Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 91/n

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                       Hồi ký: Trung đoàn Một thời chiến trận 37 + 38 + 39

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - bản hùng ca bất diệt

Cách đây hơn 41 năm, với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.
Ngay từ ngày 25/3/1975, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, phải tập trung nhanh nhất lực lượng, phương tiện để giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân dân ta sống trong những ngày hào hùng và sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Cả dân tộc ta ra quân trong một mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Ngày 9/4, ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 16/4, quân ta phá vỡ phòng thủ Phan Rang. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Đúng 17h ngày 26/4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch, 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào thành phố Sài Gòn. Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Rạng sáng 29/4, tất cả các cánh quân đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.
Đánh chiếm Dinh Độc lập
10h45p ngày 30/4, 4 xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân Ngụy đầu hàng. Vào lúc 11h30 cùng ngày, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 2/5/1975, những địa phương cuối cùng của miền Nam được giải phóng.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Ý nghĩa lịch sử
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn toàn thắng lợi trong gần 2 tháng liên tục và kiên cường chiến đấu (từ 18/3/1975 đến 2/5/1975). Đó là chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, một sự kiện có tác động lớn đến tình hình thế giới.
Trải qua 21 năm tiến hành chiến tranh, 5 đời Tổng thống Mỹ điều hành 4 kế hoạch chiến lược thực dân mới và tiến hành chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ từng bước leo thang biến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Quân dân miền Nam với quyết tâm, ý chí thắng Mỹ với thế trận chiến tranh nhân dân đã lần lượt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vĩ đại nhất quyết định số phận của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Nhân dân Sài Gòn nô nức xuống đường mừng chiến thắng.
Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan hơn 1 triệu quân Ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ Ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, cố vấn Mỹ phải rời khỏi miền Nam, Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến thắng đó đã giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của đế quốc Pháp - Mỹ và chế độ phong kiến, rửa sạch nỗi nhục và nỗi đau mất nước hơn 1 thế kỷ của dân tộc Việt Nam.
Chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và thế lực phản động tay sai là nguyên nhân chia cắt đất nước. Thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ trong xứ Đông Dương 5 kỳ thuộc Pháp, xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Ngô Đình Diệm chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc với vĩ tuyến 17. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã xóa bỏ mọi ranh giới chia cắt đất nước, đất nước đã được thống nhất về mặt lãnh thổ, đó là điều kiện thuận lợi để hai miền Nam - Bắc thống nhất đất nước về mặt nhà nước và thống nhất trên các lĩnh vực khác.
Đường lối cách mạng dân chủ nhân dân của Đảng là mục tiêu của cách mạng, là niềm tin của dân tộc, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp tạo điều kiện cho miền Bắc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đại thắng mùa Xuân năm 1975 lật đổ chế độ đế quốc và tay sai, mở đường cho sự hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản ở miền Nam.
Đất nước không còn bóng giặc ngoại xâm, chế độ Ngụy quyền tay sai đã bị lật đổ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất trong cả nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước- cùng với trận Bạch Đằng (1288), Chi Lăng (1427), Đống Đa ( 1789), Điện Biên Phủ (1954) đã cắm một cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Tình đoàn kết gắn bó keo sơn của ba dân tộc Đông Dương được thể hiện sâu sắc trong quá trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên một chiến trường thống nhất nhằm chống một kẻ thù chung với cùng một mục tiêu là giải phóng dân tộc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những mở ra bước ngoặt mới của lịch sử dân tộc và còn tạo thời cơ lớn cho nhân dân Campuchia giải phóng đất nước ngày 17/4/1975, cho nhân dân Lào giành độc lập ngày 2/12/1975.
Đối với đế quốc Mỹ, thất bại ở miền Nam năm 1975 là thất bại của một cuộc chiến tranh hao người tốn của nhất, là thất bại to lớn và nặng nề nhất trong lịch sử 200 năm của đế quốc Mỹ, thất bại đó đã tác động sâu sắc tới nội tình nước Mỹ, làm suy giảm uy tín và vị trí của Mỹ trên trường quốc tế.
Đối với thế giới, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan cuộc phản kích lớn nhất vào các lực lượng cách mạng của tên đế quốc đầu sỏ, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ.
Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã quyết định sự giải thể của khối quân sự SEATO do Mỹ cầm đầu tháng 9 năm 1975, góp phần đem lại hòa bình, an ninh và sự hòa hợp của khu vực Đông Nam Á.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thắng lợi đó đã góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ tiến bộ trên thế giới, tiếp tục chứng minh một chân lý của thời đại ngày nay là: Một dân tộc kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc có đường lối lãnh đạo đúng đắn, có sự đồng tình giúp đỡ của quốc tế thì nhất định sẽ giành được thắng lợi dù phải đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà. Trong cuộc đọ sức giữa ý chí Việt Nam và sức mạnh quân sự Mỹ, mặc dù phải chiến đấu gian khổ, hy sinh nhiều người, nhiều của, nhưng tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng. Chiến thắng oanh liệt đó mãi là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, CNH-HĐH, xây dựng và phát triển đất nước, sánh vai với bạn bè thế giới như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn.
Theo Báo Nghệ An

Trận đánh lớn nhất cuộc đời Tướng Giáp

Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là chiến dịch quân sự lớn nhất của quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, Mỹ buộc phải rút quân về nước, tình hình chiến trường miền Nam bắt đầu diễn biến theo chiều hướng có lợi cho ta. Năm 1974, để nắm vững tình hình thực tế chiến trường và có quyết sách đúng đắn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên và chính ủy Đặng Tính đã vượt hàng trăm cây số đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến vào mùa xuân 1975.
Hội nghị Bộ chính trị ngày 31/3/1975 nhận định, thời cơ để Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đến. "Từ giờ phút này trận quyết chiến cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu".
Đầu tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý với đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược.
Đại tướng đã xin ý kiến của Bộ chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn chí mạng vào hệ thống phòng ngự của VNCH tại Buôn Mê Thuột. Sau thắng lợi vang dội tại Buôn Mê Thuột, Đại tướng đã nhân đà thắng lợi này  trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày.
Tran danh lon nhat cuoc doi Tuong Giap hinh anh 1
Hướng tấn công của 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh và chỉ định Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 1/4/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Mệnh lệnh chỉ đạo nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Đây là một mệnh lệnh mà tính chất chính trị cao hơn tính chất quân sự, là liều thuốc động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cả nước dồn hết sức lực chiến đấu cho trận quyết chiến cuối cùng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tham gia chiến dịch là 5 cánh quân chủ lực với tổng quân số 250.000 quân, 20.000  dân quân du kích địa phương, 180.000 dân công phục vụ chiến dịch.
Chiến dịch đã huy động một số lượng trang bị vũ khí hạng nặng lớn nhất từ trước đến nay bao gồm: 265 xe tăng và 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ cùng hàng ngàn xe vận tải các loại chở hàng hóa và bộ đội ra chiến trường.
Tran danh lon nhat cuoc doi Tuong Giap hinh anh 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân ủy trung ương đang theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trước sức mạnh tấn công vũ bão của 5 cánh quân chủ lực cùng sự nổi dậy của dân quân du kích địa phương, quân lực VNCH nhanh chóng bị đánh bại.
Chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng lại có thời gian diễn ra nhanh nhất chỉ trong vòng 4 ngày từ ngày 26-30/4/1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tuy Đại tướng Võ Nguyên Giáp không trực tiếp chỉ huy như những chiến dịch quân sự lớn trước đây nhưng chính ông là người phác thảo kế hoạch và chọn hướng tấn công chiến lược. Việc chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược của Đại tướng được xem là một quyết định lịch sử.
Tây Nguyên gần với tuyến vận tải chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi trong công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn, địa hình rừng núi tạo thuận lợi cho việc ngụy trang che dấu lực lượng tạo thế bất ngờ.
Tran danh lon nhat cuoc doi Tuong Giap hinh anh 3
Việc chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của tướng Giáp được xem là một quyết định tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chiến thuật nghi binh hiệu quả đã khiến địa điểm chiến lược Buôn Mê Thuột bị đánh tan một cách nhanh chóng tạo nên "hiệu ứng domino" khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên bị sụp đổ hoàn toàn.
Sự thất bại tại Tây Nguyên đã tạo nên một lỗ hỗng lớn trong tuyến phòng ngự của quân lực VNCH. Chiến thắng tại Tây Nguyên đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của VNCH tại miền Nam Việt Nam, dẫn đến sự chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ chỉ trong 55 ngày.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp tục ghi đậm dấu ấn tài chỉ huy quân sự tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch này cho thấy tầm nhìn vĩ mô của một nhà hoạch định chiến lược quân sự lỗi lạc không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Có thể nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là con người của những trận đánh lớn tạo nên những bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh dựng nước-giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng người dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Dân tộc Việt Nam hôm nay và cả những thế hệ mai sau mãi mãi ghi nhớ công lao của người anh hùng giải phóng dân tộc -cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Quốc Việt

Trận chiến nào mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh?

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, và cũng là chiến dịch cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. 
Chính ông, nhân đà thắng trận Buôn Mê Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. 
Bạn có nhớ trận chiến nào mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh?

Trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh của Khu Trung Nam bộ

Cập nhật: 11:02, 10/03/2017 (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Chiến thắng Ngã Sáu (10-3-1975 - 10-3-2017) - trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Khu Trung Nam bộ, chúng tôi đã tìm gặp những cựu chiến binh (CCB) đã từng trực tiếp tham gia trận đánh để ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn của trận đánh lịch sử này.
Cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 8 thăm lại chiến trường xưa - Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu.
Cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 8 thăm lại chiến trường xưa - Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu.
Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 8 bồi hồi nhớ lại: “Chuẩn bị Chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định cho Quân khu 8 được thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên của Khu Trung Nam bộ, lấy phiên hiệu là Sư đoàn Bộ binh 8 (gọi tắt là Sư đoàn). Lúc đó, tôi được điều về làm Chính ủy Sư đoàn. Chưa đầy 1 tháng sau khi thành lập, Sư đoàn tổ chức trận đánh đầu tiên vào chi khu Kinh Quận, nằm trên kinh Dương Văn Dương. Sau 1 tuần chiến đấu liên tục, Sư đoàn đã đánh 29 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 682 tên địch, bắt sống 67 tên, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, phá hủy 1 khẩu pháo 105 mm, thu nhiều vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch. Tiếp theo, Sư đoàn được lệnh hành quân chuyển hướng về hoạt động trên chiến trường Mỹ Tho. Sau khi nghiên cứu địa hình, Sư đoàn được lệnh tấn công chi khu Ngã Sáu.
Nhiệm vụ được giao cho Trung đoàn 24 có sở trường đánh công kiên, Trung đoàn 320 lập trận địa phục kích trên cánh đồng Bằng Lăng nhằm tiêu diệt quân tiếp viện, Trung đoàn 207 đứng chân trên kinh Nguyễn Văn Tiếp B làm thê đội dự bị. Đêm 10 rạng ngày 11-3-1975, Sư đoàn bắt đầu nổ súng tấn công, trận đánh kéo dài 16 ngày đêm liên tục và giành được thắng lợi. Toàn Sư đoàn đã đánh 49 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 744 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Cờ với dòng chữ “Vượt khó, tấn công, băng đồng, dũng mạnh”. Chiến thắng Ngã Sáu là trận đánh mở màn của Sư đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, Sư đoàn được lệnh thọc sâu xuống đường 4, tiến về giải phóng thành phố Mỹ Tho; đồng thời tạo thành mũi vu hồi đánh vào phía Tây Nam Sài Gòn. Lúc này, thông qua hệ thống vô tuyến điện, Sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Hành quân thần tốc, kiên quyết cắt đứt lộ 4 thành nhiều đoạn, kìm chân sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy, không cho chúng tiến quân về thành phố Sài Gòn ứng cứu và chặn đứng không cho tàn quân ngụy từ Sài Gòn chạy về Đồng bằng sông Cửu Long cố thủ”. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, Trung đoàn 320 đã cắt đứt đường 4 thành nhiều đoạn, từ cầu Bến Chùa đến phía Nam thị trấn Tân Hiệp, giữ vững trận địa, không cho địch từ miền Tây lên ứng cứu và không cho tàn quân địch từ Sài Gòn chạy về Đồng bằng sông Cửu Long cố thủ. Kìm chân địch, Trung đoàn 1 Đồng Tháp liên tục tấn công làm tan rã sư đoàn 7 ngụy. Ngày
30-4-1975, với thế đánh chẻ tre, Trung đoàn 320 đánh chiếm ngã ba Trung Lương, buộc 1 tiểu đoàn bảo an phải buông súng đầu hàng; Trung đoàn 1 Đồng Tháp đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm, khu kho Bình Đức. Sáng 1-5-1975, Sư đoàn hợp quân tiến vào giải phóng thành phố Mỹ Tho.
Đại tá Đỗ Thanh Xuân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 8 Anh hùng tự hào: “Hằng năm, mỗi lần ôn lại truyền thống của Sư đoàn, các thế hệ CCB của Sư đoàn đều vô cùng tự hào về trận đánh mở màn của Sư đoàn tiêu diệt chi khu Ngã Sáu. Đây là trận đánh cấp sư đoàn đầu tiên của Khu Trung Nam bộ. Có thể nói, chiến thắng Ngã Sáu là trận đánh then chốt, tạo điều kiện cho Sư đoàn giải phóng thành phố Mỹ Tho và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cứ đến Ngày kỷ niệm Chiến thắng Ngã Sáu 10-3 hằng năm là tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc những đồng đội đã anh dũng hy sinh!...”.
Sư đoàn Bộ binh 8 Anh hùng có nhiều đơn vị trực thuộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Trung đoàn 1 Đồng Tháp, Trung đoàn 320, Trung đoàn 24, Trung đoàn 18, Trung đoàn 157 (2 lần được phong tặng); Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3), Tiểu đoàn Quân y, Tiểu đoàn Thông tin, Tiểu đoàn 261A (Tiểu đoàn Hi-rôn), Đại đội Quân y, Trung đoàn 1, Đại đội 18 súng máy phòng không 12,8 mm, Trung đoàn 3 (1 lần được phong tặng) và là Sư đoàn có nhiều cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Hồ Văn Bé, Nguyễn Văn Đừng, Nguyễn Minh Tua, Nguyễn Minh Dứt, Nguyễn Minh Hồng, Lê Hữu Thời, Mai Văn Ánh, Lê Văn Phích, Hà Kiện Toàn, Hồ Khải Hoàn, Nguyễn Văn Tham, Đoàn Minh Triết (Bảy Đen).
ĐẬU VIẾT HƯƠNG

“Chiến dịch Hồ Chí Minh”: Đỉnh cao trí tuệ và tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam

0 Nguyễn Ngọc (Tổng hợp/Viện lịch sử quân sự BQP)
ANTĐ Sau những thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ngày 1/4, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975.
Đây là một quyết tâm hết sức đúng đắn và kịp thời của Bộ Chính trị, thể hiện trí tuệ của Đảng ta và tư duy quân sự của các tướng lĩnh đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Miền đã họp, quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các giải pháp thực hiện.
Ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập. Tư lệnh là Đại tướng Văn Tiến Dũng (Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam); Chính uỷ - Phạm Hùng (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam).
Căn cứ vào phương châm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định hướng tiến công chủ yếu là Bắc và Tây Bắc, trong đó hướng Tây Bắc là chủ yếu. Hướng Đông và Tây Nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập, quy định các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng đến hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Từ tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch trên đường hành tiến, phá toang các tuyến phòng ngự vòng ngoài, từ xa của địch nhất là cánh quân phía Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, Bà Rịa.
ảnh 1
Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 11h30 ngày 30-4-1975

Ngày 9-4, quân ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc - Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ, đồng thời huy động lực lượng gồm 4 quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn với đầy đủ binh khí, kỹ thuật, hình thành 5 cánh quân theo 5 hướng bao vây Sài Gòn, đợi lệnh đồng loạt tấn công.
Kết hợp với đòn tấn công quân sự, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tổ chức và chỉ đạo kế hoạch nổi dậy của quần chúng phối hợp với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực của ta và thành phố, phong trào nổi dậy của quần chúng ven đô và nội đô cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng chờ dịp vùng lên.
Ngày 26-4, cuộc Tổng tấn công quy mô lớn vào thành phố Sài Gòn bắt đầu. Quân ta đồng loạt nổ súng tiến công mãnh liệt trên toàn mặt trận. Năm cánh quân lớn của ta, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang địa phương và được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân nổi dậy nhất loạt tiền công với sức mạnh vũ bão.
Chỉ trong vài ngày đầu tiên của Chiến dịch, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài, cắt đứt giao thông thuỷ bộ, chặn đường rút chạy ra biển, xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long và siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn, quân địch lúc đó như “cá nằm trong rọ”.
Chiều ngày 28-4, cuộc tập kích sân bay Tân Sơn Nhất lần 2 của không quân ta (lần 1 do đồng chí Nguyễn Thành Trung dẫn dắt, diễn ra vào ngày 8-4) đã phá huỷ nhiều máy bay địch gây cho địch nhiều thiệt hại lớn, cắt đứt chi viện hỏa lực cho quân đội và cắt đứt cầu hàng không duy nhất của địch, không cho chúng chạy ra nước ngoài.
ảnh 2
Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất

Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân ngụy Cao Văn Viên đã chạy thoát khỏi Sài Gòn ngay trong ngày 28-4.
Đêm 28 rạng ngày 29-4, các Binh đoàn chủ lực của ta đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt công kích từ nhiều hướng, tiêu diệt các tập đoàn phòng ngự và các căn cứ phòng ngự cuối cùng của địch ở các căn cứ Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tân An. Diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng quân sự thuộc Quân đoàn 3 ngụy và các lực lượng cơ động còn lại của chúng.
Ngày 30-4, với sự hợp đồng chiến đấu của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động tự vệ ở vùng ven và nội đô kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh của ta đã thần tốc thọc sâu, bỏ qua một số cứ điểm ngoại vi, đánh thẳng vào trung tâm thành phố Sài Gòn.
Lực lượng ta nhanh chóng tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng, đã được phân công trong thành phố Sài Gòn - Gia Định như: Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu ngụy và khu cảng Bạch Đằng.
10 giờ ngày 30-4, trung đoàn 66 bộ binh, cùng với xe tăng của lữ đoàn 203 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công thọc sâu, đập tan toàn bộ lực lượng phòng ngự của quân ngụy vượt qua sông Sài Gòn.
ảnh 3
Quân ta đánh chiếm Bộ quốc phòng và Bộ tổng tham mưu ngụy

10 giờ 45 phút cùng ngày, quân ta chiếm Dinh Độc Lập (Phủ Tổng thống ngụy) giữa lúc ngụy quyền Sài Gòn đang họp các Tổng trưởng để ra mắt “tân nội các”. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trên đà chiến thắng, từ ngày 30-4, đồng bào và chiến sỹ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại.
Lần lượt Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Long An, Hậu Nghĩa, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến tre, Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đã đứng lên giành quyền làm chủ. Ngày 1-5-1975, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30-4, các chiến sỹ yêu nước bị địch giam giữ ở Côn Đảo đã nổi dậy, làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2-5, Quân giải phóng phối hợp với nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. 
ảnh 4
Nhân dân Sài Gòn nô nức đổ ra đường đón Quân giải phóng

Trước đó, trong tháng 4/1975, quân ta giải phóng các đảo dọc bờ biển trung Trung bộ và nam Trung bộ. Trong quần đảo Trường Sa, Quân ta tiến công và giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ như: đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang. 
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tính từ ngày 9-4 đến ngày 30-4), quân và dân ta đã tiêu diệt, làm tan rã hơn 40 vạn tên địch, gồm 10 sư đoàn quân chủ lực và tổng động viên, 12 chiến đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn không quân, đánh sập toàn bộ ngụy quyền trung ương và địa phương gồm 22 vạn tên, giải phóng Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) và toàn bộ các tỉnh còn lại, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. 

Tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh

(Kiến Thức) - Để tập trung cho chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã huy động lực lượng lên tới 25 vạn người biên chế trong 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh….

* Ngày 8/4/1975, tại Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập với thành phần: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính uỷ: Phạm Hùng, các Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, sau đó bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Các thành viên dự hội nghị đã nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho lấy tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thay cho tên gọi "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định". Ngày 14/4, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam gửi bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, quân VNCH rệu rã lùi dần về Sài Gòn tiếp tục thực hiện mưu mô phòng thủ ở các vị trí cửa ngõ. Trong khi đó, tình hình chính trị bên trong thành phố Sài Gòn hết sức rối ren. Lúc này ta xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn.
Lực lượng ta và địch ngang nhau
Tại thời điểm này quân VNCH có 5 sư đoàn bộ binh: 22, 25, 5, 18 và sư đoàn thủy quân lục chiến; 2 lữ đoàn dù số 1, 4; lữ 3 kỵ binh thiết giáp; 4 liên đoàn biệt động quân, bảo an và các đơn vị khác. Tổng cộng chúng có 240.000 quân, 625 xe tăng thiết giáp (gồm các xe M113, M41 và M48) và 400 khẩu pháo các loại…
Tuong quan luc luong trong chien dich Ho Chi Minh
 Pháo 130mm được sử dụng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Wikipedia
Để thực hiện thành công việc giải phóng Sài Gòn – Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) về lực lượng chủ lực ta đã tập trung được khoảng 250.000 quân với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh (được tổ chức thành 5 quân đoàn và tương đương) cùng với một khối lượng vũ khí, trang bị, phương tiện rất lớn như: pháo binh 516 khẩu (pháo 130/122/105mm), pháo cao xạ 550 khẩu (gồm các loại súng máy 12,7mm, pháo 37/57mm) , 320 xe tăng (các loại T-54, T-59, PT-85), thiết giáp (BTR-60PB, K63) và một khối lượng vật chất bảo đảm tới gần 60.000 tấn...
Nhìn chung về quân số thì ta và địch là ngang ngửa nhau, về vũ khí VNCH có nhỉnh hơn một chút về xe tăng và đặc biệt là chúng còn lực lượng không quân rất mạnh (dù đã bị tổn hại ít nhiều). Thế nhưng, choáng ngợp trước bước tiến thần tốc của quân giải phóng, binh lính VNCH lúc này rệu rã tinh thần, không còn ý chí chiến đấu, không ít chỉ huy bỏ trốn. Vì vậy, dù quân đông, vũ khí mạnh, địch nhanh chóng bị quân giải phóng đè bẹp hoàn toàn.
Đòn quyết định
Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức diễn ra lúc 17 giờ ngày 26/4, liên tiếp trong hai ngày 27 và 28/4, các đòn tiến công quân sự đã đánh thiệt hại nặng: Sư đoàn 22, cắt Đường 4 ở Tân An – Bến Lức; Sư đoàn 18 và Thiết đoàn 3 quân Việt Nam cộng hòa ở Trảng Bom – Biên Hòa; sư đoàn thủy quân lực chiến ở Long Bình và Lữ dù 1 ở Bà Rịa.
Tuong quan luc luong trong chien dich Ho Chi Minh-Hinh-2
 Binh lính VNCH vứt hết mũ áo giày dép trên đường tháo chạy. Ảnh: TL
Ngày 29/4, đòn quân sự đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ dù, Lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Cùng ngày, các binh đoàn cơ giới hóa thọc sâu đã tiêu diệt sư đoàn biệt động quân mới thành lập, các liên đoàn bảo an của tuyến giữa phòng ngự vùng ven và nhanh chóng vào vùng sát thành phố như Vĩnh Lộc, Bà Hom, Bà Quẹo, Lái Thiêu, cầu Đồng Nai...
Ngày 30/4, các đơn vị chủ lực tiếp tục đập tan các đơn vị còn lại của địch ở ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Thủ Đức, cổng số 1 Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bình Phước, Bình Triệu, cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc… Các binh đoàn thọc sâu nhanh chóng chiếm các mục tiêu chiến lược, bắt toàn bộ nội các của địch, buộc Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
Phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực vào sào huyệt cuối cùng của địch, Quân khu 7, thành ủy, thành đội Sài Gòn - Gia Định đã đưa 1.700 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện nội thành và ngoại thành, thâm nhập các xí nghiệp, công sở, trường học, các đoàn thể xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy, tiếp lương thực, thực phẩm cho bộ đội khi các cánh chủ lực đánh vào nội đô. Thành ủy, thành đội cũng cử hàng trăm chiến sỹ biệt động, tự vệ thành ra ngoại ô dẫn đường cho các cánh quân tiến công vào mục tiêu then chốt như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Nha cảnh sát đô thành… Các đoàn đặc công, các đội biệt động của Miền, Quân khu 7 và thành đội Sài Gòn hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ của thành phố lúc này có: 1 lữ đoàn, 8 trung đoàn, 5 tiểu đoàn và nhiều đại đội cùng với hơn 4.000 du kích có nhiệm vụ chủ động tổ chức tập kích các sân bay, bến cảng, kho tàng, trận địa hỏa lực, phát động nhân dân nổi dậy diệt các đồn, bốt nhỏ lẻ, mở rộng địa bàn đứng chân, đánh chiếm và giữ các đầu cầu. Các lực lượng tại chỗ đã đánh chiếm hơn 100 mục tiêu lớn nhỏ; chiếm 13 cầu, giữ 10 cầu bảo đảm cho binh đoàn chủ lực qua sông; chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng … Khi 5 cánh quân của các binh đoàn chủ lực tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, các lực lượng này đảm nhiệm việc dẫn đường và làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Tuong quan luc luong trong chien dich Ho Chi Minh-Hinh-3
 Xe tăng 390 húc đổ cánh cánh Dinh Độc Lập - hình ảnh đi vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm dân tộc Việt Nam. Ảnh TL
Sự phối hợp giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã lên tới cao trào với 107 điểm quần chúng nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành và 76 điểm ở ngoại thành; trong đó, 32 điểm diễn ra trong ngày 29 tháng 4 và 75 điểm trong ngày 30 tháng 4).
Lực lượng quần chúng ở ngoại thành dựa vào áp lực đánh lướt qua của các binh đoàn chủ lực và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tại chỗ đã xông vào phá hủy các đồn, bốt, làm công tác binh vận, chiếm nhiều trụ sở xã, ấp; chiếm trụ sở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Thủ Đức; thu các giấy tờ, hồ sơ hạ cờ của chính quyền VNCH, treo cờ ta. Lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng nhân dân đã chiếm nhiều cơ sở kinh tế, quân sự, chính trị cử đại diện chính quyền cách mạng, tham gia giải phóng các huyện ngoại thành.
Ở nội thành, khi các cánh quân chủ lực tiến vào thì quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ đã nổi dậy, đánh chiếm đồn, bốt, treo cờ, vận động – uy hiếp làm tan rã bọn cảnh sát, dân vệ, chiếm trụ sở khóm, phường, cơ quan hành chính quận. Nhờ có sự nổi dậy của quần chúng và lực lượng vũ trang tại chỗ đến chiều ngày 30/4 ta đã cơ bản làm chủ và kiểm soát tất cả các huyện, quận, xã, phường của thành phố Sài Gòn – Gia Định.
Như vậy, chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành với các đòn tiến công quân sự mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực, đã tạo ra động lực và thời cơ để các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đồng thời, hoạt động rộng khắp của các lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân lại tạo ra thế và lực cho các binh đoàn chủ lực tác chiến. Hành động phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã có tác dụng rất to lớn hỗ trợ cho các đòn tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường…, ở trong nước các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, kinh tế, về dân chủ, nhân quyền, tự do, tôn giáo, tiến hành các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”…, tranh chấp trên biển Đông, xung đột lợi ích giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (nếu chiến tranh xảy ra), những bài học về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật kết hợp giữa tiến công của binh đoàn chủ lực với nổi dậy quần chúng nhân dân; nghệ thuật phối hợp tác chiến của ba thứ quân, lấy đòn tác chiến của binh đoàn chủ lực làm trung tâm vẫn còn nguyên giá trị.
Tuong quan luc luong trong chien dich Ho Chi Minh-Hinh-4
 Xe tăng quân giải phóng thuộc 5 mũi tiến công tập kết về Dinh Độc Lập.
Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân VNCH tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Kết quả của chiến dịch, ta tiêu diệt quân đoàn 3 và toàn bộ các lực lượng tăng cường, diệt và làm tan rã quân đoàn 4 cùng tất cả các lực lượng địch còn lại trên chiến trường; giải phóng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, đòn quyết định làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đại Dương

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (1)

(Kiến Thức) - Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, người Mỹ bắt đầu tính đến chuyện di tản khỏi miền Nam. 

Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, người Mỹ bắt đầu tính đến chuyện di tản khỏi miền Nam. Đây là kế hoạch tuyệt mật đã được chuẩn bị từ trước, nhưng quá trình thực hiện không giống trong kịch bản. Thực tế, những lộn xộn từ mặt trái của công tác tuyên truyền đã trở thành cuộc rút chạy chưa từng có của hơn 1 triệu người. Hơn 40 năm qua đi, chuyện di tản của người Mỹ ở Nam Việt Nam vẫn là những ẩn số và sẽ được giải mã trong loạt bài sau đây của Báo Kiến Thức.
Kỳ 1: Ngày suy tàn đến gần
Mỹ cố đấm ăn xôi
Thi hành Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải rút hết quân về nước. Thế nhưng, để hà hơi tiếp sức cho chính quyền VNCH, trước khi rút quân ra, Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và rất nhiều tàu chiến, dự kiến đưa thêm một số lớn binh khí kỹ thuật, tăng dự trữ vật tư chiến tranh của VNCH lên mức tương đối cao, gần 2 triệu tấn.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (1)
Trong ảnh, Đại sứ Martin (ngồi bên trái), Tổng thống Ford (ngồi ghế góc dưới phải), tướng Weyand (ngồi giữa) và Ngoại trưởng Kissinger tại phòng bầu dục Nhà Trắng ngày 25/3/1975. Nguồn ảnh: Wikipedia
Để vận hành các phương tiện khí tài đặc chủng, bảo quản trang bị chiến tranh tiên tiến ở các lĩnh vực của hoạt động quân sự, cần phải có lượng lớn kỹ thuật viên phục vụ mà quân VNCH không làm được. Để giải quyết bài toán này, Lầu Năm Góc có kế hoạch thay bằng những cố vấn gọi là dân sự trên cơ sở thuê theo hợp đồng. Lầu Năm Góc muốn dùng những công dân không phải là người Mỹ, nhưng không thể và cuối cùng lại buộc phải dựa nhiều vào nhân viên quân sự Mỹ trước kia. Cũng theo điều khoản của Hiệp định Paris, Mỹ phải giải tán Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Sài Gòn (MACV). Thế nhưng, để hợp thức hóa sự tồn tại của nó, Mỹ đã thiết lập một cơ quan tùy viên quốc phòng (DAO) gồm 50 sĩ quan cộng với 1.200 dân sự Mỹ mà số đông là những sĩ quan có kinh nghiệm ở Việt Nam đã về hưu.
Vì đã vi phạm tinh thần và điều khoản của Hiệp định, nên cơ quan DAO của Mỹ ở Nam Việt Nam hoạt động kín đáo và số lượng nhân viên của DAO cũng không rõ ràng. Đầu tiên, Lầu Năm Góc bào cáo con số dự định là 10.000, nhưng sau đó thì họ thừa nhận có 7.200 nhân viên dân sự, khoảng 1.000 là nhân viên cơ quan phát triển quốc tế (AID). Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thì tố cáo Mỹ có từ 10.000 đến 20.000 người. Trước áp lực của dư luận và sự đấu tranh thẳng thắn của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương, Lầu Năm Góc thừa nhận đã thuê hơn 23.000 nhân viên qua hợp đồng, trong đó có hơn 5.000 là người Mỹ.
Trong thực tế, vì đã chót “dựng” ở Nam Việt Nam một chính phủ bù nhìn, tham nhũng, buôn lậu, tranh dành quyền lực, phản động nên ở thời điểm đó, số lượng người Mỹ làm nhiệm vụ giúp đỡ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu còn cao hơn con số thật rất nhiều. Bởi lúc này, khi sự hiện diện quân sự của Mỹ, sức mạnh răn đe chính không còn, khi mà các gói viện trợ cho Thiệu ngày càng bị Quốc hội Mỹ kiểm soát gắt gao thì việc hiển diện những nhân viên quân sự đội nốt dân sự của Mỹ trong hoàn cảnh đó là hết sức cần thiết. Nó được xem là liều thuốc “tình cảm”, an ủi bộ máy chính quyền Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và cũng ngầm nói với các nước rằng, Mỹ không hề bỏ rơi đồng minh.
Nhưng cho dù Mỹ có “cố đấm ăn xôi”, dùng nhiều cách khác nhau để ủng hộ Thiệu đi chăng nữa thì “ngày suy tàn” ở Nam Việt Nam vẫn cứ đến rất gần. Nguyên nhân là vì bị cắt viện trợ và đặc biệt là do cả Mỹ và Ngụy không phán đoán đúng ý đồ tác chiến chiến lược của Hà Nội, nên bố trí lực lượng “phòng thủ” sai và bị vỡ trận thảm bại, buộc phải rút chạy, rời khỏi Nam Việt Nam trước ngày 30/4/1975. Chính việc đưa nhiều nhân viên Mỹ đến giúp đỡ chính quyền Thiệu đã khiến cho chiến dịch di tản trở thành một thảm kịch, một vết nhơ khó có thể gột rửa trong lịch sử quân đội Mỹ.
Phán đoán sai
Trong hai ngày 9 và 10/12/1973, Chính phủ Sài Gòn tổ chức một hội nghị quan trọng dưới sự chủ trì của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhằm tìm hiểu ý đồ của Hà Nội. Sau hội nghị, Thiệu và các sĩ quan của ông ta thống nhất nhận định rằng, những tháng sắp tới, quân Giải phóng sẽ mở cuộc tiến công quan trọng hơn năm 1974, nhưng chưa lớn bằng cuộc tiến công năm 1968 (đúng như tin do CIA phân tích trước đó không lâu). Từ đây Thiệu kết luận rằng, quân đội Bắc Việt Nam không thể đánh chiếm và giữ những thành phố quan trọng dài ngày. Họ sẽ nhằm hướng Quân khu III, đánh Tây Ninh là chủ yếu (dự đoán của Đại sứ Martin) và họ chỉ tiếp tục tiến công cho đến tháng 6, hết mùa khô. Sau đó, họ ngừng để lấy lại sức và củng cố. Căn cứ vào sự phân tích trên, Thiệu quyết định không gửi quân tiếp viện cho Quân đoàn 2 ở Tây Nguyên, mà trái lại tập trung lực lượng dự trữ ở phía Nam đất nước.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (1)-Hinh-2
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm một đơn vị Biệt động quân. Nguồn ảnh tư liệu 
Từ ngày 13/12/1974, quân Giải phóng mở chiến dịch Đông – Xuân, đánh chiếm hai thị xã phía Đông - Bắc Sài Gòn ở Phước Long. Tại phía Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, quân Giải phóng chiếm nhiều vị trí tiền tiêu ven đường số 4. Frank Snepp, một nhân viên CIA kỳ cựu, đột nốt hoạt động ngoại giao dưới quyền của Đại sứ Martin ngày đó đã kể lại trong cuốn “The Decent Interval” (Cuộc tháo chạy tán loạn) rằng: Sau khi phân tích tình hình, mọi người ở sứ quán Mỹ cùng nhận định, quân Giải phóng sẽ chọn một số mục tiêu chung, nhưng không đồng ý với nhau về mục tiêu phụ. Martin, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho là, quân Giải phóng sẽ đánh Tây Ninh, còn Polgar và Frank Snepp ngã về phía Phước Long, phía Tây Bắc Sài Gòn.
Ngày 6/1/1975, quân Giải phóng làm chủ thị xã Phước Long. Đây là đòn đau đối với chính quyền Thiệu vì chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Chưa hết, sau đó khoảng 5 ngày, núi Bà Đen, một điểm cao ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh bị thất thủ đã càng làm cho Thiệu và CIA tin rằng, thời gian tới, quân Giải phóng sẽ đánh Tây Ninh, cô lập Sài Gòn.
Thêm một tình tiết nữa khiến cho nhận định trên của CIA và Thiệu khả thi hơn khi vào cuối tháng 12/1975, Đại tướng Viktor Kulikov, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô đã bay đến Hà Nội. 2 nhân viên CIA là Polgar và Frank Snepp cho rằng, sau cuộc viếng thăm này Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch lớn, tương tự như cách làm sau cuộc viếng thăm của một vị tướng Liên Xô năm 1971 trước đây. Tuy nhiên, những nhận định của Polgar và Frank Snepp không được CIA và Bộ Ngoại giao ở Washington chấp nhận. Họ cho rằng, Kulikov chỉ viếng thăm thường lệ. Tuy nhiên, sau khi Kulikov đến thăm Việt Nam không lâu, qua theo dõi thông tin, Polgar và Frank Snepp lại nhận thấy, khối lượng thiết bị quân sự Liên Xô chở bằng đường biển tới Bắc Việt Nam tăng gấp bốn lần so với trước đây. Điều này giúp họ sơ bộ kết luận, Moscow đã ủng hộ hết mức cho cuộc tiến công cuối cùng của Hà Nội. Như vậy, việc Hà Nội sẽ đánh chiếm Tây Ninh là rất khả thi.
Thế nhưng, “ngày suy tàn” đến với VNCH và những người Mỹ ở Nam Việt Nam không phải đến từ Tây Ninh như cả Đại sứ Martin, Thiệu và CIA nhận định mà lại đến từ một nơi rất xa Sài Gòn, đó là một thị xã ở cao Nguyên có tên Buôn Mê Thuật.
Đại Dương

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (2)

(Kiến Thức) - Mặc dù chưa xong Chiến dịch Tây Nguyên, trước nguy cơ Huế và Đà Nẵng thất thủ, người Mỹ bắt đầu rút chạy khỏi những vùng đất này về Nha Trang, Sài Gòn. 

Trước cảnh tượng rút đi vội vã, sợ sệt, không kèn không trống, nhiều nhà bình luận chính trị đã khôi hài gọi, đó là cuộc “tập rượt” của các công dân cường quốc thế giới.
Kỳ 2: “Tập rượt”
Bão lửa
Ngày 9/3, quân Giải phóng đã triển khai lực lượng cài xong thế chiến lược và chiến dịch, đã chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.
Đúng 2 giờ sáng ngày 10/3, bộ đội đặc công Giải phóng nổ súng đánh sân bay Hoà Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Cùng lúc, các loại pháo, hoả tiễn giội bão lửa vào Sư đoàn bộ 23 VNCH và kéo dài từng loạt đến 6 giờ 30 phút, làm rối loạn và tê hệt cơ quan đầu não địch. Chỉ trong vòng một giờ, bộ đội đặc công đã chiếm phần lớn sân bay thị xã, phá huỷ trong nháy mắt 7 máy bay địch, chiếm một góc sân bay Hoà Bình và toàn bộ kho Mai Hắc Đế. Lợi dụng tiếng pháo gầm, tiếng súng nổ, các loại xe kéo pháo bắn thẳng, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, ôtô chở bộ binh của ta từ các phía ào ào tiến về hướng thị xã. Có đơn vị xe tăng của ta cách Buôn Ma Thuột 40km phải băng qua các vật chướng ngại, bỏ qua các đồn bốt địch dọc đường, ầm ầm tiến thẳng về thị xã. Trên dòng sông Sêrêpốc hung dữ, những chiếc phà hiện đại được lắp ghép rất nhanh, xe tăng, xe bọc thép, pháo cao xạ, pháo cơ giới nối đuôi nhau qua phà. Cả núi rừng Tây Nguyên chuyển động trong bão lửa.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (2)
Cờ hiệu của sư đoàn 23 QLVNCH tại QK2 bị quân giải phóng tịch thu. 
Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, phó tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Đại tướng Văn Tiến Dũng kể trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” rằng, Quang đã khai rõ việc quân Giải phóng đánh Buôn Ma Thuột là nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu và của Mỹ. Bởi sau trận Phước Long, Mỹ-Ngụy nhận định, Việt Cộng chỉ có thể đánh một số thị xã nhỏ như An Lộc, Gia Nghĩa, còn thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tây Ninh chưa đánh được. Đến khi Buôn Ma Thuột bị tiến công, Mỹ và Ngụy vẫn cho rằng đây chỉ là nghi binh để đánh Gia Nghĩa. Tiếp đó, Quang hiến kế cho quân Giải phóng đánh Nha Trang, Cam Ranh vì phòng thủ ở nơi đây rất mỏng và tinh thần binh sĩ ngụy đang rất hoang mang.
Sau khi phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuật nhưng bị thất bại tại Phước An-Nông Trại-Chư Cúc, địch bắt đầu rút bỏ Tây Nguyên. Ngay lập tức, đêm 16/3/1975, quân Giải phóng tổ chức lực lượng truy kích địch trên đường 7 và bắt được Đại tá nguỵ Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc Quân khu 2. Tất khai, chiều 14/3, trong một cuộc họp tại Cam Ranh, sau khi nắm tình hình, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường 7 để bảo toàn lực lượng, giữ đồng bằng ven biển.
Sáng 15/3, Phú và Bộ Tham mưu chính của Quân đoàn 2 rút bằng máy bay về Nha Trang lấy lý do là để thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy tác chiến lấy lại Buôn Ma Thuột. Những đơn vị chuyên môn rút về Phú Bổn mang theo gia đình, người thân nên lộ bí mật, khiến sĩ quan, binh lính khiếp sợ và gia đình họ ùn ùn kéo vào sân bay, tranh nhau lên máy bay, gây nên sự hỗn loạn. Người nào không vào được sân bay thì dùng đủ các loại xe chạy về Phú Bổn. Đường sá tắc nghẽn, quân lính tranh nhau đường đi, chửi bới, đánh nhau ầm ĩ, gây thêm nhiều cảnh hỗn loạn trên đường. Ngày 16/3, khi đoàn di tản đến Phú Bổn thì mệt mỏi, chán chường quá nên không đi nữa. Giao thông trong thị xã bị tắc nghẽn vì lính dồn về đông. Binh lính bắt đầu phá phách, cướp bóc trong phố, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Khi quân Giải phóng tiến vào chiếm Phú Bổn. Phú ra lệnh cho binh sĩ bỏ hết vũ khí nặng và quân dụng, chạy khỏi Phú Bổn.
Hoảng loạn ở Pleiku
Khi những thành phố nối tiếp nhau rơi vào tay quân giải phóng, thì các phi công Air American chỉ còn rút lại một nhiệm vụ chính là thực hiện các chuyến bay di tản và đó là những điệp vụ vô cùng căng thẳng.
"Cuộc di tản diễn ra trong sự hoảng loạn” – phi công Air American Art Kenyon kể lại: “Đám đông hoàn toàn hoảng loạn và mất hết kiểm soát. Chúng tôi phải kéo thang dây lên, đóng cửa những chiếc C-46 của chúng tôi lại và mọi người bắt đầu công kênh nhau leo lên cánh máy bay, đập cửa để đòi chúng tôi cho họ vào bên trong máy bay.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (2)-Hinh-2
Chạy khỏi Pleiku, đăng trên báo Chính Luận, Sài Gòn, ngày 18/3/1975. 
Một lần, chúng tôi kéo cầu thang máy bay lên và cho ngừng hoạt động một động cơ của máy bay, bởi vì chúng tôi không muốn phí thì giờ. Luôn có một khả năng rằng ắc quy của bạn cạn kiệt và bạn phải luôn có một động cơ khác sẵn sàng khởi động. Chúng tôi ngừng động cơ bên trái máy bay trong khi những hành khách đang lên máy bay.
Khi đó có khoảng 9 người đang treo lủng lẳng dưới cánh của máy bay và một nhóm khác tụm lại ở chỗ động cơ bên trái. Bạn có thể khởi động động cơ của một chiếc C-46 bằng cách xoay cánh quạt phía trước cánh một chút và tôi đã làm vậy. Tôi ló đầu ra khỏi cửa máy bay và quan sát. Tôi hơi đẩy cánh quạt dẫn hướng của máy bay khoảng một hai bộ để nếu nó có quệt vào ai đó thì cũng không khiến cho người ta bị thương. Họ có thể nhìn thấy nó chuyển động và cảm thấy sự nguy hiểm. Tôi tăng sức quay của cánh quạt lên 3 bộ (khoảng hơn 30 cm-ND), rồi 6 bộ và những người trên cánh máy bay dạt ra và tôi bắt đầu khởi động động cơ. Rồi chúng tôi đẩy tất cả những người này xuống khỏi cánh máy bay".
Các phi công thường chờ cho đến khi máy bay đầy ứ người, nặng đến hết mức có thể rồi mới cất cánh. Theo lý thuyết, một chiếc C-46 có thể chở được 51 người, nhưng một phi công của Air American, trong những ngày ấy khi cất cánh khỏi Pleiku đã mang theo anh ta 142 quân nhân trang bị đầy đủ vũ khí và nó cần phải bay tới 90 dặm để có thể lên tới độ cao khoảng 1.000 bộ (khoảng hơn 300m). Tải trọng tối đa cho một chiếc C-46 vào khoảng 46.000 pound, nhưng sau chuyến bay này, các phi công ước tính rằng họ đã chuyên chở một trọng lượng nặng tới 57.000 pound. Còn những chiếc C-47, thông thường chở khoảng 30 người thì trong những ngày ấy thường xuyên phải chở tới 80 người. Riêng loại máy bay vận tải hạng nặng DC-6 của Air American thì đã ghi nhận được là có chuyến chở tới 340 người.
"Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng trên con đường dẫn ra khỏi Pleiku" - Fred Anderson, một phi công của Air American nhớ lại. "Cả một khối người đen đặc di chuyển trên đường, mang vác theo tất cả những gì mà họ có thể mang vác được. Có lẽ có hàng ngàn người chết mỗi ngày trong cái cảnh tượng hỗn loạn đó".
Đấy là thời gian mà sự căng thẳng thần kinh luôn chế ngự tất cả. Những người di tản tụ tập tấn công các máy bay, bắn chỉ thiên, trong khi những binh sĩ quân đội Sài Gòn trong tình trạng thất vọng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. "Tất cả những phát súng bắn vào chúng tôi trong những ngày Pleiku sụp đổ đều là do quân Nam Việt Nam bắn” - Wayne Lannin, một phi công khác của Air American kể lại. “Tràn ngập một không khí thất vọng và vỡ mộng. Tất cả mọi người đều ở trong tình trạng bị kích động, họ chỉ muốn thoát ra khỏi vùng chiến sự càng nhanh càng tốt và không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì. Đó là một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, khi con người bị hạ xuống đến mức thấp nhất về nhân cách".
Đại Dương

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (3)

(Kiến Thức) - Khi Đà Nẵng bị đe dọa thì Mỹ dùng máy bay các loại và 3 chiếc tàu lớn cùng sà lan để di tản người vào Sài Gòn và Cam Ranh. 

Cảnh tượng bi thảm này đã đã được ví như cuộc chốn chạy khỏi địa ngục. Đã có khoảng 60 nghìn người di tản bằng đường biển, trong đó có 16 nghìn lính VNCH. Tổng 4 sư đoàn, trong đó có sư đoàn lính thủy đánh bộ, sư đoàn thiện chiến nhất của Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu 1 đã không còn là đơn vị chiến đấu.
Kỳ 3: Cảng Đà Nẵng, ngày bi thảm
Bỏ Đà Nẵng
Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quân đoàn 2 và Khu 5 quân giải phóng đột kích vào Đà Nẵng. Việc này đã khiến cho người Mỹ phải vội vã rời bỏ về Sài Gòn. Kế hoạch rút chạy do CIA khởi thảo đã không thực hiện được vì thiếu máy bay và họ phải di chuyển bằng tàu biển, với những cảnh tượng hãi hùng.
Ngày 25/3, Frank Snepp, nhân viên CIA kỳ cựu hoạt động dưới quyền của Đại sứ Martin kể lại trong cuốn “The Decent Interval” viết báo cáo gửi về trung tâm. Anh ta ghi: Tám tỉnh đã mất trong ba tuần qua, bốn tỉnh khác đang bị uy hiếp. Hơn một triệu người không có nhà ở. Họ trở thành một gánh nặng không tính nổi cho nền kinh tế... ở Đà Nẵng, quân đội Nam Việt Nam đi chân đất, không vũ khí, gào khóc hò hét giữa phố, bất chấp người đi lại. Chúng tập họp thành từng nhóm trên vỉa hè, cầm tay nhau, đằng sau đôi mắt thất thần là nguy cơ hãm hiếp, đốt, cướp, phá phách.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (3)
Những người di tản bằng thuyền cuối cùng đang bám trên dù hàng để được cẩu lên tàu S.S Pioneer Contender ở ngoài bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng. 
Trước tình huống bi đát ấy, ngày 25/3, Tướng Smith cho 5 tàu kéo rơ-moóc, sáu tàu chở khách và ba tàu chở hàng ra Đà Nẵng để giúp tản cư người tị nạn. Trước đó, Al Francis ra lệnh gia đình các nhân viên lãnh sự quán người Mỹ làm theo hợp đồng và những người Mỹ ở rải rác trong thành phố phải tản cư ngay về Sài Gòn. Ngày 26, hàng trăm sĩ quan Nam Việt Nam xông vào những sứ quán, đòi giúp đỡ gia đình họ tản cư. Nhiều người Mỹ buộc phải đẩy vợ con họ trà trộn với những người giúp việc sắp đi Cam Ranh hay Sài Gòn. Máy bay 727 của hãng Hàng không thế giới, máy bay lên thẳng và máy bay vận tải C.47 của hãng Hàng không Mỹ bay đi, bay về cả ngày. Mỗi lần cầu thang hạ xuống, hàng trăm người Việt Nam xô tới, một tay cầm tấm vé quý giá, tay kia dắt con, bế lợn, ôm gà...
Sáng 26/3, 12 viên chức bộ ngoại giao, cơ quan thông tin và Chi nhánh CIA làm việc trong lãnh sự quán Mỹ ở Tuy Hòa cũng thu xếp hành lý để bay đi Nha Trang về Sài Gòn. Trưa 27, các phòng làm việc của CIA, gần lãnh sự quán ở Đà Nẵng, người Việt Nam chờ tản cư tăng lên tăng lên khủng khiếp. Mỗi máy bay có thể chở ba trăm người nhưng cùng lúc ấy thì ba trăm người khác đã vượt rào thế chỗ, mong mỏi người Mỹ cứu họ.
Frank Snepp tả lại chi tiết sự việc tản cư về Sài Gòn của những nhân viên CIA tại Đà Nẵng: “Khoảng một giờ rưỡi sáng ngày 28/3, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Ron Howard, nhân viên của CIA đã nói chuyện được bằng radio với Custer. Howard cố giữ bình tĩnh để trình bày rõ tình hình: Người Việt Nam phá xe, cướp của cải, đốt kho... Anh nghe thấy tiếng nói của Custer giật giọng như tiếng gươm: Nên bình tĩnh. Rời trụ sở, ra bờ biển, cho ca nô xuống nước. Howard vừa khóc vừa cố làm cho Custer hiểu anh không ra được, đang bị bao vây. 
Bi thảm
Ngày 28/3, ngoài bến tàu, dòng người sợ hãi đã đông nghịt. Những tấm gỗ xám, lâu đời kêu răng rắc dưới sức nặng của hàng nghìn người Việt Nam. Họ chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là chuyến đi cuối cùng. Chung quanh mỗi cột cầu tàu, thuyền và tàu kéo đậu thành ba hàng, chở người tị nạn đứng ngồi như nhét khoai tây.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (3)-Hinh-2
 Di tản khỏi Đà Nẵng trong hỗn loạn.
Khoáng 4 giờ sáng, Francis, Trưởng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng báo cho nhóm 30 người Mỹ, những người Việt Nam và người nước ngoài khác đang tình hình rất xấu, buộc tản cư ngay lập tức. Một số người trong nhóm đi lẫn lộn vào đám đông, tới sân bay nhỏ ở bên kia đường dành cho máy bay lên thẳng của ủy ban quốc tế kiểm soát.
Khi máy bay 727 đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh, một đoàn xe quân sự chở gia đình, binh lính Việt Nam đến đỗ ở đường băng và cho người xuống. Tức thì, năm nghìn người Việt Nam khác, kiên nhẫn chờ ngoài cửa, chạy ập tới máy bay, dẫm lên cả đàn bà, trẻ con. Khi máy bay lăn bánh, rất nhiều tay người còn bám lấy cửa máy bay chưa đóng. Hàng chục người còn bị treo lơ lửng khi máy bay rời đường băng.
Quá trưa ngày 28/3, sư đoàn 3 Nam Việt Nam đóng ở phía Tây Nam Đà Nẵng tan rã nhanh. Trên tàu Contender, 15.000 lính Nam Việt Nam chen chúc ở mặt boong, một số đánh nhau, một số bắn những người dân đứng lẫn với họ. Lính Nam Việt Nam giết những người nghi là Việt cộng, nhưng thực tế đó là lính và dân đánh nhau đến chết để tranh một chỗ ở boong dưới. Lính Nam Việt Nam muốn đi Philippines và đã nhốt thuyền trưởng trong ca bin. Sau khi được 35 người tị nạn Mỹ ở gần buồng lái giải cứu, người thuyền trưởng nói: Ở Sài Gòn, không một ai trong chúng tôi có ý niệm gì về sự khổ cực của các bạn đồng nghiệp ở Quân khu I. Suốt buổi chiều, tàu Contender vẫn tiếp nhận người tản cư. Những thuyền, xuồng áp mạn tàu đến đâu thì trên tàu lại thả thang và cho cầu xuống đến đấy. Những người tị nạn mạo hiểm trèo lên boong. Nhiều người, nhất là người già và trẻ em, trượt chân ngã xuống biển, bị thuyền buồm nhận chìm hoặc sóng cuốn đi. Thuyền, xuồng cũng bị sóng vỗ va vào tàu.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (3)-Hinh-3
 Binh lính VNCH cùng người dân Đà Nẵng chen lấn xô đẩy thậm chí bắn lẫn nhau để kiếm được một chỗ trên tàu di tản.
Ở sở chỉ huy của Ngô Quang Trưởng, phần lớn bộ tham mưu đã đào ngũ. Ba người phương Tây giúp ông ta đốt tài liệu rồi cùng lên máy bay lên thẳng của Trưởng bay về bộ tư lệnh hải quân Việt Nam, đặt trên một bán đảo ở gần bến lớn cảng Đà Nẵng. Sáng 29/3, tướng Ngô Quang Trưởng phải bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiềm ở ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Đằng xa, những người lính còn lại của các sư đoàn mà ông ta từng tự hào, đang cướp phá, đốt thành phố thứ hai của Nam Việt Nam. Trong số hai triệu người còn lại ở Đà Nẵng, một trăm nghìn người là binh lính đào ngũ thuộc các sư đoàn thứ nhất, thứ nhì và thứ ba và sư đoàn lính thủy đánh bộ, tất cả đều bị bao vây như đàn chuột. Chúng sẵn sàng phản bội, ăn cướp, giết người để khỏi sa vào vực thẳm và để cứu gia đình.
Ngày 29/3, Tổng thống Ford báo cho Quốc hội biết bốn tàu vận tải của Hải quân Mỹ và nhiều tàu đi thuê khác đang tiến về vùng biển Nam Việt Nam để tham gia vào việc tản cư, Ford coi công việc này hoàn toàn “có tính nhân đạo". Tàu đậu bên ngoài khu vực có những trận đánh. Ở Sài Gòn, sứ quán cũng đồng thời báo tin tổ chức một cầu hàng không cấp tốc, bằng những máy bay mới chở dụng cụ y tế và thiết bị quân sự từ Mỹ sang.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (3)-Hinh-4
 
Chiều ngày 31, 6 tàu Việt Nam và Mỹ lại quay lại Đà Nẵng để đón người tị nạn. Hôm sau, nhà chức trách Sài Gòn đề nghị Liên Hợp quốc can thiệp với Bắc Việt Nam cho những người tị nạn còn ở lại trong vùng họ kiểm soát, nhận thực phẩm và viện trợ.
Dù rất khuya, nhưng máy bay từ Đà Nẵng vẫn tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Người Việt Nam và người Mỹ bước xuống đường băng, đầy nước mắt. Người Mỹ được phân loại nhanh chóng đi khách sạn hay những biệt thự của sứ quán. Nhưng không ai sắp xếp chỗ ăn, ở cho người Việt Nam, phần đông họ chưa ra khỏi Đà Nẵng bao giờ. Những cơ sở tiếp nhận họ ở Cam Ranh và vùng đồng bằng chưa chuẩn bị xong.
Đại Dương

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (4)

(Kiến Thức) - Nhận thấy sức mạnh của quân Giải phóng ngày càng tăng nhanh, người Mỹ ở Nam Việt Nam đã bắt đầu tính đến kế hoạch di tản, rút khỏi Sài Gòn. 

Việc di tản của người Mỹ ở Sài Gòn được bắt đầu từ những đứa trẻ mà dư luận gọi là chiến dịch Babylift tai tiếng vì nhiều ẩn số cho những ý định sau này.
Kỳ 4: Bí ẩn thảm họa trong chiến dịch Babylift
Chuẩn bị di tản
Sau khi Nha Trang thất thủ, Mỹ đã thành lập một lực lượng “can thiệp" để điều hòa các kế hoạch tản cư. Lúc này Nhà Trắng tránh bất cứ bình luận trực tiếp nào về cuộc khủng hoảng Đông Dương đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Ở thời điểm này, quân Giải phóng đã thâm nhập sâu vào tỉnh Tây Ninh, giữ đường tiến về Sài Gòn ở phía Nam. Ngày 3/4, quân Giải phóng đánh chiếm Chơn Thành, cách Sài Gòn 70 kilômet về phía Bắc. Khi tin ấy về tới Sài Gòn, kiều dân phương Tây muốn rời khỏi Việt Nam. Chỉ một đêm, số người giữ chỗ trên chuyến máy bay quốc tế của hãng Pan Am tăng gấp hai lần. Hãng hàng không China Airline không còn chỗ cho đến ngày 9/4.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (4)
 Frederick Weyand, tư lệnh cuối cùng của MACV. 
Ngày 3/4, Tổng thống Ford đang nghỉ hè ở Palm Springs, nhưng vẫn phải tuyên bố với các nhà báo: Thiệu vội vàng rút lui khỏi Tây Nguyên nên việc di tản 6.000 Mỹ ở Việt Nam đã được đề ra. Ford giải thích rằng, đạo luật qui định quyền hạn của tổng thống trong chiến tranh cho phép ông ta dùng lực lượng vũ trang để giúp việc tản cư công dân Mỹ ở bất cứ vùng nào trên thế giới.
Ở thời điểm đó, theo quy định của Mỹ, các sứ quán Mỹ trên thế giới đều phải một bản kế hoạch di tản dày 400 trang đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Đây là tài liệu mật chỉ được sử dụng khi cần thiết. Đại tá Garvin Mc Curdy, tùy viên không quân, đại tá Cornelius Carmody, tùy viên hải quân được giao phụ trách việc này. Được một ê kíp nhỏ giúp việc, họ nhanh chóng thảo ra một kế hoạch cụ thể di tản những người Mỹ ở các quân khu và Sài Gòn. Từ tài liệu gốc, họ chỉ còn giữ lại một số người di tản không quá 6.800 người, phần lớn là người Mỹ.
Điểm lưu ý là, trong kế hoạch di tản này không hề có việc di tản những em bé mồ côi hay những đứa trẻ lai, một phần từ hậu quả của chiến tranh trước đó. Mà kế hoạch này được xuất phát từ chính Graham Martin. Chuyện là, khi Giám đốc hãng Hàng không thế giới là Ed Daly ngỏ ý muốn tổ chức một cầu hàng không chở những đứa trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ thì Martin đã nhanh chóng xin phép Nhà Trắng thực hiện mục đích. Graham Martin tuyên bố, cuộc di tản này "sẽ giúp đảo ngược ý kiến của công luận Mỹ về lợi thế của chính quyền miền Nam Việt Nam". Còn trong thư gửi cho bộ trưởng Nam Việt Nam phụ trách vấn đề tị nạn, Martin mong rằng cái cảnh hàng trăm em bé Việt Nam được người Mỹ nhận nuôi sẽ gây được cảm tình của toàn thế giới đối với người Nam Việt Nam.
Được Nhà Trắng bật đèn xanh, ngày 2/4, những viên chức chi nhánh cơ quan CIA báo tin mở cầu hàng không "cứu giúp từ thiện", để 2.000 em bé Việt Nam trở thành con nuôi ở Hoa Kỳ, phù hợp với một luật về nhập cư. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận thời đó thì cho rằng, về mặt nào đó, cầu hàng không trẻ em là một mưu đồ hậu chiến.
Tướng Smith, tùy viên quân sự nhận thấy việc này có lợi, là một dịp rất tốt để cho về Hoa Kỳ một số đông nhân viên của phái bộ quân sự sẽ cải trang đóng giả làm nữ y tá, người giặt giũ. Chỉ sau mấy giờ Nhà Trắng chấp nhận, ông đã ra lệnh cho các bà vợ, các nữ thư ký chuẩn bị lên đường.
Thảm kịch cạnh đường băng
Trưa ngày 4/4, chung quanh những ngôi nhà của phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn có một sự náo nhiệt đặc biệt. Nhiều thợ mộc và thợ khác đã hạ cánh cửa, để chuẩn bị cho một trung tâm tiếp đón người tị nạn. Buổi sáng hôm ấy, một chiếc Galaxy C-5A của không quân, máy bay vận tải lớn nhất thế giới hạ cánh. Đó là máy bay chở vật liệu chiến tranh cho quân đội Sài Gòn. Trong khi người ta chở hàng, nhân viên phái bộ quân sự tập hợp 243 trẻ mồ côi. Các em được máy bay này chở ngay đi Philippines cùng với 44 nhân viên phái bộ quân sự và một số người Mỹ khác. Đó là chuyến bay đầu tiên của cầu hàng không Trẻ em.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (4)-Hinh-2
 Các lính Mỹ đang bới trong đống sắt vụn chiếc C-5 Galaxy để tìm kiếm thi thể những nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc. Nguồn ảnh: Wikipedia
Chiếc phi cơ vận tải khổng lồ C-5A chở 243 trẻ em và một số người lớn, rời Sài Gòn, đang bay ra bờ biển, chợt người lái trông thấy ánh sáng đỏ nhấp nháy trên bảng, báo hiệu một cửa bị hỏng. Anh báo tin cho trạm kiểm soát sân bay, máy bay sẽ quay lại. Nó đang hạ xuống cánh đường băng, một tiếng nổ vang dội. Một phần máy bay bị phá hủy làm cho ca bin bên trong thiếu không khí. Phần lớn 50 trẻ em và người lớn ngồi trong đó chết ngay vì ngạt thở, một số bị bật tung ra ngoài, qua cửa không đóng được.
Máy bay bị nạn rơi xuống và trượt xa 800 mét đến một phía thửa ruộng phía Nam Tân Sơn Nhất. Phần lớn những người thoát chết lúc máy bay nổ và rơi nay lại bị chết đuối. Máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đến ngay, chở những người sống sót và hấp hối về trạm cứu thương đặt trên đường băng. Một nữ nhân viên CIA ra tiễn các em tả lại: không thể biết chắc được những em đưa từ máy bay lên thẳng sang trạm cứu thương còn sống hay chết. Hầu hết đều phủ đầy bùn từ đầu tới chân. Mãi đến lúc đưa các em từ trạm cứu thương đến bệnh viện mới phân biệt được đứa sống, đứa chết. Các nữ y tá đặt các em dưới vòi nước hoa sen, rửa người các em rồi nói: "em này còn sống, em này đã chết”. Một lát sau được mấy người Mỹ giúp đỡ, họ xếp các em còn sống lên xe jeep và xe hơi đem trả các em về các trại mồ côi. Nhiều em sợ quá không còn khóc được nữa, nhiều em khác giống như những giẻ rách trong tay nhân viên.
Tai nạn làm khiến hơn hai trăm trẻ em qua đời. Sống sót có một người, còn tất cả nữ nhân viên của phái bộ quân sự đều bỏ mạng. Nguyên nhân là do một cái cửa không được đóng kín. Tướng Smith rất đau buồn về thảm kịch này. Chính ông là người thiết tha yêu cầu cho nữ nhân viên người Mỹ đi với các em, nhưng ông từ chối không chịu bỏ nhiệm vụ đã ấn định. Hôm sau, trong lúc những kíp của phái bộ quân sự bới tìm xác chết giữa những đống sắt thép của máy bay, ông lại cho hàng trăm trẻ mồ côi và những nhân viên không cần thiết lắm lên những máy bay vận tải khác để tiếp tục di tản.
Đại sứ Martin không còn biết làm gì để có thể ổn định được tinh thần của nhân viên sứ quán về tai nạn xảy ra. Alan Carter, phụ trách cơ quan thông tin Mỹ, là người được ông giao việc đầu tiên. Hôm sau ngày xảy ra tai nạn, Carter viết một điện gửi về Nhà Trắng để báo tin: lộn xộn ngày càng lớn ở Sài Gòn sắp dần tới hoảng loạn.
Đại Dương

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (5)

(Kiến Thức) - Trong kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn, Washington mong muốn đưa thêm cả những người Việt nam cộng tác với Mỹ trong chiến tranh.

Kỳ 5: Cái giá của kế hoạch di tản
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ luôn luôn tuyên truyền các luận điệu sai trái bôi nhọ chiến sĩ cộng sản với dân miền Nam. Do vậy, trong kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn, người Mỹ muốn đưa thêm cả những người Việt Nam đã cộng tác với họ về Mỹ. Nhưng kế hoạch di tản của họ có nhiều vướng mắc thông qua cái giá được đề xuất là 722 triệu USD.
Cái giá của 722 triệu USD
Ở thời điểm đầu tháng 4, Tướng Weyand và ê kíp của ông đến Palm Springs, bang California để tường trình với Tổng thống Ford và Henry Kissinger về cuộc khủng hoảng ở Đông Dương. Trước những đòi hỏi cấp bách của tình hình, nhất là khi các vị trí chiến lược của VNCH bị quân Giải phóng tấn công mãnh liệt, thì nhu cầu di tản người Việt Nam của Mỹ là cấp thiết và cần phải có sự đồng ý của VNCH. Nhưng trong tình trạng vũ khí, trang bị thiếu thốn, các đơn vị chủ lực, tinh nhuệ của Quân khu 1, Quân khu 2 Quân đội VNCH gần như bị xóa sổ thì rõ ràng là, muốn giữa được Sài Gòn thì cần phải “bơm tiền”. Ấy nhưng, việc này không hề đơn giản. Bởi trong lúc nhiều nhân vật chính trị ở Sài Gòn tìm mọi cách buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, nhường chỗ cho một e kíp chính trị mới có khả năng lãnh đao VNCH thoát khỏi tình thế bế tắc từ sự đe dạo của quân giải phóng. Trong khi đó, người Mỹ lại không muốn Thiệu ra đi. CIA ở Sài Gòn và cả Henry Kissinger đề xuất với Tổng thống Ford giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách “bơm” cho Sài Gòn 722 triệu USD để đổi lấy việc được di tản người Việt.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (5)
Không ảnh phái bộ quân sự Mỹ DAO, với các điểm đánh dấu bãi đáp trực thăng di tản ngày 28/4/1975. 
Trong bản tường trình với Tổng thống Ford, Weyand và đồng nghiệp nêu tế nhị vấn đề di tản: "Một sự can thiệp ồ ạt của lực lượng Hoa Kỳ có không quân chiến thuật yểm hộ, rất cần để bảo đảm cho việc di tản 6.000 người Mỹ, hàng chục nghìn người Việt Nam và dân nước Việt Nam thứ ba, đối với những người này, chúng ta có một cái nợ phải trả”. Tuy nhiên, họ không đi đến mức yêu cầu một cuộc tản cư khẩn cấp cũng như không nói rằng việc giảm bớt sự có mặt của người Mỹ ở Sài Gòn sẽ được thực hiện song song với việc giúp đỡ tài chính. Họ chỉ nói đến việc tản cư như là một dự kiến, chỉ được tổ chức trong trường hợp quốc hội không cung cấp 722 triệu đô la.
Chính phủ chấp nhận ý kiến của họ. Có nghĩa là, những người Mỹ ở Việt Nam gần như trở thành những con tin chỉ được thả khi có đủ 722 triệu đô la. Kissinger tin rằng, viện trợ tối thiểu 722 triệu đô la là đủ để Nam Việt Nam chấp nhận việc tản cư người Mỹ, nên việc đó cần làm. Sau này, ông giải thích với quốc hội: "Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một thế quân sự ngang bằng, nếu việc đó thất bại và đi đến chỗ bi đát thì viện trợ 722 triệu đô la sẽ là phương tiện có hiệu quả làm cho Nam Việt Nam bằng lòng cho di tản người Mỹ và người Việt Nam mà chúng ta chịu trách nhiệm về tinh thần”.
Tiếng bom thúc đẩy di tản
Ngày 8/4, chiến tranh nổ ra bất ngờ chung quanh Sài Gòn. Quân Giải phóng bắn phá một huyện lỵ phía Nam Biên Hòa, đặc công tiến công trường sĩ quan phía Đông. Liên tiếp ba ngày liền, ở phía Bắc đồng bằng nhiều đơn vị thuộc ba sư đoàn Bắc Việt Nam đánh phá quốc lộ số 4 và cắt đường này một thời gian, ở cách Sài Gòn 25 kilômet về phía Nam. Trong thời điểm này, một máy bay F-5 (do phi công Nguyễn Thành Trung - người của ta cài vào trong hàng ngũ VNCH) đã cắt bom, đánh phá Dinh Độc Lập, biểu tượng của Sài Gòn.
Tất cả những sự kiện này khiến cho CIA và Nhà Trắng lo lắng và tìm cách thúc đẩy việc di tản. Càng ngày, Colby, Giám đốc CIA càng thêm nghi ngờ về sự sống còn của Sài Gòn. Ông ta đề nghị tản cư nhanh người Mỹ và người Việt Nam. Ông ta phản đối Martin quyết định chậm vấn đề tản cư kiều dân Mỹ. Schlesinger và chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tướng George Brown, tán thành việc tản cư nhanh. Kissinger phản đối quan điểm này và ủng hộ Martin và cho là chưa cần thiết phải tổ chức ngay cuộc tản cư. Kissinger lý luận, tản cư nhanh chỉ làm yếu thêm vị trí của Thiệu, giữa lúc có thêm viện trợ tài chính của Hoa Kỳ để cứu ông ta. Quan điềm của Kissinger cuối cùng đã thắng. Tuy nhiên, phải chuẩn bị một cuộc tản cư toàn bộ, nhưng cần chờ giải quyết tối hậu.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (5)-Hinh-2
 Trực thăng CH-53 của TQLC Mỹ ở bãi đáp đón người di tản LZ38.
Theo dự định của CIA và Nhà Trắng, phải đến ngày 19/4, Đô đốc Gayler và đại sứ Martin sẽ làm xong kế hoạch tản cư, ngày mà quốc hội sẽ quyết định về viện trợ tài chính và về sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ cuộc tản cư theo đề nghị của tướng Weyand. Trong khi chờ đợi, Martin giảm nhanh số nhân viên để số kiều dân Mỹ chỉ còn 1.100 người. Con số này chỉ cần một phi đội nhỏ máy bay lên thẳng là có thể tản cư được nếu việc đó xảy ra. Chính quyền cũng cần giảm nhẹ điều kiện nhập cư để người Mỹ có thể đem theo vợ, con và cha mẹ là người Việt Nam. Nhưng Kissinger cho là nhất thiết phải cứu càng được nhiều người Việt Nam càng tốt, đó là danh dự và uy tín của Hoa Kỳ.
Ở Sài Gòn, Tướng Smith, tùy viên quân sự, được giao trách nhiệm xúc tiến việc chuẩn bị di tản cho sứ quán. Người Mỹ biến nóc nhà thành sân cho máy bay lên thẳng. Một đội tàu sẵn sàng đậu trong sân. Và Martin tiếp tục lo ngại rằng, những công việc ấy làm cho người Việt Nam hoảng sợ và làm mờ hình ảnh Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Manila (Philippine), đại sứ than phiền về số người di tản không hợp pháp quá đông đến căn cứ không quân Clark.
Trong thời điểm ấy, Tống thống Ford nói trước quốc hội phải giảm nhanh số dân Mỹ ở Sài Gòn và đề nghị được quyền sử dụng lực lượng vũ trang trong trường hợp tản cư ồ ạt. Ông ta đề nghị viện trợ tài chính thêm 722 triệu USD cho Nam Việt Nam. Ông ta giải thích: Số tiền này giúp cho Sài Gòn một dịp may để tự cứu và cho phép có thì giờ để đi đến một thỏa hiệp chính trị. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã không ủng hộ đề nghị của Tổng thống Ford về sử dụng lực lượng vũ trang trong tan cư. Nhiều người khác đồng ý dùng lực lượng vũ trang để bảo vệ người Mỹ, nhưng họ phản đối nếu lực lượng ấy tham gia vào việc tản cư người Việt Nam. Đến chiều 14/4, Đại sứ Martin gửi về Nhà Trắng một bức điện trong đó có thông tin về kế hoạch tản cư. Ông khẳng định, đã sẵn sàng tản cư hai trăm nghìn người bằng tàu biển, máy bay và đường bộ và ông giảm bớt những khó khăn của tình hình chung.
Đến ngày 15/4 mới có 1.500 người Mỹ đến được căn cứ không quân Clark nhờ quân đội chuyên chở từ Sài Gòn đến Philippine. Họ rất ít đi máy bay dân dụng. Những thể lệ hành chính kéo dài việc tản cư nhất là những điều hạn chế người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ. Người Mỹ đã lập nghiệp lâu ở Việt Nam không muốn đi nếu họ không được phép đưa vợ, những cô bạn nhỏ và con bất hợp pháp của họ về.
Chiều 14/4, sứ quán Mỹ được báo tin, cơ quan nhập cư Hoa Kỳ đã cho phép mọi người Việt Nam vào Mỹ nếu người ấy có uy tín, danh dự và được một người thân là người Mỹ ở Việt Nam bảo lãnh. Trong mấy giờ, Al Francis đã thuyết phục được Bộ trưởng nội vụ Sài Gòn giảm nhẹ điều kiện để di cư. Đáng lẽ phải có dấu xuất cảnh hay hộ chiếu, người Việt Nam chỉ cần chứng minh có một người Mỹ đỡ đầu là nhận được giấy phép ra đi. Chính chủ trương này đã dẫn đến những bi hài trong di tản diễn ra trước ngày 30/4.
Đại Dương 

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (6)

Cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn ban đầu được tổ chức thoạt nhiên nghe rất quy mô, chặt chẽ, thế nhưng khi thực hiện nó đã trở thành “thảm họa”.
Kỳ 6: Đậy nắp “hố đen”
Khi thòng lọng vòng vây Sài Gòn của quân Giải phóng ngày càng khép chặt, khi thời điểm Quốc hội Mỹ quyết định cái giá cho di tản chưa đến, trước sức ép từ nhiều phía, Thiệu phải từ chức. Cuộc di tản khỏi Sài Gòn chính thức trở thành thảm họa đen trong lịch sử.
Những “chuyến bay đen”
Chỉ một, hai ngày sau khi Mỹ công bố các điều kiện có thể nhập cư vào Mỹ thì hằng trăm công dân Mỹ sống ở Hồng Kông. Bangkok, Singapour kéo đến Sài Gòn để kết hôn hay sống hợp pháp với những cô bạn nhỏ hoặc nhận nuôi những trẻ em Việt Nam. Bên cạnh những người tốt bụng, có khá nhiều kẻ lợi dụng việc nhận “nuôi" người Việt Nam để làm tiền, lấy vàng. Phải mất hàng nghìn đô la, mươi lạng vàng mới được họ bảo lãnh như thế. Lại còn nhiều binh lính trong quân đội Mỹ đã đào ngũ nhiều năm, nay bất ngờ xuất hiện trước sứ quán với những người phải nuôi, xin ghi tên tản cư. Kết qua chỉ trong một, hai ngày, danh sách người Mỹ xin ra đi lên tới hơn một nghìn người.
Người di tản Việt Nam lên CH-53 ở bãi đáp Lz39.
Tướng Smith bắt đầu cho tản cư những người Việt Nam mà tính mạng dễ bị uy hiếp nhất. Chiều 15/4, tùy viên không quân, Đại tá Mc. Cardy, đã triển khai những "chuyến bay đen". Cardy thương lượng được với nhân viên an ninh Việt Nam ở Tân Sơn Nhất để cho người Việt Nam bí mật lén vào đường băng càng nhiều càng tốt. Để trả công, ông sẽ dành cho gia đình các sĩ quan những chỗ trên máy bay. Từ ngày 4/4, ngày nào cũng có 4 máy bay vận tải lớn chở người di tản đến căn cứ Clark ở Philippines, trong đó có nhiều chuyến bay lậu. Những máy bay này không chở người Việt Nam có vấn đề về chính trị mà chở bạn bè, thân thuộc của các sĩ quan phái bộ quân sự Mỹ. Những người không có giấy tờ muốn vượt được hàng rào sân bay phải đút lót cảnh sát quân sự khoảng 50.000 USD. Đối với những người Việt Nam không có bạn bè, người bảo lãnh và người Mỹ, thì giá chuyến đi đắt kinh khủng. Trong hai tuần, tiền đút lót để có một dấu xuất cảnh hay một hộ chiếu tăng từ năm trăm lên ba nghìn đô la. Giá vàng nhảy vọt 725 đô la một lạng. Chỉ trong năm ngày, trên chợ đen, giá một đô la đã tăng từ 1.200 lên 2.000 đồng.
Thiệu ra đi
Lúc này tình hình chính trị ở Sài Gòn rất hỗn loạn, trong khi đó các quan thầy Mỹ "đổ thêm dầu vào lửa". Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rêu rao những giả thuyến đen tối "nếu cộng sản nắm chính quyền thì có thể hai trăm nghìn người Việt Nam sẽ bị giết". Sáng hôm sau, tờ báo Pacific Starsand Stripes (tờ báo của quân đội Mỹ), xuất bản ở Sài Gòn, đăng lại lời tuyên bố ấy bằng chữ đậm, làm cho người dân miền Nam càng thêm hoảng sợ.
Trước tình hình ấy, Martin cho phép giám đốc vô tuyến truyền hình Mỹ CBS (Columbia Broadcasting System) bí mật tổ chức một cầu hàng không để di tản khoảng sáu trăm người Việt Nam. Các cơ quan tình báo, viên chức dân sự và quân sự Mỹ tranh nhau để được di tản sớm. Họ đưa ra nhiều lý do, nào là cấp bậc, nghề nghiệp, quyền lợi bản thân...
Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ bãi đáp trong khu DAO.
Sáng 18/4, để làm yên lòng những người đối lập, Thiệu ra lệnh bắt, tống giam nhiều sĩ quan. Buổi chiều, Kỳ định tổ chức đảo chính, nhưng Martin đã thuyết phục được Kỳ không thực hiện. Đây là dịp may cho Thiệu.
Ngoài những người định lật đổ và Bắc Việt Nam, Thiệu còn vấp phải một vấn đề nữa, đó là tiền. Trước đó gần một tháng, ông ta đã gửi tàu thủy đi Đài Loan và Canada phần lớn gia tài và đồ đạc. Nhưng 16 tấn vàng đáng giá 120 triệu đôla chiếm gần hết dự trữ của nhà nước vẫn chưa được gửi đi. Trước đó, Thiệu định giữ kín và gửi đi Paris cho ngân hàng quốc tế, ở đấy đã giữ một phần vàng của Nam Việt Nam đáng giá năm triệu đôla. Nhưng mấy ngày trước khi gửi đi, một công tác viên của Martin cho là không thể tin được Thiệu, nên đã tố cáo với giới báo chí. Kết quả là các hãng Hàng không Thiệu điều đình để chở số vàng ấy đi, không nhận nữa. Martin khuyên Thiệu gửi vàng sang ngân hàng New York. Ngày 16/4, sứ quán điện về Nhà Trắng xin một chuyến máy bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đi New York. Nhưng không quân và ngân hàng New York không sẵn sàng bảo hiểm một tài sản lớn như thế gửi từ một nước đang có chiến tranh. Thế là vàng vẫn nằm nguyên trong kho ngân hàng quốc gia.
Cởi nút
Tối 21/4, Thiệu tuyên bố từ chức và giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Ngày 21/4, đô đốc Gayler cho cầu Hàng không hoạt động suốt 24 giờ, máy bay C-141 bay ban ngày, máy bay C-130 bay ban đêm. Thoạt đầu, mỗi máy bay chở một trăm người, nhưng sau hạn chế cho mỗi người chỉ được đem theo một va li nên chở được gấp đôi. Hơn 1.500 người Mỹ và Việt Nam, tăng gấp ba lần hôm trước, được di tản đến căn cứ không quân Clark ở Philippines trong 12 giờ. Ở đấy đã có hơn ba nghìn người tị nạn, họ ở trong một làng dựng tạm bằng nhà bạt trên sân chính của căn cứ, người ta gọi làng ấy là “ làng vui trên bãi cỏ”.
Hàng trăm người Việt Nam, ngồi trên ghế vải gấp, trước lãnh sự quán Mỹ chờ giấy tờ hoặc xin dấu xuất cảnh. Cả những người giàu có, tầng lớp đã Âu hóa cũng đánh nhau để dành một chỗ trong chuyến bay chở người tị nạn. Một số đông chưa hề bán mình cho CIA ngày nào, nay cũng sẵn sàng làm việc đó để được ra đi. Một tin đăng trên tờ Sài Gòn Post: “Nữ sinh viên trẻ, đẹp, 18 tuổi, đỗ tú tài, biết chơi dương cầm, con một gia đình khá giả, muốn làm con nuôi hoặc kết hôn với một người nước ngoài quốc tịch Mỹ, Pháp, Anh, Đức hay nước nào khác có thể đưa cô ta sống ở nước ngoài để tiếp tục học tập. Tiền phí tổn cô chịu...".
Sau khi Thiệu từ chức, nhịp độ tản cư tăng gấp đôi. Thứ ba, ngày 22, hơn ba nghìn người rời Sài Gòn nhờ phái bộ quân sự can thiệp. Như vậy từ đầu tháng đến nay đã có hơn mười nghìn người. Mỗi giờ có hai máy bay chở hàng Mỹ cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 22/4, theo đề nghị khẩn cấp của Kissinger, thượng nghị viện đã thông qua luật bãi bỏ những trở ngại cho 130.000 người nước ngoài từ Đông Dương vào nước Mỹ, trong số này có 50.000 người tính mạng bị uy hiếp. Bình thường, mỗi năm chỉ cấp cho một nước 20.000 hộ chiếu. Chiều 22/4, đám người tị nạn ở căn cứ không quân Clark ở Philippines tràn qua khu vực đón tiếp như nước vỡ bờ. Ngay sau đó, đảo Guam chuẩn bị đón mỗi ngày năm nghìn người tị nạn, sẵn sàng cho họ ăn, ở trong 90 ngày. Chỉ mấy giờ sau, những người tị nạn đã được đưa đến căn cứ không quân Anderson ở Guam, được ở trong những baraque bằng kim loại gọi là thành phố đồ hộp.
Thoạt tiên, các viên chức cơ quan nhập cư ở Guam và Clark áp dụng triệt để luật pháp. Giấy tờ của người tị nạn được kiểm tra, kiểm soát cẩn thận đề phòng nhầm lẫn và giấy giả. Tội phạm hình sự, gái điếm, người nghiện cần sa đều được vạch mặt và cho cách ly. Nhưng chỉ một, hai ngày sau, số người tị nạn quá đông, không còn kiểm soát, kiểm tra được gì nữa. Nếu làm việc cẩn thận như cũ thì các viên chức cơ quan nhập cư sẽ gây ách tắc và ngăn cản cầu hàng không hoạt động.

Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (7)

Trong hai ngày 29-30/4/1975, Quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch cuối cùng ở Việt Nam - di tản hàng nghìn người khỏi Sài Gòn.
Kỳ 7: “Chiến dịch Gió Lớn”
Trước tình hình quân Giải phóng liên tục tấn công Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Gerald Forrd hạ lệnh cho Bộ quốc phòng Hoa Kỳ phải xây dựng kế hoạch “rút dần trong trật tự” những quan chức Việt Nam Cộng hòa và thân quyến của họ. Cuộc rút chạy vội vã đã trở thành bi kịch như một “hố đen” trong lịch sử nước Mỹ.
Cảnh hỗn loạn trong những giờ cuối cùng trước sứ quán Mỹ.
Người di tản trước cửa sứ quán Mỹ, những ngày cuối tháng 4/1975.
Từ ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Gerald Forrd hạ lệnh lần lượt sơ tán khoảng 200.000 người, bao gồm: Các quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa và gia quyến; “tay chân”, “vợ hờ” của các quan chức quân sự, dân sự Mỹ và những đứa trẻ có huyết thống Mỹ. Tốp đầu tiên có thể được di tản bằng máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tính đến trước ngày 28/4, máy bay Hoa Kỳ đã di tản được 50.493 người Mỹ và người tị nạn miền Nam Việt Nam (trong đó có 2.678 trẻ mồ côi Việt Nam trong Chiến dịch Babylift) được di tản từ Tân Sơn Nhất. Các phi công Mỹ đã bay tổng cộng 1.054 giờ và 682 chuyến bay trong suốt các đợt di tản.
Khi cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và phó cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft đã cắt ngang một cuộc họp tại Nhà Trắng và đưa cho Tổng thống Ford một bức điện, trên đó có viết: “Sân bay Tân Sơn Nhất đã bị Việt Công pháo kích, khiến 2 lính thủy đánh bộ Mỹ tử vong”. Bức điện nhấn mạnh, Sài Gòn có thể thất thủ trong một sớm một chiều, phi trường duy nhất của Mỹ tại Việt Nam đã không còn an toàn cho các cuộc không vận. Washington lệnh tiến hành chiến dịch mang mật danh “Operation Frequent Wind” (Chiến dịch Gió Lớn) được tiến hành vào ngày 28/4/1975.
Tàu sân bay Midway với các máy bay CH-53 của KQ Mỹ làm nhiệm vụ trong chiến dịch di tản Frequent Wind, ảnh chụp ngày 24/4/1975.
Chiến dịch này sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ các tàu chiến ngoài khơi bờ biển Việt Nam, sơ tán những công dân Hoa Kỳ cuối cùng rời mảnh đất đau thương đối với người Mỹ. Cụ thể, Mỹ huy động 50 chiếc tàu thuyền, trong đó có tàu đổ bộ chỉ huy LCC-19 USS “Blue Ridge”, tàu sân bay CV-19 USS Hancock, CV-41 USS Midway và tàu khu trục FF-1087 USS Kirk… để thực hiện chiến dịch “Operation Frequent Wind”. Ngoài ra, kế hoạch này còn bao hàm một số hoạt động khác.
30 phút sau khi Tổng thống Ford nhận được bức điện, Đài phát thanh Sài Gòn đột nhiên phát chương trình âm nhạc “Giáng sinh trắng” (White Christmas). Đây chính là mật hiệu quy ước cho tất cả công dân Hoa Kỳ và quan chức Việt Nam Cộng hòa còn lưu lại Sài Gòn nhanh chóng đến các khu vực tập kết quy định trước để di tản chuyến cuối cùng.
Cuộc di tản bắt đầu lúc 11 giờ 51 phút, nhưng không ai biết là giờ Washington hay giờ Sài Gòn. Hậu quả là đến trưa, không một máy bay lên thẳng quân sự nào bay đi Sài Gòn. Martin gọi trực tiếp cho Gayler đề nghị giải thích. Mười lăm phút sau, lính thủy của lực lượng can thiệp được lệnh bay. Đến 12 giờ 30 phút, một phi đoàn gồm 36 máy bay lên thẳng đầu tiên rời cầu tàu USS Hancock, có nhiều trực thăng AH-1 Cobra vũ trang hộ vệ. Một phút sau, những máy bay tiêm kích phản lực Phantom từ các căn cứ ở Thái Lan bay tới bầu trời Việt Nam yểm hộ thêm. Một giờ rưỡi trôi qua kể từ lúc tổng thống bật đèn xanh cho chiến dịch "Gió lớn", sợ phản ứng của quân đội Bắc Việt nên Lầu Năm Góc ra lệnh cho tàu bè đậu cách bờ biển hơn 12 hải lý, bên trong là hải quân VNCH.
Người Mỹ di tản lên trực thăng trong DAO.
Lên trực thăng từ một bãi đáp là nóc nhà.
Ở sứ quán Sài Gòn, phần lớn mọi người không biết chiến dịch "Gió lớn" đã bắt đầu và gặp một số khó khăn. Bên ngoài ven tường sứ quán, lính thủy đứng gác. Biết bao nhiêu cánh tay bám vào cửa ra vào. Hàng trăm người Việt Nam, trong đó có nhiều người giơ những mảnh giấy trắng lên vẫy, chắc là giấy thông hành, - van nài xin vào sứ quán. Bên trong, nhiều đồng bào họ, may mắn hơn - phần lớn là bồi bếp - đến sứ quán từ sáng sớm với ông chủ làm việc ở đấy. Ngoài sân chơi, gần một nghìn người Việt Nam đứng hết sức lộn xộn. Một số người đã lặng lẽ nậy cửa gian hàng tạp phẩm.
Đại sứ quán Mỹ trở nên hỗn loạn, toàn bộ nhân viên được huy động, bao gồm cả lái xe, đầu bếp… để đóng gói tài liệu, vật tư; lính thủy đánh bộ Mỹ đã rải trong sứ quán một “Cây nhiệt đới” lớn để giúp máy bay trực thăng hạ cánh thuận tiện, đồng thời đứng trấn trên các bờ tường căng hàng rào thép gai để ngăn người Việt Nam trèo qua hàng rào 4m vào Đại sứ quán. Phía bên ngoài hàng vạn người tập trung trước Đại sứ quán hy vọng có thể kiếm được cơ hội lên máy bay ra nước ngoài.
Trực thăng di tản của KQ VNCH bay ra tàu sân bay Midway.
Tình hình di tản càng căng thẳng hơn khi một nhân viên tình báo nắm được thông tin, đúng 18 giờ, giờ Sài Gòn, quân Bắc Việt Nam sẽ nã khoảng 20.000 phát đại bác 130 ly vào dinh tổng thống, giữa Sài Gòn. 20.000 trái đạn 130 ly, điều đó có nghĩa là không những dinh tổng thống tan ra như tro bụi mà cả sứ quán Mỹ, sứ quán Pháp ở gần đấy nữa.
Máy bay đậu ở ba nơi: Sân ném bóng, sân quần vợt và sân trước nhà phụ. Dòng người di tản nhanh chóng xếp hàng dọc mỗi sân. 17 giờ 30 phút, tướng Smith báo cho hạm đội di tản biết còn khoảng 1.300 người nữa, trong đó có đơn vị an ninh hải quân gồm 840 người. Chập tối, trời đổi gió. Buổi chiều, trời nóng bức thế mà bây giờ, gió thổi ào ào.
23 giờ 30 phút, đại tá Gray và một nhóm lính thủy phá hủy sở chỉ huy phái bộ quân sự. Nhóm phá hoại đặt nhiều mìn mạnh chung quanh hệ thống. Một lính thủy kể lại: Vừa có lệnh, một tiếng nổ rung trời, ánh sáng bùng lên, không khí nóng ran, mọi cái tan tành! Mấy phút sau, đại tá Gray và lính thủy đặt bom nổ chậm và bom cháy vào các hầm nhà rồi chạy lên máy bay. Máy bay vừa cất cánh thì lửa đã bao phủ các ngôi nhà. Sức nóng rất cao, đến nỗi mái nhà vững như thép của đồn lũy chỉ huy Hoa Kỳ ở Việt Nam sụp đổ như tấm sắt tây.
Không còn chỗ hạ cánh xuống tàu Midway, một phi công bỏ máy bay nhảy xuống biển.
Nguyễn Cao Kỳ trên tàu Midway.
Ở Nhà Trắng, Kissinger báo cáo với tổng thống Ford: “Phái bộ quân sự đã hoàn thành việc di tản. Hơn 4.500 người đi bằng máy bay lên thẳng trong đó có 450 người Mỹ. Theo một báo cáo của hải quân vừa gửi về, một máy bay CH-53 rơi xuống biển, bên cạnh đằng lái một con tàu. Không có người tị nạn trên đó nhưng phi công và người phụ lái đều mất tích. Có thể họ đã chết. Cầu hàng không hoạt động gần 6 giờ, thời tiết quá xấu, chẳng thấy rõ mấy, lại thấm mệt nên viên phi công đã tính sai khoảng cách từ máy bay đến chỗ đỗ. Trước 12 giờ đêm, Kissinger gặp các nhà báo ở bộ ngoại giao và thông báo, cuộc di tản tiến hành tốt, tất cả người Mỹ đều đã rời Sài Gòn. Kissinger trở lại phòng tác chiến ở Nhà Trắng thì đã 0 giờ 45 phút, giờ Sài Gòn”.
3 giờ 45 phút, kết thúc cuộc di tản, Martin đi ra sân sứ quán, nhìn nhanh đám đông, ra hiệu cho đại tá Madison: "Những người Việt Nam còn lại sẽ đi bằng máy bay CH-53. Ai còn chờ trong sứ quán thì ra sân đợi. Cầu hàng không trên mái nhà dành riêng cho người Mỹ”.
Nhận được tin chiến dịch kết thúc, Colby, Giám đốc cục tình báo Trung ương CIA viết: "Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ niềm tự hào và sự bằng lòng của mình đối với chi nhánh về công việc các đại diện nó đã làm. Hàng nghìn người Việt Nam được cứu sống và có tương lai nhờ sự nỗ lực của các ông".
“Chiến dịch Gió Lốc” được coi là chiến dịch cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Trong vòng 19 giờ đồng hồ, 81 máy bay trực thăng của hải quân đánh bộ Mỹ đã chở hơn 1.000 người Mỹ và gần 6.000 người Việt Nam ra các tàu sân bay ở ngoài khơi. 7 giờ 53 phút sáng ngày 30/4, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh bay ra biển, chiến dịch chính thức chấm dứt. Tại chiến dịch này, phía Mỹ có hai quân nhân tử vong là Hạ sĩ Charles McMahon và Chuẩn hạ sĩ Darwin Judge. Đây cũng là hai binh sĩ cuối cùng của Mỹ tử trận trong khi làm nhiệm vụ ở chiến trường Việt Nam.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét