THỰC TẠI & HOANG ĐƯỜNG 20
THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (II)
ĐẠI CHÚNG
--------------------------------



ĐẠI CHÚNG
--------------------------------
CHƯƠNG VIII:
THẮT NÚT
“Nhìn thế giới trong một hạt cát
Và bầu trời trong cánh hoa rơi
Giữ vô thường trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi”
William. Blake
Loài người biết
sử dụng công cụ trước hay biết nói trước? Biết sử dụng công cụ trước! Vì sao? Vì
cứ quan sát sự phát triển của một em bé từ lúc lọt lòng cho đến khi bi bô nói được
thì biết! Dấu vết của giai đoạn đầu tiên, cổ xưa đã lưu lại như thế để mách bảo
cho chúng ta chăng? Không phải! Có như thế là nhờ nguyên lý tương tự. Bất cứ một
quá trình từ vô thức đến tư duy nào cũng phải xảy ra đại loại như thế. Sự la hét
phải có trước hai cái đó? Đúng vậy, nhưng sự la hét, dù là có chủ đích thì cũng
tương tự phát âm vài ba chữ cái như A, B, C một cách rời rạc và chúng ta coi như
vậy là chưa biết nói.
Tạm chấp nhận vậy! Một câu hỏi khác: khi
sống ở trên cây, tay con người đã biết cầm nắm để đu cành rồi, vậy thì có khả năng
là loài người đã biết sử dụng công cụ và thậm chí là biết nói ngay từ khoảng thời
gian đó rồi? Không thể như thế được! Khi chúng ta nói biết sự dụng công cụ thì
nghĩa là phải sử dụng công cụ có tính thường xuyên, phải lưu giữ công cụ và
thay đổi cũng như cải tiến công cụ, còn biết nói thì cũng phải là biết nói có tình
thường xuyên, lưu nhớ từ ngữ và làm phát sinh từ ngữ mới. Điều kiện và đời sống
trên cây không cho phép sử dụng công cụ như thế và cũng không cần thiết phải
“thông báo” cho nhau kiểu như thế. Chỉ khi buộc phải chuyển xuống mặt đất sống
thường xuyên thì đôi tay được giải phóng mới “rảnh rang” mà sử dụng công cụ và đòi
hỏi phải thông tin thường xuyên cho nhau để đáp ứng với lối sống bầy đàn thường
xuyên di chuyển và hợp lực kiếm ăn.
Câu hỏi nữa: sự khắc vạch (có chủ đích)
xuất hiện trước hay sau ngôn ngữ? Một cách thường xuyên thì có lẽ nó có đồng thời
với ngôn ngữ chúng tác động tương hỗ nhau để cùng phát triển làm hoàn thiện cho
nhau. Vạch vẽ là ký hiệu của ngôn ngữ, là sự thể hiện trực quan của ngôn ngữ,
nhưng mục đích ban đầu của nó không phải là để thể hiện ngôn ngữ trước một cơ
quan cảm giác khác. (nghe cũng đủ hiểu rồi nên không nhất thiết cần phải thấy nữa!).
Vậy thì mục đích ban đầu của khắc, vạch dấu
là gì?
Thuở đầu tiên, đối với loài người (ở loài
vật cũng vậy) vấn đề xác định số lượng chưa được đặt ra vì chưa cần thiết phải
quan tâm tới nó. Săn bắt, hái lượm miễn đủ no là được. Về sau, trước những nảy
sinh tự nhiên như nguồn thức ăn, thức ăn kiếm được, số lượng bầy đàn, tích góp,
phân chia mà đòi hỏi phải có sự định lượng. Biểu hiện đầu tiên của sự định lượng
là phân biệt giữa 1 và 2 (chưa biết đến “nhiều”) một cách trực giác, trực tiếp
trên từng sự vật. Tên gọi để hiển thị số 1 và số 2 chắc là chưa có. Khi nói về
2 con bò thì phải có 2 con bò đó ở “trước mặt” và chỉ vào từng con bò mà nói
“con bò”, “con bò”. Ngày nay, chúng ta dễ dàng nói “ba”, “bốn”, “năm” để chỉ số
lượng là 3 đơn vị, 4 đơn vị và 5 đơn vị. Nhưng ở thời kỳ đầu ấy, tên gọi của một
số lượng có số đơn vị cụ thể nào đó là một khái niệm trừu tượng; chẳng hạn như
“hai” là cái gì? Bản thân chúng ta, nghĩ kỹ, cũng chẳng biết “hai” là cái gì huống
hồ người của xa xưa tối cổ.
Dần dà, người nguyên thủy mới biết dùng
ngón tay để “nói về” số lượng, để “đọc” số lượng. Và lẽ đương nhiên ngón tay sẽ
trở thành đơn vị đếm đầu tiên của loài người và thứ nguyên đầu tiên của số lượng
là “ngón tay”. Thứ nguyên đó là “đại biểu” cho vật gì đó đang nói đến.
Trí nhớ của con người dù có “tốt hơn” trí
nhớ của con vật thì cũng còn nhiều hạn chế; có hạn độ nhất định. Trong đời sống
hàng ngày, chúng ta vẫn thường phải ghi nhớ vào đâu đó bằng ký hiệu hoặc chữ viết
về những việc cần làm, về những số liệu cần thiết nào đó. Chính là vì chúng ta
sợ quên; là vì trí nhớ của chúng ta không thể nhớ hết được tất cả. Máy tính chính
là một công cụ đắc lực phục vụ cho trí nhớ con người, trong thời đại mà tri thức
nhân loại đã trở nên quá khổng lồ. Sự nhớ của máy tính đã vượt trội hẳn khả năng
nhớ của con người và đồng thời nó đã giúp cho con người có một trí nhớ vô cùng
“ghê gớm”. Tuy nhiên, dù máy tính có thể siêu nhớ, siêu giác đến mấy thì vì con
người lập trình cho hoạt động của nó nên nó không bao giờ có thể sáng tạo được,
không bao giờ tự nhớ được mà luôn phải có sự “gợi nhớ” (sự thao tác) trực tiếp
hay gián tiếp của con người. Do đó nó vĩnh viễn chỉ là một công cụ, hay “cay độc”
hơn: là “nô lệ” của con người!
Việc tăng cường khả năng cho trí nhớ là một
nhu cầu có tính tất yếu khách quan. Đối với người nguyên thủy ở thời xa xưa tối
cổ như đã nói ở trên, khi mà khái niệm về những số lượng (tên gọi các số) chưa
có thì việc lưu nhớ các số lượng đã được “đếm” bằng các ngón tay một cách đơn
giản nhất và tự nhiên nhất là khắc các dấu vạch vào đâu đó.
Các dấu vạch đó trở thành thực tại khách
quan của quan sát trực giác và đến lượt nó làm tiền đề cho sự xuất hiện các tên
gọi của các số lượng vạch cụ thể, “nhiều”, “ít” khác nhau trong hệ thống ngôn
ngữ đã hình thành nên trước đó. Vì “nói về” số lượng vạch cho nên thứ nguyên của
nó cũng là “vạch”. Tuy nhiên vạch nào cũng giống vạch nào nên từ “vạch” hơi bị
thừa và không cần thể hiện. Khi số lượng vạch nhằm chỉ số lượng con vật nào đó
như chó chẳng hạn thì ngầm hiểu ngay thứ nguyên của số lượng vạch ấy chính là
“chó”.
Vậy mục đích ban đầu của sự khắc, vạch dấu
chính là để lưu nhớ! Về sau, trong quá trình vận động phát triển của tư duy nhận
thức cũng như thực tiễn hoạt động của con người, nó mới có thêm những mục đích
khác. Cần nói ngay (kẻo quên) rằng sự khắc vạch có chủ đích đó, là ông cụ tổ của
vẽ vời và chữ viết; vẽ vời và chữ viết là ông nội của hội họa, văn chương. Không
có hội họa văn chương thì chỉ có quá khứ mà không có lịch sử và nếu đúng như vậy
thì cũng chẳng có văn hóa, văn minh gì cả.
***
Tiếp tục tưởng tượng, chúng ta thấy rằng
có thể lập một cách hoàn toàn tương đối, ước lệ tiến trình của sự hình thành nên
ngôn ngữ, chữ viết như sau:
Ú ớ + cầm nắm ==> la hét + công cụ
==> bập bẹ + vạch khắc ==> vẽ vời + nói năng ==> chữ viết + ngôn ngữ
==> hội họa (mô tả, mỹ thuật) + văn chương (văn nói và văn viết) ==> thơ
+ ca + nhạc + họa!
Vào thời buổi giao thời “nói không ra nói,
viết không ra viết” đó, vạch vẽ đã góp phần quan trọng vào việc lưu nhớ, tổng kết,
phân phối, trao đổi thành quả lao động trong bầy đàn người. Tuy nhiên, sự phát
triển của xã hội loài người cùng với lối sống định cư khu vực (di cư trong một
khu vực hẹp xen lẫn định cư tại chỗ trong một khoảng thời gian nhất định), cũng
như sự phai mờ các dấu vạch vẽ theo thời gian đã làm cho khả năng lưu nhớ của sự
vạch vẽ dần bộc lộ những hạn chế của nó. Vạch trên đá thì tốt rồi nhưng thật khó
khăn khi phải mang theo lúc di dời; vạch trên công cụ thì mang theo thuận tiện
hơn nhưng dễ mòn vết, dễ mất. Có thể người ta đã dùng những viên sỏi, đá nhỏ để
biểu trưng cho số vạch rồi cho vào một cái “túi” gì đó mang theo. Nhưng việc bảo
quản những viên sỏi, đá đó cũng chưa thuận tiện cho lắm vì sự dễ “thất thoát” và
“lộn xộn vô tổ chức” của chúng. Nhất là khi trồng trọt và chăn nuôi đã trở nên
chuyên nghiệp hơn, làm cho việc theo dõi số lượng gia súc gia cầm, cây trái cũng
như số lượng công việc cần làm trong một thời gian tăng lên đáng kể đã làm cho
việc vạch vẽ càng không đáp ứng nổi. Từ đó mà nảy sinh đòi hỏi phải có thêm phương
tiện hỗ trợ, thỏa mãn sự lưu nhớ. Và thế là máy tính điện tử, quên, bàn tính,
quên nữa, cách “ghi nhớ” (kế thừa dấu khắc vạch), dùng dây thắt nút ra đời.
Dây thắt nút của đồng bào người Thượng
trong câu chuyện kể của cha chúng ta chính là dấu vết còn lưu lại của cách “ghi
nhớ” thời xa xưa tối cổ ấy. Không những thế, dấu vết đó còn có thể thấy được ở
nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Một số tộc người còn sống thưa thớt hiện nay ở
Châu Phi, Châu Úc, Châu Mỹ. Khi muốn ghi nhớ việc gì vẫn dùng dây buộc nút hoặc
lấy đá nhọn vạch dấu lên một khúc cây.
Sự kiện lưu nhớ bằng cách thắt nút dây vẫn
còn được lưu truyền đến ngày nay và vẫn được ứng dụng ở những tộc người còn lạc
hậu về văn minh ở những nơi hoang dã, rừng rú rải rác khắp thế giới đã cho chúng
ta một ý niệm rằng có một giai đoạn lịch sử không ngắn trong thời đại hồng
hoang, bình minh của loài người, việc dùng dây thắt nút đã là chuyện thường ngày
trong đời sống con người và tiện ích của nó là “không chê vào đâu được” để được
phổ biến khắp thế giới, tương tự như sự phổ biến công cụ, đồ đá trước đó, trong
thời cổ xưa, xa xôi hơn nữa.
Có thể là sẽ không ngoa tý nào nếu có người
nào đó đưa ra nhận định: sáng kiến dùng những đoạn dây thắt nút để biểu thị một
cách định lượng số lượng sự vật và lưu nhớ chúng đã là một cuộc “nhảy vọt”
trong việc hình thành và phát triển sự đếm cũng như sự tính toán, cộng trừ nảy
sinh trong đời sống của con người thời bấy giờ. Nó đã đáp ứng mỹ mãn yêu cầu phải
đếm, tổng kết, phân phối, tích trữ, ghi nhớ những định lượng đã trở nên đa dạng
và to lớn, xuất hiện từ trình độ ngày một nâng cao của trồng trọt chăn nuôi, đã
vượt quá nhiều lần số lượng mười ngón tay của hai bàn tay hoặc cũng có thể là
hai mươi ngón của cả hai tay và hai chân.
Theo truyền thuyết lịch sử thì các nút buộc
được bôi màu sắc khác nhau để phân biệt những loại sự vật, con vật mà những nút
đó biểu thị. Thí dụ màu xanh, đỏ, tím, vàng là để biểu thị con gà, con vịt, con
lợn, con dê chẳng hạn. Nếu sự thực là như vậy thì rõ ràng màu sắc của mỗi nút
chính là “thứ nguyên” của một đối tượng cần xác định số lượng nào đó mà con người
muốn biểu thị qua nút đó. Ngoài ra, từ các đoạn dây có số lượng nút khác nhau mà
người ta cũng có thể thực hiện việc “cộng” hay “trừ” một cách trực quan. Chẳng
hạn: số nút của hai đoạn dây thắt nút này bằng số nút của hai đoạn dây thắt nút
kia, hay cắt một đoạn có nút từ một sợi dây thắt nút đem cho đi thì chỉ còn số
nút trên đoạn dây còn lại…
Cái sáng kiến thắt nút dây ấy, trước khi
phổ biến ra thế giới, ra đời và được sử dụng lần đầu ở đâu? Chắc chắn là phải ở
đâu đó, một trong những nền văn minh nhân loại thời đó. Thời đó là thời nào? Thời
đó là thời mà trồng trọt chăn nuôi đã tương đối phát triển, đã là cách thức lấn
át cách thức săn bắt hái lượm đơn thuần trong việc kiếm ăn của con người.
Khảo cổ học ngày nay đã có nhiều bằng chứng
xác đáng cho thấy, trước thời kỳ biển tiến rất lâu, nghĩa là khoảng hơn 10.000
năm trước, ở Đông Nam Á đã có một nền nông nghiệp lúa nước, và như vậy cần cho
rằng tại khu vực Đông Nam Á lúc đó đã xuất hiện một nền văn minh hay theo chúng
ta gọi là “tiền văn minh”. Có thể phán đoán rằng sáng kiến thắt nút dây ra đời
vào thời kỳ này. Tuy nhiên cũng vào thời kỳ này chưa có một nền văn minh nào,
hay đúng hơn, chưa có một nền văn minh nào đạt được trình độ như thế cả. Nền văn
minh Ai Cập được cho là sớm nhất trong giáo trình lịch sử thế giới cũng xuất hiện
muộn hơn ít ra là ba, năm ngàn năm sau. Từ nhận định về sự duy nhất tồn tại của
nền văn minh Đông Nam Á và là tiền đề của nền văn minh xuất hiện rất lâu sau này,
chúng ta khẳng định (một cách rụt rè và vẫn còn hoài nghi chứ chưa dám dứt khoát!)
rằng: sáng kiến thắt nút dây đã ra đời và được ứng dụng trước tiên ở khu vực Đông
Nam Á.
Theo Nguyễn Hiến Lê thì truyền thuyết
Trung Quốc nói “Phục Hy dùng lưới đánh cá, đặt ra chữ viết để thay cái tục lấy
dây thắt nút, dạy dân phép cưới vợ gả chồng; Thần Nông dạy dân cày ruộng, lập
chợ, nếm cây cỏ để làm thuốc chữa bệnh”. Dù không hợp “khẩu vị” của chúng ta nhưng
còn tạm chấp nhận được.
Sau đây là một “truyền thuyết” khác về Phục
Hy mà chúng ta đọc được ở một cuốn sách kể chuyện… toán học:
Tương truyền, vào thời Viêm Hoàng, ở vùng
trung và hạ lưu sông Hoàng Hà có một bộ lạc gọi là Đông Di. Cuộc sống của họ còn
rất giản đơn: hái lượm quả rừng, săn bắt thú trong núi hoặc mò cua bắt cá dưới
sông để sinh nhai. Họ chưa biết sử dụng công cụ mà chỉ dựa vào vận may. Ai kiếm
được cái gì thì mọi người cùng ăn chung. Nhưng rồi nhân khẩu ngày càng tăng làm
cho cái đói thường xuyên xảy ra. Ngày đó phương pháp bắt cá duy nhất là mọi người
cùng lội xuống nước, vây lại thành vòng, đuổi cá vào một chỗ rồi dùng đá ném hoặc
dùng cây que đập mới có thể bắt được một vài con cá. Trong bộ lạc Đông Di có thủ
lĩnh tên là Phục Hy. Ông là người có tài suy xét. Một hôm, Phục Hy cùng mọi người
xuống nước bắt cá, đuổi dồn cá từ chỗ nước sâu lên chỗ nước nông. Vì bị động mạnh,
dưới nước lại có nhiều cỏ lác mọc um tùm, nên đàn cá trong khi hoảng loạn chạy
trốn có một số con bị vướng vào cỏ không bơi được nên bị người ta bắt. Phục Hy
thấy vậy, bật ra sáng kiến, đi tìm các sợi dây nhỏ, bắt chước cỏ lác, đan xen dưới
nước, kết thành những tấm “lưới” để giăng bắt cá. Từ đó việc bắt cá hiệu quả hơn
rất nhiều. Mọi người cảm kích trước sáng kiến đó, thường đem cua cá bắt được, tặng
Phục Hy. Phục Hy muốn “ghi” lại những lễ vật mà mọi người đã biếu nên nghĩ ra cách
dùng sợi dây có thắt gút để ghi nhớ: ai cho cá to, ông thắt nút dây to; ai cho
cá nhỏ, ông thắt nút dây nhỏ. Cứ thế các nút dây trở thành “Sổ lưu trữ” của ông.
Cách “ghi số” bằng các gút dây như vậy chính là câu chuyện về “ghi số bằng gút
dây” trong lịch sử cổ đại. Sau này, vì nhận thấy ghi số kiểu gút dây phức tạp nên
người ta dùng rìu đá khắc dấu lên cây. Thời gian qua đi, cách ghi bằng khắc dấu
dần thay thế cách ghi bằng thắt nút dây và được phổ biến rộng rãi, áp dụng được
rất lâu dài.
“Truyền thuyết” này không biết có phải là
truyền thuyết nguyên gốc không mà sao thấy “hay” quá! Đành rằng truyền thuyết là
phải có tính hoang đường, huyền hoặc. Nhưng ở đây, sự hoang đường, huyền hoặc đã
đạt đến mức “phi thường” (không bình thường!).
Có thể Phục Hy sáng tạo ra lưới đánh cá là
nhờ quan sát cá bị mắc vào cỏ, nhưng phải trên cơ sở sự thắt gút dây đã có trước
đó chứ không phải ngược lại. Từ cách thắt gút dây đơn mới nảy sinh cách thắt gút
dây đôi, rồi từ cách thắt gút dây đôi áp dụng cho nhiều dây mới có thể tạo ra được
lưới đánh cá. Chúng ta có một thời là thiếu sinh quân, đã từng đan lưới ngụy
trang nên dễ hiểu điều này.
Khắc vạch không thể xuất hiện sau thắt nút
dây được. Nhờ có thắt nút dây mà nó có bước phát triển tiếp theo, đóng vai trò
như một dạng chữ viết, ở mức độ hoàn chỉnh hơn để thay thế được thắt nút dây
trong việc tính toán và lưu giữ thông tin.
Tóm lại trước khi Phục Hy làm ra lưới đánh
cá thì con người đã biết sử dụng công cụ, khắc vạch và dùng dây thắt nút để biểu
thị số lượng từ lâu rồi. Truyền thuyết mà chúng ta vừa kể ở trên có thể là rất
hay nhưng… ngược đời. Xét về mức độ hoang tưởng thì ngay cả NTT (Nhà thông thái)
cũng phải bái làm sư phụ.
Sự phát triển trồng trọt, chăn nuôi sẽ tất
yếu dẫn đến nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và đồng thời cũng hình thành
các cụm dân cư gọi là làng xóm và đơn vị nhỏ hơn làng xóm là gia đình.
Từ xa xưa, Đông Nam Á là khu vực có điều
kiện thiên nhiên, thời tiết và khí hậu rất phù hợp với trồng trọt chăn nuôi. Vì
vậy mà cuộc sống định cư cũng như trồng trọt chăn nuôi xuất hiện và phát triển
rất sớm ở khu vực này là điều hiển nhiên. Ở Việt Nam nói riêng, các tộc người đã
đến sinh sống từ rất sớm để hình thành nên một cộng đồng người mà nhờ có thiên
nhiên ưu đãi, “chim trời cá nước”, “rừng vàng biển bạc”, đã hòa hợp ngay từ đầu,
có hình thái xã hội như một dân tộc với thủ lĩnh là tập thể các tù trưởng và không
thường xuyên xuất hiện trong đời sống xã hội. Từ điều kiện tiền đề đó mà hình
thành nên cấu trúc làng xóm, cùng chung tiếng nói nhưng độc lập tự chủ về kinh
tế.
Trong toàn khu vực Đông Nam Á, được coi là
hành lang, là cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải,
là “ngã tư đường”, thì Việt Nam được coi như có vị trí địa lý “đặc thù của đặc
thù”; luôn luôn bị đe dọa cũng như luôn phải chống đỡ thiên tai và nạn ngoại xâm
từ phương Bắc.
Vừa được thiên nhiên ưu đãi, vừa bị họa
ngoại xâm đã làm cho cộng đồng người trên lãnh thổ Việt Nam được hun đúc thành
một dân tộc có mối quan hệ bên trong, keo sơn gắn bó giữa các cụm dân cư, hay
giữa các xóm làng, lúc bình thường thì độc lập tự chủ sống, khi khó khăn thì nhường
cơm xẻ áo cho nhau, lúc lâm nguy trước sự xâm lăng thì đoàn kết lại, đồng lòng
như một để cùng đánh đuổi. Cái nghĩa “đồng bào” là từ sự tích Âu Cơ - Lạc Long
Quân mà có, nhưng có lẽ từ cơ sở thực tiễn này mới có sự tích Âu Cơ - Lạc Long
Quân.
Cấu trúc kiểu làng xóm với mối quan hệ “máu
mủ, ruột thịt” như thế thì về mặt con người, đã là một dân tộc và về mặt lãnh
thổ, đã là một đất nước có chủ quyền, dù chưa có nhà nước. Nếu có thể ghi chép
lại được thì đất nước Việt Nam
đã xuất hiện từ rất sớm và qua ngàn bão tố, nó tỏ ra bền vững và vì thế mà được
bảo toàn đến ngày nay.
Buổi đầu của lịch sử đất nước Việt Nam có
hình thái giống như liên minh giữa các bộ lạc nhưng không phải là liên minh giữa
các bộ lạc vì tính hòa hợp, có quan hệ đồng tộc giữa các xóm làng; có hình thức
giống như một liên bang nhưng cũng không phải là liên bang vì không có nhà nước
liên bang; không có một ông vua được hưởng đặc quyền đặc lợi nào. Có thể nói rằng
đất nước Việt Nam
thời kỳ đầu cũng mang tính chung của bất cứ một đất nước nào nhưng cũng mang tính
riêng, và tính riêng ấy riêng đến nỗi trở thành độc đáo, kỳ lạ: một đất nước được
điều hành bởi một nhà nước ẩn dấu! Đến đây, quan niệm về nguồn gốc và bản chất nhà nước theo Mác-Lê nin chỉ ra đã bộc lộ những sai lầm, cần suy nghĩ lại qua lời Lê nin nói: "Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được".
Chúng ta nói như thế, đúng không thì chưa
biết nhưng quan niệm của nhiều người cho rằng lịch sử một đất nước chỉ có thể bắt
đầu khi có nhà nước và một nền văn minh chỉ được định nghĩa từ khi có nhà nước
hoặc thậm chí tệ hơn, từ khi có chữ viết, là hoàn toàn sai trái. Có thể họ có lý
nhưng chúng ta không theo! Chúng ta noi gương truyền thống độc lập tự chủ: “lệnh
vua còn thua lệ làng” để tiếp tục câu chuyện còn dang dở về sự thắt nút dây.
Hình thái kinh tế đầu tiên là “không kinh
tế”, nghĩa là chỉ tự cung tự cấp. Trên cơ sở trồng trọt chăn nuôi, nền nông
nghiệp, thuở đầu tiên là tự cung tự cấp. Nhờ có phương thức kiếm ăn tiến bộ hơn
phương pháp thuần túy hái lượm, săn bắt và cũng nhờ thiên nhiên ưu đãi, cuộc sống
con người trở nên thong thả hơn, có dự trữ và tích lũy. Tuy nhiên, thời tiết khí
hậu, hay nói chung là điều kiện môi trường sống luôn biến đổi và có nhiều lúc
biến đổi không theo hướng thuận lợi làm xảy ra những thất thu ở bộ phận này hay
bộ phận khác gây mất cân bằng sự tự cung tự cấp: thứ cần tiêu dùng thì không đủ
trong khi thứ khác đủ đáp ứng rồi thì còn dư. Vì thế mới nảy sinh ra sự trao đổi
sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt - chăn nuôi) để làm cân bằng lại sự tự cung tự
cấp. Lúc đầu, sự trao đổi xảy ra giữa các gia đình cùng làng xóm, sau thì mang
sản phẩm ra đường chờ người qua kẻ lại của các xóm làng khác có nhu cầu trao đổi.
Có thể rằng lúc đó muốn trao đổi thì người cần trao đổi phải mang sản phẩm đến
tận nhà người đồng ý trao đổi để trao đổi vì chẳng còn cách nào khác. Lâu dần,
sự trao đổi trở thành phổ biến, số lượng người muốn trao đổi tăng lên và mọi người
đều mang sản phẩm của mình ra nơi thuận tiện chung nào đó như đầu làng, vị trí
giáp ranh giữa các làng… để trao đổi với nhau. Cái chợ hình thành nên từ đó.
Khi chợ đã hình thành thì sự tự cung tự cấp
biến đổi đi. Nó chỉ có ý nghĩa đến một khu vực dân cư nhất định chứ không còn ý
nghĩa đối với một gia đình hay một xóm, một làng cụ thể nữa. Nhờ có trao đổi thường
xuyên mà lao động chuyên môn hóa được hình thành: có người chuyên nuôi lợn, có
người chuyên trồng lúa, có người chuyên nuôi tằm dệt lụa, có người chuyên chế tạo,
sửa chữa công cụ sản xuất… Nhờ có trao đổi mà chuyên môn hóa lao động cũng đảm
bảo tự cung tự cấp. (Tự cung tự cấp là nền tảng của mọi hoạt động kinh tế; kiểu
gì thì cuối cùng vẫn phải là tự cung tự cấp. Vì vậy mà tự cung tự cấp bàng bạc ở
khắp nơi. Chúng ta nói điều tương đối vì chúng ta vốn dĩ… siêu hình).
Như đã trình bày, Tự Nhiên Tồn Tại chỉ có
một chân lý phổ quát nhất và tuyệt đối, chân lý đó đóng vai trò là nguyên lý của
mọi nguyên lý, tiên đề của mọi tiền đề, là ngọn nguồn tuyệt đối của mọi hình thái
tồn tại, chuyển hóa. Do đó, xã hội loài người, dù có những khác biệt nhất định
thì cũng phải mang những đặc tính cốt lõi, chung nhất của thế giới sinh vật và
thế giới sinh vật, dù lại cũng có những khác biệt, nhưng phải mang những đặc tính
cốt lõi, chung nhất của Tự Nhiên Tồn Tại. Không bao giờ có thể tách rời xã hội
loài người với thế giới sinh vật được cũng như không bao giờ có thể tách rời thế
giới sinh vật ra khỏi thế giới vô sinh được. Cái trước bao giờ cũng thuộc về cái
sau một cách tất yếu.
Xã hội loài người như một thực thể trong
hiện thực, có mối quan hệ khăng khít với môi trường chứa nó. Chính mối quan hệ
khăng khít đó làm nên vận động nội tại không ngừng của nó. Là một thực thể, xã
hội loài người mang tính thống nhất tổng thể. Cái thống nhất tổng thể ấy lại là
do sự phân định, chuyển hóa lưỡng nghi của nội tại mà thành. Xét ở góc độ khác,
xã hội loài người được cấu tạo nên từ các bộ phận dân cư, khu vực dân cư. Các bộ
phận, khu vực dân cư được cấu tạo nên từ các cụm dân cư. Các cụm dân cư được cấu
tạo nên từ các gia đình và cuối cùng, đơn vị nhỏ nhất, không thể phân chia được
nữa, cấu tạo nên gia đình, cụm, bộ phận dân cư cũng như toàn bộ xã hội loài người,
là từng con người cá thể. Như vậy, xã hội loài người vừa thống nhất, vừa chia cắt,
vừa liên tục, vừa gián đoạn; vừa có tính tầng nấc ở nhiều cấp độ qui mô vừa “liền
lạc”, vì rốt cục chỉ là một khối lớn những đơn vị có thứ nguyên là “con người”.
Mặt khác, vì nội tại của xã hội loài người mang tính lưỡng nghi nên xuất hiện đủ
mọi thứ chuyện “phiền toái”: giàu - nghèo, vua - tôi, quí tộc - hạ dân, vô sản
- hữu sản, bạn - thù, thương - ghét, hòa hợp - đấu tranh, cãi cọ tùm lum và… ối,
ối, nhiều vô số kể!
Điều rõ ràng rút ra được ở đây là quan sát
xã hội loài người sẽ thấy được hình bóng của thế giới sinh vật; quan sát thế giới
sinh vật sẽ thấy được hình bóng của thế giới vô sinh; quan sát thế giới vô sinh
sẽ thấy được hình bóng Vũ Trụ; quan sát Vũ Trụ sẽ thấy được Tự Nhiên Tồn Tại;
quan sát Tự Nhiên Tồn Tại sẽ thấy… sự mù tịt. Stephen Hawking nói câu: “Vũ trụ
trong vỏ hạt dẻ”, là hoàn toàn chính xác!
Chúng ta có thể hình dung xã hội loài người
như một kim tự tháp được lắp ghép từ các kim tự tháp đồng dạng nhỏ hơn; những
kim tự tháp nhỏ hơn đó được lắp ghép từ những kim tự tháp nhỏ hơn nữa, và kim tự
tháp nhỏ nhất không thể phân chia, đơn vị cuối cùng để làm nên kim tự tháp, chính
là… hạt cát. Xã hội loài người là lâu đài nguy nga trên cát đối với thời gian!
Trong nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự
cấp đã xuất hiện sự trao đổi sản phẩm có tính thường xuyên ấy, do những nguyên
nhân bên ngoài cũng như bên trong, tất yếu xuất hiện sự chênh lệch về thu nhập
giữa các gia đình, các thành phần lao động. Từ đó mà có khá giả hơn - vất vả hơn,
và tiếp thêm bước nữa là giàu - nghèo. Sự chênh lệch về thu nhập ấy trước sau gì
cũng dẫn đến hiện tượng vay - trả. Chẳng hạn phải vay mượn lương thực, thực phẩm
vào những thời kỳ giáp hạt, đàn heo, đàn vịt chưa đến kỳ đem đi đổi đạt kết quả
tốt nhất để đem đi đổi… Vay mượn là việc chẳng đặng đừng nhưng chẳng còn cách nào
“hay” hơn nữa một khi chưa có đồng tiền - vật ngang giá chung. Tuy nhiên, đây
chưa phải là nguyên nhân làm xuất hiện tiền tệ.
Có những thời vụ được mùa, có những thời
kỳ phát đạt làm cho lượng lương thực cũng như số lượng, các loại sản phẩm khác được
tích lũy, dự trữ tăng lên đáng kể đến mức vượt quá khả năng về chỗ chứa, làm tăng
công việc bảo quản, chống hư hỏng do mối mọt, do ẩm mốc, làm xuất hiện đòi hỏi
trao đổi được những thứ có giá trị cao nhưng nhỏ gọn, ít cồng kềnh hơn và tiện
lợi cho việc tích trữ lâu dài hơn. Nhưng trao đổi với cái gì để được như vậy
khi mà “nhà” nào cũng tự cung tự cấp và hầu như cũng chỉ có ngần ấy loại sản phẩm
muốn trao đổi? Mặt khác việc nuôi gia súc gia cầm đã phát triển vượt quá mức tiêu
thụ cần thiết của gia đình, của mỗi hộ chăn nuôi, đem trao đổi không hết, tiếp
tục nuôi số còn lại thì “tốn thức ăn” quá, đã không có lợi mà còn bị thiệt hại.
Những bức xúc đó đòi hỏi phải có một phương hướng giải quyết. Sẽ chẳng có cách
giải quyết nào ngoài việc mở rộng phạm vi trao đổi, nghĩa là mang nông sản, sản
phẩm đi trao đổi ở những nơi xa hơn bình thường. Xuôi lên ngược đổi, ngược về
xuôi đổi, rừng xuống biển đổi, biển lên rừng đổi. Hướng giải quyết đó không triệt
để, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nào đối với sự tiện ích cho tích trữ và chủ yếu là
để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Quá trình trao đổi ngày một thường xuyên
sẽ tất yếu nảy sinh vấn đề chất lượng của sản phẩm trao đổi, tất yếu xuất hiện
tính cạnh tranh trong trao đổi. Sản phẩm tốt hơn sẽ đổi được lợi hơn, nhanh hơn.
Sản phẩm xấu sẽ bị “chê ỏng chê eo”, đổi được một cách “rẻ mạt”, thậm chí là bị
ế, không đổi được.
Một nhược điểm của việc phải đi quá xa để
trao đổi là tốn nhiều công sức, thời gian mà đáng lẽ công sức thời gian đó có
thế tập trung cho đồng áng, chăn nuôi, cần thiết và cũng có lợi hơn. Phải chăng
đó chính là nguyên nhân xuất hiện một lực lượng chuyên làm cái công việc đi
trao đổi “dùm” để sống trên sự chênh lệch thỏa thuận được với hai đầu đối tượng
muốn trao đổi mà sau này được gọi là hàng ngũ “thương lái” hay “con buôn”?
Điều nói trên có thể đã là một điều kiện để
đồng tiền ra đời.
Cuộc sống sung túc, có “của ăn của để” do
phương thức kiếm sống, do trình độ ngày càng cao của hoạt động sản xuất nông
nghiệp đã làm cho nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ cuộc sống cũng ngày một cao, ngày
một nhiều hơn, do đó việc hưởng thụ, “phè phỡn”, vui chơi, giải trí cũng thường
xuyên và kéo dài hơn. Những kẻ giàu có hơn có thể trả công bằng sản vật cho những
kẻ nghèo khó hơn, bỏ công ra múa hát mua vui cho mình. Hiện tượng ấy báo hiệu một
cộng đồng dân cư nào đó đã bước vào thời kỳ thịnh vượng. Để phục vụ nhu cầu đã
nhiều lên, đã đa dạng hơn của cái khối thịnh vượng ấy, tất nhiên sẽ xuất hiện
những ngành nghề mới, sản xuất phi nông nghiệp và phi sản xuất (điêu khắc, hội
họa, ca múa, thợ mộc, thợ đẽo tạc, khai thác đá, làm đồ gốm…) mang tính sáng tạo
cao. Chính những sản vật phi nông nghiệp có tính bền vững, tính tinh xảo về mỹ
thuật (như cối đá có chạm khắc, đồ gốm có hoa văn…) và có tính quí hiếm (ngà
voi, răng cọp, vỏ sò, vỏ ốc biển lạ mắt, đôi khi chỉ là khó làm như bi đá, thậm
chí là mai rùa có dấu “khắc vạch” đẹp mắt…) đã đóng vai trò giải quyết khó khăn
đã nêu ở trên của việc dự trữ, tích lũy và trở thành như một thứ của cải có giá
trị, khi cần thiết có thể đem chúng đi đổi bất cứ thứ gì phù hợp cho nhu cầu tiêu
dùng. Giá trị của chúng đã được sự thỏa thuận chung của cả chợ trao đổi (thị trường)
qui định. Trong số các sản vật đó, có những loại sản vật chẳng có giá trị sử dụng
thực tế nào cả, hoặc nói đúng hơn là chỉ có giá trị ẩn dấu, chỉ để trưng bày,
ngắm nghía hoặc tích lũy để đó, chờ khi cần sẽ mang đi trao đổi. Đó là những sản
vật đã “mang nặng” chức năng tiền tệ. Và công dụng trao đổi của chúng chính là
sự gợi ý trực tiếp cho việc sáng tạo ra những sản vật nhỏ gọn hơn nữa, được thị
trường trao đổi thừa nhận, qui ước một giá trị xác định (chẳng hạn như dùng nó
sẽ đổi được một lượng lúa xác định) làm vật trung gian, ngang giá chung cho mọi
cuộc trao đổi (chẳng hạn như trước đây lượng lúa đó đổi trực tiếp được một lượng
khoai nào đó thì lúc này có thể đổi lượng lúa lấy vật trung gian đó đem về cất,
“mai mốt” khi cần, đem vật trung gian đó đổi sẽ được một lượng khoai đúng như cách
đổi ban đầu).
Điều tự nhiên là thị trường trao đổi còn
qui ước những vật ngang giá giống nhau thì bằng nhau về giá trị, nghĩa là sẽ “vô
tích sự” nếu trao đổi chúng cho nhau. Cuối cùng, chúng chẳng có chức năng nào
khác ngoài hai chức năng tích trữ và dùng để làm trung gian trao đổi hay sau này
gọi gọn hơn là dùng chúng để mua bán.
Những vật phẩm ngang giá nói trên trở thành
ông tổ ông tiên của tiền tệ ngày nay và đồng thời chúng cũng làm cho thị trường
trao đổi chuyển hóa thành thị trường mua bán, hay nói rộng hơn là thương trường.
Mua bán là một hình thái đã biến tướng của sự trao đổi, mà nội dung cốt lõi của
nó cũng chỉ là trao đổi quyền sở hữu các vật phẩm mà người ta có, hay nói cho đơn
giản là trao đổi.
***
Chúng ta có cảm giác ngờ ngợ rằng tiền thân
trực tiếp của tiền tệ chính là những sợi dây bện có nút thắt, khi chúng chỉ còn
chức năng đếm để định lượng mà không còn chức năng biểu thị thứ nguyên nữa (vì
sự hỗ trợ cho trí nhớ đã được chữ viết, hay ký hiệu viết, lúc này đã đủ “tư cách”
đảm nhiệm). Những sợi dây thắt nút ấy chắc rằng phải được cải tiến sao cho bền
chắc, sử dụng được lâu dài. Lúc đầu, khi ở chợ chỉ mới là trao đổi trực tiếp và
thuần túy, người ta mang sản phẩm dùng trao đổi ra cùng với những sợi dây ấy để
mà đếm, để mà “cộng, trừ”, nhất là đối với những số lượng trao đổi lớn hơn mười ngón tay. Chẳng hạn như
khi trao đổi lúa lấy cái gì đó thì người ta phải dùng một cái gì đó giống như “đấu”,
“lon” để mà “đong”. Một lần đong, người ta “lần” ra một nút và cứ thế vừa đong,
vừa “lần” như sau này các vị tu hành lần tràng hạt vậy.
Sự hiện hữu các sợi dây thắt nút một cách
thông dụng trong vai trò là “bàn tính” trên thị trường trao đổi có thể là không
lâu nhưng quan trọng. Chính hiện tượng ấy đã tạo nên một nghề chuyên làm những
sợi dây thắt nút sẵn để trao đổi. Những sợi dây đó phải được làm thế nào đó để
“bền”, đẹp, sắc sảo công phu hơn những sợi thắt nút tự làm thông thường để dễ bề
trao đổi, nghĩa là phải bện từ những vật liệu nào đó có chất lượng một cách tỷ
mỉ để tạo độ vừa dai, vừa chịu đựng được nắng mưa, vừa dễ làm sạch… nói chung là
vừa “bắt mắt” vừa có thể sử dụng được lâu dài. Tùy công sức bỏ ra để làm một sợi
dây có số nút thắt nhất định mà thị trường trao đổi chấp nhận rằng một sợi như
thế sẽ đổi được bao nhiêu “lon” lúa chẳng hạn. Vì thế mà những sợi dây thắt nút
sẵn ấy “kiêm nhiệm” luôn vai trò vật trung gian của sự trao đổi, nghĩa là mang
chức năng tiền tệ. Tiếp theo, khi chức năng đếm và “tính toán” của nó đã “lu mờ”
đi vì đã được đảm nhiệm bởi ngôn ngữ và chữ viết, thì chúng nghiễm nhiên trở thành
những “đồng tiền”. Khi đã trở thành tiền tệ thì dáng vẻ của chúng, vì “sự chế tạo”
ngày càng công phu hơn, tinh xảo hơn nên cũng trở nên đẹp đẽ hơn và quý giá hơn.
Thế hệ dây thắt nút sau đẹp và quí hơn thế
hệ trước nên cũng có giá trị cao hơn và như vậy những giá trị khác nhau của tiền
tệ xuất hiện. Vì đẹp và quí nên người ta cất kỹ một cách cẩn thận hoặc đeo vào
cổ, vào cổ tay, cổ chân cho “chắc ăn” hơn hoặc cũng có thể là để “khoe của”. Dần
dà, việc đeo lên người những vòng dây thắt nút đó trở thành sở thích của nhiều
người, trở nên phổ biến trong cộng đồng dân cư, trong xã hội. Việc đeo vòng vàng,
dây chuyền, chuỗi ngọc, hoa tai, hay tràng hạt mà ngày nay thường thấy là bắt
nguồn từ sự kiện đó. Ngày nay việc đeo những thứ ấy vẫn còn mang ý nghĩa y xì
như xưa: đồ để giành, tỏ rõ sự cao sang quyền quí, trang sức tôn vinh vẻ đẹp. Vì
thế, những thứ ấy càng “xịn”, càng đắt giá thì càng… tốt, đeo chúng càng cảm thấy
tự hào. Những ai không có khả năng đeo đồ thật thì đeo đồ giả giống như thật.
Ai nói đang đeo đồ thật mà bị phát hiện là đeo đồ giả thì thật là “ngượng chín
người”. Còn đám công khai đeo đồ giả thì… miễn bàn. Riêng đám chẳng bao giờ thấy
đeo gì cả thì khó mà hiểu được. Có lẽ lúc đó phải nhìn đến những thứ “đeo” có tính
ẩn dấu khác để suy xét như quần áo, mũ, giày, kiếng mắt, phương tiện đi lại, nơi
ăn chốn ở… Nếu tất cả những thứ đeo ẩn dấu ấy cũng không có nữa hoặc “giả” nốt
thì ôi thôi đích thực là đồ mạt hạng, nghèo kiết xác, không có miếng đất cắm dùi.
Thú thực, chúng ta chưa thấy ai đeo sợi dây thừng nhặt được đâu đó vào cổ để làm
đồ trang sức cả, trừ người điên.
Trong một xã hội “hừng hực” văn minh với
số lượng nhu cầu nhân tạo về tiêu dùng đã trở nên “vô kể”, người đời khốn khổ đã
quen đánh giá phẩm chất con người trên những giá trị vật chất ấy mà quên mất vẻ
đẹp thiên thần của những bộ não dung dị, thuần phác. Thậm chí còn quên luôn cả
lời nhắn nhủ của tiền bối:
“Khác
nhau cái áo cái quần
Cởi ra trần
truồng, ai cũng như ai”
Hay: “Làm cho lắm, tắm cũng ở truồng”
Những sợi
dây thắt nút đóng vai trò tiền bạc ấy nếu đúng là đã làm nảy sinh ra vòng vàng,
chuỗi ngọc để tôn vinh con người thì đồng thời nó cũng làm xuất hiện xích xiềng
để thóa mạ con người!
Chúng ta
chẳng thấy một người tỉnh táo nào lấy dây thừng làm đồ đeo trang sức, thì đồng
thời, chúng ta cũng chưa thấy ai đeo tiền bạc đúng nghĩa lên người để tỏ ra là
người giàu sang phú quý cả. Vì vậy, một cách hơi hồ đồ, chúng ta cho rằng những
sợi dây thắt nút “dùng” làm tiền tệ chưa phải là tiền tệ đích thực mà mới chỉ
là thứ tiền tệ còn “vướng víu”, chưa thoát được “cõi tục” và bộc lộ nhiều hạn
chế. Dù sao, với sự hiện diện của dây thắt nút, chúng ta “đành” tạm thừa nhận
rằng, đồng tiền xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới là ở vùng Đông Nam Á. Một
nền nông nghiệp tự cung tự cấp và trao đổi sản phẩm, đến một trình độ nhất định
đã tạo ra những điều kiện và khi những điều kiện đạt đến độ chín muồi thì tiền
tệ sẽ xuất hiện.
Từ khảo cổ học, chúng ta đoán định rằng “đồng
tiền” kế thừa “dây thắt nút” xuất hiện từ thời đồ đá và phải có nguồn gốc từ đá.
Đó là những vật phẩm mà sự làm ra chúng có tính công phu, đòi hỏi một kỹ thuật
tinh xảo nhất định. Những vật phẩm ấy, vì kế thừa từ những nút thắt nên chúng
phải có chức năng tương tự như nút dây, đồng thời khắc phục được những mặt còn
hạn chế của nó. Vật phẩm ấy rất có thể là những viên bi nhỏ làm bằng đá, có lỗ
xuyên qua để xỏ dây, đóng vai trò như những đơn vị tiền tệ, những đồng tiền thực
thụ; khi “mua” món gì có thể tháo số lượng viên bi có giá trị tương ứng ra khỏi
sợi dây và khi “bán” được cái gì đó, có thể xỏ những viên bi được người mua trả
vào lại sợi dây. Sợi dây lúc này chỉ còn như một phương tiện lưu trữ bi khỏi rơi
rớt trong khi mua bán hoặc cất giữ.
Những đồng tiền kiểu bi đá đó được sử dụng
đến khi xuất hiện đồ đồng, sắt… thì dần được thay thế bằng những miếng kim loại
(sắt, đồng và sau này chủ yếu là đồng vì tính chịu va đập, không sét, rỉ…, sau
nữa xuất hiện thêm vàng với đặc tính bền vững nhiệt, tính quí hiếm và màu sắc đẹp
đẽ, rạng rỡ và không “phai” theo thời gian của nó, nhưng chủ yếu vẫn là đồng) hình
tròn có đục lỗ giữa (để xâu xỏ).
Để minh chứng (yếu ớt thôi!) cho điều vừa
tưởng tượng, chúng ta sẽ trích ra đây thêm một đoạn từ cuốn “Lịch sử tư tưởng
Việt Nam”
của Tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá (NXB Thuận Hóa, 2006):
“Con người Việt Nam có mặt trên mảnh đất
này cách đây khoảng 50 vạn năm và đã trải qua các giai đoạn văn hóa từ Núi Đọ,
Thần Sa, Sơn Vi cho đến Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Quỳnh Văn, Thạch Lạc, Hạ
Long, Bàu Tró..v..v… Thuộc thời đại đồ đá, từ sơ kỳ đá cũ cho đến hậu kỳ đá mới.
Trong thời kỳ tiền sử, thông qua các loại hình công cụ tìm kiếm được của người
nguyên thủy, cho thấy ở tổ tiên người Việt Nam lúc bấy giờ đã xuất hiện lối tư
duy phân loại. Sự đa dạng của các loại hình công cụ do người xưa chế tạo (như mảnh
tướng, công cụ chặt thô, công cụ hình rìu, rìu đá, công cụ rìa lưỡi ngang, công
cụ rìa lưỡi dọc, công cụ rìa lưỡng xung quanh…) cho thấy chúng không chỉ nhằm
phù hợp với chức năng sử dụng, không chỉ là chỉ tiêu phát triển kỹ thuật, mà còn
nói lên trình độ tư duy của con người, tư duy phân loại. Trong nền văn hóa Hòa
Bình, cách ngày nay trên một vạn năm, người Việt Nam đã phát minh ra nông nghiệp
(bao gồm các hoạt động trồng rau, đậu, bầu, bí, khoai nước, củ từ, lúa nước…), điều
đó chứng tỏ họ đã có những nhận thức khá sâu sắc về thế giới tự nhiên, về qui
luật sinh trưởng của thực vật. Chính trong thời kỳ đá mới này, tư duy và quan
niệm của người Việt Nam
phát triển khá cao. Các hình thái về ý thức đã nảy sinh như quan niệm về sự tồn
tại của linh hồn, tư duy về tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng nông nghiệp, tư duy về
mỹ cảm, về hình học, về chữ viết, về số đếm, về thiên văn, về lịch pháp ..v..v…
Các loại hình nghệ thuật về hội họa và điêu khắc đã ra đời. Người ta đã biết vẽ
khắc trên đá và trên mặt đất sét, đã biết tô màu và vẽ màu trên đồ gốm. Qua các
hoa văn hình chữ S được vẽ lặp đi lặp lại xung quanh đồ đựng, biểu thị sự tuần
hoàn, sự chuyển động của thời gian, sự đắp đổi của mùa màng, thể hiện tư duy về
thời gian, về vũ trụ. Qua các hình khắc trên đồ gốm cho thấy ở họ đã nảy sinh ý
thưc về nhịp điệu và tính chất cân xứng. Với sự xuất hiện các công cụ đá có chuôi
tra cán hoặc có nấc để buộc cán cho thấy tư duy về logic đã nảy sinh. Với những
vòng chuỗi đá được khoan từ hai đầu cho thấy con người lúc bấy giờ đã có những ý
niệm chính xác về đường tròn, về chuyển động quay..v..v…
Sang thời kỳ sơ sử, với các văn hóa Phùng
Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn, thuộc thời đại Kim Khí, cho thấy tư duy
nhận thức ở con người Việt Nam
đã phát triển khá cao. Qua các tượng gà và tượng bò tìm được, cho thấy người ta
đã quan sát thế giới bên ngoài một cách tinh tế và đã tái hiện chúng bằng một bàn
tay hết sức khéo léo, vững vàng. Cảm xúc về cái đẹp của họ đã thể hiện trên đồ
trang sức, đồ gốm và cả trên những công cụ đá. Nhiều công cụ của họ được mài nhẵn
bóng, cân xứng và rất tinh xảo. Phần lớn những vòng trang sức, những hạt chuỗi
của họ đều được làm bằng ngọc néphirite, có màu xanh biếc hay trắng muốt, được
khoan tiện tinh vi, với nhiều kiểu dáng khác nhau phong phú”.
Bàn tay con người dù khéo léo nhưng không
thể vừa “cày sâu cuốc bẫm” để làm nông nghiệp, vừa đẽo tạc, tạo hình ra những vật
phẩm cực kỳ tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao đó được. Làm ra được những vật dụng
“tuyệt hảo” có hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ, những đồ trang sức đẹp một cách sắc sảo,
cầu kỳ, thể hiện cả một công phu mài dũa khắc chạm…, chỉ có thể là những bàn
tay “chuyên nghiệp” đã từng qua một thời gian dài học hỏi, rèn luyện và đã trở
nên lành nghề, lão luyện. Những người có đôi bàn tay như vậy là những người trước
đó đã chọn cái công việc vừa rất khó vừa cực nhọc này làm nghề để mưu sinh và họ
chọn nghề này có thể là do hoàn cảnh, do ý thích hoặc đơn giản chỉ là vì có
“thu nhập” khá, dễ sống hơn nghề làm ruộng. Không phải ai muốn cũng làm được cái
nghề đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì rất cao đó. Rõ ràng là sự phân công lao động
xã hội, sự xuất hiện những ngành nghề không trực tiếp cũng như hoàn toàn không
liên quan gì đến sản xuất nông nghiệp, đã xảy ra từ rất sớm, từ thời đồ đá mới
trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng và có thể là trên khu vực Đông Nam Á nói
chung. Sự xuất hiện những nhóm người sinh sống bằng những nghề thoát ly khỏi công
việc trực tiếp làm ra lương thực, thức ăn đã mách bảo về một thời thịnh vượng,
sung túc.
Những đoạn dây thắt nút, những hạt đá được
xâu chuỗi, những hạt ngọc xanh biếc hay trắng muốt được khoan xuyên qua tâm đã
là những gợi ý cho chúng ta dựng được một “truyền thuyết” về nơi phát sinh và
nguồn gốc của tiền tệ; của những vòng trang sức được ưa chuộng đến tận ngày
nay; về sự tham lam thèm muốn ngọc ngà châu báu của con người (những thứ không
thể ăn, mặc được nhưng có thể làm no lòng, ấm lòng, yên lòng được).
Chúng còn gợi nhớ về một cái gì đó nữa rất
quen thuộc, đã từng thấy và thấy nhiều lần ở đâu đó trong dĩ vãng xa xôi. Cái gì
nhỉ? Các nút dây, hạt đá có lỗ để xâu chuỗi, chuỗi ngọc. Những chuỗi ngọc… dĩ vãng
xa xôi… ở đâu nhỉ? Chúng ta cố lần lại từng sự kiện ngược về quá khứ và… đây rồi,
đúng rồi, ở vào thời dĩ vãng xa xăm đến tận, ước lượng thôi, khoảng… vài ba tiếng
đồng hồ (trong tâm tưởng, tương đương với khoảng hơn cả chục, cũng có thể là gần
hai chục thiên niên kỉ (“chục năm” thôi!)), chúng ta đã thấy cái hình hài của
chúng trong pho sách Lạc Thư, mà chúng ta gọi là những hàng bi được gạch nối với
nhau.
Cái tính “vui đâu chầu đấy” của người cha
đã di truyền sang người con! Đang vui thú chưa hết với Hà Đồ - Lạc Thư, thấy
Kant, mê quá, bỏ đi theo Kant chơi; đang “chòng ghẹo” Kant, Kant chưa kịp mắng
cho, đã ù bỏ theo ánh hào quang của sợi dây thắt nút và nhờ có sợi dây thắt nút
và chuỗi ngọc đá, sự hồi ức, mà chúng ta trở về lại với Hà Đồ - Lạc Thư. Niềm
vui thú cũ trỗi dậy cùng với những phấn khích mới. Âu cũng là nhân duyên chưa dứt
đường trần!
Ngày xưa, chúng ta phán đoán những gạch nối
nhau của các chấm tròn là vết tích còn lưu lại của rãnh bàn tính. Nhưng bây giờ
thì e rằng không phải như vậy mà là sự tái hiện của hình sợi dây có thắt những
nút hoặc sợi dây xâu chuỗi và những viên bi đá.
Rất nhiều điều về Hà Đồ - Lạc Thư còn chất
chứa trong cõi lòng nặng như đeo đá tảng (chứ không phải đeo ngọc!). Chắc rằng
phải quay lại nói “vung thiên địa” một lần nữa cho thỏa chí tang bồng rồi ra
sao thì ra.
Tuy nhiên vì đã nặng tình nặng nghĩa với
sợi dây thắt nút; cũng vì muốn cảm cái ơn đã làm cho cha chúng ta có sáng kiến
bẻ que để đếm xe ra tiền tuyến của những đoàn xe qua binh trạm trên dãy Trường
Sơn hùng vĩ (đã là con đê thiên nhiên của một lần biển tiến và là con đường mòn
huyền thoại với biết bao điều kỳ thú kiểu “bẻ que” mà chưa ai sưu tầm được hết),
cũng như đã làm cho chúng ta nảy ra ý thức tìm cho ra cái vóc dáng đích thực của
nguồn gốc tổ tiên để mà cảm khái, nên trước khi ra đi, chúng ta sẽ kể câu chuyện
về “một hậu duệ” phi thường của nó, như một lời từ biệt.
***
Câu chuyện mà chúng ta sắp kể là của Quách
Vĩnh Kiệt (tác giả). Chúng ta nghe được từ Hà Sơn - Đại An (dịch giả) trong một
lần tốn tiền mua cuốn “Bí ẩn về lịch sử nhân loại” (NXB Hà Nội, 2004).
Câu chuyện thế này:
“Năm 1957, khi khám phá ra một vùng đất mà
ngày nay là bờ biển phía nam Êcuado, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện ra
đất nước của người Inca (một nước cổ đại ở Pêru), vùng giáp giới phía bắc giữa Êcuado
và Côlômbia. Người ở vị trí cao nhất của đất nước này là Thần Mặt Trời. Các nơi
đều có đường và hệ thống kênh tưới nước, dân số đông, chia làm nhiều bộ tộc.
Trong nước có rất nhiều hoạt động, do một số cơ quan hành chính phụ trách. Thành
phố Kuse là thủ đô. Người Tây Ban Nha được chứng kiến những công trình kiến trúc
của người Inca không thua kém những công trình đẹp nhất của châu Âu. Nhưng điều
khiến cho những người Tây Ban Nha nhạc nhiên là, người Inca không biết đọc, cũng
chẳng biết viết. Họ không có chữ viết lại không có sách nào có hệ thống chữ số,
thậm chí chữ tượng hình cũng không có.
Sau một thời gian tìm hiểu, những nhà thám
hiểm Tây Ban Nha phát hiện ra vị Hoàng đế Inca đã có tất cả mọi tài liệu trong
tay. Nếu như nhà vua cần quan tâm đến thân phận và tuổi tác của mỗi thần dân,
việc cung cấp lương thực, địa điểm và các hạng mục đóng quân của quân đội, tài
sản vàng bạc và các hạng mục khác, hay sự thực lịch sử và pháp luật gần đây như
thế nào thì người ta đã có đầy đủ mọi thông tin. Không có chữ viết, hơn thế nữa,
trên cả nước từ trước đến nay xảy ra rất nhiều sự việc phức tạp, làm thế nào có
thể biên soạn và ghi lại được? Những sự việc này đều dùng phương pháp bện thừng
để ghi lại vô cùng chính xác. Có người sau khi hiểu được sự việc kỳ lạ này đã
ghi lại như sau: “Thậm chí ngay cả một đôi giày, họ cũng không thể bỏ quên”.
Người Inca hoàn toàn dựa vào chữ viết nút
dây thừng. Mỗi dây thừng dài ít nhất 30cm, buộc lại thành đoạn dài ngắn, màu sắc
khác nhau. Trên dây thừng lại có liên hệ với các đoạn dây khác. Người Inca sử dụng
những sợi dây thừng lớn nhỏ khác nhau, hợp lại thành dây có đủ màu sắc. Như vậy,
có thể ghi lại chính xác, tỉ mỉ những sự việc phức tạp đa dạng mà không mắc sai
sót.
Người Inca có thể tính được thu hoạch mùa
màng cuối năm, thống kê được lượng lông cừu cho đến quân bị sản xuất mỗi năm của
các nơi trên cả nước, hoàn toàn dựa vào cách ghi lại bằng số dây thừng.
Nói như vậy, người Inca có thư viện dây
thừng. Hơn nữa, họ còn phải bổ nhiệm người chuyên trách quản lý. Vì tính năng đặc
biệt của những sợi dây thừng mà cần phải có người bảo quản, và nó được rất nhiều
người tôn trọng. Nhà nước quân chủ cũng miễn cho họ nghĩa vụ, không phải nộp
thuế và đi quân dịch như những người khác. Những người đàn ông của xã hội thượng
lưu Inca được giáo dục làm thế nào để đọc và viết được thứ chữ viết ràng buộc đó.
Mỗi thôn xóm có ít nhất ba người được chọn làm nhân viên quản lý việc bện thừng,
họ thường ghi lại như vậy để trao đổi kinh nghiệm, bảo đảm chắc chắn những sự
việc sẽ được ghi lại theo đúng qui định. Những người này có nhiệm vụ: một người
chuyên ghi lại vụ thu hoạch hạt ngũ cốc, một người khác chuyên thống kê số dân,
người thứ ba quản lý các thiết bị quân đội. Cách ghi kiểu bện thừng còn ghi được
cả những sự việc không liên quan đến con số, số lượng như những việc về quản lý
các mặt trong cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đối với việc ghi lại những hạng
mục khó khăn hơn như lịch sử, truyền thuyết hay pháp luật, cần đến những người
có trí nhớ cực tốt mới có thể đảm nhận được. Đề cương khái quát của những việc
này hoàn toàn áp dụng phương thức truyền miệng qua các thế hệ, nhưng những tình
tiết có liên quan lại phải dựa vào bện thừng để bổ sung thiếu sót. Dùng những cách
bện khác nhau, màu sắc và vị trí khác nhau, còn có thể ghi lại chi tiết về thời
gian, địa điểm… đã xảy ra sự kiện.
Tháng 5 năm 1532, một đội quân xâm lược Tây
Ban Nha đã đổ bộ vào Inca. Quân do thám Inca đã dùng chữ viết nút dây thừng để
báo cho vua biết. Hoàng đế vừa nhìn thấy dây thừng đã biết tổng cộng quân xâm lược
có bao nhiêu người, mang theo vũ khí gì. Sự thất bại của quân đội Inca không phải
vì họ không có tinh thần chiến đấu, mà vì một lý do kỳ lạ. Người Inca chưa bao
giờ nhìn thấy ngựa, cho rằng ngựa chỉ là một loài quái vật. Vì vậy quân Tây Ban
Nha cưỡi ngựa xông vào đội quân Inca như vào chỗ không người.
Sau khi người Tây Ban Nha chinh phục, đế
quốc Inca, đã đưa chữ viết của họ vào. Vì vậy, một phần lớn chữ viết nút dây thừng
đã bị chôn vùi. Người chủ mới của mảnh đất này do không muốn tìm hiểu bí mật của
những sợi dây thừng nên tất cả những tài liệu có liên quan đến đế quốc Inca và
người Inca đã hoàn toàn không còn nữa. Ngày nay, cách ghi chép bằng nút dây thừng
mà chúng ta nhìn thấy, phần lớn đều được sưu tầm lại trong viện bảo tàng. Tuy
nhiên, khắp nơi trên đất nước Êcuado, Pêru và Bôlivia ngày nay, đây đó vẫn còn
có người ghi chép bằng chữ viết dây thừng thắt nút thời cổ. Chẳng hạn, con cháu
người Inca cổ đến bây giờ vẫn dùng cách thắt nút và tháo nút sợi thừng để tính
số cừu.
Những người dân Inca thời kỳ đầu ở phía đông
- tây của dãy núi Andes của nước Pêru ngày
nay, chủ yếu là làm nông nghiệp. Lãnh thổ ban đầu của họ chỉ trong phạm vi vùng
núi Kusec. Đến thế kỷ XIII và XIV, trải qua chiến tranh lâu dài, người Inca dần
dần mở rộng lãnh thổ, nhưng phải đến thế kỷ XV, nhờ tài mưu lược của vua Topa,
người Inca mới trở thành dân tộc có thế lực mạnh nhất vùng núi Andes. Từ năm
1439 đến năm 1489, diện tích lãnh thổ Inca đã mở rộng tới 70 vạn km2,
bao gồm: núi, cao nguyên, đồng bằng, duyên hải, rừng và hoang mạc. Đất nước
Inca có hơn 100 bộ tộc, tổng cộng có 20 loại ngôn ngữ.
Sự tồn tại của đế chế Inca cũng chẳng được
bao lâu. Năm 1532, đất nước Inca bị quân xâm lược Tây Ban Nha chiếm đóng. Cuộc
sống của những người Inca bị mất tự do, chịu cảnh nô lệ. Họ làm việc cho những ông
chủ người Tây Ban Nha ở những đồn điền, trang trại rộng lớn, ở những mỏ vàng. Sự
thống trị của người Tây Ban Nha, cùng với sự phát triển của văn hóa ngoại lai đã
làm cho văn hóa và nhất là chữ viết buộc nút dây thừng của người Inca lu mờ dần
và đi vào quên lãng. Thứ chữ viết kỳ lạ, có một không hai đó đã trở thành một bí
ẩn mà các nhà nghiên cứu ngày nay không thể nào giải thích được.”
Qua câu chuyện vừa kể chúng ta có cảm giác
gì không?
Trước khi có chữ viết dây thừng thắt nút
phải có “chữ cái” là dây thừng thắt nút, trước khi có dây thừng thắt nút phải có
dây thừng, trước khi có dây thừng phải có dây được con người làm ra nhưng không
phải được bện như dây thừng, trước khi có dây đó phải có dây được “tước” ra từ
thiên nhiên, trước khi “tước” dây từ thiên nhiên, con người phải có “ý đồ” thắt
nút. Ý đồ thắt nút nảy sinh do đâu nếu không phải là tìm cách biểu thị những vạch
vẽ, những viên sỏi đá, những ngón tay hoặc những đốt tay để lưu nhớ sự đếm, những
số lượng đã đếm cũng như để “tính toán”, định lượng?
Để có ý đồ đó, con người không phải tự dưng
nảy ra biểu tượng từ hư vô mà phải từ sự quan sát thiên nhiên và tìm cách bắt
chước hình mẫu có sẵn trong thiên nhiên. Loài người có thể sáng tạo ra bất cứ
thứ gì, kể cả hư vô, nhưng buộc phải trên cơ sở của Tồn Tại, từ Tồn Tại và luôn
thuộc về Tồn Tại. Dù sau này sự thông tin liên lạc của con người có được sáng tạo
ra đạt đến mức tối ưu mấy đi chăng nữa thì cũng đến độ “thần giao cách cảm” là
cùng và vẫn không thể nào “thoát” được nguyên lý tác động - phản ứng. Dù con người
có thiền tu đến trạng thái cao cả mấy đi chăng nữa thì cũng chỉ đạt đến trạng
thái gọi là linh giác (còn muốn có được linh tri thì trước khi tu phải có sẵn một
kiến thức thượng thừa!) mà đôi khi, thi thoảng người thường cũng có, nhưng không
bao giờ có thể vượt thoát được khái niệm. Muốn vượt thoát khái niệm, con người
phải ngất, ngủ say hoặc chết đi, tạm thời hoặc vĩnh viễn không làm người (thức)
nữa. Con người khi vượt thoát khỏi khái niệm thì đồng thời chết ngộp ngay trong
vô thức, thứ mà ở thế giới loài vật nhiều không kể xiết!
Vậy thì cái hình mẫu trong thiên nhiên của
sợi dây thắt nút là cái gì, ở đâu? Sự giả định dây thắt nút ra đời tại khu vực Đông
Nam Á vào thời tối cổ đã đưa linh hồn chúng ta về nền nông nghiệp thuộc hàng sớm
nhất của thế giới, nền nông nghiệp lúa nước Hòa Bình. Thiên nhiên thời tối cổ ở
đó có những gì? Có đất, trời, núi, rừng, sông, biển. Hẳn rồi, nhưng ở đâu mà chả
có những thứ ấy. Có chim muông, thú rừng, tôm cá, con người. Cũng thế thôi! Có
làng xóm, ruộng đồng… A! Hay là cây lúa nước? Hình dáng cây lúa nước may ra chỉ
gợi nên được sự thướt tha, dịu dàng của người… con gái thôi! Hay là con trăn,
con rắn? Đuồn đuỗn như thế thì chỉ gợi ra được sợi dây chứ không phải là dây đã
thắt nút. Đúng rồi, cây mía chứ gì? Rất có thể là “nó” đấy, nhưng ngờ rằng thời
đó chưa ai biết cây mía vì chưa biết “nhai” mía là ngọt… Thôi rồi, “nó” đây rồi!
Thật là có mắt như mù! Cái hình mẫu trong thiên nhiên làm xuất hiện ý đồ để tạo
ra dây thắt nút đó là cái vô cùng gần gũi, vô cùng tầm thường và hoàn toàn “dân
dã”. Ở đồng bằng Bắc Bộ có làng xóm nào mà vắng bóng cây tre không? Vâng, đúng
là thân cây tre với những đốt của nó đã là xuất phát điểm cho việc dùng dây thắt
nút (mía phải chăng là hậu duệ đã thoái hóa hoặc đúng hơn là đã tiến hóa thích
nghi theo hướng khác của tre?).
Chỉ cách đây không lâu thôi, thậm chí là
ngay lúc này, ở Việt Nam,
nói đến nền nông nghiệp, nói đến xóm làng, nói đến đời sống nông thôn mà thiếu
mất hình bóng cây tre, lũy tre thì chẳng hiểu sẽ ra “cái giống gì”. Không thể hình
dung nổi làng quê Việt Nam mà thiếu cây tre, cây trúc. Nếu có thể lấy chữ S làm
biểu tượng của đất nước Việt Nam và hình chữ S ấy chính là đường phân định lưỡng
nghi của một thái cực là Đông Dương thì cũng có thể lấy cây tre làm biểu tượng
của dân tộc Việt Nam: xuề xòa, dễ dãi, dẻo dai chịu đựng mà cũng đanh chắc thành
đồng. Ngày xưa, đời sống nông thôn Việt Nam chủ yếu đựa vào tre nứa. Từ cái
rổ cái rá, nong, nia, bồ, sọt… đến giường, chõng, nhà cửa… đều hầu như làm bằng
tre nứa. Hỗ trợ đắc lực cho việc săn bắt, hái lượm, chăn nuôi là những thứ như
bẫy, lờ, hom, chụp, te, vó… hay cây khoèo, cái thang, phên, liếp, lồng, bu, chuồng…
và những thứ đó đa số đều bằng tre nứa. Thời chưa có điện, mùa hè oi bức mà không
có cái quạt nan thì “oải” vô cùng. Sản xuất nông nghiệp mới cách đây chừng 50 năm
thôi mà thiếu những thuyền thúng, thuyền nan, “cầu tre lắt lẻo” và nhất là những
gàu sòng, gàu dai, quang gánh, thúng mủng… thì không biết là ra “hồn vía, ngô
khoai, cơm cháo” gì. Tất cả chúng đều từ tre nứa mà ra cả. Thậm chí đến cái dùng
để buộc (lạt) cũng được “chẻ” từ đó ra. Chúng ta là thế hệ còn may mắn được có
một tuổi thơ mê mẩn với cần câu trúc, cây sáo trúc và cánh diều… Thế hệ mai sau
có lẽ cũng đôi khi còn “táy máy” những thứ ấy nhưng không phải giữa đất trời miền
quê lồng lộng mà trên… máy vi tính.
Tre gắn liền với đời sống trong hòa bình
và khi có giặc ngoại xâm, tre cũng “kề vai sát cánh” với cả dân tộc vùng lên
chiến đấu. Nhờ có lũy tre mà mỗi làng mỗi xóm trở thành chiến lũy kiên cố. Phù Đổng
Thiên Vương đã dùng tre làm vũ khí để đánh tan giặc Ân. Tầm vông vạt nhọn đã đối
đầu với súng ngắn, súng dài, súng to, súng nhỏ của thực dân Pháp trong thời kỳ đầu
Nam Bộ kháng chiến. Tre đã thành hầm chông, bẫy lao giết giặc trong đấu tranh
chống đế quốc Mỹ.
Cây tre còn đi vào Cổ tích Việt Nam với câu
chuyện “Cây tre trăm đốt” có câu thần chú “Khắc nhập, khắc xuất” đến là lạ kỳ.
Người Việt Nam có một tập tục tuyệt vời là thờ
cúng ông bà, tổ tiên, tưởng nhớ công lao của quá khứ. Chúng ta một khi còn cầm đôi
đũa để ăn cơm thì còn phải biết nhớ về công lao to lớn của cây lúa nước và tre
nứa (măng, vầu, trúc, vông…).
Đôi đũa ơi, bạn ra đời từ ý tưởng nào mà
cứ khơi gợi về một thời quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp để từ đó mà có khái niệm
âm dương, lưỡng nghi?
***
Như chúng ta đã “qui chụp”, Hà Đồ - Lạc
Thư chỉ là hai trang sách làm nên quyển sách “vừa toán vừa triết học” của người
Lạc Việt. Nhưng để tiếp tục bàn luận, chúng ta vẫn dùng hai tên gọi thông dụng
ngày nay để chỉ hai hình tượng ấy, cho “thuận miệng”, dễ dàng hơn. Chúng ta vẽ
lại hai hình tượng đó ở hình 27 và tìm cách luận xem làm thế nào mà từ Hà Đồ
suy ra Lạc Thư được.
Hình 27 : Hà Đồ
- Lạc Thư “chôm” được của NTT
Tại sao lần này, ngoài chấm tròn trắng ra
còn có cả chấm tròn đen? Tất nhiên là phải có lý do. Nhưng chúng ta sẽ nói ra
sau. Còn bây giờ chúng ta nên cố gắng chú tâm vào việc bịa đặt một câu chuyện
sao cho bùi tai, làm những ai nhẹ dạ sẽ phải tin đến… sái cổ.
Một, hai, …, ba, cuộc “bốc phét” bắt đầu:
Xưa kia, lúc đầu chưa có Lạc Thư mà chỉ có
hình tượng Hà Đồ. Hà Đồ là biểu tượng của cách sắp xếp các sợi dây thắt nút có
số lượng nút từ 1 đến 9 theo một trật tự được qui định, là sự lưu nhớ qui tắc cộng
thêm hay trừ bớt các số lượng một cách trực quan, nhờ các sợi dây thắt nút ấy.
Nói khác đi, Hà Đồ là “bảng cửu chương” về phép đếm và cộng - trừ nhờ vào các sợi
dây thắt nút, mà cơ sở nguyên khai của nó là mười đầu ngón tay. Như vậy, công dụng
ban đầu của Hà Đồ chỉ có thể là thuần túy “toán học”, lưu nhớ qui tắc tính đếm
và có thể còn được dùng vào việc “dạy toán”.
Qui tắc tính đếm ấy được rút ra từ thực
tiễn khách quan, từ trực giác hiển nhiên nên hoàn toàn hợp lý và đóng vai trò
như một tiên đề (một cộng hai chắc chắn phải bằng ba, còn tại sao như thế thì
chịu, không chứng minh được!). Mười nút mà phân ra ba nút, “quăng” sang phía bên
kia (qua nhóm trung tâm) thì số nút còn lại là bảy.
Cũng từ quan sát thực tiễn thiên nhiên và
những biểu hiện trong đời sống mà người xưa nảy ra ý niệm về lưỡng phân lưỡng hợp.
Việc tính đếm bằng mười ngón tay của hai bàn tay đã không hẹn mà nên, “cụ thể hóa”
được cái ý niệm còn mơ mơ hồ hồ kia. Một ông “thánh triết” nào đó của thời “bấy
giờ” (có khi là nhiều ông cũng nên?), thấy cách sắp xếp các sợi dây thắt nút hợp
lý một cách hiển nhiên, không những thế, còn thấy cái hiển hiện tính lưỡng phân
lưỡng hợp nữa, bèn “ngộ” ra được, lấy nó làm cứu cánh để “trình bày” ý niệm lưỡng
phân lưỡng hợp một cách xác đáng, thành “văn” và cũng lấy đó như là một minh chứng
hùng hồn của một nguyên lý.
Với một vài điều chỉnh cho phù hợp hơn và
cũng không đáng kể của “triết học”, “công trình toán học” Hà Đồ đã có thêm chức
năng là “công trình triết học” để giải thích tự nhiên. Có thể người xưa đã lý
giải rằng sự kết hợp và biến hóa của mười ngón tay ra được những biểu tượng như
vậy là nhờ phải tuân theo nguyên lý lưỡng phân lưỡng hợp của trời đất, do đó nó
cũng mô tả được bản tính của thiên nhiên. Con người có hai bàn tay được phân ra
hai bên thân thể là tại tính lưỡng phân. Lưỡng phân nhưng không thể rời nhau được
cho nên cũng chính là lưỡng hợp. Thế giới phân ra thành trời thành đất nhưng chúng
không bao giờ “bỏ” nhau được. Con người phân ra đực - cái vì không thể chỉ có đàn
bà mà không có đàn ông và ngược lại. Phân ly để mà kết hợp mới thành ra biến hóa.
Hai bàn tay năm ngón kết hợp lại thành 10 ngón tay. Mười ngón tay biến hóa mà
thành ra những cặp lưỡng phân 1-9, 2-8, 3-7, 4-6, 5-5. Lưỡng phân một cách biến
hóa ra nhiều trạng thái như thế nhưng hợp lại vẫn luôn là 10 ngón tay. Sự lưỡng
phân ra thành hai vế qua trung tâm đã đòi hỏi phải phân biệt được hai vế ấy và
cũng có nghĩa là phải đặt tên cho chúng, chẳng hạn như vế trên - vế dưới, vế trái
- vế phải. Nhưng trong tự nhiên, sự lưỡng phân ra hai vế không phải bao giờ cũng
gọi được tên như thế. Không thể gọi hai vế lưỡng phân nóng - lạnh thành vế phải
- vế trái được. Rốt cuộc phải dẫn đến việc sinh ra một tên chung hay cách gọi
chung cho từng vế của lưỡng phân. Nếu là chúng ta thì chúng ta sẽ đặt là vế A -
vế B, khi gọi vế này là vế A, thì vế kia là vế B. Nhưng người Trung Hoa xưa không
thích thế, vì một lý do thuần túy kỹ thuật nào đó, hoặc vì một ý nghĩa nào đó,
họ đã gọi hai vế đó là hai “nghi”; và lưỡng phân là phân ra lưỡng nghi. Phân định
lưỡng nghi là phân ra làm đôi nhưng không tách rời mà vẫn nằm trong mối quan hệ
thống nhất, chuyển hóa nhau. Lưỡng nghi 5-5 chuyển hóa sẽ biến đổi thành một
trong số các lưỡng nghi còn lại. Nếu bắt đầu từ lưỡng nghi 1-9 thì sự chuyển hóa
dần dần sẽ biến đổi lần lượt qua các lưỡng nghi còn lại theo thứ tự là 2-8,
3-7, 4-6, 5-5, 6-4… và quay lại trạng thái ban đầu là 1-9. Sự chuyển hóa biến đổi
từ từ và có tính chu kỳ ấy rõ ràng đã mô tả được sự vận hành có tính xoay vần của
thiên nhiên. Để phân biệt hai nghi trong một lưỡng nghi, người xưa đã đặt cho
chúng hai cái tên “chết” đến tận bây giờ là “âm” và “dương” với qui ước dương
mang tính trội như: nóng, ồn ào, đàn ông… và âm mang tính lặn như: lạnh, im ắng,
đàn bà…
Vì vốn dĩ “toán học” là người sắp xếp Hà Đồ
trước để phục vụ cho mục đích lưu nhớ sự tính đếm, nên trước sự “đã rồi” và cũng
không thể xếp hợp lý hơn nữa, “triết học” đành đánh dấu nhằm phân biệt các hệ lưỡng
nghi với nhau bằng cách bôi màu mà chúng ta thể hiện thành chấm trắng, chấm đen
(xem hình 27) theo qui tắc những sợi dây có số nút chẵn hoặc lẻ là đồng màu với
nhau.
Nhiều người cho rằng người cổ đại qui định
chẵn là âm và lẻ là dương (hoặc ngược lại). Chúng ta không đồng thuận vì thấy
như thế sẽ chẳng làm cho Hà Đồ có thêm một ý nghĩa nào mà còn làm cho nó trở nên
hẹp hòi (dù rằng đặt ra như vậy cũng không sai!).
Qui luật toán học và quan niệm lưỡng nghi
về thế giới của triết học cổ đại phương Đông đã gặp nhau và hòa quyện lại thành
một Hà Đồ. Đó là sự kết hợp tài tình nhất mà chúng ta từng biết. Tuy nhiên, chúng
ta tin rằng có được như vậy chính là nhờ vào sự mách bảo thầm kín của nguyên lý
tương tự của Tự Nhiên: trong triết học và toán học đều bộc lộ những tính chất
chung nhất của Tự Nhiên Tồn Tại; vì thế mà trong triết học có bóng dáng của toán
học và trong toán học có hơi hám của triết học. (Rất may là bàn tay có đúng năm
ngón! Nếu khác đi thì có thể sẽ rất “chua chát”cho sự ngụy biện nãy giờ. Hãy đừng
để cho bất cứ ai biết rằng chúng ta đang bị “vướng” vào chuyện này nhé! Lạy chúa
tôi! Nhưng bàn tay năm ngón là một tất yếu hay vô tình? Đã từ lâu, câu hỏi này đã
ám ảnh làm chúng ta vô cùng nhức đầu. Vì không có cách nào trả lời được nên đôi
khi chúng ta ngờ rằng có Thượng Đế thật và Vũ Trụ này là Vũ Trụ vị nhân. Thôi,
thôi, “ỉm” ngay cái trái đắng này đi!).
Dù sao thì toán học và triết học cũng không
thể là một được, chúng vẫn có những đặc thù. Vì thế, dù hòa quyện nhau ở Hà Đồ,
chúng không tiếp tục phát triển trên chung một con đường được. Toán học lại đi
theo cách của mình và xuất hiện bàn tính. Triết học tiếp tục ở lại “vận dụng” một
hồi nữa để rồi làm xuất hiện Lạc Thư.
Âm - dương, nói ra, gọi ra thì dễ rồi. Còn
viết ra? Không sớm thì muộn, người ta cũng phải tìm cách ký hiệu bằng vạch vẽ
ra khái niệm âm - dương, vì nếu không sẽ không thể lưu giữ truyền bá qua con đường
dạy và học được. Ngôn ngữ và chữ viết đích thực, lúc ban đầu, đều hình thành nên,
bắt đầu từ sự vạch vẽ sơ khai. Sự gọi tên, sự viết tên các sự vật hiện tượng
trong thiên nhiên chủ yếu phải thông qua sự vạch vẽ. Ngày nay sự thể đã khác nhưng
người ta vẫn thường làm như thế; cốt lõi thì cũng vẫn như thế!
Vậy thì âm - dương được ký hiệu bằng vạch
vẽ như thế nào? Chắc rằng, loanh quanh từ quan sát Hà Đồ, hay từ ngay chính hình
tượng của sợi dây thắt nút mà ra. Khi chữ viết còn “yếu”, chưa phát triển thì vạch
vẽ đóng vai trò chủ yếu để lưu giữ thông tin. Ký hiệu đầu tiên của khái niệm âm
dương có thể là:
Nhưng dây có nút, một khi không có nút, và
để thể hiện sự “biến mất” của nó, người ta phải ký hiệu:
. Vì dây không có nút được ký hiệu lại như thế
nên dây có nút (
), có tính nổi trội nên được đặt là
dương. Sau này vì có ký hiệu
cho dây
không có nút nên dây có nút được vạch lại như một vạch liền cho dễ. Do đó có sự
chỉnh sửa:
Tiếp theo, Hà Đồ với cách xắp hình vuông
như ở hình 27 (mà chúng ta cho rằng hồn nhiên nhất, phù hợp với “toán học” mà cũng
thỏa mãn với “triết học” nhất), đã gợi ý ra khái niệm tứ tượng. Tứ tượng chính
là bốn trạng thái biến hóa của 10 ngón tay, là bốn phương chiều trên mặt phẳng,
là bốn thể của một nghi (trong các thể của lưỡng nghi có được từ vận động 10 ngón
tay), và bốn vị trí của nó trong Hà Đồ. Một nghi biến chuyển lực lượng từ “ít” đến
“nhiều” qua bốn trạng thái mà nếu biểu diễn theo hai vạch âm - dương sẽ là:
Và đó cũng chính là ký hiệu của tứ tượng
Bốn trạng thái ấy thể hiện trong Hà Đồ trên
bốn vị trí ở những phía khác nhau và đối ứng nhau qua nhóm trung tâm. Vì vậy mà
hình thành nên ý niệm về Tam Tài rồi phát triển lên ý niệm Ngũ Hành. Không có
trung tâm thì không có bốn phương vị, chỉ có thể xác định được bốn phương vị một
khi có vị trí trung tâm hay có thể nói tượng trung tâm là linh hồn của tứ tượng,
và Hà Đồ là một thực thể gồm năm bộ phận hợp thành. Năm bộ phận ấy lập nên những
mối quan hệ lưỡng nghi tạo sự biến chuyển nội tại của Hà Đồ nên gọi là Ngũ Hành;
Xét về mặt thể trạng thì gọi Ngũ Thể. Ở góc độ phương vị thì có thể gọi chúng là
Ngũ Tượng, nhưng gọi thế không nhấn mạnh được tầm quan trọng quyết định của tượng
trung tâm nên gọi phân ra thành Tứ Tượng và Căn (gốc, cực, hay có thể suy diễn
ra từ tính ở giữa không thế này mà cũng không thế kia, vừa thế này mà cũng vừa
thế kia, vừa hoàn toàn xác định vừa vô định, mà gọi là Vô Cực).
Ban đầu là ý niệm về lưỡng phân lưỡng hợp.
Ý niệm ấy đã thấy được cứu cánh của mình là “bảng cửu chương” Hà Đồ và nhờ thế
mà ý niệm ấy đã hồ hởi bay như diều gặp gió lên tầm cao là quan niệm âm dương, lưỡng
nghi, tam tài, tứ tượng. Đến đây, quan niệm về thiên nhiên vũ trụ phân thành
hai hướng: hướng “thủ cựu”, “kinh viện” tiến đến quan niệm Bát Quái; hướng “thực
tế” hơn, thấy rằng muốn phù hợp với trực quan thì không thể không nói đến cái
trung tâm, cái nền tảng được, tiến đến quan niệm Ngũ Hành.
Cũng hoàn toàn trực quan, từ kinh nghiệm
quan sát và hoạt động trong thực tiễn mà người xưa thấy rằng tất cả mọi sự vật thấy được ở xung quanh đều có mối
liên hệ nào đó với đất và đất như là một cái nôi, một nền tảng dinh dưỡng: không
có mặt đất rõ ràng là cũng không thể có vạn vật, núi non, cây cối, thú vật, con
người không thể đứng được; sông ngòi, ao hồ, biển cả không thành hình được. Cây
cối mọc lên từ đất khi héo tàn đi thì lại biến thành đất, thú vật, con người cũng
vậy, sống gắn liền với đất và chết lại về với đất. Nước, lửa, thú vật, nói
chung là mọi thứ, đều tiềm tàng có trong đất. Thậm chí núi cũng mọc ra từ đất rồi
lở mòn hòa vào với đất. Về mặt phương chiều thì trên mặt đất có thể xác định được
bốn phương nhưng trước hết phải chọn một cái gì đó trên mặt đất làm mốc (gốc cây,
hòn núi, vị trí dùng để định hướng…)
Vậy thì “hành” thứ nhất (hay thể thứ nhất),
cơ bản, nền tảng phải là thể ở trung tâm, được gọi là Thổ. Cần phải tìm bốn hành
(thể) còn lại trong thiên nhiên theo tiêu chí: phù hợp với quan niệm lưỡng phân
lưỡng hợp, âm dương, lưỡng nghi, nghĩa là chúng phải hợp với nhau thành từng cặp
tương phản một; phải là những thứ có tính phổ biến. Sự tìm kiếm, phán đoán và
suy tư có thể đã phải trải qua một thời gian rất dài. (Có thể suy đoán rằng chỉ
với câu hỏi: thế giới này được tạo thành từ thể chất gì, từ một, hay hai, hay
ba, hay bốn, hay năm thể chất(?), loài người đã phải “lên thác xuống ghềnh” trăn
trở tốn biết bao nhiêu là thời gian rồi). Cuối cùng thì, cũng như một lẽ tự nhiên,
các nhà hiền triết cổ đại Trung Hoa cũng phải đến nơi cần phải đến, lựa chọn điều
không thể khác. Trên mặt đất này, ngoài Thổ ra, còn lại chỉ là nước - lửa, núi
- rừng hay gọi tên theo cách “tàu” là : Thủy - Hỏa, Sơn - Lâm. Nhưng Sơn hay Lâm
chưa nói lên được cái thực chất tương phản như Thủy hay Hỏa, do đó phải là Kim
- Mộc, vì cái căn cốt của núi phải là Kim Khí (chắc chắn khái niệm Kim chỉ có
thể xuất hiện trong thời đại Kim Khí!), cái căn cốt của rừng phải là gỗ. Do đó
mà hai “hành” (thể) sau phải là Kim - Mộc. Như vậy, xét về thể chất thì thế giới
tự nhiên hiện hữu là do năm loại “chất” hợp thành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ,
trong đó Thổ đóng vai trò có ảnh hưởng quyết định tới sự tồn tại của bốn thể còn
lại. Muông thú, con người cũng đều là sự
kết hợp của năm thể đó mà ra cả. Xét về mặt biến hóa, sinh thành thì năm thể đó
là biểu hiện sự vận hành xoay vần của thế giới nên gọi là Ngũ Hành. Và Ngũ Hành
là tên gọi chính của năm yếu tố, mang hai nghĩa để nói về sự tạo thành, biến hóa,
xoay vần của thiên nhiên bày ra trước con người.
Hà Đồ đã được các triết gia cổ đại nhìn
thấy như một thực thể cấu tạo nên bởi Ngũ Hành, gồm Thổ ở trung tâm và các hành
kia lập thành những cặp tương phản, lưỡng nghi nằm đối ứng qua trung tâm và cả
bốn hành đó quan hệ mật thiết với nhau theo nguyên tắc tương sinh, tương khắc
(mà thực chất là dựa trên quan niệm chuyển hóa âm - dương, lưỡng nghi). Về đại
thể, tương sinh có nghĩa là nuôi dưỡng, thúc đẩy, trợ giúp lẫn nhau và tương khắc
có nghĩa là ràng buộc, khống chế, áp chế lẫn nhau. Ngũ hành tương sinh là: Mộc
sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Đó cũng chính
là sự mô tả ước lệ mà người ta thấy được trong thiên nhiên: gỗ cháy là tạo ra lửa,
lửa có thêm củi thì… tha hồ mà cháy; lửa cháy thiêu tàn ra tro bụi mà thành ra đất,
đất dung túng, ấp ủ để rồi cô đúc lại thành khoáng sản, sỏi đá trồi lên mà có núi
non, sông suối hình thành là nhờ có nước từ những khe núi, từ trên núi cao đổ
xuống và nước xuất hiện ở đâu thì ở đó nảy mầm, cây cối mọc lên, tốt tươi. Ngũ
hành tương khắc là: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc
Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. Dựa vào hiện tượng thiên nhiên
cũng có thể giải nghĩa được sự tương khắc này: cây càng mọc thì đất càng cằn cỗi
đi vì cây nhờ đất, hút dinh dưỡng từ đất mà sống, đất rõ ràng là chế ngự nước,
sông ngòi phải có hình có dạng, phải chảy theo cái thế mà đất bày ra, nước “láng
cháng” thì ước chừng đất “hút” hết, nước rõ ràng là chế ngự lửa rồi, không có gì
tệ hại hơn cháy nhà mà không có nước cứu, lửa nung thì kim loại phải mềm, phải
chảy (kinh nghiệm thời đồ đồng thiếu cha gì!), kim loại có tính cứng hơn gỗ nhờ
thế mà người ta mới đốn gỗ được bằng dao, rựa, rìu làm bằng kim loại.
Đổng Trọng Thư luận về Ngũ Hành làm ta mường
tượng như ông đang đứng trước hình tượng Hà Đồ, chỉ trỏ vào nó để mà giải nghĩa
vậy. Trong “Xuân thu phồn lộ” (Ngũ hành chi nghĩa - Phồn lộ q.11), Đổng Trọng
Thư viết:
“Trời có năm hành, một là Mộc, hai là Hỏa,
ba là Thổ, bốn là Kim, năm là Thủy. Mộc là bắt đầu của Ngũ hành, Thủy là cuối cùng
của Ngũ hành. Năm hành lấy Thổ làm giữa. Đấy là thứ tự của trời hay thiên nhiên.
Mộc sinh ra Hỏa, Hỏa sinh ra Thổ, Thổ sinh ra Kim, Kim sinh ra Thủy, Thủy sinh
ra Mộc, đấy là cha con. Mộc ở bên phải, Kim ở bên trái, Hỏa ở đàng trước, Thủy ở
đàng sau, Thổ ở chính giữa, đấy là thứ tự cha con, chịu nhau mà phân bố. Năm hành
theo nhau, mỗi cái như thứ tự của nó. Quan của năm Hành, mỗi cái trọn hết khả năng
của nó cho nên Mộc ở tại phương Đông mà chủ khí mùa xuân, Hỏa đóng ở phương Nam
mà chủ khí mùa hạ, Kim đóng ở phương tây mà chủ khí về mùa thu, Thủy đóng ở phương
Bắc mà chủ khí về mùa đông. Thế nên Mộc chủ về sinh mà Kim chủ về sát, Hỏa chủ
về nóng mà Thủy chủ về lạnh… Thổ đóng ở giữa gọi là Thiên Thuận. Thổ là cánh
tay của Trời. Đức tính của nó tốt đẹp, không thể lấy công việc của một thời tiết
mà mệnh danh nó được. Cho nên năm Hành trong bốn mùa thì Thổ đều gồm cả Kim - Mộc
- Thủy - Hỏa, tuy mỗi Hành một chức vụ, nhưng không có Thổ thì thế không đứng được.
Ví như chua mặn cay đắng, không nhân có vị ngọt béo thì không thể thành vị. Ngọt
là gốc của năm vị. Thổ là chủ của năm Hành. Chủ của năm Hành là Thổ khí cũng như
năm vị có ngọt béo vậy, không thể không thành”.
Từ đoạn viết đó của Đổng Trọng Thư, bất cứ
ai cũng có thể tạo nên một hình tượng phương vị Ngũ Hành giống như Hà Đồ mà chúng
ta “nhanh nhảu” thực hiện trước ở hình 28 (có thêm vào ký hiệu tương sinh, tương
khắc).
Thuyết Ngũ Hành có được sức sống đến ngày
nay là vì dù ngây thơ và phạm nhiều mâu thuẫn, trong nó vẫn chứa chấp những yếu
tố hợp lý mà quan niệm âm dương, lưỡng nghi đã đạt được về sự chuyển hóa, xoay
vần của thế giới tự nhiên. Cấu trúc năm thành phần, trong đó có một thành phần
trung tâm, cốt lõi, nền tảng, phân định, chuyển hóa nhau là một mô hình mang tính
phổ quát của tự nhiên. Thậm chí bất cứ một thực thể nào, qua qui ước, chúng ta
cũng đều có thể phân định ra như thế mà vẫn đảm bảo được tính hợp lý, tính hợp
qui luật một cách tương đối của sự phân định ấy, miễn bản thân sự phân định cũng
phải được lựa chọn một cách hợp lý, phải bảo toàn được các mối quan hệ lưỡng
nghi.
Hình 28 : Ngũ hành
tương sinh tương khắc.
Như đã nói, ngoài hướng quan niệm triết học
tiến tới thuyết Ngũ Hành, còn có hướng tiến đến quan niệm Bát Quái nữa. Hướng này
mang tính “siêu hình học” rõ rệt. Nhóm triết gia theo hướng này cho rằng Tứ Tượng
là bốn trạng thái của trời đất, là bốn tượng hình cơ bản của thiên nhiên và chúng
chuyển hóa thành nhau một cách lặp đi lặp lại: hết Đông thì chuyển qua qua Xuân,
hết Xuân thì đến Hạ, Hạ qua rồi thì Thu đến, Thu đến rồi Thu lại đi “nhường” chỗ
cho mùa Đông về. Sự xoay vần tự nhiên ấy là “bất di bất dịch” và chẳng cần một
trung tâm điều chuyển, ra lệnh nào mà cứ thế thản nhiên, tự thân. Tuy nhiên, trước
sau gì họ cũng phải nhận ra rằng không thể bỏ qua được cái ở giữa, cái gốc để
phân biệt được lưỡng nghi, cái trung gian góp phần vào sự chuyển hóa lưỡng
nghi, nhất là khi ý niệm về tam tài đã ra đời. Từ đó, các hiền triết đã đi đến
nhận định là quan niệm tứ tượng chưa đầy đủ, cần phải hoàn chỉnh hơn nữa mới đáp
ứng thỏa mãn được sự mô tả và lý giải nguyên lý vận hành của Vũ Trụ.
Chuyển hóa âm - dương là không ngừng và làm
cho vạn vật luôn biến đổi. Sự biến đổi đó làm cho vạn vật biến dạng đi, thay đổi
đi về hình dáng, kích thước, cấu trúc, thể chất hay tạm gọi là “trạng thái”. Có
thể hiểu “tượng” là trạng thái của vật mà người ta quan sát thấy được. Như vậy,
trong suốt thời gian hiện hữu của mình, một thực thể có vô vàn tượng. Đó là xét
trên bình diện vũ trụ có tính gián đoạn. Còn xét trên bình diện Vũ Trụ là liên
tục thì không có thực thể, mà cũng chẳng có tượng. Tuy vậy, trong một tầng nấc
qui mô nào đấy, theo khả năng quan sát được nào đấy và theo những qui ước, hạn định
nào đấy thì thực thể là có thực và do đó các tượng của nó là có thể quan sát được
và xác định được. Một thực thể, trong những điều kiện nhất định mà vận động ổn định,
cân bằng (tương đối) thì nó sẽ biến đổi một cách chu kỳ, chuyển hóa qua hàng loạt
trạng thái theo thứ tự rồi về trạng thái ban đầu để bước vào chu trình chuyển hóa
mới giống với chu trình đầu. Từ hiện tượng dao động của con lắc, chúng ta thấy
rằng mọi vận động có tính chu kỳ đều có thể xác định được bốn trạng thái cơ bản,
đặc trưng, có tính phổ quát là hai trạng thái cực trị (tương phản về thể chất,
còn gọi là cực đại, cực tiểu) và hai trạng thái nghịch chiều chuyển hóa (tương
phản về chiều chuyển hóa, hay gọi là hai trạng thái trung gian, tương tự nhau về
thể chất nhưng có tiến trình chuyển hóa trạng thái ngược chiều nhau). Bốn trạng
thái đó chính là Tứ Tượng. Nhờ trái đất vận hành có chu kỳ mà chúng ta có thể
qui ước bốn tứ tượng của nó là Xuân, Hạ, Thu, Đông, trong đó Hạ và Đông là hai
tượng cực trị (nóng - lạnh), Xuân và Thu là hai trạng thái trung gian (đều không
nóng không lạnh; trong khi Xuân ở trong tiến trình chuyển hóa từ lạnh sang nóng
thì Thu ở trong tiến trình chuyển hóa từ nóng sang lạnh). Hoặc nếu xem xét vận động
tự quay của trái đất, vì đó là vận động chu kỳ, nên ta cũng có thể gán cho nó bốn
tứ tượng là ngày, đêm, sớm, chiều, với ngày, đêm là hai cực trị (sáng - tối) và
sớm, chiều là hai trung gian (mờ sáng - mờ tối).
Nếu coi bàn tay năm ngón là một thực thể,
hay năm ngón tay là một hệ thống vận động chu kỳ (“đếm” từng ngón một cách lần
lượt theo một trình tự cho trước và đếm liên tục!) thì chúng ta cũng nhận ra được
bốn tứ tượng của nó là 1-4, 2-3, 3-2, 4-1 (từ nay chúng ta không dùng ký hiện
chấm đen, trắng mà dùng ký hiệu số ngày nay cho tiện, kể cả hình tượng Hà Đồ -
Lạc Thư chúng ta cũng biểu hiện bằng các con số; nếu chúng ta ghi số 8 thì đó có
nghĩa là số nút hoặc số ngón tay). Trong tứ tượng này thì hai tượng 1-4 và 4-1
cũng như 2-3 và 3-2 chính là những cặp trạng thái tương phản lưỡng nghi. Cặp đầu
là hai cực trị (vì 1-4 hay 4-1 là những trạng thái gọi là cực hạn, phải quay về
(phản phục)). Cặp sau chính là hai trạng thái trung gian. Để gọn lại, có thể
qui ước tượng là 1, 2, 3, 4, và ta mô tả điều này như một đồ tượng ở hình 29/a;
và luôn nhớ rằng khi nói “tượng 1” thì có nghĩa là trạng thái lưỡng nghi 1-4 của
bàn tay.
Hình 29 : Các tượng
số
Khi chúng ta nói nội tại của bàn tay vận động
theo nguyên lý phân định âm dương và chuyển hóa lưỡng nghi thì mặc nhiên đã qui
ước bàn tay là một thực thể (hay hệ thống) sống động có tính độc lập tương đối
của nó. Do đó nó cũng không bao giờ có trạng thái 0-5 (hay 5-0) vì trạng thái đó
là trạng thái tột độ, tính lưỡng nghi nội tại bị phá vỡ, thực thể bàn tay không
còn nữa (nhưng bàn tay thì vẫn còn đó để… ăn cơm, nếu ai đó dùng bàn tay của mình
để làm thực nghiệm thì cứ yên tâm, đừng run!). Điều đặc biệt, gây ngạc nhiên
cao độ cho chúng ta là thực thể bàn tay khi vận động theo chu kỳ và liên tục như
đã nói thì bốn trạng thái cơ bản của nó cũng chính là số trạng thái mà nó có thật
sự, hay tứ tượng của nó cũng chính là số trạng thái mà nó có thật sự, hay tứ tượng
của nó có tính độc tôn, duy nhất về kiểu tượng, chỉ có thể qui ước mà không thể
lựa chọn được. Chẳng hạn, không thể chọn một trạng thái lưỡng nghi (tượng) là
1,5-3,5 vì đơn vị nhỏ nhất không thể phân chia là ngón tay và chỉ có bốn ngón
tay thôi, và như vậy không thể lập một hệ thống lưỡng nghi chuyển hóa làm xuất
hiện ra tượng 1,5-3,5 được. (muốn có tượng này, phải tạo dựng ra bàn tay có bốn
ngón “nguyên” và hai ngón cụt, mà như thế thì đâu phải là bàn tay theo đúng nghĩa
qui ước ban đầu nữa!). Chúng ta sẽ ghi nhớ điều độc đáo, lý thú này vào lòng.
Khi hai thực thể bàn tay kết hợp lại thành
một hệ thống vận động chuyển hóa âm - dương lưỡng nghi (hai bàn tay tương phản
phải - trái, tương đối độc lập nhau) thì giữa mười ngón tay phải có sự phân định
mới, phù hợp với lực lượng (số lượng) mới. Lúc này, hệ thống lưỡng nghi, vì có
tổng số lượng là 10 và luôn bảo toàn (nhờ tính cân bằng và chu kỳ của vận động)
nên không thể xuất hiện những tượng như 3-4 (có tổng là 7); 1-4 (có tổng là 5)… Vấn đề nữa là dù ở trong cùng
một hệ thống và vận động làm nên hệ thống ấy, mỗi thực thể bàn tay vẫn luôn có
vận động nội tại của nó, dù có thể là theo một chu kỳ khác cho phù hợp với vận động
của toàn hệ thống nhưng tứ tượng của nó vẫn không thể đổi kiểu tượng và cũng không
bao giờ có kiểu tượng 5-0 hoặc 0-5 (thực thể bàn tay không còn nữa thì hệ thống
cũng tan rã). Như vậy, điều dễ dàng suy ra là hệ thống lưỡng nghi 10 ngón tay sẽ
không có tượng 5-5, 0-10 và 10-0.
Trên cơ sở của hình 29/a, chúng ta sẽ tìm
tất cả các trạng thái lưỡng nghi (các tượng) có thể có của hệ thống 10 ngón tay
rồi điền thêm các số vào vị trí phù hợp để tạo ra hình tượng biểu thị cho hệ thống
đó.
Khi một nghi của hệ thống là 1 thì nghi
thứ hai của nó không phải là 4 nữa mà phải là 5 + 4 = 9, chúng ta điền số 9 lên
trên 4 và biểu thị được tượng 9-1; khi nghi đầu là 2 thì tương tự, nghi thứ hai
là 5 + 3 = 8; điền số 8 vào vị trí bên ngoài số 3, chúng ta có tượng 8–2. Cũng
tương tự như vậy, chúng ta điền số 7 bên ngoài số 2, được tượng 7-3; điền số 6
dưới số 1 và được tượng 6-4. Đến đây chúng ta được bốn tượng là 9-1, 8-2, 7-3,
và 6-4. Chúng ta mô tả hình tượng hệ thống 10 ngón tay ở hình 29/b. Nếu chuyển
cách biểu thị số sang biểu thị bằng các chấm tròn và qui định các chấm có màu đen
là các chấm của trạng thái lưỡng nghi có số lượng mỗi nghi là chẵn, thì chúng
ta sẽ có được Hà Đồ. Vì vậy, chúng ta gọi hình 29/b là Hà Đồ biểu thị bằng số.
Nhìn vào Hà Đồ hình 29/b, chúng ta dễ dàng
nhận ra ngay bốn trạng thái lưỡng nghi của nó. Tuy nhiên, vì được cấu tạo nên từ
hai thực thể bàn tay năm ngón tương phản nhau (phân định phải - trái qua thân
người) nên ngoài bốn trạng thái lưỡng nghi đó ra, Hà Đồ còn có thêm bốn trạng
thái lưỡng nghi nữa. Bốn trạng thái lưỡng nghi này là tương phản từng đôi một với
bốn trạng thái lưỡng nghi thể hiện ra ở hình 29/b như chúng ta đã thấy. Nghĩa là tương
phản với 9-1 là 1-9; với 8-2 là 2-8; với 7-3 là 3-7 và với 6-4 là 4-6. Như vậy,
tổng số trạng thái lưỡng nghi của Hà Đồ là tám trạng thái, và tương tự như khi
nói về tượng của thực thể bàn tay, chúng ta ký hiệu tám trạng thái đó là 1, 2,
3, 4, 6, 7, 8, 9 (con số 5 đóng vai trò chủ tể, quyết định đến sự sống còn của
Hà Đồ, ấy vậy mà ở đây, nó không xuất hiện, làm cho chúng ta chợt nhớ nhung
khôn xiết Lão Tử cùng với khái niệm Đạo của ông!). Cũng tương tự, khi nói trạng
thái 1 của Hà Đồ thì đó chính là lưỡng nghi 1-9.
Không hiểu
vì sao người xưa không gọi trạng thái lưỡng nghi nói chung của Hà Đồ là “tượng” mà là “quái”? Có lẽ vì
để phân biệt với Tứ Tượng là bốn trạng thái cơ bản. Như vậy tượng là tên gọi
của những trạng thái cơ bản, còn quái là tên gọi chung các trạng thái và ở trường
hợp một bàn tay, tứ quái cũng là tứ tượng, còn ở trường hợp hệ thống gồm hai
bàn tay, có Bát Quái, trong đó có Tứ Tượng là 9-1, 1-9 (hai cực trị) và 6-4, 4-6
(hai trung gian).
Việc biểu
thị, tứ tượng và bát quái theo “kỹ thuật số”, về mặt “toán học” là rất xác đáng
nhưng về mặt “triết học” thì e rằng tầm thường quá, không thể hiện được tính
phổ quát của quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp, âm - dương, lưỡng nghi cũng như
tính huyền vĩ, “siêu thoát” vốn luôn là “tri kỷ” của triết học (ngày nay ai mà
hùng biện liên tu bất tận một cách say sưa, có lớp có lang, đầy đủ cả chứng
minh, giải thích, biện luận và chắc như bắp về lôgic nhưng rốt cuộc chẳng ai
hiểu gì cả thì người đó mới có cơ may là đại triết gia!).
Chúng ta đã
nói về sự biểu diễn tứ tượng bằng hai vạch âm (
) và dương (
) rồi, và thấy cách biểu diễn ấy là hoàn toàn hợp lý. Khi
nói về vận động “đếm”, các ngón tay của một thực thể bàn tay và ta chỉ nói vể
điều đó thôi mà không chú ý đến bất kỳ điều gì khác, thì rồi qui ước thuần âm,
thuần dương (không có nghĩa là tuyệt đối âm hoặc tuyệt đối dương mà chỉ có
nghĩa nhiều âm, dương nhất), vừa âm, vừa dương thì tứ tượng là bốn trạng thái lưỡng
nghi hoàn toàn xác định. (Sự biểu hiện của cái ở giữa là ẩn dấu, và đối với mọi
thực thể hệ thống cũng là thế, luôn luôn có thể xác định được tứ tượng của
chúng là đều được biểu diễn một cách chung nhất bằng hai vạch âm, dương như dưới
đây (theo trình tự vận động trong một chu kỳ qui ước):
Bát quái là tổng số trạng thái mà Hà Đồ có,
khi ta chú ý đến cả cấu tạo nội tại của nó là gồm hai thực thể bàn tay tương phản
nhau hợp thành một lực lượng là 10 ngón tay (10 đơn vị lực lượng). Vận động của
mỗi bàn tay trong hệ thống hai bàn tay là phụ thuộc lẫn nhau, làm nên sự vận động
nhất quán và thống nhất vận động của toàn hệ thống, đồng thời cũng tương đối độc
lập. Chính vì điều này mà các quái trong một chu kỳ vận động của hệ thống có thể
được phân định tương đối thành hai lực lượng có tính âm - dương tương phản
nhau. Hiện tượng đó chính là sự thể hiện ra âm hay dương của cái ở giữa, của cái
trung tâm được ký hiệu là
trong Hà Đồ 29/b. Nói cách khác, sự biểu
hiện ra như một âm dương lưỡng nghi của cái ở giữa, cái cốt lõi của hệ thống, được
gọi là sự phân định lưỡng nghi của lưỡng nghi hay là sự tương phản của tương phản.
Có thể rút ra từ đó một kết luận có tính nguyên lý của hiện tượng phân định
theo quan niệm âm dương, lưỡng nghi.
Tứ tượng của hệ thống 10 ngón tay, “bị” tác
động của nguyên lý vừa nói mà phân ra “tỉ mỉ” hơn, thành bát quái. Chúng ta có
thể biểu diễn theo ký hiệu vạch âm - dương như sau: (Nhớ là vị trí thứ tự của các
tượng bàn tay đã thay đổi trong hệ thống 10 ngón):
(Qui ước dấu “≈” có nghĩ là tương đương,
suy ra, sinh ra…)
Tập hợp hai tứ quái (hai ban nhạc The
Beatles) sẽ là Bát quái:
Chúng ta cũng có thể biểu diễn sự hình thành
bát quái từ tứ tượng khi chúng được biểu diễn bằng “kỹ thuật số”:
(Cộng số 5 với những nghi đứng đầu trong
các lưỡng nghi) “tượng”
Và: 
(Cộng số 5 với những nghi đứng sau trong
các lưỡng nghi)
Tương tự, Bát quái thể hiện bằng số sẽ là:
9-1;8-2;7-3;6-4;4-6;3-7;2-8;1-9
Hay gọn hơn: 9;8;7;6;4;3;2;1
Trong Hà Đồ hình 29/b, nếu chúng ta xoay
các cặp lưỡng nghi mang số chẵn quanh trung tâm
, ngược chiều kim đồng hồ một góc là 45o
và kết quả tất cả các số biểu thị nghi trên cùng một đường tròn, thì chúng ta sẽ
làm xuất hiện một Lạc Thư “kỹ thuật số” (xem hình 29/c) và nếu thay các số bằng
các tập hợp nút thì chúng ta coi như đã quay về thời cổ đại, quan chiêm trực tiếp
Lạc Thư nguyên thủy.
***
Thế là chúng ta, trong hoang tưởng, đã tạo
dựng nên được một câu chuyện hoang đường về gốc tích của Hà Đồ - Lạc Thư cũng
như đã giải mã được nguyên cớ sắp xếp của các chấm tròn đen và trắng. Bắt đầu từ
sự hợp lý của “toán học bàn tay”, người xưa đã quan sát thấy cả một nguyên lý
thành tạo và biến hóa của Vũ Trụ thể hiện trong đó. Nguyên lý ấy đã được họ trình
diễn ra một cách xuất sắc trên quan niệm ban đầu là lưỡng phân - lưỡng hợp, rồi
tiếp theo sau là âm - dương, lưỡng nghi, tứ tượng bát quái và ngũ hành. Hệ thống
quan niệm ấy, nếu phủi đi những diễn giải có phần thô ráp hoặc thần bí do trình
độ nhận thức của thời hồng hoang gây ra thì theo thiển ý của chúng ta, một cách
khái lược, là hoàn toàn đúng đắn về Tự Nhiên (dù có thể là chưa đầy đủ).
Ngoài ra, chúng ta còn đoán rằng trên con
đường của phát triển tư duy nhận thức, người xưa sẽ phải ngước lên bầu trời và
cho rằng về mặt phương vị, không phải chỉ có bốn phương chiều đông, tây, nam, bắc
mà còn hai phương chiều nữa là trên, dưới. Vậy thì nếu dưới đất có bát quái thì
trên trời cũng có bát quái và khi trời, đất kết hợp với nhau xoay vần biến hóa
như bàn tay sẽ làm xuất hiện 64 trạng thái lưỡng nghi của hệ thống đất - trời,
hay còn gọi là 64 trùng quái. Hơn nữa, từ cảm giác không gian của người xưa đã đạt
đến quan niệm trong trời đất có cả thảy 6 phương chiều cơ bản và từ quan niệm
ngũ hành, người xưa đã (rất có thể thôi!) sáng tạo ra “thập can” và “thập nhị
can” (hai bàn tay năm ngón hợp lại thành 10 ngón thì hai cái 6 phương chiều tại
sao không hợp lại để thành 12 phương chiều? Phải chăng từ quan niệm 6 phương
chiều mà người Babilon đã sáng tạo ra hệ đếm cơ số 60: 6 (phương chiều) x 10
(ngón tay) = 60? Sự kết hợp “thiên can”, “địa chi” cho đến khi trở về với trạng
thái kết hợp ban đầu là một chu kỳ có 60 trạng thái kết hợp, gọi là “60 giáp tý”
kể ra cũng hay đáo để!). Sự bói toán dựa trên thiên can, địa chi hoặc trên lục
thập tứ trùng quái hoặc theo chiêm tinh học đã mang trong lòng nó tính xoay vần
nhịp nhàng theo chu kỳ của trời đất cho nên có ẩn chứa một phần sự thực khách
quan trong đó và như vậy, không hẳn là hoàn toàn vô lý (nhưng cũng không thể là
hoàn toàn hợp lý được).
Không đến nỗi quá kỳ lạ khi Hà Đồ phản ánh
ra được nhiều mặt của Tự Nhiên Tồn Tại, nếu nhớ lại đặc tính tương tự trong sự
biểu hiện ra các sự vật hiện tượng của Nó.
Chúng ta nói đến cái gọi là nguyên lý
theo quan niệm âm dương, lưỡng nghi của sự phân định. Vậy thì nó được diễn giải
như thế nào? Đại khái là như thế này:
Thực thể là sự thống nhất của hai thực thể
nhỏ hơn nó đóng vai trò đơn vị của nó. Hai thực thể đơn vị đó có tính tương phản
nhau (trái nghịch nhau như nước với lửa, đông với tây, trên với dưới, nhiều với
ít…). Vì tương phản nhau nên chúng có tính phân ly nhau, nhưng cũng vì tương phản
nhau nên chúng không đầy đủ, thiếu cái mà “đối tác” có, do đó đồng thời cũng tìm
cách kết hợp nhau để dung hòa. Sự phân ly đồng thời là kết hợp ấy của hai tương
phản được gọi là lưỡng phân, lưỡng hợp. Sự lưỡng phân lưỡng hợp của hai thực thể
tương phản thể hiện ra như một hệ thống chuyển hóa làm nên vận động nội tại của
thực thể lớn hơn. Hai thể tương phản còn được gọi là thể âm và thể dương, nếu cái
này là âm thì cái kia là dương và ngược lại. Hệ thống chuyển hóa âm dương ấy còn
được gọi là hệ thống lưỡng nghi gồm hai nghi là âm và dương. Âm dương có mối
quan hệ lệ thuộc nhau, có âm vì có dương, dương bộc lộ được là nhờ có âm. Một
khi một trong hai thể (hay tính) âm - dương mất đi thì mối quan hệ âm dương cũng
đương nhiên mất đi và hệ thống lưỡng nghi đó chấm dứt tồn tại. Một cách tượng
trưng và theo quan niệm âm dương, lưỡng nghi thì một thực thể (hay hệ thống) luôn
có thể biểu diễn là sự kết hợp của hai vạch liền và đứt: 
Nếu chú ý đến cả sự phân định lưỡng nghi
của nội tại đơn vị nữa hoặc giả hai thực thể lưỡng nghi lập nên một hệ thống
hay thực thể lưỡng nghi mới thì ta sẽ “quan sát thấy” hiện tượng lưỡng nghi của
lưỡng nghi, nghĩa là ta sẽ “thấy” tứ tượng:
Tương tự, sẽ có lưỡng nghi của tứ tượng,
lưỡng nghi của bát quái… Và cứ thế đến cuối cùng chúng ta sẽ có một Vũ Trụ với
vô thiên vô ủng quái. Vũ Trụ vô thiên vô ủng quái ấy, trong một đơn vị tuyệt đối
của thời gian cũng chỉ là một lưỡng nghi và không chú ý đến tính lưỡng nghi nữa
thì nó lại là một thực thể thống nhất: cái Một vốn dĩ thế.
Tương tự, đi về phía vô cùng nhỏ, loại bỏ
dần “gông xiềng” của lưỡng nghi đi, chúng ta sẽ tiếp cận đến một thực thể chỉ còn
có một lưỡng nghi và không chú ý đến tính lưỡng nghi nữa thì đó là một cái vốn
dĩ thế: một thực thể giống Vũ Trụ, vừa có nội tại vừa không có nội tại vì không
thể phân chia được, là đơn vị tuyệt đối làm nên Vũ Trụ tuyệt đối. Nếu Vũ Trụ thể
hiện như là một tuyệt cùng vĩ đại của không gian thì đơn vị đó thể hiện như một
tuyệt cùng vi tiểu của thời gian.
Nếu chúng ta thay âm - dương bằng có và
không thì lưỡng nghi của lưỡng nghi sẽ làm xuất hiện ra một vấn đề khá “vui
vẻ”,thế này:
Có trên nền tảng là có thì kết quả chắc
chắn là có; hay có - có có thể được hiểu như hiện hữu. Không trên nền tảng là có,
hay không - có có nghĩa là không nhưng vẫn có, hay hiểu như là tồn tại mà không
hiện hữu. Có trên nền tảng là không hay có - không là có, nhưng có cái gọi là
không nên cũng là không có, hay có thể gọi là có ảo. Cuối cùng, không trên nền
tảng của không là không hiện hữu mà cũng không tồn tại và chính là hư vô tuyệt đối
hay gọi là Hư Vô; nhưng Hư Vô chỉ là tên gọi khác của Tồn Tại nên lại là có, là
tồn tại; Không - không là hư vô của hư vô cho nên phải là có. Phải chăng phủ định
của phủ định là trường hợp riêng của hiện tượng lưỡng nghi của lưỡng nghi đối với
cặp khái niệm tương phản có và không? Và phải chăng đó cũng là một minh chứng
cho tính vốn dĩ thế của Tự Nhiên Tồn Tại và như vậy là cho tính “tiên thiên” của
“Có”: có “Có” rồi mới có “Không”?
Pho sách Lạc Thư nếu thực sự đã từng hiện
hữu thì phải được coi là một cuốn “kinh điển” về cả toán học lẫn triết học với
chỉ hai “trang sách” đá và giữa hai trang sách đó (trong lòng con rùa đá) “kẹp”
một viên ngọc mang tính biểu tượng của hình 29/a. Có thể trên hòn ngọc đó được
chạm khắc tinh vi năm hình gì đó như là biểu tượng của năm ngón tay, và nó đóng
vai trò tinh huyết, linh hồn của hai trang sách cũng như của con rùa đá.
Người Việt Thường đã nói gì về nội dung
pho sách đó cho vua Nghiêu? Trong truyền sử thì là sự giảng giải quá trình khai
thiên lập địa được “ghi chép” trong pho sách đá đó. Thế thì con rùa đá quan niệm
như thế nào về thuở khai thiên lập địa? Chung qui lại, có thể là thế này:
Ban đầu chỉ là một bản thể. Bản thể đó cựa
quậy mà sinh ra năm cái “một” liên kết với nhau, mà hợp thành và phân ra đực -
cái, đêm - ngày… Những cái đó, từng cặp một lại nương tựa vào nhau, biến đổi
nhau tạo nên hiện tượng lưỡng phân lưỡng hợp và nhờ vào lưỡng phân - lưỡng hợp
mà sinh ra vạn vật.
Vạn vật thuở mới hình thành là vô cùng hỗn
độn, lưỡng phân lưỡng hợp hòa lẫn đan xen vào nhau một cách lộn xộn, rối rắm, mù
mịt. Lúc đó gọi là lúc đất trời chưa phân và được mô tả ở trang đầu tiên của
quyển sách đá (hình Hà Đồ). Trong khối hỗn mang, lẫn lộn, không đầu không cuối ấy
xuất hiện một năng lực vĩ đại gọi là “Ông Đùng” (chuyện “Thần Trụ Trời”). Ông Đùng
đứng dậy, đầu đội trời, lấy đất đá đắp thành cái trụ chống trời. Từ đó trời đất
được phân định thành trời tròn bao lấy đất vuông (được mô tả ở trang hai của cuốn
sách đá: hình Lạc Thư). Trời đất phân đôi (lưỡng phân) nhưng không phân ly mà vẫn
cần đến nhau nên lại kết hợp với nhau (lưỡng hợp) mà sinh ra vạn vật như: cây cối,
muông thú, con người…
Trong thần thoại Trung Quốc có một câu
chuyện về khai thiên lập địa rất giống với truyện “Thần Trụ Trời”. Ngoài ra còn
có truyện “Nữ Oa vá trời” cũng hay, làm chúng ta mường tượng đến một thời biển
dâng ở vùng Đông Nam Á. Dưới đây là tóm lược hai câu chuyện đó:
Ngày xửa ngày xưa, trời đất chưa phân, Vũ
Trụ là một khối hỗn độn. Ông Bàn Cổ được thai nghén, lớn lên trong khối hỗn độn
đó. Vì chưa có ánh sáng làm chói mắt, âm thanh làm kinh động nên ông Bàn Cổ ngủ
mê man trong đó suốt 16 ngàn năm. Rồi ông thức giấc, mở mắt mà chẳng thấy gì,
quờ quạng thì va chạm vào đủ thứ trong đó. Thế rồi, trong tối tăm mù mịt, ông vớ
được cái rìu, liền vung lên bổ mấy nhát và nghe một tiếng “đùng” vang dội. Cái
khối hỗn độn như một quả trứng khổng lồ đó rạn vỡ ra.
Bàn Cổ bỏ chiếc rìu ra, dùng hai tay của
mình đẩy mạnh vỏ trứng khổng lồ lên, kèm theo tiếng thét kinh thiên động địa của
ông. Tiếp theo tiếng thét ấy là dồn dập vang lên những tiếng “đùng đùng”, “đoàng
đoàng” của sự nứt vỡ. Những gì nhẹ nhàng trong trẻo từ từ bay lên, dần biến thành
trời xanh, những gì ngầu đục, nặng nề từ từ đọng xuống biến thành đất đai.
Bàn Cổ dùng hai tay nâng đỡ trời xanh suốt
18 ngàn năm liền, dần dần kiệt sức, ngã quỵ xuống. May mà đến lúc ấy, trời và đất
đã trở nên rắn chắc, đã tượng hình ổn định và không thể hợp lại như trước được
nữa.
Tuy vậy Bàn Cổ không chết. Đôi mắt to rực
sáng của ông biến thành mặt trời và mặt trăng. Tay
chân vạm vỡ của ông biến thành bốn cực đông, tây, nam, bắc. Thân ông biến thành
núi non hùng vĩ. Máu huyết của ông biến thành đầm, hồ, sông, suối… Da lông của ông
biến thành cỏ hoa cây cối. Gân mạch ông biến thành đường xá đan xen khắp muôn nơi.
Răng xương của ông biến thành vàng bạc châu báu. Hơi thở của ông biến thành mây,
gió. Tiếng nói của ông biến thành sấm sét ầm vang…
Mấy vạn năm sau khi ông Bàn Cổ ngã quỵ, có
một nữ thần xinh đẹp tên là Nữ Oa, từ trời bay xuống. Bà phỏng theo hình dáng của
mình, dùng bùn đất màu vàng nặn ra những con người bé tý. Những hình nhân bằng đất
này sau khi được hít thở linh khí thì biến thành người thật. Rồi bà Nữ Oa lại dạy
cho con người hôn phối để sinh sôi nảy nở. Chính vào lúc loài người đang sinh sống
một cách an lạc, sung sướng và vui vẻ thì nổ ra cuộc đại chiến giữa thần Nước và
thần Lửa. Trong khi đánh nhau, thần Nước làm sạt gãy núi Bất Chu, là trụ chống
trời ở mé tây bắc, làm cho bầu trời ở đó bị sập xuống. Trong phút chốc, sông trời
ở đó nghiêng đổ nước ầm ầm, làm nên một Đại hồng thủy. Đại hồng thủy nhấn chìm
vạn vật, kể cả núi non. Đất đai rung giật chao đảo, nham thạch sôi sục cuộn trào
ra, khói lửa mịt mùng. Loài người và muông thú lớp chết đuối, lớp chết thiêu
nhiều vô kể…
Bà Nữ Oa thấy cảnh loài người và muông thú
gặp phải đại họa khủng khiếp ấy thì giật mình kinh sợ. Bà phát hiện ra đại họa
xảy ra là do trời bị sụt một mảng lớn. Để cứu giúp loài người và muông thú, bà đã
quyết ra tay vá trời.
Bà đến núi Bất Chu xem xét rồi quyết định
tìm đá ngũ sắc để vá. Không ngại gian lao vất vả, bà Nữ Oa nhổ lau sậy, bó thành
từng bó lớn, chất đống cao dần dần đến tận trời, rồi gom nhặt đá cuội từ đáy sông,
đáy biển chất đè lên trên lau sậy, bắt đầu nhóm lửa. Lửa cháy rừng rực, sau chín
ngày chín đêm, đá nóng chảy ra. Bà bất chấp nóng bỏng, mang nước nham thạch đang
sôi sùng sục, tưới lên lỗ thủng trên trời ở phía tây bắc…
Cuối cùng, bà Nữ Oa đã xong việc, đá cuội
năm màu biến thành màu ráng chiều và bầu trời ở đó trở nên có phần thơ mộng. Thế
nhưng núi đã gãy, không có trụ chống trời. Đương khi bà lo lắng bồn chồn thì có
một con rùa biển ngàn năm tuổi cắn đứt chân mình dâng lên. Bà Nữ Oa dùng chúng để
kê ở bốn cực của trái đất. Nhưng vì bốn chân khi cắn đứt dài ngắn không bằng
nhau cho nên bầu trời hơi nghiêng theo chiều từ đông – nam đến tây - bắc, làm
cho mặt trời, mặt trăng và các sao trời đều trượt về phía tây - bắc…
Câu chuyện về Bàn Cổ - Nữ Oa nghe cũng lý
thú đấy chứ! Trong đó lại hiện lên con số 5 huyền bí (ngũ sắc) và con rùa thần
ngàn tuổi “đội trời đạp đất” làm nên cuốn sách đá của người Lạc Việt và sau này
ở lại vĩnh viễn trong linh hồn dân tộc Việt với tên gọi là Thần Kim Quy. Đặc biệt,
câu chuyện như là một sự miêu tả của một người đã chứng kiến một cuộc tàn phá và
kiến tạo vĩ đại của thiên nhiên: núi lửa phun trào mãnh liệt, động đất rất mạnh
trên diện rộng, kèm theo hiện tượng lún sụt của một khu vực lớn và sóng thần,
biển dâng gây nên nạn đại hồng thủy.
Hầu như ở các dân tộc trên khắp thế giới đều
lưu truyền câu chuyện thần thoại về một trận đại hồng thủy. Những đại hồng thủy
đó có liên quan gì đến đại hồng thủy trong truyện Bàn Cổ - Nữ Oa không, hay thậm
chí là cách kể khác nhau về một đại hồng thủy duy nhất, xuất hiện cách nay ngót
nghét 8, 9 ngàn năm, thậm chí là 18 ngàn năm tại vùng Đông Nam Châu Á?
Nói đến Đại Hồng Thủy thì lại nhớ ngay đến
con thuyền cứu nạn Nôyê và hơn thế nữa phải nói về lục địa Atlantis và nơi gọi
là Đại Lục Mẫu. Theo truyền thuyết thì Đại Lục Mẫu và Atlantis là hai nền văn
minh rực rỡ, xuất hiện trước cả các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn
Độ, Trung Quốc…
Chúng ta cho rằng sự ra đời của văn minh
(nền văn hóa nổi bật trên nền tảng văn hóa đương thời nói chung của loài người)
không thể là cùng một lúc xảy ra ở các khu vực trên trái đất được mà phải có một
nền văn minh duy nhất, mang tính tiên phong làm tiền đề.
Một cách cảm tính (ai mà không có tình yêu
quê hương xứ sở?), chúng ta tin vào ý kiến của một số nhà khảo cổ, cho rằng Đông
Nam Á là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Như thế thì truyền thuyết về Đại Lục
Mẫu và Atlantis có liên quan gì đến nền văn minh cổ đại đã từng hiện hữu ở khu
vực này không? Có thể nào Đại Lục Mẫu cũng là Atlantis và cũng là nền văn minh Đông
Nam Á (tưởng như) đã biến mất đột ngột bởi nạn Đại Hồng Thủy? Hay nền văn minh Đông
Nam Á được giới khảo cổ phát hiện, chỉ là tàn dư còn “sót” lại của một nền văn
minh đích thực ở một vùng nào đó đã từng hiện diện đâu đó trong vùng Đông Nam Á,
cụ thể là ở Biển Đông?
Đó là những câu nghi vấn mà nếu không phải
là do chính chúng ta đặt ra thì chúng ta sẽ phải đi đến kết luận rằng quá ngông
cuồng hoặc hoàn toàn điên rồ.
Nhận xét
Đăng nhận xét