Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Câu chuyện lịch sử 17

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 1

    Kỳ 1: Trùm buôn lậu và đơn hàng trị giá 3 triệu USD

    Câu chuyện mang tính huyền thoại này bắt đầu với những thăng trầm của Napoleon - vị hoàng đế đến từ đảo Corse, từng là nỗi kinh hoàng của một nửa châu Âu và được tôn vinh như thiên tài quân sự bậc nhất trong lịch sử. Sau thất bại cuối cùng tại trận Waterloo, Napoleon đã bị người Anh đày đến đảo St. Helena, một hòn đảo nhỏ ở Nam Đại Tây Dương, nơi được xem là nhà tù lý tưởng để cản trở ý định vượt ngục của hoàng đế. Trong suốt thời gian lưu đày, những người Bonaparte trung thành luôn lên các kế hoạch giải cứu hoàng đế, trong đó có cả một kế hoạch bằng tàu ngầm sơ khai. Câu chuyện này sẽ theo dấu hồ sơ để tái hiện lại kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm.


    Kỳ 1: Trùm buôn lậu và đơn hàng trị giá 3 triệu USD

    Tom Johnson, ông trùm buôn lậu trứ danh, nhà thám hiểm, và người phát minh ra tàu ngầm có thể được xem là một trong những “anh hùng thời loạn”.
    Chân dung phác thảo Tom Johnson, trùm buôn lậu trứ danh.
    Sinh năm 1772 trong một gia đình người Ailen, Johnson đã tận dụng hầu như tất cả mọi cơ hội đến tay và có thể tự kiếm sống bằng buôn lậu từ năm 12 tuổi. Ít nhất hai lần ông ta đã trốn thoát khỏi nhà tù một cách ngoạn mục. Khi cuộc chiến tranh Napoleon nổ ra, bất chấp hồ sơ tội phạm có số má của mình, Johnson vẫn được trưng dụng để tham gia vào những chuyến thám hiểm bí mật của hải quân Anh do quá nổi danh bởi những quyết định cực kỳ táo bạo.

    Nhưng Johnson còn có một tuyên bố khá lạ làm ông ta trở nên nổi tiếng, mặc dù tuyên bố này đã không được đề cập đến trong sử sách chính thống mà chỉ được nhắc đến trong các ghi chép bên lề. Khoảng năm 1820, Johnson tuyên bố ông nhận được phi vụ trị giá 40.000 bảng Anh (tương đương khoảng 3 triệu USD vào thời điểm hiện nay) để giải cứu Hoàng đế Napoleon khỏi cuộc sống lưu đày ảm đạm trên đảo St.Helena.
    Chân dung Hoàng đế Napoleon tại Longwood.

    Cuộc chạy trốn này dự kiến được thực hiện một cách đầy bất ngờ, sử dụng ghế thuyền trưởng, thả hoàng đế xuống vách đá thẳng đứng để tiếp cận với hai tàu ngầm chờ sẵn ngoài khơi. Bản thân Johnson đã phải tự thiết kế các tàu ngầm sơ khai. Kế hoạch của Johnson được ấp ủ nhiều thập kỷ trước khi phát minh về phương tiện ngầm đầu tiên chính thức được ghi nhận.

    Câu chuyện mang tính huyền thoại bắt đầu với Hoàng đế Napoleon. Là nhà kế tục cuộc Cách mạng Pháp, một trong những sự kiện nổi bật của thời đại và là sự kiện khiến tầng lớp trưởng giả “ăn không ngon, ngủ không yên”, vị hoàng đế đến từ đảo Corse đã trở thành nỗi kinh hoàng của một nửa châu Âu và được tôn vinh như thiên tài quân sự chưa từng có trong lịch sử. Napoleon được gọi là kẻ xâm lược nước Nga, được ca tụng như nhà chinh phục tại Italia, Đức và Tây Ban Nha.

    Ít nhất trong mắt người Anh, ông cũng là “con quái vật” vĩ đại nhất trong thời đại của mình. Tại các nhà trẻ ở Anh, Napoleon được gọi là "Boney", một “ông kẹ” chuyên săn đuổi những trẻ em nghịch ngợm và ăn ngấu nghiến chúng. Tại Pháp, ông được xem như ngọn hải đăng của chủ nghĩa Sô-vanh.
    Napoleon đã bị đày tại hòn đảo Elba nhỏ bé, thuộc Italia, sau thất bại trước liên minh lớn của tất cả các bên đối đầu vào năm 1814. Sau khi trốn thoát trở về Pháp từ đảo nhỏ Elba, huyền thoại Napoleon lại được đánh bóng một lần nữa để đoàn kết toàn dân tộc dưới chiến dịch nổi tiếng “triều đại một trăm ngày”.
    Đảo St. Helena - nhà tù gần như “hoàn hảo” dành cho Napoleon.

    Thất bại cuối cùng của Napoleon là tại trận Waterloo và nước Anh xác định không cho thêm Napoleon bất cứ cơ hội nào. Napoleon bị đày đến đảo St. Helena, một hòn đảo nhỏ ở Nam Đại Tây Dương, cách vùng đất liền gần nhất 1.200 dặm, nơi được xem là nhà tù lý tưởng để cản trở ý định vượt ngục của hoàng đế.

    Tuy nhiên, trong suốt thời gian Napoleon sống lưu đày tại đảo St. Helena (khoảng 6 năm tuyệt vọng trước khi ông qua đời vì ung thư, hay như một số tài liệu cho rằng, do bị đầu độc bằng arsen), các kế hoạch để giải cứu hoàng đế luôn được xây dựng. Emilio Ocampo, nhà nghiên cứu về Napoleon đã cung cấp những mô tả chính xác nhất về các kế hoạch nửa vời này, đã viết rằng: "Tham vọng chính trị của Napoleon không hề suy giảm bởi sự lưu đày. Và những cấp dưới trung thành và đầy quyết tâm của Napoleon cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng đưa ông đến với tự do".

    Những người Bonaparte không thiếu tiền. Anh trai của Napoleon, Joseph, người đã từng một thời là vua Tây Ban Nha, đã trốn thoát sang Mỹ với một tài sản ước tính khoảng 20 triệu franc vào thời điểm đó. Và hoàng đế Napoleon quá nổi tiếng tại Mỹ đến nỗi, theo nhà nghiên cứu Ocampo, đã khiến các hải đội tàu chiến của Anh, trên đường đưa hoàng đế ra nơi lưu đày, phải đi vòng vài trăm dặm sai tuyến đường đi đã định để đánh lạc hướng và trốn một tàu tư nhân của Mỹ, tàu “Người Yankee chính gốc”, vào thời điểm đó đang di chuyển dưới cờ của chính quyền cách mạng Áchentina để thực hiện việc giải cứu hoàng đế.

    Quả thật Nam Mỹ là mối đe dọa lớn nhất vào lúc này. Vì tại nước Pháp của Napoleon, nơi đã từng là sức mạnh duy nhất để cung cấp hỗ trợ khi toàn lục địa giành độc lập từ Tây Ban Nha, còn quá ít nhà yêu nước sẵn sàng tham gia giải cứu hoàng đế hay có bất cứ tham vọng nào trong việc chiếm lấy đảo St. Helena. Triển vọng tại Nam Mỹ cũng hấp dẫn đối với bản thân hoàng đế. Nếu không có hy vọng thực sự nào cho việc quay trở lại châu Âu, Napoleon vẫn có thể mơ ước thành lập một đế chế mới ở Mêhicô hay Vênêxuêla.

    Sau khi lên đảo St. Helena an toàn, Napoleon nhận thấy mình đang được giam giữ trong một nhà tù kiên cố nhất vào năm 1815. Hòn đảo này ở vị trí cô lập tuyệt đối, và được bao quanh hoàn toàn bởi các tuyến phòng thủ thiên nhiên bằng các vách đá dựng đứng, không có bãi neo đậu an toàn. Cả đảo chỉ có vài bến có thể sử dụng được. Các bến này được bảo vệ bởi một đơn vị đồn trú lớn với tổng cộng 2.800 binh sĩ, và được trang bị 500 khẩu pháo. Bản thân Napoleon, trong khi đó, được lưu đày tại Longwood, trong khu vực sâu và ảm đạm nhất của một tòa biệt thự cũ, vốn được tân trang lại với các bãi đất trống rộng xung quanh.

    Với các điều kiện kể trên, đảo St. Helena đã trở thành một nhà tù gần như “hoàn hảo” mà người Anh dành riêng cho hoàng đế Napoleon.


    Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 2

      Kỳ 2: Tiết lộ kế hoạch giải cứu từ cuốn hồi ký

      Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm được mô tả chi tiết, cả về những con tàu lẫn các bước thực hiện, trong cuốn hồi ký của Johnson.



      Hoàng đế Napoleon được phép giữ lại một tùy tùng và được phép đi lại tự do trong phạm vi biệt thự Longwood. Mọi thứ khác chịu sự kiểm soát gắt gao của Hudson Lowe, thống đốc nổi tiếng hà khắc và cứng nhắc của đảo St. Helena, người mà triển vọng sự nghiệp có mối liên hệ mật thiết với việc đảm bảo tù nhân nổi tiếng của đảo không thể trốn thoát. Longwood luôn được canh phòng cẩn mật, du khách luôn bị thẩm vấn và lục soát, và biệt thự này có quy định cấm không cho khách đến thăm khi trời bắt đầu tối. Một hải đội Hải quân Hoàng gia, gồm 11 tàu, tuần tra liên tục tại khu vực ngoài khơi.

      Hudson Lowe, cai ngục của Hoàng đế Napoleon tại đảo St. Helena.

      Người Anh dành rất nhiều tâm sức phòng ngừa những khả năng, thậm chí mờ nhạt nhất, có thể giúp Napoleon trốn thoát. Thậm chí, họ còn thành lập trên đảo Ascension và Tristan da Cunha những đơn vị đồn trú nhỏ để ngăn chặn việc những hòn đảo núi lửa bé xíu, không có người ở này có thể được sử dụng để dàn cảnh cho việc giải cứu hoàng đế. Có lẽ chưa có một tù nhân nào cho đến thời điểm đó được bảo vệ chặt chẽ đến thế. "Ở khoảng cách như vậy và trong một nơi như vậy", Thủ tướng Anh, Lord Liverpool thông báo với nội các của ông với sự hài lòng tuyệt đối, "mọi âm mưu giải cứu sẽ không thể thực hiện được."

      Và thật đáng ngạc nhiên là người Anh đã đúng khi phải dùng tới các biện pháp phòng ngừa cực đoan. Đoàn thủy quân lục chiến được cử tới để chiếm đảo Ascension đã phát hiện ra một tin nhắn được để lại trên bãi biển chính với dòng chữ "Hoàng đế Napoleon sống mãi!". Theo tóm tắt của nhà nghiên cứu Ocampo, có một danh sách dài các kế hoạch với âm mưu giải cứu hoàng đế, bao gồm các nỗ lực sắp xếp giải cứu bằng du thuyền tốc độ cao, tàu hơi nước mới và thậm chí cả bằng khinh khí cầu.

      Longwood năm 1857, nơi Napoleon đã sống trong sáu năm cuối đời.

      Thật khó xác định tại đâu và khi nào kế hoạch của Johnson ra đời và gia nhập vào danh sách những kế hoạch giải cứu hoàng đế kia. Mặc dù hiếm khi công khai, Johnson đã luôn luôn có những ý tưởng sáng chế nằm giữa thực tế và tiểu thuyết. Những ghi chép đáng tin cậy về cuộc đời Johnson hầu như không tồn tại (thậm chí cả tên của ông cũng thường bị viết sai thành Johnston hoặc Johnstone), tiểu sử của Johnson là một mớ hỗn độn các thông tin trái chiều. Tiểu thuyết gia Walter Scott, một trong những nhân vật văn chương nổi tiếng nhất thời đó, cũng đưa ra ghi chép nhầm lẫn về sự nghiệp của Johnson, khi ông cho rằng Johnson đã là người xây dựng thí điểm chiến hạm Đô đốc Nelson trong trận Copenhagen.

      Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Johnson đã xây dựng tàu ngầm, và rằng ông đã nói chuyện cởi mở, sau cái chết của Napoleon, về kế hoạch sử dụng nó. Phiên bản ghi chép đầy đủ nhất về các sự kiện, thông qua lời của chính trùm buôn lậu, có thể được tìm thấy trong cuốn hồi ký có tên “Những hình ảnh và câu chuyện từ một giáo sĩ nợ nần”, được xuất bản năm 1835, khi Johnson vẫn còn sống. Trong cuốn hồi ký này, tác giả khẳng định đã gặp trùm buôn lậu khi Johnson bị ngồi tù do vay nợ, và tại đó Johnson đã đồng ý kể lại câu chuyện của mình (do không hài lòng với những chi tiết bị Scott làm sai lệch).

      Cuốn hồi ký chứa đựng nhiều chương đầy kịch tính, tương đối thống nhất với những ghi chép đương đại. Cuốn sách bắt đầu một cách bất ngờ, với mô tả về các tàu ngầm của Johnson:

      “Tàu Eagle có thể chuyên chở khoảng 114 tấn, với hai động cơ hơi nước 40 mã lực. Tàu Etna nhỏ hơn với trọng tải 23 tấn. Hai con tàu này có phi hành đoàn gồm 30 thủy thủ được lựa chọn kỹ lưỡng, và bốn kỹ sư. Chúng cũng được trang bị 20 quả ngư lôi, với sức công phá tương đương 20 con tàu, sẵn sàng hành động trong trường hợp gặp bất cứ sự đối kháng nào từ các tàu chiến”.

      Cuốn hồi ký tiếp tục với câu chuyện về vô số khó khăn mà ngay cả những con tàu nhỏ cũng phải đương đầu trên đường đến St. Helena và để có thể rời đảo. Tàu Etna vào quá gần bờ nên nó sẽ cần phải được gia cố để ngăn việc con tàu sẽ tan thành từng mảnh do va vào vách đá nhọn.

      Tàu ngầm sơ khai theo thiết kế của Fulton năm 1806.

      Kế hoạch tiếp tục với việc Johnson sẽ vào đất liền, mang theo “một chiếc ghế cơ khí, có khả năng chứa một người trên ghế, và có lưng ghế với một chân chống ở phía sau". Để thiết bị này trên những tảng đá, trùm buôn lậu sẽ dựa vào các vách đá, mở chốt sắt và bật thiết bị để có thể đưa chính Johnson đột nhập vào Longwood.

      “Sau đó tôi sẽ được giới thiệu đến gặp hoàng đế và giải thích kế hoạch của mình..., tôi đã đề xuất rằng anh đánh xe nên đi vào ngôi nhà theo một giờ nhất định..., và rằng hoàng đế nên được cung cấp với một phục trang tương tự, cũng như bản thân tôi, một người sẽ đóng vai anh đánh xe ngựa và một người khác sẽ đóng vai hoàng đế... Sau đó chúng tôi sẽ xem có cơ hội nào để tránh con mắt tuần tra của hải quân trong phiên gác, người hiếm khi nhìn ra theo hướng điểm cao nhất của hòn đảo. Và khi chúng tôi đến được các vị trí đánh dấu, tôi cần thực hiện nhanh chóng việc hạ một bên thiết bị để kéo chiếc ghế cơ khí lên. Sau đó tôi sẽ giúp hoàng đế ngồi vào ghế chính, và mình sẽ ngồi ở vị trí phía sau ghế, và hạ ghế bằng cách giảm đi một trọng lượng tương ứng ở phía bên kia”.

      Cuộc giải thoát sẽ kết thúc khi đêm xuống, Johnson viết, với việc Napoleon lên tàu Etna và sau đó được chuyển sang tàu Eagle. Hai con tàu này sẽ được trang bị, theo ghi chép của Johnson, cột buồm đóng mở cũng như các động cơ. Sau đó, hai chiếc tàu ngầm sẽ giong buồm ra khơi. “Tôi tính toán rằng không có tàu địch nào có thể cản trở đường đi của chúng tôi... Trong trường hợp bị tấn công, tôi sẽ kéo buồm và cột buồm xuống (trong khoảng 40 phút) và sau đó sẽ nhấn chìm tàu xuống nước. Dưới nước, chúng ta có thể bị đối phương tấn công, và khi đó, với sự trợ giúp chút ít của tàu Etna trong việc gắn các quả ngư lôi dưới đáy con tàu, chúng tôi có thể tấn công hủy diệt kẻ địch trong 15 phút” - Johnson kết thúc.

      Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 3

        Kỳ 3 : Lắp ghép những mảnh vỡ lịch sử

        Còn có nhiều nguồn tin khác hỗ trợ cho câu chuyện của Johnson. Marquis de Montholon, vị tướng Pháp đã tháp tùng Napoleon đến nơi lưu đày, từng xuất bản cuốn hồi ký về khoảng thời gian ông ở đảo St. Helena những năm sau đó. Trong hồi ký của mình, Montholon đã viết về một nhóm sĩ quan Pháp, những người đã lên kế hoạch giải cứu Napoleon "với một chiếc tàu ngầm". Ông cũng đề cập đến chuyện này ở một vài sự kiện khác, và nói rằng một số tiền lớn vào khoảng 9.000 bảng Anh (gần 1 triệu USD ngày nay) đã được đầu tư cho chiếc tàu ngầm này.
        Tướng Pháp Charles de Montholon, người đã tháp tùng Napoleon đến nơi lưu đày.

        Tạp chí Niên giám Hải Quân (Naval Chronicle) năm 1833, trước khi cuốn sách “Những hình ảnh và câu chuyện từ một giáo sĩ nợ nần” được xuất bản, cũng đã đăng một bài viết đề cập đến Johnson và kế hoạch tàu ngầm. Theo bài viết, số tiền ước tính vào khoảng 40.000 bảng Anh (tương đương 4 triệu USD) phải được thanh toán "vào ngày tàu ngầm sẵn sàng khởi hành".

        Một nguồn tin tồn tại trước đó, trong Thư viện Lịch sử Chân dung các tội phạm hình sự (1823), thậm chí đã đưa ra những chi tiết quan trọng còn thiếu. Những chi tiết này giúp giải thích lý do tại sao Johnson cảm thấy mình có đủ khả năng xây dựng một chiếc tàu ngầm: 15 năm trước đó, khi Napoleon đang ở đỉnh cao, Johnson đã từng làm việc trực tiếp với một kỹ sư người Mỹ nổi tiếng tên là Robert Fulton, khi ông này đến Anh để bán kế hoạch thiết kế một chiếc thuyền đi ngầm dưới nước.

        Chính sự xuất hiện của Fulton đã làm cho câu chuyện về kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm mang tính xác thực hơn. Fulton luôn được đánh giá là một nhà phát minh đầy năng lực, người được nhớ đến trong việc phát triển tàu hơi nước thành công đầu tiên. Fullon cũng đã dành nhiều năm ở Pháp rao bán mẫu thiết kế tàu ngầm. Ông đã thuyết phục hoàng đế Napoleon cho phép tiến hành một mô hình thử nghiệm nhỏ, chiếc tàu Nautilus, vào năm 1800 đã được đưa vào thử nghiệm thành công trên sông Seine.
        Mô hình chiếc tàu Nautilus, một trong những chiếc tàu ngầm thực tế đầu tiên trong lịch sử.

        Một vài năm sau đó, Fulton thiết kế một tàu ngầm thứ hai, cao cấp hơn, như hình minh họa của ông cho thấy, có bề ngoài giống như tàu ngầm của Johnson. Theo hồ sơ lưu trữ, khi người Pháp không còn quá quan tâm vào chiếc tàu thứ hai, Fulton đã tìm đến người Anh với kế hoạch tàu ngầm của mình. Tháng 7/1804, ông đã ký hợp đồng với thủ tướng Anh, William Pitt, để phát triển "hệ thống" tàu ngầm theo các điều khoản và điều kiện mà có thể đã mang lại cho ông khoảng 100.000 bảng Anh trong trường hợp thành công.

        Những đầu mối khó xác lập hơn là liệu Fulton và Johnson đã gặp nhau. Cụm từ “tổ chức” đã được nhắc đến trong một vài ghi chép, nhưng không có bằng chứng xác thực nào còn sót lại để chứng minh điều đó. Bản thân Johnson có lẽ đã thừa nhận trong một tuyên bố xuất hiện trong Thư viện Lịch sử về những tác động sau khi Johnson gặp Fulton ở Dover năm 1804. Và bản thân Johnson đã "cùng tham gia vào công việc bí mật (của Fulton), trực tiếp đến mức khi Fulton rời bỏ dự án và nước Anh... bản thân Johnson cho rằng mình có đủ năng lực để tiếp tục những dự án còn dang dở của Fulton".

        Cũng có quan điểm đáng lo ngại cho rằng cuốn sách “Những hình ảnh và câu chuyện từ một giáo sĩ nợ nần” không phải là toàn bộ câu chuyện. Vào năm 1835, một tố cáo xuất hiện trên tờ báo trào phúng Figaro tại Luân Đôn, cáo buộc rằng tác giả thực sự của cuốn sách tự truyện này là FWN Bayley - một nhà văn bình dân, không phải là một giáo sĩ, mặc dù chắc chắn là ông đã dành nhiều thời gian trong tù do nợ nần chồng chất. Bài viết này còn cho rằng “nhà xuất bản đã mất rất nhiều công sức để tránh... cho thuyền trưởng Johnson nhìn thấy cuốn sách này”. Tại sao lại phải làm điều đó nếu bản thân Johnson đã viết cuốn sách tự truyện mang tên mình?

        Johnson có thể chỉ là một kẻ hoang tưởng, hoặc có thể chỉ là một lái buôn đưa ra những lời chào hàng hoặc tuyên bố ngông cuồng với hy vọng kiếm được bộn tiền? Trùm buôn lậu đã dành những năm 1820 để nói về chuỗi dự án liên quan đến tàu ngầm. Có lúc, ông ta được báo cáo là làm việc cho vua Đan Mạch, một thời điểm khác, ông lại làm cho cho tổng trấn của Ai Cập, hay tham gia dự án chế tạo tàu ngầm để cứu hộ một con tàu ra khỏi đảo Texel của Hà Lan hoặc để lấy các cổ vật có giá trị từ xác tàu đắm trên biển Caribbean. Có lẽ không có gì quá phải ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng, sau khi ra khỏi nhà tù của “những con nợ”, Johnson đã sống nhiều năm ở phía nam của sông Thames với mức lương hưu khoảng 140 bảng Anh/năm, ít hơn 20.000 USD ngày nay. Với mức thu nhập đó, Johnson khó mà có một cuộc sống sung túc, đầy đủ.

        Tuy nhiên điều kỳ lạ là cuộc đời của Johnson chứa đựng các mảnh ghép chính xác như trong trò chơi ghép hình, mà khi lắp ráp đúng cách sẽ đem đến cho ta một bức tranh phức tạp hơn nhiều. Phần quan trọng nhất trong các câu chuyện tưởng như vô giá trị nằm trong một bản in chưa từng xuất bản, được lưu giữ ở một góc tối trong Viện Lưu trữ Quốc gia Anh - nơi nó đã tình cờ được tìm thấy khi người ta lục tung các tài liệu đầy bụi một vài năm trước đây.

        Đặt cùng với nhau, các tài liệu đã giải thích cho một tuyên bố kỳ lạ xuất hiện lần đầu tiên trong Khu trưng bày lịch sử - thời điểm xây dựng tàu ngầm của Johnson không phải là những năm 1820 khi những người Bonaparte giàu có tiếp cận ông, mà còn sớm hơn nữa, vào năm 1812, ba năm trước khi Napoleon bị lưu đày. Vậy tại sao kế hoạch này không được hiện thực hóa khi tàu ngầm đã sẵn sàng và có thể tham gia vào kế hoạch giải cứu Napoleon?


        Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ cuối

          Kỳ cuối: Vì sao kế hoạch không thể thực hiện?


          Cần lưu ý đến bối cảnh của giai đoạn đó. Vào năm 1812, Anh và Mỹ nổ ra chiến tranh và Mỹ đã thuê Fulton chế tạo một thế hệ siêu vũ khí mới. Điều này có thể giải thích tại sao bản thân Johnson đã có thể có được một loạt các giấy phép từ những cơ quan chính phủ khác nhau để xác nhận rằng ông đã chính thức được thuê để tham gia vào "Kế hoạch bí mật về tàu ngầm của hoàng đế, và thực hiện những thí nghiệm hữu ích khác theo lệnh".




          Nhà Trắng trong biển lửa năm 1814.

          Những thử nghiệm này đã được cấp tài chính thế nào là một vấn đề khác. Trong giai đoạn hỗn độn của chiến tranh, các tài liệu cho thấy, cả hải quân và quân đội Anh từng cho rằng phía kia sẽ là bên thanh toán chi phí. Đó là một tình huống mà Johnson đã nhanh chóng khai thác, giữ lại các dịch vụ của một kỹ sư người Luân Đôn, người đã phác thảo một chiếc tàu ngầm “có hình dạng giống như cá heo".

          Thiết kế của Johnson rõ ràng là thiết kế tàu ngầm sơ khai: Được điều khiển bởi những cánh buồm trên bề mặt, và dựa vào các mái chèo để tạo động lực khi lặn xuống. Không có dẫn chứng nào cho thấy Johnson và kỹ sư của mình đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật lớn, vốn ngăn cản sự phát triển hiệu quả của tàu ngầm trước những năm 1890 - như khó khăn hiển nhiên trong việc ngăn tàu trong trạng thái nổi trung lập khỏi bị chìm xuống đáy và ở nguyên đó. Nhưng rõ ràng đã có bằng chứng là tàu ngầm đã thực sự tồn tại.

          Tài liệu lưu trữ chứa các thư từ của Johnson xác nhận con tàu đã sẵn sàng và đã có yêu cầu thanh toán 100.000 bảng Anh. Các tài liệu cũng cho thấy, đầu năm 1820, một ủy ban các sĩ quan cao cấp, do George Cockburn đứng đầu, được cử đến để tìm hiểu và báo cáo về tàu ngầm. Rõ ràng là ủy ban này không đến để đánh giá về công nghệ mới, mà để ước tính tàu ngầm này có chi phí bao nhiêu. Cockburn là một thành viên quan trọng trong giới quan chức hải quân thời bấy giờ, và vẫn còn nổi tiếng là người đã đốt Nhà Trắng thành tro khi Oasinhtơn thua quân đội Anh vào năm 1814. Báo cáo ban đầu của Cockburn đã biến mất, nhưng nội dung của nó có thể được suy đoán ra từ quyết định của Hải quân Hoàng gia để biến báo giá có sáu chữ số của Johnson giảm xuống còn 4.735 bảng Anh.

          Điều này có nghĩa là, đầu năm 1820, Johnson đã sở hữu một chiếc tàu ngầm trên thực tế và chính xác vào thời điểm đó, theo nguồn tin Pháp, những người Bonaparte đã nhận được đề nghị cung cấp tàu ngầm với giá hàng ngàn bảng Anh. Và phát hiện này có thể được gắn với hai ghi chép đáng chú ý khác. Ghi chép đầu tiên, xuất hiện trong Niên giám Hải quân, mô tả một thử nghiệm về tàu của Johnson trên sông Thames. Trong thí nghiệm này, chiếc tàu ngầm bị sự cố cáp và buộc phải cho nổ tung.

          Hoàng đế Napoleon trông ra biển trên đảo St.Helena.

          Ghi chép thứ hai, trong các cuốn hồi ký chưa được công bố của nghệ sĩ Walter Greaves tại Luân Đôn, là kỷ niệm về cha của Greaves - một người chèo thuyền trên sông Thames. Theo cha của Greaves, “vào một đêm tối tháng 11” (có thể vào năm 1820), trùm buôn lậu Johnson đã bị chặn lại khi ông đang cố gắng lái tàu ngầm của mình ra biển... Khi các sĩ quan định trèo lên tàu, thuyền trưởng Johnson đã dọa bắn họ. Nhưng các sĩ quan đã khống chế và bắt giữ con tàu, đưa đến Blackwall và đốt nó”.

          Cái chết của Napoleon đã kết thúc hy vọng của Johnson trong việc sử dụng một tàu ngầm, được chính phủ Anh đặt hàng, để giải thoát kẻ thù lớn nhất của đất nước mình.

          Tuy vậy, những hình ảnh tái hiện từ kế hoạch tàu ngầm vẫn còn rất sống động trong tưởng tượng: Hoàng đế Napoleon, không một chút thoải mái trong trang phục của người hầu, bị buộc chặt vào ghế và treo lơ lửng nửa chừng giữa vách đá cao đến chóng mặt, với Johnson đứng phía sau, trong chiếc quần soóc. Chiếc ghế nhanh chóng hạ thấp độ cao về phía những tảng đá bên bờ biển, trong khi ngoài khơi hai tàu ngầm Etna và Eagle, với cánh buồm có thể cuộn lại, được vũ trang tương đối, sẵn sàng lặn sâu xuống nước để bắt đầu cuộc hành trình.

          Hoàng đế Napoleon trong phút lâm chung, theo phác thảo của Denzil Ibbetson ngày 22/5/1821.

          Các tài liệu này khi đặt cạnh nhau cho thấy một câu chuyện cũ. Không cần phải giả sử rằng bản thân Napoleon có bất kỳ ý kiến nào về kế hoạch giải cứu ông. Kế hoạch của trùm buôn lậu Johnson đặt ra năm 1835 có vẻ rất mơ hồ, giống như ông đã đơn giản là lên kế hoạch để thử vận may của mình. Chứng cứ còn sót lại từ phía Pháp cho thấy, hoàng đế Napoleon có lẽ đã từ chối đi với người cứu hộ trong trường hợp không chắc rằng là Johnson đã thực sự xuất hiện tại Longwood.

          Theo suy nghĩ của Napoleon, sự cứu rỗi trong các hình thức của một cuộc xâm lược có tổ chức là một chuyện, sự lẩn tránh và việc làm liều lĩnh trong nỗi tuyệt vọng lại hoàn toàn khác. “Ngay từ lúc bắt đầu”, nhà nghiên cứu Ocampo viết, Napoleon “đã nói rõ rằng ông sẽ không tham gia vào bất cứ kế hoạch nào yêu cầu ông phải ngụy trang hoặc đòi hỏi quá nhiều thể lực. Ông luôn rất ý thức về phẩm giá của mình và nghĩ rằng bị bắt như một tội phạm thông thường trên đường vượt ngục sẽ làm hạ thấp phẩm giá của mình... Nếu ông rời đảo St. Helena, ông sẽ làm điều đó “với chiếc mũ trên đầu và thanh kiếm của mình bên hông”, như tương xứng với vị thế của mình”.

          Minh Châu - Dương Tường




          Không có nhận xét nào:

          Đăng nhận xét