TT&HĐ V - 49/b
Nikola Tesla - Nhà Phát Minh Thiên Tài Của Nhân Loại
PHẦN V: THỐNG NHẤT
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky
Gorky
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới"
"Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng
mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể
gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein
“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
CHƯƠNG X (XXXXIX): LỜI "LẢM NHẢM" SAU CÙNG
“Điều gì đã thổi sức sống vào các phương trình và làm cho chúng có thể mô tả Vũ Trụ?”
Stephen Hawking
“Không có thiên tài nào mà không pha lẫn sự điên rồ trong đó”
Arixtốt
“Thiên tài khác ngu ngốc ở chỗ thiên tài có giới hạn”
A. Anhxtanh
“Nếu thực tại không tương đồng với lý thuyết, hãy thay đổi thực tại”
A. Anhxtanh
“Có thật nhiều thứ để tìm hiểu, nhưng cũng thật ít thứ đã được tìm hiểu thấu đáo”
Robert A. Heinlein
“Từ
Vũ Trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh
một màu xanh vĩnh cửu”.
Gagarin
“...Đặt
cược cho một vũ trụ duy nhất và sự tồn tại của một nguyên lý sáng tạo
chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh Vũ Trụ một cách vô cùng chính
xác... Nguyên lý này không đại diện bởi một vị Chúa rậm râu; đó là một
nguyên lý phiếm thần biểu hiện qua các định luật của tự nhiên.”
Trịnh Xuân Thuận
“Chắc
chắn rằng, tựa như tình cảm tôn giáo, niềm tin rằng thế giới là lý
tính, hay ít nhất là có thể hiểu được, chính là cơ sở của mọi công trình
khoa học. Niềm tin này tạo nên quan niệm của tôi về Chúa. Đó là quan
niệm của Spinoza”.
Albert Einstein
"Có
một thứ chúng ta thấy ngay từ khi chào đời và hầu như thường xuyên
trong cuộc đời, nhưng chúng ta vẫn tưởng là chưa từng thấy, đó là không
gian. Có một thứ chúng ta tưởng thực sự tồn tại như dòng trôi cuốn chúng
ta đi nhưng không biết trôi về đâu, đó là thời gian. Ngày nay, chưa ai
nhận thức được hoặc nhận thức vẫn sai lầm về chúng. Chỉ khi nào loài
người nhận thức chính xác và cặn kẽ hai thứ thiết yếu ấy, thì nhiệm vụ
khoa học của loài người mới có cơ may hoàn thành".
TC
"Sau nhiều năm nghiền ngẫm, ở chặng cuối cuộc đời tôi mới ngộ ra: Vũ
Trụ không hỗn độn như chúng ta tưởng mà là một khối gắn kết thống nhất
vĩ đại, không phải vì phục tùng ý Chúa (làm gì có Chúa!) mà vì chính bản
thân nó: Tồn Tại. Vạn vật trong lòng nó luôn vận động để tránh Hư Vô,
nghĩa là vận động cho nó và vì nó, luôn tự giác răm rắp tuân theo một
nguyên lý chung nhất và duy nhất: nguyên lý Tự Nhiên".
NTT
""Của
dân,do dân và vì dân" là nguyên tắc cơ bản của mọi nhà nước trong việc
duy trì và bảo toàn xã hội chứ không phải sở hữu riêng của NNVN".
NTT
(Tiếp theo)
Đến đây, dựa trên tiêu chuẩn nói chung đã
được định ước bởi thành kiến xã hội (ý kiến của số đông) chúng ta có thể phân
những biểu hiện của tư duy về mặt trí tuệ thành hai loại cơ bản có tính tương
phản nhau là “khôn” và “ngu” đối với trường hợp hoạt động tư duy ở mức độ bình
thường (nghĩa là trong phạm vi nhận thức xã hội đương thời nói chung còn có thể
hiểu được). Trong trường hợp hoạt động tư duy đạt đến tình trạng bị kích thích
lên cao độ đến mức tột độ, làm xuất hiện những ý tưởng thực sự mới lạ, khó ngờ
tới, vượt khỏi phạm vi nhận thức nói chung của xã hội đương thời, thì cặp tương
phản lưỡng nghi khôn - ngu sẽ chuyển biến thành cặp lưỡng nghi thiên tài - rồ
dại. Tình trạng hoạt động tư duy ở mức độ nào cũng xuất hiện những ý tưởng sáng
tạo (vì sáng tạo là một yêu cầu có tính thường xuyên đối với tư duy nhận thức
trên bước đường mưu sinh, đảm bảo và tăng cường khả năng sống còn của mỗi con
người nói riêng và của cả loài người nói chung). Một cách tương đối, nếu gọi sự
sáng tạo xuất hiện trong quá trình tư duy ở trạng thái bình thường là “sáng tạo
tự nhiên” thì có thể gọi sự sáng tạo xuất hiện trong quá trình tư duy ở trạng
thái bị kích thích, ức chế cao độ là “sáng tạo cưỡng bức”. Nếu sáng tạo tự
nhiên được cho là kết quả của tư duy lôgíc, được định kiến khoa học đương thời
nhanh chóng và dễ dàng thừa nhận, thì sáng tạo cưỡng bức là kết quả của tư duy
bất chấp lôgíc, mâu thuẫn với định kiến khoa học đương thời, vì thế mà nếu có
xác đáng thì cũng thường rất khó được thừa nhận cũng như rất lâu mới được thừa
nhận. Lịch sử nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại của nhân loại cho thấy sáng
tạo tự nhiên đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì sự tiến bộ không ngừng và
đều đặn của khoa học, còn sáng tạo cưỡng bức chủ yếu đóng vai trò tạo bước
ngoặt, tác động có tính cách mạng, làm cho sự tiến bộ khoa học phát triển một
cách đột biến và bùng phát sau đó.
Với quan niệm đó, phải chăng sáng tạo
cưỡng bức là sáng tạo của những bậc thiên tài? Không phải! Phải cho rằng chỉ có
một phần (dù có thể là phần nhiều hơn) sáng tạo cưỡng bức là của thiên tài,
phần còn lại chính là của… ngu ngốc (hay rồ dại). Sự sáng tạo do rồ dại đôi khi có giá trị hơn hẳn sự sáng tạo do thiên tài!
Trả
lời như thế nghe thật… “sốc”. Nhưng
hãy bình tĩnh mà ngẫm nghĩ lại. Đến nay, rất nhiều người vẫn cho rằng
thiên tài
xuất hiện là một ngẫu nhiên, thiên tài của một người là may mắn, tự
nhiên mà
có. Nghĩ như vậy là phạm vào nguyên lý nhân - quả, một trong những
nguyên lý
phổ quát nhất của Tự Nhiên: mọi tồn tại đều là kết quả của sự tạo
thành. Do đó, thiên tài cũng không thể ngoại lệ, phải có nguyên nhân làm
xuất
hiện nó. Theo chúng ta quan niệm thì thiên tài được hun đúc nên bởi
nhiều yếu
tố, chủ yếu là thành quả của quá trình nung nấu về mặt trí tuệ trong
hoạt động
tư duy và tương tác thần kinh có qui mô xã hội (mà khoa học ngày nay
chưa nhận
diện được về mặt bản chất nên đã phải qui cho cái gọi là “tâm linh” đầy
màu sắc
huyền bí). Và rồ dại chủ yếu cũng là kết quả của một bùng phát về tư
duy, một cuộc giải thoát của tự do khỏi xiềng xich ràng buộc của khối
nhận thức cũ. Rốt
cuộc, có thể phân định sự sáng tạo cưỡng bức thành hai loại: sáng tạo
thiên tài
và sáng tạo rồ dại. Sự phân định thiên tài - rồ dại hoàn toàn dựa vào
qui ước.
Qui ước ấy, vì cũng được thiết lập trên cơ sở nhận thức hiện thực khách
quan
nên cũng hàm chứa tính khách quan, nhưng bản thân nhận thức là chủ quan,
bị
khống chế bởi một lý trí chủ quan duy ý chí luôn túc trực trong tiềm
thức nên
đồng thời sự phân định ấy cũng bị bao trùm bởi tính chủ quan. Khi nói
một trí
tuệ thiên tài thì không phải lúc nào và trên bất cứ lĩnh vực nào cũng tỏ
ra
thiên tài. Một con người được đánh giá thiên tài không có nghĩa là thiên
tài về
mọi mặt mà thường vẫn có những mặt, những lúc tỏ ra tầm thường như mọi
người
khác trong xã hội, thậm chí còn bị cho là có những hành vi hoàn toàn ngu
ngốc.
Mặt khác, một người bị đánh giá là ngu ngốc, rồ dại lại nhiều khi không
hề ngu
ngốc, rồ dại mà chính sự đánh giá đã mê lầm do bị khống chế bởi chủ quan
bảo
thủ, nghĩa là bởi niềm tin đầy ý chí (lý trí hòa lẫn với mù quáng!), có
phần
cực đoan vào tính đúng đắn của lý trí mình.
Bảo thủ, hay
nhiều người còn gọi là “sức
ỳ tâm lý” gần như (hay đúng là?) một đặc tính của bộ não trong tư duy
nhận
thức. Nhờ bảo thủ mà tư duy nhận thức có lý trí. Nhờ có lý trí phát
triển mà
nhận thức tự nhiên ngày một tiến bộ. Nhưng bảo thủ cũng đồng thời làm
xuất hiện
sự chủ quan duy ý chí, khuynh đảo lý trí để rồi ý chí, đến lượt nó, ít
nhiều
gây ra sự cản trở, kìm hãm quá trình phát triển của nhận thức về thực
tại khách
quan. Khi đã nhận thức được tính “lá mặt lá trái” ấy của bảo thủ thì có
thể
khắc phục đến mức tối đa sự lũng đoạn của chủ quan đối với nó để hạn chế
tối đa
sự tác động tiêu cực của nó đến quá trình nhận thức. Tuy nhiên, không
thể “giũ
sạch” được “sức ỳ tâm lý”, cái làm nên sự bảo thủ ra khỏi tư duy lý tính
vướng víu chủ quan (ý chí) được.Thí dụ Cơ học Niutơn, một thời được coi
là nền tảng chân lý trong vật lý học. Không ai được quyền mà phản bác
nó nhưng dựa vào nó, loài người đã không giải thích được vì sao sự tổng
hợp vận tốc không thể lớn hơn c (vận tốc cực đại Vũ Trụ) mà phải đợi
thuyết tương đối (hẹp) của Anhxtanh (cho đến ngày nay, một số biểu hiện
chứng tỏ Anhxtanh cũng sai nốt!). Hay học thuyết Mác-Lênin về Chủ nghĩa
cộng sản, đã từng được một bộ phận lớn dân chúng coi là "mặt trời chân
lý" soi đường cho loài người tiến bước trong thế kỷ XX, rất nhiều người
đã hiến dâng trọn đời cho nó, đặt trọn niềm tin vào nó. Nhưng thử hỏi,
đến nay nó còn là chân lý không? Niềm tin "sắt đá" nhiều khi lại là biểu
hiện của sự thủ cựu, bảo thủ...chúa!
Chúng ta đều biết, quá trình nhận thức
thực tại khách quan của loài người nói riêng hay của một loài nào đó biết tư
duy nói chung, là quá trình tìm hiểu từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, từ nông
cạn đến sâu sắc, từ trực giác đến suy tưởng. Điều đó cho thấy sự hình thành nên nhận thức mới bao giờ cũng
bắt đầu trên cơ sở nhận thức cũ - những nhận thức của quá khứ đã được thừa nhận
là chân lý, được đúc kết lại thành kiến thức, thành khoa học của loài người
đương thời. Có thể nói, “ôn cố tri tân” (ôn lại kiến thức cũ để tìm hiểu cái
mới) là con đường duy nhất, là độc đạo của sự phát triển nhận thức đến ngày một
sâu rộng. Chính vì vậy mà khi một nhận thức mới ra đời và được thừa nhận đúng
đắn thì đó là thành quả đồng thời của sự kế thừa và sáng tạo. Hiển nhiên rằng,
không có quá khứ thì không có tương lai, không có cũ thì không có mới, do đó mà
muốn sáng tạo khoa học thì trước hết phải kế thừa kiến thức, và sáng tạo mới
chỉ có thể xảy ra trên cơ sở đã kế thừa kiến thức ấy, đã "thuộc làu" kiến thức ấy. Nhưng chính sự kế thừa
cũng đồng thời làm cho sự chủ quan bảo thủ trở thành một thế lực gây cản trở
mạnh mẽ đến sáng tạo, nhất là đối với những sáng tạo có tính đột phá: Vì sao
vậy? Vì khi một khám phá khoa học đã trở thành kiến thức nhân loại của một thời
đại thì nó cũng hàm chứa một sự bảo thủ, một niềm tin khoa học mù quáng (tín
ngưỡng khoa học) của thời đại đó.
Tóm lại, kiến thức khoa học đương thời là
thành quả đã được đúc kết lại một cách cô đọng và có hệ thống những nhận thức
của quá khứ về thực tại khách quan, được thừa nhận là đúng đắn, là chân lý. Khi
nghiên cứu khoa học trở thành con đường chủ yếu đi nhận thức thực tại khách
quan, thì bước đi đầu tiên của nó là phải tiếp thu, nắm vững kiến thức khoa học
đương thời, lấy đó làm nền tảng cũng như làm phương tiện để bước tiếp những
bước mới trong việc tìm hiểu khám phá những điều bí ẩn mà quá khứ chưa giải
quyết được và cả những điều bí ẩn mới phát sinh. Vì nhận thức của quá khứ về
thực tại khách quan còn thiển cận và nông cạn nên tất yếu nghiên cứu khoa học
sẽ đến lúc vấp phải những bí ẩn cực kỳ nan giải làm dấy lên một nỗ lực chung
trong giới khoa học để cố gắng tìm lời đáp. Kiến thức khoa học đương thời là
tinh hoa nhận thức của loài người trong quá khứ và vì trước nhiều thử thách nó
đã tỏ ra xác đáng nên cũng trở thành nhận thức chung vì được thừa nhận là duy
nhất đúng của khoa học về tự nhiên. Khi kiến thức khoa học đương thời đã được
tiếp thu trọn vẹn đến mức thấm nhuần thì nó cũng trở thành như một thứ “trực
giác khoa học” đối với một nhà nghiên cứu khoa học, đến nỗi nhà khoa học hầu
như không thể quan niệm được lại có thể có một nhận thức thứ hai nào đó khác
với nhận thức do kiến thức khoa học đương thời đã chỉ ra, mà vẫn đúng đắn.
Nghĩa là lúc này, kiến thức khoa học đương thời đã trở thành một chân lý hiển nhiên
đối với nhà khoa học và đồng thời trong tâm trí nhà khoa học cũng bị ngự trị
bởi cái gọi là “đức tin khoa học” có tính mù quáng vào kiến thức ấy. Chính cái
đức tin có tính vô điều kiện (nhưng thực ra là có điều kiện!) và mù quáng (nhưng cứ tưởng là sáng suốt!) đó đã tạo ra sự bảo thủ của nhà khoa
học trong công việc nghiên cứu khoa học của mình. Đến đây, chúng ta đã dễ dàng
hiểu được vì sao mà trong lịch sử nghiên cứu khoa học, khi phải nỗ lực khám phá
những bí ẩn nan giải còn tồn đọng từ thời quá khứ hay mới phát sinh, các nhà
khoa học thường vẫn tìm hướng giải quyết trong phạm vi phù hợp với kiến thức
đương thời, hoặc nếu bất đắc dĩ phải đặt những giả thuyết, ý tưởng mới có tính
mở rộng kiến thức cũ để tạo điều kiện giải thích rốt ráo hiện tượng thì những
thứ ấy cũng phải được quan niệm trên tinh thần cơ bản của kiến thức cũ và đặc
biệt là phải đảm bảo không được mâu thuẫn với kiến thức cũ. Phải cho rằng quá
trình nghiên cứu khoa học theo hướng này cũng không thiếu những ý tưởng và phát
kiến sáng tạo. Nhưng những sáng tạo đó thuộc loại mà chúng ta tạm gọi là những
hệ quả rút ra được từ kiến thức khoa học đương thời và có tác dụng bổ sung, làm
cho kiến thức ấy trở nên hoàn thiện hơn ở mức độ nhận thức đã định hình của nó.
Thế nhưng, có những bí ẩn lớn lao và hóc
búa đến nỗi cho dù các nhà khoa học đã cố gắng hết mức, đã áp dụng mọi phương
cách có thể trong phạm vi kiến thức khoa học đương thời, vẫn không thể nào giải
quyết được. Tình hình ấy tất yếu đặt ra đòi hỏi khách quan là phải có một bước
đi giải tỏa, mang tính đột phá trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để có được
bước đi ấy không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều. Chính cái niềm tin
khoa học đã biến tướng thành đức tin khoa học - một thứ tín ngưỡng giáo điều,
vào kiến thức khoa học đương thời được cho là chân lý bất di bất dịch về thực
tại khách quan (mà thực ra chỉ là về hiện thực khách quan có phạm vi bị hạn
định trong tầm năng lực quan sát và nhận thức chủ quan của quá khứ); đã trở
thành một thế lực mạnh mẽ ngăn cản sự triển khai của bước đi đột phá ấy. Cũng
chính vì vậy mà trong buổi đầu dò dẫm tìm cách đột phá những bí ẩn làm ách tắc
sự phát triển của nhận thức khoa học, những ý tưởng hay suy lý nào tỏ ra “xa
lạ” với “thánh đường” kiến thức khoa học đương thời, với “trực giác khoa học”
của thời đại đều bị coi là vô lý, thậm chí là ngớ ngẩn, rồ dại và không thể
chấp nhận được.
Khi những ý tưởng và suy lý thực sự hàm
chứa chân lý và có tính cách mạng nhưng vì quá mới lạ nên bảo thủ khoa học
không thể tiếp thu được và do đó cũng làm cho chúng nhanh chóng bị thui chột
trong trứng nước, thì đồng thời cũng tồn tại hiện tượng lẩn quẩn, hoang mang
mất phương hướng trong nghiên cứu khoa học. Tình hình bế tắc đó gây nên nỗi bức
xúc ngày một căng thẳng, nung nấu sự nỗ lực tìm tòi nghiên cứu sâu rộng hơn nữa
trong khoa học và trở thành một động lực chính yếu làm xuất lộ thiên tài tại
một thời điểm gọi là chín muồi nào đó trong tương lai, đóng vai trò như một
thiên sứ đứng ra giải quyết rốt ráo bí ẩn khoa học của thời đại, đồng thời tạo
điều kiện hình thành một kiến thức khoa học mới trên nền tảng quan niệm mới về Tự
Nhiên đích đáng hơn kiến thức khoa học cũng như quan niệm cũ, nghĩa là mở ra
một hiện thực khách quan sâu rộng hơn cho quan sát và nhận thức mà hiện thực
khách quan bị hạn chế bởi trình độ quan sát và nhận thức của quá khứ chỉ còn là
bộ phận của nó.
Ở một mức độ nhìn nhận nào đó, có thể cho
rằng sự xuất hiện thiên tài khoa học tại thời điểm đã định để giải tỏa bế tắc
khoa học của thời đại là ngẫu nhiên và đột phá kiểu “đùng một cái”. Nhưng nếu
xem xét kỹ thì đó là hiện tượng có tính tất yếu, là kết quả của một quá trình
kế thừa, trăn trở, hun đúc, trong hoạt động khoa học của tập thể con người nói
chung đồng thời với của cá nhân con người nói riêng, bằng con đường trực tiếp
dạy và học cũng như
bằng con đường gián
tiếp tâm linh (ở đây, tâm linh được hiểu là những hiện tượng con người
chưa hiểu được, có tính thần thánh nhưng không phải do thần thánh vì làm
gì có thần thánh!).
Khi khoa học lâm vào khủng hoảng trầm
trọng vì bế tắc không giải quyết được bí ẩn thời đại trên cơ sở phải tuân thủ
những quan niệm của kiến thức khoa học đương thời, thì niềm tin tuyệt đối vào
kiến thức ấy cũng bắt đầu lung lay. Một số nhà khoa học đã tìm lại những ý
tưởng và suy lý đã từng bị bảo thủ khoa học loại bỏ trước đây nhưng bắt đầu hé
lộ những nét hợp lý để nhìn nhận, xem xét lại. Chúng ta cho rằng thiên tài hơn
người thường ở chỗ nhạy bén thấy được cái cốt lõi, tinh túy hợp lý trong cái vẻ
bề ngoài phi lý, không hợp lôgic của những ý tưởng, suy lý đi tiên phong và hơn
nữa, thấy được mối liên hệ qua lại ẩn chứa điều lớn lao mà những người khác
không thấy được hoặc thấy như là những thể hiện có tính tình cờ, ngẫu nhiên,
hình thức, kỳ quặc. Từ đó mà thiên tài cũng rút tỉa ra được những tinh túy từ
những ý tưởng bị quan niệm chính thống liệt vào hàng lầm lạc, ngớ ngẩn, hoang
tưởng và thậm chí là hoàn toàn điên rồ, để làm cơ sở ban đầu xây dựng nên một
lý thuyết mới hoàn chỉnh, tổng quát hơn lý thuyết cũ (thường là nhận lý thuyết
cũ là bộ phận, là trường hợp riêng của nó), và do đó cũng xác đáng hơn lý
thuyết cũ.
Khi lý thuyết mới của thiên tài (hoặc rồ dại!) được thừa
nhận rộng rãi một cách “không thể chối cãi được” nữa, thì cũng là lúc lý thuyết
cũ phải nhường vai trò chính thống cho lý thuyết mới, nghĩa là lý thuyết mới
trở thành quan niệm cơ sở của thời đại để từ đó loài người tiếp tục nhận thức
trên bước đường tìm hiểu Tự Nhiên Tồn Tại của mình. Đến lúc này, những ý tưởng
góp phần làm nên lý thuyết mới mà trước đó bị cho là ngu ngốc, điên rồ mới được
nhìn nhận lại và được tôn vinh hết lời nào là có tính đột phá, đi tiên phong,
vượt tầm thời đại, tiên tri, nào là mang nét kỳ diệu, xuất chúng, thiên tài…Trong
giai đoạn chuyển hóa cuối cùng ấy, từ gã điên rồ biến thành đấng thiên tài chỉ
còn vài bước chân!
Rõ ràng, nếu không có những ý tưởng khoa
học (cả đúng lẫn sai) xuất hiện trước và bị đương thời đánh giá là ngu ngốc,
điên rồ thì cũng không thể có lý thuyết mới của thiên tài, xuất hiện sau.
Đến đây, chúng ta mới thấy một điều thú
vị: trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi khó lòng phân biệt được một cách đúng
đắn đâu là ngu ngốc, điên rồ, đâu là thiên tài, xuất chúng. Một người bị chê là
điên rồ chưa chắc đã điên rồ mà chính những người đánh giá lại là ngu muội. Có
thể, một người hôm nay là điên rồ thì ngày mai vụt thành thiên tài và ngược
lại, cũng có thể một người hôm nay được tung hô là thiên tài thì ngày mai lại
hóa ra ngu ngốc. Hỏi vui rằng, những lý thuyết vang bóng một thời như thuyết
địa tâm, thuyết phlôgistôn, thuyết nguyên tử cổ đại… là thành quả mang dấu ấn
của thiên tài hay ấu trĩ? Đây là câu hỏi thuộc “siêu phàm” nên câu trả lời cũng
phải “siêu phàm”: Vừa thiên tài vừa ấu trĩ, là cả hai mà cũng không phải cả
hai!
Trong kho tàng chuyện tiếu lâm có chuyện
này: có một anh chàng áo quần bảnh bao, giày mới láng coóng đi dự tiệc. Giữa
đường gặp một vũng lầy lớn không thể nhảy qua được. Xung quanh cũng không có
một cái gì khả dĩ làm phương tiện để đi qua vũng lầy đó mà không bị ướt và vấy
bẩn. Trong cơn bĩ cực một ý tưởng lóe trong đầu chàng ta: dùng tay mình túm tóc
mình, tự nhấc mình lên đặt sang bên kia vũng lầy.
Đó là ý tưởng biểu hiện thiên tài hay
điên rồ? Nếu hỏi một ngàn người, thậm chí một triệu người, thì ngay tắp lự, mọi
người đều cho là điên rồ bởi vì nó phản khoa học. Nhưng phản khoa học ở chỗ
nào? Đó là câu hỏi làm cho không ít người phải lúng túng.
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------------------
-------------------------------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét