Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 53

(ĐC sưu tầm trên NET)

Lê Văn Linh (1377 - 1448)

VietnamDefence - “Lê Văn Linh là Khai quốc Công thần và là nguyên lão đại thần của ba triều (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông - NKT), bản tính thâm trầm, đã giàu mưu lược lại rất am hiểu chính sự, ý kiến bàn bạc ở triều đình thường rất sáng suốt...” - Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển XI, tờ 66-b)
Lê Văn Linh sinh năm Đinh Tỵ (1377) tại làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất vào tháng chạp năm Mậu Thìn (1448) , hưởng thọ 71 tuổi.
Thời Hồ (1400 - 1407), Lê Văn Linh đã nổi tiếng là người hay chữ của huyện Lôi Dương, tuy nhiên, không thấy sử chép gì về việc thi cử của ông. Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Văn Linh là một trong những người đầu tiên nhiệt liệt hưởng ứng. Và ông là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai , tổ chức vào năm 1416. 
Là người có tiếng hay chữ, Lê Văn Linh thường được Bộ chỉ huy Lam Sơn và Bình Định Vương Lê Lợi sử dụng như một văn thần.  Dẫu vậy, những ý kiến xuất sắc của ông đối với hoạt động của lực lượng vũ trang luôn luôn được đánh giá rất cao. Sử sách xưa nay phần nhiều vẫn xếp ông vào hàng những nhà quân sự có tài.

Tương truyền vào thời ông còn trẻ, đất làng Hải Lịch vẫn thường bị cọp hoành hành, dân làng rất lấy làm khổ sở. Sử cũ chép rằng:
“Ông vốn là người có khí tiết cao. Lúc ấy, dân trong làng thường khổ vì nạn cọp. Ông liền nhân đó viết bức thư trách cọp. Từ đó, cọp bỏ đi hết. Vì lẽ ấy, người ta ví ông như Hàn Thuyên là người đã làm thơ đuổi cá sấu đi nơi khác” (Đại Nam Nhất thống chí, Tỉnh Thanh Hóa - Tập hậu - mục Nhân vật).
Về những cống hiến của Lê Văn Linh trong thời kỳ tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, sử cũ chỉ chép một cách rất vắn tắt:
“Khi (Lê) Thái Tổ (tức Lê Lợi - NKT) còn đang trong thời kỳ bí mật chuẩn bị ở Lam Sơn, ông đã hăng hái theo về. Đến năm Mậu Tuất (tức năm 1418 - NKT), Vua (Lê Thái Tổ) dấy nghĩa binh thường cùng với Nguyễn Trãi luôn ở bên cạnh để bàn mưu, bày kế thần diệu trong màn trướng. Việc tính toán vận trù (Thuật ngữ quân sự cổ nghĩa là tính toán trước và tính toán đúng để có thể quyết thắng) quyết thắng thường là có công lao.
Khi Vua vây thành Đông Quan, ông bàn mưu kín mà lấy được thành, khiến cho người Minh cuối cùng phải xin hàng, Vương Thông phải rút về, nước nhà nhờ đó mà thái bình yên tĩnh” (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).
Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ông được xếp vào hàng Khai quốc Công thần, tước Hương Thượng Hầu. Đó là tước vị thuộc hàng cao nhất mà vua Lê Thái Tổ đã ban cho những người từng đồng cam cộng khổ và có nhiều công lao trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh.
Năm 1329, Lê Văn Linh được phong làm Nhập nội Thiếu Phó.  Năm 1435, Lê Văn Linh được lệnh cùng với Lê Bôi đem quân đi đánh Cầm Quý ở châu Ngọc Ma (phía Tây của đất Nghệ An ngày nay).
Sử cũ chép:
“Châu Ngọc Ma ở phía Tây Nghệ An, phía Đông của Ai Lao. Ở đó, Cầm Quý có hơn 1 vạn quân. Khi (vua Lê) Thái Tổ khởi nghĩa, Cầm Quý đã từng đem quân tới giúp và từng được trao hàm Thái úy. Ít lâu sau (Cầm Quý) tỏ ý ngờ vực, hối hận mà rút quân về. Đến khi dẹp xong giặc Ngô, (Cầm) Quý rất lấy làm hổ thẹn và lo sợ, nhưng hắn vẫn cậy có đất hiểm, lại ở chốn xa xôi nên không chịu thần phục. (Cầm) Quý là tên tham lam và tàn bạo, không cho dân được trồng trọt tranh với mình. Hắn cho xây cung thất lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ kể đến hàng trăm. Hắn bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nạp cống, nhưng thực là để vơ vét cho riêng mình. (Vua Lê) Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì lúc bấy giờ đang có nhiều việc, chưa rảnh mà hỏi đến. Tới đây, vua (Lê Thái Tông) sai đi đánh, bắt được Cầm Quý đóng cũi, đem về kinh sư” (Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển XI, tờ 32a-b), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển XVI, tờ 33)).
Trong trận đánh vào châu Ngọc Ma nói trên, với cương vị là Tham đốc, tướng Lê Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Người đương thời cho ông là bậc đa tài, vào triều là tướng văn, ra ngoài là tướng võ, không việc gì không đảm đương được. 
Nhưng, cũng đúng năm 1435, vì có lời can Vua không nên xử quá nặng đối với quan Đại Tư đồ Lê Sát, ông bị giáng xuống hàm Bộc xạ. Phải khá lâu sau đó, Lê Văn Linh mới được phục chức, trải thăng dần lên đến hàm Thái Phó.

Ông mất (năm 1448), được triều đình truy tặng hàm Khai Phủ và được ban tên thụy là Trung Hiến. 

Con cháu Lê Văn Linh về sau đều hiển đạt và có danh vọng lớn với đời, trong đó, nổi bật hơn cả là ba nhân vật sau đây:
  1. Lê Hoẵng Dục (con) làm quan được phong tới hàm Thái bảo, tước Quận công.
  2. Lê Cảnh Huy (con), làm quan tới chức Thượng thư, hàm Thái Phó, tước Quận công.
  3. Lê Năng Nhượng (cháu) làm quan tới chức Chưởng Lục Bộ, hàm Thái bảo, tước Quốc công.
Điều đáng lưu ý là con cháu Lê Văn Linh đều văn võ gồm tài. Lê Hoẵng Dục, Lê Cảnh Huy và Lê Năng Nhượng đều từng trực tiếp cầm quân, hoặc đi đánh dẹp một số cuộc nổi dậy, hoặc là cùng vua đi đánh Chiêm Thành. Người giữ chức quan võ cao nhất là Lê Cảnh Huy. Năm 1470, ông được phong chức Hữu Đô đốc, cùng với vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Lưu Nhân Chú (? - 1433)

VietnamDefence - “Cứu khốn phò suy: giành lại cơ đồ, chẳng sá cháo rau cơm hẩm; / Diệt trừ bạo loạn: rửa sạch đất trời, bao quản gươm vàng ngựa sắt” - Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử,Chư thần truyện.
“Xét Lưu Nhân Chú:
Tài năng lớn như cây tùng cây bách,
Đức độ sáng như ngọc dư, ngọc phan.
Thương nước nhà trong cơn hoạn nạn
Vì nghiệp vua không nỡ ẩn thân.
Chốn Linh Sơn đói khổ mấy tuần, ngươi toàn tâm chu tất.
Xứ Ai Lao vất vả muôn phần, tấm thân người chẳng tiếc.
Cứu khốn phò suy: giành lại cơ đồ, chẳng sá cháo rau cơm hẩm;
Diệt trừ bạo loạn: rửa sạch đất trời, bao quản gươm vàng ngựa sắt”

Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử, Chư thần truyện.
Lưu Nhân Chú (Chữ Chú còn có âm khác là Thụ nên nhiều người đọc là Lưu Nhân Thụ.  Lại cũng vì ông được ban quốc tính là họ Lê, nên cũng nhiều người đọc họ tên ông là Lê Nhân Thụ) người xã An Thuận Thượng, huyện Đại Từ, nay là xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Hiện vẫn chưa ai rõ, Lưu Nhân Chú sinh vào năm nào. Lý lịch xuất thân của Lưu Nhân Chú chỉ được sử cũ ghi chép rất vắn tắt.
Đại để, tuổi trẻ của ông rất nghèo khó. Ông phải buôn bán lặt vặt để kiếm sống (Đại Việt thông sử , Chư thần truyện). Gia phả nhà họ Lưu cho biết thêm vài chi tiết nữa, theo đó thì họ Lưu đã ba đời nối nhau làm quan ở Thái Nguyên, từng được nhà Trần phong tới tước Hầu. Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung đã hăng hái đến hưởng ứng (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn. Khởi nghĩa Lam Sơn.-H.: KHXH, 1977.-Tr.142).
Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, là thành viên đầu tiên của Bộ chỉ huy Lam Sơn, chức vụ cụ thể lúc bấy giờ là Phó Chỉ huy Vệ kỵ binh trong đội quân Thiết Đột. Lưu Nhân Chú đã liên tục có nhiều cống hiến lớn cho nghĩa quân Lam Sơn nói riêng và cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân ở đầu thế kỷ XV nói chung. Tên tuổi của ông gắn liền với mấy sự kiện lớn sau đây:
  • Tham gia chỉ huy trận Khả Lưu - Bồ Ải (1424)
Tháng 10 năm 1424, Lam Sơn đã táo bạo đánh vào Nghệ An để “tìm đất đứng chân” (Về diễn biến chung của cuộc tấn công vào Nghệ An, tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Chích). Cuộc tấn công này đã khiến cho quân Minh rất bối rối. Tướng giặc là bọn Trần Trí và Phương Chính đã lập tức cho quân đuổi theo. Chúng dự kiến sẽ bất ngờ đánh vào Trà Lân, tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất của lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng mưu toan đánh bất ngờ của chúng đã sụp đổ, bởi trước đó Lê lợi đã cho các tướng đem quân tới chiếm lĩnh Khả Lưu là “vùng đất hiểm”, nằm án ngữ ngay dọc đường tiến vào Trà Lân.
Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã khôn khéo tổ chức thành công hai trận mai phục liền (Tham khảo thêm phần viết về Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Lê Văn An...). Trận thứ nhất khiến cho Trần Trí và Phương Chính phải vội vã lui quân, để lại đến “hàng vạn xác chết” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). Trận thứ hai, Trần Trí và Phương Chính đại bại, phải bỏ chạy về tận Tây Đô Trận này, “Ta chém được nhiều không kể xiết, chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vất như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống được hơn một vạn quân Minh” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). Chỉ huy quân Lam Sơn trong cả hai trận mai phục này là 11 vị tướng, trong số đó, có Lưu Nhân Chú. 
Lê Quý Đôn đánh giá về công lao của Lưu Nhân Chú trong trận Khả Lưu-Bồ Ải như sau:
“Năm Giáp Thìn (tức năm 1424 - NKT), trong trận đánh ở Khả Lưu, công hăng hái xông lên phía trước để hãm trận giặc, góp phần thu toàn thắng, tên ông nổi bật lên cả một thời” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).). 
  • Cùng cầm quân vây hãm thành Tây Đô (1425)
Mùa hè năm 1425, sau khi đã giải phóng vùng đồng bằng Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa, Lam Sơn liền cử một loạt tướng lĩnh cầm quân tiến ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa. Hai vị tướng đi tiên phong trong trận tấn công này là Lê Sát và Đinh Lễ. Hai vị tướng này đem quân đi đánh Diễn Châu và sau khi thắng lớn ở Diễn Châu, họ liền cho quân tiến thẳng ra Thanh Hóa. Nghe tin này, Lê Lợi và Bộ chủ huy Lam Sơn liền cử tiếp các tướng Lý Triện, Lưu Nhân Chú và Bùi Bị đem 2000 quân tinh nhuệ cùng ba thớt voi, theo đường tắt tiến gấp ra Thanh Hóa để tiếp ứng.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng Thanh Hóa rộng lớn và buộc lực lượng quân Minh ở đây phải rút vào cố thử trong thành Tây Đô. Bấy giờ, chỉ huy quân Minh ở Thanh Hóa là các tướng Đả Trung, La Thông và viên ngụy quan tay sai Lương Nhữ Hốt. Thành Tây Đô là một trong số những thành lớn và kiên cố lúc bấy giờ. Thành có hai lớp, lớp ngoài gọi là thành ngoài, chu vi 18 km, đắp bằng đất; lớp trong gọi là thành nội, chu vi khoảng 3 km, xây bằng đá tảng cỡ lớn, rất chắc chắn. Thành được xây theo lối nội thành, ngoại hào (một lớp hào sâu rồi đến một lớp thành cao). Sau khi cùng các tướng nói trên ồ ạt tấn công và giải phóng được vùng đồng bằng Thanh Hóa, Lưu Nhân Chú ngày đêm cho quân vây hãm ráo riết đối với thành Tây Đô.
Cuộc vây hãm này đã làm cho thành Tây Đô gần như hoàn toàn bi cô lập và càng ngày càng trở nên khốn quẫn. Những cuộc tập kích liều lĩnh của quân Minh hòng phá thế bị bao vây đều bị Lưu Nhân Chú và các tướng của Lam Sơn đập tan. Nhờ những công lao này, cuối năm 1425, Lưu Nhân Chú được phong tới tước Hầu.
  • Tung hoành ở khu vực hạ lưu sông Hồng (1426)
Sau khi cầm quân tham gia các trận đánh giải phóng Thanh Hóa và vây hãm thành Tây Đô, Lưu Nhân Chú lại được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao thêm nhiệm vụ mới là cùng với các tướng như Bùi Bị, Lê Trương và Lê Ninh, chỉ huy một trong ba đạo quân của Lam Sơn, tấn công ra vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Theo kế hoạch ban đầu của Bình Định Vương Lê Lợi thì đây chính là đạo quân thứ hai (Về các đạo quân của Lam Sơn tấn công ra Bắc, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xả). Đạo quân này lúc đầu chỉ có hơn 2000 quân và một thớt voi, nhưng về sau, Lê Lợi còn phái thêm hơn 2000 quân và một thớt voi nữa, giao cho các tướng Lê Bồi và Lê Vị Canh chỉ huy, gấp rút tiến ra để tiếp ứng. Nhờ vậy, đạo quân thứ hai chính là đạo có lực lượng hùng hậu nhất. Đạo này có hai nhiệm vụ quan trọng. Một là ráo riết hoạt động ở vùng hạ lưu sông Hồng và tham gia uy hiếp thành Đông Quan như đã nói ở trên. Hai là sẵn sàng chặn đánh bọn giặc rất có thể sẽ bỏ các thành Nghệ An, Diễn Châu và Tây Đô để chạy ra Bắc.
Sự có mặt của Lưu Nhân Chú và các tướng Lam Sơn cùng với hơn 4000 quân sĩ đã khiến cho giặc Minh thực sự bối rối. Chúng ứng phó một cách lúng túng và kém hiệu quả. Đấy chính là cơ hội thuận tiện để đạo quân thứ nhất có thể tổ chức thành công những trận đánh lớn, buộc viên tướng đi cứu viện của giặc là Vương Thông phải rút hết lực lượng về cố thủ trong thành Đông Quan.
Tương quan thế và lực giữa đôi bên thay đổi nhanh chóng theo xu hướng ngày càng có lợi cho Lam Sơn. Nhờ công lao này, tháng 3 năm 1427, Lưu Nhân Chú được phong là Hành quân Đô đốc Tổng quản, Nhập nội Đại Tư mã, quản lĩnh cả bốn vệ là Tiền, Hậu, Tả và Hữu. Ba tháng sau, ông lại được thăng là Tư không.
Sử cũ chép rằng: “Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) dặn ông rằng: Chức tước đã cao thì sớm hôm phải chăm chỉ, không nên trễ nãi, biếng nhác, khiến uổng phí cả công lao. Nói rồi, liền ban cho ông một cái tán” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
  • Tướng lập công xuất sắc trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang (1427)
Gần cuối năm 1427, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh và mục tiêu quan trọng nhất là đạo viện binh hùng hậu do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn).
Tướng Lưu Nhân Chú được lệnh cùng với một số tướng lĩnh khác đem 1 vạn tinh binh và năm thớt voi chiến lên ải Chi Lăng. Tại đây, nhờ khéo kết hợp với lực lượng của Trần Lựu, Lưu Nhân Chú và các tướng đã dồn Liễu Thăng vào ổ mai phục ở núi Mã Yên và giết chết viên chủ tướng hung hăng này cùng với khoảng 1 vạn quân lính của hắn. Sự kiện này diễn ra vào ngày 10/10/1427.
Tuy bị tổn thất rất nặng nề, nhưng ỷ có quân số còn rất đông, các tướng cao cấp và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của nhà Minh quyết định tiếp tục hành quân và tiếp tục thực hiện kế hoạch đi cứu nguy cho Vương Thông. Viên Phó Tổng binh Bảo Định Bá Lương Minh, thay thế cho Liễu Thăng, chỉ huy lực lượng quân Minh còn lại.
Ngày 15/10/1427, ngót 9 vạn quân Minh đã lọt vào ổ mai phục thứ hai của Lam Sơn tại Cần Trạm (Lạng Sơn). Bấy giờ, Lưu Nhân Chú là một trong các tướng chỉ huy trận đánh thứ hai này. Các tướng Nguyễn Lý và Lê Văn An cũng được lệnh đem 3 vạn quân lên tiếp ứng. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Lam Sơn đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh. Tướng cao cấp nhất của giặc là Lương Minh vừa mới lên nắm quyền đã bị chém đầu.
Sau trận thắng này, Lưu Nhân Chú cùng với các tướng lĩnh khác gấp rút kéo quân về Xương Giang để kịp thời chuẩn bị cho cuộc tập kích mới. Cũng sau trận thua đau ở Cần Trạm, về phía giặc, Đô đốc Thôi Tụ cùng Binh bộ Thượng thư Lý Khánh và Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc lên nắm quyền chỉ huy. Chúng vội vã hành quân với hy vọng đến Xương Giang sẽ bám vào thành mà tính kế sách mới. Nhưng, khi chúng đến nơi thì thành Xương Giang đã bị san bằng trước đó 10 ngày. Thôi Tụ buộc phải cho quân hạ trại ở ngay giữa cánh đồng Xương Giang.
Khi đến Xương Giang, bộ chỉ huy cao cấp của giặc chỉ còn có Đô đốc Thôi Tụ và Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc mà thôi. Trước đó, vào ngày 15/10/1427, Binh bộ Thượng thư Lý Khánh, vì hoảng sợ, đã thắt cổ tự tử ở Phố Cát (Lạng Sơn). Lực lượng quân Minh ở Xương Giang lúc bấy giờ chỉ còn khoảng 7 vạn. Chúng bị quân Lam Sơn bao vây khắp cả bốn mặt và liên tiếp gửi thư dụ hàng. 
Ngày 3/11/1427, cuộc tập kích có quy mô lớn chưa từng thấy của Lam Sơn vào Xương Giang bắt đầu. Lưu Nhân Chú có vinh dự được tham gia chỉ huy cuộc tập kích đó. Minh sử chép rằng:
“Giặc (chỉ quân ta - NKT) cho voi chiến xông bừa vào rồi cùng nhau hô to rằng ai hàng thì sống, ai chống thì chết. Thế trận quân ta (chỉ quân Minh - NKT) rối loạn, bị giết hoặc bị đuổi chạy dài. Toàn quân tan vỡ cả” (Minh sử, Quyển 154).
Tất cả tướng lĩnh chỉ huy của quân Minh tại đây, từ Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng Phúc trở xuống, đều bị bắt sống hoặc bị giết. Toàn bộ quân Minh bị giết và bị bắt sống, chỉ một tên duy nhất sống sót và chạy về được Trung Quốc mà thôi (Về kẻ chạy thoát này, Hoàng Minh thực lục ghi là Chủ sự Phan Hậu, nhưng Minh triều Bản kỷ sự (Quyển 22) thì ghi là Phan Nguyên Đại. Rất có thế là Phan Hậu và Phan Nguyên Đại cung chỉ là một người mà thôi). 
Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang là thắng lợi chung của Bộ chỉ huy và toàn thể nghĩa sĩ Lam Sơn, nhưng trong đó, đóng góp của Lưu Nhân Chú là rất đáng kể.  Ông là một trong số không nhiều các tướng của Lam Sơn đã có vinh dự tham gia chỉ huy hầu như tất cả các cuộc tập kích suốt từ Chi Lăng đến Xương Giang và trận nào ông cũng đều lập công xuất sắc.
  • Làm con tin giữa sào huyệt giặc (1427)
Sau trận đại thắng ở Chi Lăng-Xương Giang, tư thế của Lam Sơn là tư thế hiên ngang ở trên đầu thù. Với tư thế đó, Lam Sơn hoàn toàn có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan bằng một trận đánh chớp nhoáng. Nhưng Lam Sơn đã không làm như vậy. Trước sau như một, Lê Lợi Nguyễn Trãi và đa số các tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy Lam Sơn vẫn kiên trì thực hiện chủ trương “thương lượng” nhằm buộc quân Minh phải rút khỏi nước ta. Nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là:
“Chỉ cần vẹn đất,
cốt sao an ninh”

 (Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn Phú)
Để thuyết phục kẻ thù, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã đồng ý trao đổi con tin với Vương Thông. Giặc cho hai viên tướng khét tiếng của chúng là Sơn Thọ và Mã Kỳ sang đại bản doanh của Lê Lợi để làm con tin. Ngược lại, Lê Lợi cũng cho tướng Lưu Nhân Chú cùng với con trai của Lê Lợi là Tư Tề (lúc này đang ở hàm Đại Tư đồ) vào Đông Quan để làm con tin. Vào Đông Quan tức là vào tận sào huyệt nguy hiểm nhất, giáp mặt với những viên tướng tàn bạo và xảo quyệt nhất của kẻ thù. Vào Đông Quan, ngoài dũng khí của một vị tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, điều mới mẻ mà Lưu Nhân Chú phải có là bản lĩnh và năng lực ứng đói với kẻ thù. Lúc này, một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới những tác hại khó lường trước được. Và một lần nữa, Lưu Nhân chú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vì những công lao nói trên, năm 1428, Lưu Nhân Chú được phong là Suy Trung Tán Tri, Hiệp mưu Dương Vũ Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự. Tháng 5 năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị Khai quốc Công thần, tên của Lưu Nhân Chú đứng ở hàng thứ năm. Và đến năm 1431, ông được phong là Nhập nội Tư khấu.
Thời đánh Nam dẹp Bắc, xông pha trận mạc trăm trận có thừa, binh hùng tướng mạnh của giặc chẳng thể làm cho Lưu Nhân Chú ngã gục, nhưng, thời thái bình thịnh trị chỉ vì bị bạn đồng liêu, cũng là người từng vào sinh ra tử với mình là Lê Sát ghen ghét, Lưu Nhân Chú đành phải tức tưởi mà chết.
Sử cũ chép: “Năm thứ sáu (tức năm Thuận Thiên thứ sáu, 1433 - NKT), vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi - NKT) mất, (vua Lê) Thái Tông còn nhỏ, quan Đại Tư đồ Lê Sát ghen ghét ông, ngầm bỏ thuốc độc để giết hại ông”.
Năm Hồng Đức thứ 15 (tức là năm 1484), vua Lê Thánh Tông truy tặng Lưu Nhân Chú hàm Thái Phó, tước Vinh Quốc Công. 

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Trần Nguyên Hãn (? - 1429)

VietnamDefence - “Trần Nguyên Hãn người xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), có học thức, giỏi binh pháp. Ông theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa, có công lớn trong sự nghiệp đánh quân Minh, được phong hàm Đại Tư đồ, chức Tả Tướng quốc” - Đại Nam Nhất Thống chí (Tỉnh Sơn Tây - mục Nhân vật)
Trần Nguyên Hãn là cháu nội của quan Đại Tư đồ thời Trần là Trần Nguyên Đán (1326 - 1390). Ông là anh em con cô con cậu với Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán). Hiện vẫn chưa rõ Trần Nguyên Hãn sinh vào năm nào, tuy nhiên, căn cứ vào hành trạng cụ thể, cũng có thể ước đoán rằng ông chào đời vào khoảng trước hoặc sau năng 1380 một chút.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn tại Thành phố Hồ Chí Min
Khi quân Minh xâm lược nước ta, rồi cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại, Trần Nguyên Hãn là một trong những người sục sôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đã cùng với Nguyễn Trãi, lặn lội vượt đường xa dặm dài, đến tụ nghĩa ở Lam Sơn ngay trong những ngày chuẩn bị gian khổ đầu tiên.
Chuyện ông và Nguyên Trãi tìm đến với Lam Sơn kể cũng khá ly kỳ. Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) và Nguyễn Án (1770 - 1815) mô tả khá kỹ, nay xin được tóm lược như sau:
Bấy giờ, để che mắt kẻ thù, Trần Nguyên Hãn thường đóng vai một người làm nghề buôn bán dầu để đi đó đi đây dò la tin tức. Một hôm, vì lỡ đường, ông nghỉ lại qua đêm trong đền Lý Ông Trọng. Đang khuya mơ màng, ông thấy có vị thần làng bên đến rủ Lý Ông Trọng lên chầu Thượng Đế, nhưng Lý ông Trọng từ chối, nói rằng đền đang có vị Quốc công (chỉ Trần Nguyên Hãn - NKT) nghỉ lại, không thể đi được. Chừng gà gáy sáng, vị thần làng bên lên chầu Thượng Đế trở về, ghé qua và báo cho Lý ông Trọng biết rằng, trên Thiên Đình xét thấy nước Nam này chưa có chủ nên Thượng Đế đã quyết cho Lê Lợi làm vua và Nguyễn Trãi làm bề tôi.
Hôm sau, Trần Nguyên Hãn vội tìm đến và báo cho Nguyễn Trãi biết. Nguyễn Trãi bán tin bán nghi, cho nên, đêm hôm sau đến đền thờ Lý Ông Trọng để xin báo mộng cho rõ thực hư. Đêm ấy, Nguyễn Trãi nằm mơ, thấy Lý Ông Trọng hiện về báo cho biết rằng, việc Thiên Đình, không một ai được quyền tiết lộ. Nữ thần Tiên Dung biết tất cả, mà đàn bà có lỡ miệng thì Thượng Đế cũng không nỡ trách phạt, vậy hãy đem một vạn vàng mã đến đền Tiên Dung làm lễ, nữ thần Tiên Dung khắc nói cho biết. Nguyễn Trãi làm theo lời ấy. Thế rồi trong mơ, ông thấy nữ thần Tiên Dung gọi tới nói cho hay rằng, đúng là Lê Lợi sẽ làm vua và Nguyễn Trãi sẽ làm tôi. Nguyễn Trãi nhân đó hỏi kỹ mới biết là Lê Lợi người Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông và Trần Nguyên Hãn liền cùng nhau lên đường vào Lam Sơn.
Đến Lam Sơn, chuyện Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn gặp Lê Lợi còn ly kỳ hơn nữa. Dưới đây là đoạn trích dịch từ sách Tang thương ngẫu lục:
“Bữa ấy, Lê Lợi mặc áo ngắn, may bằng vải nâu, đang vác bừa và dắt bò từ ngoài đồng về nhà. Hai ông xin vào nhà nghỉ lại. Thế rồi vào ngày giỗ, Lê Lợi giết heo để làm cỗ. Ông (đây chỉ Nguyễn Trãi - NKT) xuống bếp, thấy Lê Lợi cầm dao thái thịt, vừa cắt vừa ăn, liền chạy lên nói nhỏ (với Trần Nguyên Hãn) rằng:
- Bà Tiên Dung lừa ta đấy!
Rồi (hai ông bỏ về), quyết đến đền đòi vàng lại. Đêm ấy, bà Tiên Dung (hiện lên và) nói:
- Lê Lợi sẽ làm vua. Mệnh trời đã dứt khoát rồi, Chỉ vì Thiên Đình chưa giáng chỉ đó thôi. Hai ông sao không tới đó mà đợi. Khi ấy, Lê Lợi đã được quyển binh thư và thanh gươm thần, đêm đêm đóng cửa đọc sách. Ông (Nguyễn Trãi) dòm trộm và cùng ông Trần (Nguyên Hãn) đẩy cửa bước vào. Lê Lợi tuốt gươm xông tới hai người liền phục xuống mà thưa rằng:
- Chúng tôi chẳng ngại đường xa lặn lội đến, tất cả chỉ vì tin rằng, minh công có thể làm chủ thiên hạ được đó thôi. Lê Lợi cười mà lưu lại, cùng hai ông mưu việc khởi binh” (Tham khảo thêm: Nguyễn Khắc Thuần.-Giai thoại dã sử Việt Nam, Tập 2.-H.: Trẻ, 1994).
Từ đó trở đi, Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi trọng dụng. Đáp lại, Trần Nguyên Hãn cũng hết lòng phò tá vị anh hùng đất Lam Sơn. Sử cũ viết:
“Vua (tức Lê Lợi - NKT) cũng biết được tài lược của ông, cho nên đã đãi ngộ rất hậu, cho ông được dự bàn mưu kín, ban cho ông chức Tư đồ. Ông theo Vua đánh giặc, lập được rất nhiều công lao” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
Cùng với Lê Lợi đi suốt cuộc trường chinh cứu nước, cứu dân, Trần Nguyên Hãn là một trong những võ tướng cao cấp rất có biệt tài cầm quân. Tên tuổi của ông gắn liền với bốn sự kiện lớn sau đây:
  • Sự kiện thứ nhất diễn ra vào năm Giáp Thìn (1424) tại khu vực tương ứng với vùng Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay. Bấy giờ, cuộc tấn công vào Nghệ An của quân Lam Sơn đang trong hồi quyết liệt. Để chặt đứt khả năng chi viện của quân Minh ở vùng phía Nam của Nghệ An, Lê Lợi sai ông cùng với Thượng tướng Lê Nỗ và Chấp lệnh Lê Đa Bồ, đem hơn 1000 quân cùng một thớt voi bí mật vòng xuống, đánh vào Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình). Và tại đây, ông đã lập công lớn: “Ông vừa đến Bố Chính thì gặp giặc, bèn lui về chỗ hiểm, đặt quân mai phục ở Hà Thương để nhử địch. Tướng Minh là Nhậm Năng dốc hết quân ra đánh. Ông cho quân giả vờ thua chạy, khiến cho Nhậm Năng hí hửng đuổi theo và lọt vào ổ mai phục. Bấy giờ, ông mới cho quân đánh quật lại, giặc thua to, bị giết và bị chết đuối rất nhiều. Ông tuy thắng lớn nhưng xét thấy quân mình ít mà quân giặc thì đông, liền sai người gấp về Nghệ An để cấp báo, xin thêm quân đến cứu viện. Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) liền sai các tướng Lê Ngân và Lê Bôi đem quân đi tiếp ứng. Ông (cùng với quân của Lê Ngân và Lê Bôi) phối hợp đánh chiếm được cả hai thành là Tân Bình và Thuận Hóa. Quân dân hai xứ ấy đều quy thuận. Ông thu nạp được mấy vạn quân tinh nhuệ bổ sung cho ta, khiến thế của ta ngày một mạnh mẽ” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
  • Sự kiện thứ hai diễn ra vào cuối năm 1426. Bấy giờ, toàn bộ vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Nam đã được giải phóng. Lê Lợi sai một loạt tướng lĩnh đem hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau, cùng tiến ra vùng còn bị quân Mình tạm chiếm đóng để hoạt động. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tin thắng trận từ phía Bắc liên tiếp báo về. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn liền dời đại bản doanh ra Bắc, lúc đầu ở Tây Phù Liệt (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội) và sau đó là ở Bồ Đề (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Trần Nguyên Hãn đi cùng với Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn trong cuộc hành quân này.
Trong cuộc vây hãm thành Đông Quan, Trần Nguyên Hãn được cùng với Bùi Bị, đem hơn 100 chiến thuyền, từ cửa sông Hát tiến lên Đông Bộ Đầu (nay là khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội) để phối hợp với hai đạo quân khác, tấn công ồ ạt vào lực lượng của Vương Thông. Trận này, cánh quân do ông chỉ huy đã thu được hơn 100 chiến thuyền của giặc cùng vô số vũ khí và các thứ quân trang. Bởi chiến công này, mùa thu năm 1427, ông được Bình Định Vương Lê Lợi phong hàm Thiếu úy.
  • Sự kiện thứ ba diễn ra vào cuối năm 1427. Bấy giờ, Lê Lợi chủ trương dốc phần lớn những lực lượng tinh nhuệ nhất vào trận quyết chiến chiến lược với viện binh của nhà Minh. Một trong những phần việc chuẩn bị quan trọng cho trận đánh lịch sử này là phải hạ thành Xương Giang. Trần Nguyên Hãn có vinh dự được cùng với Lê Sát chỉ huy trận đánh này.
Sử cũ chép: “Ông đến nơi, sai đào đường ngầm (xuyên qua thành) và dùng câu liêm cùng các thứ giáo mác, nỏ cứng, hỏa pháo, bốn mặt cùng đánh. Không đầy một giờ (tương ứng với hai tiếng đồng hồ hiện nay - NKT) đã hạ được thành. Tướng giặc là bọn Lý Nhậm và Kim Dận đều phải tự sát” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
Thành Xương Giang bị hạ được 10 ngày thì viện binh của nhà Minh vốn đã bị đánh cho tơi tả ở nhiều trận trước đó cũng kéo đến. Hy vọng sẽ được bám vào thành mà nghỉ ngơi hoàn toàn bị tiêu tan. Chúng buộc lòng phải đóng quân ở giữa cánh đồng Xương Giang. Tại đây, một trận tập kích ác hệt của quân Lam Sơn đã diễn ra. Các tướng Lưu Nhân Chú và Lê Sát được lệnh đánh thẳng vào nơi trú quân của giặc, còn Trần Nguyên Hãn thì đem quân chặn hết mọi ngả tiếp lương của chúng. Ông đã lập công lớn trong trận đại thắng ở Xương Giang.
  • Sự kiện thứ tư cũng diễn ra vào cuối năm 1427. Sau trận đại bại thảm hại của lực lượng viện binh, Vương Thông buộc phải quỳ gối đầu hàng. Trong Hôi thề Đông Quan, Trần Nguyên Hãn là một trong những đại diện cao cấp của Lam Sơn. Tên ông được xếp ngay sau tên của Lê Lợi. Và, ông đã có đóng góp quan trọng vào sự kiện đặc biệt này.
Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Trần Nguyên Hãn được phong chức Tướng quốc và được ban quốc tính là họ Lê. Rất tiếc là Trần Nguyên Hãn chưa kịp hưởng vinh hoa phú quý thì đã phải chết một cách oan uổng. Sự kiện này được sử cũ chép lại như sau:
“Ông nói riêng với người thân rằng: Nhà vua có tướng y như Việt Vương, không thể cùng hưởng sung sướng được. (Việt Vương tức Câu Tiễn, vua nước Việt ở Trung Quốc thời Chiến Quốc, người đã giết nhiều cận thần từng vào sinh ra tử với mình - NKT).
Ông xin về hưu, Nhà vua bằng lòng, nhưng dặn là mỗi năm phải về chầu hai lần. Ông về làm nhiều nhà cửa xây bằng gạch bông, lại còn đóng thuyền có thể chở binh khí. Có kẻ gièm pha, nói rằng ông có ý mưu phản. Vua sai xá nhân là bọn lực sĩ đến bắt về để hỏi tội. Thuyền chở ông (về kinh đô), mới đến xã Đông Sơn, ông phân uất quá, liền khấn trời rằng:
- Tôi với Vua cùng mưu việc cứu dân. Việc lớn đã hoàn tất mà Vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết thì xin soi xét cho.
Ông vừa khấn xong thì bỗng nhiên gió lớn nổi lên, lật úp cả thuyền xuống. 42 xá nhân là bọn lực sĩ và ông đều chết đuối hết cả, chỉ có hai gia đồng của ông là trôi giạt được vào bờ rồi thoát chết mà thôi. Việc ấy tâu lên, Vua xuống chiếu tịch thu hết tất cả ruộng đất, tài sản và vợ con của ông. Về sau, mãi đến triều (Lê) Nhân Tông (1442-1459), vào năm Diên Ninh thứ hai (tức là năm 1455 - NKT), nhân kỳ đại xá, Nhà vua mới thương ông vô tội, “xuống chiếu trả lại ruộng nương của cải và biểu dương người có công lao cũ” (Đại việt thông sử, Chư thần truyện. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển XV, tờ 20).
Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Về cái chết của Trần Nguyên Hãn, người đời xưa nay giải thích mỗi thời một cách khác nhau và xem ra thời nào cũng có cái lý riêng của thời đó. Tuy nhiên, điều phi lý là một người như Trần Nguyên Hãn lại phải chết oan uổng, thì vẫn mãi còn. Xót thay!
Thật khó mà hiểu hết phút kết thúc bi thảm của cuộc đời Trần Nguyên Hãn, nhưng xưa nay, chẳng có ai lại không hiểu được sự nghiệp oai hùng của ông. Trần Nguyên Hãn - ngàn năm còn mãi tên ông!

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét