Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

BÍ ẨN KHẢO CỔ 22 (Mộ Tào Tháo)

(ĐC sưu tầm trên NET)

 

                                                                     Phát hiện mộ Tào Tháo

Bí ẩn 72 ngôi mộ của Tào Tháo: Đâu là mộ thật?

 

Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không biết quan tài nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật.

Không chỉ được coi là người lập ra vương quốc hùng mạnh nhất trong thời kì Tam Quốc với tài năng quân sự, chính trị, thơ ca lừng danh, Tào Tháo còn nổi tiếng là một người đa nghi và quyền biến.
Cũng bởi cái tính đa nghi và quyền biến nên lúc còn sống ông được coi là người có nhiều kẻ thù nhất, và trước khi chết, Tào Tháo đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư, vì thế mộ của Tào Tháo cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Bí ẩn thiên cổ
Tương truyền, Tào Tháo là người cả đời tiết kiệm. Ông yêu cầu người nhà và các quan chức rất nghiêm. Vợ của Tào Thực con trai ông vì mặc quần áo lĩnh the mà bị ông theo gia quy hạ chiếu “tự trừng phạt”. Các đồ vải vóc dùng trong cung nếu rách rồi thì vá lại dùng tiếp, không được thay mới.
Có thời kỳ thiên hạ bị thiên tai đói kém, đời sống khó khăn, vật dụng thiếu thốn, Tào Tháo không mặc triều phục da, các quan trong triều cũng không ai dám đội mũ da. Việc trước khi mất Tào Tháo yêu cầu cho xây thật nhiều mộ giả xuất phát từ tính đa nghi của ông.
Chuyện kể rằng lúc còn nhỏ, trong một lần tham gia cùng với nhóm đào trộm mồ mả, tận mắt thấy chúng lấy hết của cải tùy táng với người chết, Tào Tháo liên hệ ngay đến bản thân mình sau này sau khi chết. Vì vậy, để đề phòng bản thân sau khi chết không rơi vào thảm cảnh ấy, ông đã nhiều lần yêu cầu “chôn cất đơn giản”.
Còn về tính đa nghi, khi còn sống, vì đa nghi nên Tào Tháo đã giết nhầm rất nhiều người nên có khá nhiều kẻ thù, Tào Tháo muốn sau khi chết không bị những kẻ thù kia lật mộ lên mà trả thù. Bởi vậy ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không biết quan tài nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật.
Bí ẩn thiên cổ về 72 ngôi mộ Tào Tháo đến nay vẫn chưa có lời giải. Điều này đã thu hút sự chú ý của những kẻ đào trộm mồ mả song chưa có ai đào được mộ thật của Tào Tháo. Tương truyền trong những năm quân liệt hỗn chiến, một nhà buôn đồ cổ người Ấn Độ đã thuê nhân công đào mười mấy ngôi mộ giả để tìm cho ra ngôi mộ thật của Tào Tháo.
Nhưng khi đào những ngôi mộ này, ngoài một số đồ gốm sứ ra không thu được thứ gì khác. Hài cốt thực của Tào Tháo chôn ở đâu vẫn là một bí ẩn. Có người căn cứ vào “thơ mộ Tào Tháo” suy đoán mộ ông ở đáy sông Chương. Theo cuốn “Chương Đức phủ chí”, lăng Ngụy Vũ Đế Tào Tháo ở thông Linh Chi, cách đài Đồng Tước 5km về phía chính Nam. Tuy nhiên khi tiến hành khảo sát, điều này chỉ là giả thiết.
Mộ Tào Tháo có thể ở đâu? Có một ý kiến cho rằng, mộ ông ở “Cô Đôi Tào Gia” (tức mộ phận họ Tào) thuộc huyện Tiều - quê hương của Tào Tháo. Theo ghi chép “Văn Đế” trong cuốn “Ngụy Thư”: “Năm Giáp ngọ (năm 220) mở tiệc chiêu đãi quân lính và dân chúng ở Ấp Đông (thuộc huyện Tiều). Văn Đế đến huyện Tiều, thiết đãi phụ lão ở đây. Lập đàn trước nhà lập bia được gọi là bia thết đãi lớn”.
Bi an 72 ngoi mo cua Tao Thao: Dau la mo that?
 Tào Tháo trên phim.
Tào Tháo mất tháng Giêng năm Giáp Ngọ, ngày hai chôn cất. Nếu chôn ở Thành Nghiệp, Ngụy Văn Đế Tào Phi vì sao không đi Thành Nghiệp mà lại quay về quê hương? Mục đích chuyến đi này của Tào Phi là để kỷ niệm ngày mất của Tào Tháo? Sách “Ngụy Thư” còn nói: “Năm Bính Thân, Tào Phi đích thân đến ở lăng Tiều”.
Lăng Tiều chính là “Cô Đôi Tào Gia” nằm cách thành Đông 20km. Nơi này từng là nhà ở của Tào Tháo, cũng là nơi Tào Phi ra đời. Ngoài ra, sách còn chép: “Bột Châu có quần thể mộ thân tộc Tào Tháo. Trong đó có mộ ông nội, cha, con cái của Tào Tháo”. Từ đó suy đoán, mộ Tào Tháo cũng chôn ở đó. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không có bằng chứng xác đáng.
Mộ Tào Tháo được khám phá?
Vào ngày 3 tháng 4 năm 2009, hơn 11 nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc về giai đoạn lịch sử Tần Hán và Ngụy Tấn Nam Bắc Triều đã mở một cuộc hội nghị thảo luận về ngôi mộ cổ phát hiện ở An Dương, Hà Nam được cho là mộ Tào Tháo hồi cuối năm 2008.
Trong hội nghị này, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, từ những di vật khai quật được, cho đến quy cách, hình dáng và hoàn cảnh địa lý xung quanh của ngôi mộ, có thể kết luận đây chính là ngôi mộ của Tào Tháo. Sau đó tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành quy hoạch phạm vi bảo vệ cho đến xây dựng cơ quan bảo vệ di tích này. Việc khẳng định ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo cũng dẫn đến rất nhiều những vấn đề khác. Chẳng hạn, xung quanh mộ Tào Tháo liệu có còn mộ huyệt của người nhà ông không? Và lăng của Tào Tháo nằm ở đâu?
Khi những tranh luận về chuyện thật giả của ngôi mộ Tào Tháo được phát hiện ở An Dương cũng là lúc người ta chuyển sự chú ý đến bản thân Tào Tháo. Trước đây, trong quan niệm truyền thống, người ta luôn cho rằng Tào Tháo là kẻ gian hùng, thậm chí là gian tặc. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, các nhà lịch sử bắt đầu lật lại “nghi án” này.
Vào tháng 2 năm 1959, Quách Mạt Nhược liên tiếp viết “Thái Văn Cơ” rồi “Thay Tào Tháo phản án” minh oan cho Tào Tháo, cho rằng ông là nhà chính trị, quân sự, văn học có tài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, “bản án” của Tào Tháo đã bị xếp lại. Nhà sử học Chu Thiệu Hầu nói, việc khai quật mộ Tào Tháo cùng những di vật được tìm sẽ cung cấp những chứng cứ quan trọng cho việc lật lại “nghi án” Tào Tháo.
Chu Thiệu Hầu cho biết ngôi mộ được phát hiện ở An Dương chỉ vẻn vẹn hai gian với diện tích hơn 740m2, các vật tùy táng phần nhiều là đồ bằng đá, chỉ có ba đồng tiền. Cách chôn cất tiết kiệm này hoàn toàn phù hợp với chủ trương mai táng đơn giản được Tào Tháo ghi trong “Di lệnh”.
Điều này cho thấy, Tào Tháo cả đời sống cần kiệm, quan tâm đến cuộc sống của dân. Từ đó, Chu Thiệu Hầu nói rằng, đã đến lúc các nhà sử học phải liên kết với các nhà kiến trúc xây dựng lại hình tượng chính diện cho Tào Tháo, rửa án oan suốt hàng ngàn năm nay cho nhà chính trị tài ba này.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái ngược đầy nghi vấn về ngôi mộ được phát hiện ở An Dương. Giáo sư Vương Hâm Nghĩa ở khoa Lịch sử thuộc Đại học An Huy cho rằng, những thứ vũ khí trong mộ như hổ đại kích, hổ đại đao hay chùy đá không phù hợp với ghi chép lịch sử vì khi sinh thời, Tào Tháo chủ yếu sử dụng kiếm.
Giáo sư Trương Tử Hiệp, Chủ nhiệm khoa Lịch sử ở Đại học An Huy, đã nêu ra 4 nghi vấn: Thứ nhất, trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về mộ Tào Tháo nhưng đều có điểm chung là lăng mộ này được xây dựng ở khu vực đồi núi. Bởi khi cử hành lễ tang thì Tào Phi, con cả của Tào Tháo, ghi rõ: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga”. Trong khi đó, khu mộ vừa được tìm thấy lại nằm ở vùng đồng bằng.
Thứ hai, lúc sinh thời, Tào Tháo chủ trương sau khi mất, các đại thần, tướng lĩnh trong triều có công sẽ được mai táng xung quanh mộ ông. Tuy nhiên, khu mộ nói trên dù được xây với quy mô lớn nhưng cạnh đó không có mộ của đại thần hoặc tướng lĩnh nào.
Thứ ba, những phiến đã có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” là danh xưng chỉ được phong cho Tào Tháo sau khi ông qua đời một thời gian, Hơn nữa những phiến đá này không phải được lấy từ mộ ra mà do thu hồi của những kẻ trộm cắp. Thứ tư, trong mộ không có ấn tín, đây lại là vật không thể thiếu ở lăng mộ của các bậc vua chúa Trung Hoa. Bốn nghi vấn trên hiện chưa được giải đáp thỏa đáng. Vì vậy, mộ thực của Tào Tháo hiện ở đâu vẫn chờ khoa học giải đáp chính xác.

Tào Tháo bị cắt đầu sau khi chôn!

03/07/2010 14:39

(NLĐO)- Theo kết quả giám định của các nhà nghiên cứu, sau khi chôn, Tào Tháo bị kẻ thù kéo xác ra khỏi quan tài, và cắt đầu, rạch mặt nham nhở, các mảnh xương mặt bị vỡ vụn. Vì vậy không thể phục hồi lại, cũng không thể dùng kỹ thuật phục chế lại khuôn mặt Tào Tháo cho người đời xem được.

Tào Tháo, lúc sinh thời có nhiều kẻ thù, nên lúc sắp chết đã căn dặn con cháu xây 99 ngôi mộ giả khắp nơi để đánh lừa kẻ thù, sợ bị quật mộ lấy xác.
Bên ngoài khu khai quật
Nhưng sau hơn hàng ngàn năm yên ngủ, cuối năm 2009, nhóm khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện quần thể mộ của dòng tộc Tào Tháo tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Do sợ kẻ thù quật mộ, nên Tào Tháo không dám chôn ở quê nhà là thành phố Hào Châu tỉnh An Huy mà phải chôn ở tha hương.
Cửa mộ đã bị phá trước khi khai quật
Bên trong mộ
Sau nhiều tháng điều tra, khảo sát, phân tích, đo đạc đến thượng tuần tháng 6-2010, các nhà khảo cổ mới quyết định khai quật các mộ này, và truy tìm chính xác mộ của Tào Tháo.
  
Tại lăng mộ của ông, các nhà nghiên cứu rất lấy làm lạ, trong gian đầu tiên của lăng tẩm, có đến hơn 60 bia đá được chạm trổ tinh xảo, trên đó ghi rõ các vật tùy táng của Ngụy Võ Đế ( con của Tào Tháo là Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, tự lên ngôi, lập nhà Ngụy, xưng Ngụy Văn Đế, truy phong cha là Ngụy Võ Đế) đều bị đánh vỡ.
Thanh kiếm dài hơn 50cm của Tào Tháo thường đem theo bên mình
Quần thể mộ của Tào Tháo gồm 2 ngôi mộ, được các nhà nghiên cứu đánh số thứ tự ngôi mộ 1, ngôi mộ 2. Mỗi ngôi mộ đều có nhiều gian, rộng trên 100m vuông, sâu đến 35m cách mặt đất.
 
Ngôi mộ số 2 mới là mộ của Tào Tháo, mộ số 1 là mộ tùy táng, bên trong có 2 hài cốt của phụ nữ, 1 người xác định khoảng hơn 20 tuổi, 1 người khoảng 50 tuổi, có lẽ là thê thiếp chôn sống cùng Tào Tháo. Trong lăng tẩm của Tào Tháo chia làm nhiều gian, bên trong cùng nhất mới là quan quách, thi hài của Tào Tháo.
Các ngọc ngà châu báu khai quật được
Trong các ngôi mộ, các nhà khảo cổ phát hiện có đến hơn 300 vật tùy táng, chôn theo Tào Tháo, trong đó, có rất nhiều vật quý giá, quý hiếm, như viên ngọc phỉ thúy trong miệng Tào Tháo ngậm lúc chôn; các binh khí đều khắc tên Tào Tháo từng sử dụng lúc sinh thời, họ còn phát hiện có cả ngọc ấn của Tào Tháo.
Các bia khắc tên của Tào Tháo cũng bị đánh vỡ
Điều lạ thứ hai là tuy bí ẩn như vậy, nhưng các nhà khoa học không phải là người đầu tiên đột nhập vào mộ Tào Tháo. Trên mộ số 1, có đến 5 cái hang do kẻ đào mộ đột nhập, sau đó lấp lại. Cũng có thể không phải là kẻ đào mộ, vì nhiều vật quý giá vẫn còn nguyên, nhiều khả năng là kẻ thù của Tào Tháo đã rắp tâm trả thù, quật mộ.
Trong gian đầu tiên trong mộ số 1 của Tào Tháo đã phát hiện cái đầu của Tào Tháo, theo kết quả giám định sau khi chôn, Tào Tháo bị kẻ thù kéo xác ra khỏi quan tài, và cắt đầu, rạch mặt nham nhở, đây là hành động trả thù của những người có mối thù sâu nặng, không đội trời chung với Tào Tháo. Vì lúc còn sống, Tào Tháo cũng từng làm vậy với kẻ thù của mình.
Xương sọ bị vỡ của Tào Tháo
Vì vậy, các mảnh xương mặt bị vỡ vụn, không thể phục hồi lại, nên cũng không thể dùng kỹ thuật phục chế lại khuôn mặt của Tào Tháo cho người đời xem được.
Hiện nay, các nhà khoa học tiếp tục giải mã những điều còn lại như: danh tánh 2 phụ nữ trong mộ tùy táng số 2 là ai, truy tìm kẻ thù đã quật mộ Tào Tháo, xác định xem có phải là người nhà của Tư Mã Ý không, các bức tranh phù điêu chảm trổ trong mộ có ý nghĩa gì, giám định các vật dụng tùy táng...
Gia Quyền ( tổng hợp )
(Văn hóa) - Trong số hai hài cốt phụ nữ được an táng trong mộ được cho là của Tào Tháo, phải chăng, hài cốt hơn 50 tuổi là Biện hoàng hậu?
Theo bài viết có cùng nội dung đăng trên trang People.com.cn và Ifeng.com vào tháng 10 vừa qua, nhà khảo cổ học có tiếng của Trung Quốc Lưu Khánh Trụ và tác giả Nghê Phương Lục – “cha đẻ” của hai cuốn sách đình đám: “Các vụ đào trộm mộ” và “Lịch sử các vụ đào trộm mộ cổ Trung Quốc”  đã có buổi giao lưu trò chuyện với các cư dân mạng trên Sina, bàn nhiều hơn đến những vấn đề liên quan tới phát hiện khảo cổ mộ Tào Tháo.

Nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ cho biết, mộ Tào Tháo được phát hiện đã tương đối lâu và đã bị đào trộm. Sau khi được chính quyền phê chuẩn, công tác khai quật mới bắt đầu tiến hành. Nhưng khi ấy, không hề hay biết đó là mộ Tào Tháo. Từ tháng 10 năm nay, mọi thứ mới ngày càng trở nên rõ ràng.
Trước vấn đề được giới truyền thông nêu ra: “Giới văn học hoặc giới sử học, đặc biệt là giới sử học luôn tìm kiếm mộ Tào Tháo trong nhiều năm. Làm thế nào để xác minh mộ Tào Tháo này là thật”, chuyên gia Lưu Khánh Trụ đã đưa ra quan điểm của mình với một số căn cứ chính sau đây:
Thứ nhất, vị trí của ngôi mộ. Phía Bắc huyện An Dương là Nghiệp Thành, kinh đô của Tào Tháo thời bấy giờ. Theo thông lệ của xã hội cổ đại, sau khi hoàng đế băng hà, thi thể sẽ được an táng tại nơi gần kinh đô. Vì vậy, vị trí phát hiện ra ngôi mộ phù hợp với thông lệ lịch sử nêu trên.

Thứ hai, quy cách ngôi mộ tương đối lớn. Theo những kiến thức khảo cổ hiện có, ngôi mộ này thuộc hàng cao cấp, hoặc là Vương mộ hoặc mộ của một nhân vật có vị trí cấp cao trong xã hội.
Thứ ba, căn cứ theo niên đại của các di vật tùy táng khai quật được trong mộ. Các khí cụ trong mộ Tào Tháo thuộc thời Đông Hán. Cũng xuất phát từ nhiều nhân tố khác, ví dụ như khai quật được tấm thẻ bài bằng đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”, các nhà khảo cổ mới đưa ra kết luận “mộ Tào Tháo”.
Lưu Khánh Trụ nói: “Mộ không phải bị đào trộm mà đã bị tàn phá. Lúc tôi tới hiện trường, có rất nhiều đá, cấu kiện bên trong mộ, vài viên đá có thể là một phần của cánh cửa đá, đã bị đập nát. Vốn chỉ cần đẩy cửa ra là được, nhưng tại hiện trường, những khối đá cứng, khó vỡ là vậy đều bị đập nát…Bên trong mộ còn phát hiện được ba chiếc đầu lâu. Một cái là của đàn ông, hai cái còn lại là của đàn bà. Bọn trộm mộ không lấy trộm xương, những chiếc đầu lâu chỉ còn giữ được phần xương sọ, riêng mũi và mặt phía trước đã bị vỡ. Đây là hành động trút giận cá nhân, rất có thể xuất phát từ động cơ báo thù chính trị. Từ đó, có thể đưa ra suy đoán,rằng, thời gian ngôi mộ bị hủy hoại xảy ra không lâu sau khi hoàn thành phần xây cất”.

“Trong số hơn 200 hiện vật khai quật được trong mộ, chỉ tính riêng số thẻ bài bằng đá đã lên tới hơn 50 chiếc. Nhưng phàm là những thẻ bài có chữ: “Ngụy Vũ Vương thường dụng” đều đã bị đập gãy. Những cái còn lại, không có chữ “Ngụy Vũ Vương” thì bình an vô sự. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là hành động đập phá để trả thù”, chuyên gia này nhận định.
Riêng tác giả Nghê Phương Lục thì cho rằng, việc trộm mộ có hai mục đích. Thứ nhất là nhằm tìm kiếm châu báu quý giá. Một mục đích khác là nhằm phá hoại phong thủy. Việc này rất có thể diễn ra sau khi Tư Mã Ý cướp ngôi. Ông ta làm vậy nhằm phá long mạch của nhà họ Tào.
Xung quanh những vấn đề về mộ Tào Tháo được giới chuyên gia lẫn dư luận quan tâm, nổi cộm lên là thân phận thực sự của hai bộ hài cốt nữ được táng cùng trong mộ (hơn 20 tuổi và hơn 50 tuổi). Theo nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ, bộ hài cốt của người phụ nữ hơn 50 tuổi rất có thể là của Biện hoàng hậu.
People và Ifeng dẫn lời chuyên gia này: “Người đảm nhiệm việc nghiên cứu xương sọ của các hài cốt là một tiến sĩ trong phòng nghiên cứu. Theo phân tích của chuyên gia này, một người phụ nữ trong mộ có tuổi tầm trên 50. Tôi cho rằng đó là hài cốt của Biện hoàng hậu. Biện hoàng hậu ít hơn Tào Tháo 20 tuổi. Khi mất, Tào Tháo 66 tuổi, còn người phụ nữ này hơn 40 tuổi. Sau hơn 10 năm, Biện hoàng hậu khi qua đời ở vào độ tuổi hơn 50, điều đó đồng nhất với kết quả giám định hiện tại. Riêng người phụ nữ trẻ hơn, hiện còn chưa rõ là hài cốt của một a hoàn hay một người thiếp khác của Tào Tháo”.

Trong một bài viết cũng xoay quanh chủ đề về hai hài cốt nữ trong mộ Tào Tháo được đăng trên trang Ifeng.com vào ngày 9/6/2010, có đoạn viết: Theo kết quả giám định của tiến sĩ Vương Minh Huy – chuyên gia giám định thuộc Phòng nghiên cứu khảo cổ, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, trong hai hài cốt nữ, một người chừng 50 tuổi (ban đầu công bố là “40 tuổi”), người còn lại khoảng 20 tuổi.
Bài viết này được trích từ cuốn: “Tam quốc đại mộ” của tác giả Nghê Phương Lục, do Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô xuất bản. Tác giả cũng đặt ra vấn đề, nếu nói hài cốt nam 60 tuổi là Tào Tháo, vậy, hai người phụ nữ kia có quan hệ gì với nhân vật nổi tiếng trong lịch sử này và họ là ai? Theo tác giả, xét theo phong tục tùy táng, hai người phụ nữ này chỉ có thể là thê thiếp của Tào Tháo….
(BTK)
(Văn hóa) - Vì sao hai người phụ nữ ấy lại xuất hiện trong mộ? Nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của các “giai nhân” là gì? Hàng loạt câu hỏi vẫn còn là ẩn số chưa lời giải.

Kỳ trước, danh tính của hai hài cốt nữ bí ẩn chôn cùng trong mộ Tào Tháo đã được nhà khảo cổ Lưu Khánh Trụ và tác giả Nghê Phương Lục đề cập tới. Theo đó, chuyên gia Lưu Khánh Trụ nhận định, bộ hài cốt của người phụ nữ hơn 50 tuổi rất có thể là Biện hoàng hậu.

Trong bài viết liên quan tới vấn đề này được đăng tải trên trang Ifeng.com với nội dung trích ra từ cuốn “Tam quốc đại mộ” (do Nhà xuất bản Nhân Dân Giang Tô xuất bản tháng 6/2010), tác giả Nghê Phương Lục cho rằng, điều khiến bạn đọc tò mò và hứng thú hơn cả, có lẽ không nằm ở hài cốt nam được phát hiện trong mộ, mà chính là hai “giai nhân” bí ẩn kia. Ngoài sự thực về danh tính, nguyên nhân cái chết của các hài cốt nữ cũng là ẩn số khó giải với giới khoa học. Tác giả Nghê đặt ra vấn đề: “Vì sao hai người phụ nữ ấy lại xuất hiện trong mộ thất? Lẽ nào họ đã tự sát, đã vì tình mà hy sinh cả tính mạng?”.
Theo ông, trong quá trình khảo cổ, giới chuyên gia đã phát hiện thấy, trên xương cốt của cả hai người đều có đốm màu, không giống với cái chết thông thường mà vô cùng kỳ quặc.

Di cốt bình thường có sắc vàng, nhưng theo những gì mà các nhân viên khảo cổ tại hiện trường đã tiết lộ với giới truyền thông, hai hài cốt nữ được tìm thấy trong mộ, một bộ có màu sắc bình thường, bộ còn lại có dấu hiệu khác thường. Màu sắc xương sọ của bộ hài cốt dị thường là xanh lục, vùng xương chậu cũng có hiện tượng tương tự. Riêng bộ hài cốt còn lại, phần xương sọ và xương tay chân có màu vàng nhạt bình thường.
Cùng một môi trường mai táng, vì sao hai bộ hài cốt lại xuất hiện màu sắc khác nhau tới vậy? Ông Nghê nhận định, thông thường, những người bị trúng độc nặng, sau khi chết, trên xương cốt thường xuất hiện màu sắc dị thường, hoặc đen hoặc xanh. Vì vậy, thông tin về “sắc xanh” trên bộ hài cốt trong mộ Tào Tháo, có lẽ ẩn chứa một sự thực lịch sử vô cùng thảm thương.
Năm 2007, một phát hiện khảo cổ đã từng gây chấn động toàn Trung Quốc. Vào ngày 1/7 năm ấy, công tác khai quật khảo cổ mộ táng Đông Chu, huyện Tĩnh An, tỉnh Giang Tây chính thức được tiến hành. Có tới 47 cỗ quan tài bằng gỗ đã xuất lộ. Trong đó, 11 bộ di cốt xuất hiện tinh thể màu xanh lục, có dạng hình thoi nhỏ dài, dài nhất cũng tới 8,5 cm. Màu sắc của các tinh thể này đậm nhạt khác nhau và chúng phân bố tương đối rộng, có cả ở xương đầu gối, xương sọ lẫn chân răng…của di cốt.
Đó là lần đầu tiên giới khảo cổ Trung Quốc phát hiện ra hiện tượng này. Lúc ấy, những chuyên gia có mặt tại hiện trường đều không tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Về sau, qua giám định và các luận chứng, họ mới đưa ra quan điểm cho rằng: Không lâu trước khi chết, những người trong mộ đã cùng ăn cơm, nhưng thức ăn của họ có lẫn thuốc độc. Sau khi chết vì trúng độc, những người này được an táng tập thể. Trong đó, có thể giám định được giới tính của các di cốt đều là nữ với độ tuổi trung bình là 20. Trong khoảng thời gian hơn 2.000 năm, thuốc độc đã biến đổi hóa học, hình thành nên dạng tinh thể kỳ dị như trên đã trình bày. Tuy nhiên, cái chết của các cô gái trong ngôi mộ tập thể ấy là do người khác rat ay sát hại, hay đơn thuần chỉ là một hành động tự sát tập thể? Những câu hỏi ấy vẫn còn là ẩn số chưa lời giải.
Trở lại với hai “giai nhân” bí ẩn trong lăng mộ được cho là của Tào Tháo, tác giả Nghê Phương Lục nhận định, bộ hài cốt có màu sắc dị thường kia có nhiều khả năng là chết sau khi uống thuốc độc. Nếu người phụ nữ ấy vì Tào Tháo mà muốn được chôn cùng, thì hiện tượng xương cốt có sắc xanh lục là điều rất dễ lý giải: hoặc là nàng ta tự nguyện uống thuốc độc, hoặc đã bị ép uống độc dược mà chết. Chuyện như vậy, quả có tồn tại trong lịch sử tuẫn táng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tác giả này cũng nhận định, đáp án chỉ có thể hé lộ khi báo cáo khảo cổ cuối cùng được công bố.
(BKTO)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét