Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

KIẾP GIANH HỒ

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                Tiểu sử góc khuất sau cuộc đời trùm giang hồ cộm cán Hải Vinh


Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an: Bắt giữ giang hồ khét tiếng Hải "Vinh"

Minh Hiền |
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an: Bắt giữ giang hồ khét tiếng Hải "Vinh"
Đối tượng Trần Thanh Hải (trái) và đàn em tại cơ quan Công an.

Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, vừa triệt phá băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức do đối tượng Trần Thanh Hải (Hải Vinh) cầm đầu.



Ngày 26-7, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, vừa triệt phá băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác do đối tượng Trần Thanh Hải (tên gọi khác Hải “Vinh”, 47 tuổi), trú tại phường Trần Tế Xương, TP Nam Định, tỉnh Nam Định; đồng thời bắt giữ các đàn em của Hải gồm: Nguyễn Văn Hoài (27 tuổi), Trần Quốc Việt (28 tuổi); Trần Xuân Tình (tức Tình Minh, 40 tuổi) cùng trú tại TP Nam Định và Nguyễn Đình Duy (29 tuổi) trú tại Đống Đa, TP Hà Nội.
Sau khi nhận được đơn trình báo của bà Lương Thị Trang, trú tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa (Hà Nội) về việc con gái bà là Đinh Thị Hiền (39 tuổi) bị một nhóm đối tượng bắt giữ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã chỉ đạo Phòng 5 tiến hành điều tra, xác minh.
Tại thời điểm này, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Phòng 5 đã phát hiện người đang bắt cóc chị Hiền là Trần Thanh Hải, một đối tượng giang hồ đặc biệt nguy hiểm, có vũ khí nóng, dùng mọi thủ đoạn sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng.
Nhận lệnh của lãnh đạo C45, Phòng 5 phối hợp với Công an các đơn vị địa phương đã lên phương án tổ chức giải cứu nạn nhân.
2h ngày 22-7, hàng chục CBCS đã có mặt tại TP Nam Định, chia làm nhiều tổ công tác, một mũi trinh sát đến quán cầm đồ của Hải “Vinh” trên đường Thái Bình, phường Trần Tế Xương.
Vào thời điểm này, đàn em của Hải “Vinh” cũng xuất hiện ở quán đã dùng mọi thủ đoạn gây khó khăn, cản trở và lên giọng thách thức với lực lượng chức năng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác nhanh chóng khống chế một số đàn em của Hải “Vinh”, buộc chúng khai ra địa điểm nơi giam giữ chị Hiền (là nhà chị gái của Hải “Vinh”), tại địa chỉ 133, đường Thái Bình, phường Trần Tế Xương.
Khi thấy lực lượng Công an đến, 20 đàn em của Hải Vinh thấy có nhiều người dân hiếu kì đến xem đã la ó, dồn ra cản trở lực lượng chức năng khiến tình hình trở lên phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban chuyên án đã huy động Cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn E22 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) từ Hà Nam sang phối hợp với tổ công tác của C45 và Công an các đơn vị địa phương bắt giữ các đối tượng đàn em của Hải “Vinh”, ổn định ANTT trên địa bàn.
Lúc này, một mũi trinh sát lên tầng 2 của ngôi nhà giải cứu nạn nhân Đinh Thị Hiền, trong tình trạng bị gánh gẫy xương sống mũi, đa chấn thương, hai mắt tụ máu.
Vào khoảng 11h20 ngày 23-7, khi Hải “Vinh” và đàn em Trần Xuân Tình đi taxi đến ga Hải Phòng để mua vé trốn vào Đà Nẵng thì bị tổ công tác ập vào bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, Hải “Vinh” khai nhận, giữa anh ta với bạn gái cũ là Đinh Thị Hiền (hai người ở với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, có 2 con gái, đã chia tay hơn 1 năm nay) có mâu thuẫn.
Hồi 16h ngày 21-7, Hải “Vinh” rủ đàn em là Tình, Việt, Hoài, Duy lên Hà Nội để bắt chị Hiền...
Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác đã khám xét chỗ ở của các đối tượng. Tại nhà nghỉ 79 (5 tầng) của chị gái Hải “Vinh” ở phường Trần Tế Xương, trên tầng thượng, cơ quan Công an thu giữ 1 khẩu súng K59, 4 viên đạn.
Qua nguồn tin được biết, sau khi chia tay Hiền, Hải “Vinh” tiếp tục sống như vợ chồng và có 1 đứa con trai với một người cô gái khác cũng tên là Hiền (biệt danh là Hiền mẫu).
Hiện cô này đang bị tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Theo cơ quan điều tra, Hải là giang hồ “khét tiếng” ở Nam Định, chuyên hoạt động lưu động, khiến lực lượng chức năng vô cùng khó khăn để đấu tranh, xử lý trước pháp luật.
Hắn ta có bề dày thành tích bất hảo, năm 17 tuổi, Hải trộm cắp tài sản bị TAND tỉnh Nam Định xử 12 tháng tù giam; năm 1997, cướp tài sản bị TAND TP Vũng Tàu xử 15 tháng tù giam; năm 1999, trộm cắp tài sản bị TAND thị xã Ninh Bình xử 24 tháng tù giam; năm 2001, cướp tài sản bị xử phạt 4 năm tù giam…
Tháng 7-2012, Hải tham gia vụ nổ súng giữa trung tâm Sài Gòn gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ. Năm 2013, TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Hải 11 tháng tù giam.
Ngoài ra, theo thông tin các báo đã đưa, tháng 5-2016, ca sỹ Quang Hà đã làm đơn tố cáo Hải cùng đàn em hai người quen dàn cảnh lừa mua nhà trị giá gần 4 tỉ đồng của ca sĩ Quang Hà nhưng không thanh toán tiền.
Sự việc này đang được cơ quan Công an làm rõ.
theo Công an nhân dân


Cuộc đấu trí kéo dài 7 năm cùng trùm giang hồ xăm hình đại bàng

Nguyễn Hà |
Cuộc đấu trí kéo dài 7 năm cùng trùm giang hồ xăm hình đại bàng
Trùm giang hồ Lý Đại Cơ và kho vũ khí tự chế.

Nắm giữ vị thế "đại bàng", Lý Đại Cơ gom nhặt vô số "thành tích" bất hảo từ chăn dắt gái mại dâm, đến buôn bán ma túy, đâm thuê chém mướn.



Sau 5 năm tù, Cơ tiếp tục thôn tính giang hồ quận 5, TP. HCM. Trên đường bành trướng thế lực, Cơ bị Công an TP. HCM truy nã. Bằng sự lọc lõi, tinh ranh cùng "vành đai" bảo vệ dày đặc của đàn em, Cơ bí mật ẩn mình, điều hành các hoạt động phi pháp. Cuộc đấu trí cân não với tên trùm giang hồ chỉ chấm dứt khi các trinh sát ẩn thân vào băng nhóm, và lần ra tung tích từ cô vợ nhỏ của hắn.
Ẩn mình trong tâm bão
Khi nghe đến quyết định truy nã mình, Lý Đại Cơ (thường gọi Cơ "quận 5", 48 tuổi, ngụ phường 6, quận 5, TP. HCM) vẫn bình thản "phê" hàng đá.
Y tự tin chuỗi ngày vào tù ra tội đủ sức giúp y vượt qua sự truy lùng của cơ quan Công an. Cơ tinh quái khẳng định: "Nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất, "giữa tâm bão thì sức gió bằng không" và quyết định ẩn mình tại TP. HCM.
Tại "tâm bão", Cơ vừa tránh né được sự truy lùng của cơ quan Công an, vừa có thể điều hành các hoạt động phi pháp. Thực tế cho thấy, kế hoạch trốn nã lão luyện của Cơ đã đem lại cho y 7 năm nhàn nhã.
Các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm truy nã (PC52), Công an TP. HCM cho biết, hơn 20 năm về trước, Lý Đại Cơ nổi lên như một trùm du đãng khét tiếng manh động, liều lĩnh. Để tạo vị thế giang hồ, Cơ liên tục đơn thương xách "hàng nóng" sang lãnh địa kẻ khác đòi chia thị phần. Trong các cuộc tử chiến, sự liều lĩnh, bất chấp cái chết của y luôn giúp y tạo được ấn tượng trước đám đàn em. "Lên chức đàn anh", Cơ xăm hình con đại bàng hung tợn phủ kín từ hai vai xuống đến thắt lưng để trợ uy.
Hình xăm hung tợn cùng với bản chất máu lạnh giúp Cơ trở mình mạnh mẽ, thu nạp hàng trăm đàn em. Có vị thế, Cơ tuyên bố bảo kê, tổ chức chăn dắt gái mại dâm cho toàn bộ khu vực quận 5. Sự bành trướng, coi thường pháp luật của Cơ nhanh chóng bị trả giá. Năm 1993, TAND TP. HCM tuyên án Cơ 5 năm tù về tội "Môi giới mại dâm".
Tuy nhiên, 5 năm tù tội không làm giảm đi sự máu lạnh cùng những toan tính làm giàu từ con đường tội lỗi trong Cơ. Ra tù, y nhanh chóng hệ thống lại đám "tàn quân", thôn tính thế lực ngầm tại quận 5, quận 1, quận 10 (TP. HCM).
Cơ tiếp tục vực dậy băng đòi nợ thuê nổi tiếng hung bạo, tàn nhẫn sẵn sàng tắm máu nạn nhân.
Khi dịch vụ đòi nợ thuê, bảo kê… đi vào "quỹ đạo", Cơ chuyển sang buôn bán ma túy để nuôi đám đàn em hùng mạnh.
Sự "quá tay", coi trời bằng vung của băng nhóm do Cơ cầm đầu buộc Công an TP. HCM một lần nữa lập chuyên án, triệt phá.
Tháng 1/2001, khi đang chuyển heroin cho bạn hàng, Cơ cùng hai đàn em thân tín của mình bị Công an quận 1 tóm gọn. Cơ bị kết án 6 năm tù.
Lao mình vào hang cọp
Trong trại giam, Cơ khôn ngoan chấp hành mọi nội quy, nghiêm túc cải tạo, chờ ngày mãn hạn.
Sau 6 năm chấp hành xong án phạt và không để lại tỳ vết nào, Cơ ra tù trong sự hân hoan của đám đàn em. Tích lũy thêm thời gian tù tội, Cơ "quận 5" trở nên vô cùng manh động, hiếu chiến.
Y sẵn sàng giải quyết mọi ân oán, khúc mắc trong làm ăn bằng những trận huyết chiến. Chỉ vài tháng sau khi ra tù, Cơ "quận 5" liên tiếp xua đàn em thực hiện nhiều vụ thanh toán các băng nhóm khác tại địa bàn quận 5.
Năm 2008, trên đường đi "làm ăn", Cơ "quận 5" xảy ra va chạm với ông N.T.S. tại giao lộ Trần Hưng Đạo-Ngô Quyền (quận 5).
Cả hai xảy ra cự cãi. Trong lúc cơn giận bùng phát, ông S. cầm nón bảo hiểm đòi đánh Cơ. Ngay lập tức, Cơ không chút ngần ngại rút cây kéo thủ sẵn đâm gục nạn nhân trong vũng máu.
Sau vụ này, Cơ bị TAND quận 5 tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Tuy nhiên, trong thời gian tại ngoại, Cơ bỗng nhiên "bốc hơi", không ra chịu án, bất chấp lệnh truy nã của Công an.
Thiếu tá Võ Duy Thắng, Phó đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an TP. HCM cho biết: "Lý Đại Cơ là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có nhiều tiền án, tiền sự.
Cơ có máu mặt trong giới giang hồ, có một lớp đàn em thân tín bao quanh nên mối quan hệ xã hội rất phức tạp. Điều tra, thu thập thông tin về đối tượng này hết sức khó khăn.
Nhiều khi, chúng tôi không nắm bắt được bất cứ một thông tin nào về tay giang hồ này và lầm tưởng y đã rời khỏi TP. HCM".
"Tuy nhiên, trong thời gian Cơ trốn nã, các hoạt động phi pháp của băng nhóm do y cầm đầu vẫn hoạt động mạnh mẽ.
Đặc biệt, đầu năm 2015, băng nhóm của Cơ đụng độ với băng nhóm khác ở một quận trên địa bàn thành phố do liên quan đến việc đòi nợ, tháng 4/2015, băng của Cơ lại chém nhau với một băng khác trên đường Võ Văn Kiệt do mâu thuẫn trong việc cho vay,…
Những thông tin trên cho chúng tôi niềm tin vào việc Cơ vẫn còn lẩn trốn tại TP. HCM", Thiếu tá Thắng cho biết thêm.
Thế nhưng, nhận định trên bước đầu không đem lại hiệu quả. Các hoạt động trinh sát, khai thác thông tin tại TP. HCM đều cho thấy Cơ không còn trú ngụ tại đây.
Để ẩn thân, Cơ sử dụng CMND giả mang tên N.M.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TP. HCM). Y không xuất hiện và điều hành hoạt động phi pháp của băng nhóm thông qua tên đàn em thân tín.
Để qua mặt các mũi trinh sát tinh nhuệ, Cơ gần như không xuất hiện vào ban ngày, không có mặt tại những điểm ăn chơi.
Khi cần phải ra mặt, Cơ cho đàn em đóng giả nhiều thành phần xã hội trà trộn, đến trước để nắm tình hình. Y chỉ xuất hiện khi các tai mắt chắc chắn địa điểm an toàn.
Cuối cùng, để tiếp cận đối tượng, xác minh thông tin, các trinh sát đã lựa chọn phương án "đưa mình vào hang cọp" để lần ra tên trùm giang hồ.
"Tôi tìm cách móc nối, làm thân và xin gia nhập băng của Cơ để có điều kiện thu thập thông tin. Sau mấy năm ròng rã, tôi mới được đàn em Cơ tin tưởng, giới thiệu gia nhập băng.
Từ việc này, tôi nắm được thông tin Cơ đang ở với vợ bé tại một căn nhà trọ trên đường Nguyễn Tiểu La, quận 10. Mỗi lần xuất hiện, Cơ luôn xách theo một chiếc cặp trong đó giấu hai cây kéo nhọn, một con dao phớ được bọc trong giấy báo", thiếu tá Thắng kể lại.
Nắm được thông tin, đầu năm 2015, các trinh sát mật phục Cơ cùng đám đàn em thân tín trong một vũ trường tại quận 1. Tuy nhiên, tại đây, các đối tượng đều sử dụng ma túy đá.
Cơ và đồng bọn thường sử dụng ma túy đá để manh động hơn, máu lạnh hơn trong các vụ đụng độ. Lo ngại việc vây bắt Cơ cùng đàn em trong lúc này có thể sẽ xảy ra huyết chiến, tổ công tác cẩn trọng ém mình đeo bám.
Sáng ngày 30/7/2015, sau một đêm trụy lạc, trác táng tại vũ trường, Cơ trở về nhà trọ của vợ bé trên đường Nguyễn Tiểu La ngủ ly bì.
Ngay lập tức, Thiếu tá Thắng cùng tổ công tác được lệnh vây kín căn nhà. Anh bí mật đột nhập, rồi bất thần ập vào đến khống chế, bắt gọn trước sự ngỡ ngàng của y.
Khám xét căn phòng, cơ quan Công an nhận thấy dưới lớp nệm Cơ nằm là cả một hầm vũ khí.
Mặc dù được trang bị tận răng, có một hệ thống đàn em bao bọc kín kẽ, sau hơn 7 năm lẩn trốn, Cơ vẫn phải cúi đầu tra tay vào còng và khâm phục trước sự mưu trí, dũng cảm của các trinh sát truy nã tội phạm.
"Bình định" sự ghen tuông của người vợ để trốn nã
Thiếu tá Võ Duy Thắng, Phó đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP. HCM cho biết: "Lý Đại Cơ thật sự là một đối tượng tội phạm đầy thủ đoạn. Mặc dù đã có vợ, khi trốn nã, Cơ vẫn công khai quan hệ yêu đương với một cô gái khác. Để không bị lộ thân phận, bằng cách nào đó, Cơ đã dàn xếp, "bình định" được sự ghen tuông giữa hai người phụ nữ này. Thậm chí, người vợ cả còn đến thăm, sống chan hòa với cô vợ bé của y suốt trong thời gian y lẩn trốn tại căn nhà thuê tại quận 10".
theo Công lý

Danh tính 2 côn đồ nổ súng bắn chết người trước cửa quán bar

Nguyễn Song |
Danh tính 2 côn đồ nổ súng bắn chết người trước cửa quán bar

Công an đã điều tra và xác định được danh tính 2 đối tượng trong vụ nổ súng bắn chết người tại quán bar thuộc Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Hai đối tượng gây án được xác định là Cao Văn Chung (24 tuổi, thường trú tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, hiện ở phường Ka Long, TP Móng Cái) và Trần Văn Quyến (25 tuổi, ở khu 2, phường Hải Yên, Móng Cái).
Theo Thượng tá Trịnh Quốc Dũng, Phó trưởng Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thông tin trang Công an nhân dân ngày 8/9 cho hay, Chung và Quyến được xác định liên quan đến vụ dùng súng sát hại anh Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi, trú tại phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) vào lúc hơn 1h, ngày 6/9 tại trước cửa quán bar Kinh Đô, thuộc khu 2, phường Trần Phú, TP Móng Cái.
Sau khi gây án, cả 2 đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, Công an TP Móng Cái đã huy động lực lượng cảnh sát hình sự và công an các phường, xã trên địa bàn thực hiện các bước xác minh, điều tra ban đầu. Công an TP Móng Cái cũng báo cáo vụ việc lên Công an tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự và Công an TP Móng Cái tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra truy tìm thủ phạm.
Cơ quan điều tra đã chia thành tổ công tác vừa đón lõng tại các địa bàn trọng điểm ở thành phố, vừa truy bắt theo hướng tập trung vào các địa chỉ nghi ngờ đối tượng lẩn trốn.
Đến khoảng 17h ngày 6/9, tổ công tác mật phục đã bắt giữ đối tượng Trần Văn Quyến tại Trạm kiểm soát kiên hợp KM15- Bến tàu Dân Tiến khi tên này đang trên đường bỏ trốn từ Móng Cái.
Sau khi bắt giữ đối tượng Quyến, cơ quan cảnh sát đã tiến hành khám xét nơi ở của y tại khu 2, phường Hải Yên, TP Móng Cái và thu giữ một khẩu súng dạng tự chế, có gắn ống giảm thanh. Theo lời khai của Quyến, đây chính là khẩu súng các đối tượng đã sử dụng gây án.
Liên quan đến vụ án, cơ quan công an cũng đã bắt Nguyễn Văn Đức (22 tuổi, trú tại khu 3, phường Hải Yên, TP Móng Cái về tội "Che giấu tội phạm"
Trần Văn Quyến bị bắt khẩn cấp về tội "Giết người".
Bước đầu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn tới vụ án mạng do mâu thuẫn trong sinh hoạt.
Hiện tại cơ quan công an vẫn đang tiếp tục truy bắt đối tượng Cao Văn Chung để điều tra, xử lý theo pháp luật.
theo Trí Thức Trẻ

GIANG HỒ LÀ AI ?

21/09/2016
Ngô Quốc Túy
37 bài viết
nguồn Việt - “Giang hồ” thời nguyên thủy là những người ưa cuộc sống xê dịch, tự do, phóng khoáng, trọng tín, khinh tài, hành xử nghĩa hiệp.“Giang hồ” thời trung cổ là những hảo hán có võ nghệ cao cường, dám xả thân chống lại áp bức bất công, điển hình là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. “Giang hồ” ngày nay tương tự “xã hội đen”, hành nghề bảo kê, đâm thuê, chém mướn, cướp giật, tham nhũng, chạy án, chạy chức, chạy quyền, cưỡng đoạt tài sản, tính mạng con người, theo kiểu luật rừng !
GIANG HỒ LÀ AI ?
 
 
 
“VI TIỂU BẢO” SÀI GÒN
 
Trên lãnh thổ Việt Nam, Sài Gòn được xem là nơi đắc địa nhất của giới giang hồ thời hiện đại. Giang hồ Sài Gòn gần một trăm năm qua luôn ở đẳng cấp “anh chị” đối với giới giang hồ của cả nước. Những tên tuổi như Bảy Viễn, Đại Cathay, Năm Cam..., là sự kế thừa vị thế độc tôn của giang hồ Sài Gòn trong lịch sử giang hồ nước Việt.
 
Bảy Viễn (1904 – 1970), có tên khai sinh là Lê Văn Viễn, người Việt gốc Hoa, được ví như Vi Tiểu Bảo của Sài Gòn. Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính trong tác phẩm “Lộc đỉnh ký”, cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp hay nhất của Kim Dung, xuất bản năm 1969. Nhân vật Vi Tiểu Bảo của Kim Dung là hình ảnh đối lập với nhân vật AQ của Lỗ Tấn. Vi Tiểu Bảo có đủ phẩm chất đặc trưng của người Trung Hoa, đan xen phức tạp giữa cái tốt và cái xấu, cái ác và cái thiện. Khi nhận ra không thể dung hòa tư tưởng của Thiên Địa Hội (một tổ chức ngầm phản Thanh, phục Minh) với tư tưởng của triều đình Khang Hy, Vi Tiểu Bảo đã cùng vợ con rời bỏ thị thành, danh lợi về Giang Nam du ngoạn sơn thủy, vui thú với cuộc sống giang hồ đích thực. Câu nói nổi tiếng của Vi Tiểu Bảo “mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, được Đặng Tiểu Bình nhắc lại và vận dụng vào chính sách mở cửa của Trung Quốc sau này.
 
 
 
Bảy Viễn là mẫu giang hồ điển hình ở Sài Gòn nửa đầu thế kỷ 20. Bảy Viễn cao một mét bảy mươi, hình thể cường tráng, xăm trổ toàn thân. Lưng xăm hình rồng đỏ khoe móng vuốt, uốn lượn từ gáy tới mông. Hai đầu vai xăm hình hai vũ nữ khỏa thân phô trương sắc dục. Dương vật xăm hình rắn hổ mang chúa đang ngển đầu đớp mồi. Những hình xăm trên da thịt của Bảy Viễn vẽ vời giấc mộng bá chủ giang hồ cùng khát vọng tột đỉnh vinh hoa phú quí !
 
Năm 17 tuổi (1921), Bảy Viễn phải vào trại cải tạo vì tội ăn cắp xe đạp. Năm 23 tuổi (1927) bị bỏ tù vì tội hành hung gây thương tích cho ông chủ sòng bài. Năm 1936, Bảy Viễn bị kết án 12 năm tù khổ sai sau khi tổ chức cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố (Thủ Thiêm). Năm 1940, sau khi vượt ngục trót lọt, Bảy Viễn tổ chức cướp tiền ở xưởng mộc Bình Triệu, xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Đó chỉ là những vụ cướp vặt bị cảnh sát phát hiện, được lưu trữ trong hồ sơ. Còn rất nhiều vụ cướp đình đám khác do băng nhóm của Bảy Viễn thực hiện qua mặt được cảnh sát, hoặc cảnh sát không đủ chứng cứ truy tố.
 
Những vụ cướp của Bảy Viễn thường diễn ra chớp nhoáng như phim hành động, với kịch bản chặt chẽ, hành vi táo bạo. Đó là những vụ cướp có đẳng cấp giang hồ thượng thặng. Bảy Viễn thường đi cướp bằng loại xe hơi sang trọng nhất thời đó và luôn xuất hiện trong trang phục như một ông chủ giàu có. Những vụ cướp lớn, Bảy Viễn đích thân ra tay cùng đàn em giữa thanh thiên bạch nhật, sau đó thoát hiểm trong gang tấc bằng những chiêu cao thủ xuất quỉ nhập thần.
 
Tuy nhiên, “thành tích” cướp giật chỉ là chuyện nhỏ so với hành trình trốn tù vượt biển của Bảy Viễn. Có lẽ trong lịch sử tù nhân vượt ngục ở Việt Nam chưa có ai sánh ngang Bảy Viễn. Nhà tù Côn Đảo cách đất liền 125 km, là nhà tù khét tiếng về sự nghiêm ngặt và tàn độc. Dưới thời cai trị 10 năm, hai nhiệm kỳ (1927 – 1931 và 1935 - 1942) của chúa đảo Bouvier, nhà tù Côn Đảo được xem như địa ngục trần gian của giang hồ Sài Gòn. Cánh tay phải của Bouvier là siêu “đại bàng” Khăm Xay, trùm thảo khấu Tây Nguyên, hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới Lào – Việt, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Khăm Xay có thân hình lực lưỡng như hộ pháp, tóc quăn xù, mắt trắng dã, da màu đồng thau, sẵn sàng ăn sống nuốt tươi bất cứ tù nhân nào, nếu được chúa đảo bật đèn xanh. Đối với Bảy Viễn, Bouvier muốn Khăm Xay toàn quyền xử theo luật “im lặng”. Tuy nhiên, Khăm Xay hữu dũng vô mưu, không phải là đối thủ ngang tầm của Bảy Viễn.
 
Trong gần trăm năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, chỉ có 10 lượt tù nhân vượt ngục sống sót về tới đất liền thì Bảy Viễn đã chiếm 3 lượt. Vượt ngục Côn Đảo đã là cực kỳ nguy hiểm khó khăn, nhưng vượt được hơn trăm km đường biển, sống sót về tới đất liền mới là thử thách lớn nhất đối với tù nhân. Đã có hàng trăm tù nhân vượt ngục thành công nhưng lại bỏ mạng ở vịnh Mũi Cá Mập. Vùng biển dưới chân Mũi Cá Mập là nơi tập trung nhiều loại cá mập hung dữ nhất của biển Đông. Nơi đây có bãi cát tuyệt đẹp và cũng là điểm xuất phát lý tưởng để tù nhân vượt biển về đất liền. Ba lần trốn tù vượt biển bằng bè kết dây mây, thì cả ba lần Bảy Viễn thoát khỏi sự săn lùng của lính gác ngục, của hàm cá mập và của cả ngàn cơn sóng dữ, hoàn tất hành trình vượt ngục như một siêu nhân !
 
Thời thế đổi thay, gặp lúc Việt Minh “chiêu hiền, đãi sỹ” để hợp sức chống Pháp, Bảy Viễn toan tính con đường danh lợi lâu dài. Tháng 10 năm 1945, Bảy Viễn gia nhập Việt Minh, làm phó cho Ba Dương ở căn cứ Bình Xuyên, quận Nhà Bè. Khi Ba Dương bị lính Pháp bắn chết, tướng Nguyễn Bình lên thay, Bảy Viễn chỉ được phong chức vụ tư lệnh phó khu 7, chức vụ hữu danh vô thực. Biết mình không được Việt Minh tin dùng, Bảy Viễn đem 2 đại đội bộ binh về đầu quân cho Pháp, được phong hàm đại tá rồi hàm thiếu tướng. Khi trở thành ông chủ của khu giải trí Đại Thế Giới (Casino Grand Monde), Bảy Viễn được Bảo Đại bảo trợ nên làm ăn thuận lợi. Trường vốn, Bảy Viễn tiếp tục đầu tư, mở rộng mặt bằng kinh doanh ở khu Đại Thế Giới, bao gồm 2 sòng bạc, 2 rạp chiếu phim, ba rạp cải lương, 1 vũ trường. Trước đó, Bảy Viễn đã cưỡng chiếm Đại Thế Giới từ tay Lâm Giống, một trùm giang hồ, người Ma Cao, bằng vụ nổ lựu đạn giữa sòng bạc tại đây, làm 60 người chết.
 
Tháng 6 năm 1954, thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa Đại Thế Giới khiến Bảy Viễn bất mãn. Sau khi liên kết với các tổ chức tôn giáo lớn ở Sài Gòn như Cao Đài, Hòa Hảo, Bảy Viễn chỉ huy lực lượng Bình Xuyên tấn công dinh Độc Lập ngày 28 tháng 4 năm 1955. Cuộc tấn công thất bại, Bảy Viễn rút về Rừng Sác (khu vực cửa sông Đồng Nai – sông Sài Gòn – sông Vàm Cỏ). Tử huyệt của căn cứ Rừng Sác mà Bảy Viễn không lường trước chính là nguồn nước ngọt khan hiếm. Ngô Đình Diệm quyết định mở chiến dịch Hoàng Diệu bao vây Rừng Sác, dùng pháo kích chặn đường tiếp tế nước ngọt. Lực lượng Bình Xuyên suy sụp dần vì đói khát và bị tiêu diệt. Bảy Viễn được Pháp giải cứu đưa sang Pa-ri tị nạn, kết thúc giấc mộng đế vương giang hồ, tay trắng lại hoàn trắng tay !
 
TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG
 
Thế hệ thứ hai của giang hồ Sài Gòn thời cận đại, xuất hiện từ nửa cuối thập kỷ 1950 có bốn gương mặt được xem là “tứ đại thiên vương” gồm : Nhất Đại (Đại Cathay), nhì Tỳ (Huỳnh Tỳ), tam Cái (Ngô Văn Cái), tứ Thế (Nguyễn Kế Thế).
 
Khác với hình ảnh tiền bối giang hồ cổ trang Bảy Viễn của Sài Gòn thời hoang dã, Đại Cathay là biểu tượng giang hồ thời hiện đại của Sài Gòn thời văn minh công nghiệp. Đẳng cấp giang hồ của Đại Cathay sánh ngang đẳng cấp mafia quốc tế. Trong thập niên 1960 – 1970, trên mặt báo, phim ảnh, tiểu thuyết, hình ảnh Đại Cathay luôn xuất hiện như một tài tử xã hội đen được dân chúng Sài Gòn ngưỡng mộ. Đại Cathay có gương mặt khá điển trai, mái tóc quăn bồng bềnh, ánh mắt lấp lánh đa tình. Đại Cathay thường xuất hiện với trang phục quần jean, giày da cao cổ, miệng ngậm điếu thuốc lá “quân tiếp vụ”, tay bật hộp quẹt Zippo... Có người ví hình ảnh Đại Cathay đối với dân Sài Gòn thời ấy chẳng khác gì hình ảnh siêu cao bồi Buffalo Bill Cody đối với dân Mỹ đầu thế kỷ 20 !
 
 
 
Đại Cathay sinh năm 1940, tên thật là Lê Văn Đại, con trai của Lê Văn Cự, một giang hồ có số má cộm cán ở khu vực Chợ Cầu Muối, quận Nhất, quê gốc Bình Định. Sau khi cha mất ở nhà tù Côn Đảo, mẹ đi bước nữa, vị thế của Lê Văn Đại trong gia đình không còn như trước. Cha dượng cũng là dân mặt rô, ăn chơi đàng điếm, nghiện ngập, thường xuyên đánh đập mẹ con Đại. Một lần bị cha dượng đánh, Đại đánh lại rồi lặng lẽ bỏ nhà đi bụi ngay đêm đó.
 
Lê Văn Đại khởi nghiệp giang hồ ở Ngã Tư Công Lý (ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Công Trứ ngày nay) với nghề bán báo, đánh giầy. Trước Ngã Tư Công Lý có rạp xi-nê Cathay. Rạp xi-nê này tương tự như cái nôi, bầu sữa sinh dưỡng, vỗ về thuở hàn vi, đầu đời giang hồ của Lê Văn Đại. Với bản chất gan lỳ, sức chịu đòn lì lợm và tư cách thủ lĩnh bẩm sinh, Đại Cathay đương nhiên chiếm ngôi vị đầu đàn của lũ trẻ bụi đời ở khu vực này. Cái tên Đại Cathay có nguồn gốc từ đó !
 
Ngã Tư Công Lý là địa bàn khá màu mỡ, thuận lợi mưu sinh cho bọn trẻ vô gia cư. Từ ngày Đại nắm quyền sinh sát, với năng lực tổ chức, tài ứng biến thiên bẩm, Đại Cathay chiếm được lòng tin cậy tuyệt đối của thuộc hạ. Tiếng lành đồn xa, trẻ bụi đời từ nơi khác rủ nhau về Ngã Tư Công Lý đầu quân dưới trướng Đại Cathay. Hàng ngày, các đệ tử ruột của Đại Cathay như Ba Gà, Ba Tướng, Ba Binh, Ba Xù..., dẫn các nhóm bụi đời tỏa đi các đường phố bán báo, đánh giầy. Tối đến, chúng lại tụ tập trước rạp Cathay để điểm danh, chia chác thu nhập, phân bổ địa bàn mới. Tính cách của Đại Cathay rất ga-lăng, rộng lượng, công bằng, minh bạch nên thu phục được ngày càng nhiều đệ tử gần xa.
 
Từ năm 1955, Đại Cathay chuyển địa bàn hoạt động về Khánh Hội, quận 4, gần nhà máy thuốc lá Bastos, bắt đầu sự nghiệp giang hồ của một thủ lĩnh sắp qua tuổi thiếu niên, sẵn sàng huyết chiến với các băng đảng khét tiếng, tăng “số má”, nâng đẳng cấp giang hồ, từng bước thâu tóm những nguồn thu tiền bạc béo bở trong thế giới ngầm của Sài Gòn hoa lệ.
 
Giữa năm 1957, giới giang hồ Sài Gòn rúng động trước tin băng “giang hồ nhóc tỳ” Đại Cathay hạ bệ băng “giang hồ bố già” Bé Bún bằng một trận so găng dao búa kinh hoàng diễn ra ngay tại khu “thánh địa” Da Heo, khiến Bé Bún và hàng chục thuộc hạ của y phải ôm đầu máu đi cấp cứu trong các bệnh viện. Bị Đại Ca Thay trực tiếp đo ván bằng ba nhát mã tấu, Bé Bún buộc chấp nhận nhường vị thế ông chủ cho Đại Cathay ở khu vực Da Heo (từ Cầu Mống, qua Dân Sinh, đến Cầu Ông Lãnh). Như vậy, mới sang tuổi 18, Đại Cathay đã cầm đầu băng giang hồ khét tiếng nhất Sài Gòn với nguồn thu cực lớn từ các vũ trường, khách sạn, sòng bài, xưởng nấu xà bông, lò mổ heo...Được sự tôn phù của các đệ tử “văn võ song toàn” như Lâm Chín Ngón, Hoàng Guitar, Hùng Đầu Bò..., Đại Cathay tiếp tục nhắm tới ngôi vị bá chủ trên đất Sài Thành.
 
Không chấp nhận cho Đại Cathay làm mưa làm gió, ba băng giang hồ của Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế, hợp sức giăng bẫy “kết nghĩa vườn đào” hạ bệ Đại Cathay. Chúng mở đại tiệc giả bộ qui hàng mời Đại Cathay tới dự rồi mai phục hạ thủ. Bị Tỳ, Cái, Thế cùng lúc chém bất ngờ, Đại Cathay ôm đầu máu thoát được ra cửa, và chống đỡ cho đến lúc đàn em ứng cứu. Với những nhát chém khủng khiếp của Tỳ, Cái, Thế, ai cũng nghĩ Đại Cathay sẽ về chầu Diêm Vương, không hiểu sao Đại vẫn thoát được lưỡi hái tử thần. Khi những vết thương chưa kịp lành, Đại Cathay một mình một dao đột nhập vào tận sào huyệt của từng băng giang hồ trên, tìm Tỳ, Cái, Thế, xử từng tên một. Sau khi Tỳ, Cái, Thế đã thuần phục dưới trướng, Đại Cathay thống lĩnh giang hồ toàn vùng Sài Gòn – Gia Định, tiếp tục mở rộng địa bàn sang Chợ Lớn, xóa sổ băng giang hồ đầu sỏ ở nơi này là băng giang hồ Tàu của thủ lĩnh Tín Mã Nàm.
 
Băng giang hồ Đại Cathay nổi tiếng nhất Sài Gòn trong thập niên 1960, không chỉ hiện diện ngoài đời mà còn đi vào tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt” của nhà văn Dương Anh, xuất hiện trên phim của đạo diễn Lê Dân, phổ vào âm nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của nhạc sỹ Phạm Duy :
 
“Ngựa hoang về tới bến rồi
Cởi hết lòng ta với cõi đời
Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục
Và trên lưng còn nguyên những vết thù !”
 
HÙM XÁM MIỀN TRUNG, TAM XÀ ĐẤT CẢNG
 
“Hùm xám miền Trung” là biệt danh của Năm Vĩnh, do giới giang hồ ở miền Trung đặt cho y. Năm Vĩnh sinh năm 1947, nổi tiếng từ cuối thập niên 1960. Khác với hầu hết giang hồ khác, Năm Vĩnh con nhà tử tế, học rất giỏi, từng khiến thầy trò trường Bồ Đề danh giá ở Quảng Ngãi thán phục.
 
Tuy nhiên, số phận của Năm Vĩnh không hợp cung mệnh nghiên bút, khoa bảng mà lại đóng đinh vào nghiệp chướng thảo khấu, giang hồ. Bỏ học giữa chừng, Năm Vĩnh tầm sư học võ. Bất cứ lò võ nào có tiếng ở vùng đất Quảng, Năm Vĩnh cũng khăn gói tìm đến học hỏi. Sự gan lỳ cùng với những ngón võ cao cường giúp Năm Vĩnh nhanh chóng sưu tập số má, chẳng bao lâu Năm Vĩnh đã trở thành thủ lĩnh của giới giang hồ miền sông Trà, núi Ấn !
 
Điểm khác biệt của giang hồ “Hùm xám miền Trung” Năm Vĩnh là ăn theo cuộc chiến, hoạt động ngay trong các đơn vị quân đội, mở rộng địa bàn tới các vùng chiến thuật. Năm 1970, Năm Vĩnh làm mưa làm gió ở quân cảng Nha Trang, moi tiền lính tráng thông qua các vũ trường, sòng bài, quán bar. Bị truy nã sau khi chém chết một sỹ quan quân cảnh, Năm Vĩnh đăng lính với cái tên giả Nguyễn Văn Biên, chuyên cung cấp ma túy cho các đơn vị quân đội ở Nha Trang, Tây Nguyên thuộc vùng II chiến thuật.
 
 
 
Nấm mồ hoang lạnh của Dung Hà trong nghĩa trang Ninh Hải – Hải Phòng
 
Ở phía Bắc, Hải Phòng là nơi tập trung những tên tuổi giang hồ ngoại hạng. Trong số hàng trăm giang hồ nổi tiếng đồng bằng sông Hồng, thì Cu Nên, Dung Hà, Lâm Già (Hải Phòng) được xem là “tam xà” trấn giữ đất cảng. Đó là ba thế lực ngang ngửa nhau, cát cứ ba thị phần làm ăn của thế giới ngầm, hình thành thế “chân vạc”giang hồ ở thành phố hoa phượng đỏ suốt 2 thập kỷ 1980 – 1990.
 
Lâm Già là trùm buôn lậu hàng bãi từ các tàu viễn dương. Cu Nên là tay lái súng chuyên nghiệp kiêm đâm thuê chém mướn. Dung Hà là trùm bảo kê hệ thống sòng bạc, vũ trường.
 
Cu Nên tên thật là Phạm Đình Nên, sinh năm 1957, dẫn đầu danh sách tội phạm có tiền án tiền sự nhiều nhất ở miền Bắc : 22 lần. Cu Nên vào trại cải tạo từ năm 13 tuổi, từng vượt biên và trú ngụ 2 năm trong trại tị nạn Hồng Kong. Cu Nên lĩnh án tử hình ngày 7 tháng 4 năm 1997.
 
Lâm Già tên thật là Ngô Thế Lâm, sinh năm 1956. Phụ mẹ bán hàng ở chợ Sắt – Hải Phòng, Lâm Già chọn con đường trộm cắp để gầy dựng nghiệp giang hồ. Mãn hạn tù năm 31 tuổi, Lâm Già xin vào làm bốc vác ở cảng, tiếp cận, móc nối với các thủy thủ tàu viễn dương đánh hàng bãi từ Nhật, Hàn Quốc về tiêu thụ ở Việt Nam. Lâm Già đã từng bóc lịch hàng chục năm ở nhà tù Sơn Nguyên (Hải Phòng), Trại 5 (Thanh Hóa), Phú Sơn (Thái Nguyên). May mắn hơn Cu Nên và Dung Hà, Lâm Già hiện còn được sống (mãn hạn tù năm 2014), sum họp gia đình với người vợ chung tình và ba cô con gái xinh đẹp, học hành tử tế.
 
Dung Hà tên thật là Vũ Thị Hoàng Dung bị đệ tử của Năm Cam bắn chết lúc 0h25 ngày 2 tháng 10 năm 2000, trước cửa quán Karaoke số 17 đường Bùi Thị Xuân – Quận 1 – Sài Gòn. Thi thể của Dung Hà được đàn em khâm niệm trong quan tài kẽm, chở bằng chuyên cơ về Hải Phòng. Với sự bảo trợ tài chính dồi dào của Minh Sứt (Ngô Đức Minh – Giám đốc công ty vận tải biển Cửu Long) đám tang của Dung Hà được tổ chức tại Hải Phòng hoành tráng như một đám tang của trùm mafia Hồng Kong.
 
Thời hoàng kim, dưới trướng của Dung Hà là một giàn đệ tử nam nhi lừng lẫy thế giới ngầm đất cảng, nhưng trái tim của nữ quái giang hồ này chỉ dành cho hai người đàn ông cùng tên là “Hùng”. Mối tình đầu của Dung Hà với Hùng Chim Chích chỉ tồn tại hai mùa phượng vỹ. Sau khi Hùng Chim Chích chết trong tù, Dung Hà nảy sinh tình cảm với Hùng Cốm, coi Hùng Cốm như chồng. Khi Hùng Cốm sa lưới pháp luật, bị giam ở trại Trần Phú, Dung Hà đã lên kế hoạch giải cứu chồng rất tốn kém và công phu. Dung Hà mua hẳn một chiếc tàu lớn chờ sẵn ngoài khơi để đưa Hùng Cốm sang Hồng Kong bằng đường biển ngay sau khi thoát ngục. Cuộc giải cứu bằng lựu đạn và súng hoa cải không thành, Hùng Cốm bị bắt trở lại rồi chết. Trước mộ chồng, Dung Hà thề “Đời này, em chỉ có mình anh là chồng, từ nay không thằng đàn ông nào đụng vào em được nữa”. Từ đó người ta thấy trái tim của Dung Hà như hóa đá, tóc cắt ngắn, cư xử nói năng như đàn ông, không hề cảm xúc trước bất kỳ cử chỉ âu yếm hay lời lẽ tán tỉnh nào của người khác giới.
 
Sai lầm lớn nhất trong đời giang hồ của Dung Hà là quyết định vào Sài Gòn làm ăn. Trước khi bay vào Sài Gòn, Dung Hà tới mộ Hùng Cốm thắp hương, chân nhang bốc cháy, bát hương nứt đôi, nhiều đệ tử thấy thế cho là điềm chẳng lành, ra sức can ngăn, nhưng không được.
 
 
 
Lãnh địa giang hồ Sài Gòn sau năm 1975 do Năm Cam thống lĩnh. Năm Cam tên thật là Trương Văn Cam, sinh năm 1947. Trước năm 1975, Năm Cam chỉ thuộc loại giang hồ “ong ve”, chuyên làm gác cửa, cắm xường, phát hỏa cho sòng bài của người anh rể là Bảy Sy ở khu vực chợ Cầu Muối. Năm 1965, sòng bạc của Bảy Sy bị Đại Cathay xóa sổ, Năm Cam đi lính và không có số má gì đáng kể trong giới giang hồ của Sài Gòn thời bấy giờ.
 
Quen tính cách giang hồ mã thượng ở Hải Phòng, Dung Hà không chịu hợp tác với Năm Cam, không chịu cam phận dưới trướng giang hồ Sài thành, tính chuyện làm ăn riêng rẽ. Dung Hà đã quên rằng “đất có thổ công, sông có hà bá” và nhập gia thì phải tùy tục. Khi đã phạm luật chơi giang hồ thì đương nhiên bị xử theo luật rừng. Lối hành xử ngạo mạn của Dung Hà khiến Năm Cam nổi giận. Vào một đêm đẹp trời của mùa thu Sài Gòn, Hải Bánh (Nguyễn Tuấn Hải) lãnh mật lệnh của Năm Cam nổ súng, kết liễu nữ quái giang hồ phương Bắc !
 
 
 
Giang hồ Hải Bánh
 
Sang thế kỷ 21, hình ảnh và bản chất giang hồ ở Việt Nam đã biến tướng và di căn sang nhiều thành phần khác của xã hội. Giang hồ không tồn tại như một tổ chức riêng rẽ, chuyên nghiệp. Tính cách, hành vi giang hồ ẩn náu trong lớp vỏ bọc đạo mạo, sang trọng. Luật giang hồ nhiều khi được hợp pháp hóa và thực thi giữa thanh thiên bạch nhật bằng hệ thống quyền lực mềm của những cán bộ thoái hóa, biến chất. Một số cá nhân, tổ chức, đoàn thể, núp bóng ô dù chính quyền, tham nhũng, ăn chặn của dân, hoặc độc quyền trên thương trường, hoặc thao túng chính trường vì lợi ích riêng bằng những thủ đoạn tàn độc. Hiện tượng nhóm lợi ích hình thành ở làng xã, tỉnh thành, bộ ngành thực chất là sự tranh giành, trục lợi, cưỡng đoạt kiểu xã hội đen giữa các băng đảng giang hồ kiểu mới !
 
Trong số hàng trăm nhóm lợi ích kiểu băng đảng bị dính đòn trong khoảng chục năm trở lại đây thì vụ Minh Sâm (bị bắt ngày 13 tháng 8 năm 2014) là một ví dụ khá điển hình về loại băng đảng kiểu gia tộc, gia đình trị. Minh Sâm tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1960, giám đốc công ty TNHH Đại An – Bắc Ninh.
 
 
 
Trùm giang hồ Kinh Bắc : Minh Sâm
 
Những hoạt động kinh doanh của công ty Đại An theo giấy phép của nhà nước chỉ là cái vỏ bọc cho hoạt động giang hồ của Minh Sâm trên địa bàn Kinh Bắc và ở một số tỉnh thành khác như Kiên Giang, Hải Phòng, Hà Nội. Được sự cộng tác đắc lực của con gái (Trần Thu Hằng), con rể (Trần Thái Sơn) và một số đàn em mặt rô như Nguyễn Văn Tùng, Vũ Quốc Khánh, Phạm Văn Đức, công ty Đại An là một trong những băng giang hồ kiểu mới, thao túng công quyền, pháp luật, coi thường cộng đồng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Minh Sâm ngang nhiên hành xử với dân, theo luật riêng của y, ví như việc thu thuế ở chợ Phù Khê Đông (Từ Sơn – Bắc Ninh), việc đền bù và giải phóng mặt bằng trong các dự án mở đường, việc buôn gỗ lậu, việc mở lò dạy võ, việc sử dụng lựu đạn, súng quân dụng để uy hiếp đối thủ...vv
 
 
 
Không ít đại gia, thiếu gia, công chức, con ông cháu cha ở Việt Nam hiện nay nhiễm máu giang hồ. Chúng ỷ y vào tiền bạc, quyền lực, coi thường luật pháp, xử sự với người dân thấp cổ bé họng như con ong cái kiến. Chúng dửng dưng trước nỗi bất hạnh, khốn khó và cả tính mạng của những nạn nhân do chúng gây ra. Chúng cấu kết với nhau thành một thế lực ngầm cực kỳ nguy hiểm, dùng cái ác để thắng cái thiệt. Chúng gieo rắc tư tưởng bạo lực trong nhà trường, gia đình, xã hội...! Chúng góp phần làm băng hoại văn hóa đức và gây ra nguy cơ không nhỏ cho sự tồn vong của đất nước, của dân tộc.
 
Đã đến lúc phải nhận rõ mặt giang hồ ngày nay, chúng là ai ?
 
SÀI GÒN 2016 – NGÔ QUỐC TÚY
Copyright © 2016 Nguồn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét