Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Câu chuyện lịch sử 19

(ĐC sưu tầm trên NET)

Đằng sau sự trở về của nữ liệt sỹ


Đến bây giờ, khi đã đặt chân trở về nơi được sinh ra và lớn lên, bà Nguyễn Thị Ngọc vẫn không tin mình có được ngày đoàn tụ sau hơn 36 năm ngày đất nước thống nhất.
Và nỗi buồn chiến tranh cùng vết thương nhức buốt hành hạ và những bi kịch cuộc đời của nữ “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc vẫn mãi mãi là vết thương chiến tranh không dễ gì liền sẹo...
Nỗi buồn chiến tranh
Câu chuyện mà bà Ngọc kể lại đong đầy nước mắt. Nỗi buồn chiến tranh cứ thế đeo đuổi và ám ảnh bà suốt mấy chục năm nay với đau đáu mong muốn tìm đường về quê, gặp lại người thân xem ai còn ai mất. Nhưng con đường về quê chỉ hơn 1.000 km sao mà xa vời vợi...
lt6
Bà bảo rằng, chiến tranh 'vẫn còn đó', trên thân thể mình. Trên đường tìm về quê, vết thương cũ tái phát hành hạ bà suốt trên chặng đường dài. Nhưng quê hương thôi thúc, bà dường như đã quên hết sự đau đớn.

Những lúc cơn đau của vết thương nơi đốt sống cổ tái phát, hay những lúc khó thở trên chuyến xe đò về quê, bà lại đưa tay lần tìm chiếc túi nhỏ được ghim chặt trong áo là dịu cơn đau. Bởi như bà nói, là nhờ những đồng tiền chắt bóp và công sức của các con tằn tiện suốt mấy năm nay mới cho bà có được cơ hội tìm về quê. Bà gồng mình để cho qua cơn đau vì cứ lo sợ bị móc túi, không còn tiền về quê.

“Hồi lên rừng năm 1966, tui là cô gái đẹp nhất làng. Mấy anh chỉ huy đội du kích Kỳ Mỹ thấy tui xinh gái không nỡ để tui cầm súng đánh đấm và rúc hầm bí mật. Họ đã bố trí cho tui lên khu căn cứ rồi đi học cấp tốc y tá để phục vụ chiến trường....” - bà Ngọc nhớ lại.

Ký ức quê hương với bà là những ruộng lúa, bờ tre nơi căn nhà cũ ở thôn 5, xã Tam Vinh. Và khi lần bước tìm về đến nhà đứa em trai út, bà bảo như một người mộng du.

Bởi bây giờ trong tâm trí bà vẫn còn vang vọng tiếng súng, tiếng bom B52 rải thảm. Rồi hình ảnh những thương binh mà bà có nhiệm vụ băng bó để chuyển về tuyến sau. Những chiến sĩ hy sinh bà phải tận tay thu gom khâm liệm và chôn giữa rừng thẳm khi tiếng súng vẫn đì đùng nổ nơi chiến trường ác liệt khu 5.

Ông Bùi Văn Bé Hùng, chồng bà kể: Những lúc vết thương tái phát, bà ôm ngực thở dốc từng cơn như con mèo hen. Rồi vết thương nơi đốt sống cổ hành hạ làm bà co rúm lại. Trong đầu bà chỉ nghe tiếng súng nổ và tiếng hô xung phong của đồng đội. Nhưng qua cơn đau, bà là một người vợ đảm đang, dịu hiền...

Bi kịch của liệt sĩ trở về

Suốt hơn 10 năm làm công tác y tá tiền phương bám theo những cánh quân chủ lực trên chiến trường Khu 5 ác liệt, thương tích trên người bà đã liền sẹo, nhưng lại tái phát khi trái gió trở trời.
lt7
Rồi giải phóng hoàn toàn miền Nam, bà Ngọc theo chồng về công tác ở Tiền Giang suốt 14 năm. Vết thương tái phát, bà nghỉ việc vì sức khoẻ không đảm bảo. Bà an phận trở về ruộng vườn mà không đòi hỏi thiệt hơn.

Một lá phổi bên trái bị bắn thủng buộc phải cắt bỏ để cứu mạng sống cho bà. Một vết thương nơi sống cổ đã hành hạ bà bao năm qua. Nhưng bà vẫn gắng gượng công tác rồi cùng chồng bươn chải nơi vùng nước nổi Tiền Giang để nuôi 5 đứa con ăn học.

Sau khi nghỉ việc vào năm 1988, bà đã làm hồ sơ thương binh. Toàn bộ giấy tờ chứng nhận thương tích ở chiến trường, bằng dũng sĩ và bằng khen, những hồ sơ giấy tờ liên quan của đơn vị cấp được giao cho những người làm chính sách ở xã Thiện Trung, huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang nơi quê chồng. Nhưng hồ sơ bị thất lạc, bà chẳng còn lại gì, ngoài những vết thương hành hạ.
Cuối cùng, sau bao cuộc họp, sau bao vất vả vạ vật chạy xin làm hồ sơ thương binh, bà vẫn không được công nhận, vì không đủ giấy tờ.

Bà bảo, những năm sau giải phóng, gia đình cực khổ không ngóc đầu lên được do bà bị bệnh triền miên phải nằm viện điều trị. Rồi bà nghỉ việc, không một chế độ đãi ngộ nên cái nghèo cứ thế đeo bám...

Nhớ quê, nhớ cha mẹ và những đứa em ở nhà, nhưng bà cắn răng chịu đựng. Quê nhà với bà xa tít mù khơi. Thời gian cứ thế trôi qua, đã hơn 36 năm bà mới có đủ tiền để trở về quê thì cha mẹ đã qua đời.

Bà kể cho tôi nghe chuyến hành hương về quê nhà mà lộ phí là những đồng tiền được chắt bóp từ nhiều năm trước. Vẫn chưa đủ, bà phải chạy vay nóng để có đủ lộ phí trong chuyến đi gần 2 ngày đêm từ Tiền Giang về Quảng Nam.

Trước khi về quê, bà đâu biết rằng, 'số phận' mình đã 'yên vị' nơi quê nhà bằng tờ giấy báo mất tích và tấm bằng tổ quốc ghi công cùng tấm ảnh thờ đen trắng ngày còn là thiếu nữ.

lt8
Bà dò dẫm tìm về cội nguồn, những đứa em của bà không nhận ra mặt người chị đã hy sinh trong chiến tranh. Khi bước vào nhà, nhìn tấm ảnh thờ của mình giữa lư hương nghi ngút khói mà người em chăm thắp mỗi ngày, bà đã khuỵ xuống, nước mắt chảy ròng.

Trong tâm trí những đứa em và bà con thân thuộc nơi quê nhà, bà Ngọc đã 'về với tổ tiên', với cát bụi đã ngót nghét 40 năm nay. Không ai biết ngày bà mất, nên người em chọn một ngày đầu tháng 4 để làm đám giỗ cúng cho bà hàng năm.

Câu chuyện đắng lòng được em trai út của bà là Nguyễn Văn Vận kể lại: “Thú thực, may chị về lúc sáng sớm tui còn biết mà không sợ, bởi cứ tưởng ai đó có việc mua bán. Nếu chị ấy về ban đêm, chắc tui phải quì xuống mà vái lạy chị có linh thiêng thì phù hộ cho em khoẻ, chị ăn chi em cúng nấy, đừng chọc phá em mà tội. Bởi làm răng tui tin được một người đã hy sinh, được công nhận liệt sĩ lại có thể trở về bằng xương bằng thịt như vậy...”.

Nhưng “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc đã trở về thật sự với bao nỗi buồn thân phân. Nhưng với tình yêu thương, bà sẽ “tái sinh” để sống nốt quãng đời còn lại không phải trong nỗi nhớ quê hương, anh em họ hàng da diết.

Chúng tôi tin như vậy!

Vũ Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét