Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 145

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
LẦN THEO DẤU VẾT ★ Cái chết giữa rừng hoang 

Phát hiện xác chết không đầu giữa rừng hoang

- Người dân phát hiện một xác chết không đầu đang trong giai đoạn phân hủy giữa rừng hoang thuộc địa bàn khu vực Hố Chò, thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, Quảng Nam...
Chiều tối 13/8, cơ quan công an huyện Tiên Phước cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ cái chết đầu lìa khỏi cổ giữa rừng sâu xã Tiên Lập. 
Hồ sơ ban đầu tại cơ quan công an cho biết, trong lúc chặt củi trên đỉnh núi Hố Chò vào chiều 12/8 tại địa bàn thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, anh Huỳnh Tấn Lộc (SN 1972, trú thôn 1, xã Tiên Lập) phát hiện một xác chết đầu lìa khỏi cổ đang trong giai đoạn phân hủy.

Chiếc áo tại hiện trường cách xác chết phân hủy khoảng 3m (Ảnh: T. Kim)

Ngay lập tức anh Lộc băng rừng về báo cáo với chính quyền địa phương. Cơ quan điều tra công an tỉnh khẩn trương vào cuộc điều tra đã xác định danh tính nạn nhân tên là Hoàng Văn Thụ (SN 1968), trú thôn Nà Quý, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).
Chính quyền địa phương xác nhận, ông Thụ là người từ ngoài Bắc vào làm việc cho chủ một bãi đào vàng ở huyện Tiên Phước cách đây 5 tháng, có đăng ký tạm trú tại địa phương.
Khám nghiệm hiện trường và pháp y cho thấy, nạn nhân đã chết trước đó trước đó khoảng 14 ngày. Xác nạn nhân đang trên đà phân hủy mạnh. Nạn nhân bị chết trong tình trạng mình cởi trần, nằm ngửa phía dưới mặc duy nhất một chiếc quần đùi mang thắt lưng màu đen.
Bàn chân phải và các đốt ngón tay không còn, đầu lìa khỏi cổ. Cách nơi nạn nhân nằm khoảng 3m, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ một chiếc áo thun của nạn nhân. 
Hiện vụ việc đang được công an tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ.
Vũ Trung

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2012), tác giả xin kể mấy mẩu chuyện nhỏ để độc giả biết được một phần sự thật công việc của các điều tra viên thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk.
 Dựng lại hiện trường vụ giết người trong rừng ở Đắk Lắk.
Dựng lại hiện trường vụ giết người trong rừng ở Đắk Lắk.
Kỳ 1: Xác chết thối rữa lềnh bềnh trên sông bị cá rỉa biến dạng

Trong mỗi vụ án, đặc biệt là những vụ án nghiêm trọng không thể thiếu được sự tham gia của người điều tra viên. Từ một phần ngàn giọt máu, từ sợi tóc, từ dấu vân tay, hay sự sắp xếp đồ vật ở hiện trường đều nói lên một phần sự thật của vụ án.

Công việc của người điều tra viên tỉ mỉ như những nhà khoa học. Công việc của các điều tra viên trong những khu rừng nguyên sinh rậm rạp là sự hy sinh thầm lặng, sự khó nhọc vô cùng mà không phải ai cũng biết được.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm
Cảnh sát Khoa học kỹ thuật hình sự sử dụng kỹ thuật cao để điều tra, phá án.
Khi chưa chia tách thì Đắk Lắk là tỉnh rộng nhất Việt Nam, với diện tích 19.599 km2, dân số 2,23 triệu người, vùng núi cao từ 1.000 đến 1.800 mét chiếm 35% diện tích toàn tỉnh và cũng xấp xỉ từng đó là diện tích rừng.

Đắk Lắk là vùng đất khai hoang của dân tứ xứ khắp cả nước, gồm 31 tộc người như Dao, Tày, Nùng, Thái, Kinh, Ê Đê, M'Nông... sống xen kẽ trong rừng thẳm, cùng khai hoang, phục hóa. Chính vì dân cư phức tạp như vậy, lại là tỉnh có đường biên giới dài tới 192 km, nên thường xuyên bị các thế lực thù địch bên ngoài như Fulrô, Đê Gar lợi dụng xuyên tạc, kích động thù hằn dân tộc đã tạo ra tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp.

Không kể những thành phố lớn, Đắk Lắk là tỉnh miền núi xảy ra nhiều trọng án nhất nước. Mỗi năm Phòng CAĐTTP về TTXH, Công an tỉnh Đắk Lắk phải thụ lý cả trăm vụ trọng án, trong đó có rất nhiều vụ án giết người do mâu thuẫn, trộm cắp xảy ra trong rừng thẳm.

Không kể ngày đêm, không kể đường sá hiểm trở, không kể thời tiết sớm nắng chiều mưa, khi nhận được thông tin, người điều tra viên phải lập tức lên đường đến hiện trường vụ án để thu thập chứng cứ, tiến hành điều tra, truy lùng thủ phạm.

Những cuộc truy đuổi, lần theo dấu vết tội phạm trong rừng không những vô cùng vất vả, gian khổ mà những mối nguy đến tính mạng luôn rình rập, bủa vây người cảnh sát điều tra.

Anh Phạm Thanh Tùng, cán bộ Đội điều tra, Phòng PC14, Công an tỉnh Đắk Lắk, nếu không mặc bộ quân phục màu xanh lá cỏ thì không ai nghĩ anh là một đồng chí cảnh sát. Dáng người gầy gò, khuôn mặt xương xương, khắc khổ, đôi mắt hõm sâu là kết quả của những ngày ăn rừng ngủ thác lần theo dấu vết tội phạm.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm
Lực lượng cảnh sát Công an tỉnh Đắk Lắk.
Đồng đội ở phòng thường gọi anh là... người rừng, vì công việc của anh thường xuyên ở một góc rừng, một xó núi nào đó, chứ chẳng mấy khi thấy đầu tóc bóng lộn, trang phục gọn gàng ngồi bàn giấy.

Cũng chính vì cái bộ dạng ấy mà phòng giao phó cả cho anh những "vai diễn" lâm tặc khét tiếng, gã thất nghiệp đi bốc vác thuê, khai thác vàng sa khoáng, thậm chí cả một tay trộm vặt, một kẻ bần hàn phải đi cuốc đất, làm nương làm rẫy thuê, mà "trường quay" là những cánh rừng thâm u tưởng chừng như bất tận với đôi chân người.

Anh đã đóng tất cả những vai đó, và cho đến lúc người làm thuê hiền lành, dáng vẻ khổ hạnh nọ bất ngờ quật ngã một tên giết người máu lạnh, dong hắn đi trước mắt mọi người thì người ta mới nhận ra anh là một chiến sĩ công an giả dạng.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm
Chuẩn bị lên đường phá án.
Khi tôi hỏi anh về công việc của người điều tra viên phá những vụ án trong rừng, anh cứ lóng nga lóng ngóng không biết bắt đầu từ đâu. Anh mở hai cánh cửa của chiếc tủ cao chất ngất đến trần nhà và bảo: "Cả núi hồ sơ thế này không biết bắt đầu từ đâu".

"Núi" hồ sơ ấy là mồ hôi, công sức, là nước mắt, là máu của cả đội. Chiến công của họ lặng lẽ như những bộ hồ sơ được cất kỹ trong chiếc tủ được khóa rất cẩn thận đó.

Người điều tra viên ở Công an tỉnh Đắk Lắk là vậy đấy, cả đời họ chỉ lầm lũi với những vụ án mạng, truy tìm thủ phạm trong rừng thẳm chứ có phát biểu trước chỗ này, chỗ nọ để kể về mình, tự ca ngợi mình bao giờ đâu mà trả lời hay ho, trôi chảy cho được.

Tôi bảo anh rút bừa một bộ hồ sơ. Bộ hồ sơ ấy lật mở, từ những cái tên đối tượng, tên người bị hại, những địa danh, những cánh rừng thâm u không một dấu chân người như thước phim hiện về từ ký ức. Đôi chân người cảnh sát điều tra đã lội đến bợt bạt qua vạn dặm đường rừng.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm
Cảnh sát giúp dân dựng nhà.
Một ngày mùa thua, dân đi rừng phát hiện một xác chết trương nổi lềnh phềnh, kẹt trong những lùm cây ngả xuống con suối Ea Drăng giữa những cánh rừng già Ea Khăi, Ea Wy thăm thẳm, hoang sơ.

Nhận được tin báo, cảnh sát điều tra và bác sĩ pháp y của Phòng Khoa học kỹ thuật hình sự vội vã lên đường.

Chiếc U-oát phóng băng băng trên đoạn đường dài 120 km từ Buôn Mê Thuột đến trung tâm huyện Ea H'Leo phải dừng lại dưới chân núi Cư Mốt hùng vĩ. Những cánh rừng hoang sơ hiện ra trước mắt. Các anh cứ lần dọc con suối Ea Drăng mà cuốc bộ theo những dấu chân người sơn tràng.

Cứ đi như vậy từ sáng đến chiều thì cũng đến được nơi có xác chết. Một đồng chí công an xã đã mắc lều ở cách xác chết 50 mét, có nhiệm vụ trông coi xác chờ công an tỉnh vào. Anh bắt tay vội vã các cán bộ điều tra, tặng lại túp lều đó cho các điều tra viên và... chuồn thẳng.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm

Từ sau hôm đó không thấy anh ta quay lại nữa. Cũng không thể trách anh ta được, vì anh đã hoàn thành nhiệm vụ với một đêm và một ngày nhai mì tôm sống, uống nước lọc để... trông xác chết thối giữa rừng hoang. Nhiệm vụ lúc này là của bác sĩ pháp y, của các điều tra viên thuộc công an tỉnh.

Điều tra viên Phạm Thanh Tùng cùng vị bác sĩ pháp y nhảy xuống dòng nước chảy xiết kéo cái thây người trương phềnh đó lên. Vật ngửa cái xác ấy ra. Ôi trời, không còn nhận ra đây là hình hài một con người nữa.

Quần áo rách mướp, hình hài biến dạng, mắt, mũi môi và toàn bộ da thịt mặt đã bị cá rỉa sạch. Các ngón tay cũng đã rụng, rữa ra hoặc bị cá rỉa, chỉ còn trơ các mẩu xương, không thể lấy được vân tay. Chính vì thế không thể xác định được những đặc điểm cụ thể của nạn nhân.

Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm
Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang cùng bộ đội Biên phòng giải cứu cháu bé trong chuyên án bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc.
Trong hồ sơ vụ trọng án, nạn nhân chỉ được mô tả bằng vài dòng đơn giản: giới tính nam, chiều cao... cân nặng khoảng... độ tuổi khoảng... chết vào thời gian... chết do bị đánh đập...

Khu vực này toàn là rừng nguyên sinh, con suối Ea Drăng nước chảy xiết, mấy ngày trước lại có lũ nên không thể xác định được xác chết trôi từ đâu đến. Cũng có thể xác chết trôi về từ mãi huyện Chư Sê của Gia Lai, hoặc huyện biên giới Ea Súp, hoặc bị dòng Ia H'Leo đẩy về tự tận Campuchia.

Thông tin mù mịt như vậy nên thật khó tiến hành điều tra và không biết phải bắt đầu từ đâu. Chẳng lẽ cái chết của một con người lại oan trái đến vậy?

Còn tiếp…
đăng bởi: v.t.c...v.n.

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Không đủ chứng cứ để khép tội Minh, các anh đã bàn bạc và quyết định chơi ván bài liều mang chút hơi hướng giang hồ: Bắt cóc tên Minh.
 Dựng lại hiện trường vụ giết người trong rừng thẳm ở Đắk Lắk.
Dựng lại hiện trường vụ giết người trong rừng thẳm ở Đắk Lắk.
Kỳ 2: “Lâm tặc”… phá án

Đêm ấy, điều tra viên Phạm Thanh Tùng cùng đồng đội trằn trọc không ngủ được. Bao nhiêu ngày trong rừng các anh cũng không nuốt nổi thứ gì bởi hình ảnh cái xác chết rữa cùng cái mùi thây người tanh lợm cứ ám ảnh, bám riết lấy các anh. Ai cũng mệt mỏi, nhưng không thể rời bỏ cánh rừng ấy để trở về thành phố, bởi nhiệm vụ vẫn còn dang dở.

Sau khi làm thủ tục chôn cất người xấu số, anh Tùng, anh Hà, anh Văn, cùng một chiến sĩ công an huyện chuẩn bị ba lô, mì tôm, lương khô, nước lọc, cưa xẻ gỗ, dao đi rừng ngược tiếp con suối Ea Drăng để... phá rừng.

Lúc này, các điều tra viên đã trở thành những lâm tặc thực thụ trong mắt những người các anh gặp trong rừng.

Nhóm “lâm tặc tứ chiếng giang hồ” này cứ ngược con suối Ea Drăng mà đi. Theo nhận định của các điều tra viên thì hung thủ hạ sát nạn nhân sẽ ở một địa điểm ven suối, sau đó phi tang xác chết xuống suối luôn.

Gần một ngày trời cuốc bộ ngược suối Ea Drăng, không biết đã đi được bao nhiêu cây số, trèo qua không biết bao nhiêu dốc núi trong đại ngàn hoang thẳm, trời lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa trút nước, vắt nhảy như vãi trấu, rồi các anh cũng gặp được... dấu chân người.

Rải rác trong cánh rừng Cư Mốt có những nhóm người Tày di cư từ Bắc vào sinh sống. Họ dựng lều trại sống tạm bợ trong rừng để khai thác gỗ, khai thác trụ tiêu, đóng thành bè mảng thả suối xuôi ra sông về cuối nguồn bán.

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm
Dựng lại hiện trường vụ giết người ở rẫy cafe.
Các điều tra viên nhận định, tính toán thời gian xác chết trôi đến điểm phát hiện phù hợp với khu vực này nên phân chia mỗi người một hướng, tìm đến các lều bạt của các nhóm lâm tặc để... xin việc.

Đám lâm tặc đều là dân tứ chiếng từ miền Trung, miền Bắc dạt vào nên sẵn sàng giúp đỡ những người hoạn nạn, đang cần miếng cơm, manh áo.

Ngày ngày các điều tra viên sống như lâm tặc, làm như lâm tặc, ăn ngủ như lâm tặc, chỉ có điều mấy ông “lâm tặc” này có tính hay chuyện, cứ hỏi han, khơi gợi mọi chuyện trên trời dưới bể, trong khi đó lại rất lười... phá rừng.

Sau đúng một tháng trời ăn rừng, ngủ bụi, phá mất một số cây nhỏ trong rừng, điều tra viên Phạm Thanh Tùng mới nghe phong thanh một mẩu tin do một lâm tặc người Tày hé lộ: "Cách đây khoảng tháng rưỡi nhóm thằng Minh có tổ chức nhậu nhẹt lớn lắm, hình như có ẩu đả".

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm
Các điều tra viên đã phải hóa trang thành lâm tặc để phá án.
Tính toán chi tiết thì thấy thời gian tổ chức cuộc nhậu này phù hợp với thời gian nạn nhân chết. Tuy nhiên, một điều lạ là các nhóm lâm tặc ở khắp khu rừng này khẳng định không mất tích một ai, không chết người nào, cũng chẳng có ai bỏ về quê.

Như vậy, nhiều khả năng người chết là một nhân vật khác. Các điều tra viên cũng không ngoại trừ khả năng người chết là một tay trộm từ nơi khác đến bị nhóm người ở đây đánh chết, phi tang xác. Như vậy, nhiều khả năng nạn nhân không quen biết với những người ở đây.

Từ hôm đó, cứ tranh thủ lúc xong việc đốn gỗ, mở đường vận chuyển gỗ, các anh lại âm thầm tiếp cận khu vực quanh túp lều của nhóm Minh để xem xét địa bàn, thu thập chứng cứ.

Đêm đêm, khi đám lâm tặc ngủ, dưới ánh trăng mờ sương, các anh lại chụm đầu bàn bạc, suy luận nhằm tìm ra một chút ánh sáng bổ sung cho cái hồ sơ tăm tối như đại ngàn hoang rậm chẳng có lối đi.

Tuy nhiên, đã hai tháng rưỡi trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án mạng, mưa nắng từng ngày đã xóa mọi dấu vết, mà vụ án vẫn chưa sáng tỏ.

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm
Cảnh sát Điện Biên cắm bản giúp dân.
Nhưng giác quan thứ sáu của các anh nhận thấy rằng, tên Minh có những biểu hiện khác lạ. Đối với người điều tra, mọi chứng cứ đều phải chính xác, nhưng cảm giác đôi khi cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại của cuộc điều tra.

Không đủ chứng cứ để khép tội tên Minh, các anh đã bàn bạc và quyết định chơi ván bài liều mang chút hơi hướng giang hồ: Bắt cóc tên Minh.

Đêm ấy trời Tây Nguyên tối đen như mực, 4 điều tra viên mon men đến túp lều của Minh và nằm bẹp ở bên ngoài. Khi nghe thấy nó thở đều đều thì các anh ập vào khóa tay, nhét dẻ vào mồm rồi khiêng vào rừng sâu, nơi cây cối rậm rạp, chằng chịt, không có người qua lại.

Đốt đống củi cháy bùng bùng, anh Tùng cầm que củi gí sát vào mặt nó quát: "Tao là anh thằng Tuấn, mày giết nó phải không?". Thằng Minh không nhận, nó nhất mực từ chối.

Suốt hai ngày hai đêm đấu trí không khai thác được gì, song bằng linh cảm nghề nghiệp các anh biết tên Minh còn giấu nhiều chuyện.

Điều tra viên Hà lạnh lùng cầm lưỡi cưa đặt lên cổ hắn vằn mắt dọa: "Tao sẽ xử mày đúng luật giang hồ. Nợ máu phải trả bằng máu", tức thì nó sợ đến mức lăn ra ngất xỉu.

Hóa trang kiểm lâm truy tìm hung thủ trong rừng thẳm
Tóm tội phạm buôn ma túy.
Sau khi dội ca nước vào mặt, nó tỉnh liền và khai ra tuốt tuột, tuy nhiên, nó đổ hết tội cho mấy thằng trong nhóm: "Em chỉ đuổi thằng Quyền ra khỏi nhà thôi, sau đấy em không biết. Mà nó bảo tên là Quyền chứ có phải Tuấn đâu anh?".

Anh Tùng nhanh trí: "Tên ở nhà gọi là Tuấn, tên ngoài xã hội gọi là Quyền".

Sau khi lấy đủ lời khai, các mũi triển khai tiếp cận chỗ ở của thằng Xiêm, Quang, Cường, Trung, Vận, Chương, Sáng, Đạo... tổng cộng 13 thằng, đều là một lũ lâm tặc. Tuy nhiên, nhà cửa, lều lán của chúng nó đều trống trơn.

Sau khi thấy Minh mất tích, bọn này biết có mối nguy sắp đến nên mạnh ai nấy chạy. Thằng trốn ra Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, thằng vào tận rừng sâu miền Tây của Nghệ An, Quảng Bình.

Suốt mấy năm trời, các điều tra viên, các trinh sát phải ngang dọc Bắc Nam, lên rừng xuống biển mới tóm được hết bọn chúng để kết thúc vụ án. Thằng bị bắt cuối cùng tên là Đông khi nó trốn về quê ở Thái Nguyên.

Lời khai của 13 tên hung thủ có nội dung như sau: Tại một cánh rừng thuộc xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo, nhóm Đào Văn Minh tổ chức uống rượu gồm 13 thằng lâm tặc.

Khoảng 20h tối, khi đang uống rượu thì có hai thanh niên lạ mặt ghé vào lều và giới thiệu là Quyền và Linh. Nhóm Minh mời hai thanh niên uống rượu. Linh từ chối, bảo đang ốm, còn Quyền uống vài ly thì thôi.

Sau khi Quyền thôi uống thì Linh mới nhảy vào uống thay Quyền. Minh liền nói nặng lời: “Sao lúc đầu bảo mày không uống?”. Thế là mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Cả bọn lao vào đánh đấm Linh túi bụi. Tuy nhiên, Linh đã chạy thoát.

Bực mình, bọn côn đồ quay sang Quyền để trút giận và Quyền đã gục tại chỗ. Khi kiểm tra, thấy còn thoi thóp thở thì chúng quẳng Quyền xuống giếng nước cho chết hẳn rồi vứt xác ra bìa rừng. Nửa đêm, thằng Quang và thằng Đông mò ra khiêng xác Quyền quẳng xuống suối.

Đến giờ, dù đã tốn rất nhiều công sức điều tra song nạn nhân của vụ án vẫn chưa có lý lịch rõ ràng. Nạn nhân có thực sự tên là Quyền hay không? Một người liên quan giới thiệu tên là Linh, bạn của nạn nhân hiện vẫn chưa rõ tung tích. Vụ trọng án đã khép lại, nhưng vẫn chưa trọn vẹn.

Còn tiếp…
đăng bởi: v.t.c...v.n.

Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Một sự kiện sởn da gà xảy ra ngoài dự tính khi các anh đang dẫn giải đối tượng: 30 khẩu súng kíp đen ngòm đã nạp đầy đạn chĩa về phía Phạm Thanh Tùng và đồng đội.
 Bắt tội phạm giữa đêm khuya.
Bắt tội phạm giữa đêm khuya.
Kỳ 3: Hiên ngang giữa 30 nòng súng kíp

Vụ án từ xác chết thối vô danh giữa rừng mà cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk truy tìm ra thủ phạm trong những kỳ trước đã nêu chỉ là một trong rất nhiều vụ án đường rừng mà anh Phạm Thanh Tùng cùng đồng đội đã phá thành công.

Công sức của anh em bỏ ra trong việc phá những vụ án trong rừng là không thể tính toán được. Các anh cứ miệt mài, lầm lũi đi hết cánh rừng này đến ngọn núi nọ như loài dê núi, hóa vai tất cả những thành phần xã hội để có thể tiếp cận, khai thác thông tin. Dù chỉ là những hy vọng nhỏ nhoi, lạc lõng giữa rừng thẳm cũng có thể cởi nút thắt khám phá ra vụ trọng án.
Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp
Người điều tra viên luôn nhạy bén trước một thông tin dù rất nhỏ.
Tuy nhiên, điều mà đồng đội, gia đình các anh lo nhất là liệu tính mạng các anh có được bảo đảm khi một thân một mình giữa rừng thiêng nước độc. Không sốt rét ác tính, không bệnh tật thì cũng khó có thể tránh khỏi tên bay, đạn lạc của những kẻ liều lĩnh, thiếu hiểu biết pháp luật.

Nhớ lại vụ tóm hai đối tượng giết người giữa một rừng súng kíp mà cán bộ điều tra Phạm Thanh Tùng vẫn còn rùng mình sợ hãi. Đôi khi anh cứ tự hỏi mình rằng, không hiểu lúc đấy ăn gan gì mà liều lĩnh đến vậy.

Đó là một ngày hè cách đây đã ngót chục năm, khi nhận được thông tin ở một khu rừng nguyên sinh cách buôn E Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) một ngày đường đi bộ xảy ra án mạng, chết 2 người, ngay lập tức điều tra viên Phạm Thanh Tùng đã phải cùng đồng đội vác súng lên đường.

Vừa đi, vừa chạy vừa nhai bánh mì, uống nước lọc mà cũng phải mất một ngày mới vào đến nơi. Các anh đi theo sự dẫn đường của mấy người thoát chết trong vụ đọ súng.
Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp
Dựng lại hiện trường vụ giết người.
Khi đến gần khu rừng đó thì mấy người báo tin này nhất định không đi nữa vì lý do đám người sống trong rừng rất hung dữ, lại có nhiều súng, bắn súng lại cực giỏi.

Mấy anh công an xã thì đến lúc đó mới biết trong khu rừng thuộc địa bàn xã mình quản lý có cả một bản người lạ sinh sống. Từ bao nhiêu năm nay, chưa có ai trong xã đặt chân đến khu rừng nguyên sinh sau dãy Lak Man, thượng nguồn con sông Ea Krông Pah, giáp với huyện Khánh Vĩnh của Khánh Hòa này.

Vậy mà, giữa khu rừng hoang thẳm tưởng như chẳng có dấu chân người đó lại có án mạng, lại có cả bản người lạ sinh sống.

Dù mấy anh chàng thoát chết kia không dám đi tiếp thì các điều tra viên, các trinh sát dày dạn đường rừng vẫn phải tiếp tục lên đường. Gian khổ, hiểm nguy đã chai sạn trong tâm hồn, ý thức của các anh và chính sự chai sạn đó mới giúp các anh vượt qua mọi trở ngại.
Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp

Đi miết rồi trước mắt các anh hiện ra 30 nóc nhà xinh đẹp, nằm khum khum bên dòng suối nhỏ, nước trong vắt, chảy hiền hòa.

Ngay bìa rừng, giáp với khu dân cư có 2 xác chết bợt bạt, mặt cắm xuống đất. Manh áo rách tả tơi vì có đến cả trăm viên đạn chì từ nòng súng kíp dài ngoằng ngoẵng găm vào.

Nguyên nhân cái chết đã rõ, việc tìm ra thủ phạm không có gì khó khăn, tuy nhiên, trong 30 nóc nhà này không thấy có bóng dáng một ai.

6 trinh sát và cán bộ điều tra chia thành nhiều mũi theo những dấu vết lần vào trong rừng. Điều tra viên Phạm Thanh Tùng đang lò dò dọc con suối nhỏ thì thấy lù lù 3 nòng súng đen ngòm chĩa vào ngực.

Một người đàn ông nói trọ trẹ tiếng phổ thông quát: “Các anh vào đây làm gì?”. Anh Tùng điềm tĩnh đáp lại: “Chúng tôi là công an, là người Nhà nước đang đi điều tra vụ án mạng, mong các anh hợp tác để chúng tôi thu thập thông tin, làm rõ vụ án giết người và xét xử thủ phạm theo luật pháp. Nếu các anh bao che cho thủ phạm thì cũng sẽ là tòng phạm”.
Người đàn ông nói xì xồ mấy tiếng với hai tay súng còn lại và nhất trí khai hai đối tượng là Sùng Văn Sình và Sùng Văn Hòa đã bắn chết hai nạn nhân trên và chỉ đường cho anh và đồng đội truy bắt hai đối tượng này khi đang lẩn trốn trong rừng.

6 khẩu súng đều hướng về căn chòi lợp tạm giữa rừng, nơi Sinh và Hòa đang ẩn náu, cả hai đã phải tra tay vào còng số 8.

Một sự kiện sởn da gà xảy ra ngoài dự tính khi các anh đang dẫn giải đối tượng: 30 khẩu súng kíp đen ngòm đã nạp đầy đạn chĩa về phía Phạm Thanh Tùng và đồng đội.

Anh Tùng đứng ra phía trước giải thích, thuyết phục, song đáp lại chỉ là những tiếng la ó, không ai hiểu họ nói gì. Trong đầu anh em đều đã lên phương án sẵn sàng chiến đấu.

Phạm Thanh Tùng dặn dò mọi người tuyệt đối bình tĩnh, kiềm chế, song phải cảnh giác hết sức trước mọi diễn biến có thể xảy ra.
Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp
Tính mạng người cảnh sát hình sự lúc nào cũng ngàn cân treo sợi tóc.
Tình trạng căng thẳng diễn ra độ chục phút thì người đàn ông biết nói tiếng phổ thông chạy đến. Người này sau khi trao đổi với nhóm đồng bào đang nấp sau những bụi cây lăm lăm súng ống thì quay lại giải thích với anh rằng: Họ yêu cầu phải thả Sình và Hòa, nếu không sẽ nổ súng giết tất cả.

Vẫn bài giải thích như lúc trước: Rằng là cán bộ Nhà nước, rằng đi làm việc Nhà nước, đi bắt người vi phạm pháp luật… thì một người già nhất trong nhóm ra bắt tay rất… tình cảm.

Thì ra đồng bào tưởng “nhóm lâm tặc” vào rừng trả thù nên định tiêu diệt, chứ nếu biết các anh là công an, là cán bộ Nhà nước thì cả bản đâu có phải trốn vào trong rừng, phải phòng thủ như vậy.

Thế là, ngay tại nơi suýt xảy ra “chiến sự” đã trở thành diễn đàn để các điều tra viên thay nhau diễn thuyết. Các anh giảng cho đồng bào biết pháp luật là gì, công an làm nhiệm vụ ra sao và việc dùng súng là vi phạm pháp luật.

Phạm Thanh Tùng không hiểu lúc đó cảm hứng thế nào mà cứ nói luyến láu những chính sách của Đảng và Nhà nước khiến đồng bào gật gù liên tục.
Xuyên rừng bắt kẻ giết người giữa 30 nòng súng kíp
Ngoài việc truy bắt tội phạm, người cảnh sát nhân dân còn có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước đến đồng bào.
Đồng bào tin rằng, rồi mai đây, Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư, chia đất đai cho đồng bào canh tác, hướng dẫn cách làm ăn chứ không phải sống cảnh săn bắn, hái lượm trong rừng thẳm như thế này nữa.

Thế mà đồng bào đều hiểu điều anh nói, lại còn thống nhất nộp hết súng đạn để không săn thú rừng, không lỡ tay giết người để không vi phạm pháp luật, không phải sống cảnh tù tội nữa.

Suốt hai ngày liền, các anh không những phải dắt hai tội phạm mà còn phải khiêng hai cái xác đã vốc mùi khăm khẳm và mấy chục khẩu súng nặng như một khối sắt…

Hai nạn nhân của vụ án trên nằm trong nhóm người chuyên đi khai thác gỗ và song mây trong rừng già.

Nhóm người này thường xuyên qua lại chỗ những người Dao Đỏ đi cư từ mãi Hà Giang vào khai hoang, sinh sống quấy rối, xin xỏ, doạ dẫm họ.

Hôm đó, những người này sau khi uống rượu say đã tìm vào địa bàn người Dao Đỏ sinh sống để gây sự nên đã bị Sùng Văn Sình và Sùng Văn Hòa bắn chết. Mấy người mạnh chân nên đã chạy thoát rồi ra báo công an huyện.

Còn tiếp…
đăng bởi: v.t.c...v.n.

Cuộc luồn rừng săn lùng tướng cướp

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Lần ra đi này anh không biết liệu có còn trở lại. Nhưng kinh nghiệm của một “cảnh sát sơn tràng” không làm anh chờn bước.
 Dựng hiện trường một vụ án mạng.
Dựng hiện trường một vụ án mạng.
Kỳ 4: Cuộc dấn thân không tính ngày về

Mỗi vụ phá án trong rừng thẳm đều có những vất vả, khó nhọc, nguy hiểm riêng. Người điều tra viên không những phải giỏi nghiệp vụ điều tra mà còn phải có kinh nghiệm của người đi rừng, biết đối phó với mọi nguy hiểm của rừng thiêng nước độc, của những tên tội phạm cùng đường.

Rừng thiêng núi thẳm thường là nơi “đại bàng” ẩn náu sau khi đã gây ra những tai hoạ tày trời. Người điều tra viên phá án trong rừng phải sẵn sàng hy sinh, thậm chí một viễn cảnh chết mất xác có thể xảy đến cũng phải chấp nhận.

Cuộc luồn rừng săn lùng tướng cướp
Truy bắt tội phạm bằng đủ các loại phương tiện.
Cán bộ điều tra Đỗ Thanh Bịch được đánh giá là cảnh sát điều tra sừng sỏ của núi rừng Tây Nguyên, nhưng giới tội phạm ở Đắk Lắk, những ông trùm tội phạm trong rừng Đắk Lắk lại chỉ lưu hình ảnh của Đỗ Thanh Bịch trong ký ức là một gã cày thuê cuốc mướn trong rừng.

Khi đã sắm vai, anh là một lâm tặc thực sự, là kẻ nghèo đói làm nương làm rẫy thuê thực sự, là kẻ bán hàng rong thực sự, là một tay giang hồ nơi bãi vàng, chốn rừng thiêng thực sự.

Khi những tên tội phạm khét tiếng ngồi dưới ánh đèn đỏ quạnh của phòng lấy cung, ngồi đối diện với Đỗ Thanh Bịch trong bộ cảnh phục nề nếp vẫn không tin nổi con người có đôi mắt trũng sâu, da mặt vàng vọt, tôi tay sần sùi thô ráp của những tháng ngày ăn rừng ngủ thác, làm lụng vất vả kia lại là một chiến sĩ công an.

Cuộc luồn rừng săn lùng tướng cướp
Cán bộ điều tra Đỗ Thanh Bịch.
Nói về khả năng vào vai thì Đỗ Thanh Bịch có lẽ phải được tôn làm diễn viên gạo cội. Ngót trăm vụ án đường rừng trong suốt 20 năm chịu trách nhiệm điều tra những vụ án trong rừng là ngót trăm vai diễn khác nhau. Mỗi vai diễn đều phải chính xác từng ly từng tý, bởi chỉ cần một chút sơ xuất là phải trả giá bằng tính mạng trước bầy sói hoang khát máu giữa rừng.

Nhớ lại vụ án Hoàng “phát xít” gây chấn động cả nước cách đây hơn 14 năm trời mà anh vẫn còn bồi hồi. Những gian khổ, hiểm nguy giờ thành ký ức đẹp trong lòng anh.

4 năm trời ăn rừng ngủ núi, đi cày đi cuốc để lần theo dấu vết tên tội phạm khét tiếng số một ở Tây Nguyên đã ngốn mất một phần đời “binh nghiệp” của anh.

Hoàng “phát xít” bị tiêu diệt, báo chí cả nước ca ngợi ầm ầm, quả đó là chiến công hiển hách của Công an tỉnh Đắk Lắk, nhưng không mấy ai biết, Đỗ Thanh Bịch cùng các đồng sự đã lặng lẽ về bên vợ con và hạnh phúc như thế nào, mặc dù đó là hạnh phúc mà tự anh gặm nhấm.

Một ngày trung tuần tháng 5-1998, tại cù lao giữa rừng thiêng thuộc xã Ea Bin, huyện Krông Nô, Đắk Lắk (nay chia tách thì Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông) xảy ra án mạng.

Nguyên nhân dẫn đến án mạng là do đám thanh niên đến khu vực rừng già này khai hoang đã mâu thuẫn với 20 đàn em, toàn là lâm tặc của Hoàng “phát xít”.

Để lấy số má với đám đàn em cũng như dân tứ chiếng trên rừng dưới sông, tên Hoàng đã vác khẩu AR15 cưa nòng tìm vào chỗ xảy ra mâu thuẫn, gọi đám thanh niên kia ra rồi không nói không rằng lia nguyên một băng đạn.

Cuộc luồn rừng săn lùng tướng cướp
Chuẩn bị súng ống lên đường bắt phạm.
Kết quả một thanh niên bị trúng hai viên, một viên găm vào chân, một viên xé đứt cuống tim khiến nạn nhân chết tại chỗ. Bắn chết người rồi, cả bọn vác súng rút vào rừng sâu, cách dòng Serepok vài giờ đi bộ, nơi chỉ có vượn hú, hổ gầm để tạo lãnh địa tiếp tục hoạt động phạm pháp.

Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng công an tỉnh đã triển khai xuống địa bàn khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường và khởi tố Hoàng “phát xít” về tội giết người và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép.

Lệnh truy nã đặc biệt được phát ra. Hàng loạt cuộc càn quét của công an tỉnh, huyện diễn ra tại khu vực này, song kết quả là con số không tròn trĩnh.

Giữa những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, chằng chịt dây leo, mù mịt sương khói không thể xác định được chỗ ẩn náu của hắn. Cuối buổi họp chuyên án trong không khí hết sức nặng nề, điều tra viên Đỗ Thanh Bịch đã được giao nhiệm vụ đi tiếp cận tên Hoàng “phát xít” bằng mọi giá.

Từ biệt vợ con, Đỗ Thanh Bịch lặng lẽ khoác chiếc ba lô đã sờn rách lên đường. Lần ra đi này anh không biết liệu có còn trở lại. Nhưng kinh nghiệm của một “cảnh sát sơn tràng” không làm anh chờn bước.

Anh chỉ biết giấu những giọt nước mắt tủi thân khi mỗi lần khoác ba lô ra đi, người vợ lại gửi theo mấy câu trách móc: “Người ta cũng làm công an nhưng sáng đưa con đến trường, chiều về với vợ, anh làm công an công iếc gì mà cứ đi biền biệt tối ngày, cứ lôi thôi lếch thếch như mấy ông cửu vạn vậy? Anh bỏ nghề đi cho mẹ con em được nhờ!”.

Anh chỉ còn biết hứa “lên bờ xuống ruộng” rằng đi công tác mấy ngày sẽ về, và tất nhiên lúc nào anh cũng thất hứa. Nhiệm vụ công tác phải tuyệt đối bí mật nên anh không thể tiết lộ cho người vợ để vợ anh hiểu anh hơn. Sự bảo mật thông tin là bảo vệ tính mạng của anh cùng gia đình và thành công của chuyên án.

Trong vai một kẻ khố rách áo ôm, bộ dạng lem nhem, rách rưới, ôm theo chiếc ba lô sờn rách, chìa ra mấy đồng bạc lẻ, Đỗ Thanh Bịch bước xuống con thuyền cánh én từ buôn Trấp của huyện Krông Ana xuôi dòng Serepok xuống xã Ea Bin của huyện Krông Nô.

Cuộc luồn rừng săn lùng tướng cướp
Dòng Serepok.
Ngủ một giấc thật dài, ngắm cảnh núi non hùng vĩ và dòng Serepok đẹp mê hồn đến quá trưa thì chiếc đò dạt vào vách đá, chủ thuyền đẩy mấy ông khách lên bờ và bảo từ đây phải đi bộ, phía trước nước chảy xiết thuyền bè không qua được.

Đỗ Thanh Bịch cứ nhằm con đường mòn dọc sông Serepok đi như bản đồ đồng đội đã vẽ sẵn. Giá như có đồng chí công an xã hoặc công an huyện nào dẫn đường thì sẽ dễ dàng hơn.

Tên Hoàng “phát xít” này từng có mối quan hệ khá thân thiết với với lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã nên nếu nhờ các đồng chí ở cơ sở dẫn đường chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

Mọi lần đi rừng dài ngày, anh Bịch thấy an tâm vì giắt theo súng, lần này vì đảm bảo bí mật tuyệt đối nên súng ống và mọi giấy tờ liên quan phải để ở cơ quan.

Để lọt vào lãnh địa của Hoàng “phát xít” phải qua sự kiểm tra của 20 tên thảo khấu, phần lớn trong số chúng đang mang lệnh truy nã vì đủ các tội ác mà chúng gây ra trước đó. Nếu chúng biết anh là công an thì chắc chắn anh sẽ chẳng còn đường về.

Còn tiếp…
đăng bởi: vtc.vn

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Ngoài những thông tin da đen, đầu trọc, to cao lừng lững thì trong người hắn lúc nào cũng có khẩu AR15 cưa nòng, một khẩu AK, 3 băng với 60 viên đạn cùng vô số mìn, lựu đạn tự chế nhét đầy trong các túi chiếc áo ký giả.
 Ảnh: Mạnh Hà.
Ảnh: Mạnh Hà.
Kỳ 5: Lãnh địa của tướng cướp giữa đại ngàn

Khi mặt trời đỏ quạnh ở đằng đông, cảm giác đã sắp đặt chân đến đất Lâm Hà, Lâm Đồng thì cù lao hiện ra. Cù lao này nằm giữa chỗ giao nhau giữa dòng Serepok và dòng Đăk Pri chảy xối xả từ đỉnh Nam Nung xuống.

Tại cù lao và những vùng đất màu mỡ hai bên bờ sông có vài chục hộ gia đình khai hoang, sinh sống. Đứng giữa cù lao nhìn về tứ phía chỉ thấy rừng xanh núi thẳm. Dòng Đăk Pri và dòng Serepok mà người dân nơi đây gọi là dòng Ea Krông Knô nước xanh ngằn ngặt chảy giữa một dải thảm xanh thẫm của rừng già đến tận chân trời.

Từ trong rừng chảy ra những con suối. Suối ở đây chằng chịt dội xuống từ những dãy núi cao ở phía Đông và phía Tây.

Đỗ Thanh Bịch lê tấm thân mệt nhọc vào một mái tranh nghèo nằm ngay bên dòng Serepok xin ngủ nhờ. Đêm trăng suông, anh kéo chủ nhà ra cạnh tảng đá bên sông, lôi chai rượu và ít thịt khô ra nhậu.

Lai rai đến nửa đêm, nói chuyện trên trời dưới bể, song khi hỏi về Hoàng “phát xít” thì lão chủ nhà chợt im bặt, không hé một lời nào nữa. Hoàng “phát xít” là một cái gì đó thật ghê gớm và người ta dường như không dám nhắc đến tên hắn.

Sau một tuần lang thang trong vai người đi tìm việc, đến hết nhà này nhà khác mà không thu thập được tin tức gì, anh đành trở về tay không. Hoàng “phát xít” vẫn bí ẩn sau những cánh rừng hoang thẳm.

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người
Giúp dân cày ruộng. Ảnh: Mạnh Hà.
Lại trong vai một tay buôn sắn, rồi buôn cá, anh Bịch gác chân lên mạn thuyền, mở chai rượu nút lá chuối tu ầng ậc. Mấy con cá khô áp vào lốc máy nổ tỏa mùi thơm, rất nhà nghề.

Nhưng rồi vẫn chỉ tay không ra về sau cả tháng ngồi thuyền trên sông, lang thang trong những cánh rừng, những nhà dân heo hút nơi xó núi.

4 tháng sau vụ án mạng, Hoàng “phát xít” đã nổi như cồn khắp miền cao nguyên đất đỏ bazan. Thậm chí có một thằng nghiện ở huyện Krông Ana còn mượn tiếng của Hoàng “phát xít” để tống tiền gia đình trưởng phòng tài chính huyện.

Tên này viết một lá thư có nội dung đại để: “Nếu không mang 20 triệu ra chỗ cột điện ở sân bóng vào lúc 8 giờ tối thì tao sẽ giết cả nhà…”. Cuối thư ký tên Hoàng “phát xít”.

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người
Những cuộc săn lùng tội phạm trong rừng rất vất vả và nguy hiểm. Ảnh: Mạnh Hà.
Lá thư khiến gia đình cán bộ này hoảng hốt khủng khiếp, vì khắp tỉnh đều đã biết đến danh tính của Hoàng “phát xít” với khả năng giết người không ghê tay.

Lập tức, ban chuyên án vào cuộc và xác định khả năng Hoàng “phát xít” đã lộ diện làm một mẻ rồi trốn đi xứ khác. Kế hoạch y hẹn, vợ ông trưởng phòng nọ mang tiền ra cột điện để.

Hôm đó trời tối như mực, mưa lất phất. Đến khoảng 21 giờ thì xuất hiện một bóng đen lò dò tiến đến phía cột điện. Lập tức công an ập đến khống chế đối tượng.

Ai cũng ngờ ngàng vì Hoàng “phát xít” lại là một thằng nghiện còm nhom, nặng chưa đầy 40kg.

Điều tra viên Đỗ Thanh Bịch đến nhận dạng và khẳng định chắc chắn hắn không phải là Hoàng “phát xít”. Theo những thông tin thu thập được thì Hoàng “phát xít” cao 1,75m, nặng 80kg, đầu cạo trọc lốc, da đen bóng, nói giọng Quảng Nam, lúc nào cũng mặc chiếc áo ký giả sờn vai, quần rằn ri nhiều túi…

Bị lộ tẩy, thằng này liền khai: “Cháu nghe chú Hoàng nổi danh quá nên lợi dụng tên tuổi chú để kiếm tý”.

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người
Quật ngã tội phạm.
Điều bức xúc nhất là bọn trẻ choai choai ở hai huyện Krông Nô và Krông Ana thi nhau lập băng nhóm và tuyên bố do anh Hoàng “phát xít” cầm đầu để tiến hành cướp bóc, gây hoang mang cho dư luận. Mỗi khi chúng xưng danh tên Hoàng “phát xít” ai cũng sợ xanh mặt mà trao hết tài sản cho chúng.

Đã 4 tháng trôi qua, cả chục lần ra vào mà thông tin điều tra viên Đỗ Thanh Bịch thu thập được từ tên Hoàng “phát xít” không đáng là bao ngoài vài nét về hình dáng của hắn. Ngày lẫn đêm anh như ngồi trên đống lửa. Nhiệm vụ không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, tự thấy mình mất uy tín với cơ quan, đồng đội.

Lần này Đỗ Thanh Bịch trong vai một con buôn bị phá sản, mất nghiệp, phải đi làm rẫy thuê để tìm cách tiếp cận Hoàng “phát xít” gần hơn nữa.

Anh xin làm rẫy thuê cho một gia đình quê ở Thanh Hóa. Để quen với công việc làm nương rẫy, anh đã phải tập cuốc đất sưng cả tay. Nhưng những ngày luyện tập sao so được với công việc thực tế.

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người
Mọi dấu vết đều được xem xét kỹ càng.
Hàng ngày phải dậy từ 4 giờ sáng, cuốc bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến mảnh rẫy nằm sâu trong rừng, gần lãnh địa của tên Hoàng và đám đàn em cư ngụ. Khi về đến nhà, trời đã nhá nhem tối.

Cả ngày lao động quần quật dưới cái nắng đổ lửa, rồi bất chợt những cơn mưa tầm tã, song đồ ăn lại chỉ là cá khô mặn chát, là cơm độn sắn nhai với rau rừng.

Mặc dù mảnh rẫy cách chỗ tên Hoàng độ 3 giờ đi rừng, hắn đã trở thành lãnh chúa thực sự của những cánh rừng Ea Rbin dọc dải sông Serepok, song thông tin về hắn vẫn biệt tăm.

Tất cả những người muốn làm nương rẫy, khai thác gỗ, đánh cá, săn bắn đều phải nộp thuế cho hắn. Đàn em của hắn còn vác súng và lựu đạn ra bờ sông Serepok gác để thu thuế thuyền bè qua lại.

Lúc hứng lên, chúng ném mìn xuống sông nổ ùng oàng, cá nổi trắng bụng cả đoạn sông.

Có gia đình nghèo khó, lại ngang ngạnh không chịu “nộp thuế”, mười mấy thằng kéo đến gí súng vào cổ, cướp bóc sạch sẽ, đốt luôn nhà để cảnh cáo.

Tướng cướp đeo súng, mìn, lựu đạn lủng lẳng trên người
Tội phạm bị tóm.
Câu chuyện của Hoàng “phát xít” cứ huyễn hoặc trôi theo những chuyến thuyền bè ngược xuôi trên dòng Serepok.

Từ khi không thấy động thái của công an, Hoàng “phát xít” cho đàn em tràn ra bờ sông thì thông tin về hắn lộ rõ hơn. Ngoài những thông tin da đen, đầu trọc, to cao lừng lững thì trong người hắn lúc nào cũng có khẩu AR15 cưa nòng, một khẩu AK, 3 băng với 60 viên đạn cùng vô số mìn, lựu đạn tự chế nhét đầy trong các túi chiếc áo ký giả.

Thông tin mà bọn đàn em tiết lộ thì trong “kho đạn” của hắn có đến 300 viên cùng rất nhiều loại súng săn, súng kíp, các loại mìn, lựu đạn có sức công phá lớn. Mỗi lúc đi “thu thuế”, đàn em của hắn súng ống, dao kéo giắt đầy người khiến không ai có gan chống cự.

Mặc dù đã thuộc làu làu địa hình, đường đi lối lại trong rừng, song trinh sát Bịch vẫn không có bất cứ cách nào tiếp cận tên Hoàng sau 3 tháng trời đi nương rẫy, mặc dù có không ít cơ hội trò chuyện với đàn em của hắn.

Thậm chí anh đã nhờ thằng đàn em chuyển lời đến Hoàng “phát xít” xin được đầu quân dưới chướng anh Hoàng, song vẫn không được hắn ngó ngàng tới.

Tên Hoàng “phát xít” cáo già không tiếp xúc với bất kỳ ai và cực kỳ cảnh giác với những người lạ mặt xuất hiện trong khu rừng này.

Không còn cách nào khác, anh đã đề xuất dùng biện pháp thử “rung cây doạ khỉ” xem phản ứng của hắn ra sao.

Một lá thư kêu gọi đầu hàng để hưởng lượng khoan hồng được chuyển đến tay Hoàng “phát xít”. Hắn không những không phúc đáp mà gầm lên như con hổ dữ, xả một loạt đạn lên trời như thách thức một mất một còn với lực lượng công an.

Hắn nghi ngờ có công an nằm vùng nên cứ đêm đến hắn kéo đàn em đột nhập tất cả những nhà có người lạ ở và những nhà mới chuyển vào khai phá.

Một cựu chiến binh mới đưa gia đình vào khai khẩn bị bọn côn đồ này trói gô lại dẫn giải vào rừng sâu. Chúng đánh đập tra tấn dã man vì tưởng là công an giả dạng, tuy nhiên, chúng không khai thác được thông tin gì từ người đàn ông này nên lại thả ra.

Anh Bịch cũng nằm trong diện bị chúng nghi vấn, tuy nhiên, do anh đã xuất hiện ở khu vực này tương đối lâu, vả lại nhìn tướng anh rách rưới, lam lũ chẳng khác gì người làm thuê nên bọn đàn em lâu la của Hoàng "phát xít" chỉ điều tra thoáng qua mà thôi.

Còn tiếp…
đăng bởi: v.t.c...v.n.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra

A-A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Người đàn ông cô độc này chết trong một cái chòi canh nương rách nát giữa rừng già, cách trung tâm xã gần hai ngày đường cuốc bộ. Khi người đi rừng phát hiện ra thì ông đã chết hơn tuần, xác phân hủy bốc mùi tanh cả góc rừng.
 Mỗi năm Đắk Lắk xảy ra cả chục vụ giết người trong rừng.
Mỗi năm Đắk Lắk xảy ra cả chục vụ giết người trong rừng.
Kỳ 7: Những vụ án chưa khép lại

Năm nào cũng vậy, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều diễn ra trên dưới 100 vụ trọng án, trong đó, tỷ lệ khám phá thành công các vụ trọng án trên địa bàn rừng rú mênh mông này là 92%.

Nhìn vào những con số này tưởng là đơn giản, mấy ai biết rằng, đằng sau đó là bước chân lội rừng với nỗ lực đầy trách nhiệm của các chiến sỹ trong lực lượng công an tỉnh, huyện và xã, trong đó vất vả nhất phải kể đến lực lượng cảnh sát điều tra.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra

Các vụ trọng án thường xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Mỗi buôn, mỗi bản cách nhau cả ngày đường đi bộ và mỗi chòm dân cư chỉ có dăm bảy nóc nhà sống rải rác giữa rừng. Thế nên, khi anh em đến hiện trường thì các thi thể đã thối rữa, hiện trường đã cơ bản bị thay đổi, hung thủ đã cao chạy xa bay.

Trong suốt những năm làm cán bộ điều tra, anh Bịch cũng như đồng đội mình đã phải tiếp xúc với không biết bao nhiêu xác chết thối rữa trong những cánh rừng thâm u không một bóng người. Mỗi vụ án mạng xảy ra các anh lập tức phải có mặt bất kể ngày đêm, mưa nắng để thu thập thông tin, điều tra ban đầu, chỉ đạo và cùng bác sĩ pháp y mổ xẻ tử thi, ghi chép hồ sơ để báo cáo thông tin cho lãnh đạo, ban chuyên án.

Công việc của các anh phải đảm bảo cực kỳ tỉ mỉ, chính xác, chỉ sai sót, lơ là một li là sự thật không thể sáng tỏ. Công an tỉnh Đắk Lắk có mỗi bác sĩ pháp y, phải làm rất nhiều việc, nên thường xuyên phải điều động bác sĩ trong bệnh viện tỉnh.

Tiếp xúc với xác chết trương chết thối trong rừng mãi rồi cũng quen, nhưng sợ nhất là cảnh một mình lang thang giữa rừng thiêng nước độc. Đã có không ít lần anh Bịch, anh Tùng và các điều tra viên bị sốt rét rừng quật ngã. Nhưng các anh đều đứng dậy được nhờ những nắm thuốc lá của đồng bào.

Giờ đây, những kinh nghiệm đi và sống trong rừng đã dày, những cây thuốc trong rừng các anh đều thuộc nằm lòng cả nên không ngại gì rừng thiêng nước độc.

Một kỷ niệm hãi hùng nhất trong những năm tháng lội rừng mà anh Bịch còn nhớ đó là lần lạc trong rừng suốt nửa tháng trời. Đó là vụ do hai người đi săn trong rừng Phượng Hoàng, nơi giáp ranh ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên bắn nhầm vào nhau.

Khi đuổi theo một con gấu, Tuấn và Long đã lạc nhau. Bóng đêm sắp tràn ngập cánh rừng, Tuấn sợ thú rừng ăn thịt liền trèo lên cây ngủ. Long đi qua, thấy trên cây có tán lá rung rung liền nhả đạn.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra
Với người cảnh sát điều tra, mọi chi tiết vụ án đều quan trọng.
Một khối thịt rụng xuống. Nhưng đó là lại ông bạn săn chứ không phải con thú. Long kéo xác Tuấn vào khe đá, bẻ lá cây đậy lại rồi tìm đường ra.

Trốn ra Nghệ An được một tháng, thấy ăn năn vì hành động của mình nên anh ta đến công an trình báo. Thiếu tá Bịch cùng hai điều tra viên có đôi chân lội rừng dẻo dai được cử đi theo Long.

Con đường từ trung tâm xã vào đến khu vực giấu xác chỉ có một ngày cuốc bộ vậy mà vẫn không tìm thấy xác Tuấn đâu. Hai điều tra viên được cử về báo cáo tình hình, còn thiếu tá Bịch và Long tiếp tục luồn rừng.

Đi suốt một tuần trong rừng mà vẫn không thấy khe đá ấy đâu liền tìm đường ra. Tuy nhiên, đường ra lối nào cũng không nhớ nổi nữa. Anh và Long cứ đi lòng vòng cả ngày rồi lại thấy trở về chỗ cũ.

Điều tra viên và thủ phạm giết người phải đào củ mài, mò cá dưới suối, hái rau rừng để ăn, làm chòi lá trên cây để ngủ. Khu rừng này khi đó hổ báo vẫn đầy lóc nhóc, do vậy, tính mạng chỉ còn biết giao phó cho... rừng già.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra
Ăn nhờ dân giữa rừng già.
Đang lúc bất lực trong việc tìm đường ra thì Long chợt nhớ ra cái gốc cây quen quen, rồi cái tảng đá ngờ ngợ, thế là tìm ra xác của Tuấn, nhưng chỉ còn là đống xương với nhúm thịt thối lổm ngổm những bọ. Sau trận lạc đường và chứng kiến cái xác kinh hồn đó, anh ốm mất hơn tháng trời.

Trong những tháng ngày lội rừng phá án, cũng có không ít những vụ án còn bế tắc trong việc tìm ra thủ phạm, đó là nỗi đau, là trăn trở lớn nhất của anh cũng như của những người cảnh sát điều tra.

Chẳng ai trách các anh được, bởi có mấy ai dám xung phong nhận nhiệm vụ lội rừng cả tháng trời để phá án đâu, song mỗi vụ án qua thời gian dài chưa khép lại là các anh lại thấy hổ thẹn với đồng đội, thấy có lỗi với nhân dân, đặc biệt là thân nhân những nạn nhân bị chết một cách oan ức.

Vụ án ông già người Mường quê ở Thanh Hóa vào khu rừng thuộc xã Nam Đà, Krông Nô khai hoang, sinh sống bị sát hại vẫn còn ám ảnh anh suốt mấy năm nay.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra
Gần dân để khai thác thông tin.
Người đàn ông cô độc này chết trong một cái chòi canh nương rách nát giữa rừng già, cách trung tâm xã gần hai ngày đường cuốc bộ. Khi người đi rừng phát hiện ra thì ông đã chết hơn tuần, xác phân hủy bốc mùi tanh cả góc rừng.

Sau khi bác sĩ pháp y làm xong việc thì rút về, để lại điều tra viên Đỗ Thanh Bịch một mình trong căn chòi đó. Hàng ngày, anh xẻ rừng cuốc bộ quanh khu vực với bán kính hàng chục cây số để tìm đến các nương rẫy, gặp gỡ những người đi rừng, làm nương, thợ săn, lâm tặc để thu thập tin tức, mong tìm ra đầu mối giải quyết vụ án.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi anh chắc chắn người đàn ông này chết vì bị vật cứng đập vào đầu làm bể hộp sọ. Nhưng hung thủ là ai thì đó vẫn là câu hỏi day dứt trong anh từ mấy năm nay.

Nghe một số người sống gần khu vực đó kể lại thì mảnh nương và cái chòi đó xưa kia cũng có một người đàn ông cô độc sinh sống. Song một ngày đám thợ săn đi qua không thấy ông ta đâu mà chỉ thấy một bộ xương với chút thịt khô quắt còn sót lại.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra
Vụ án chưa sáng tỏ, người điều tra viên còn chưa ăn ngon, ngủ kỹ.
Xung quanh bộ xương ấy là vô số dấu chân hổ to bằng miệng bát tô. Sau khi người đàn ông bị hổ xơi thịt, mấy năm trời không ai dám đi qua khu vực đó cho đến khi người đàn ông cô độc người Mường này từ mãi Thanh Hóa vào khai phá, sinh sống.

Từ khi người đàn ông này bị sát hại, người ta thêu dệt đủ chuyện hãi hùng, nhưng với cán bộ điều tra Bịch thì điều đó không hề hấn gì. Anh đã biến căn chòi hoang của ông già xấu số thành nơi trú ngụ suốt 4 tháng trời. Dùng giường ông ta nằm để ngủ, dùng chăn của ông để đắp, dùng mấy chiếc xoong nồi sứt mẻ của ông ta để nấu mì tôm, canh rau rừng.

Có đêm nằm không ngủ được vì tiếng vượn hót nghe não lòng, tiếng gầm gừ của không biết giống thú gì. Thậm chí, có đêm ngủ dậy, thả chân xuống đất dẫm thẳng vào sống lưng con rắn hổ chúa to bằng bắp tay, dài ngoằng ngoẵng đến ba bốn mét.

Những ngày mưa tầm tã, không có thực phẩm tiếp tế của công an xã anh xài nốt cả số gạo mốc trong bồ và bọc cá khô treo trên nóc chòi còn sót lại của người đàn ông xấu số.

Những xác chết giữa rừng và nỗi lòng người điều tra
Tuyên truyền pháp luật tới dân.
Gạo hết, cá khô cũng hết, anh đào sắn mọc dại ngoài nương hết ăn nướng lại ăn luộc. Rỗi rãi ra suối lật đá bắt cua nấu với mầm măng, mầm giang hoặc rau tàu bay, thứ rau rất sẵn trong những cánh rừng Tây Nguyên.

Đôi lúc cũng thèm thịt thú rừng lắm, thấy con mang (hoẵng) nhởn nhơ uống nước bên suối cũng giương súng lên, nhưng rồi lại không đủ can đảm để bóp cò.

4 tháng điều tra, 4 tháng sống trong cảnh không đèn đóm, đêm đen như mực, ngày lúc nào cũng lờ mờ, âm u. 4 tháng đi khắp cánh rừng, khắp địa bàn, gặp rất nhiều đối tượng nằm trong diện nghi ngờ, song kết quả vẫn là con số không. Cái chết của người đàn ông cô độc giữa rừng vẫn là nỗi ám ảnh không dứt trong anh suốt mấy năm nay.

Đối với những chiến sĩ công an điều tra, đặc biệt là các điều tra viên ở Công an tỉnh Đắk Lắk, rừng là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Thiếu tá Bịch sau bao nhiêu năm lội rừng đằng đẵng, mới đây cơ quan đã ưu tiên cho một công việc nhàn nhất đối với người công an điều tra: điều tra án trên hồ sơ. Điều đó có nghĩa là cả ngày anh chỉ vùi đầu vào đống hồ sơ, không phải đi đâu nữa.

Tuy nhiên, lâu nay thiếu tá Bịch lại thấy buồn, vì anh nhớ rừng quá, thèm được một chuyến đi rừng thật đã. Đôi chân lâu lâu không được đi rừng cứ thấy ngứa ngáy.

Giờ đây, thay anh trong việc đi rừng là hai chục chiến sĩ trẻ, hai chục điều tra viên của PC14. Nhưng rừng giờ còn mấy đâu mà lội, lâm tặc đã phá sạch trơn sạch trốc hết rồi.
đăng bởi: v.t.c...v.n.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét