Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

CÂU CHUYỆN TÍNH BÁO 40

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên Anh may mắn nhất thời chiến tranh lạnh
VietnamDefence - Thời chiến tranh lạnh, nếu Kim Philby là điệp viên cao cấp nhất của Liên Xô trong cơ quan tình báo Anh SIS (MI 6) thì trong KGB, sĩ quan cao cấp nhất làm việc cho MI-6 là Oleg Gordievski.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế MGIMO, Oleg Gordievsky gia nhập KGB vào năm 1962, qua trường tình báo, rồi sau đó được cử sang Đan Mạch với tư cách tuỳ viên của sứ quán Liên Xô, thực tế hắn phụ trách tổ chức cài cắm các tình báo viên bất hợp pháp, tức là các cán bộ chính thức của KGB hoạt động dưới vỏ bọc công dân nước ngoài.

Oleg Gordievsky nói y là điệp viên chạy trốn khỏi KGB trong thập kỷ 1980 duy nhất sống sót
Tôi làm quen với hắn vào năm 1967 khi đến Đan Mạch làm phó trưởng trung tâm tình báo. Hắn tạo được ấn tượng rất tốt với tôi: rất giỏi các thứ tiếng Đan Mạch, Đức, cực kỳ uyên bác, nhất là trong lĩnh vực lịch sử và tôn giáo, quan tâm đến các vấn đề chính trị, điều vốn không nằm trong phạm vi trách nhiệm của hắn, có chừng mực trong chuyện rượu chè (điều hiếm thấy trong bất kỳ cộng đồng Xô kiều nào) và thậm chí là rất yêu nhạc thính phòng, điều có vẻ chả ăn nhập gì với hình ảnh của một James Bond cả. Xét về quan điểm, Gordievsky thuộc về lứa “những con đẻ của đại hội XX” (ít ra là về bề ngoài; thực ra sự dao động ở hắn về phía chống cộng đã trở nên sâu sắc hơn nhiều). Tôi nhớ rất rõ khi hắn đánh giá tiêu cực cuộc đàn áp “mùa xuân Praha” vào năm 1968, - hành động này tạo ra cảm giác rất nặng nề với nhiều người ở sứ quán, kể cả tôi, mà chúng tôi cũng không cần phải quá che giấu kỹ các quan điểm của mình (trong chừng mực nhất định).

Trở về từ Đan Mạch, Gordievsky mau chóng chuyển sang phòng tình báo chính trị địa bàn Anh-Scandinavia và vào năm 1973 đã được cử sang Conpenhagen làm phó trưởng trung tâm.

Gordievsky viết rằng, hắn đã thiết lập quan hệ với tình báo Anh vào năm 1974. Tôi nghĩ trước đó hắn đã có các quan hệ khá chặt chẽ với các cơ quan tình báo Đan Mạch, nhưng hắn chả khoái làm cho nước Đan Mạch tí hon, hắn muốn làm việc với một cơ quan tình báo tầm cỡ kia. Gordievsky không nói gì về hoàn cảnh tuyển mộ hắn, nhưng khẳng định hắn hợp tác với tình báo Anh là trên cơ sở chính trị tư tưởng. Tôi có thể bỏ qua điều này vì nếu như có cả đống điệp viên làm cho những người cộng sản mà chả cần tiền thì có lý gì lại không có người sống dưới chế độ chuyên chính vô sản và vào thời kỳ cả hệ thống đang tan vỡ làm việc cho phương Tây. Hơn nữa, chỉ có thể biết được sự thật qua các tài liệu của tình báo Anh.

Vào năm 1976, tôi đã được bổ nhiệm làm trưởng trung tâm tình báo ở Đan Mạch và vui mừng nghĩ là Oleg Gordievsky sẽ là cánh tay phải của tôi. Hiển nhiên, tôi không nghi ngờ gì về tính trung thực của hắn, mà nói chung, trong tình báo mà không tin nhau thì không thể làm việc được - điều đó đã được chứng minh bởi cái không khí của năm 1937, khi mà do những hành động vu cáo lẫn nhau, một phần lớn các cán bộ tình báo đã bị xử bắn. Chúng tôi làm việc cùng nhau trong hai năm mà chả có điều tiếng gì. Khi hồi tưởng lại Gordievsky với tư cách một gián điệp Anh, tôi mới thấy rằng hắn luôn thận trọng cao độ, né tránh mọi xung đột có thể, kể cả với tôi; luôn giữ khoảng cách nhất định trong các quan hệ, sống khép kín. Sự tín nhiệm đối với Gordievsky cũng được củng cố nhờ lý lịch gia đình: cha hắn là một cán bộ Cheka lão thành, vợ ông cũng là một cán bộ Cheka chính thức có quân hàm đại uý.

Tại Copenhagen, Gordievsky đã làm quen với người vợ tương lai thứ hai của mình (cũng là con gái của một nhân viên Cheka). Sau khi về đến Moskva, hắn đã ly dị và điều đó đã đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của hắn. Số phận Gordievskyvới tư cách một gián điệp Anh đang ngàn cân treo sợi tóc: sau khi ly dị, người ta có thể tống hắn về một chỗ vớ vẩn nào đó dạng như một nhà trường hay về một tỉnh lẻ nào đó, những nơi mà khả năng tiếp tay cho người Anh sẽ chỉ còn bằng không. Đáng ngạc nhiên là tình báo Anh không ngăn hắn ly dị, có lẽ người Anh không thấy hết những hậu quả chết người của việc đó.

Tôi nhớ lại là vào năm 1980, vị trưởng phòng khi đó và tôi đã đến thăm căn hộ của Gordievsky - cô vợ sau khi sinh đứa con gái đầu vẫn còn trong bệnh viện, bà mẹ vợ hắn đã đãi chúng tôi một bữa tuyệt vời trong không khí của một bếp ăn Azerbaijan (nhân tiện cũng nói thêm là vợ đầu của Gordievsky là người Armenia, người vợ thứ hai là người Azerbaijan nên trong lối sống gia đình có một “dấu ấn Kavkaz” khá rõ nét), căn hộ rõ ràng là mới được sửa sang, đập vào mắt là những bức tranh vui mắt của trường phái tiền phong Xôviết mà Gordievsky sưu tầm được.

Sự thăng tiến nhanh chóng mà Gordievsky, kẻ vốn chỉ có cương vị khiêm tốn trong phòng, đạt được không phải là không có sự ám trợ của người Anh bằng cách không cấp visa cho các cán bộ tình báo Nga nhập cảnh vào London. Ban lãnh đạo phòng hoàn toàn có lý do để cử tới London các cán bộ của mình chứ không muốn dựa vào các phòng nghiệp vụ khác nơi có “những người lạ” làm việc. Gordievsky chỉ mới học tiếng Anh, hắn hoàn toàn không hiểu biết gì về nước Anh, nhưng người ta vẫn tìm cách “thử kiếm visa” cho hắn mặc dù không thật hy vọng là được chấp thuận. Chính Gordievsky nói với tôi là hắn không có bất cứ hy vọng thành công nào (điều đó lại một lần nữa chứng minh sự tinh ranh và khả năng sống hai mang của hắn), nhưng trước sự kinh ngạc tột độ của tất cả, hắn đã vẫn nhận được visa.

Bản thân tôi và các cán bộ tình báo khác lý giải điều này là ở chỗ do không biết tiếng Anh, hắn đã không gặp người Mỹ và Anh ở Đan Mạch và vì thế không bị họ cho “vào sổ đen”, ngoài ra với chúng tôi Gordievsky không được coi là cán bộ tuyển mộ và cán bộ hoạt động, “sở trường” của hắn là kỹ năng “viết tin”, nhất là khi có dùng báo chí công khai. Trong phòng của Gordievsky, người ta bàn luận về việc hắn nhận được visa như sau: người Anh không thể từ chối cấp visa mãi được và họ nghĩ rằng với Gordievsky, một kẻ không biết tiếng Anh thì nước Anh sẽ ít bị ổn hại hơn là với một chuyên viên về nước Anh. Ngoài ra, chúng ta cũng đã phong toả visa của một nhà ngaọi giao Anh đang chuẩn bị đến Moskva và đã cho người Anh hiểu rằng, việc từ chối cấp visa cho Gordievsky nhất định sẽ dẫn tới đòn trả đũa.

Mùa thu năm 1980, tôi chia tay với KGB và dấn bước vào con đường chông gai của một văn sĩ. Sau khi sang Anh vào năm 1982, Gordievsky thỉnh thoảng có viết thư thăm hỏi chung chung cho tôi và luôn kêu ca công việc quá nặng. Chúng tôi đã gặp nhau mấy lần những khi hắn về phép, hắn thú nhận là không thể chịu được các xếp của hắn nên rất khó làm việc. Đáng lưu ý là tình báo Anh, nhằm bảo đảm cho Gordievsky có quyền tiếp cận đến nhiều loại thông tin mật hơn, đã cẩn thận dọn đường cho hắn bằng cách dần dần lùa khỏi Anh tất cả các sĩ quan chỉ huy của trung tâm tình báo của chúng ta, và cuối cùng Moskva đứng trước một lựa chọn nan giải: hoặc là lại nhảy vào cuộc chiến visa bất tận với người Anh bằng cách cử các cán bộ mới đến Anh giữ cương vị trưởng trung tâm tình báo, hoặc là bổ nhiệm Gordievsky giữ chức vụ này. Giải pháp thứ hai đã thắng thế.

Và ngay trong tháng 5 năm 1985 đã xảy ra một điều bất ngờ: Gordievsky bất thần được đưa về Moskva dường như để quyết định dứt khoát việc bổ nhiệm làm trưởng trung tâm. Nhưng khi dự bữa tối thân mật tại nhà khách của trụ sở cơ quan tình báo ở Yasenevo, hắn đột nhiên bị thẩm vấn khi đã uống rượu cognac bị pha thuốc tác động tâm thần có tác dụng làm mất tự chủ và thúc đẩy khai thật. Nhưng thuốc đã chả có tác dụng gì và Gordievsky đã không bị “lộ tẩy”. Sau “bữa ăn tối” đó, hắn được nghỉ phép đến tháng 8 năm 1985. Dĩ nhiên, KGB vẫn theo dõi hắn, mặc dù không cho theo dõi ngoài, đôi khi còn không hề kiểm soát hắn vì sợ bị lộ trước tên cáo già này.

Tại sao hắn bị bại lộ? Nhiều chuyên viên và bản thân Gordievsky nghiêng về ý cho rằng, hắn bị trưởng phòng Nga của CIA là Aldrich Ames tố giác. Aldrich Ames đã làm cho KGB từ mùa xuân năm 1985 (mới đây đã bị người Mỹ xử tù chung thân) và chuyển cho KGB toàn bộ danh sách gián điệp Mỹ trong KGB và GRU, nhiều tên trong số đó, sau khi bị toà án binh xét xử, đã bị xử bắn. Ames có thể cũng đã tố giác Gordievsky trong quá trình tham gia điều phối hoạt động của các cơ quan tình báo Đan Mạch và Anh trong khuôn khổ NATO hoặc là khi phân tích tin mà tình báo Anh chia xẻ với CIA.

Tôi còn nhớ khá rõ Gordievsky vào hồi đầu tháng 6. Hắn xuất hiện ở nhà tôi trong một trạng thái hoàn toàn hoảng loạn và kể việc hắn bị triệu hồi về nước vì người ta đã tìm thấy trong căn hộ của hắn những cuốn sách của Solzhenitsyn (Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008), nhà văn Nga, nhân vật bất đồng chính kiến ở Liên Xô trước đây, bị trục xuất sang Tây Đức và bị tước quốc tịch Liên Xô vào tháng 2 năm 1974, sau đó sang cư trú ở Mỹ. Năm 1991, Liên Xô huỷ bỏ lời buộc tội phản bội đối với Solzhenitsyn. Năm 1994, ông ta trở về Nga sinh sống -ND) (một “câu chuyện nguỵ trang” tốt với tôi vì tôi cũng đã từng mang từ Đan Mạch về tất cả các tác phẩm của Solzhenitsyn), rằng hắn là nạn nhân của những mưu đồ xấu và không biết sẽ sống tiếp như thế nào. Hắn nốc whisky ừng ực, điều chưa từng xảy ra với hắn, tay run lẩy bẩy, giọng nói đứt quãng, còn tôi phải kinh ngạc thấy sự đau khổ quá mức của hắn vì chuyện bị triệu hồi. Cũng đã có nhiều tình báo viên bị triệu hồi, nhưng không phải ai cũng bị rơi vào trạng thái hoảng loạn như thế. Gordievsky còn kể hắn bị pha thuốc kích thích tâm lý vào rượu cognac, tôi thì tìm cách động viên hắn rằng, hắn chỉ là sơ ý, việc gì mà người ta phải đi đến chỗ cực đoan như vậy vì một chuyện hoàn toàn vớ vẩn? Cuối cùng chúng tôi ngồi đọc sách báo của người Nga lưu vong với lý do nguỵ biện là cần phải đọc cho “biết địch”.

Trong hồi ký của mình, Gordievsky có kể lại câu chuyện chạy trốn của mình, trong đó, hiển nhiên hắn đã bóp méo nhiều tình tiết có thể làm lộ các phương pháp hoạt động của tình báo Anh. Nhưng điều không thể tranh cãi là cuộc chạy trốn ấy cực kỳ táo bạo và hoàn toàn bất ngờ đối với KGB.

Như mọi gián điệp khác, Gordievsky có khả năng liên lạc trong trường hợp bị bại lộ, kể cả khả năng phát “tín hiệu báo động” cho người Anh. Tài liệu hướng dẫn chạy trốn đã được giấu trong bìa một cuốn tiểu thuyết Anh, hắn lấy ra và giấu vào tủ chìm của mình - điều này lại một lần nữa cho thấy sự thận trọng cao độ của hắn - hắn đã tính đến khả năng căn hộ không chỉ bị nghe trộm mà còn bị lục soát.

Gordievsky hình như đã phát tín hiệu báo động bằng cách xuất hiện ở góc một con phố Moskva vào thời gian đã định - người Anh sẽ phải phát hiện thấy hắn và sau đó tiến hành liên lạc chớp nhoáng với hắn trong nhà thờ Vasily Blazhenny (nhà thờ này nằm ngay sát Điện Kremlin, trên một đầu Quảng trường Đỏ, ở Moskva đối diện với Viện Bảo tàng Lịch sử của Nga - ND). Tại đó, hắn phải chuyển mẩu giấy viết sẵn cho họ: “Tôi đang bị nghi ngờ và ở hoàn cảnh rất nguy hiểm. Tôi cần được đưa khẩn cấp ra nước ngoài. Hãy đề phòng bụi phóng xạ và các sự cố giao thông” (các cơ quan tình báo, kể cả KGB, đã sử dụng thủ đoạn phun bụi chất phóng xạ lên đế giày để hỗ trợ theo dõi đối tượng). Tất cả đã bị đổ bể, hắn buộc phải nuốt mẩu giấy, ngoài ra còn có chuyện không được đội mũ vào nhà thờ nữa. Mà chiếc mũ kêpi bằng da lại chính là dấu hiệu nhận dạng quy ước để nhân viên tình báo Anh nhận biết Gordievsky (!).

Nếu như toàn bộ cái chuyện khó tin thực sự đã xảy ra như thế, thì có lẽ phải mời các tình báo viên Anh đến Moskva để học các lớp đào tạo lại về tình báo vì chỉ một kẻ hoàn toàn không chuyên mới lại đi tiến hành các phiên liên lạc ở ngay sát khu vực Kremlin được bảo vệ nghiêm mật như thế. Thực ra, Gordievsky không được phép nói ra sự thật.

Cuối cùng thì cuộc chạy trốn cũng đã được thu xếp với người Anh. Nó được ấn định tiến hành vào ngày thứ sáu, tuần thứ ba của tháng 7. Một lần nữa lại phải tìm cách thoát khỏi tổ “theo dõi ngoài” để đến địa điểm liên lạc, ở đó một người đàn ông đeo chiếc túi màu xanh xẫm do nước ngoài sản xuất, miệng nhai kẹo sôcôla Mars, - lại một chuyện khó tin nhỏ nữa vì gã đàn ông kia chỉ còn thiếu điều đeo trên ngực tấm biển “Tôi làm việc trong cơ quan tình báo Anh”. Chả có tên gián điệp ngoại quốc nào khi đi thực hiện một nhiệm vụ quan trọng như thế mà lại phô trương lai lịch nước ngoài của mình cả.

Người Anh đã quyết định đón Gordievsky tại khu Vyborg và sẽ để hắn nằm trong khoang hành lý của chiếc xe ôtô ngoại giao đưa qua biên giới. Tôi cho rằng, giả thiết này khá đáng tin vì chở Gordievsky trong khoang hành lý xe ôtô từ Moskva đến Leningrad là rất khó (nằm bó giò trong 7-8 giờ đâu phải là chuyện đùa), đó là chưa nói đến các vụ tai nạn giao thông - một thủ đoạn ưa thích để các cơ quan tình báo kiểm tra, chặn bắt.

Thoát khỏi “theo dõi ngoài” (Gordievsky đã làm cho tổ theo dõi ngoài quen với trò tập chạy trong rừng, cạnh ngôi nhà trên đại lộ Leninsky - phố Udaltsov nên tổ theo dõi ngoài đã không bám theo hắn liên tục mà đợi tại chỗ), hắn đã mua sẵn được vé trên một toa tàu chợ đi chuyến tàu Moskva - Leningrad chạy vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày thứ sáu. Thứ năm, hắn đến chơi nhà chị gái và hẹn gặp lại chị ta vào tuần sau để đánh lạc hướng “những cái tai tò mò”.

Ban đêm, sau khi hắn uống viên thuốc và chút rượu rum, chèn chặt cửa để chống các nhân viên KGB có thể đột nhập vào căn hộ. Bản kế hoạch và diêm vẫn nằm trên cái bàn đầu giường.

Vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ sáu, theo như Gordievsky viết, hắn mặc quần áo làm vẻ như đi đâu đó gần thôi và chỉ mang theo người đồ vệ sinh cá nhân, một quyển atlas nhỏ, trong đó có bản đồ một khu vực giáp giới Phần Lan.

Hắn đã thoát được khỏi tổ “theo dõi ngoài” và đúng vào 17 giờ 30, hắn lên nằm trên giường tầng hai của một toa tàu chợ. Vào lúc 21 giờ, Gordievsky uống gấp đôi liều thuốc an thần và tỉnh giấc vào 4 giờ sáng trên... giường tầng một. Gordievsky không nhớ là làm thế nào hắn lại ở đó được vì hắn đã hoàn toàn mất khả năng tự chủ. Một hành khách bên cạnh phân trần là ban đêm hắn đã bị ngã khỏi giường tầng hai, chứng cớ là vết xước trên thái dương và có vết máu chảy trên hai tay. Gordievsky viết rằng, bộ dạng hắn rất thảm não: bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm, lôi thôi tả tơi. Buổi sáng, khi hắn định mở mồm thì một cô gái ngồi gần đã nói: “Nếu ông mà mở mồm nói dù chỉ một câu, tôi sẽ hét lên ngay đấy”. Có lẽ ở đây thì Gordievsky không nói phét vì ba tuần trước khi hắn chạy trốn, tôi đã thấy hắn và sửng sốt trước thần thái lo lắng và bộ dạng bệnh hoạn của hắn - hơn nữa là trong hoàn cảnh chạy trốn cực kỳ căng thẳng có lẽ hắn đã hoảng sợ đến gần phát điên, mà điều đó không có gì là ngạc nhiên vì nếu bị bắt thì hắn sẽ bị xử bắn.

Từ Leningrad, Gordievsky đi xe buýt đến Vyborg và người Anh sẽ đi ôtô  mang biển số ngoại giao đến đón hắn ở gần một tảng đá là dấu hiệu nhận biết tại một địa điểm trong rừng cách thành phố 20 kilômét. Và hắn đã đứng đợi ở đó trong cảnh bị hành hạ khốn khổ bởi lũ muỗi nhâu nhâu cắn xé và chồn chân chờ đợi mà bụng thì nơm nớp lo bị bắt, cho đến khi cuối cùng thì các cứu tinh của hắn đã xuất hiện và để hắn chui vào khoang hành lý của xe ôtô. Tiếp đó, xe ôtô đã trót lọt vượt qua các trạm kiểm soát biên phòng vào đất Phần Lan. Công bằng mà nói thì chúng ta phải thừa nhận tình báo Anh đã thực hiện được một điệp vụ xuất sắc.

Tại sao KGB lại sơ ý để sổng mất Gordievsky? Thứ nhất, cuộc chạy trốn táo bạo đến nỗi đối với KGB, cơ quan giữ “tay hòm chìa khoá biên giới” thì phương án đó hiển nhiên là không thể cho phép. Thứ hai là KGB chắc chắn không có đủ bằng chứng để bắt Gordievsky và vẫn chỉ đang tìm kiếm các tài liệu vạch tội hắn để cho toà án binh có thể xử hắn. Thứ ba là người ta đã tổ chức việc kiểm soát hắn quá kém.

Với tư cách một người tham gia vô tình vào các sự kiện này, tôi có thể xác nhận là 5 ngày sau khi Gordievsky chạy trốn, lúc tôi vừa từ nhà nghỉ trở về Moskva thì một tốp người đã ập đến lục soát. Xét theo những câu hỏi của họ thì không ai ngờ là hắn đã uống whisky từ hồi còn ở London; người ta cũng nêu lên  các giả thiết hắn “đang rúc vào đâu đó với một con bé nào đấy”, đi thăm bạn bè... Tôi thì nghiêng về khả năng trong tình trạng suy nhược thần kinh nặng nề như thế thì Gordievsky đã nhắm mắt xuôi tay.

Thiên sử thi này đã kết thúc như thế đấy. Gordievsky hoá ra lại là kẻ có nhiều tham vọng hơn là tôi tưởng, hắn nhanh chóng nhảy vào viết lách và trở thành đồng tác giả cuốn sách của giáo sư Andrew viết về KGB, - cuốn sách này đã trở thành một bestseller (cuốn sách bán chạy nhất); sau đó hắn còn khôn khéo xuất bản một số sách của tình báo Xôviết mà hắn đánh cắp được.

Gordievsky bắt đầu tích cực tham gia vào việc “tố giác”các nhân vật thiên tả công khai thể hiện cảm tình với Liên Xô mà chẳng hề phạm tội hình sự nào (mà họ cũng chả bị tổn hại vì điều này). Tuy vậy hắn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tình báo Xôviết do hắn đã tố giác một số điệp viên Liên Xô ở Nauy, cũng như nhân viên phản gián Anh Bettami, người đã tự đề nghị làm việc cho trung tâm tình báo Liên Xô ở London mà không biết rằng, trong ban lãnh đạo trung tâm đang tiềm phục một điệp viên của Anh - một “con chuột chũi”, vì thế mà anh chàng đáng thương này đã phải lĩnh gần 20 năm tù.

Sự nổi tiếng làm cho đầu óc Gordievsky quay cuồng và hắn đã không chỉ một lần phát biểu cả ở nước ngoài, cả trên báo chí của chúng ta (Nga), cả trên truyền hình để khẳng định hắn đã hợp tác với người Anh “nhân danh nền dân chủ Nga”. Tất cả diều này rất giống như chúng ta dỗ dành các điệp viên người Anh của mình là các anh làm việc cho Liên Xô vì lợi ích của giai cấp công nhân Anh!

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiếp Oleg Gordievsky tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 21/7/1987
Cuộc sống riêng của Gordievsky, theo như sự thú nhận của chính hắn, là rất hẩm hiu, cô vợ thứ hai với hai đứa con gái đã sang London sau tháng 8 năm 1991 đã nhanh chóng bỏ rơi hắn - theo tôi ở đây chả có gì đáng ngạc nhiên cả. Hắn đã không kể cho vợ về sự liên hệ của hắn với tình báo Anh, khi cưới cô thì hắn đã là điệp viên Anh, rồi chạy trốn bỏ mặc gia đình ở lại Liên Xô, và nếu như Liên Xô không sụp đổ, điều mà tất nhiên là hắn không thể đoán trước được, thì có lẽ họ đã bị tống cổ khỏi Moskva, cấm ra nước ngoài vĩnh viễn, chưa nói đến về việc học hành ở trường đại học và công việc tử tế.

Gordievsky đã từ lâu vứt bỏ tóc giả và râu, thôi không sống bí mật, không còn sợ “trả thù”, năng lui tới các hội nghị và hội thảo về gián điệp và tiếp tục “tố giác” mặc dù cả KGB lẫn Liên bang Xôviết đều đã không còn tồn tại nữa. Có lẽ đã đến lúc để hắn làm một việc gì đó nghiêm túc hoặc an nhàn vui thú điền viên nơi ngôi nhà nhỏ với món tiền phúc lợi, tức là khoản lương hưu của tình báo Anh cấp cho hắn là 45.000 đô la một năm, mức lương mà đến cựu tổng thống Liên Xô cũng không bằng.

Điệp viên thế kỷ XX: Sự không may khó tin

VietnamDefence - Trong số tất cả các cơ quan tình báo Nga hiện hữu (mà hiện nay đã trên một chục), Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU có lẽ là “văn phòng” khép kín nhất.
Chỉ cần biết rằng, trong cơ cấu tổ chức của GRU không có một bộ phận nào giống như phòng báo chí, còn vị chỉ huy của nó thượng tướng Fedor Ladygin trong cả đời chỉ trả lời phỏng vấn có mỗi một lần. Mà đó cũng là do áp lực của các vấn đề nảy sinh.

Mưu toan hầu như duy nhất nhằm nói về hoạt động của GRU lại thuộc về một con người có cuộc đời chả lấy gì làm vẻ vang - tên đào ngũ đã chạy khỏi trung tâm tình báo quân sự ở Geneva là Vladimir Rezun, kẻ được biết đến dưới bút danh Suvorov. Cuốn sách “Bể cá” của hắn được viết, như các cán bộ an ninh quốc gia thường thích nhấn mạnh, bằng tiền của các cơ quan tình báo Anh, đã được phát hành khá nhiều ở Nga.

Trong nhiều thập niên dài tồn tại của mình, GRU cũng đã có những tên phản bội và đào ngũ: đại tá Oleg Penkovsky (bị xử bắn năm 1963), Pyotr Popov (bị xử bắn năm 1963), Gennady Smetanin (bị kết án năm 1986), Aleksandr Filatov (được thả năm 1992), Sergey Bokhan (do Aimes báo cho Nga, nhưng đã chạy trốn từ Hy Lạp sang Mỹ vào cuối những năm 1980). Gia nhập vào cái “đội ngũ vinh quang” này còn có cả đại tá Vyacheslav Maksimovich Baranov...

Câu chuyện của Baranov cứ như là “đồ làm nhái” những tiểu thuyết quen thuộc của Yulian Semyonov. Hắn làm việc tại thủ đô Dhaka của Bangladesh dưới vỏ bọc một trưởng đoàn chuyên gia. Thời hạn công tác 4 năm đang sắp kết thúc khi vào mùa thu năm 1989, tình báo viên này nhận được lời mời ăn trưa của một đồng nghiệp mà hắn quen khi chơi bóng chuyền, đúng hơn là lời mời của nhân viên CIA Bradford. Baranov thừa hiểu ai đang ở trước mặt hắn, nhưng bất chấp tất cả các nguyên tắc hiện hành, hắn đã không báo cáo cho trưởng trung tâm tình báo biết. Thực ra thì Baranov cũng có từ chối lời mời. Nhưng Bradford là một kẻ khá kiên trì.
Như thườmg lệ, cuộc gặp đầu tiên là để tìm hiểu, thăm dò. Tên CIA quan tâm tìm hiểu các quan điểm của Baranov, các ý kiến đánh giá của hắn về tình hình chính trị hiện tại, tình hình tài chính. Hai gián điệp chia tay mà trong lòng khá thoả mãn về nhau.

Cuộc hẹn tiếp theo đã là hoàn toàn cụ thể. Bradford đề nghị Baranov làm việc cho Langley (Langley, bang Virginia - địa điểm đóng trụ sở của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA. Trụ sở CIA được xây dựng năm 1959 và được đổi tên là Trung tâm Tình báo George Bush (George Bush Center for Intelligence) theo đạo luật do Tổng thống Bill Clinton ký năm 1998 để tôn vinh cựu Tổng thống George Bush, người từng là Giám đốc CIA trong những năm 1976-1977 - ND) và để đổi lại hắn hứa đưa toàn bộ gia đình Baranov sang Mỹ. Chúng đã thoả thuận cả mức lương: “con chuột chũi” này được nhận tức thì 25.000 đô la, còn sau đó là 1.000 đô la một tháng. Nếu hoạt động tích cực thì lương sẽ được tăng lên đến hai chục”vé”.

Mấy ngày sau, viên đại tá GRU với bí danh mới là Tony đã về đến Moskva. Vào tháng 6 năm 1990, hắn đã phát tín hiệu hoàn toàn sẵn sàng hoạt động: tại bốt điện thoại quy định gần ga tàu điện ngầm Kirovskaya (nay là Chistye prudy) hắn đã dùng dao khắc lên điện thoại một số điện thoại giả.

Ngoài việc phá hoại các máy điện thoại tự động kiểu như thế, tên gián điệp này còn có những tín hiệu quy ước khác. Chẳng hạn như trên tường nhà trên phố Plyushchikh, hắn phải đánh tín hiệu màu đỏ chót bằng son môi phụ nữ (lời chào của Trianon mà!). Nhưng đã xảy ra sự nhầm lẫn không lường trước: đúng sau khi hắn vạch son, tường đã được quét vôi lại cẩn thận.

Baranov đúng là quá không may. Lần khác, khi hắn bỏ hộp thư chứa tin tình báo thì các công nhân xây dựng đã láng lớp nhựa đường mới bên trên mặt đường có hộp thư mật. Những thông tin mà hắn phải liều mạng mới lấy được thì nay đã bị chôn vùi vĩnh viễn.

Phải đến tháng 7 thì trung tâm tình báo CIA ở Moskva mới bí mật đưa được phó trưởng trung tâm Michael Salick ra ngoài sứ quán. Cuộc diện kiến diễn ra ngày 11 tháng 7 năm 1990 tại sân ga Malenkovskaya.

Tony đã được chuyển các tài liệu hướng dẫn giữ liên lạc, 2.000 rúp để mua máy thu thanh và được giao yêu cầu thu tin về các loại chế phẩm vi trùng, virus và vi khuẩn mà GRU có trong tay.

Lần gặp tiếp theo diễn ra vào tháng 4 năm 1991. Viên đại tá đã bắt đầu hoảng sợ, thậm chí còn bỏ vào hộp thư mật lá thư bày tỏ sự phân vân và xin tiền chữa xe ôtô riêng. Người ta đã thanh toán khoản vay nợ cho hắn, nhưng yêu cầu hắn không được dùng hộp thư mật nữa mà chỉ nhận chỉ thị qua đài phát thanh.

Là một tình báo viên chuyên nghiệp, hắn bắt đầu hiểu rằng, tất cả những lời hứa hẹn đưa gia đình hắn sang phương Tây đều là trò giả dối hứa hươu hứa vượn và hắn thể không chịu đựng nổi sự lo sợ, căng thẳng.

Đến thời điểm đó, trong tài khoản của hắn tại một nhà băng Áo đã có khoảng 60.000 đô la. Tận dụng hai ngày nghỉ không đi làm (tại Moskva, tên gián điệp này làm việc dưới “bình phong” Bộ Ngoại thương), hắn mua một vé máy bay đi Viên và làm một hộ chiếu nước ngoài giả - bởi vì là một người có quyền tiếp cận các bí mật quốc gia, nên Baranov bị cấm tự ý ra nước ngoài.

Viên đại tá GRU dã bị bắt giữ khi qua cửa kiểm soát biên phòng ở sân bay Sheremetyevo-2. Ngay trong buổi hỏi cung đầu tiên ở cơ quan tình báo quân sự, hắn đã “lộ tẩy” và thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình.

Có một số giả thiết về việc làm thế nào phản gián Nga đã lần ra Baranov. Giả thiết thứ nhất và đơn giản nhất là do chính các nhân viên Cheka đưa ra. Trong quá trình điều tra theo dõi trung tâm tình báo CIA ở Moskva, lực lượng “theo dõi ngoài” đã nhận thấy sự quan tâm thái quá của “các đối tượng” đối với chiếc bốt điện thoại gần bến tàu điện ngầm Kirovskaya. Máy điện thoại tự động đó liền bị theo dõi và không lâu sau tại đây người ta đã bắt gặp Baranov. Một tuần sau hắn lại bị chụp ảnh được ở chỗ bốt điện thoại. Khi đối chiếu thời gian xuất hiện của nhân viên GRU này với thời điểm các chuyến đi vào thành phố của các nhân viên trung tâm CIA, thì KGB liền quyết định cho theo dõi Baranov.

Một giải thiết khác thì có tính đời thường hơn. Nghe nói thì các nhân viên hải quan phát hiện ra hộ chiếu nước ngoài của hắn là giả do đó đơn thuần là họ chỉ giữ kẻ vi phạm. Khi lọt vào tay phản gián, Baranov nhát gan liền thú nhận tất cả.

Không kém phần đáng tin còn có cả giả thiết thứ ba: tên gián điệp lọt vào tầm nhìn của KGB khi hắn bán chiếc xe ôtô Zhiguli của mình lấy 2.500 mác Tây Đức. Lúc đó mới là năm 1990 và những hành động đó dễ dàng bị coi là phạm vào điều 88 bộ luật hình sự.

Còn có cả cách lý giải thứ tư: Baranov bị điệp viên của chúng ta trong CIA là Aldrich Ames tố giác.

Nhưng chả lẽ nguyên nhân lại quan trọng đến thế ư? Điều chủ yếu là ở chỗ vào tháng 12 năm 1993, Vyacheslav Maksimovich Baranov đã phải đứng trước Toà quân sự-Toà án tối cao. Hắn đã bị kết án 6 năm tù có tính cả thời gian tạm giam. Thời hạn tù đã hết vào ngày 11 tháng 8 năm 1998.

Chủ toạ phiên toà là thiếu tướng quân pháp V. Yaskin. Ông cũng chính là người mà hai năm sau đã xử “đồng nghiệp” Vladimir Lavrentev của Baranov.

Trích từ báo cáo nghiệp vụ: Vào năm 1994, do kết quả của tổ hợp các biện pháp nghiệm vụ, tham tán sứ quán Mỹ tại Moskva, trưởng trung tâm CIA J. Morris; tham tán sứ quán Anh tại Moskva, trưởng trung tâm SIS J. Scarlett đã bị trục xuất khỏi Liên bang Nga; nhân viên BND B. Plank đã bị bắt quả tang hoạt động gián điệp. Các nhân viên và điệp viên của các cơ quan tình báo Iran, Jordanie, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và một số nước khác cũng đã bị vô hiệu hoá. Do hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên bang Nga và Cộng hoà Belarus, hai tình báo viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị tuyên bố là những người không được hoan nghênh (persona non grata). Các hành động trái pháp luật của 5 nhân viên tình báo Gruzia và 3 nhân viên tình báo Armenia cũng đã bị ngăn chặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét