Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 91/g

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                       Hồi ký: Trung đoàn Một thời chiến trận 19 + 20 + 21

Mặt trận Trị Thiên Huế năm 1972

Vài nét về chiến trường Quảng Trị 1972

Quân đội NDVN pháo kích. Ảnh: Wiki
Bài viết của Ích Duệ
Nhân kỷ niệm 40 năm về những sự kiện bi tráng tại chiến trường Quảng Trị, tôi (Ích Duệ) xin tổng hợp rất ngắn gọn từ các nguồn tài liệu khác nhau về bối cảnh, về lực lượng tham gia, về những tổn thất to lớn, không kể xiết về con người trong những tháng năm máu lửa, ác liệđó. Tôi cũng có đưa ra một vài ý kiến cá nhân. 
Chiến tranh thật khốc liệt. Biết bao máu xương người Việt của cả hai phía đã đổ trên mảnh đất này. Viết lại những dòng này để chúng ta biết thêm về cuộc chiến mà cả hai cùng tuyên bố chiến thắng. Và nếu có thể, trong tương lai, đừng có thêm những “81 ngày đêm” kia nữa.

1. Bối cảnh
Kể từ sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến năm 1972 bốn năm trôi qua. Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hồi phục và ngày càng lớn mạnh. Sau Mậu Thân, Hoa Kỳ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Paris.
Năm 1972 chính quyền Nixon mở đột phá khẩu trong quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô. Các nước lớn muốn dùng Việt Nam như một con bài trên bàn thương lượng, đàm phán vì lợi ích riêng của mình.
Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Không có ứng cử viên nào muốn gây bất bình trong dư luận công chúng Mỹ
Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho rằng, đây chính là thời điểm rất thích hợp để mở một trận đánh chính quy lớn, hợp đồng binh chủng vào lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Mặt trận Quảng Trị, giáng những đòn chí mạng.
Về điều kiện thiên nhiên, giai đoạn ác liệt nhất của chiến trường Quảng Trị năm 1972 diễn ra trong thời tiết mưa to nhiều ngày. Nước sông dâng cao, công sự sũng nước. Việc cung cấp đạn được và tiếp tế lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Lực lượng phòng ngự trên các chốt, lính tráng phải tát nước suốt ngày suốt đêm, hầm hào bị sụt lở không còn tác dụng che chắn đạn bom.
2. Lực lượng tham gia của hai bên
 2.1. Quân đội Nhân dân Việt Nam:
– Các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 320B, 324 và 325, sau được tăng cường thêm Sư đoàn 312 từ Lào về.
– 2 trung đoàn tăng, thiết giáp: 202 và 203 với hơn 100 xe tăng T- 34, T- 54, PT 76.
– Một số tiểu đoàn đặc công.
– Bốn trung đoàn pháo binh cơ giới với 408 khẩu gồm: 63 khẩu pháo chiến dịch 130mm, 93 khẩu pháo cấp sư đoàn (122 ly và 105 ly) và 247 khẩu pháo cùng bộ binh (sơ pháo 76mm hoặc 85mm).
– Hai sư đoàn phòng không: Sư đoàn 367 và 376 với 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237 với tên lửa đất đối không SA-2.
– Một số trung đoàn công binh.
– Các lực lượng tại chỗ của Mặt trận B5, B4 và Đoàn 559.
2.2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa:
– 2 sư đoàn bộ binh 1 và 3.
– Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến.
– 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: thiết đoàn 7, 18 kị binh, trung đoàn 51 bộ binh.
– 17 tiểu đoàn pháo binh gồm 258 khẩu đại bác cỡ 105mm trở lên (chưa kể các loại pháo bắn thẳng), một số tiểu đoàn công binh.
2.3. Quân đội Hoa Kỳ:
 . Không quân:
– 2 không đoàn máy bay chiến lược B-52 (D và G)
– 1 liên đội máy bay F-111
– 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7
– 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71EB-66EC-121F-105G
– 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135
. Hải quân:
– 6 Tàu sân bay, 135 tàu tuần dươngtàu khu trục và tàu nổi khác.
Lính tráng chúng tôi gọi pháo từ Hạm đội 7 là pháo bầy, pháo giàn, pháo chụp. Mỗi lần máy bay chiến lược B52 xuất kích từ Thái Lan, chúng tôi đều được báo trước nhưng biết chạy đi đâu.
Tăng T59 của miền Bắc bị QĐVNCH thu được. Ảnh: Wiki
Thống kê cho thấy thị xã Quảng Trị bị lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tàn phá với 328.000 tấn bom đạn, 9552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2240 lần oanh tạc của không quân (tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản). Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong hai năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 5000 quả đạn pháo. Thị xã Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn.
Những người chốt giữ Thành Cổ đã chứng kiến hàng chục loại bom pháo khác nhau như: Bom đào, bom phạt, bom bi, bom na ban, pháo khoan, pháo chụp, pháo càng. Đặc biệt lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị, Mỹ đã dùng loại bom dù – một loại bom mà khi thả xuống lưng chừng, một quả bom mẹ nổ thành hai quả bom con, những quả bom con ấy cũng được dù mang cứ lừ lừ rơi xuống, trông thấy hẳn hoi mà không có cách gì phá nổi.
Xét về trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân riêng với hơn 1.200 máy bay; Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có gần 100 máy bay tiêm kích chỉ đủ phòng thủ không phận miền Bắc. Quân lực Việt Nam cộng hòa có hơn 400 máy bay trực thăng chở quân và yểm hộ mặt đất; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân chiến thuật (TAC),không quân chiến lược (SAC) (chủ yếu là B-52) và các pháo hạm của Hạm đội 7 yểm hộ; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Bộ binh, quân dù, thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam cộng hòa tiếp cận chiến trường và tham chiến bằng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ LCU, xe thiết giáp M-113 các loại quân xa khác; bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ yếu tiếp cận chiến trường bằng đôi chân. Quân đội nhân dân Việt Nam có SAM-2SAM-7 và pháo cao xạ nhưng phải vừa yểm hộ chiến trường, vừa phòng thủ toàn bộ không phận miền Bắc với cơ số đạn hạn chế do Trung Quốc cố tình làm chậm việc chuyển hàng quân sự từ Liên Xô đến Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ phong tỏa các cảng của Bắc Việt Nam từ ngày 6 tháng 4 năm 1972. Trong năm 1971, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ nhận được 58 xe tăng T-54, 18 xe tăng T-59 (do Trung Quốc chế tạo), 27 xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 (do Ba Lan chế tạo). Dù sao, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có thể huy động một lực lượng tăng thiết giáp tham gia chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay.
Như vậy, xét về số lượng đơn vị tham chiến, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, xét về số lượng quân trực tiếp chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam không nhỉnh hơn mà thậm chí còn ít hơn vì hàng ngày bị thương vong rất lớn bởi hỏa lực pháo, bom của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ và của Quân đội Việt Nam cộng hòa.
Xét về hỏa lực không quân, pháo binh và hải quân thì phía Quân đội Hoa Kỳ và Quân đội Việt Nam cộng hòa có ưu thế vượt trội so Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là giai đoạn sau của chiến dịch khi mùa mưa đến khâu tiếp tế vũ khí gặp rất nhiều khó khăn.
3. Tóm tắt diễn biến chính và chiến thuật
Diễn biến chính
Năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị.
Đúng 11 giờ 30.03.1972, Quân đội nhân dân Việt Nam đồng loạt tiến công các căn cứ, hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam cộng hòa, vô hiệu hóa 12 trận địa pháo của chúng. Trong vòng chiến đấu 1 tháng, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội và du kích địa phương của tỉnh Quảng Trị làm chủ nhiều huyện lỵ. Để nhanh chóng kiểm soát Quảng Trị, ngày 01.5.1972, quân chủ lực thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 và Sư đoàn 320 hiệp đồng tiến công từ La Vang vào trung tâm thị xã, cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên nóc dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị.
Trong đợt tấn công đầu tiên này, cả tập đoàn phòng ngự của Quân lực Việt Nam cộng hòa với trên 3 vạn quân, 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác đã bị phá vỡ trước những cuộc tiến công như vũ bão của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bị mất tỉnh Quảng Trị, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hòa huy động nhiều sư đoàn và phương tiện, vũ khí hiện đại hòng chiếm lại tỉnh Quảng Trị mà trước hết là Thành Cổ bằng mọi giá.
Từ giữa tháng 6, Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng phản công với sự tham gia có tính chiến lược của không quân, hải quân Hoa Kỳ và bắt đầu lấy lại ưu thế trên chiến trường. Đến đầu tháng 7 họ đã tiến đến thị xã Quảng Trị.
Cuộc chiến 81 ngày đêm ở thị xã và thành cổ Quảng Trị (thành Đinh Công Tráng) đã diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề về quân số. Đêm 15.9.1972 Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu rút có tổ chức ra khỏi thành cổ và thị xã Quảng Trị.
Sáng ngày 16.9.1972 một nhóm binh sĩ thuộc tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến đã cắm cờ Việt Nam cộng hòa trên cổng thành phía tây của thành cổ Quảng Trị.
Về chiến thuật:
Giai đoạn đầu lực lượng bộ binh của Quân đội nhân Việt Nam với sự yểm trợ tối đa của pháo binh và xe tăng tấn công như vũ bão vào lực lượng của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa bị bất ngờ, không thể chống đỡ nổi đã phải rút lui. Sư đoàn 3 bị loại khỏi vòng chiến. Quân đội Việt Nam đã thành công trong cách đánh hợp đồng binh chủng: Lục quân- Pháo binh- Tăng, thiết giáp.
Giai đoạn sau Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự yểm trợ vô cùng có hiệu quả của không quân, hải quân và pháo binh, trong đó có máy bay chiến lược B 52 và lực lượng pháo binh của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã bền bỉ, quyết liệt phản công Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay trong giai đoạn bị đối phương phản công quyết liệt, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn lúng túng giữa phòng ngự và tấn công, không chuyển sang tích cực phòng ngự. Lúc đó, những người lính chúng tôi đang vô cùng chật vật phòng ngự mà vẫn được quán triệt là phải chuẩn bị tấn công Thừa Thiên- Huế. Không có hệ thống phòng ngự vững chắc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam bị thương vong rất lớn khi đối phương phản công mạnh mẽ. Sau này Quân đội nhân dân Việt Nam mới chuyển sang phòng ngự chủ động theo chiều sâu.
Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập phòng tuyến vững chắc chống lại Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa tổ chức chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân “Sóng thần” để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn, đánh chiếm Cửa Việt nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại. Hai bên quay về giữ thế giằng co cho đến khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1 năm 1973.
4. Những tổn thất của hai bên
Theo số liệu đã công bố tại mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Quảng Trị (01.05.1972- 01.05.2012) trên toàn bộ chiến trường Quảng Trị trong năm 1972 Quân đội nhân Việt Nam đã tiêu diệt 26.000 quân của quân đội của chính quyền Sài Gòn. Quân đội nhân dân Việt Nam bị thiệt hại 36.000 quân.
Sau 81 ngày đêm chiếm giữ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bị tổn thất nặng. Riêng Trung đoàn Triệu Hải (Trung đoàn 27 Mặt trận B5) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội thoát ra ngoài vào đêm 15.9.1972. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên Báo Tuổi trẻ ghi lại theo lời kể của một cựu chiến binh (một trong chưa đến chục người sống sót của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7/1998, có đoạn: “Tết năm 1968, ngay sau khi trung đoàn được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau trung đoàn này có mặt tại Quảng Trị. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành chiến trường của trung đoàn 27, và ở đây, họ mang một cái tên mới: Trung đoàn Triệu Hải (tên của hai huyện đồng bằng Quảng Trị ghép lại)… Phải đến bây giờ, chúng ta mới được nghe cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra còn chưa đến một tiểu đội”.
Ngoài Trung đoàn Triệu Hải (Mặt trận B5) gần như bị xóa sổ, Trung đoàn 48 B thuộc Sư đoàn 320B – đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số.
Nạn nhân của cuộc chiến. Ảnh: Wiki
Về phía Quân lực Việt Nam cộng hòa, tuy tái chiếm được thành cổ nhưng cũng phải trả giá rất đắt. Kế hoạch chiếm thị xã trước ngày 13/7 để mặc cả tại Hội nghị Paris không thực hiện được mà còn phải mất gấp 5 lần thời gian định trước. Để chiếm lại thành cổ, chỉ riêng Sư đoàn Thủy quân Lục chiến có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% tổng quân số (tổng thương vong là hơn 5.000 chiếm 38% quân số). Các đơn vị thuộc Sư đoàn Dù và các đơn vị khác cũng chịu thiệt hại nặng tương đương.
Thiệt hại rất lớn của các đơn vị tinh nhuệ này khiến Quân lực Việt Nam cộng hòa không đủ sức tấn công tiếp ra phía bắc. Các chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân “Sóng thần” để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn và đánh chiếm Cửa Việt đã bị thất bại.
5. Tại sao Quảng Trị ?
Vùng đất Quảng Trị là nơi đối đầu, là nơi mà cả hai bên Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa đều muốn thể hiện sức mạnh của mình. Nói rộng ra, Quảng Trị cũng là nơi hai phe XHCN và phe TBCN đối đầu nhau về sức mạnh quân sự. Tất cả các vũ khí hiện đại được Hoa Kỳ sử dụng ở đây từ những năm 65-68, nhất là tại Mặt trận Khe Sanh- Đường Chín.
Năm 1972 Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải tung vào chiến trường lực lượng dự trữ chiến lược của mình là Sư đoàn 308, Sư đoàn 312. Chính quyền Sài Gòn cũng đã phải huy động hai sư đoàn thuộc lực lượng dữ trữ chiến lược và thiện chiến nhất là Sư dù và Sư Thủy quân lục chiến trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị.
Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam DCCH muốn khẳng định mạnh mẽ với thế giới rằng: Chúng tôi giải phóng được một tỉnh địa đầu của miền Nam Việt Nam và hoàn toàn có thể giữ được tỉnh này. Giữ Quảng Trị trong điều kiện Hoa Kỳ chi viện tối đa về hỏa lực không quân, hải quân là để Việt Nam dân chủ cộng hòa có thế mạnh trong đàm phán với Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa ở Paris.
Về phía Việt Nam cộng hòa, họ không thể cam chịu mất tỉnh địa đầu của mình vì chiếm được Quảng Trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam có bàn đạp để tiến đánh các tỉnh khác. Từ đây có thể gây phản ứng dây truyền mất tiếp những tỉnh khác.
Chính quyền Việt Nam cộng hòa cho rằng, chiếm lại được Quảng Trị sẽ gây tiếng vang lớn trên thế giới, sẽ gây sức ép được với chính quyền Hà Nội và cả chính quyền Hoa Kỳ (đang muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam) trên bàn đàm phán ở Paris. Mặt khác, chính quyền Sài Gòn cũng muốn chứng minh: Mặc dù quân đội Mỹ không còn trực tiếp tham chiến bằng bộ binh nữa thì Quân lực Việt Nam cộng hòa vẫn hoàn toàn có thể đứng vững, chiến đấu và có thể chiến thắng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa điểm tượng trưng cho tỉnh Quảng Trị. Chiếm được Thành Cổ được coi như là chiếm được tỉnh Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến.
81 ngày đêm máu lửa đã diễn ra…Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa có nơi nào chiến sự diễn ra ác liệt và bi tráng như tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972!
Ích Duệ. Cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị
PS. Entry tới là bài viết của Hoài Hương giới thiệu về cuốn sách “Một thoáng Quảng Trị”. Mời các bạn đón đọc.

Phía bên kia nghĩ gì về cuộc chiến Quảng Trị 1972?

Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…"

    Vào hồi 11h ngày 30/3/1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên đã phát lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Từ đó, trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa Quân giải phóng với kẻ thù...

    Cuộc giao tranh ấy đã kéo dài đến 304 ngày từ lúc khai hỏa tấn công địch cho đến ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973. Thắng lợi ở chiến cuộc Quảng Trị ngày ấy đã đi vào Lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi vì đó là chiến thắng vang dội đầu tiên có sức cổ vũ lớn cho toàn quân và dân ta xung kích trên mọi mặt trận, đánh thắng kẻ thù để thống nhất non sông.

    Cuộc tấn công bất ngờ

    Quân viễn chinh Mỹ sau đợt rút quân vào đầu năm 1972 còn để lại chừng 9,5 vạn quân ở chiến trường, nhưng trên thực tế hầu như đã chấm dứt mọi hoạt động chiến đấu bằng bộ binh. Tình hình chiến cuộc lúc đó "Quân đội nhân dân Việt Nam đang ở trên thế thắng lợi, Mỹ - ngụy đang lâm vào tình thế của những người thua trận…".

    Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, dựa vào tiềm năng quân sự, chúng vẫn thực hiện những hành động chiến tranh phiêu lưu nhằm chống lại Quân giải phóng, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Một mặt rút dần số quân đội Mỹ còn lại, tạo điều kiện mặc cả với ta trên bàn Hội nghị Paris. Một mặt nhằm xoa dịu phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho Nixon trong việc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1972.

    Trước tình hình đó, tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về phương hướng hoạt động quân sự năm 1972 là mở nhiều chiến dịch tiến công trên chiến trường Đông Dương, trọng điểm là chiến trường miền Nam, đẩy mạnh đánh phá chiến lược "bình định" của địch ở nông thôn, đưa phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị lên một bước mới, phát huy thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, tạo ra một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi cục diện chiến tranh. Theo phương hướng đó, Bộ Chính trị đề ra nghị quyết cụ thể mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên, trong đó miền Đông Nam Bộ là hướng tiến công chủ yếu, đánh vào đây sẽ tác động mạnh tới Sài Gòn.

    Nhưng thông qua diễn biến của chiến trường, nhất là việc chuẩn bị vật chất cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tuy có nỗ lực lớn nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, nên đầu tháng 3-1972 Quân ủy Trung ương quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chuyển thành hướng quan trọng, và sẵn sàng đưa một bộ phận chủ lực thọc sâu xuống đồng bằng khi có thời cơ. Có sự thay đổi như vậy là vì ở chiến trường Trị - Thiên sát với hậu phương chiến lược miền Bắc, ta có thể tập trung lực lượng và bảo đảm vật chất cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Thêm nữa, cho đến lúc này, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ vẫn cho rằng hướng tiến công chiến lược chính của ta vẫn là chiến trường Tây Nguyên, nên đã điều động phần lớn Sư đoàn dù (lực lượng dự bị chiến lược) và các lực lượng chủ lực của Quân khu 2 lên cao nguyên Trung phần...

     Quân giải phóng tấn công làm chủ Quảng Trị.

    Quyết tâm mới của Quân ủy Trung ương được Bộ Chính trị thông qua ngày 11/3/1972. Cũng trong hội nghị này, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên 1972, trong đó có cả sáp nhập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Đệ làm Phó tư lệnh. Đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng tham gia Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị Tổng tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.

    Về phương châm, phương pháp chỉ đạo và thực hiện tác chiến, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Chính ủy chiến dịch nhấn mạnh: Cần tranh thủ đánh dã ngoại để tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh, tạo thời cơ đánh những trận quyết định tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch, phá vỡ tuyến phòng thủ, nhanh chóng đột phá trung tâm, không cho chúng đối phó. Đồng thời phát huy cao độ uy lực của mọi loại binh khí kỹ thuật hiện có, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, coi trọng đánh vừa và nhỏ, đánh sâu và hiểm bằng những lực lượng tinh nhuệ, hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên nổi dậy giành chính quyền. Đó vừa là ý chí quyết tâm vừa là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.

    Thời điểm này, do chưa thấy động tĩnh của quân ta, Mỹ - ngụy ra sức tuyên truyền rằng "Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã gặt hái được những thành quả nằm ngoài dự kiến". Nguyễn Văn Thiệu lớn tiếng tuyên bố: "Tôi đã chỉ thị cho quân lực bằng mọi giá không để cho hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và bất kỳ nơi nào khác rơi vào tay Cộng sản".

    Đại tá Phan Bá Hòa - Tỉnh trưởng Quảng Trị cũng hí hửng phát ngôn cùng giới truyền thông quốc nội và quốc tế rằng: "Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đẩy lùi mọi bước tiến của quân đội đối phương". Trong khi đó, mọi bước chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn tất, chảo lửa ở chiến trường Trị - Thiên đang nóng dần lên từng ngày để chạm mốc thời gian điểm hỏa.

    Sáng 30/3/1972, trong buổi giao ban của Bộ Tư lệnh chiến dịch, nghe báo cáo về quy trình chuyển quân hoán đổi vị trí của địch ở những cao điểm trên chiến trường. Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn nhận định "Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công" và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, chiến dịch mở màn.

     Quân giải phóng làm chủ căn cứ của địch.

    Quân giải phóng tập trung hỏa lực pháo kích dữ dội vào các căn cứ của địch trong vùng giới tuyến Carroll, Mai Lộc, Sarge, núi Bá Hộ, Tân Lâm, Cồn Tiên, Đông Hà và Quảng Trị. Pháo binh của ta, với các loại đại bác nòng dài 130 ly, cũng như hỏa tiễn 122 ly tầm xa 27,5 km, từ Vĩnh Linh bên kia cầu Hiền Lương, đồng loạt bắn phá các căn cứ hỏa lực của địch. Thời điểm này, cũng là lúc Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 bộ binh địch đang hoán chuyển vùng, nên chúng bị tổn thất rất nặng nề, nhiều vị trí phòng thủ của địch bị bỏ ngỏ, đồng thời làm cho tinh thần binh sĩ, nhất là Trung đoàn 56 giao động mạnh.

    Tiếp đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch huy động các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 304 và 308 cùng 3 trung đoàn biệt lập của B5, 1 trung đoàn Đặc công và 2 trung đoàn Chiến xa 203 và 202 vượt khu phi quân sự chia thành 4 mũi tấn công cường tập vào tuyến phòng thủ của các đơn vị địch đang trấn đóng tại các căn cứ phía tây và bắc Quảng Trị. Sau một ngày giao tranh, quân địch đồn trú ở các cứ điểm núi Bá Hô và Sarge hoàn toàn bị đẩy lùi và tiêu diệt, quân ta làm chủ trận địa hoàn toàn.

    Tình hình chiến cuộc qua nhận định của báo chí đối phương

    Ngày 1/4/1972, đồng loạt các báo ở Sài Gòn bắt đầu loan tin chiến sự. Trên trang nhất tờ Sóng Thần chạy hàng tít đậm "Quân Bắc Việt phát khởi mưa pháo kích và chấp nhận giao tranh ồ ạt". Hãng UPI thì nêu nhận định: "Một loạt các cuộc tấn công của địch được xem là dữ dội nhất kể từ gần một năm nay trên chiến trường Đông Dương". Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục tập trung hỏa lực vào các căn cứ địch ở Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử, nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 3 bộ binh của ngụy bị tiêu diệt, hàng nghìn sĩ quan và binh sĩ ngụy mạnh ai nấy chạy nhằm tìm đường thoát thân.

    Ngày 2/4/1972, Hãng tin AFP bình luận "Dù chờ đợi cuộc tấn công từ 3 tháng nay, nhưng không thể ngạc nhiên hơn về sự dữ dội của nó…". Tờ Bách Khoa phân tích: "Bắc Việt đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ" và dự đoán: "Quân đội Bắc Việt có thể tung những cú đấm thép và thắng điểm trong 4 tuần đầu của chiến cuộc…". Tiếp đó, tờ Sóng Thần nhận định: "Cuộc tấn công Quảng Trị của quân đội Bắc Việt là bước quan trọng để quyết định chiến cuộc tại Đông Dương…". Bên cạnh những nhận định, đánh giá tình hình chiến sự tại chiến cuộc Quảng Trị, các báo còn liên tục thống kê những thiệt hại của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

    Tính đến ngày 3/4/1972, tức là sau 4 ngày Quân giải phóng ào ạt tấn công đã có 11 căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn tại vùng giới tuyến bị thất thủ liên tiếp, 53 khẩu trọng pháo bị đánh hỏng, trên 7.000 binh sĩ bị tử thương, trọng thương, bị bắt và thất lạc đơn vị. Báo Sóng Thần trong các ngày 2 và 3/4/1972 liên tục có bài tường thuật sự thất thủ và tháo chạy của quân đội Sài Gòn: "Các mũi tiến công và hỏa lực của quân đội Bắc Việt ngày một thêm dữ dội khiến cho các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 bộ binh và Tiểu khu Quảng Trị gần như bó tay, vì không thể tìm ra kế hoạch nào để ổn định tình thế…".

    Trong thời điểm này, căn cứ hỏa lực Carroll (Tân Lâm) của Trung đoàn 56 bộ binh địch đã bị bao vây, Quân giải phóng vẫn tiếp tục pháo kích dữ dội vào căn cứ để uy hiếp.

    Đúng 14h30', Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 bộ binh địch đã treo cờ trắng xin đầu hàng. 1.500 hàng binh cùng với 22 khẩu đại bác, trong đó có 4 khẩu đại bác 175 ly, 10 khẩu 105 ly của pháo đội Thủy quân lục chiến, còn lại là pháo đội 155 ly và 105 ly của pháo binh Quân đoàn 1 và Sư đoàn 3 bộ binh được Quân giải phóng tiếp quản. Sự kiện diễn ra vào chiều ngày 2/4/1972 này đã được báo chí miền Nam gọi là một biến cố gây chấn động không ít đến tinh thần của các binh sĩ trong quân đội Sài Gòn đang có mặt ở vùng giới tuyến.            

    Sau khi tiến chiếm và làm chủ được căn cứ hỏa lực Carroll của địch, căn cứ Mai Lộc, nơi đặt Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến địch trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của ta. Trước sự tấn công như vũ bão từ nhiều hướng, đơn vị pháo binh 105 ly của Thủy quân lục chiến ngụy đang đồn trú tại đây không thể chống trả mà chỉ nổ súng cầm cự đến chừng 10 giờ đêm thì cùng nhau tháo chạy về hướng Đông Hà, rồi từ đó thất thểu chạy về thành phố Huế. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh địch cũng hoang mang cực độ trước sức ép của Quân giải phóng, nên đã hạ lệnh cho quan quân rút khỏi căn cứ Ái Tử để chạy về thị xã Quảng Trị. Tiếp đó là Trung đoàn 57 của Sư đoàn 3 bộ binh tháo chạy khỏi căn cứ Gio Linh nhằm về hướng Đông Hà.

    Để cứu vãn tình thế, địch tăng viện bằng đường hàng không, đưa các đơn vị lính Biệt động quân và Lữ đoàn 369 Thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra tăng viện nhằm trấn giữ tại các căn cứ Nancy, Jane, Evan và phòng tuyến Mỹ Chánh, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Lúc này, các sư đoàn Quân giải phóng vẫn tiếp tục hướng các mũi tấn công vào thị xã Quảng Trị. Vì cầu Đông Hà lúc này đã bị sập, nên các cánh quân của ta phải dùng cầu Cam Lộ để vượt sông Hiếu. Lực lượng được chia thành 2 cánh quân: Một cánh hành quân đi dọc theo quốc lộ 9 để tiến chiếm Đông Hà, Cửa Việt và theo quốc lộ 1 tiến về hướng nam. Một cánh quân khác tiến về hướng nam, theo tỉnh lộ 558 và 557 qua những cứ điểm vừa chiếm như Carroll, Mai Lộc, Holcomb để tấn công căn cứ Phượng Hoàng và thị xã Quảng Trị từ hướng tây.

    Đêm 24/4/1972, một cánh quân của ta tấn công làm cháy kho tiếp liệu của Sư đoàn 3 bộ binh ngụy tại La Vang, trong đó có kho xăng dầu và cả một đoàn xe tiếp tế quân trang, quân dụng của Bộ chỉ huy 1 tiếp vận từ Đà Nẵng ra. Đêm 27/4/1972, quân ta lại tấn công thẳng vào mục tiêu kho dự trữ đạn dược của địch tại căn cứ Ái Tử, phá hủy hoàn toàn số đạn dược ở đây.              

    Bị tấn công từ nhiều hướng, đến ngày 30/4/1972, thế trận phòng thủ của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Quảng Trị hoàn toàn trở nên nguy khốn và hoảng loạn. Nhiều đơn vị lính ngụy xem như đã tan hàng vì hầu hết binh sĩ đã tự động rã ngũ để chạy theo gia đình tìm đường thoát thân về Huế. Ở thế cùng đường, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 bộ binh triệu tập một cuộc họp tại Bộ Tư lệnh hành quân sư đoàn đóng trong thành cổ Quảng Trị để giải trình kế hoạch tháo chạy. Ngày 2/5/1972, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ địa bàn tỉnh Quảng Trị.

    Ảnh hiếm: Nụ cười bên Thành cổ Quảng Trị 1972

    Cập nhật lúc: 06:00 02/06/2013

    (Kiến Thức) - Đằng sau những giọt nước mắt đau thương, sự khốc liệt tại Quảng Trị là những nụ cười rạng ngời, đầy lạc quan của người chiến sĩ.

      Hà Kiều

      Ảnh hiếm: Trận Thành cổ ác liệt nhất lịch sử VN

      Cập nhật lúc: 06:00 07/04/2013

      (Kiến Thức) - Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra trận chiến ác liệt 81 ngày đêm 1972, được xem là ngôi mộ chung của những người lính ngã xuống vì độc lập dân tộc.

      Anh Tuấn (tổng hợp)

      Ảnh cực hiếm về thành cổ Việt Nam cuối thế kỷ 19

      Cập nhật lúc: 17:00 12/03/2013

      Những bức ảnh về nhiều thành trì cổ của nước ta những năm 1884 được sưu tập bởi ông Bùi Việt Hà là những tư liệu lịch sử vô cùng quý báu.

      Theo GDVN

      Đại đội 120 người, hết trận đánh chỉ còn 17

      Xuân Hải

      81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị rực lửa bắt đầu từ ngày 28/6/1972. Con số hy sinh của quân ta trong chiến dịch giữ Thành Cổ là vô cùng lớn và sự khốc liệt của nó thì đeo đẳng những người còn sống đến tận hôm nay.
      ông Vũ Trung Thướng (Ảnh: Xuân Hải)
      Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã kể lại cho PV Infonet về cuộc chiến đấu khốc liệt của quân ta khi bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
      Nhiều người chưa kịp gửi thư cho gia đình đã hy sinh
      Đôi tay xoa vào vết thương đã liền sẹo sần sùi dưới bắp chân phải, Đại tá Vũ Trung Thướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể cho tôi nghe về sự khốc liệt, khó khăn, mất mát mà ông và đồng đội đã trải qua trong suốt 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cách đây đã 42 năm.
      Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn Tảo Khê, xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), chàng thanh niên Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 khi chưa đầy 18 tuổi. Ông đi bộ đội rồi được đi học một thời gian và được cử về làm Chính trị viên Đại đội 5 bộ binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, sư đoàn 320.
      Ông Thướng nhớ lại trận chiến đấu với địch để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: sau khi quân đội ta chiếm được Thành Cổ Quảng Trị, địch điên cuồng, huy động lực lượng để chiếm lại. Lúc này đại đội ông nhận được nhiệm vụ chốt ở ngã ba Long Hưng, phía nam Thành cổ để đánh địch từ xa, đóng chốt không cho địch bước qua ngã ba này vào Thành. Với cương vị là chính trị viên Đại đội 5 ông ra lệnh cho đồng đội: “Chúng ta còn người còn đánh địch đến cùng, không để địch tiến vào Thành cổ”.
      “Khi đó việc bảo vệ được Thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn đối với việc tạo ra thế mạnh trên bàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris. Trận 81 ngày đêm từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, Đại đội 5 của tôi từ 120 quân, nhưng sau đó chỉ còn 17 người sống sót, chúng tôi đã chiến đấu anh dũng, kiên cường để giữ Thành”, ông Thướng nhớ lại.
      Ông kể tiếp, ác liệt nhất trong trận giữ Thành Cổ của đại đội ông là từ ngày 7/7 đến ngày 19/7/1972. Do trận chiến đấu ác liệt nên việc vệ sinh đối với bộ đội rất vất vả, cứ mỗi khi ngớt tiếng súng, nhìn ai cũng dính đầy bụi đất, khói súng, quần áo thì nhàu nát, bị rách khắp nơi. Để chiến sỹ được tắm tranh thủ khi ngớt tiếng súng, ông đã cho anh em đi tìm các sợi dây rồi buộc lại chắc chắn, tìm những chiếc giếng bỏ hoang gần trận địa rồi bố trí từng người theo dây xuống tắm.
      Ông bảo: Trong trận chiến đấu khốc liệt bảo vệ Thành cổ chúng tôi thực hiện phương châm bám sát địch để đánh, nên sau mỗi đợt chống trả với sự tiến công của địch, chiến sỹ đơn vị lại bò lên để thu súng ống AR15, kèm theo đồ hộp của quân địch để dùng đánh lại chúng. Do đơn vị ngày càng có nhiều đồng đội hy sinh nên ông ra lệnh cho anh em trước khi vào trận nạp sẵn đạn vào súng, mỗi người có khoảng 5- 6 khẩu súng vừa AK và AR15 thu được để đánh địch, chính sáng kiến này đã khiến cho quân ta không mất nhiều thời gian thay đạn mà chiến đấu lại rất hiệu quả.
      “Mỗi khi ngớt tiếng súng, lúc nghỉ ngơi các anh em chúng tôi trong đơn vị lại tranh thủ mượn nhau cây bút, xin nhau tờ giấy để viết thư gửi về gia đình, cho người yêu để động viên mọi người yên tâm chờ đất nước thống nhất sẽ trở về, mùi súng đạn vương đầy trên trang thư, qua những dòng chữ nguệch ngoạc, nhiều người còn chưa kịp gửi thư về cho gia đình thì đã hy sinh rồi”, ông Thướng nhớ lại.
      Mặc áo rách đi báo cáo thành tích
      Trong trận đánh bảo vệ Thành Cổ từ ngày 7/7 đến 19/7/1972, đại đội ông đã tiêu diệt hơn 400 tên địch cùng 5 xe tăng, tuy nhiên để giữ Thành không ít chiến sỹ của đơn vị ông đã hy sinh.
      Để tuyên dương những cán bộ, chiến sỹ có thành tích xuất sắc trong trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ tại mặt trận B5, trung đoàn 48 đã cử 5 người trong đó có: Vũ Trung Thướng, Mai Ngọc Thoảng, Nguyễn Đức Khả, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuất Hiện đi báo cáo thành tích vào tháng 8/1972.
      “Khi đi báo cáo thành tích, do trận chiến đấu bảo vệ Thành Cổ trong suốt 81 ngày đêm quá khốc liệt, hậu cần chưa chuẩn bị kịp, nên cả 5 anh em chúng tôi quần áo đều rách te tua. Thấy vậy, Tư lệnh Lê Trọng Tấn hỏi chúng tôi: “quần áo của các anh đâu hết rồi”, tôi vội trả lời: “Thưa Tư lệnh, quần áo của anh em bộ đội bị bom đạn xé rách hết rồi”. Nghe vậy, Tư lệnh đã ra lệnh hậu cần cấp mới toàn bộ quân tư trang cho cả 5 anh em chúng tôi ngay tại buổi báo cáo thành tích. Sau đó Tư lệnh còn thưởng cho mỗi người 2 cân gạo Hải Châu, 10 bao thuốc lá Điện Biên và Tam Đảo, 2 chai rượu cùng một ít sâm để đem về làm quà cho anh em trong đơn vị”, ông Thướng nhớ lại.
      Cũng trong trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, ông Thướng bị thương hạng 3/4, trong đó có 3 mảnh đạn M79 của địch hiện giờ vẫn ở trong người, 1 mảnh ở chân phải, 1 mảnh ở nách, 1 mảnh ở lưng. Ngày 23/9/1973 ông Vũ Văn Thướng vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 29 tuổi. Sau năm 1972, ông Thướng tiếp tục công tác trong sư đoàn 320 tại Thanh Hóa và đón vợ con vào lập nghiệp tại đây, sinh sống tại phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa. Đến 1989 ông về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
      Ông kể, đất nước hòa bình có lần tôi được đi công tác nước ngoài, qua cửa kiểm tra an ninh của sân bay, sau khi kiểm tra hết những đồ mang theo, trên người không để bất cứ vật gì nhưng chiếc máy của an ninh kêu ầm lên, họ tiếp tục kiểm tra lại và hỏi tôi: “Bác có mang theo vũ khí không?. Tôi bảo: “Có, nhưng đó là các mảnh đạn của Mỹ ngụy đang găm trong người tôi chưa lấy ra được”.
      “Mãi sau này tôi mới biết được chiếc áo của tôi mặc trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị sau khi đi báo cáo thành tích tại mặt trận B5 hiện đang được giữ lại và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, chiếc áo đó vẫn còn có 1 vết rách trên vai do bị đạn địch bắn sượt qua”, ông Thướng nói.

      Trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 – Battle of Quang Tri trong Mùa Hè Đỏ Lửa

      Trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong Mùa Hè Đỏ Lửa
      Trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong Mùa Hè Đỏ Lửa
      Trận thành cổ Quảng Trị – Battle of Quang Tri là một trận đánh lớn giữa Quân Giải Phóng Việt Nam và quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong “Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972” trong chiến tranh Việt Nam
      Bối cảnh trận thành cổ Quảng Trị
      Năm 1972, quân Giải Phóng Việt Nam mở 3 mặt trận lớn Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long) trong chiến dịch Xuân Hè 1972 còn gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972”. Tại mặt trận Quảng Trị, quân Giải Phóng sau khi tấn công từ tháng 3 đã giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị và buộc quân Việt Nam Cộng Hòa phải rút khỏi Quảng Trị kéo về giữ bên này sông Mỹ Chánh lập phòng tuyến phòng thủ
      Phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bổ nhiệm tướng Ngô Quang Trưởng làm tổng tư lệnh Quân Đoàn 1 và đến tháng 6 đã bắt đầu tập trung lực lượng để phản công và đến tháng 7 đã tiến đến Quảng Trị, trận chiến thành cổ Quảng Trị bắt đầu
      Bản đồ quân Giải Phóng Việt Nam tấn công Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam - Quang Tri Offensive 1972 in Viet Nam war
      Bản đồ quân Giải Phóng Việt Nam tấn công Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam – Quang Tri Offensive 1972 in Viet Nam war
      Lực lượng hai bên trong trận thành cổ Quảng Trị
      Lực lượng chính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa là sư đoàn Nhảy Dù với lữ đoàn 1,2,3 và sư đoàn thủy quân lục chiến với 3 lữ đoàn gồm lữ đoàn 369, lữ đoàn 147, lữ đoàn 258, sau được tăng cường Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, cùng sự yểm trợ của thiết đoàn 7, thiết đoàn 18 kỵ binh cùng sự yểm trợ của không quân Mỹ và không quân Việt Nam Cộng Hòa
      Thống kê cho thấy, quân Mỹ đã sử dụng một hỏa lực khổng lồ để yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh Quảng Trị với 4.958 phi vụ B-52 và 9.058 phi vụ máy bay phản lực. Pháo binh đã bắn 950.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155mm, 8.164 viên đạn pháo 175mm và hơn 615.000 viên đạn pháo từ hạm đội bắn vào yểm trợ
      Lực lượng quân Giải Phóng bao gồm sư đoàn 304 do tướng Hoàng Đan chỉ huy, sư đoàn 308 do tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy, sư đoàn 312 biệt danh là sư đoàn Quyết Thắng do tướng Lã Thái Hòa chỉ huy, sư đoàn 316 biệt danh là sư đoàn Bông Lau dưới sự chỉ huy của tướng Lê Quảng Ba, sư đoàn 320B dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Sùng Lãm, sư đoàn 324 biệt danh sư đoàn Ngự Bình của tướng Chu Đới Phương và sư đoàn 325 của tướng Trần Quý Hai cùng 1 số lực lượng du kích địa phương và được 3 trung đoàn chiến xa 202, 203, 204 cùng các đơn vị pháo tầm xa 130mm, tên lửa 122mm, các đơn vị phòng không 37mm, 57mm, các đợn vị đặc công, .. yểm trợ. Tất cả chiến dịch đặt dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn và chính Ủy là tướng Lê Quang Đạo
      Thảnh cổ Quảng Trị còn gọi là thành Đinh Công Tráng do vua Minh Mạng xây năm 1823 - Quang Tri Citadel has another name as Dinh Cong Trang citadel was built by Minh Mang emperor in 1823
      Thảnh cổ Quảng Trị còn gọi là thành Đinh Công Tráng do vua Minh Mạng xây năm 1823 – Quang Tri Citadel has another name as Dinh Cong Trang citadel was built by Minh Mang emperor in 1823
      Diễn biến trận thành cổ Quảng Trị
      Ngày 26 tháng 6, không quân Mỹ bắt đầu ném bom dữ dội nhầm chuẩn bị cho cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị, ngày 28 tháng 6, tướng Ngô Quang Trưởng phía Việt Nam Cộng Hòa mở chiến dịch Lam Sơn 72 để phản công quân Giải Phóng. Đến ngày 6 tháng 7, quân Việt Nam Cộng Hòa đã đến được thị xã Quảng Trị nhưng không tiến vào được. Kế hoạch của phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa sẽ tái chiếm Quảng Trị trong 2 tuần, nhưng quân Giải Phóng Việt Nam đã chiến đấu kiên cường. Quân Mỹ chuyển sang bắt đầu không kích và pháo kích dữ dội đồng thời gia tăng các đợt ném bom dọc bờ sông Thạch Hãn nhằm ngăn chận đường tiếp tế và chi viện của quân Giải Phóng
      Phía quân Việt Nam Cộng Hòa sử dụng các đơn vị tinh nhuệ nhất là các lữ đoàn dù 1,2,3 cùng các lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến để tổ chức tấn công nhằm tái chiếm cổ thành Quảng Trị và thị xã Quảng Trị nhưng đều gặp thất bại. Đến ngày 28 tháng 7, hai bên đều tổn thất nặng nề.
      Ngày 25 đến ngày 27, tướng Lê Quang Lưỡng của Việt Nam Cộng Hòa đã phải tung đơn vị trừ bị cuối cùng là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vào chi viện và tiến được đến sát phía Đông Nam thành cổ Quảng Trị nhưng tiếp tục bị quân Giải Phóng chặn đứng, không thể tiến được vào thành cổ
      Không ảnh Thành cổ Quảng Trị trong trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam - Aerial view of Quang Tri Citadel in 1972 in Viet Nam war
      Không ảnh Thành cổ Quảng Trị trong trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam – Aerial view of Quang Tri Citadel in 1972 in Viet Nam war
      Đến ngày 28 tháng 7, hết thời hạn tấn công của quân nhảy dù, tướng Lê Quang Lưỡng giao nhiệm vụ lại cho cánh quân Thủy Quân Lục Chiến. Phía Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa thay đổi chiến thuật, không tấn công nhanh nữa mà chuyển sang dùng pháo kích và không kích để đánh đi đánh lại nhằm tiêu diệt dần sức kháng cự của quân Giải Phóng. Lúc này quân Giải Phóng đã sử dụng căn hầm ở dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị sát bờ sông làm tổng hành dinh cho trận đại và cũng là nơi tập trung các thương binh trước khi chuyển qua sông ra khỏi chiến trường để phục vụ điều trị. Cây Cầu sắt vượt sông Thạch Hãn đã bị phá hủy nên bến Vượt là nơi duy nhất để quân Giải Phóng chuyển quân qua lại và tiếp viện, quân Mỹ biết được nên ném bom và pháo kích dữ dội, quân Giải Phóng cũng tập trung pháo ở bờ Bắc sông Thạch Hãn để pháo kích không cho quân Việt Nam Cộng Hòa có thể chiếm được bến sông này
      Dinh tỉnh trưởng Quảng Trị trước trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam - Chief of Quang tri Province's office before Battle of Quang Tri Citadel 1972 in Viet Nam war
      Dinh tỉnh trưởng Quảng Trị trước trận thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam – Chief of Quang tri Province’s office before Battle of Quang Tri Citadel 1972 in Viet Nam war
      Từ giữa tháng 8, quân Giải Phóng được bổ sung trung bình mỗi đêm 40-50 người mạnh khỏe (đã trừ đi người bị thương, đào ngũ, …) tương đương hơn 1 trung đội, nên sức chiến đấu tương đối nguyên vẹn. Hàng ngày, các xuồng chiến đấu bí mật cập sông tiếp tế lương thực, thuốn men, đạn dược. Các cuộc chiến đấu tiếp tục diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng góc phố, từng con đường trong thị xã
      Đến đầu tháng 9, nước sông Thạch Hãn lên nhanh, việc tiếp tế của quân Giải Phóng trở nên khó khăn hơn rất nhiều tuy nhiên trong đêm 12 tháng 9, quân Giải Phóng vẫn được bổ sung 201 chiến sĩ và trận chiến thành cổ Quảng Trị vẫn diễn ra khốc liệt
      Rạng ngày 13 tháng 9, quân tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến quân Việt Nam Cộng Hòa tấn công từ ngã tư Quang Trung-Trần Hưng Đạo hướng về khu vực chợ Quảng Trị sau đó tiến chiếm khu hành chánh gồm Ty Bưu điện, Ty Thanh Niên, Ty Ngân khố và tiến sát đến dinh tỉnh trưởng. Đồng thời, 1 hướng tấn công của Thủy Quân Lục Chiến dọc hai bên đường Phan Đình Phùng và chiếm được khu vực tòa Hành chánh tỉnh và Ty Tiểu học vụ Quảng Trị
      Cầu Thạch Hãn bắt qua sông Thạch Hãn trước trận Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam - Thach Han bridge before battle of Quang Tri citadel 1972 in Viet Nam war
      Cầu Thạch Hãn bắt qua sông Thạch Hãn trước trận Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam – Thach Han bridge before battle of Quang Tri citadel 1972 in Viet Nam war
      Ngày 15 tháng 9, tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 6 TQLC quân VNCH đã chiếm được một góc khu đông bắc Thành cổ, quân Giải Phóng vẫn tiếp tục chiến đấu với khẩu hiệu “K3-Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”
      22 giờ ngày 15 tháng 9, sau 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân Giải Phóng bắt đầu rút lui khỏi cổ thành Quảng Trị và trận đánh thành cổ Quảng Trị kết thúc sau 81 ngày đêm
      Tổng kết trận chiến thành cổ Quảng Trị
      Ghi lại cuộc chiến đấu của sư đoàn Thủy quân Lục chiến tại mặt trận trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Quảng Trị từ khi thay thế lực lượng Nhảy Dù vào ngày 27/7/1972, trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã viết: “Trong suốt 7 tuần lễ chiến đấu dưới những làn mưa đạn pháo nặng nề của đối phương, tính trung bình cứ 4 lính Thủy quân Lục chiến có một người tử trận. Tính từ tháng 6 năm 1972 đến ngày chiếm được thành cổ, về quân số, Thủy quân Lục chiến bị tổn thất trên 5 ngàn, trong đó có 3.658 lính tử trận”.
      Lực lượng quân Giải Phóng Việt Nam tổn thất trong trận thành cổ Quảng Trị không được thông tin chính xác, một số nguồn tin cho biết vào khoảng 4.000 – 10.000 người chưa kể số lượng bị thương
      Sau này lịch sử đều cho rằng, trận đánh cổ thành Quảng Trị 81 ngày đêm là trận đánh khốc liệt nhất gây nên tổng thất nặng nề cho cả 2 phía

      Quân Giải Phóng Việt Nam trong trận chiến Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam - People's Army of Vietnam in battle of Quan Tri Citadel 1972 in Viet Nam war
      Quân Giải Phóng Việt Nam trong trận chiến Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 trong chiến tranh Việt Nam – People’s Army of Vietnam in battle of Quan Tri Citadel 1972 in Viet Nam war
      Ý nghĩa của trận thành cổ Quảng Trị
      Trận Thành cổ Quảng Trị kéo dài đến 81 ngày đêm giúp cho phía quân Giải Phóng có lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp Định Paris và cũng khiến Mỹ xuống thang trong cuộc chiến Việt Nam. Và những tổn thất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh này đặc biệt là đối với 2 lực lượng tinh nhuệ nhất và cũng là lực lượng Tổng Trừ Bị là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến khiến quân đội Việt Nam Cộng Hòa suy yếu nghiêm trọng và khó bù đắp được cho đến tận ngày Giải Phóng Đất Nước năm 1975.
      Tuy nhiên, trận đánh Quảng Trị cũng như quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã giữ được và chống lại thành công cuộc chiến ở an Lộc, Kon Tum đã thuyết phục Mỹ rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn có thể trụ vững mà không quân lực lượng chiến đấu trên bộ của Mỹ nếu vẫn nhận được sự chi viện của hỏa lực Mỹ
      Đã có nhiều bài thơ, bài hát nói về sự khốc liệt và mất mát của trận Thành cổ Quảng Trị, trong đó người ta thường nhắc tới bốn câu thơ trong bài Lời gọi bên sông của Lê Bá Dương, một cựu chiến binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từng tham gia trận đánh này:
      Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
      Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
      Có tuổi hai mươi thành sóng nước
      Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
      Ngoaì ra cựu chiến binh Lê Bá Dương cũng có 2 câu thơ rất hay, được xem như là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ của quân giải phóng tham gia trận Thành Cổ Quảng trị:
      Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
      Một dấu chân in màu đất hai miền
      Thánh đường La Vang Quảng Trị sau trận Quảng Trị 1972 trong chiến tranh Việt Nam - La Vang - A man praying in ruined La Vang Catholic church in Quang Tri 1972 in Viet Nam war
      Thánh đường La Vang Quảng Trị sau trận Quảng Trị 1972 trong chiến tranh Việt Nam – La Vang – A man praying in ruined La Vang Catholic church in Quang Tri 1972 in Viet Nam war
      Sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, cựu chiến binh Lê Bá Dương và một số đồng đội của ông hàng năm đều về Quảng Trị ít nhất một lần để tưởng niệm những đồng đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hy sinh và thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Xuất phát từ đó, những năm gần đây, hàng năm cứ vào ngày 27 tháng 7 (Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam) cũng là gần dịp rằm tháng bảy có lễ Vu Lan báo hiếu, chính quyền Quảng Trị cũng thường tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh cổ thành Quảng Trị 81 ngày đêm của trận đánh. 
      Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, qua chương trình “Lời xin lỗi” của Đài truyền hình Việt Nam đã gửi tới các đồng đội, đồng chí, tới đồng bào cả nước lời xin lỗi nghẹn ngào.
      “Tôi muốn tạ lỗi với đồng đội tôi, họ làm nên chiến thắng như thế, họ hy sinh vì tổ quốc như thế, mà chúng tôi, những người đồng đội không làm được gì để đưa họ về với đất mẹ, đưa về với gia đình”
      Nhân kỷ niệm 40 năm trận Thành Cổ Quảng Trị, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ kỷ niệm rất có ý nghĩa với 81 chiếc ghế bọc vải trắng để trống ở hàng đầu tiên, mỗi chiếc ghế có 1 nón tai bèo, 1 hoa cúc trắng để dành tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm của trận Thành Cổ Quảng Trị năm 1972
      Nụ cười bất tử trận Thành cổ Quảng Trị 1972 của ông Lê Xuân Chinh, tác giả ảnh chụp : Đoàn Công Tính (ở giữa)
      Nụ cười bất tử trận Thành cổ Quảng Trị 1972 của ông Lê Xuân Chinh, tác giả ảnh chụp : Đoàn Công Tính (ở giữa)
      Người trong bức ảnh là ông Lê Xuân Chinh, năm nay đã 66 tuổi, hiện đang đối mặt với cuộc sống vô cùng gian khổ với 3 đứa con đều phải bỏ học từ nhỏ và đứa cháu nội gái đang chỉ nằm một chổ do chất độc da cam Dioxin. Ông đã dũng cảm chiến thắng bom đạn nhưng không chiến thắng nổi di chứng chất độc màu da cam. Qua bài viết, hy vọng các đọc giả có thể giúp người lính già thành cổ Quảng Trị có thể vượt qua khó khăn trong cuộc sống cũng như giúp đỡ ông có thêm chút an ủi và niềm vui bên người cháu nội đáng thương của mình

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét