Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tin buồn 10

-(ĐC chép từ VnExpress)

Thứ tư, 28/8/2013 00:42 GMT+7

Chủ tịch lương tiền tỷ: 'Tôi không xâm phạm đồng nào của Nhà nước'

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng khẳng định, việc hưởng lương cao cũng nhờ từ sức lao động mà ông đóng góp và được sự đồng tình của người lao động.
Kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà mới đây nêu rõ, 4 công ty thuộc khối công ích chi lương lãnh đạo cao bất thường, gấp hàng chục lần so với người lao động. Đó là các công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty công viên Cây xanh.
thoat-nuoc-1377599595.jpg
Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP HCM lương 2,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM cho biết, doanh nghiệp của ông khác với đơn vị hành chính nhận lương từ ngân sách, thu nhập của người lao động phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh.
“Tôi khẳng định, tổng quỹ tiền lương của công ty không dư đồng nào từ ngân sách mà là từ kết quả các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước”, ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM hiện có hơn 560 cán bộ công nhân viên, toàn thể cán bộ công nhân viên đã thảo luận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của công ty dựa trên các cơ sở quy định của nhà nước. Việc không cào bằng lương đã kích thích tinh thần sáng tạo của mọi người, năm sau doanh thu tăng hơn năm trước. Năm 2012, với vốn điều lệ 82 tỷ đồng, nhưng công ty lãi hơn 130 tỷ đồng.
“Tôi không bàn cao hay thấp mà chỉ nói đến việc đúng hay sai, hưởng lương cao cũng từ sức lao động của người ta. Lương cao mà vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm, còn đằng này tôi không xâm phạm đồng nào của Nhà nước”, ông Huệ khẳng định.

Ngoài ra, ông Huệ còn cho biết, quỹ lương của công ty đã được thống nhất và chi trả theo quy chế, không thể yêu cầu công ty trả tiền lương lại cho Nhà nước, mà trả lại cho công nhân. Tuy nhiên, công ty đã thực hiện theo đúng quy chế lương thỏa thuận với công nhân và họ thấy điều đó là hợp lý. "Cho tới thời điểm này tôi chưa nhận được quyết định nào của ủy ban nói về vấn đề trên, tuy nhiên, nếu nhận được yêu cầu tôi sẽ chấp hành đầy đủ", ông Huệ nói thêm.
Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM, năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM trả lương cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Trọng Huệ 2,4 tỷ đồng, Giám đốc 2,2 tỷ đồng, Phó giám đốc 1,9 tỷ đồng và Kế toán trưởng 1,7 tỷ đồng; trong khi lương đối với lao động mùa vụ là 7,8 triệu đồng một tháng.
Còn Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho Giám đốc là 2,6 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng mỗi tháng), Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng 1,67 tỷ đồng, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Trong khi đó, lương bình quân người lao động mùa vụ tại công ty này là 5,4 triệu đồng mỗi tháng.
Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn chi lương cho Giám đốc được 856 triệu đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của Phó giám đốc 584 triệu đồng và Kế toán trưởng 716 triệu đồng mỗi năm. Trong khi lương lao động mùa vụ tại đơn vị này ở mức 4,5 triệu đồng một tháng và lao động thường xuyên là 25,7 triệu đồng một tháng.
Công ty công viên Cây xanh, giám đốc được trả lương 759 triệu đồng mỗi năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên 691 triệu đồng, Phó giám đốc 609 triệu đồng và Kế toán trưởng được 655 triệu đồng.
Trong khi mức lương bình quân của các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP HCM là 7,3 triệu đồng mỗi tháng thì mức lương bình quân của 4 doanh nghiệp trên là hơn 22 triệu đồng một tháng.
Đánh giá về vấn đề trên, nguyên lãnh đạo một công ty của TP HCM chia sẻ, thông thường ở doanh nghiệp Nhà nước, theo kế hoạch, lương của người quản lý và người lao động khác nhau và chia theo tỷ lệ nhất định. Nếu trong quá trình thực hiện, công ty nhà nước làm ăn thắng lợi, quỹ lương tăng lên thì theo quy định chỉ người lao động hưởng, cán bộ quản lý không được hưởng. Tuy nhiên, nếu người lao động, Ban chấp hành công đoàn thấy rằng, quỹ lương năm nay tăng là do có công sức ban lãnh đạo, họ có quyền đồng ý chi cho người quản lý. "Việc chia từ quỹ lương mà do lợi nhuận có được không ảnh hưởng gì tới Nhà nước nên không có gì phạm luật, đáng để phải thu hồi", ông này nhấn mạnh.
Phó chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà đã giao Sở Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội chiều 27/8 cho biết, đã nhận được yêu cầu của thành phố và Sở đang kiểm tra lại hồ sơ 4 doanh nghiệp nói trên để làm rõ các vấn đề liên quan đến chi trả lương, thưởng, luật lao động.
Theo một cán bộ tiền lương của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM, Nghị định 50 quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu nêu rõ, Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương, tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận, tách riêng với quỹ tiền lương, tiền thưởng của người lao động và hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty. Công ty cũng không được sử dụng Quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng. Cả 4 công ty nói trên đều thuộc diện công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu nên sẽ phải tuân thủ theo quy định này.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị và Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn có hai vi phạm chủ yếu sau:
Thứ nhất, không tuân thủ đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002 (BLLĐ). Theo đó, hai công ty này đã ký kết hợp đồng lao động mùa vụ đối với người lao động thường xuyên và không ký hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 06/05/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động quy định trường hợp doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động không đúng loại thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến dưới 500 người lao động (trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn). Trường hợp vi phạm với từ 500 người lao động trở lên thì bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng, (Trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị). Ngoài ra, hai công ty này buộc phải tiến hành giao kết đúng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật lao động.
Thứ hai, sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý sai quy định. Đối với hành vi này, sau khi xác định được vi phạm cụ thể thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể xử lý kỷ luật cá nhân liên quan theo quy định pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động. Theo đó có thể khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với cá nhân là viên chức hoặc khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cắt chức, sa thải đối với cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, các Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị và Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn phải có trách nhiệm bồi hoàn tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho người lao động theo quy định tại thỏa ước lao động tập thể và quy định pháp luật.
Nhóm phóng viên

-ĐC quan niệm:
Đối với một công ty tư nhân thì hiện tượng trên chẳng có gì phải nói. Nhưng hiện tượng đó xảy ra trong lòng các công ty thuộc sở hữu nhà nước thì lại là chuyện... nực cười!
Hiện nay mức thu nhập bình quân thực tế đối với người lao động (làm công và hành nghề "chân tay" tự do), theo quan sát của ĐC, có lẽ chỉ vào khoảng 4 tr/tháng,người, thậm chí còn thấp hơn. Dễ thấy, đối với mặt bằng giá cả hiện nay, một gia đình gồm 4 người có tổng thu nhập 50 tr/tháng là đã có được mức sống "có của ăn của để", nghĩa là sung túc và cũng là mơ ước của đại chúng rồi. Ở góc độ khác, nói chung, đối với một ông chủ doanh nghiệp tư nhân có lực lượng làm công khoảng 100 người, "bèo" cũng phải trả lương 400 tr/th, và với mức lãi thuần 5% mà muốn "đút túi" 200 tr/th, cần tạo được lượng sản phẩm có giá trị hàng hóa chí ít cũng là, tính "rợ" thôi, không dưới 4,5 tỷ/th và phải tiêu thụ hết. Trong tình trạng suy thoái kinh tế kiểu này, đó là chuyện hầu như...trên trời!
Không cần bàn đến việc vi phạm hay không vi phạm qui định của pháp luật, chỉ xét về phương diện đạo đức thôi đã thấy mức thu nhập "vút cao" của "tập thể" các "đồng chí" lãnh đạo ở những công ty nói trên và những công ty có cơ cấu hoạt động tương tự, là hoàn toàn vô lối. Vì sao? Chủ sở hữu của những công ty đó là nhà nước, tư bản của chúng là tư bản nhà nước, bộ phận chỉ huy điều hành chỉ là lực lượng làm thuê cho nhà nước. Nhà nước ở đây là nhà nước của dân, do dân và vì dân, hay nói cách khác, nhà nước ở đây là nhà nước được nhân dân tin cậy ủy thác mà giới lãnh đạo là những người coi như được nhân dân lựa chọn về mặt trí tuệ, tài năng, đức độ, mẫn cán, tận tình...nhằm vạch đường, mở lối, điều hành xây dựng xã hội, phục vụ đắc lực đại chúng theo hướng "dân giàu nước mạnh". Qua đó, xét cho cùng và nói dễ hiểu, nhà nước cũng tương tự vị giám đốc được nhân dân tín nhiệm thuê (thông qua đại diện của mình là quốc hội) để làm việc cho mình! Như vậy thì mục đích hoạt động cuối cùng của những công ty nói trên chỉ có thể cũng là vì dân. Vậy, nhà nước cần ấn định mức tiền thuê các "đồng chí" chỉ huy điều hành những công ty đó trong khoảng bao nhiêu thì thỏa đáng cả đôi đàng: hoàn thành nhiệm vụ vì dân ở bình diện cụ thể của mình đồng thời những kẻ được thuê cũng "vui lòng"? Phải chăng trong nội tình kinh tế cũng như với thực trạng thu nhập của đại chúng hiện nay và tùy thuộc vào hiệu quả công tác, mức tiền công thuê một giám đốc như thế giao động trong khoảng 30-50 tr/th là khá "hậu hĩnh" rồi, là yên tâm, hết mình cho công việc "vì nhân dân phục vụ" rồi? Nên nhớ, quản lý điều hành cho những công ty đó hoạt động kinh doanh có lãi rất dễ (!), không cần đến tài năng "cộm cán" gì, vì chúng được nhà nước bảo hộ hầu như mọi mặt, chí ít cũng được "dựa hơi" cái danh công quyền, được độc quyền, khỏi phải cạnh tranh, được đề xuất kế hoạch, được "đi buôn không cần vốn, không sợ lỗ" vì dễ dàng giũ bỏ trách nhiệm...
Cuối cùng, ĐC cho rằng, hiện tượng thu nhập cá nhân nêu trên đã phơi bày ra nhiều mặt trái bất nhẫn khó thấy của hiện trạng xã hội và cần nhanh chóng tiêu trừ, kiên quyết khắc phục như kết bè kéo cánh để hưởng lợi bất chính, lợi dụng chế độ chính sách để ăn gian, ăn chặn, cậy quyền ỷ thế để bắt chẹt, khống chế, bức hại người làm ăn lương thiện hòng chiếm đoạt tư lợi một cách bất công, "vẽ vời" ra chỉ để thực hiện ý đồ tham nhũng....Một đảng viên cộng sản được cho là theo lý tưởng vì dân, được nhà nước vì dân thuê lãnh đạo một công ty hoạt động cụ thể vì dân, trong khi lương của người lao động dưới quyền chỉ khoảng 7-8 tr/th, trong khi kinh tế nước nhà đang gặp rất nhiều khó khăn, mức sống của đại chúng nói chung đạm bạc hơn, mà thản nhiên đến mức vô cảm nhận những khối thu nhập "kếch sù" so với thu nhập bình quân của người lao động trong xã hội như thế, hơn nữa còn trơ trẽn lớn tiếng tự biện là chính đáng, là xứng đáng được hưởng, thì thật trái khoáy, không những không xứng đáng là đảng viên cộng sản chân chính vì dân vì nước, mà còn không xứng đáng là con người có lòng nhân hậu, có tình yêu đồng loại, và do đó cũng làm gì có lòng yêu nước thương nòi!...
Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay bị mất uy tín nhiều trước nhân dân của mình vì đã không kịp thời loại bỏ, hơn nữa là kiên quyết trừng trị những đảng viên miệng thì hô "xả thân vì nước" nhưng lại ngấm ngầm toàn tâm toàn lực hành động "xả nước vì thân". Làm sao cho các bậc lão thành cách mạng, những đảng viên một lòng một dạ theo Đảng và đã tuổi cao, sức yếu hôm nay, kịp nhoẻn được nụ cười hài lòng trước khi nằm xuống về, với tổ tiên!?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét