Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Câu chuyện khoa học 1

(ĐC sưu tầm trên NET)

Giải mã ánh sáng chói lòa khi cận kề cái chết

Sự gia tăng đột biến hoạt động điện trong não là nguyên nhân tạo ra các trải nghiệm cận tử của những người gần kề cái chết, trong đó đặc biệt là một thứ ánh sáng chói lòa.


Hoạt động của sóng não trước khi chết    Ảnh: BBC
Hoạt động của sóng não mạnh lên trước khi chết. Ảnh minh họa: BBC.
Kinh nghiệm cận tử hay kinh nghiệm cận chết là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng và được cứu sống. 
Theo nghiên cứu thực hiện trên chuột, mức độ sóng não tăng cao tại thời điểm cận kề cái chết của nó. Giới khoa học Mỹ cho biết, con người trong tình trạng tương tự sẽ phát sinh một trạng thái ý thức đặc biệt. Nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, BBC đưa tin.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Jimo Borjigin từ Đại học Michigan, Mỹ cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng não sau khi chết lâm sàng sẽ không hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, điều đó không chính xác. Khi cái chết diễn ra, não bộ hoạt động nhiều hơn".
Theo những người đã cận kề cái chết rồi sống lại, xung quanh họ khi ấy được bao phủ bởi một không gian tràn ngập ánh sáng trắng, họ thấy một cảm giác kỳ lạ và có thể trông thấy thân xác mình ngay trước mắt.
Nghiên cứu trên chuột
Việc nghiên cứu cảm giác cận chết ở con người là một thách thức lớn. Vì vậy, các nhà khoa học Đại học Michiga đã theo dõi trên đối tượng là 9 con chuột sắp chết. Trong khoảng thời gian 30 giây sau khi tim con vật ngừng đập, sóng gama trong não chúng hoạt động rất mạnh.
Xung điện não ở các con chuột thí nghiệm cũng hoạt động với mức độ cao hơn so với trước. Các xung điện não có chức năng hình thành ý thức con vật, liên kết thông tin giữa các bộ phận khác nhau của não bộ.
"Điều tương tự sẽ xảy ra trên bộ não con người, một mức độ gia tăng hoạt động của não và ý thức có thể đem lại những trải nghiệm cận tử", tiến sĩ Borjigin nói.
“Những người cận kề cái chết có vỏ não thị giác bị kích hoạt mạnh, sóng não gama gia tăng khiến họ trông thấy ánh sáng và cảm giác kỳ ảo", bà nói thêm.
Tuy nhiên theo bà Borjigin, để xác nhận kết quả  trên, nghiên cứu cần phải thực hiện trên những người trải qua cái chết lâm sàng và được hồi sinh. "Vấn đề là chúng ta không biết khi nào trải nghiệm cận tử xảy ra, có lẽ là khi bệnh nhân được gây mê hay trước khi tim ngừng đập", bà cho biết.
"Những phát hiện trên mở ra cánh cửa để nghiên cứu sâu hơn trên con người”, tiến sĩ Chris Chambers từ Đại học Cardiff, Anh nói.
Lê Hùng
                                                                                                                                               (vnExpress)

Cái chết không đến tức thì

Cái chết của sinh vật, kể cả con người, diễn ra chậm chứ không phải tức thì. Nó lây lan như một làn sóng từ tế bào này sang tế bào khác cho đến khi toàn bộ cơ thể chết đi.

Cái chết xảy ra chậm hơn bạn nghĩ    Ảnh: Paul Ê-li, Flickr
Cái chết xảy ra chậm hơn suy nghĩ của con người. Ảnh minh họa: Flickr.
Một trong những câu hỏi luôn là bí ẩn lớn của cuộc sống là: "Những gì xảy ra sau khi chúng ta chết?" nhiều khả năng sẽ không bao giờ có câu trả lời, nhưng khoa học phát triển đang tiến gần hơn vấn đề này.
Theo nghiên cứu công bố mới nhất của tạp chí Plos Biology, cơ chế gây ra khi sinh vật bắt đầu chết là một quá trình xảy ra chậm hơn so với suy nghĩ, các tế bào của chúng không chết cùng một lúc mà chúng chết đi như một làn sóng từ tế bào này qua tế bào khác bởi sự lây lan axit, Discovery cho biết. 
Để đưa ra kết luận trên, giới khoa học kiểm tra chặt chẽ những thay đổi sinh học của giun đất sau cái chết. Kết quả, cơ thể chúng có một màu xanh tạo bởi axit anthranillic. Chính axit này chịu trách nhiệm kết thúc sự sống của sinh vật ở cấp độ tế bào.
Người đứng đầu nghiên cứu David Gems cho biết: “Chúng tôi đã xác định được con đường hóa học của sự tự hủy diệt lan truyền trong tế bào khi sinh vật chết đi, đó chính là ánh sáng màu xanh huỳnh quang của axit anthranillic tỏa đi khắp cơ thể, nó giống như một màu xanh “thần chết” khiến sự sống bị dập tắt hoàn toàn”.
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học có thể ngăn chặn quá trình sinh hóa dẫn đến làn sóng chết chóc này bằng cách chống lại, hoặc hạn chế sự lây lan của axit anthranillic, từ đó phát triển cách thức mới kéo dài tuổi thọ con người.
Ông Gems nói: "Chúng tôi có thể trì hoãn cái chết, chẳng hạn do nhiễm trùng bằng cách ngăn chặn đường đi của cái chết, nhưng chúng tôi không thể làm chậm quá trình tử vong do tuổi già. Điều này cho thấy, cái chết do lão hóa là kết quả của nhiều quá trình sinh hóa hoạt động cùng lúc với nhau".
Lê Hùng
                                                                                                                                               (vnExpress)


5 hiện tượng kỳ lạ xảy ra sau khi chết

Tế bào dần bị vỡ ra, cơ thể bị tê cứng, các cơ quan tự tiêu hóa là những điều sẽ xảy ra khi con người qua đời. 


Ảnh minh họa: scientificamerican.com -
Ảnh minh họa: scientificamerican.
Các tế bào dần bị vỡ ra
Sau khi chết vài phút, cơ thể con người bắt đầu phân hủy. Gần như ngay lập tức máu trở nên có tính axit hơn do tích tụ carbon dioxide. Các tế bào bị phá vỡ, các enzim khiến tế bào bị tiêu hóa dần từ bên trong. Cơ thể bắt đầu chuyển lạnh, mỗi giờ, nhiệt độ cơ thể giảm xuống khoảng 0,83 độ C cho đến khi đạt đến nhiệt độ phòng.
Trắng và tím ngắt
Trong khi phần còn lại của cơ thể con người trở nên nhợt nhạt, các tế bào máu di chuyển trong phần cơ thể gần nhất với mặt đất bị dừng lại do lực hấp dẫn, kết quả làm xuất hiện những đốm màu tím các phần cơ thể ấy.
Cơ thể bị tê cứng
Hiện tượng tê cứng xảy ra khoảng 3-4 giờ sau khi chết và mất đi sau 48 giờ. Tại sao nó xảy ra? Các máy bơm điều chỉnh canxi ở màng tế bào ngừng làm việc, canxi bị tích tụ trong tế bào làm cho các cơ co lại và cứng lại.
Nội tạng tự tiêu hóa
Enzim trong tuyến tụy và vi khuẩn làm cho các cơ quan bắt đầu bị tiêu hóa và phân hủy. Cơ thể bị đổi màu, đầu tiên chuyển thành màu xanh lá cây, sau đó đến tím và đen lại. Quá trình này giải phóng putrescine và cadaverine, đó là những hợp chất tạo ra mùi của xác chết.
Một lớp sáp
Sau sự thối rữa, cơ thể phân hủy một cách nhanh chóng để biến thành bộ xương.  Trong quá trình ấy nếu cơ thể tiếp xúc với đất hoặc nước lạnh, nó có thể tạo ra chất béo adipocere, một chất liệu sáp hình thành từ các vi khuẩn phá vỡ mô. Adipocere hoạt động như một chất bảo quản tự nhiên trên các cơ quan bên trong. Nó có thể gây hiểu lầm cho các nhà nghiên cứu rằng một cơ thể chết sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của họ, như là trường hợp của một xác chết adipocere 300 tuổi vừa được tìm thấy ở Thụy Sĩ.
Lê Hùng (theo MMM)
                                                                                                                                (vnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét