CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 39
(ĐC sưu tầm trên NET)
Những 'trùm gián điệp' nổi tiếng thế giới
Đó là những điệp viên huyền thoại trong giới tình báo và được cả thế
giới biết đến nhờ tài đảo lộn cục diện chiến tranh như Richard Sorge, có
kết cục bi thảm như vũ nữ Mata Hari hay trở thành hình mẫu xây dựng
nhân vật điệp viên James Bond 007 như Sidney Reilly.
1. Sidney Reilly (1873 – 1925)
Có biệt hiệu “gián điệp bậc thầy” và hình mẫu cho điệp viên màn bạc James Bond 007, Sidney được coi là siêu điệp viên đầu tiên của thế kỷ 20.
Là hình mẫu cho điệp viên màn bạc James Bond 007, Sidney được coi là siêu điệp viên đầu tiên của thế kỷ 20 |
Mặc dù ông cũng được biết đến với nhiều
bí danh như Salomon, Sidney Rosenblaum và Shlomo, tên khai sinh thực sự
của ông là Georgi Rosenblaum và ông là một điệp viên bí mật người Nga gốc Do Thái làm việc cho Scotland Yard.
Ông đã nổi tiếng trong những năm 1920
khi bị cáo buộc làm gián điệp cho nhiều quốc gia ở cả châu Âu và châu
Á, mặc dù chi tiết về các phi vụ của ông chưa bao giờ được tiết lộ đầy
đủ.
2. Mata Hari (1876 – 1917)
Mata
Hari (nghệ danh của Margaretha Geertruida) là một trong những điệp viên
nổi tiếng nhất trong lịch sử, chuyên quyến rũ các khách hàng là sĩ quan
cấp cao và những quan chức thế lực khác ở nhiều quốc gia để thu thập
thông tin trong Chiến tranh thế giới thứ I.
Năm 1903, Mata Hari đến Paris. Bằng việc
trình diễn những vũ điệu phương đông mà bà đã học ở Java kết hợp với
màn thoát y vũ, Mata Hari đã làm rung động cả châu Âu. Bà đã nhanh chóng
nổi tiếng như một vũ nữ huyền thoại của phương đông.
Mata Hari làm “điệp viên hai mang” cho Pháp và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất |
Năm 1914, khi cuộc Chiến tranh thế giới
thứ I nổ ra, Mata Hari đến Berlin lưu diễn. Vốn ưa những chuyện phiêu
lưu mạo hiểm và để có tiền bạc rủng rỉnh, bà đã nhận lời làm gián điệp
cho Cục Tình báo Đức với mật hiệu H.21. Nhiệm vụ của H.21 là thu thập
tin tức hoạt động quân sự của Pháp thông báo cho cơ quan tình báo Đức.
Tuy nhiên chính Elsa Shragmuyller người phụ trách trực tiếp H.21 cho
rằng toàn bộ những tin tức mà H.21 cung cấp không bao giờ được sử dụng
cả vì chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.
Tháng 8/1916, Mata Hari gặp đại úy
Ladou, sĩ quan của Cục Phản gián Pháp và đã nhận lời hợp tác với cơ quan
tình báo Pháp với nhiệm vụ là đến Brussels đang bị quân Đức chiếm đóng
để thu thập những tin tức cho người Pháp.
Ngày 13/2/1917, sau khi trở lại Paris
một tháng, Mata Hari bị bắt với lý do là điệp viên của Đức. Đại úy Ladou
đã phủ nhận hoàn toàn việc ông đã trao nhiệm vụ cho Mata Hari. Sau 4
tháng thẩm vấn, mặc dù thiếu những bằng chứng có sức thuyết phục, Tòa án
quân sự Pháp vẫn tuyên án tử hình Mata Hari với tội danh làm gián điệp
cho Đức và đổ lỗi vì cô mà 17 tàu chiến của liên quân bị chìm, gần 1 sư
đoàn quân bị thiệt mạng. Ngày 15/10/1917, Mata Hari bị hành quyết.
3. Richard Sorge (1895 – 1944)
Richard
Sorge là một người cộng sản Đức và tình báo viên làm việc cho Liên Xô.
Ông hoạt động với biệt danh “Ramsay” trước và trong Chiến tranh thế giới
thứ II, dưới vỏ bọc một phóng viên ở cả Đức lẫn Nhật Bản.
Richard Sorge nổi tiếng khi hoạt động ở
Nhật Bản (1940-1941), khi ông thông báo cho Matxcơva về kế hoạch Đức
Quốc xã tấn công Liên Xô năm 1941. Cuối năm 1941, ông thông báo cho Bộ
chỉ huy tối cao Liên Xô rằng Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía đông
trong tương lai gần. Điều này đã khiến cho Liên Xô chuyển 18 sư đoàn,
1.700 xe tăng và 1.500 máy bay từ Viễn Đông về mặt trận phía Tây chống
phát xít Đức, tham gia trận đánh bảo vệ thủ đô Matxcơva.
Richard Sorge là nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời đại và là một trong số ít người đã làm thay đổi cục diện Chiến tranh thế giới thứ II |
Ông đã bị bại lộ và bị phản gián Nhật
bắt và bị treo cổ ngày 7/11/1944. Mãi đến năm 1964, Richard Sorge mới
được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Nhiều sử gia và chuyên gia tình báo tôn
vinh Richard Sorge là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất mọi thời
đại và là một trong số ít người đã làm thay đổi cục diện Chiến tranh thế
giới thứ II.
4. Klaus Fuchs (1911 – 1988)
Trong
danh sách các điệp viên của Liên Xô, Emil Julius Klaus Fuchs, một nhà
vật lý người Đức, là một trong những cái tên vô cùng nổi bật trong con
mắt của nhiều quốc gia. Ông là một trong những người chịu trách nhiệm
chính về việc nghiên cứu quá trình phân hạch đầu tiên và các mô hình của
bom hydro.
Hoạt động gián điệp của Klaus Fuchs tại phòng thí nghiệm Los Alamos |
Sau khi chạy trốn chế độ phát xít tại
Đức, Fuchs tới Anh và tham gia vào dự án bom nguyên tử của nước này. Tới
năm 1943, ông chuyển tới thành phố Los Alamos, Mỹ, và trở thành một
phần không thể thiếu của dự án Manhattan, dự án bom nguyên tử của Mỹ.
Trong thời gian sống tại Anh, Fuchs đã
bắt đầu làm gián điệp cho Liên Xô. Cho tới khi bị bắt năm 1946 và bị kết
án năm 1950, ông đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho KGB.
5. Nancy Wake (1912 – 2011)
Nancy
Grace Augusta Wake sinh ngày 30/8/1912 ở Wellington, New Zealand, trong
gia đình có 6 người con. Khi bà mới được 2 tuổi, gia đình đã chuyển tới
sống ở Sydney, Australia và định cư tại phía bắc Sydney. Không giống
như những cô bé cùng tuổi khác, ngay từ nhỏ, Nancy Grace đã luôn phải
làm bố mẹ đau đầu vì những trò nghịch ngợm không giống ai.
Năm 1937, Nancy Grace đã gặp gỡ và kết
hôn với nhà tư bản công nghiệp người Pháp Henri Edmond Fiocca, một người
nổi tiếng giàu có tại vùng Marseille. Với lớp vỏ bọc là người vợ xinh
đẹp của một doanh nhân giàu có, Nancy Grace đã bước đầu tham gia vào
nhóm du kích của vùng Marseille chống lại quân Đức quốc xã trong vai trò
người đưa tin và chuyển thực phẩm.
Nancy Grace là một nữ điệp viên lừng danh với sắc đẹp mê hồn |
Với sắc đẹp mê hồn, đồng thời là vợ của
một doanh nhân máu mặt trong vùng nên chỉ trong năm đầu tiên tham gia
kháng chiến, Nancy Grace đã giúp hàng ngàn tù binh và phi công quân đồng
minh có máy bay bị bắn hạ ở Pháp trốn sang Tây Ban Nha. Không những
thế, người phụ nữ này còn dám xông vào “hang cọp” khi làm giả một loạt
giấy tờ tùy thân để được vào làm việc tại bộ máy chính quyền của vùng
hợp tác với quân phát xít.
Tại đây, Nancy Grace đã bí mật giúp đỡ
nhiều người trong tổ chức trốn thoát khỏi sự truy đuổi của quân phát
xít. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vỏ bọc nhanh chóng bị lộ, bà trở thành
đối tượng truy nã nguy hiểm nhất của Gestapo - lực lượng mật vụ thân
thiết với Đức quốc xã, với giải thưởng trị giá 5 triệu franc cho ai chỉ
điểm thông tin có thể bắt giữ bà. Để trốn khỏi nước Pháp, Nancy đã phải
dùng rất nhiều tên giả và rất giỏi chạy trốn các cuộc bố ráp của
Gestapo, khiến chúng phải đặt cho bà biệt danh “Chuột bạch”.
Trong đám tang của nữ điệp viên lừng
danh này, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã gọi bà Wake là "một cá
nhân thực sự xuất sắc. Sự dũng cảm và ngoan cường của bà sẽ không bao
giờ bị lãng quên”. Nancy Grace Augusta Wake là nữ quân nhân được tặng
thưởng nhiều huy chương nhất của Australia và cũng là một trong những
quân nhân của Thế chiến II nhận nhiều huy chương nhất thế giới, với các
huân chương cao quý nhất của cả Pháp, Anh, Mỹ và Australia.
6. Juan Pujol Garcia (1912 - 1988)
Juan Pujol Garcia đã tự tạo nhân thân
giả là một quan chức chính phủ Tây Ban Nha thân phát xít Đức và sau đó
trở thành một điệp viên thượng hạng của Đức Quốc xã trong Chiến tranh
thế giới thứ 2.
Trên thực tế, Juan Pujol Garcia làm việc
cho tình báo Anh với biệt danh Garbo. “Garbo” đã cung cấp cho Đức Quốc
xã 300 báo cáo đã được “xào xáo vô cùng tinh vi” và được phía Đức coi là
một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy.
Juan Pujol Garcia đánh lừa được Bộ chỉ huy tối cao Đức Quốc xã, dẫn đến việc quân Đức thua liểng xiểng ở mặt trận phía Tây |
“Garbo” đã đánh lừa được các cơ quan
tình báo và Bộ chỉ huy tối cao Đức về địa điểm của Chiến dịch đổ bộ
Normandy (D-Day) của quân đồng minh năm 1944. Ông đã khiến cho Bộ chỉ
huy tối cao Đức tin rằng quân đồng minh sẽ đổ bộ ở khu vực bãi biển gần
Calais, cách địa điểm đổ bộ Normandy khá xa. Kết quả là 3 ngày sau khi
quân đồng minh đã đổ bộ vào Normandy, các lực lượng Đức Quốc xã vẫn tập
trung phòng thủ khu vực gần Calais. Thậm chí, trùm phát xít Adolf Hitler
còn cấm 2 sư đoàn xe tăng chủ lực rời Calais để cứu viện cho Normandy.
Đây là quyết định chết người dẫn đến việc quân Đức Quốc xã thua liểng
xiểng ở mặt trận phía Tây.
7. George Koval (1913 - 2006)
Là người Mỹ từ khi sinh ra, ông chuyển
đến Nga khi còn nhỏ. Sau đó, ông được tuyển dụng bởi Tổng cục Tình báo
Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô GRU và đánh trở lại Mỹ để thu thập
thông tin về dự án bom hạt nhân với mật danh DELMAR.
Được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, những đóng góp của Koval đã giúp Liên Xô rút ngắn thời gian phát triển vũ khí hạt nhân |
Khi ông giành được vị trí một kỹ sư
trong Dự án Manhattan sản xuất bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II
từ năm 1942-1946, ông đã được tự do truy cập dữ liệu mà ông đã chuyển
về Liên Xô.
Được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên
bang Nga, những đóng góp của Koval đã giúp Liên Xô rút ngắn nhiều thời
gian phát triển vũ khí hạt nhân.
8. Bộ ngũ Cambridge
Bộ ngũ Cambridge (Cambridge Five) là một
mạng lưới gián điệp được tuyển chọn một phần bởi tình báo viên Liên Xô
Arnold Deutsch ở Vương quốc Anh. Mạng lưới này đã cung cấp nhiều thông
tin tình báo vô cùng quý giá cho Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ
II và ít nhất là đến đầu những năm 1950.
Danh tính người thứ năm của “Bộ ngũ Cambridge” vẫn chưa được xác định |
Bốn thành viên của “Bộ ngũ Cambridge” đã được xác định, nhưng người thứ 5 chưa từng bị phát hiện.
Tên của nhóm điệp viên này bắt nguồn từ
thực tế là tất cả họ đều đã đến với chủ nghĩa cộng sản khi đang học tại
Đại học Cambridge.
9. Vợ chồng nhà Rosenberg
Năm
1945, Mỹ chế tạo và thử nghiệm thành công bom nguyên tử. Nhưng niềm tự
hào về vị trí độc tôn của họ không được bao lâu bởi sau đó, Nga tuyên bố
quá trình thử nghiệm của họ đang rất thuận lợi và đã tiến rất gần tới
thành công. Mùa hè năm 1949, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện
ra các bí mật của việc xây dựng bom nguyên tử đã bị đánh cắp và tuồn ra
bên ngoài. Cơ quan này bắt đầu điều tra và xác định được "kẻ đáng ghét"
này là vợ chồng nhà Rosenberg.
Tờ Los Angeles Times ngày 29/6/1953 đăng tin sự kiện vợ chồng nhà Rosenberg qua đời |
Ethel và Julius Rosenberg, cùng là con
của những người nhập cư, kết hôn vào ngày 18/6/1939 tại thành phố New
York. Họ có hai con trai là Micahel Allen, sinh năm 1943, và Robert
Harry, sinh năm 1947. Theo kết quả điều tra của FBI, cặp vợ chồng này
tham gia nhập lực lượng của Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) và thực
hiện hoạt động gián điệp từ năm 1942. Họ bị bắt năm 1950 và tới tháng
3/1951 thị bị tòa án Mỹ kết án tử hình.
Mọi cấp có thẩm quyền đều từ chối đơn
xin ân xá của Ethel và Julius Rosenberg. Tổng thống Mỹ Dwight D.
Eisenhower tuyên bố: "Vợ chồng Rosenberg đã tiết lộ những thông tin bí
mật về nguyên tử liên quan đến quốc phòng Hoa Kỳ. Hành động này là một
sự phản bội đối với toàn dân tộc và có thể sẽ là gây ra cái chết của
hàng ngàn người vô tội".
Tháng 6/1953, Los Angeles Times đưa tin Ethel và Julius Rosenberg bị hành quyết trên ghế điện tại nhà tù Sing Sing.
10. Oleg Penkovsky (1919 - 1963)
Được
biết đến với mật danh “Điệp viên anh hùng”, Oleg Penkovsky - một đại tá
trong cơ quan tình báo quân sự GRU của Liên Xô - đã cung cấp tin tình
báo cho chính phủ Mỹ trong thập niên 1950 và 1960.
Đại tá tình báo Oleg Penkovsky đã bị Liên Xô xét xử và kết án tử hình vì tội phản quốc vào năm 1963 |
Oleg Penkovsky chịu trách nhiệm về “cuộc
khủng hoảng tên lửa Cuba” vì ông ta đã báo cho Anh và Mỹ về việc Liên
Xô triển khai tên lửa ở Cuba.
Thông tin của Penkovsky đã giúp các nhà
phân tích khám phá ra những hầm phóng và xe chở tên lửa bằng cách sử
dụng không ảnh độ phân giải thấp chụp từ máy bay do thám.
Người ta cho rằng Oleg Penkovsky đã bị Liên Xô xét xử và kết án tử hình vì tội phản quốc vào năm 1963.
11. Eli Cohen (1924 – 1965)
Eliahu (Eli) ben Shaoul Cohen là một
điệp viên thượng thặng của tình báo Israel. Ông cực kỳ nổi tiếng qua quá
trình hoạt động gián điệp ở Syria trong giai đoạn 1961-1965, nơi ông đã
gây dựng được mối quan hệ cực kỳ mật thiết với giới lãnh đạo chính
trị-quân sự ở Damascus. Thậm chí, Eli Cohen đã leo lên chức Cố vấn
trưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Syria. Những thông tin mà Eli Cohen thu
thập được đã góp phần quan trọng vào chiến thắng vang dội của Israel
trong “Cuộc chiến tranh 6 ngày” chống lại liên quân Arập.
Năm 2005, Eli Cohen được bầu chọn vào danh sách 26 nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Israel |
Cuối cùng, cơ quan phản gián Syria cũng
đã phát hiện Eli Cohen là một trùm gián điệp của Israel và đã hành quyết
ông năm 1965, bất chấp mọi sự đổi chác của phía Israel.
Năm 2005, Eli Cohen được bầu chọn vào danh sách 26 nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử lập quốc và giữ nước của Israel.
12. Aldrich Ames (1941)
Aldrich
Hazen Ames là nhà phân tích phản gián của Cơ quan tình báo trung ương
Mỹ (CIA), đã bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô và Nga. Cho đến khi bị
phát hiện, Ames đã gây thiệt hại cho CIA nhiều thứ hai, chỉ sau vụ phản
bội của Robert Hanssen.
Aldrich Ames đã gây thiệt hại cho CIA nhiều thứ hai, chỉ sau vụ phản bội của Robert Hanssen |
Trong 9 năm làm việc cho CIA, Ames đã
khai báo thu nhập hàng năm là 60.000 USD nhưng số chi trong tài khoản
thẻ tín dụng của ông lên đến 30.000 USD/tháng, cho phép ông có một cuộc
sống dư dả với một chiếc xe Jaguar mới và một ngôi nhà 540.000 USD
(tương đương 810.000 USD, thời giá năm 2012) được mua bằng tiền mặt.
Là điệp viên hai mang của Liên Xô, cựu
sĩ quan phản gián CIA Ames đã thông báo cho KGB ít nhất 100 điệp viên
CIA và khiến ít nhất 10 điệp viên xử tử.
Aldrich Ames hiện đang chịu án chung thân ở nhà tù Allenwood, Pennsylvania.
13. Robert Philip Hanssen (1944)
Là nhân viên FBI và làm gián điệp cho
Liên Xô trong 22 năm kể từ năm 1979, Robert PhilipHanssen bị buộc tội
bán tin để lấy hơn 1,4 triêu USD.
Hai trong số ba sĩ quan KGB bị Hanssen
tiết lộ đã được Chính quyền Mỹ tuyển dụng làm điệp viên trực sẵn trong
Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Khi trở về Mátxcơva, hai người này đã
bị kết án và xử tử. Điệp viên thứ ba bị lộ phải lãnh án tù nhưng cuối
cùng cũng được thả.
Được coi là “thảm họa tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”, Hanssen đã bị phán quyết phạm 13 tội danh gián điệp |
Hoạt động dưới bí danh Ramon, ông giữ bí mật tên và nơi ở của mình với cả phía Nga.
Hanssen bắt đầu bị tình nghi một vài
tháng sau khi một cuộc kiểm tra phát hiện có tay trong trong FBI. Mỹ sau
đó bí mật giành được các tài liệu của Nga dẫn họ tới nghi ngờ ông.
Được coi là “thảm họa tình báo tồi tệ
nhất trong lịch sử nước Mỹ”, Hanssen đã bị phán quyết phạm 13 tội danh
gián điệp và hiện đang chịu án chung thân tại nhà tù ở Florence, bang
Colorado, Mỹ.
Bùi Ly (TH)
Những vụ bê bối gián điệp nổi tiếng thế giới
Hàng nghìn điệp viên Đức đang hoạt động ở nước ngoài có nguy cơ bị lộ
sau khi danh tính của họ xuất hiện trong máy tính của điệp viên “hai
mang” có mật danh là “Markus R”, người bị tình nghi làm gián điệp cho
CIA.
Điệp viên có mật danh là “Markus R” được
xác định là 32 tuổi, người Đức, bị bắt hồi tháng 7/2014. Markus R bị
tình nghi làm gián điệp cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Lật tẩy bộ mặt thật
Một ngày tháng 7/2014, khi đang mải mê
với đống tài liệu có trong tay, viên sĩ quan của Cục tình báo nước ngoài
của Đức (BND) mang biệt danh “Markus R” bất ngờ khi thấy các nhân viên
điều tra xuất hiện. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Markus R
cúi đầu nhận tội.
(Ảnh minh họa) |
Theo thông tin tờ Bild có được, Markus R
là nhân viên của BND, làm việc tại bộ phận đăng ký của chi nhánh hoạt
động tại nước ngoài của cơ quan này. Đó là lý do giải thích vì sao anh
ta có thể tiếp cận được những tài liệu tuyệt mật, trong đó có thông tin
cá nhân của các điệp viên hoạt động ở nước ngoài…
Các nhà điều tra cho rằng, vì muốn có
nhiều tiền để tiêu xài nên trong thư điện tử gửi tới Đại sứ quán Mỹ tại
Berlin năm 2010, Markus R đã chủ động đề nghị giúp đỡ tình báo Mỹ, sau
đó được chấp thuận làm điệp viên “hai mang”.
Mỗi tuần một lần, Markus R chuyển cho
các nhân viên CIA những tài liệu bí mật mà y đánh cắp được. Tổng cộng, y
đã chuyển cho CIA 218 tài liệu mật lấy từ những máy vi tính của BND,
trong đó có hai tài liệu liên quan hoạt động điều tra của một ủy ban
thuộc Quốc hội Mỹ đối với hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ
(NSA) tại Đức. Đổi lại, CIA đã trả cho Markus R 34.000 USD.
(Ảnh minh họa) |
Vụ việc có thể chưa sớm bị bại lộ nếu
như Markus R không quá tham lam. Một ngày tháng 5-2014, Markus R đã gửi
thư điện tử cho Tổng lãnh sự quán Nga tại Munich (Đức), trong đó đề nghị
được làm gián điệp cho Nga. Để chứng minh vai trò quan trọng của mình, y
còn gửi kèm ba tài liệu mật trong đó có hai tài liệu về cuộc điều tra
hoạt động của NSA tại Đức. Nhưng khác với những lần trao đổi trót lọt
với Mỹ trước đó, phi vụ với người Nga lại không thành công. Cuối cùng
điệp viên “hai mang” Markus R đã bị lật tẩy.
Khám xét nhà riêng của Markus R, cảnh
sát tìm thấy nhiều thông tin mật trong máy tính và USB. Tuy nhiên, phải
đến gần đây, các nhà điều tra mới đánh giá hết giá trị số thông tin mật
đó. Điều khiến các nhà điều tra lo ngại nhất là trong danh sách Markus R
đánh cắp được từ năm 2011 có chứa tên thật, mật danh của các nhân viên
BND làm việc dưới danh nghĩa nhà ngoại giao tại nhiều đại sứ quán của
CHLB Đức khắp thế giới và những người làm việc bí mật ở các nước mà quân
đội Đức đang triển khai lực lượng, trong đó có Afghanistan, Mali,
Lebanon và Sudan.
(Ảnh minh họa). |
Theo tờ De Spiegel của Đức, BND hiện
có khoảng 6.500 nhân viên, thường ở trong các Đại sứ quán Đức ở nước
ngoài hoặc được phái đến những khu vực có binh sĩ Đức triển khai. Nhiệm
vụ BND là xác định mục tiêu thù địch và cảnh báo quân đội nếu phát hiện
có mối đe dọa. Việc thân phận bị lộ có thể đặt các điệp viên Đức vào
tình cảnh nguy hiểm. Mặc dù các nguồn tin tình báo Đức khẳng định bản
danh sách mật trên đã lỗi thời vì tên tuổi được cập nhật lần cuối năm
2011, song BND cũng phải thừa nhận rằng mối quan tâm lớn nhất của họ
hiện nay là điều tra xem Markus R đã bán danh sách điệp viên cho cơ quan
tình báo nước ngoài thù địch hay chưa.
Cuộc chiến gián điệp
Vụ bê bối chung quanh gián điệp “hai
mang” mang mật danh Markus R đã phủ “bóng đen” lên quan hệ Đức và Mỹ. Vụ
việc đã đẩy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đức đứng trước những thách
thức mới trong bối cảnh Berlin vẫn chưa quên những tiết lộ động trời của
cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, phơi bày chương trình do thám
khổng lồ của NSA nhằm vào các công dân Đức và nghiêm trọng hơn, Thủ
tướng Đức Angela Merkel cũng là một mục tiêu do thám.
Trên thực tế, việc mua chuộc điệp viên
hoặc cài điệp viên nằm vùng là vấn đề luôn gây tranh cãi và căng thẳng
giữa các nước, đặc biệt là giữa Nga với Anh và Mỹ. Một trong những điệp
viên nổi tiếng từng gây sóng gió trong quan hệ giữa Liên Xô (trước đây)
và Anh là Vasily Mitrokhin, một cựu sĩ quan thuộc Ủy ban an ninh quốc
gia Liên Xô (KGB).
Khởi nghiệp là một kiểm sát viên quân sự
tại Kharkov (Ukraine), thời gian sau Mitrokhin được đặc cách vào Học
viện Ngoại giao ở Moscow. Năm 1948, Vasily Mitrokhin chính thức bước vào
thế giới của những người “hoạt động ngầm” khi đầu quân cho KGB và được
đánh giá là điệp viên tràn đầy nhiệt huyết. Nhờ những năng lực vượt trội
cũng như bảng thành tích dày đặc của mình, Mitrokhin nhanh chóng trở
thành một điệp viên được tin cậy và có cơ hội tiếp cận những nguồn tài
liệu tuyệt mật của tình báo Liên Xô. Năm 1956, Mitrokhin được chuyển tới
làm việc tại kho lưu trữ của KGB. Giai đoạn này Mitrokhin bắt đầu bộc
lộ bất mãn.
Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ và tám
năm sau khi rời KGB, đặc vụ Mitrokhin đã phản bội và chạy sang phương
Tây. Cựu điệp viên này nhanh chóng liên lạc với các quan chức CIA tại
Latvia với số tài liệu thu thập được và đề nghị được giúp đỡ đào tẩu. Bị
người Mỹ từ chối, Mitrokhin quay sang liên hệ các mật vụ thuộc cơ quan
tình báo Anh MI6. Sau này, theo tiết lộ của điệp viên Anh, số tài liệu
trên nhiều đến mức được chất đầy trong sáu chiếc va-li để vận chuyển tới
London. Từ thân phận “chuột chũi”, Mitrokhin bỗng trở thành “người
hùng”, được MI6 chiêu mộ, hậu thuẫn. Mitrokhin và gia đình đã bí mật
trốn sang Anh.
Năm 2010, quan hệ Nga - Mỹ trải qua
nhiều sóng gió sau khi Washington cất “mẻ lưới” chưa từng có: bắt giữ 10
gián điệp “nằm vùng” của Nga. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc bắt giữ những
người tình nghi trên vào tháng 6-2010 là kết quả của một cuộc điều tra
sát sao, theo dõi nhất cử nhất động của tất cả các thành viên mạng lưới
gián điệp. Các “điệp viên” này còn được gọi là “dân nằm vùng”, được cài
cắm ở Mỹ từ rất lâu, một số người đã định cư khoảng 20 năm dưới vỏ bọc
các cặp vợ chồng, hoạt động trong những ngành có khả năng xây dựng quan
hệ rộng như tài chính, truyền thông để lấy thông tin từ giới hoạch định
chính sách của Washington.
Ngoài phương tiện công nghệ tối tân, các
nghi can này còn sử dụng cả những phương pháp truyền thống như mực vô
hình và tráo đổi những cái túi giống nhau khi “tình cờ” đi ngang qua
nhau trong công viên để trao đổi thông tin. Thông tin được mạng lưới
gián điệp quan tâm tìm hiểu rất sâu rộng, từ bom phá boong-ke hiện đại
nhất, quan điểm của Mỹ với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược
START-2... cho tới phương hướng xử lý chương trình hạt nhân của Iran.
Một trong 10 người Nga bị cáo buộc liên
quan tới vụ án gián điệp này là nữ doanh nhân người Nga Anna Chapman, 28
tuổi. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cử người theo dõi Anna từ đầu
năm 2010 khi cô thực hiện các cuộc giao tiếp tinh vi với người quản lý
người Nga của mình trong những bối cảnh như trong tiểu thuyết tình
báo... Báo chí Mỹ khi đó nhận định, vụ bắt giữ này được cho là đặc biệt
so các vụ tương tự trong quá khứ vì những người bị bắt đều là thường dân
và không hề có mối liên hệ nào với cơ quan sứ quán hoặc lực lượng quân
sự Nga ở Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó,
Washington và Moscow đã tiến hành trao đổi gián điệp. Theo đó, Moscow đã
đồng ý thả bốn tù nhân bị kết tội làm gián điệp phương Tây để đổi lấy
10 nghi phạm gián điệp nói trên của Nga. Đây là vụ trao đổi gián điệp
lớn nhất và cũng gây chú ý nhiều nhất giữa hai cường quốc Nga và Mỹ kể
từ sau Chiến tranh Lạnh.
Các vụ bê bối gián điệp là chuyện thường
xảy ra giữa các cường quốc. Tuy nhiên, việc để lộ danh tính hàng nghìn
điệp viên như ở Đức mới đây không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng các
điệp viên, mà còn gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của đất nước đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét