Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

CÓ NHỮNG CHIỀU NHƯ THẾ



Có những chiều phất phơ mưa phố
Dưới tàn cây trứng cá lề đường
Hai khách héo ngồi trong quán xó
Chén tạc chén thù những miếng rượu suông...

Kệ gió tạt, nhạt nhòa nắng phế
Quẳng gánh lo o bế một ngày thường
Rượu nồng lên, ra rả ồn trần thế
Quên béng nợ nần, khoác lác đế vương!

Râu tóc bạc cứ phô hồn thơ trẻ
Tung tăng đời bóng xế, mặc đêm buông!...

                                        Trần Hạnh Thu



Đọc thêm cho vui:

 
Các tên gọi
Tiếng Trung: 白居易
Bính âm: Bó Jūyì hay Bái Jūyì
Wade-Giles: Po Chü-i hay Pai Chü-i
Tự: Lạc Thiên (樂天)
Hiệu: Hương Sơn cư sĩ (香山居士)
Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生)
Thụy: Văn (文) (vì thế còn gọi
là Bạch Văn Công 白文公)

Nhà thơ Bạch Cư Dị

Bạch Cư Dị (chữ Hán: 白居易) (772-846) tự là Lạc Thiên (樂天), hiệu là Hương Sơn cư sĩ là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Tác phẩm nổi tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam có lẽ là bài Tỳ bà hành, Trường Hận Ca. Danh tiếng của ông ngang với Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770) và còn được mệnh danh là "thi tiên".
Tổ tiên ông là người gốc Thái Nguyên, Sơn Tây, sau di cư tới huyện Vị Nam, Thiểm Tây. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý BạchĐỗ Phủ. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động.
Năm Trinh Nguyên thứ 16 (năm 800), ông thi đỗ tiến sĩ được bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Do mâu thuẫn với tể tướng Lý Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ Tào tham quân ở Kinh Triệu. Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử Bùi Độ bị hành hung, nhóm quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm tư mã Giang Châu. Giai đoạn tuừ năm 821 tới năm 824 làm thứ sử Hàng Châu, năm 825 làm thứ sử Tô Châu, sau được triệu về kinh làm Thái Tử thiếu phó. Năm Hội Xương thứ 2 (842) về hưu với hàm thượng thư bộ Hình, sau mất tại Hương Sơn, Lạc Dương.
Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chuẩn ngâm thơ, uống rượu, được người đời gọi là Nguyên Bạch. Sau này, khi Nguyên Chuẩn mất, lại cùng Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch.
Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca để nói mối tình đẹp của Đường Minh HoàngDương Quý Phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng (Tần Trung Ngâm, Tân Nhạc Phủ).
Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai (Nghị hôn).
Ông chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự, phản ánh nổi thống khổ của nhân dân Trung Quốc đương thời nên gây được cảm xúc mạnh. Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ.... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương của mình hơn.
Riêng hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hoà đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy -người nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.
Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản. Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân tình thế thái. Ông để lại khoảng trên 2.800 bài thơ.

Công trạng khi làm quan

Khi làm thứ sử Hàng Châu, thấy các công trình điều tiết nước cho nông nghiệp đã bị bỏ hoang lâu ngày, ông đã cho tu tạo lại Tây Hồ, cho đắp đê tại đây, trên trồng liễu, đến nay vẫn còn và được gọi là Bạch đê. Khi làm thứ sử Tô Châu, ông cho đào một con sông đào nối Hổ Khâu ở phía tây với Xương Môn ở hía đông gọi là Sơn Đường hà.
Sau khi Bạch Cư Dị qua đời, vua Đường Tuyên Tông có làm bài thơ điếu như sau:
Xuyết ngọc liên châu lục thập niên,
Thùy giáo minh lộ tác thi tiên?
Phù vân bất hệ danh Cư Dị,
Tạo hóa vô vi tự Lạc Thiên.
Đồng tử giải ngâm Trường hận khúc,
Hồ nhi năng xướng Tì bà thiên.
Văn chương dĩ mãn hành nhân nhĩ.
Nhất độ tư khanh nhất thương nhiên.
Dịch:
Sáu mươi năm sáng tác ngọc liền châu,
Ai đã chỉ đường làm thi tiên?
Phù vân không gắn tên Cư Dị,
Tạo hóa vô vi tự Lạc Thiên.
Đồng Tử ngâm nga Trường hận khúc,
Hồ nhi ca hát tì bà thiên.
Văn chương đã đến cùng trăm họ.
Mỗi độ nhớ khanh trẫm đau buồn.
 
                                                                               Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thơ và rượu


    Khi nói về văn hóa ẩm thực Việt Nam thì không thể không nói đến việc uống rượu. Cái chuyện rượu chè này thật lắm vẻ. Cứ la đà quá chén, ăn nói luyên thuyên là người ta chê cười và tiếng xấu để đời. Nhưng cũng uống rượu mà nhiều người được tôn lên bậc “Tiên tửu”. Như thế là rượu, uống rượu vừa tục, vừa thoát tục. Tục tựu và tiên tửu chỉ cách nhau một nét cười, một cử chỉ nói năng, một thời gian tích tắc. Người xưa có nói “Bát bửu” nghĩa là Tám món phép của tiên, trong đó có bầu rượu của Lý Thiết Quả. Người ta lại truyền tụng trên đời có bốn thú chơi cao sang mà tao nhã. Nguyễn Công Trứ ngợi ca đó là Cầm-Kỳ-Thi-Tửu.


    Dở duyên với rượu khôn từ chén
    Chót nợ cùng thơ phải chuốt lời
    Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
    Đàn còn phím trúc tính tình đây
    Rồi nữa, nhiều người ngâm nga câu:
    Bán dạ tam bôi tửu
    Bình minh nhất trảm trà
    (Trước khi ngủ lúc nửa đêm uống ba chén rượu, sáng dậy lúc mặt trời mọc uống một ấm trà).
    Đó là một thú sinh hoạt ổn định văn hóa của các nhà nho và dần lan tràn ra các bậc cao nhân tài tử, quan lại quyền quý, rồi trở thành sinh hoạt bình dị trong dân gian. Bạn bè gặp nhau, liên hoan hội hè, đình đám lễ tết, cúng bái không thể thiếu chén rượu. Ngày Tết mà trong nhà chưa có bình rượu là chưa có tết. Đường ngõ làng quê trong mấy ngày tết mà không có người say lảo đảo, không có hương rượu uống, hương cây thắp lẫn vào trong trời đất thì còn gì là tết nữa. Hình như rượu có phần xác và phần hồn. Phần xác để tay nâng, miệng nhấp, phần hồn để tinh thần nghiêng ngả bay lên. Thế là rượu gặp thơ, thơ gặp rượu. Thơ và rượu cứ như trai gái tung hứng cho nhau.
    Thời nay có biết bao nhiêu thứ rượu, nhưng rượu gạo - rượu nút lá chuối - rượu quê thì không ai bỏ qua. Rượu quê mang hồn quê thấm đẫm trong cây quả, mây gió hồn làng với những vườn tược, tre trúc, đồng ruộng, ao chuôm. Một thứ dân rượu, quan rượu.
    Trời cho lá chuối làm quà
    Nhúng vào ngất ngưởng một tà áo khô
    Khoác chai chai hóa sông hồ
    Khoác say say tận một pho sách dày

    Bao giờ nải nải buồng buồng
    Vẫn còn chiếc mũ cánh chuồn rượu quê
    (Nhớ chai rượu có nút lá chuối của Đỗ Vinh)
    Bằng sự biến hóa lắm màu mè, rượu đã đi vào thơ sống một đời sống thật thà và mộng mị. Có người mượn rượu để mạnh dạn nói điều mà không say không nói ra được “Lời say thường nói thật”. Ở đây có cả loại mượn rượu để chửi đổng. Chửi đổng có chỗ cá nhân nhưng có ý nghĩa xã hội được túa ra tung tẩy. Nguyễn Vỹ trong lúc say đã viết bài thơ Gửi Trương Tửu để nói cái chí khí uất của mình.
    Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa
    Bực chí thành say mấy cũng vừa
    Mẹ cha cái kiếp làm thi sỹ
    Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ…
    Nhà thơ Phạm Thái có bài thơ Yết Hậu về rượu để xóa nhòe đi tất, để ngự lên hiện thực mà ngạo chơi.
    Sống ở dương gian đánh chén nhè
    Chết xuống âm phủ cặp kè ke
    Diêm Vương phán hỏi rằng chi đó
    … be …
    Vũ Hoàng Chương công bố hẳn một triết lý kêu gọi say mà quên hết cái sự đời “Rượu, rượu nữa và quên, quên hết”. Tản Đà một thi nhân lãng tử bước qua cái vòng cổ điển mực thước để bắc cầu cho thơ mới, hé mở một thế giới quan tự do.
    Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi
    Danh lợi bèo trôi rượu nặng nai
    Nhà thơ nổi tiếng đời Đường Lý Bạch cũng đã gửi cái chí lớn, cái tình lớn của mình vào rượu.
    Thánh hiền đều uống rượu
    Thôi cần chi thần tiên
    Ba bôi thông đạo lớn
    Một chén hợp tự nhiên
    Rượu và thơ làm cho ta hứng khởi, nhập hồn vào thiên nhiên, nâng tầm con người lên cõi cao trọng. Bài thơ Giang Thượng Ngâm của Lý Bạch, xin được dịch nghĩa ra văn xuôi cho rõ ý:
    … Ngoài cái thú uống rượu ăn chơi còn có cái thú văn chương nữa. Từ phú Khuất Nguyên còn như mặt trời mặt trăng cao treo mãi. Chứ đài tạ của các Vua Sở thì hỏi có còn gì? Chỉ còn những đồi núi chơ vơ mà thôi. Lúc rượu say nồng, hạ bút xuống có thể làm rung động cả những núi Ngọc Nhạc. Khi bài thơ làm thành thì vui cười có thể làm át cả cảnh tiên ở gò Thương Châu. Ngẫm ra công danh phú quý ở đời chỉ là những cái bóng thoáng qua…
    Rượu dẫn người ta đến tận cùng suy ngẫm về cái lẽ ở đời. Rượu là nơi giãi bày mọi tâm sự buồn vui, đẩy lùi sầu muộn làm ta sống mạnh mẽ trong nhiều cảnh huống thử thách. Cao Bá Quát có bài thơ Uống rượu tiêu sầu hé mở một triết lý nhân sinh.
    …Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
    Trầm tư bách kế bất như nhàn
    (Cắt đứt mối sầu ở trên đời, chỉ có rượu là hơn cả. Ngồi ngẫm nghĩ cho kỹ trăm chước không gì bằng chữ nhàn).
    Rượu có sức lay dậy, mách bảo là vậy, rượu còn chia sẻ giãi bày tâm sự. Người uống rượu thì có thể nhiều lời, lớn tiếng nhưng rượu thì thầm lặng thấm thía. Lúc bình thường người ta chỉ thấy hương rượu thơm, vị rượu cay nhưng càng uống, tâm sự càng đầy người ta nhận ra vị đắng chát, mặn nhạt, độ nóng lạnh của rượu.
    Nhà thơ Nguyễn Duy ngày Tết Mời vợ uống rượu:
    Vợ cười chưa uống đã say
    Ngọt ngào thì nổi, đắng cay thì chìm.
    Nguyễn Bính có bài thơ Giời mưa ở Huế thấm đẫm nỗi buồn qua chén rượu lạnh: …Sầu nghiêng mái quán, mưa tong tả/ Rượu ứa men lành lạnh ngón tay… Có người nói “ma rượu” có cái đúng nhưng nghiêng về tà rượu. Còn cái ma ở đây là cái bóng lúc có lúc không, lúc hữu hình lúc vô hình. Lúc như Nguyễn Bính “Chén sầu đổ ướt tràng giang/ Canh gà bên nớ giăng sang bên này”. Lúc như Trịnh Thanh Sơn “Nắng tắt mà em không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai”. Bao nhiêu vẻ cảm động, hứng khởi của rượu nhưng mới chỉ rượu trong chai trong chén. Cao hơn, ta còn thấy rượu là cả nỗi lòng Ưu thời mẫn thế là bầu tâm sự của hai thế hệ thi nhân Tản Đà và Trần Huyền Trân.
    Cụ hâm rượu nữa đi thôi
    Be này đã cạn hết rồi còn đâu
    Rồi lên ta uống với nhau
    Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
    (Mộng uống rượu với Tản Đà của Trần Huyền Trân)
    Thơ kỳ lạ, rượu cũng kỳ lạ. Rượu ngấm vào da thịt người thì làm lung lay tinh thần. Rượu ngấm vào thơ thì thơ dẫn người đi đến tận cùng vui buồn và ôm lấy vô vàn ảo ảnh để sống hết cái cõi đời thực ở dương gian. Cho nên thi sĩ Nguyễn Bính mới có Một chiều quan tái:
    Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
    Anh uống cả em và uống cả
    Một trời quan tái mấy cho say.
    Và ai đó nữa trong dân gian bông đùa với cõi trường sinh:
    Tay tiên nâng chén rượu đào
    Không uống thì tiếc, uống vào thì say.
    Người nghệ sĩ dân gian kia là ai mà khi các văn nhân thi sĩ mê vào thơ, say vào rượu thì lại có câu thơ về rượu, tỉnh táo và hóm hỉnh đến vậy./.

                                                                                                                              Theo Báo Mới

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét