Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

VÕ THUẬT TINH HOA 53

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                         Môn phái Nam Hồng Sơn

Huyền thoại võ học Hoắc Nguyên Giáp và cái chết bí ẩn

Thứ sáu, 18/09/2015 20:36
Từng phải lén học võ của cha mình, Hoắc Nguyên Giáp sau này đã trở thành huyền thoại võ học đệ nhất Trung Hoa.
Tuyệt kỹ Mê tung quyền huyền thoại
Hoắc Nguyên Giáp (1868-1910) là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh ngày 18/1/1868 tại huyện Tĩnh Hải, Thiên Tân, Trung Quốc, là người con thứ 4 trong 10 người con của một gia đình nghèo tại Tảo Viên Lý.
Nhắc tới võ công của ông, người ta sẽ nghĩ ngay tới tuyệt kỹ Mê tung quyền, là sự kết hợp hoàn hảo những đỉnh cao công phu của võ Thiếu Lâm và Võ Đang phái.
'Mê' có nghĩa là 'biến ảo', 'tung' nghĩa là dấu vết hoặc dấu chân, nên Mê tung quyền có thể tạm hiểu là 'những bước chân kỳ ảo'.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Chân dung Hoắc Nguyên Giáp thời trẻ
Theo một số tài liệu, tuyệt kỹ này được ra đời từ thời nhà Tống (tương truyền do nhân vật Yến Thanh trong tác phẩm Thủy Hử sáng lập).
Đặc điểm của Mê tung quyền là nhẹ nhàng mau lẹ, thi triển phiêu dật, rất nhàn nhã, trọng công phu trọng khéo léo, đủ cả cương nhu. Về thủ pháp thì chủ yếu là móc, ôm, ngắt, vuốt, bọc, vồ, gác, ép, chú trọng kỹ pháp cầm nã.
Về thoái pháp (bộ pháp: tấn pháp - cước pháp) chủ yếu là đá, điểm, móc, treo, quấn, quét, cắt, hất cả đến khều âm cước xé giữa hai chân, liên hoàn dậm, tránh chân (đóa tử cước) biểu thị yêu cầu tập trung vào một điểm mà đề cập tới cả tám phương.
Môn quyền này về cơ bản được tích hợp giữa phong cách của các loại quyền thuật Bắc Thiếu Lâm pha trộn với phong cách quyền thuật của Đạo gia như Nội gia quyền và Bát Quái chưởng.
Về thân pháp thì lấy giấu, né, vặn, lắc làm chính (tàng, thiểm, ninh, đẩu), còn bộ pháp thì lấy nhảy dọc, bắt lén (tung, khiêu, thâu, móc) làm chính.
Mê tung quyền rất coi trọng đòn chân. Trong các bài dùng khuỷu với động tác chân và vọt lật, trong thực sự thì chú trọng mượn thế thuận sức, ra (đòn) lúc không để ý.
Mê tung quyền tuy nghiêm ngặt về kỹ thuật mà vẫn chuyên chú tính uyển chuyển của Bắc Thiếu Lâm và phong thái tiêu diêu nhàn nhã của Đạo gia.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Hoắc Nguyên Giáp là một cái tên có thật trong lịch sử
Trong lịch sử võ thuật Trung Hoa, cha của Hoắc Nguyên Giáp là võ sư danh tiếng Hoắc Ân Đệ chính là người từng truyền dạy Mê tung quyền.
Nhưng mỗi khi nhắc tới tuyệt kỹ đỉnh cao này thì người ta lại nhắc tới Hoắc Nguyên Giáp chứ không phải là cha của ông. Tại sao lại như vậy?
Bởi đơn giản, Hoắc Nguyên Giáp chính là người đã đưa Mê tung quyền lên tới đỉnh cao kết hợp giữa võ thuật và nghệ thuật, biến nó trở thành thứ vũ khí vô cùng lợi hại để đánh bại rất nhiều cao thủ trong nước và nước ngoài để làm rạng danh võ thuật Trung Hoa.
Sau khi Hoắc Nguyên Giáp qua đời thì các thế hệ hậu bối cũng không ai vượt qua được ông trong việc vận dụng thứ võ công tuyệt đỉnh này.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về võ thuật, trong bộ phim Hoắc Nguyên Giáp do diễn viên Lý Liên Kiệt thủ vai chính, mặc dù diễn viên này đã thi triển những màn võ công rất đẹp mắt nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để diễn tả hết tinh hoa của Mê tung quyền.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Lý Liên Kiệt đã thể hiện xuất sắc hình tượng Hoắc Nguyên Giáp trong phim
Lén luyện võ 12 năm mà không ai hay biết
Hoắc Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nổi danh võ thuật. Cha ông là Hoắc Ân Đệ kế thừa 'Mê tung quyền' gia truyền của tổ tiên, rất giỏi võ nghệ.
Dù nghề nông là kế sinh nhai chính của gia đình nhưng Hoắc Ân Đệ với bản lĩnh võ thuật của mình vẫn thi thoảng nhận bảo tiêu những chuyến hàng buôn của khách từ Hà Bắc đến Mãn Châu.
Khi Nguyên Giáp còn ở tuổi thiếu niên, bản tính hiền lành, thân thể gầy yếu, bình thường luôn bị bọn trẻ trong xóm coi thường. Cha ông thì cho rằng ông tính tình nhu nhược, không phải tính cách để luyện võ.
Do lo ngại ông có thể chất kém (Hoắc Nguyên Giáp bị bệnh hen suyễn mãn tính và sốt vàng da) nên phụ thân Hoắc Nguyên Giáp thường hạn chế ông tập luyện võ thuật.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Một trong những bức hình hiếm hoi về Hoắc Nguyên Giáp
Mặc dù vậy, bản tính đam mê võ thuật, Hoắc vẫn thường xuyên bí mật theo dõi các buổi dạy của cha mình và kiên trì khổ luyện một mình, bất chấp thể tạng bệnh tật đau yếu.
Mỗi khi cha và anh luyện quyền, ông vẫn lén lút trèo tường, ẩn nấp quan sát tỷ mỉ và ghi nhớ hình, thần, yếu lĩnh của từng chiêu từng thức. Sau đó lại lén ra vườn táo sau nhà luyện tập lại, kiên trì và khắc khổ trui rèn.
Cứ âm thầm khổ luyện như vậy suốt 12 năm, ông đã đạt trình độ võ công kinh người dù thân thể vẫn 'mình hạc, xương mai', kín đến nỗi cha ông và gia đình không hề biết.
Bước ngoặt trong cuộc đời cũng như sự nghiệp võ thuật của Hoắc Nguyên Giáp xảy ra vào mùa thu năm 1890, khi có một danh sư họ Đỗ đến nhà họ Hoắc xin thỉnh giáo Mê tung quyền.
Hoắc Ân Đệ lúc đầu sai người anh Nguyên Giáp là Nguyên Khanh đấu với khách, nhưng chỉ sau một hiệp đã bị đả thương rớt đài.
Nguyên Giáp đứng bên cạnh nói: 'Cha, để con đấu thử xem sao?', khi cha ông còn đang nghi hoặc nhìn ông thì Nguyên Giáp đã tung mình vào sàn đấu rồi cùng người kia giao thủ.
Thấy trước mặt mình là một thanh niên mảnh khảnh, người khách thầm cười, ý coi thường. Lâm trận, chỉ thấy bóng ông mờ ảo, linh động nhưng quyền cước đón gió rít ào ào, kình lực phát ra mạnh mẽ, kỹ pháp công - phòng chặt chẽ đa biến.
Đấu đến hơn 10 hiệp, bất ngờ thấy ông tung cả người lên không, lộn một vòng. Vị khách chưa kịp định thần đã thấy người ông lộn xuống, dùng 2 chân với chiêu 'Song long cước' đá bắn đối thủ văng xa mấy trượng, ngưòi kia lồm cồm bò dậy, ôm ngực chấp nhận xin thua.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Hoắc Nguyên Giáp dưới sự hóa thân của Trịnh Y Kiện
Tới lúc đó, Nguyên Giáp mới kể lại chuyện 12 năm tự khổ công rèn luyện Mê tung quyền ngoài vườn táo khiến cha và anh ông vô cùng cảm động.
Từ đó trở đi, Hoắc Ân Đệ ra sức chỉ điểm cho Nguyên Giáp, đem toàn bộ yếu quyết 'Mê tung nghệ' gia truyền chỉ cho con. Dù vậy, nhưng Nguyên Giáp còn nghiên cứu thêm thuật thổ nạp khí công, học hỏi những chỗ mạnh của các danh sư võ thuật khắp nơi.
Về sau này, công phu của ông đạt đến 'đánh khẽ vào thì thân thể nhũn như bông', nếu đánh mạnh thì 'thân thể rắn như sắt'. Danh tiếng của Nguyên Giáp ngày càng vang xa khi ông đả bại toàn bộ các võ sư khắp nơi đến tỉ thí khi còn rất trẻ.
Những trận chiến chấn động giang hồ và cái chết bí ẩn
Cũng như cha mình, Nguyên Giáp cũng bắt đầu tham gia vào nghề bảo tiêu và càng nổi danh hơn khi nhiều lần đánh bại các toán cướp hàng, ông trở thành một Tổng tiêu đầu uy tín.
Hoắc Nguyên Giáp bắt đầu có một nguồn thu nhập khá, đủ để ông chuyển đến sống ở thành phố Thiên Tân năm 1896.
Thời gian sau đó, Nguyên Giáp cũng mở võ đường và có rất nhiều võ sĩ từ khắp nơi đã đến để thách đấu. Tuy nhiên không một đối thủ nào có thể chịu đựng được nổi những pha ra đòn quá nhanh và biến ảo của Hoắc.
Thậm chí có những lần Nguyên Giáp còn 'chấp' cả hàng chục võ sĩ bước lên võ đài thi đấu, tuy nhiên tất cả đều lần lượt phải gục ngã trong sự thán phục.
Trong một thời gian ngắn, Hoắc Nguyên Giáp trở thành võ sĩ không có đối thủ, được mọi người gọi là 'Đệ nhất Thiên Tân'.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Tượng của Hoắc Nguyên Giáp tại bảo tàng
Thành phố Thiên Tân thời đó đang bị các nước đế quốc phân chia thành các khu tô giới. Nhân dân chịu đủ mọi sự lăng nhục của người phương Tây, người Nhật Bản.
Một lần, Nguyên Giáp nghe nói có một người Nga là Solineron tự xưng là 'Đại lực sĩ bậc nhất thế giới', đã giương 4 chữ 'Đông Á bệnh phu' (Người bệnh Đông Á) mang đầy ý nghĩa chế nhạo lẫn khiêu khích, mạt sát các võ sĩ cũng như người Hoa khiến họ cảm thấy rất bực tức.
Nguyên Giáp đi thẳng tới rạp diễn, xin được giao đấu, nhưng khi biết ông là một Tổng tiêu đầu, võ công thâm hậu 'một địch trăm người', anh chàng lực sĩ đã lấy lý do 'mới đến Trung Quốc nên chưa hiểu luật đấu', rồi ngay đêm đó vị 'đại lực sĩ' chuồn mất.
Chuyện này đưa ông nổi danh khắp Thiên Tân, khiến cả người dân Trung Quốc tự hào, báo chí tung hô là 'Xuất diện, Tây dương tẩu' (Mới ra mặt, người Tây đã bỏ chạy).
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Hoắc Nguyên Giáp từng đả bại nhiều cao thủ phương Tây
Vào năm 1909, có võ sĩ người Anh tên Aopian tới Thượng Hải, kiêu căng đăng tin trên báo muốn thách đấu võ với người Hoa, dân chúng Thượng Hải vô cùng phẫn nộ, nằng nặc mời Nguyên Giáp tới Thượng Hải để đấu võ, nêu cao tinh thần dân tộc, bởi khi đó Thượng Hải cũng là tô giới của các nước đế quốc.
Nhận lời tới Thượng Hải, Nguyên Giáp cùng Aopian bàn phương thức giao đấu. Nghe đến tên ông, Aopian đã ngấm ngầm muốn bỏ cuộc, nên cuộc đàm phán đã kéo dài cả tháng sau hàng chục lần thay đổi phương thức giao đấu.
Cuối cùng, địa điểm cuộc đấu võ được chọn là 'Vị thuần viên' (Vườn rau rút) của nhà họ Trương, nằm trên đường 'Chùa Tĩnh An' của Thượng Hải. Nhưng đến ngày thi đấu thì Aopian đã bí mật rời Thượng Hải.
Hàng vạn người đến xem 'đả lôi đài' vô cùng căm hận, nhưng sau đó, họ hả hê, mãn nhãn khi chứng kiến thầy trò Hoắc Nguyên Giáp sau khi xin ý kiến người chủ trì đã biến cuộc đấu đả lôi thành một buổi biểu diễn võ thuật xuất sắc. Từ đó uy danh của ông chấn động cả Phố Giang (tức sông Hoàng Phố) tại Thượng Hải.
Từ đầu thế kỷ XIX, ở đường Bồng Lai (Thượng Hải) có trụ sở 'Võ đạo quán' của Nhật Bản, đó là trường tập luyện võ thuật Nhật Bản tại Trung Quốc.
Người chủ trì 'Võ đạo quán' nghe danh Hoắc Nguyên Giáp liền sai người tới mời ông đến quán để 'trao đổi kỹ thuật', thực chất là thách đấu.
Hoắc Nguyên Giáp, từ đứa trẻ luyện võ lén đến huyền thoại võ học
Bại tướng của ông còn có nhiều võ sĩ Nhật Bản
Thầy trò Nguyên Giáp bằng võ công cao siêu đã nhiều lần đánh thắng các võ sĩ Nhật. Do có võ thuật cao thâm, nên Hoắc Nguyên Giáp được giới võ thuật và các nhân sĩ ở Thượng Hải vô cùng kính phục, cố giữ ông lại để mong ông truyền thụ võ nghệ.
Năm 1909, các nhân sĩ trong giới võ thuật ở Hoàng Gia Đồn thuê một ngôi nhà kiểu cũ, có sảnh rộng, với 2 dãy đầu hồi để Nguyên Giáp mở trường, đặt tên là 'Tinh Võ thể thao học hiệu' (trường thể thao Tinh Võ).
Thập niên 50 của thế kỷ XX, các đệ tử của ông đã mở mang, phổ biến Tinh Võ thể thao học hiệu sang Việt Nam, mở sân Tinh Võ tại Quận 5 ở Sài Gòn, thu hút nhiều thế hệ môn sinh tập luyện, không ít người từ đó đã trở thành cao thủ trong làng võ Việt Nam sau này.
Trong những năm cuối đời, ngoài bệnh hen suyễn mãn tính, Hoắc Nguyên Giáp còn mắc bệnh lao - một chứng bệnh nan y thời bấy giờ.
Các thầy thuốc Trung y đã kê cho ông nhiều toa thuốc khác nhau nhưng sức khỏe của Hoắc ngày một xấu đi. Tới đầu năm 1910, ông phải vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Thượng Hải để chữa trị và sau đó ông đã mất tại đây.
Võ sư Hoắc mất đi lúc ông chỉ mới ở tuổi 42 nhưng các đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp vẫn kế thừa và phát huy sức mạnh cũng như tinh thần võ học vốn có của phái Tinh Võ, họ luôn ghi nhớ lời dạy của thầy:
'Học võ là học đạo, trước tiên là đạo làm người, học võ còn để rèn luyện thân thể, lấy 'dục thể, dục trí, dục đức' làm mục đích phấn đấu, bất luận trong mọi hoàn cảnh tinh thần thượng võ phải được tôn trọng.
Người biết võ nên đóng góp công sức vào những việc ích nước lợi dân. Người giỏi võ mà kém trí đức chỉ là hạng võ biền hại người hại mình.'
Chiêm ngưỡng những pha võ thuật đặc sắc trong phim Hoắc Nguyên Giáp (Lý Liên Kiệt):

Việc Hoắc Nguyên Giáp bất ngờ qua đời ngày 14 tháng 9 năm 1910 khi vừa 42 tuổi đã nảy sinh nhiều giai thoại cho rằng ông bị hạ độc do sự ganh ghét của các võ sư nước ngoài.
Một giai thoại phổ biến nhất căn cứ vào sự kiện trước khi chết, Hoắc Nguyên Giáp từng thi đấu với các võ sĩ Nhật Bản và có đả thương vài người trong số họ, sau đó họ lén lút đầu độc ông thông qua thuốc chữa bệnh.
Khi ông mất, giới võ thuật Trung Hoa vô cùng thương tiếc, ca tụng ông bằng bức trướng 'Thành nhân thủ nghĩa' (Hoàn thành được nhân từ, giữ trọn được nghĩa khí), xem ông như một danh sĩ có tinh thần dân tộc cao cả.
Năm 1989, khi thi hài Hoắc Nguyên Giáp được cải táng. Có thông tin cho rằng đã phát hiện các dấu tích của việc nhiễm độc thạch tín trên hài cốt. Tuy nhiên, điều này cũng không thể khẳng định được cái chết của ông là do ám sát bằng cách đầu độc, bởi trong Trung y, chất thạch tín với liều lượng hợp lý cũng được xem như một thành phần trong các bài thuốc mà rất có thể Hoắc đã sử dụng trong một thời gian rất dài để điều trị các chứng bệnh của mình.
Việc đồn đoán ông bị đầu độc cũng là cơ sở để các đạo diễn của Trung Hoa đại lục, Hong Kong sau này dựng thành những bộ phim như Tinh Võ Môn, Tân Tinh Võ Môn... với những tình tiết ly kỳ, huyền thoại về con người, cuộc sống cũng như võ nghiệp của Hoắc Nguyên Giáp, những bộ phim gắn liền tên tuổi các ngôi sao võ thuật như Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt... hay bộ phim Hoắc Nguyên Giáp - mang tên ông, do Lý Liên Kiệt thủ vai đã rất thành công.
Theo Đất Việt tổng hợp

Võ công Lâm Sơn Động và những ảo diệu vượt qua sự tưởng tượng

Chính thức ra đời mới hơn 20 năm nhưng những thế võ của Lâm Sơn Động đã được lưu truyền hàng trăm năm.
Võ công truyền qua nhiều thế hệ
Ông Nguyễn Ngọc Bỉnh kể, theo gia phả của dòng họ thì vào thời Hậu Lê, trong đoàn quân Tây Sơn di chuyển từ Nghệ An ra Bắc dẹp loạn có một vị tướng văn võ kiêm toàn tên là Lương Ngọc Nhuệ.
Khi ra đến đất Bắc, vị tướng tài ba này chọn xứ Đoài (nay là làng Dương Cốc, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) để sinh cơ lập nghiệp.
Tại đây, cụ đã mở lớp dạy chữ nho và chiêu nạp những người yêu thích võ nghệ với mục đích là rèn luyện sức khoẻ, bảo vệ đất nước.
Lâm Sơn Động
Một tiết mục khí công của môn sinh Lâm Sơn Động
Từ đó có nhiều người thành tài, sáng tạo thêm những tuyệt chiêu mới khiến cho võ phái thêm phần nổi tiếng. Sau khi cụ mất đi, 4 đời con cháu của dòng họ Lương Ngọc đã tiếp nối nhau kế nghiệp tổ tông, truyền bá môn võ này cho dân chúng gần xa.
Thời điểm này có một biến cố xảy ra là một nửa làng mang họ Lương Ngọc bỗng đổi thành họ Nguyễn Ngọc.
Cho đến bây giờ con cháu dòng họ vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến biến cố này nhưng có nhiều khả năng, biến cố có liên quan đến sự truy sát của nhà Nguyễn với những người thuộc nghĩa quân Tây Sơn.
Cụ Nguyễn Ngọc Ban là hậu duệ đời thứ 5, mặc dù đã thay đổi họ nhưng vẫn được cha truyền lại võ công của dòng họ và tiếp tục kế thừa sự nghiệp của tổ tiên.
Cũng luyện võ với cụ Nguyễn Ngọc Ban lúc bấy giờ có cụ Nguyễn Thị Tỵ vốn rất xinh đẹp lại thông minh có nhiều tiềm năng để phát triển võ học.
Được cụ Lương Ngọc Nha và anh em đồng môn vun vén, 2 người đã kết duyên và cùng nhau lưu giữ và phát triển các thế võ của dòng họ.
Lâm Sơn Động
Võ sư Nguyễn Ngọc Bỉnh vẫn luyện võ dù tuổi đã cao
Năm 1944, cụ Ban qua đời nhưng cũng đã kịp truyền lại toàn bộ bí kíp môn phái của dòng họ cho người vợ hiền. Theo di huấn của chồng, cụ đã truyền hết lại cho người con thứ 3 là ông Nguyễn Ngọc Bỉnh và sau này cho người cháu nội là Nguyễn Ngọc Huỳnh.
Võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh (người được mệnh danh là giáo sư 'đuổi mưa') kể vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà nội lúc còn sống dù đã già nhưng thân pháp rất mau lẹ.
Anh còn nhớ, vào một buổi trưa hè, mặc dù đã ở tuổi 84 nhưng bà nội vẫn trèo lên cây ổi cao 7m hái ổi vì bà rất thích ăn vỏ quả ổi đào chín.
Từ trên cây, bà nhìn xuống gọi anh: Huỳnh! Nhìn bà nhảy này. Chưa kịp ngạc nhiên anh đã thấy bà nhảy ùm xuống mặt ao, bơi vào bờ rồi nhìn anh cười.
Sau này, khi bà nội mất thì chính anh là người đã truyền lại võ nghệ cho em trai là Nguyễn Ngọc Hải.
Lâm Sơn Động
Trưởng môn Nguyễn Ngọc Huỳnh (hay Lương Ngọc Huỳnh)
Năm 1990, sau khi đã lĩnh hội được hết bí kíp võ công của dòng họ, giành được nhiều thứ hạng cao trong các cuộc thi võ thuật, môn sinh cũng ngày càng đông và lúc đó, việc xin giấy phép thành lập môn phái cũng đã dễ dàng hơn, võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh đã chính thức thành lập môn phái lấy tên là Lâm Sơn Động.
Anh cũng được cha trao quyền chưởng môn phái và sau khi thành lập, để tri ân tổ tiên, anh đã đổi lại họ cũ là Lương Ngọc Huỳnh. Sau khi võ sư Lương Ngọc Huỳnh sang Nga, võ sư Nguyễn Ngọc Hải đã thay anh trai giữ quyền chưởng môn.
Võ công bắt chước thú rừng
Khi được hỏi ý nghĩa tên môn phái, ông Nguyễn Ngọc Bỉnh vừa biểu diễn chiêu thức vừa giải thích ý nghĩa cái tên Lâm Sơn Động.
Lâm là rừng, Sơn là núi, Động là động vật, tức võ công mô phỏng động tác của các loài động vật của núi rừng.
Sở dĩ có cái tên này là do trong thời kỳ chiến tranh, cả gia đình phải sơ tán lên vùng miền núi và trong quá trình vào rừng kiếm sống nên gần gũi với nhiều loại thú rừng.
Do thường xuyên quan sát cách bắt mồi của chúng, những người con của dòng họ Lương Ngọc đã bắt chước sáng lập thêm nhiều chiêu thức mới, hoàn thiện và nâng cao tinh hoa võ thuật đặc trưng của dòng họ.
Được đúc kết từ dòng võ binh chế lại ứng dụng triệt để những nguyên lý cơ bản của triết học phương Đông nên võ thuật Lâm Sơn Động là một võ phái rất độc đáo.
Người theo học môn phái này phải hội đủ hoặc rèn luyện được 5 đức hạnh 'trí, lực, năng, tâm, thiện' thì mới mong cầu đạt đến độ thâm hậu.
Lâm Sơn Động
Một trong những màn luyện tập hàng ngày của môn sinh Lâm Sơn Động
Đối với các môn sinh, muốn biểu diễn được công phu đòi hỏi người học phải có trình độ cao, phải chịu đựng được khổ luyện, phải có đầy đủ về khí, thần khí nội sinh và thông kinh hoạt lạc, để tạo được thần công lực.
Nét độc đáo nhất của Lâm Sơn Động phải kể đến môn khí công. Người luyện khí công Lâm Sơn Động phải nắm được những nguyên lý âm dương cơ bản đồng thời nắm vững những quy luật sinh, khắc của học thuyết âm dương bát quái ngũ hành.
Tập khí công không thể 'đốt cháy giai đoạn', mà phải kiên trì hàng chục năm mới cơ bản hoàn thành, mới tìm đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ.
Năm 1993, dù đã ở vào tuổi 60 nhưng võ sư Ngọc Bỉnh vẫn loại được rất nhiều đối thủ để giành giải nhất trong cuộc thi biểu diễn võ thuật toàn tỉnh ở nội dung trường côn.
Còn riêng võ sư Lương Ngọc Huỳnh, tính đến nay anh là người duy nhất ở Việt Nam và thế giới có thể vận khí công để điều chỉnh huyết áp xuống mức 0, làm tim ngừng đập kéo dài nhiều ngày mà không ảnh hưởng gì tới tính mạng.
Giải mã công phu Lâm Sơn Động
Lâm Sơn Động
Tiết mục 'Nhãn bì khiêu thủy' từng lập kỷ lục guiness Việt Nam của võ sư Ngọc Hải
Anh Nguyễn Ngọc Hải cho biết, các võ sinh muốn luyện thành công cách vận khí, điều kinh thường trải qua quá trình luyện tập khổ hạnh, ở nhiều môi trường khác nhau.
Chìa khoá để đảm bảo võ sinh có thể luyện và biểu diễn được những màn công phu đặc dị là phải đạt đến độ tâm tĩnh và định thần.
Cách mà Lâm Sơn Động thường áp dụng để nắm bắt được sự đạt ngộ của các võ sinh khi bắt đầu một quá trình luyện tập khí công, đó là dùng đinh đóng vào cơ thể.
Việc đóng đinh sẽ mang lại rất nhiều tác dụng trong việc điều hoà khí huyết. Khi hỏi về việc 11 chiếc đinh đâm vào cơ thể mà không hề chảy máu hay gây đau đớn, anh Hải giải thích: là do đã điều chỉnh huyết áp xuống thấp.
Lâm Sơn Động
Một môn đồ Lâm Sơn Động đóng đinh vào người để kéo ôtô
Với người bình thường, huyết áp là 70 - 80/120 nhưng khi thực hiện môn công phu 'Thưởng nhạc lưu đinh', anh đã tĩnh tâm định thần, dung thần sai khí, dung khí nhập định để đưa cơ thể về trạng thái nhịp tim, nhịp mạch giảm xuống đồng nghĩa với khí huyết không chảy mạnh, huyết áp lúc đó xuống rất thấp.
Khi đó, máu ở các động mạch chủ sẽ chảy lờ đờ và chiếc đinh ghim vào sẽ không làm vỡ các động mạch dẫn đến chảy máu.
Với môn Giác pháp công, quá trình luyện tập phải sung khí ở trung tiêu đưa khí dương vào, đẩy tà khí đi và có sự trao đổi khí ở đó.
Từ 'giác' có nghĩa là rút khí âm vào chiếc cốc được úp ở vùng đau khi ta giác hơi. Người luyện môn này phải sung khí thật tốt ở trung tiêu và hệ thống nội tạng của cơ thể cũng phải vận hành đảo đi đảo lại nhiều lần để làm quen với trạng thái luân chuyển nội tạng.
Điểu này làm khi trao đổi khiến cho một chiếc bát bình thường không cần keo, cồn chỉ cần úp vào bụng cũng sẽ bị hút dính lấy cơ thể và có thể kéo được chiếc xe tải nặng 4,5 tấn đi một quãng đường 18 - 20m.
Cùng với rất nhiều kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các học thuyết của âm dương và khí công, những màn công phu của Lâm Sơn Động đã chứng minh con người có những khả năng kỳ diệu mà nếu được rèn luyện đúng phương pháp sẽ phát tiết ra ngoài.

Giáo sư 'đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ

Ít ai biết rằng, võ sư Lương Ngọc Huỳnh đã từng chết đi sống lại khi còn đỏ hỏn.
Lương Ngọc Huỳnh là chưởng môn phái Lâm Sơn Động, viện sĩ - giáo sư có tài đuổi mưa, một 'dị nhân không huyết áp', thần y có biệt tài chữa bệnh cho mọi người.
Tuy nhiên ngoài đời, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên vì sự người giản dị và trẻ trung ở anh.
Không chỉ là bác sĩ - võ sư - giáo sư - viện sĩ, anh còn đảm nhiệm vai trò như chiếc cầu nối quan trọng trong mối quan hệ Việt - Nga cũng như trong mối hảo hữu với chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới.
'Giáo sư đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ
Tiếng tăm Lâm Sơn Động theo Lương Ngọc Huỳnh đi khắp thế giới
Sự sống kỳ diệu của cậu bé sinh non
Lương Ngọc Huỳnh sinh năm 1966 tại làng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Tây. Mẹ anh đã đẻ rơi anh khi bà đang cặm cụi công việc ở chuồng trâu.
Một bà hàng xóm đã nhanh chân chạy sang dùng cật nứa cắt rốn cho mẹ con anh. Người mẹ nhẩm tính khi sinh anh, bà mới mang thai được 7 tháng 20 ngày.
Có lẽ do sinh thiếu tháng, nên người anh lúc ra đời bé tẻo teo, chỉ nặng 1,7kg. Và thật không may, mới 3 ngày tuổi anh bị nhiễm trùng uốn ván.
Đến lúc được người nhà đưa đến bệnh viện thì các bác sĩ đều lắc đầu, trả về cho người nhà để lo hậu sự.
Ôm đứa nhỏ còn đỏ hỏn trong tay đi chôn, ai nấy đều thấy đau lòng. Cũng may, bà nội cậu bé, cụ Nguyễn Thị Tỵ vốn cũng là một võ sư y thuật cao minh, nghe tin buồn vội vã từ Hải Phòng trở về.
Thương đứa cháu bất hạnh, bà đòi bới mộ lên để nhìn mặt cháu 1 lần. Nhờ đó mà cậu bé chết lâm sàng có được cơ hội sống sót cuối cùng một cách kỳ diệu.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về võ thuật và y học, đó là sự may mắn của Lương Ngọc Huỳnh. Bố mẹ anh sinh được 7 người con, 6 trai, 1 gái và anh là con thứ 5.
Bà nội của anh, người kế thừa những tinh hoa của dòng họ để lại, đã vận dụng tất cả kiến thức về khí công võ thuật lẫn y học cổ truyền để chữa bệnh cho đứa cháu nội kém may mắn.
'Giáo sư đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh và hòn than đang cháy trên tay
Ngày ấy, mặc dù được cứu sống nhưng cậu bé Huỳnh lại bị bại liệt, bà nội thường xuyên vào rừng Phú Mãn, cách nhà (ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ) 13km, để hái các lá cây thuốc Nam về sắc lấy nước cho anh uống.
Không ai biết những lá thuốc ấy tên gì. Chỉ biết cùng với việc uống thuốc lá rừng, hàng ngày bà miệt mài châm cứu, bấm huyệt cho đứa cháu nội.
Thần kỳ sao, năm lên 4 tuổi, cậu bé Huỳnh bắt đầu chập chững biết đi - những bước đi đầu tiên của cuộc đời.
Thương cháu nội ốm yếu, sau khi cậu bé Huỳnh đã biết đi, sang 5 tuổi bà nội liền truyền dạy võ công gia truyền, với mong muốn duy nhất: học võ người cháu sẽ có cơ thể khỏe mạnh.
'Giáo sư đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ
Một buổi tập của môn sinh Lâm Sơn Động
Bài tập đầu tiên, bà nội dạy cậu bé Huỳnh là hàng ngày xách 2 viên gạch đã được cột vào dây thừng, mỗi ngày xách gạch đi mười vòng quanh sân nhà.
Năm 8 tuổi, Lương Ngọc Huỳnh chính thức làm lễ nhập môn võ gia truyền của dòng họ. Bà nội cũng bắt đầu dạy cho anh châm cứu.
Trước tiên là bắt anh học các huyệt đạo cơ bản. Hồi ấy, đi học cấp một trường làng, anh đã bị thầy giáo bắt để tay lên bàn đánh mấy roi vì tội... vẽ bẩn lên tay.
Thầy không biết đó là những huyệt đạo bà lấy bút khoanh tròn ghi tên lên đó để anh dễ nhớ. Càng lớn lên, anh được bà nội truyền sâu những bài thuốc Nam gia truyền.
Khi chàng 'nghệ sĩ tí hon' trở thành võ sư không có địch thủ
Lương Ngọc Huỳnh từ nhỏ cũng đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Bố anh là người đã dạy cho anh đánh đàn bầu.
Còn nhớ, năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ ngày đêm đánh phá Hà Nội, anh và người bố đã đi biểu diễn ở trận địa để phục vụ cho tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô, bất chấp tiếng bom rơi đạn lạc.
'Giáo sư đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh trổ tài kéo nhị
Vì những thành tích ấy, tháng 12 năm 1972 anh đã được biểu diễn báo cáo Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo của Nhà nước tại Nhà hát Lớn Hà Nội và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu 'Nghệ sĩ tí hon'.
'Đó chính là động lực thúc đẩy tôi cố gắng trong cuộc sống. Cũng từ đó, hàng ngày tôi đam mê tập luyện âm nhạc, bên cạnh tập luyện võ thuật và học những bí quyết về y học của dòng họ' - anh nói.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh làm đơn xung phong đi bộ đội và phục vụ trong quân đội 3 năm.
Cuối năm 1988, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, đó là lúc như anh nói, cuộc sống kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Để mưu sinh, anh mở lớp dạy võ cho thanh, thiếu niên trong làng.
7 đời gần đây, dòng họ Lương của Huỳnh luôn có những người văn võ song toàn mà quanh vùng Đồng Quang, Quốc Oai - Hà Tây ai ai cũng biết tiếng.
Tinh hoa võ học được thế hệ trước truyền lại rất có hệ thống nên thế hệ sau không những được duy trì mà còn luôn tìm tòi, bổ sung những bí quyết mới để đạt tới đẳng cấp uyên thâm.
Chiến tranh loạn lạc, nhiều lúc tưởng chừng không thể duy trì được việc truyền dạy võ học trong dòng tộc nhưng bằng nhiều nỗ lực, môn võ gia truyền này đã đạt nhiều đỉnh cao mới, nhất là vào thời Lương Ngọc Huỳnh.
'Người ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp võ thuật và y học của tôi chính là bà nội. Bà đã sớm nhận ra những phẩm chất của tôi ngay từ khi còn nhỏ nên đã tập trung trí lực để truyền dạy võ thuật, y thuật và cả âm nhạc' - võ sư Huỳnh tâm sự.
Năm 1990, khi học trò kéo đến càng ngày càng đông, anh mới khấn tổ sư để xin thành lập môn phái của riêng mình vào ngày 23/9/1990, lấy tên là Lâm Sơn Động.
Chẳng bao lâu, Huỳnh được Sở TDTT Hà Tây (cũ) cho phép truyền bá võ thuật trong toàn tỉnh và học viên của ông lên tới hàng chục ngàn người.
Tiếp đó, ông được nhận vào dạy võ cho công an các xã và Công an huyện Quốc Oai, dạy cả cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Ông bắt đầu phát triển Lâm Sơn Động ra các tỉnh, TP lân cận Hà Tây như Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội...
'Giáo sư đuổi mưa': Từ cậu bé sinh non đến võ sư không địch thủ
Gia đình nhỏ của võ sư Lương Ngọc Huỳnh
Yêu võ và được bà truyền cho hết tinh hoa của võ thuật truyền thống gia đình, năm 27 tuổi, một mình Lương Ngọc Huỳnh lặn lội sang Trung Quốc để học hỏi tinh hoa võ thuật bên ngoài.
Sang nước bạn với 2 bàn tay trắng, nhiều khi cũng phải 'mãi võ kiếm sống', thậm chí phải chiến đấu lại với những lời thách thức của những môn phái xung quanh, anh luôn giữ vững tiêu chí 'Muốn không bị rắc rối thì buộc mình phải chiến thắng trong tất cả các cuộc tỷ thí'.
Quả vậy, cho tới mãi về sau, đến khi lập nghiệp ở Nga, chàng trai đất Việt ấy chưa một lần thất bại trên sàn đấu. Thậm chí, hiếm có đối thủ nào có thể kéo dài trận đấu quá 1 phút.
Theo Đất Việt tổng hợp

Người khiến Tiến sĩ búa thép 'khổ như chó' là ai?

Fury người đã chấm dứt chuỗi bất bại của 'Tiến sĩ búa thép' không coi đánh đấm là đam mê mà chỉ là công việc kiếm tiền nuôi vợ.
Cuộc đấu thế kỷ giữa "Kẻ hủy diệt" Joshua và và "Tiến sĩ búa thép" Klitschko chuẩn bị diễn ra và đang lập kỷ lục vé. Cả hai đều đang đứng ở đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp, nhưng để có được thành công của ngày hôm nay, ít ai biết "Tiến sĩ búa thép" đã từng có một khoảng thời gian "khổ như chó".
Đó là vào tháng 11 năm 2015, Klitschko đã có trận đấu với Tyson Fury - lúc đấy chưa phải là một tay đấm qua nổi danh như "Tiến sĩ búa thép".
Trận đấu lịch sử này đã cho khán giả được chứng kiến một cách mãn nhãn với sự bất phân thắng bại trong 12 hiệp đấu liên tiếp. Cuối cùng, kết quả chỉ có thể được định đoạt bằng cách tính điểm.
Fury không coi việc thượng đài là đam mê, anh chỉ coi đây là công việc để kiếm tiền nuôi vợ con
Fury không coi việc thượng đài là đam mê, anh chỉ coi đây là công việc để kiếm tiền nuôi vợ con
Ngay từ những hiệp đấu đầu tiên, võ sĩ trẻ Tyson Fury đã có vẻ lấn át hơn đàn anh, võ sĩ 29 tuổi này đã có tới 3 lần đánh cho đàn anh "sứt đầu mẻ trán", máu chảy ròng ròng. Khiến cho "Tiến sĩ búa thép" không có cơ hội để ra những đòn sở trường.
Phải đến hiệp thứ 9 anh mới lần đầu tiên tung cú đấm tay phải sở trường về phía Fusy, anh chiến đấu hăng máu ở hiệp thứ 12, nhưng thời gian đã không còn đủ để anh vớt vát sự tình. Sau 12 hiệp, không võ sĩ nào bị đánh knock-out, Fury đã giành chiến thắng khi cả 3 trọng tài đều đánh giá anh trội hơn.
Như vậy, chung cuộc Fury đã nâng số bàn thắng Knockout của mình lên con số 18, đồng thời anh cũng chấm dứt chuỗi 23 trận bất bại trong hơn một thập niên của "Tiến sĩ búa thép". Còn Klitschko thì nhận về cho mình một trận thua đầy đau đớn đến mức anh từng phát biểu "Tôi khổ như chó sau thất bại đó. Nhưng kết quả cũng công bằng thôi, cậu ta đánh hay hơn".
Dù là người chiến thắng kẻ thống trị quyền anh hạng nặng thế giới hơn 1 thập kỷ nhưng ít ai biết ngoài đời thực Fury lại là một võ sĩ hiền lành có tiếng.
Gia đình Tyson Fury có truyền thống về quyền Anh. Cha anh là ông John Fury, từng là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp từ những năm 1980 tuy nhiên sự nghiệp không thành công khiến cho gia đình Fury luôn sống trong cảnh tạm bợ, nay đây mai đó, nghèo đói.
Cũng giống như những võ sĩ quyền anh khác như Mike Tyson, Floyd Mayweather....Fury cũng có một cuộc sống bế tắc, cùng cực nhưng anh vẫn luôn kiềm chế được bản thân, anh chưa hề tham gia một cuộc ẩu đả ngoài đường phố nào, anh cũng chưa hề vào tù ra tội như họ, mục đích thượng đài duy nhất của anh đó là kiếm tiền nuôi vợ con.
Tyson thổ lộ: “Nghề nghiệp, hoàn cảnh cuộc sống tác động đến tính cách. Nhưng tôi không phải con người bạo lực. Tôi chưa bao giờ gặp rắc rối trong cuộc sống, không bao giờ đánh nhau ngoài võ đài và chưa bao giờ dính án hình sự".
“Tôi thượng đài để kiếm tiền, tôi sẽ kiếm tiền để mua một căn nhà của riêng mình. Tôi không muốn phải sống trong cảnh nợ nần. Tôi không dùng những đồng tiền kiếm được để phung phí vào những cuộc vui. Tôi không thể tưởng tượng ra được công việc nào khác có thể kiếm được hàng triệu bảng mỗi năm. Tôi cần tiền, vì các con tôi, vì gia đình. Tôi không quan tâm tới cuộc sống, không sợ chết. Đó là lý do tôi không dễ bị đánh bại” - Fury nói.
Bản chất hiền lành và chăm chỉ của Fury vẫn hoàn toàn không hề thay đổi dù anh đã trở thành nhà vô địch quyền anh hạng nặng, nổi danh thế giới dễ dàng kiếm về hàng trăm triệu đô. Thay vì lao vào những thứ xa xỉ như biệt thự, siêu xe, ma túy, bài bạc,...như những tay đấm nổi danh khác mà điển hình là Mike Tyson, Floyd Mayweather Jr thì Fury vẫn đang sống với cô vợ đẹp Paris cùng hai con nhỏ Venezuela và Prince trong căn nhà trị giá chỉ 500.000 bảng. Anh cũng chỉ sở hữu chiếc xe Westmorland Star đời 1958 - loại nhà xe lưu động chuyên dành cho dân du mục, chiếc xe và từng là ngôi nhà của Fury một thời gian khó.
Về thành tích sự nghiệp, Fury cũng đem về cho bản thân nhiều con số gây ấn tượng. Gã khổng lồ cao 2m06 này đã có 25 trận thắng trong sự nghiệp võ thuật của mình, trong đó có tới 18 trận thắng Knockout. Tyson Fury là tay đấm Vương quốc Anh thứ 8 trong lịch sử giành chức vô địch thế giới ở hạng nặng, và là người đầu tiên sau David Haye năm 2009. Anh cũng lần lượt rinh về cho mình các đai vô địch WBA, WBO, IBO, IBF, và The Ring trong 13 năm sự nghiệp.
Theo Nguyễn Ly/Đất Việt

Kỳ nhân võ Việt xứng danh 'Nhất đại tông sư'

Sinh ra ở mảnh đất Bình Định đầy duyên nợ với võ thuật, nhiều võ sĩ tài năng sau đó đã phiêu bạt giang hồ để hành hiệp trượng nghĩa và tạo nên hào khí đất võ kiên cường.
    Về già, họ từ giã võ đài, ở quê hưởng cuộc sống an nhàn, lập võ đường truyền võ. Thế nhưng, những thế võ, trận chiến… từ hàng chục năm trước vẫn còn vang danh trong ký ức, trong những câu chuyện.
    Tò mò về tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công” mà chủ nhân võ đường Phi Long Vịnh- đại danh sư Trương Văn Vịnh (SN 1935, trú làng Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) đang sở hữu, tôi quyết tâm tìm đến tận nhà.
    Ở tuổi 81, dòng chảy võ thuật vẫn luôn sục sôi trong người đại danh sư Trương Văn Vịnh.
    Ở tuổi 81, dòng chảy võ thuật vẫn luôn sục sôi trong người đại danh sư Trương Văn Vịnh.
    Dòng họ võ thuật
    Trời se lạnh, trong căn nhà nhỏ, võ sư Trương Văn Vịnh thong thả nhấp tách trà nóng. Khi biết tôi đến với nguyện vọng được diện kiến thế võ “Ngọc Trản thần công”. Chẳng chút chần chừ, ông liền đưa đôi tay săn chắc triển những đường quyền đầy dứt khoát, điêu luyện với tốc độ nhanh như chớp.
    Trong cuộc đời bôn tẩu giang hồ, võ sư Vịnh rất ít khi dùng đến “Ngọc Trản thần công” để giao đấu. Bởi lẽ, uy lực của thế võ này cực kỳ lợi hại, một khi đã ra đòn thì đối thủ phải lâm nguy, có thể gây tàn phế cơ thể. Năm 8 tuổi, võ sư Vịnh được cha là võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ. Sau đó, ông học thêm võ từ 2 người bác là võ sư Trương Xuân Ba và võ sư Trương Hoàng.

    Cứ thế, người dòng họ Trương ở làng Kỳ Sơn ai cũng giỏi võ, đàn bà con gái cũng được truyền cho vài thế võ để phòng thân, tự vệ. Tiếp nối tinh hoa của xứ sở dòng tộc, ngày nay, các con của võ sư Trương Văn Vịnh đều biết võ và có người đã mở lò võ riêng. Cháu nội, cháu ngoại đến nay đã hơn 20 người, đều được học võ.
    Theo võ sư Vịnh, tuyệt kỹ "Ngọc Trản thần công" mà ông đang nắm giữ được truyền thụ từ nhiều đời, trong đó có gốc gác khởi nguồn từ ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến (người đã dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn). Để được truyền thụ “Ngọc Trản thần công”, ngoài ý chí kiên định nghiệp võ, cần phải mưu lược, đặc biệt phải trọng nghĩa khí. Cái căn cốt đó đã ăn sâu và được truyền qua bao đời võ nghiệp nhà họ Trương. Vì vậy, tại võ đường của họ Trương luôn thờ Quan Vân Trường (nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa) để nhắc nhở môn đệ học võ phải trọng nghĩa, để hành hiệp trượng nghĩa. Đặc thù của tuyệt kỹ này, phải ra đòn liên tục trong chớp nhoáng khiến đối phương không kịp trở tay.

    Cái tên võ đường Phi Long Vịnh cũng bắt nguồn từ tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công”. Năm 1970, trong chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, võ sư Vịnh biểu diễn bài “Ngọc Trản thần công”. Chứng kiến quyền cước biến hóa trên một chiếc chiếu nhỏ nên người xem trầm trồ, thán phục và vinh danh là thế võ “Phi Long” (tức rồng bay). Từ đó, ông lấy tên này đặt cho võ đường.

    Tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công”
    Trong cuộc đời, võ sư Trương Văn Vịnh chỉ 2 lần dùng tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công” để hạ các đối thủ nước ngoài khi thượng đài. Thế nhưng, thế võ này vẫn vanh danh khắp chốn.
    Năm 1962, võ sư Trương Văn Vịnh đang dạy võ tại Vũng Tàu thì một võ sư người Cao Miên tên Thạch Khen (dạy boxing) đến khiêu chiến. Vốn coi thường võ cổ truyền Việt Nam nên vừa nhập cuộc, võ sư Khen đã dùng sức mạnh tấn công tới tấp khiến ông Vịnh chịu rất nhiều áp lực. Né đòn không kịp, võ sư Vịnh “dính” nhiều đòn trời giáng từ đối thủ. Bí thế, ông nhanh chóng áp sát dùng “Ngọc Trản thần công” điểm vào các huyệt đạo của đối thủ với tốc độ nhanh nhạy, khiến Thạch Khen ngã gục, bất tỉnh trên sàn đài. Sau trận đấu, Thạch Khen đầu hàng trong tình trạng bị bay mắt, thủng màng nhĩ...
    Con cháu dòng họ Trương rất ham luyện võ, cha truyền con nối, cứ thế đam mê nối tiếp đam mê. Thấy vậy nên tôi cũng yên tâm, dòng họ võ nhà họ Trương rồi sẽ có thế hệ kế nghiệp xứng đáng. Giờ đây, dòng họ nhà tôi đang có 5 thế hệ còn sống theo võ nên có tên gọi là “Ngũ đại đồng đường”.
    Võ sư Trương Văn Vịnh
    Đến năm 1968, võ sư Vịnh có cuộc tỉ thí với một võ sư taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc (đang huấn luyện võ cho sư đoàn Mãnh Hổ) tại Gia Lai. Vào cuộc, lợi dụng chân dài, võ sư taekwondo đá liên tiếp vào đối phương. Khi ấy chân của võ sư này rất mạnh nhưng đòn tay lại yếu ớt. Nắm bắt được nhược điểm, võ sư Vịnh áp sát, sử dụng hổ trảo, một chiêu trong “Ngọc Trản thần công”, móc vào mạng sườn, sau đó kéo xuống bụng, đánh vào vùng gan. Bất ngờ với thế đánh “độc chiêu”, võ sĩ Hàn Quốc no đòn và ngã gục trên sàn đấu. “Khi đã dùng “Ngọc Trản thần công” thì phải ra đòn liên hoàn, không thể nương tay”- võ sư Vịnh tiết lộ.
    Năm 2007, Tổng hội Quán khí đạo (Qwuan Ki Do) mời võ sư Trương Văn Vịnh sang Italia biểu diễn võ thuật trong dịp khai mạc đại hội lần thứ 4 của môn phái. Ông biểu diễn bài “Ngọc Trản thần công” khiến hàng trăm võ sư của gần 40 nước trên thế giới trầm trồ thán phục. Lần đó, chưởng môn của Quán khí đạo là võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng ông 3 chữ “Đại danh sư”.
    Theo Danviet.vn
     

    Võ sĩ gốc Việt bùng nổ, hạ gục nhà vô địch Nhật Bản sau cú đấm thần sầu

    Bằng một khoảnh khắc xuất thần, võ sĩ gốc Việt Martin Nguyễn đã hạ knock-out 'Sát thủ' cự phách Nhật Bản Kazunori Yokota.
      Martin Nguyễn vs Kazunori Yokota
      Trận đấu giữa Martin Nguyễn gặp Kazunori Yokota tại Jakarta – Indonesia tối 14/1 đã diễn ra với kịch bản khiến nhiều người hâm mộ phải cảm thấy ngỡ ngàng.
      Không bất ngờ sao được khi một tên tuổi gạo cội của làng MMA Nhật Bản - Kazunori Yokota lại bị hạ đo ván một cách chóng vánh đến thế, trước một đối thủ trẻ hơn mình tới 10 tuổi.
      Màn tỉ thí đã không diễn ra theo kịch bản giằng co, quyết liệt tới những giây cuối cùng như dự đoán. Bởi đơn giản, yếu tố kinh nghiệm của võ sĩ Nhật Bản đã hoàn toàn bị 'vứt đi' trước một khoảnh khắc bùng nổ của Martin Nguyễn.
      Bước vào trận đấu, cả hai võ sĩ đã thể hiện rõ lối chơi phòng thủ chắc chắn. Cả hai chỉ thăm dò và chờ đối phương sơ hở để ra đòn.
      Trong 4 phút đầu tiên của hiệp 1, không có quá nhiều điều để nói bởi những tình huống tấn công diễn ra khá ít ỏi. Tưởng chừng hiệp đấu sẽ khép lại với kịch bản nhàm chán thì cao trào và màn bùng nổ đã xảy ra ở những giây cuối cùng.
      Bằng một pha lách người rồi tung cú đấm trời giáng bằng tay phải, Martin Nguyễn đã khiến Kazunori Yokota nằm sấp xuống sàn. Thừa thẳng xông lên, võ sĩ gốc Việt lao tới như một cơn lốc, liên tiếp tung ra những cú đấm bồi khiến Yokota hoàn toàn gục ngã.
      Trọng tài lập tức cho dừng trận đấu, Martin Nguyễn giành chiến thắng KO ngay trong hiệp 1 trong sự bất ngờ của nhiều khán giả có mặt tại nhà thi đấu ở xứ Vạn đảo.
      Niềm phấn khích của võ sĩ người Australia gốc Việt - Martin Nguyễn.
      Niềm phấn khích của võ sĩ người Australia gốc Việt - Martin Nguyễn.
      Với màn KO ấn tượng này, Martin Nguyễn đã nâng số trận thắng của mình lên con số 8, tiếp tục thách thức đấu trường MMA chuyên nghiệp thế giới.
      Martin Nguyễn tiếp tục thăng hoa ở đấu trường MMA.
      Martin Nguyễn tiếp tục thăng hoa ở đấu trường MMA.
      Theo Tiểu Mã/Soha.vn/Ttvn.vn

      'Thánh Muay Thái' đánh võ sĩ Trung Quốc tơi tả ngay trên đất khách

      'Thánh Muay Thái' Buakaw tiếp tục thể hiện phong độ chói sáng khi đánh bại võ sĩ Trung Quốc ngay tại Hải Nam.


      Tối 1/1/2017, Buakaw đã có màn khởi đầu năm mới một cách hoàn hảo khi quật ngã võ sĩ Tian Xin (Trung Quốc) ở sự kiện Kunlun Fight 56, diễn ra tại Hải Nam.
      Trước trận đấu, khá nhiều NHM tại Trung Quốc hy vọng Tian Xin có thể trở thành võ sĩ thứ 2 đánh bại Buakaw sau Yi Long bởi võ sĩ chủ nhà có thành tích tương đối tốt (đấu 21 trận, thắng 16, thua 5).
      Nhưng bước vào trận đấu, những hy vọng ấy mau chóng bị dập tắt bởi Buakaw đã cho thấy bản lĩnh và trình độ quá vượt trội.
      Ngay trong hiệp 1, 'Thánh Muay Thái' đã chủ động tấn công với những cú đá và lên gối đầy uy lực. Ngược lại, những pha ra đòn của Tian Xin tỏ ra thiếu độ hiểm và không phát huy được nhiều hiệu quả. Minh chứng là ngay trong hiệp 1, võ sĩ chủ nhà có tới 4 lần bị đánh ngã.

      Buakaw nhiều lần khiến đối thủ phải nằm sàn.
      Bước sang hiệp 2, thế trận cũng không có nhiều thay đổi. Buakaw một lần nữa chứng minh 'gừng càng già càng cay' với thể lực tuyệt vời và nhiều pha ra đòn đẹp mắt.
      Trong hiệp này, có một tình huống Buakaw tung cú đá cực mạnh khiến Tian Xin khụy xuống sàn. Trọng tài đã phải đếm nhưng võ sĩ Trung Quốc vẫn gắng gượng để tiếp tục thi đấu.
      Buakaw tỏ ra quá áp đảo so với Tian Xin.
      Buakaw tỏ ra quá áp đảo so với Tian Xin.
      Sang hiệp 3, Buakaw hai lần nữa khiến đối thủ gục ngã nhưng may mắn không bị thua KO. Ở thời gian còn lại, Tian Xin dù rất nỗ lực lật ngược tình thế nhưng cũng đành lực bất tòng tâm.
      Kết thúc 3 hiệp, Buakaw giành chiến thắng bằng tính điểm trong sự tâm phục khẩu phục của đối thủ và những người hâm mộ có mặt tại Hải Nam.

      Niềm vui của Buakaw sau chiến thắng.
      Như vậy, Buakaw đã lấy lại mạch chiến thắng sau khi để thua oan uổng trước Yi Long hồi tháng 11/2016. Đây là kết quả xứng đáng làm nức lòng người hâm mộ của 'Hoàng tử Muay Thái'.
      Theo Tiểu Mã/Soha.vn/Ttvn.vn
       

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét