đã được anh Bách xem xét rất thận trọng và cuối cùng anh đã tóm lược (rất kín kẽ) như sau:
Thứ nhất, cần mạnh dạn thực hành chính sách kinh tế theo kiểu chính sách kinh tế mới của Lênin, và anh Bách đã nói theo cách đã sử dụng từ Đại hội ĐCSVN lần thứ VI, là “kinh tế thị trường”, với sự tham gia của mọi thành phần xã hội;
Thứ hai, theo kinh tế quyết định luận của Marx, đã đa thành phần kinh tế, mà anh gọi là “đa nguyên kinh tế”, thì tất yếu sẽ dẫn đến “đa thành phần” trong xu hướng chính trị, mà anh cũng thẳng thắn gọi là “đa nguyên chính trị”. Chúng tôi muốn lưu ý các bạn rằng, anh chưa một lần nào nói đến hai chữ “đa đảng”;
Thứ ba, anh đưa ra nhận định khái quát “Thị trường và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại”.
Thứ tư, anh luôn nhắc đến ý tưởng hàn gắn vết thương dân tộc. Chúng tôi nhớ mãi một lần anh nói, đấu tranh cho công bằng xã hội là lý tưởng cao cả của các nhà cải cách xã hội, nhưng đáng tiếc, cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản lại là hai cuộc vận động đã mắc những sai lầm dẫn tới sự chia rẽ dân tộc lớn nhất trong lịch sử nước nhà.
Về kinh tế thị trường, anh Trần Xuân Bách luôn khẳng định, đó là con đường duy nhất dẫn đến dân giàu nước mạnh; về đa nguyên chính trị, anh luôn khẳng định, đó là một đảm bảo thực tế cho việc hình thành một nền kinh tế thị trường thực thụ, và là con đường tất yếu khắc phục sự mất dân chủ trong xã hội, xóa bỏ những nhóm độc quyền thao túng chính quyền.
Trong suốt những ngày làm việc với anh Bách, chúng tôi học được ở anh tấm gương làm việc nghiêm túc. Anh đọc và trao đổi ý kiến rất tỉ mỉ về tất cả những công trình của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước mà chúng tôi giúp anh sưu tầm. Anh rất thích những tài liệu nguyên gốc bằng tiếng Pháp, chẳng hạn, những bài viết về kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội của Boukharin; những bức thư đầy tâm huyết, với những dự báo sắc sảo về sự diệt vong của nhà nước soviet của nhóm Kameniev và Zinôviev chống quan điểm độc tài trong đường lối tổ chức chính quyền của Lênin. Anh luôn luôn tự viết tất cả những bài anh cần phát biểu trên các diễn đàn.
Sau một thời gian thảo luận trong nhóm chúng tôi, anh Trần Xuân Bách có hai lần đưa quan điểm của mình thảo luận trong khuôn khổ những diễn đàn rộng hơn: một lần với các nhà khoa học tại phòng họp của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam ở số 53 phố Nguyễn Du, Hà Nội, một lần cũng với các nhà khoa học tại Phòng họp của Ban Khoa Giáo Trung ương Đảng ở số 10 phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Trong lần họp ở Liên hiệp các hội KH&KT, một người nào đó đã viết bài tường thuật đăng trên một tờ báo chính thống, sau đó không thấy có bài phản bác hoặc ủng hộ nào chính thức trên công luận.
Trước khi khai mạc Hội nghị BCHTƯ lần thứ VII của Đảng CSVN dự định vào cuối năm 1989, anh Trần Xuân Bách chuẩn bị bài phát biểu, trong đó đề cập hai nội dung về kinh tế thị trường và đa nguyên chính trị. Anh đưa bài phát biểu cho nhóm chúng tôi thảo luận để đóng góp ý kiến. Khi đó, anh Vũ Cao Đàm có nêu câu hỏi: “Anh cân nhắc thêm, xem phát biểu bây giờ liệu có quá sớm không?”, anh Bách đã trả lời ý là “Không quá sớm và cũng không quá muộn”. Cuối cùng anh vẫn quyết định trình bày quan điểm của mình tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII, và kết cục như chúng ta đã thấy, anh bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương, và sau đó là khai trừ khỏi Đảng CSVN.
Tuy là những người có nhiều cơ hội làm việc với các nhà lãnh đạo, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì cách làm việc của anh: khi anh cần gặp riêng một người nào đó trong chúng tôi, anh hầu như không cho thư ký gọi chúng tôi lên văn phòng, mà chính anh đến tận nơi chúng tôi làm việc, với chiếc xe Peugeot 404 đã cũ, không có bảo vệ và cần vụ đi cùng (cần vụ là cách gọi những người phục vụ sinh hoạt cho các nhà lãnh đạo), mặc dầu khi đó anh đã là nhà lãnh đạo rất cao cấp của ĐCSVN. Những lần làm việc như thế, thường khi anh ngồi riêng với chúng tôi cả buổi, cũng không có thư ký, không có bảo vệ và cần vụ, chỉ một mình anh. Có lần ngồi quá trưa, chúng tôi lo anh đói, hỏi anh có muốn ăn chút gì không, và anh đã rất hào hứng ăn nắm xôi gói lá dong riềng mà các chị trong cơ quan chúng tôi ra phố mua ở các quán bán xôi dành cho dân nghèo.
Sau khi anh nhận kỷ luật của Đảng, có một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng mời anh ra làm cố vấn, anh đã cáo lỗi khước từ. Anh từ chối tất cả những đề nghị phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài. Anh cũng đã nhanh chóng trả ngôi biệt thự sang trọng trên phố Phan Đình Phùng, dọn về ở khu Trung Tự. Anh chị cùng gia đình ở một phần, còn một phần sử dụng để mở lớp mẫu giáo và chính anh chị trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy các cháu cho đến khi anh qua đời.
Trong số những kỷ niệm còn lưu đọng mãi trong chúng tôi, là hồi tết nguyên đán năm 1990, anh chị mời chúng tôi đến biệt thự mà anh chị được Văn phòng Trung ương Đảng bố trí trên phố Phan Đình Phùng (thời Pháp có tên là phố Carnot, một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội hiện nay). Chúng tôi vô cùng sững sờ: Trong căn biệt thự sang trọng, chúng tôi nhận ra toàn một loại đồ gỗ tồi tàn, mà thời đó được gọi là bàn ghế “tài chính”, tủ “tài chính”, giường “tài chính”, nghĩa là những đồ gỗ do Bộ Tài chính đóng hàng loạt bằng gỗ tạp để phân phát đồng loạt cho cán bộ nhà nước các cấp từ khi vào tiếp quản các thành phố lớn, năm 1954. Chúng tôi nhìn quanh bàn làm việc của anh, thấy dán chi chít những bài thơ mộc mạc với nét chữ nắn nót mực tím của các cháu viết tặng bố mẹ. Chúng tôi được anh chị tiếp đón với những món mứt đơn sơ truyền thống, nhưng thật ấm áp như những người trong nhà. Tuy là vợ một nhà lãnh đạo cao cấp, nhưng chị xử sự thật khiêm nhường, chị giản dị xưng “em” với chúng tôi, không thể hiện chút gì là cao xa theo kiểu các mệnh phụ phu nhân.
Nhân ngày giỗ đầu của anh, chúng tôi xin được thắp một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ anh, con người đã dành trọn những năm tháng cuối đời cho một tư tưởng cải cách xã hội chưa thành đạt của anh.
Tháng 1/2007.///
Minhtuanbao:
Những tư tưởng cải cách chính trị của đồng chí Trần Xuân Bách, vừa bảo đảm mở rộng tự do chính trị-dân chủ, vừa vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ta, là ý tưởng rất đúng đắn. Tiếc rằng những đầu óc bảo thủ, thiển cận, ít học trong Đảng ta đã ngăn cấm và trù dập đồng chí Trần Xuân Bách.
Và ai đã chỉ đạo đánh đồng chí Trần Xuân Bách tơi bời? Nghe nói lại chính là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người đã khởi xướng công cuộc Đổi mới của Đảng ta.
Thật là kỳ lạ.
Nếu thông tin đó là đúng, thì có thể khẳng định được rằng, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ dám đổi mới về kinh tế, còn về chính trị thì chưa dám nghĩ đến đổi mới.
Nếu tại Hội nghị Trung ướng 7 khóa 6 đó, sau khi đồng chí Trần Xuân Bách trình bày báo cáo chính trị về “đa nguyên chính trị”, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo Hội nghị Trung ương cho bảo lưu ý kiến đó, để cho các vị Ủy viên Trung ương Đảng, và toàn Đảng ta thảo luận rộng rãi, sau đó kết luận sau, thì hay biết bao nhiêu.
Nhưng không.
Đồng chí Tổng bí thư Đổi mới Nguyễn Văn Linh chỉ đạo Hội nghị Trung ương 7 bỏ phiếu khai trừ ngay đồng chí Trần Xuân Bách ra khỏi Bộ chính trị, ra khỏi Trung ương Đảng, và khai trừ ngay ra khỏi Đảng, trở thành công dân bình thường.
Bởi vậy, vận mệnh đất nước bị chậm đi vài chục năm.
Cải cách chính trị nhưng vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu tất yếu của Đổi mới giai đoạn 2 của đất nước ta.
Nếu không có sự đổi mới chính trị đó, mà đồng chí Trần Xuân Bách đã khởi xướng 23 năm trước, thì tiên đoán gần đây của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “sự nghiệp của Đảng ta sẽ có thể bị sụp đổ” chắc chắn sẽ trở thành sự thật.///

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét