TT&HĐ V - 49/d



 
Tuổi Thơ 'Dị Thường' Của Những Thiên Tài Vĩ Đại Của Thế Giới


PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 "Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

Upanishad       


CHƯƠNG X (XXXXIX): LỜI "LẢM NHẢM" SAU CÙNG
 
“Điều gì đã thổi sức sống vào các phương trình và làm cho chúng có thể mô tả Vũ Trụ?”
Stephen Hawking

“Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó”
Arixtốt

“Thiên tài khác ngu ngốc ở chỗ thiên tài có giới hạn”
A. Anhxtanh

“Nếu thực tại không tương đồng với lý thuyết, hãy thay đổi thực tại”
A. Anhxtanh

“Có thật nhiều thứ để tìm hiểu, nhưng cũng thật ít thứ đã được tìm hiểu thấu đáo”
Robert A. Heinlein

“Từ Vũ Trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Gagarin

“...Đặt cược cho một vũ trụ duy nhất và sự tồn tại của một nguyên lý sáng tạo chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh Vũ Trụ một cách vô cùng chính xác... Nguyên lý này không đại diện bởi một vị Chúa rậm râu; đó là một nguyên lý phiếm thần biểu hiện qua các định luật của tự nhiên.”
Trịnh Xuân Thuận

“Chắc chắn rằng, tựa như tình cảm tôn giáo, niềm tin rằng thế giới là lý tính, hay ít nhất là có thể hiểu được, chính là cơ sở của mọi công trình khoa học. Niềm tin này tạo nên quan niệm của tôi về Chúa. Đó là quan niệm của Spinoza”. 
Albert Einstein

"Có một thứ chúng ta thấy ngay từ khi chào đời và hầu như thường xuyên trong cuộc đời, nhưng chúng ta vẫn tưởng là chưa từng thấy, đó là không gian. Có một thứ chúng ta tưởng thực sự tồn tại như dòng trôi cuốn chúng ta đi nhưng không biết trôi về đâu, đó là thời gian. Ngày nay, chưa ai nhận thức được hoặc nhận thức vẫn sai lầm về chúng. Chỉ khi nào loài người nhận thức chính xác và cặn kẽ hai thứ thiết yếu ấy, thì nhiệm vụ khoa học của loài người mới có cơ may hoàn thành".
TC
 
"Sau nhiều năm nghiền ngẫm, ở chặng cuối cuộc đời tôi mới ngộ ra: Vũ Trụ không hỗn độn như chúng ta tưởng mà là một khối gắn kết thống nhất vĩ đại, không phải vì phục tùng ý Chúa (làm gì có Chúa!) mà vì chính bản thân nó: Tồn Tại. Vạn vật trong lòng nó luôn vận động để tránh Hư Vô, nghĩa là vận động cho nó và vì nó, luôn tự giác răm rắp tuân theo một nguyên lý chung nhất và duy nhất: nguyên lý Tự Nhiên". 
 NTT

""Của dân,do dân và vì dân" là nguyên tắc cơ bản của mọi nhà nước trong việc duy trì và bảo toàn xã hội chứ không phải sở hữu riêng của NNVN". 
NTT

 

  
(Tiếp theo)

***
Tiếp theo, chúng ta “lượm lặt gần xa” vài ba mẩu chuyện tếu có liên quan đến vấn đề điên rồ - thiên tài cho vui đời.
1- KHÔNG NGU
Một bức thư đề ngoài phong bì: “Gửi cho viên luật sư ngu nhất thành phố”. Trong một thời gian dài không có vị luật sư nào chịu bóc thư. Cuối cùng, có lẽ vì không kiềm chế nổi sự tò mò nên cũng có một luật sư bóc thư ra. Trong thư là một tấm séc với khoản tiền lớn và mẩu giấy ghi dòng chữ: “Ông không đến nỗi ngu như ông tưởng”.
2 - ĐIỀU RẤT ĐƠN GIẢN
Có nhà báo hỏi Anhxtanh:
- Ngài đã ghi lại những suy nghĩ vĩ đại của mình bằng cách nào? Ngài có dùng sổ tay, vở ghi chép hay hệ thống phiếu?
- Bạn thân mến, những suy nghĩ thực sự đến trong đầu quá hiếm hoi. Vì thế mà nhớ chúng không khó lắm.
- Thế những phát minh làm đảo lộn thế giới đã xuất hiện bằng cách nào?
- Rất đơn giản! Ai cũng hiểu rằng làm điều đó là không thể được. Ngẫu nhiên có một tay ngu dốt lại không hiểu điều đó nên mới cho ra cái phát minh ấy.
3 - CHỮ LATINH VÀ CÂY CỎ
Thuở nhỏ, Các Linney thường bị các thầy giáo khiển trách. Có thầy giáo đã nói với bố của Các Linney: “Con trai ông không đủ khả năng để tiếp tục học. Chỉ tốn thời gian và tiền của thôi! Cậu ấy không có khiếu khoa học. Đáng lẽ phải học tiếng Latinh, cậu ta lại chỉ tìm cây cỏ dán đầy vào vở. Tốt hơn là ông nên cho con trai thôi học về nhà và tìm cho nó một nghề nào đó, chẳng hạn như nghề đánh giày…”
Về sau, cậu học trò “không có khả năng khoa học” Các Linney trở thành nhà sinh vật học người Thụy Điển kiệt xuất của thế giới.
4 - LỜI THÚ NHẬN MUỘN MÀNG
Năm 1807, Napôlêông tiếp nhà khoa học sáng chế nổi tiếng Phuntơn trong cung điện Tuylơn. Phuntơn khuyên vị hoàng đế nước Pháp trang bị cho hạm đội hải quân những tàu chạy bằng động cơ hơi nước. Napôlêông gạt phắt:
- Mỗi ngày người ta lại đưa đến cho ta hết dự án vô bổ này đến dự án nhảm nhí khác. Ngươi ra khỏi đây ngay! Chắc nhà ngươi cũng là một trong đám những kẻ điên rồ ấy!
Sau đó 8 năm, khi đứng trên chiếc thuyền của nước Anh chở mình đi đày đến đảo Xanh Êllen và thấy chiếc thuyền chạy bằng động cơ hơi nước của Mỹ mang tên “Phuntơn”, Napôlêông đã hối tiếc:
- Đuổi Phuntơn khỏi Tuylơn, ta mất ngai vàng!
5 -GIẤC MƠ THIÊN TÀI
D. Menđêlêép là nhà hóa học nổi tiếng thế giới. Ông tin rằng giữa các nguyên tố hóa học phải có mối quan hệ định tính và định lượng theo qui luật, nên chuyên tâm nghiên cứu sắp xếp chúng. Dù đã tốn rất nhiều công sức nhưng Menđêlêép vẫn chưa tìm ra được qui luật ấy. Một hôm, quá mệt mỏi bởi công việc tìm tòi, ông nằm vật xuống đi văng ngủ vùi, không cởi cả áo khoác. Thế rồi ông nằm mơ và trong cơn mơ đó ông thấy các nguyên tố hóa học được sắp xếp theo một thứ tự không thể hợp lý hơn. Choàng tỉnh dậy, Menđêlêép vội vã ghi chép lại tất cả những điều đã thấy trong mơ. Đó chính là bảng sắp xếp các nguyên tố hóa học mang tên ông: Bảng tuần hoàn Menđêlêép, mà trong kiến thức cơ bản về hóa học, nó là thứ không thể thiếu được.
6 - SỰ VINH QUANG SỚM SỦA
Vào một ngày cuối năm 1887, trong căn hầm nhà chung cư ở thành phố Cadan, nước Nga vang lên một tiếng nổ như đạn pháo. Kẻ gây ra tiếng nổ lớn đó là cậu học trò Xasa Bútlêrốp. Vì quá say mê hóa học nên cậu ta đã lén lút lấy căn hầm đó làm nơi thực hành các thí nghiệm. Chuyện đó đã làm cho Bútlêrốp bị phạt giam rồi còn bị bắt đeo một cái bảng có dòng chữ: “Nhà hóa học vĩ đại” ở trước ngực đi diễu qua phòng ăn của ký túc xá.
Không ngờ dòng chữ với ý đồ mỉa mai đó lại là một sự tôn vinh đến sớm. Bútlêrốp sau này đúng là một nhà hóa học lừng danh thế giới.
7 - LẤY VÀNG TỪ MẶT TRỜI
Nhà vật lý người Đức, Kiếchôph có lần giảng về cấu tạo Mặt Trời và chỉ ra những vành đen trong quang phổ của nó chính là biểu thị về vàng. Một tay tư bản ngân hàng ngồi nghe, bỗng hỏi:
- Thứ vàng đó có lợi lộc gì khi không thể lấy nó từ Mặt Trời?
Sau đó ít lâu, nhờ phát minh phân tích phổ Mặt Trời mà Kiếchôph được tặng thưởng huy chương vàng. Ông nói với tay tư bản ngân hàng dạo nọ:
- Ông thấy đấy, dù sao thì tôi cũng lấy được vàng từ Mặt Trời!
8 - THỊ HIẾU
Tháp Effen là một cấu kiện khổng lồ làm bằng thép do kỹ sư người Pháp tên là A. Effen thiết kế. Khi ngọn tháp được khởi công tạo dựng tại thủ đô Pari thì Tổng giám đốc triển lãm thế giới ở Pari nhận được bức thư sau: “Nhân danh thị hiếu chân chính, nhân danh nghệ thuật, nhân danh lịch sử nước Pháp hiện tại đang bị đe dọa, chúng tôi là những nhà văn, nghệ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, những người hâm mộ, đam mê vẻ đẹp tuyệt vời của Pari, với sự phẫn nộ sâu sắc, phản đối việc tạo dựng ngay trong quả tim thủ đô chúng ta một cái tháp vô bổ và kỳ quái… Ảnh hưởng của óc tưởng tượng hẹp hòi, tính toán tủn mủn của người chế tạo sẽ làm xấu xí và nhục nhã Pari!...”
Bức thư mang chữ ký của 40 nhà trí thức tiêu biểu, nổi tiếng của Pháp thời ấy.
Ngày nay tháp Effen là biểu tượng về sự tuyệt vời của trí tuệ và tài năng con người, là kỳ quan của nước Pháp và của cả thế giới.
9 - TỔ QUỐC
Trước binh lính, vị chỉ huy hỏi:
- Chiến, anh nghĩ gì về Tổ quốc?
- Thưa, Tổ quốc là thiêng liêng!
- Xa vời quá!... Còn Thắng, anh nghĩ gì về Tổ quốc?
- Thưa, Tổ quốc là mẹ hiền của tôi!
- Rất gần gũi!... Anh Quân nghĩ sao?
- Thưa chỉ huy, Tổ quốc là vợ của bố anh Thắng!...
10 - SỐ ĐIỆN THOẠI
Cô giáo hỏi cả lớp:
Trong lời giới thiệu về nhà đại văn hào Pháp, sau cái tên Victo Huygô là dòng chữ số: (1802-1885). Em nào biết dòng chữ số đó có nghĩa là gì?
Một học sinh nhanh nhảu đứng lên:
- Thưa cô! Đó là số điện thoại của ông ta ạ!...
11 – THẢ RUỒI
Thầy giáo bực mình, vỗ bàn:
- Ồn quá! Hãy im lặng! Cả lớp hãy im lặng đến độ nghe được cả tiếng ruồi bay xem nào…
Thế là cả lớp im phăng phắc. Một lát sau, có lẽ không chịu nổi sự chờ đợi nữa, một học sinh rụt rè lên tiếng:
- Thưa thầy, sao thầy không thả ruồi ra đi ạ!...
12 - TỪ GHÉP
Cô giáo:
- Trong tiếng Việt có rất nhiều từ ghép. Từ ghép là từ rút gọn, được hợp thành bởi hai từ đồng nghĩa hoặc có nghĩa gần gũi nhau. Từ ghép có tác dụng nhấn mạnh hoặc mang nghĩa bao hàm hơn hai từ được ghép. Chẳng hạn, “gian khó” là từ ghép của hai từ “gian khổ” và “khó khăn”; “núi sông” là từ ghép của hai danh từ “núi”, “sông” và có nghĩa như “quê hương”, “tổ quốc”… Các em đã hiểu chưa?
Cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, rồi ạ!
- Vậy thì em Tèo, hãy nêu cho cô một câu trong đó có một từ ghép…
Tèo đứng lên, rành mạch:
- Thưa, “Bố em là người bất lực” ạ!
Cô giáo nhăn mặt, lắc đầu:
Thấy thế, Tèo nói tiếp:
- Thưa cô, “bất lực” là từ ghép của “bất khuất” và “lực lưỡng” ạ…
Cô giáo trầm ngâm một lúc rồi ôn tồn nói:
- Em Tèo ghép như vậy không sai, nhưng khiên cưỡng. Thường thì những từ ghép như vậy không được sử dụng vì dễ làm người ta ngộ nhận thành nghĩa của một từ khác trùng với nó về hình thức và đã được dùng phổ biến… Bây giờ đến lượt Tý, em hãy nêu một câu trong đó có hai từ ghép xem nào!...
- Thưa cô, “Chúng em ngoan cố là nhờ cô khích động” ạ. Cả lớp phì cười. Cô giáo nhíu mày, lên giọng:
- Em nói cái gì thế, Tý?
- Thưa cô, “ngoan cố” là từ ghép của “ngoan ngoãn” và “cố gắng”, còn “khích động” là từ ghép của “khích lệ” và “động viên” ạ!...
Cả lớp cười to hơn. Cô giáo cũng bật cười trước vẻ mặt ngẩn ngơ của Tý. Rồi cô giáo quay lên bảng lắc đầu, miệng lẩm bẩm:
- Bó tay!...
13 - AI NGU MUỘI, AI THIÊN TÀI
Khi Côpecnic đưa ra thuyết Nhật Tâm, M. Luther, người khai sinh là ra đạo Tin Lành đã nhận xét: “Gã ngốc ấy mà cũng đòi lật đổ toàn bộ môn thiên văn ư?”, và đòi lôi ra xét xử “nhà thiên văn đã buộc Trái Đất phải chuyển động còn Mặt Trời thì phải đứng yên”. Thiên Chúa giáo chính thống cũng chống đối thuyết Nhật Tâm quyết liệt, liệt sách của Côpécnic vào danh mục cấm kèm lời ghi chú: “Cho đến khi nào chịu sửa lại”. Lệnh cấm này được duy trì đến tận năm 1882, tính ra là hơn ba thế kỷ.
Galilê, ông tổ của vật lý thực chứng, thuở ban đầu trên bước đường nghiên cứu khoa học của mình cũng đã từng tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng hệ thống mới (tức thuyết Nhật Tâm) của Côpécnic là sự ngu xuẩn tuyệt đối”. Tuy nhiên, về sau, ông đã thay đổi quan điểm, quay lại ủng hộ và bảo vệ nó quyết liệt. Chính vì thế mà ông đã bị trừng phạt nặng nề bởi Pháp đình Thiên Chúa giáo.
Còn nhà triết học duy vật Baicơn (1561-1626) thì mô tả thuyết Nhật Tâm như là “sự hoang tưởng của một người không ý thức được mình đã đưa ý niệm gì vào tự nhiên” rồi kết luận: “Ông ta (tức Côpécnic) chỉ cần biết rằng nó đáp ứng các tính toán của cá nhân mình mà thôi”.
14 - ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG
Sau khi lặp lại thành công thực nghiệm của nhà vật lý người Nga A. Pôfôp về sự truyền tín hiệu vô tuyến nhờ sóng điện từ, một người Ý tên là G. Marconi liền nảy ra ý tưởng truyền tín hiệu này vượt qua Đại Tây Dương. Ông này đơn giản nghĩ rằng chỉ cần tăng công suất nguồn phát và cải thiện độ nhạy của máy thu là có thể thực hiện được điều đó. Ý tưởng của Marconi bị các chuyên gia đương thời đem ra làm trò cười thiên hạ. Theo họ, đơn giản vì sóng điện từ truyền theo đường thẳng nên nó không thể lượn nửa vòng Trái Đất (hình cầu) để tới bờ bên kia của Đại Tây Dương được. Tuy rằng không được học hành bao nhiêu về kỹ thuật, Marconi vẫn quyết tâm mày mò, bỏ ngoài tai mọi lời chế giễu, công kích, và vào năm 1897 thì thực hiện thành công ý tưởng của mình. Sự kiện này, đến lượt nó, đặt ra câu đố làm nhức đầu các chuyên gia. Mãi đến năm 1902, hai nhà khoa học người Mỹ và Anh (tên là Kenelly và Heaviside) mới phát hiện ra sự tồn tại tầng điện ly của khí quyển Trái Đất. Chính nhờ sự phản xạ sóng điện từ của tầng này mà dự án của Marconi thành công.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhà vật lý E. Lorenz, người Mỹ, đề nghị chế tạo máy gia tốc hạt cơ bản - Xiclotron. Ngay lập tức ông vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các chuyên gia. Với những lập luận rất chặt chẽ, họ kết luận hiệu suất của máy sẽ không đáng kể. Thế nhưng, người ta vẫn cứ chế tạo và điều ngạc nhiên là kết quả ngược với sự đoán của các chuyên gia. Thì ra, trong quá trình vận hành máy, xuất hiện một từ trường kích thích, làm tăng hiệu suất máy. Cũng vì thế, sau này máy mang tên là máy gia tốc cộng hưởng từ.
Ước mơ du hành trong Vũ Trụ của con người đã có từ lâu. Khoảng nửa sau thế kỷ XIX, nhà văn J. Verne đã hư cấu rất lý thú một con tàu hành trình lên Mặt Trăng trong một tiểu thuyết viễn tưởng của ông. Lúc đó cũng có đôi người, chẳng hạn như R. Godard nghiên cứu nghiêm túc về khả năng đó. Số đông nhà khoa học thời đó không tin là trong hiện thực có thể chế tạo được một con tàu (còn gọi là tên lửa) bay vào Vũ Trụ được, và cố gắng chứng minh tính bất khả thi này. Theo họ, một trong những cản trở cơ bản là trong chân không Vũ Trụ, tên lửa sẽ bị mất điểm tựa là không khí nên không thể bay được. Duy có một người Nga tên là K. Xiôncốpxki vẫn “gàn bướng” tìm tòi cách thực hiện ước mơ cháy bỏng được ngao du trong Vũ Trụ của nhân loại. Kiến thức khoa học mà Xiôncốpxki có được là hoàn toàn nhờ tự học, cũng vì thế mà chỉ ở mức bình thường, thậm chí còn có những khiếm khuyết về trình độ học vấn. Ấy vậy mà ông đã đến được ý tưởng độc đáo, vượt qua sức tưởng tượng của các chuyên gia đương thời và bị họ coi là kỳ quặc. Tuy nhiên, theo thời gian, những nghiên cứu phát minh trên cơ sở ý tưởng đó đã dần mở ra khả năng biến ước mơ của nhân loại thành hiện thực. Ấy vậy mà năm 1926, giáo sư người Anh tên là A. Bikerton vẫn bày tỏ thái độ khinh miệt đối với ý tưởng của Xiôncốpxki: “Một ý tưởng ngu ngốc chưa từng thấy!”. Nực cười nhất là chỉ còn đúng một năm nữa, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được phóng thành công lên quĩ đạo Trái Đất, mà vị giáo sư thiên văn cũng người Anh, ngài K. Vandet Booly vẫn lớn tiếng tuyên bố rằng các chuyến bay vào Vũ Trụ chỉ là chuyện “vớ vẩn”, vì “không thể thực hiện được”.
Đương thời, nhà tài phiệt Mỹ nổi tiếng H. Ford từng tuyên bố: các chuyên gia chỉ là những kẻ phá hoại. Ông nhận xét rằng các chuyên gia rất nhanh chóng moi móc ra những khiếm khuyết của lý tưởng mới và đưa ra hàng trăm ngàn trở ngại để bóp chết nó. “Họ rất thông minh và đầy kinh nghiệm để giải thích một cách chính xác tại sao không nên làm cái này cái nọ. Họ tiên đoán được những giới hạn và trở ngại”, có lần H. Ford đã đánh giá như vậy về các chuyên gia. Rồi liền đó ông rút ra một kết luận hóm hỉnh: “Nếu muốn hạ các đối thủ của mình bằng những phương cách hèn hạ, tôi chỉ cần đẩy cho họ một đám chuyên gia. Ngập trong một đống những lời khuyên khôn ngoan, các đối thủ của tôi sẽ chẳng thể bắt tay vào làm việc gì được”.
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH