Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

VIỆT NAM HIỀN HÒA 54 (Mỳ Quảng)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tri Thức Lượm Lặt
Nguồn gốc Mì Quảng 


Xét về nguồn gốc của các món ăn Việt Nam chỉ có hai món mang tên của địa phương mà nó phát sinh, là bún bò Huế và mì Quảng. Nhưng bún bò Huế không đặc thù bằng mì Quảng, vì bún vốn là một hình thức chế biến lương thực rất phổ biến của người Việt Nam, và các món như bún riêu, bún ốc, búng bung... của vùng châu thổ sông Hồng Hà hẳn là phải có trước bún bò Huế. Bún bò Huế cũng theo nguyên tắc dùng sợi bún và nước lèo, chỉ có nguyên liệu, gia vị và cách nấu là khác thôi. Đó chỉ là một sự phát triển và biến hóa dựa trên một cái nền cũ.
Nhưng mì Quảng thì có vẻ là một sáng tạo riêng biệt của vùng Quảng Nam không dựa trên một truyền thống có sẵn nào. Trước hết về tên gọi, chữ “mì” không ổn nhưng rất độc đáo. Mì vốn là sản phẩm của người Tàu, chế tạo bằng bột mì, các món ăn xưa của Việt Nam không có món nào gọi là mì cả (dĩ nhiên trừ mì Quảng). Mì Quảng là món mì duy nhất của Việt Nam, nhưng có điều buồn cười đó chỉ là mượn tên gọi thôi, chứ thực chất món sợi ấy làm bằng bột gạo chứ không có tí bột mì nào trong đó cả. Không ổn là ở chỗ ấy, mà độc đáo cũng là ở chỗ ấy. Đã không dựa trên một truyền thống nào mà cả lối đặt tên cũng mới lạ, món mì Quảng xứng đáng làm một đề tài nghiên cứu về văn hóa trong lịch sử của xứ Đàng Trong.
Sợi mì Quảng làm bằng bột gạo, xắt ra từ một loại bánh tráng dày còn tươi (không phơi khô). Về phương diện này sợi mì Quảng và sợi phở giống nhau, nhưng chưa chắc bên nào mô phỏng bên nào. Tuy phát sinh từ miền Bắc, món phở không cho chúng ta cảm tưởng là một món ăn xưa trong truyền thống ăn uống Việt Nam như là các món miến và bún. Cổ bàn xưa không bao giờ nghe nói đến phở, các truyện xưa tích cũ và cả tài liệu sách vở xưa không bao giờ nhắc đến phở, và phở cũng không bao giờ là một món ăn truyền thống được nấu trong gia đình ngày trước. Cách khai thác thịt của con bò trong cách nấu phở có vẻ gì tân tiến qui mô hơn hẳn các món cổ truyền, cả cái tên gọi “phở” nghe cũng mới mới.
Nhiều người cho rằng phở chỉ mới có sau khi người Pháp qua xâm chiếm Việt Nam, từ cách nấu đến tên gọi đều mang ảnh hưởng Pháp. Tại vùng nông thôn nước Pháp ngày xưa vào những ngày đông tháng giá trong mỗi nhà nông dân người ta thường nấu một nồi súp lớn thường trực. Khi đi làm về chỉ việc múc súp ra ăn với bánh mì khỏi mất thì giờ nấu nướng lỉnh kỉnh. Vì nồi súp ấy lúc nào cũng được đặt trên bếp lửa cháy (có lẽ để cho ấm nhà trong mùa đông luôn) nên được gọi là Pot-au-feu. Cách nấu súp truyền thống ấy được áp dụng trong quân đội Pháp, và theo đám quân viễn chinh Pháp vào Việt Nam. Những người Việt Nam được tuyển vào làm bếp cho quân đội Pháp đã được dạy nấu món ấy và có thể là ông tổ của món phở khi đem biến cái món pot-au-feu ấy cho hợp với khẩu vị và cách ăn của Việt Nam, và gọi tắt luôn cái âm pô-tô-phơ ấy thành phở cho tiện. Đó là một giả thuyết rất thuyết phục về nguồn gốc của phở, và theo đó thì món này chỉ xuất hiện sớm nhất vào cuối thế kỷ 19 là cùng. Và như thế thì tuổi của nó trẻ hơn món mì Quảng nhiều. 

Vào thế kỷ thứ 16 dưới triều các Chúa Nguyễn đất Quảng Nam đã ổn định từ lâu và thành phố Hội An đã thành một hải cảng quốc tế buôn bán phồn thịnh. Ngoài người Tàu đến lập nghiệp ở đây rất đông lập hẳn một cái làng Minh Hương đến nay vẫn còn, còn có các thương nhân Nhật Bản, Hòa Lan, Tây Ban Nha... đến mở cửa hiệu hoặc lui lới làm ăn. Trong một thành phố như thế thì dĩ nhiên việc ăn uống phát triển cửa hàng ăn phải nhiều, và người Tàu, với truyền thống nấu nướng phong phú nổi tiếng của họ, chắc chắn là nhiều ưu thế. Những món ăn nổi tiếng của Hội An về sau nầy như hoành thánh, cao lầu cũng vẫn là món ăn của người Tàu. Và vào thời xa xưa ấy dĩ nhiên người Tàu đã đem món mì của họ vào Hội An, cái món mì sợi trứ danh mà người Ý đã học được từ nhiều thế kỷ trước để biến hóa thành món spaghetti cũng nổi tiếng không kém. Nếu gọi “thức ăn là văn hóa” thì dân Quảng Nam vào thời ấy đã ở trong một luồng giao lưu văn hóa rất sớm, ít ra chỉ mới trong việc nếm thức ngon vật lạ của bốn phương. Những nhà cách mạng của Quảng Nam sau ngày dễ nhạy cảm với phong trào Duy Tân, đi tiền phong trong nhiều công cuộc đổi mới có lẽ một phần cũng nhờ là hậu duệ của một lớp người đã có dịp mở rộng tầm mắt từ ba bốn thế kỷ trước, trong đó có cả việc tiếp xúc với những khẩu vị mới lạ của thế giới.Món mì của người Tàu tất nhiên rất gần với khẩu vị của dân nước ta, và theo đúng truyền thống dung hóa của dân tộc Việt Nam, ta lại dung nạp và biến hóa món mì ấy để phù hợp với sản vật và cái “gu” ăn uống của ta. Và thế là dù không có bột mì, người Quảng Nam vẫn có món mì của mình, chẳng khác nào sau này món pot-au-feu biến thành món phở ở miền Bắc vậy.
Quảng Nam là địa phương duy nhất trong cả nước có món mì như thế, và khi xét về các đặc tính của nó ta sẽ hiểu sự hình thành và vai trò của nó trong đời sống của người dân Quảng Nam.Ai cũng biết nước ta có rất nhiều tỉnh bắt đầu bằng tên Quảng, nhưng khi nói đến mì Quảng thì ai cũng hiểu đó là món mì của đất Quảng Nam. Nhưng ngay tại Quảng Nam thì người ta không gọi là mì Quảng, chỉ gọi là mì, mà không sợ lẫn lộn với mì của bất cứ một ông Tàu nào. Món mì tàu chỉ có tại các cửa hiệu ở Hội An và Đà Nẵng, trong khi mì của dân Quảng Nam là một món ăn rất dân dã, phổ biến đến từng làng mạc xa xôi nhất, có mặt ở tất cả mọi gia đình Quảng Nam giàu nhất hoặc nghèo nhất. Bạn có tìm thể tìm thấy mì Quảng từ chân đèo Hải Vân phía nam đến vùng An Tân, Bến Ván mà sau này gọi là Chu Lai, từ vùng cao Dùi Chiêng, Tí, Sé, Tiên Phước cho đến các làng ven biển đông. Ở đâu cũng có thể làm lấy sợi mì được, chỉ cần một cái cối đá xay bột, khi gạo đã được xay ra thành bột nước, người ta “tráng mì” trên một nồi nước sôi bịt vải theo kiểu như làm bánh tráng, nhưng lá mì dày hơn bánh tráng, sau đó dùng dao xắt lá mì thành sợi, thế là xong. Người ta ít khi nói nấu nước lèo cho mì, món mì Quảng không có nước lèo, mà chỉ có làm nhưn. Đây thật ra cũng là một loại nước lèo, nhưng rất cô đặc, ít nước, làm cho tô mì Quảng thường rất khô. Vì thế, tại các quán mì ở thôn quê người ta thường thấy thực khách vừa ăn mì vừa nhâm nhi một cút rượu trắng, một điều ta ít khi thấy ở những người ăn phở hay ăn bún riêu, bún bò. Nghĩa là khi cần thì mì Quảng tạm dùng làm món nhậu cũng được.



Nhưn mì Quảng làm bằng gì? Hình như không bao giờ có thể khẳng định bằng một tiếng như phở bò, miến gà, hoặc bún giò heo. Chỉ một tiếng “Quảng” đi theo với tiếng mì thôi. Nhưng một tiếng ấy bao gồm không biết bao nhiêu là loại nguyên liệu có thể dùng để nấu thành nhưn mì Quảng. Có thể nói với bất cứ thứ thịt cá tôm cua gì người ta cũng có thể xào nấu thành nhưn mì. Vùng nhiều tôm cua thì làm mì tôm cua. Dễ tìm như thịt heo thịt bò thì ta có mì thịt heo thịt bò. Ở thôn quê xa chợ búa câu được mấy con cá tràu thì cứ làm mì cá tràu. Hoặc gà, vịt tùy thích. Đầu mùa mưa bắt được nhiều ếch thì người ta lại được thưởng thức món mì ếch, loại đặc sản lâu lâu mới có một lần. Với một nguyên tắc chung là sợi mì bằng bột gạo - gạo trong cho sợi mì màu trắng, gạo đỏ cho sợi mì màu nâu, có khi cho tí nghệ để có loại mì vàng, cùng được chấp nhận hết - và một loại nhưn nhị cô đặc làm bằng bất cứ thực phẩm nào cũng được, ta thấy rằng mì Quảng là một món biến hóa khôn lường, và đó chính là điều làm nổi bật tính cách dân gian của nó, dễ dãi tùy theo sản phẩm mà địa phương hoặc gia đình có được mà tô mì sẽ có một hương vị như thế nào.
So với những thứ khác cùng loại, mì Quảng (loại truyền thống) có vẻ quê mùa. Các cọng mì xắt to hơi thô và cứng, rau sống ghém thường có bắp chuối hoặc chuối cây, món nhưn ít nước rải lên trên thêm đậu phộng giã và bánh tráng nướng bẻ vụn, khi trộn lên trông tô mì lổn nhổn, không có được sự mềm mại của bánh phở trắng tinh, uyển chuyển trong làn nước dùng trong veo, hoặc quyến rũ với miếng giò heo và màu đỏ cay của tô bún bò. Nhưng phở hay bún bò có cái hấp dẫn của sự tinh tế, còn mì Quảng có cái ngon lành của sự mộc mạc. Sợi mì to, chất nhưn rất đậm và ngậy béo cho ta một cảm giác ngon hơi phàm nhưng mạnh mẽ, kích thích. 
Người ta không ăn mì Quảng một cách nhỏ nhẻ mà phải “lua ào ào” mới ngon. Nếu ăn trong khung cảnh đơn sơ của thôn quê thì càng hay. Vì nếu xét theo sự hiện diện và tính chất của nó thì có thể kết luận chắc chắn mì Quảng phát nguyên trước hết ở nông thôn mà kẻ thưởng thức là những người làm lụng cực nhọc trên đồng ruộng. 
Với câu “hãy nói cho tôi biết anh ăn cái gì và ăn như thế nào, tôi sẽ nói anh là người ra sao” thì món mì Quảng cũng nói lên được bản chất của người Quảng Nam nhiều lắm. Không màu mè kiểu cách, hơi thô thiển nhưng chân thật, rất vững vàng trong nguyên tắc nhưng cũng biết uyển chuyển trong ứng xử, mặc dầu uyển chuyển một cách hơi cứng nhắc. Rõ ràng mì làm sao thì người làm vậy.
Tại các làng quê xa của nước ta khách lỡ độ đường thường khó kiếm được quán ăn, nhưng nếu là ở Quảng Nam thì khỏi lo điều ấy, vì làng nào hầu như cũng có ít nhất là một quán mì, và mì Quảng luôn luôn là loại thức ăn rẻ tiền và chắc bụng. Quán mì là một điểm rất đặc biệt của thôn quê Quảng Nam. Tất cả dân làng đều có dịp ghé ăn ở đó, không có tiền mặt trả ngay thì tới mùa đong lúa trả cũng được. Nhà có khách bất ngờ không nấu nướng kịp thì chạy ra quán mì mua một vài tô đặc biệt về đãi khách. Ngày mùa nhà nào có kêu thợ gặt có thể đặt làm một gánh mì gánh ra đồng đãi thợ “ăn uống nước nửa buổi.” Món mì gắn chặt với đời sống hằng ngày của mọi người, và hai tiếng “ăn mì” rất phổ biến đối với người dân quê Quảng Nam, nói lên một sinh hoạt ăn uống không xa xỉ hoang phí lắm nhưng cũng vượt một tí khỏi mức bình thường. Nếu tại các làng Bắc Việt đi xa người ta nhớ cây đa và quán nước đầu làng thì ở Quảng Nam cái người ta nhớ chắc chắn là quán mì. Có một vị đi xa quê xứ Quảng, thành đạt trong đời, hưởng nhiều của ngon vật lạ của tứ xứ, nhưng vẫn cứ khăng khăng không món nào ngon hơn tô mì Quảng ở quán đầu làng ông ta thời ông ta còn đi học. Thế đấy, cái ngon một khi đã đồng hóa với lòng thương nhớ quê hương xứ sở, với kỷ niệm và nhất là với tuổi trẻ nữa thì dễ trở thành vô địch, không có món sơn hào hải vị nào sánh nổi.
Có một điều đặc biệt là tại đất Quảng Nam xưa quán mì chỉ có ở thôn quê chứ không bao giờ có ở thành phố. Tại Đà Nẵng hay Hội An không thể tìm một hiệu nào mở ra chuyên bán mì Quảng. Hình như người ta biết rõ đó là một món đơn sơ mộc mạc không thể chen chân nơi thị tứ vốn là môi trường của thưởng ngoạn ăn chơi. Ở thành phố mì Quảng chỉ được bán ở chợ và gánh đi bán rao, giới bình dân gọi là “mì gỗ” có lẽ vì cái mình hơi cứng và sự thô thiển của nó và có lẽ cũng để phân biệt với món mì Tàu mềm mại. Rõ ràng gốc gác của mì Quảng chính là thôn quê chứ không phải thành phố, nguyên thủy nó là một sáng chế của dân quê để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của chính mình chứ không hề là một nghiên cứu tinh tế để cạnh tranh trên thị trường khẩu vị. 
Như bao thứ dân dã khác trong các thức ăn dân tộc, chẳng hạn như bún ốc, bún riêu, tại thành phố luôn luôn vẫn được bán ở vỉa hè, trong chợ hoặc gánh đi bán rao, mì Quảng cũng giữ vai trò rất khiêm tốn tại đô thị, nhưng tại khắp các vùng nông thôn Quảng Nam, nó hiện diện phổ biến một cách độc quyền tuyệt đối. Nhân đây ta mới thấy rõ hơn vai trò không phải truyền thống của món phở. Ngày xưa các món bún của miền Bắc hay mì Quảng gánh đi bán rao được nấu trong những cái nồi đất lớn, nhưng phở thì không bao giờ. Cái gánh phở mang một dáng dấp tân tiến rõ ràng, nước lèo cũng được nấu không phải trong nồi đất mà trong một cái thùng kim loại, trên một bếp lửa luôn luôn cháy - hình ảnh pot-au-feu đó chăng? - đầu gánh bên kia là một cái thùng gỗ có ngăn để đựng bát, đũa, thịt thà, gia vị, cách tổ chức trong một gánh phở không hề lôi thôi luộm thuộm như các gánh quà rong cổ truyền khác, mà có một vẻ gì tân tiến, hợp lý, có vẻ “tây.” 
Và từ gánh, phở bước một bước vào cửa hiệu một cách dễ dàng như một kẻ biết theo thời thế văn minh, trong khi các món quà cổ truyền vẫn cứ phải lang thang hết phố nọ sang phố kia hoặc trú chân trong những cái lòng chợ chật hẹp. Gia đình nào của Quảng Nam cũng biết làm mì Quảng, đó là một điều chắc chắn. Ít ai dám chắc rằng tất cả dân Thừa Thiên, hoặc có thể hẹp hơn, thành phố Huế, đều biết nấu bún bò Huế, nhưng món mì Quảng đối với người dân Quảng Nam thì khỏi phải bàn cãi. Trong phạm vi gia đình, thỉnh thoảng gặp buổi rãnh rỗi, và muốn thoát ra khỏi cái nhàm chán của những bữa cơm rau mắm bất tận của thôn quê, người ta lại tổ chức ăn mì. Ngâm gạo, xay bột, đốt lò để tráng mì, làm gà hoặc mua thịt cá tôm cua để làm nhưn, xắt rau sống ghém, sinh hoạt trong nhà rộn rịp hẳn lên với một bữa ăn ngon truyền thống. Dù chính nó có gốc gác rất dân dã, mì Quảng đã được nhiều gia đình làm rất ngon, mì ngon chính là mì gia đình chứ không phải bán ở quán. Dĩ nhiên đây là những gia đình khá giả, sành ăn và có truyền thống nấu nướng, chính tại những nơi này mì Quảng đã được nâng cao về phẩm chất để có thể so sánh với bất cứ món gì cùng loại với nó tại các miền khác trong nước. Được chuộng nhất, và được coi là “chính thống,” vẫn là mì tôm cua. Quảng Nam có hai vùng tôm cua ngon nhất là Hội An và Cây Trâm (phía nam thị xã Tam Kỳ độ 15 km). Cả hai nơi đều nổi tiếng vì những tô mì tôm cua đặc sắc.
Như mọi thức khác, muốn tồn tại và phát triển, một món ăn cũng phải có sức sống của nó. Mì Quảng, tuy đơn sơ và quê mùa là thế, vẫn có sức sống mạnh, từ lâu đã vượt khỏi biên giới tỉnh nhà. Hồi đầu cuộc kháng chiến Pháp khoảng năm 1947, có một người Quảng Nam đi tản cư vào Quảng Ngãi, bước vào một quán ven đường và hỏi có mì không. Chủ quán đáp có và mang ra một dĩa khoai mì luộc (thứ củ mà từ Quảng Nam trở ra gọi là củ sắn, từ Quảng Ngãi trở vô thì gọi là khoai mì). Ngày nay chắc chắn không thể có ngộ nhận như thế nữa. Hai tiếng mì Quảng từ những năm 60 đã bắt đầu quen thuộc tại Sài Gòn và các tỉnh phía nam, nhất là những nơi có đông người Quảng Nam đến làm ăn sinh sống. Sau 1975, mì Quảng lại theo chân người Việt di tản đi đến nhiều nơi trên thế giới, và riêng tại Little Saigon, California, mì Quảng đã xuất hiện tại nhiều tiệm ăn qui mô sang trọng. Ngày xưa khi còn ẩn mình trong các vùng nông thôn Quảng Nam chắc nó không bao giờ nghĩ mình có ngày đi xa và được nhiều người biết đến như thế.Khi người dân Quảng Nam rời xứ đi tìm được quê hương mới thì món mì của họ cũng có quê hương mới. Trên đường lưu lạc, mì Quảng có thay đổi chút ít về hình thức và nội dung so với quê cũ, nhưng khi kẻ xa xứ còn nói: “Tôi là người Quảng Nam,” thì món mì cũng thế, nó vẫn có tên là Mì Quảng. 
( Theo dsvdn )


Triết lý mì Quảng - Kỳ 1: Để ăn mì Quảng đúng... bài

;
Thứ Ba, 08/04/2014, 14:37 [GMT+7]
Bạn có thể hỏi tôi: Đến một món ăn dân dã quen thuộc như mì Quảng mà cũng có triết lý sao? Tôi xin trả lời: Đúng vậy. Bản thân món ăn ấy hàm chứa nhiều điều mà ta cần tìm hiểu. Cái đạo ăn mì Quảng cũng khác xa so với cách ăn những món có nước khác như phở, hủ tiếu, bún bò giò heo. Nó có những nội hàm khiến ta có thể coi nó là một phần trong văn hóa đất Quảng Nam.
KỲ 1: ĐỂ ĂN MÌ QUẢNG ĐÚNG... BÀI
Trong thiên hạ, có nhiều địa danh bắt đầu từ chữ Quảng. Trung Quốc có Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Tây. Việt Nam có Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nhiều “Quảng” như thế nhưng khi nói đến “mì Quảng” thì ta hiểu ngay đó là món mì nổi tiếng trên 500 năm nay của đất Quảng Nam chứ không phải là mì của một Quảng nào khác. Trong tên gọi của món ăn đã có tên của một địa phương, xác định nguồn gốc của nó rồi.
Nguyên liệu chính để làm nên món mì Quảng là bột gạo nước. Gạo là từ cây lúa do người nông dân Quảng Nam trồng và làm ra; ngày xưa khi chưa có công nghiệp xay xát hỗ trợ, người ta phải giã trong cối hay xay thủ công bằng cối xay rất vất vả. Vuốt gạo sạch xong, ngâm trong nước 4 giờ liền cho gạo mềm ra rồi đem xay. Bột gạo này phải hòa đều với nước theo một tỷ lệ nhất định để làm sao khi tráng lá mì không ướt quá, cũng không khô quá.
Bát mì Quảng tôm thịt, kèm ớt tươi mới đúng điệu. Ảnh: Internet.
Bát mì Quảng tôm thịt, kèm ớt tươi mới đúng điệu. Ảnh: Internet.
Bắc một nồi nước sôi lên nấu lấy hơi nóng, người ta căng một tấm vải thẳng trên miệng nồi và tráng lá mì. Múc từng vá bột, người phụ nữ Quảng Nam đổ lên trên tấm vải rồi dùng vá trang bột ra thành hình tròn theo khuôn khổ tấm vải. Đậy nắp hấp bột trong một thời gian ngắn theo kinh nghiệm rồi dùng một chiếc que dẹp gỡ lấy lá mì ra khỏi tấm vải, đặt trên một mặt bằng phẳng và thoa một chút dầu phụng khắp lá mì. Cách hấp bột tráng lá mì cũng tương tự như làm bánh cuốn hay làm bánh tráng, chỉ khác ở chỗ lá mì cần bột đặc hơn.
Dầu phụng (Nam Bộ: dầu phọng) là dầu chiết từ hạt đậu phụng mà ra. Đất Quảng Nam căn bản là đất cát pha thịt nên người nông dân có kinh nghiệm trồng đậu phụng để lấy xác cây làm thêm chất dinh dưỡng cho đất. Trước kia khi chưa có điện, người Quảng Nam thường ép dầu phụng thủ công bằng cách đóng bộng dầu. Nay, dây chuyền công nghiệp đã làm ra dầu phụng có màu đẹp hơn, sạch hơn. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn giữ quan điểm được thưởng thức món dầu phụng thủ công vẫn ngon hơn món dầu phụng công nghiệp. Nó có một mùi thơm rất đặc trưng mà dầu công nghiệp không thể có. Năm kia, có một người học trò cũ lặn lội từ Quảng Nam mang về thành phố 4 lít dầu phụng ép thủ công ở nhà, biếu tôi. Trời ạ, khử nó lên với nén, tỏi hay hành; mùi thơm bay bảy xã cũng nghe được.
Chính mùi dầu phụng quyết định yếu tính Quảng Nam của tô mì Quảng. Cái mùi dầu phụng phảng phất như có như không trước lỗ mũi của người ăn. Nó giúp cho người sành ăn phân biệt mì Quảng thiệt với mì Quảng giả mạo. Phi phụng du bất thành Quảng mì - Không có dầu phụng, không ra cái hồn vía của mì Quảng - một nhà nho đời mới là… tôi đã nói như vậy. Dầu phụng không cần thoa nhiều, thoa một chút lên lá mì vừa làm cho lá mì thơm, vừa dễ tách lá này ra với lá khác, vừa giữ cho sợi mì có một độ mềm nhất định.
Xắt lá mì ra thành sợi cũng là một nghệ thuật. Người ta không xắt nó nhỏ cỡ như sợi bún hay sợi cao lầu. Bề bản của nó phải cỡ 1 centimet; có đôi khi lơ đãng, người ta xắt lên đến 1,2 centimet. Cho nên nhìn vào tô mì Quảng, người ăn sẽ thấy được sợi to sợi nhỏ, không đơn điệu và “công nghiệp” như tô bún hay tô hủ tiếu, sợi nào sợi nấy đều có kích cỡ y sì như nhau.
Hàng rong mì Quảng. Ảnh của nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân chụp năm 1950 tại Hội An
Hàng rong mì Quảng. Ảnh của nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân chụp năm 1950 tại Hội An
Tuy nhiên, yếu tố quyết định giá trị của tô mì Quảng vẫn là nhưn. Nhưn của mì Quảng không gò bó, công thức như nhưn các loại hủ tiếu, mì tàu, bún giò, bún bò của các địa phương khác. Nếu phở phải có thịt gà hay thịt bò, bún bò giò heo phải có thịt bò và giò heo thì mì Quảng tự do và lãng mạn hơn bởi người ta có món gì thì cứ nấu ra thứ nhưn ấy. Cho nên, mì Quảng có lắm loại nhưn: tôm, cua gạch, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cá mòi, gà, vịt… Hoặc ai muốn hợp chủng quốc các loại nguyên liệu trên đây để nấu món nhưn tổng hợp cho mì Quảng thì cũng… không sao. Phổ biến nhất ở Quảng Nam hiện nay vẫn là mì gà; nhưn nấu bằng thịt gà. Thịt gà Quảng Nam là thịt gà ta thứ thiệt chứ không phải là giống Tam hoàng ngũ đế chi đó của Trung Quốc nhập qua hay các giống gà công nghiệp khác của Mỹ, Úc, Israel, Ai Cập.
Nồi nhưn ấy hàm chứa một triết lý phong phú. Vốn xưa, tổ phụ người Quảng Nam đến khai hoang lập làng trên vùng đất mới này căn bản dựa vào nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu. Trong một xã hội mà đồng tiền chưa có, người ta có thể trao đổi bằng hiện vật, thí dụ lấy mít non trên nguồn đổi cá chuồn dưới biển. Nền kinh tế ấy phải tự thân vận động cho nên người Quảng Nam xưa áp dụng nguyên tắc cứ dùng sản vật của địa phương mình, có gì chế biến nấy, có gì ăn nấy. Bởi có tiêu thụ thì mới có nhu cầu sản xuất tiếp tục. Món nhưn mì Quảng không gò bó nguyên liệu là phát xuất từ nguyên tắc đó.
Khác với nước phở hay hủ tiếu, nước nhưn mì Quảng được nấu sắc lại, vừa ăn. Nước nhưn chan vào tô mì chỉ đủ thấm các cọng mì khi trộn lên, không mênh mông “trời nước một màu” như nước lèo phở, hủ tiếu, bún giò. Ai muốn ăn mặn hơn, xin cứ dùng nước mắm, tự nêm. Trên bàn ăn của các tiệm mì Quảng, chủ tiệm thường để thêm chén nước mắm nguyên chất giã tỏi ớt. Người ăn nêm bao nhiêu tùy thích, còn ham ăn mặn khiến huyết áp tăng lên thì chủ tiệm mì không chịu trách nhiệm. Cái đó đã có các vị thầy thuốc lo; bổn tiệm chỉ bán mì Quảng. Rứa thôi!
Một nồi nhưn ngon quyết định tính chất ngon của những tô mì Quảng. Bạn hãy để ý đến chủ đích “làm ngon khứu giác” của món ăn này. Chan nhưn xong, chủ quán còn thơm thảo rắc lên cho bạn một ít đậu phụng hạt rang giòn, một ít rau thơm, hành ngò. Các món này làm cho tô mì thơm ngon hơn. Cho nên, tô mì Quảng thơm lựng, cái mùi thơm dân dã tự nhiên của thổ sản địa phương, khác xa mùi thơm hóa học từ những chất phụ gia của những món ăn có nước khác.
________________________
Kỳ tới: Biến tấu của mì Quảng
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Triết lý mì Quảng - Kỳ 2: Biến tấu của mì Quảng

;
Thứ Năm, 10/04/2014, 15:04 [GMT+7]
(QNO) - Hiện nay, trong nhiều tiệm mì Quảng ở Quảng Nam, đặc biệt là ở Tam Kỳ và Duy Xuyên, có bán mì cá lóc, làm nhưn bằng thịt cá lóc. Khái niệm “cá lóc” để chỉ một loài cá ở Nam Bộ, rất to và rất dữ. Có hai thứ cá lóc là cá lóc đồng (hay đìa tự nhiên, không nuôi bằng thức ăn) và cá lóc bông, trôi theo con nước mùa nước nổi từ sông Mekong về. Có những con cá lóc bông to như cột nhà, nặng trên 10 ký. Người Quảng Nam trước đây thường chỉ nói cá tràu chứ không nói cá lóc. Tôi vào một tiệm “mì cá lóc” ở Tam Kỳ, nghe ông khách ngồi bàn bên cạnh gọi: “Cho tô mì cá tràu”. Bà chủ cười: “Thưa anh, anh ăn mì cá lóc chớ”. Ông khách cãi: “Quảng Nam mình làm chi có cá lóc? Cá lóc là cá ở trong Nam, nó to chần vần và dài như… chân mấy cô hoa hậu. Con cá ngoài mình nhiều lắm chỉ to và dài cỡ cườm tay. Nó là cá tràu chớ làm chi lên tới chức cá lóc được?”. Bà chủ chịu thua, phải làm cho ông tô mì cá tràu, dù bảng hiệu bên ngoài ghi là mì cá lóc!
    Để tô mì ngon thơm đúng điệu, lá mì trước khi xắt sợi phải có dầu phộng trán qua một lớp nhẹ
    Để tô mì ngon thơm đúng điệu, lá mì trước khi xắt sợi phải có dầu phộng trán qua một lớp nhẹ
    Ăn tô mì Quảng, bạn nên ăn kèm với ba món khác. Một là rau sống. Tôi đi nhiều nơi, chưa thấy ở nơi nào có rau sống ngon như ở Quảng Nam chúng ta. Rau sống trong sự nghiệp lẩu mắm Cần Thơ với 17 loại rau dân dã gồm kèo nèo, cọng súng, đọt năn, mái dầm, lá sầu đâu, lá đinh lăng, lá xoài non… đã ngon rồi nhưng rau sống Quảng Nam còn tuyệt vời hơn nữa. Ấy bởi vì người nông dân Quảng Nam trồng rau mà chẳng bao giờ “doping” bằng phân hóa học và phun xịt thuốc trừ sâu rầy. Vì thế, cây rau của họ trồng ra là rau sạch, nhỏ và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau sống trong mì Quảng gồm có húng thơm, cải con, cải bẹ xanh (cải bằng), rau đắng, ngò, ngò gai, hành. Cọng rau nào cũng nhỏ xíu và thơm. Lại có cả bắp chuối xắt, không ngâm trong nước tẩy trắng hóa học như ở một số địa phương khác. Ăn tô mì Quảng, người ăn cảm thấy an toàn vì không phải dùng các thứ rau trồng theo lối bán công nghiệp. Buổi sáng, bạn ăn tô mì Quảng độn thêm… một vài đĩa rau, bảo đảm no tới chạng vạng.
    Hai là bánh tráng nướng mè chà. Bạn có thể bóp nhỏ bánh tráng trộn vào trong tô mì hay cầm riêng miếng bánh tráng trên tay, ăn theo mì tùy ý. Bánh tráng giòn, thơm, nhai rào rạo nghe rất sướng lỗ tai. Ăn mì Quảng mà không có bánh tráng là thiếu âm nhạc, đơn điệu, không tiết tấu, mất hòa thanh. Về khoản này, tất cả các món ăn có nước khác đều không có. Khách ăn có thể ăn hai chiếc bánh tráng với một tô mì nhưng khi uống nước vào, bị căng phồng bụng lên thì… không ai chịu trách nhiệm. Ấy bởi vì bánh tráng nướng mà gặp nước vào thì nở nhanh một cách tàn bạo.
    Nguyên liệu làm nên lá mì ngon làm từ bột gạo xay thủ công.
    Nguyên liệu làm nên lá mì ngon làm từ bột gạo xay thủ công.
    Thứ ba là ớt xanh, tục gọi là ớt sừng trâu. Ăn mì Quảng phải ăn ớt xanh, không nên ăn ớt hiểm hay ớt chỉ thiên vì chúng… nhỏ quá. Trái ớt xanh có khi dài đến 15 centimet, cay xè. Ăn mì Quảng thật cay càng tốt. Hãy tưởng tượng khách ăn là phụ nữ, ăn một đũa mì Quảng, cắn bụp một miếng ớt xanh nhai rào rạo. Trời ơi, nước mắt nước mũi tuôn ra, không bị ai chòng ghẹo nhưng môi và má vẫn hồng lên phơi phới. Tôi về Quảng Nam trong mùa đông, đã tức cảnh sinh… tình nghi và làm một bài thơ thế này khi gặp một cô gái vì ăn cay, khuôn mặt trở thành đào hoa.
    Ngã kiến quân hề, trọng đông tiết,
    Hà cố tôn nhan hồng như đào?
    Hốt tưởng xuân lai, hoa mãn xứ.
    Đông quân, thục nữ tiếu sơ giao.
    (Ta gặp cô chừ, tiết trọng đông,
    Can cớ răng mà má cô hồng?
    Cứ ngỡ xuân về, hoa nở  khắp,
    Buổi đầu thục nữ thấy đông quân).
    Mùa đông lạnh, mặt ai cũng tái ngắt; chỉ có người phụ nữ ăn ớt cay mới hồng đôi má. Sướng thế đấy, cần chi phải son phấn rườm rà? Mà lỡ mua nhầm son phấn tào lao, giả mạo hàng Lyon bên hông chợ Cây Quéo, đánh vào chỉ tổ sạm má hư da. Chi ngon bằng ăn ớt trong tiệm mì Quảng?
    Tư thế ngồi ăn mì Quảng cũng là một nội dung cần quán triệt. Khi ăn mì Quảng, nếu bạn là đàn ông, xin… đừng ngồi nghiêm túc quá. Hãy tự nhiên co một chân lên ghế, lấy đầu gối làm… cái bàn và điểm tựa. Tay trái bạn vịn tô mì cho chặt, tay phải thong thả (hoặc vồn vã) trộn tô mì lên và ăn. Ăn vài miếng, bạn nên ngừng lại ăn một chút bánh tráng hay cắn bụp một miếng ớt. Nóng quá hoặc cay quá thì bạn nên uống một hớp nước chè xanh, vận khí vào đan điền thở nhẹ rồi… ăn tiếp. Những món có nhiều nước như phở, hủ tiếu, bún giò trơn tru dễ nuốt, khách ăn nuốt ừng ực, có khi chưa kịp nuốt thì bánh đã vào tới bao tử. Mì Quảng ít nước, cách ăn khoan thai hơn. Vả chăng phải ăn khoan thai thì ta mới thưởng thức được trọn vẹn mùi thơm của mì Quảng. Thực bất tri kỳ vị thì thật uổng phí cả đời trai!
    Trong khi ăn, nếu gặp mì gà, mì vịt hay mì sườn heo, bạn nên tự cảnh giác… lừa xương ra. Tôi đã thấy có nhà nho nóng vội, mắc xương gà ngang cổ. “Mắc xương gà, sa cành khế” là hai thứ dễ chết hoặc không chết thì cũng dễ bị thương trên đời này. Tục ngữ Quảng Nam có dạy như thế và ta tự cảnh giác với thói nóng vội là không bao giờ thừa. Mà nhà nho thì đừng bao giờ cho phép mình nóng vội. Hãy cứ từ từ, êm êm, nhẹ nhẹ mà ăn tới tới.
    Trình diễn tô mì Quảng kỷ lục Việt Nam.
    Trình diễn tô mì Quảng kỷ lục Việt Nam.
    Ăn xong tô mì, bạn sẽ thấy dưới đáy tô còn sót lại một ít nước. Xin bạn đừng vội bỏ đũa. Tinh túy của tô mì Quảng còn lại trong chút nước đó. Đó là mấy hạt đậu phụng, một chút thịt hoặc tôm cua. Hãy can đảm (mà bạn thì có thừa can đảm!) bưng tô mì lên mà húp roạt một cái. Bạn bỏ nó lại vì sỉ diện thì bạn vẫn phải trả tiền đủ cho chủ quán. Sách có chữ “Ăn canh chừa cặn, uống nước chừa lăng quăng”. Riêng mì Quảng thì mình không nên chừa cái gì cả, bởi vì cái nào cũng là tinh túy. Bạn thấy đấy, không tiệm mì Quảng nào để cái muỗng cho bạn húp nước. Điều này có nghĩa là nên bưng tô húp trớt cha nó cho rồi.
    Tôi thường bay tuyến bay Chu Lai - Sài Gòn. Ở Chu Lai, máy bay bay lúc 11 giờ 45 nhưng tôi vẫn muốn vào sớm để… ăn mì Quảng hiệu Long Bình. Ông chủ quán tên Phương là một người rất thông minh và vui tính, mở miệng ra nói là thành thơ lục bát. Hôm đầu tiên đưa tôi đến quán, anh Sơn - cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ, cao hứng làm thơ giới thiệu tôi với ông chủ quán:
    Ông này là Vũ Đức Sao
    Biển là nhạc sĩ người nào cũng thương!
    Ông chủ quán nghe tên tôi, có vẻ rất vui. Chào hỏi nhau xong, ông bảo con gái đem máy ảnh ra, chụp chung với tôi vài tấm ảnh để làm kỷ niệm. Xong rồi, ông làm cho hai tô mì cao lên tới lỗ mũi, bưng ra và ứng khẩu:
    Đi đâu nhạc sĩ cứ đi,
    Về Chu Lai nhớ ăn mì của em.
    Tôi cũng tức cảnh sinh tình… nghi, nhưng vốn tính cẩn thận. Mình là nhà báo, nói nghỉ hưu nhưng không có lương hưu trí bởi trước nay hay… cãi vã với các lãnh đạo, bỏ công việc nửa chừng ra đi nên không đủ niên hạn. Thỉnh thoảng, tiền bạc trong túi cũng ít, biết đâu có khi về tới quê nhà mà không đủ tiền ăn mì Quảng? Tôi bèn gài trước một nước cờ:
    Lắm khi, tôi… chẳng có tiền,
    Ăn xong ghi nợ, chớ phiền lòng nghe.
    Ông chủ quán cười ha hả:
    Ăn xong, nhớ uống nước chè,
    Đi xe đời mới mà nói nghe thất cười.
    Tôi ăn xong tô mì, uống hết ly nước, rua ông chủ một cái rồi ra đi:
    Mì Long Bình, mì Long Bình,
    Về Chu Lai mới thấy mình ăn ngon.
    ________________________
    Kỳ tới: Ăn mì Quảng, nghe chuyện Quảng
    VŨ ĐỨC SAO BIỂN

    Triết lý mì Quảng - Kỳ 3: Ăn mì Quảng, nghe chuyện Quảng

    (QNO) - Quán mì Quảng cũng là nơi để… cãi lộn. Quảng Nam mà, phải cãi một chút cho vui! Bạn sẽ sống rất đơn điệu nếu cứ chỉ vào đó ăn mì rồi ra đi. Phải có một chút cãi vã thì mới ra… hương vị mì Quảng. Một sáng Chủ nhật, tôi đi ăn trễ, vào tiệm mì gà gần bên phòng công chứng thì gặp hai vợ chồng đang ăn. Chị vợ: “Răng tui thấy anh ở nhà ăn uống uể oải mà vô quán lại ăn ngon lành rứa?”. Anh chồng: “Ờ, thì ở quán món ăn lạ hơn ở nhà”. “Rứa là anh thích của lạ phải không?”. Anh chồng lỡ miệng: “Đúng rồi”. “Anh nói kiểu nớ thì đi tìm con khác đi, cưới tui làm chi?”. “Trời ơi, chuyện ăn khác chuyện ngủ, bà ơi”. “Khác cái chi mà khác? Ăn cũng rứa, ngủ cũng rứa, thứ mô mà anh không thích món lạ?”. Rồi chị vợ đùng đùng bước ra khỏi quán!
      Ảnh: Internet
      Ảnh: Internet
      Trong quán mì chị Tư Châu ở ngã ba Kỳ Lý lại xảy ra tình huống ngộ nghĩnh như vầy. Hai cô gái đi chiếc Dream vào ăn mì. Cô thứ nhất hỏi: “Chỗ ni là ngã tư, răng người ta cứ gọi là ngã ba?”. Cô thứ nhì trả lời: “Tư ở mô mà tư? Trước chừ đường Kỳ Lý cắt ra gặp quốc lộ cả trăm năm nay nên người ta gọi ngã ba Kỳ Lý là đúng rồi”. “Đúng răng được? Con đường bê tông lớn trước mặt chạy về hướng biển xã Tam Thăng nối đường Kỳ Lý cũng cắt qua quốc lộ. Hắn phải là ngã tư”. “Thôi mệt quá mi ơi. Cả trăm năm ni họ gọi ngã ba Kỳ Lý rồi”. “Họ nói trật. Hai đường cắt nhau phải ra ngã tư chớ không phải ngã ba”. “Kệ mi. Mi cứ ăn mì ở ngã tư Kỳ Lý, còn tau ăn mì ở ngã ba Kỳ Lý. Biết rứa tau không dẫn mi ra đây nữa!”.
      Trận cãi vã của hai cô khiến tôi buồn cười. Họ cãi nhau đúng y như kiểu cãi truyền thống của người Quảng Nam. Vấn đề ở đây nhỏ xíu, chỉ là một cái tên gọi. Mà cũng ngộ thiệt, chỗ này là nơi hai con đường giao nhau dù nó hơn xeo xéo một chút; rõ ràng nó phải là ngã tư chớ không phải ngã ba. Rứa mà trên trăm năm nay, người ta vẫn gọi là ngã ba Kỳ Lý. Báo hại một người bạn tôi từ Sài Gòn ra đây tìm nhà bà con, đi miết không thấy ngã ba mà chỉ thấy ngã tư. Ngã tư của hai giao lộ thì làm răng nói là ngã ba được, hở trời?
      Tôi ăn tại một quán mì Thăng Bình, ngạc nhiên khi thấy lát thịt gà dai dai, đen đen. Tôi nói với anh bạn vốn là dân trong miền Nam ra: “Nhà này chuyên mua gà đá độ làm thịt”. Anh bạn cãi: “Một con gà đá mấy triệu bạc, hơi đâu họ làm thịt cho ông ăn?”. Tôi cả giận, không nói nữa. Ăn xong, tôi ngoắc anh ra sau xem thử. Té ra tôi hoàn toàn đúng. Chủ quán này chuyên mua những con gà nòi đá thua hoặc bị thương nặng về làm thịt. Phía sau nhà còn ba, bốn chú như thế, chú nào cũng mặt mũi xìu co, đang đợi vào nồi. Mua gà đá… thua này giá rẻ hơn gà thường mà thịt lại nhiều và ngon hơn thịt gà tơ. Tôi cả mừng bởi ăn thịt gà đá độ, biết đâu mình sung độ?
      Ở thị trấn Núi Thành, thường xảy ra tình hình… cãi nhau giữa khách và chủ quán mì. Nguyên là tại đây, tô mì nào cũng được bỏ trên mặt nhưn một nửa con cua lột. Trong nguyên tắc sinh học, mỗi tháng cua chỉ lột một lần theo con nước. Tôi từng sống ở U Minh Hạ giữa rừng Cà Mau, nuôi tôm bắt cua đều rành sáu câu vọng cổ. Tôi biết mỗi tháng, cua chỉ lột một lần, nhưng ở đây ngày nào cũng có cua lột trong tô mì Quảng là cái làm sao? Khách nghi ngờ các vị chủ quán mua cua nhèm (cua nhỏ) rồi ngâm vào một thứ thuốc chi chi đó làm mềm chất calci của mai cua để giả làm cua lột. Còn chủ quán một hai là bổn tiệm chỉ bán cua lột thứ thiệt mua từ vuông nuôi cua về. Cứ thế, hai bên cãi nhau ỏm tỏi.
      Tôi vốn tính dĩ hòa vi quý, tự nhủ lòng rằng mình đang được ăn cua lột thứ thiệt. Và tôi kết luận: Ở Núi Thành, Quảng Nam, con cua lột quanh năm chứ không đợi chu kỳ con nước hàằg tháng!
      Bạn ăn mì Quảng đã no. Hãy từ từ vận khí công mà thở. Hãy lắng nghe bánh tráng đang nở ra trong bao tử của bạn. Bạn nên uống thêm một ly nước chè nữa để đỡ khát, bởi bánh tráng hút nước nhanh cấp kỳ, có thể khiến bạn khát ngay. Mà đi đường xa gặp mùa hè, cứ 5 phút phải dừng xe lại mua chai nước uống giải cơn khát do mì Quảng gây ra là một sai lầm lớn trong đời.
      Bí quyết để sống và giữ cho được chữ “Thọ” ở trên đời đã được cổ nhân đúc kết là “Ăn mạnh, uống đậm, đi chậm, vác nhẹ”. Ngay trong đạo lý ăn mì Quảng cũng tiềm ẩn bốn nội dung cơ bản ấy. Ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên), có ông nớ buổi sáng điểm tâm hết hai tô mì Quảng, hai cái bánh tráng, hai đĩa rau và một ly cà phê sữa đá. Suy rộng ra, cứ hàng ngày bạn ăn uống và làm việc như vậy thì chữ Thọ sẽ không bỏ bạn mà ra đi sớm. Có những “cụ ông” mới hưởng thọ 32 tuổi đã ra đi vì quên câu nói giản dị trên.
      Như tôi vừa viết, ăn mì Quảng nên uống nước chè (trà). Vậy cũng nên nói thêm một chút về nước chè. Đất Quảng Nam trồng cây chè khá nhiều, có những cây lâu năm cao quá đầu người, ra trái um sùm. Người nông dân cứ ra sân, bẻ một mớ nhánh chè xanh xuống, rửa sạch. Họ chặt nhánh chè ra từng khúc ngắn, có thể cho vào cối giã sơ. Nấu một nồi nước sôi sùng sục, họ bỏ chè vào và vớt bọt. Vậy là có sẵn mấy bình tích chè xanh.
      Để nước thơm ngon hơn, người ta rang sẵn một ít đậu đen hay đậu ván, đập giập một củ gừng cho vào nồi nước chè. Khi rót chè ra chén hay bát, nhìn màu chè xanh nhạt, ngửi hương chè thơm mùi đậu rang, mùi gừng tươi là đã muốn uống ngay. Ai đói bụng mà uống nước chè tươi này vào có thể bị say; cảm giác rất giống với say sóng. Bụng no mới nên uống.
      Nước chè xanh tự nhiên này giải khát tốt, vị đậu thơm và mát, vị gừng nóng hòa với nhau. Uống nước chè có chút gừng là để đề phòng chuyện ta vừa ăn mì Quảng có nhiều rau sống. Rau sống thuộc âm nhu, gừng thuộc dương cương. Lấy dương điều hòa với âm tạo ra sự hài hòa. Âm dương tương hỗ, tương thích, tạo ra thế quân bình cho… bao tử. Nước gừng có thể chế ngự một số loại bệnh đường ruột, đặc biệt là sau khi ăn rau sống, món cố hữu kèm theo mì Quảng. Ấy gọi là ăn chắc mặc bền.
      VŨ ĐỨC SAO BIỂN
       
      Mì Quảng Sông Vệ 


      Mì Quảng là món ẩm thực truyền thống của người Quảng Nam, cũng như nem Chợ Huyện của người Bình Định, cá bống sông Trà kho tiêu của người Quảng Ngãi. Thế nhưng, thưởng thức món mì Quảng ở một miền đất không phải Quảng Nam, mà thật ngon, kể cũng là độc đáo.
      Trên đất Quảng Ngãi, người sành điệu có thể  tìm món mì Quảng ở hai nơi là thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) và thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Bình Sơn thì dễ hiểu, vì đó là vùng đất liền kề Quảng Nam. Nhưng Sông Vệ thì lại khác…
      Cách đây gần 20 năm, trong một lần gặp tại Đà Nẵng, tôi có nghe nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu kể câu chuyện tiếu lâm phổ biến hồi 9 năm kháng Pháp, nhắc đến anh chàng người Quảng Ngãi mê cô vợ Quảng Nam vì “nặng lòng” với món mì Quảng do chính cô ấy làm. Ngồi kề ông, bỗng nhiên tôi buột miệng, hỏi có phải chuyện này xảy ra ở sông Vệ. Ông cười, trả lời đúng kiểu Quảng Nam: Hì, hổng phải Sông Vệ thì ở đâu?  
      Chẳng là hồi chín năm kháng chiến, dải đất từ phía Nam Quảng Nam cho đến Bình Định, Phú Yên, cực Nam Trung bộ nằm trong vùng tự do Liên khu 5. Vì thời cuộc và cũng do yêu cầu của kháng chiến, khá nhiều văn nghệ sỹ người Quảng Nam và gia đình vào sống ở Quảng Ngãi, nhiều nhất là vùng thị trấn sông Vệ nằm dọc theo tả ngạn con sông, trải từ trung châu xuống đến hạ nguồn. Người đi đâu ẩm thực đi theo đó. Mấy quán mỳ Quảng theo các ông Trinh Đường, Dương Minh Viên, Phan Huỳnh Điểu… mọc lên ở đầu cầu sông Vệ, để nơi đây trở thành một trong những nơi có món mì Quảng ngon nhất Quảng Ngãi cho đến bây giờ… Người ta bảo sỡ dĩ như vậy vì các bà chủ quán thời ấy hầu hết là vợ mấy ông văn nghệ sỹ, vốn điệu nghệ, sành ăn.
      Bà Dương Thị Như Hoa, nay đã ngoài thất thập, chủ tiệm mỳ Quảng “Bà Ngọc” nổi tiếng nhất thị trấn Sông Vệ kể:
      Năm 1947, lúc bà lên 6 tuổi, gia đình chuyển từ Điện Bàn vào Quảng Ngãi để lánh giặc Pháp. Với một ít vốn liếng nhỏ nhoi cùng đôi bàn tay khéo léo, bố mẹ bà quyết định mở quán mì chế biến theo kiểu Quảng Nam, mà bấy giờ khắp vùng Sông Vệ chẳng có ai biết béo bùi cay ngọt ra sao, trừ mấy ông bà Quảng Nam đi kháng chiến. Chỉ một thời gian ngắn, cái hàng quán chẳng đề biển tên, biển hiệu đã trở nên nổi tiếng với thương hiệu “Mì Quảng bà Ngọc” – gọi theo tên bà chủ quán.
      Đã gần 70 năm, kể từ ngày ông bố Quảng của bà xay mẻ bột gạo đầu tiên từ những hạt thóc ăn nước sông Vệ bằng chiếc cối đá La Hà (Tư Nghĩa) để mẹ bà làm ra những sợi mì chuẩn bị cho ngày khai trương cái hàng quán đơn sơ bên bờ sông Vệ. Thực khách quen thuộc ban đầu là mấy ông anh, bà chị Quảng Nam theo kháng chiến, sau đó dần dần là bà con trong vùng và giới văn nghệ sỹ Liên khu V. Mẹ mất, bà Hoa trở thành người đảm đương hàng quán. Món mì Quảng phiên bản sông Vệ ngày càng định hình. Sợi mì nhà bà tự làm. Nước chan chế biến theo cách bà mẹ truyền lại. Giá đỗ xanh sông Vệ. Ớt sông Vệ. Rau xanh sông Vệ. Con tôm sông Vệ. Bánh tráng sông Vệ… Bà Hoa nhắc đến sông Vệ với giọng điệu đầy tự hào. Bà chủ mà tự tin đến vậy, biết ngay là quán ngon.
      Mà ngon thật. Lát gan heo trong tô mì của bà thì quá tuyệt. Thơm và bùi. Cọng giá đỗ cắn giòn tan, con tôm sông bóc vỏ màu đỏ tươi. Sợi bún màu vàng mơ, hạt đỗ phụng rang giã dập màu vàng sẫm. Cọng rau húng xanh đậm nhưng gân lá màu tím phớt. Nồi nước chan giữ lửa riêu riêu, mùi thơm phưng phức, vừa bước vào quán đã nghe thèm. Nhưng muốn làm người ăn sành điệu thì hãy bắt đầu với việc bẻ cái bánh tráng làm tư, cho tương ớt vào tô mì, ít hay nhiều còn tuỳ khẩu vị. Thêm vào ít rau xanh, vắt một chút nước chanh, đừng quên ớt và hành chua cù lao Ré. Đảo qua các thứ bằng đôi đũa tre dân dã. Có gì đó đã bắt đầu rịn rịn nơi đầu lưỡi. Vậy thì hãy nhẹ nhàng  gắp một gói ram nhỏ vừa bằng ngón tay út đưa lên miệng để được thưởng thức cái ngon của món bánh tráng mỏng cuốn thịt băm với nấm tai mèo rồi bỏ chảo dầu, thưởng thức cả cái âm thanh khe khẻ, giòn giòn mà hình như phải nghe bằng …răng!
      Tìm hàng quán mà ăn mì Quảng cho đúng điệu ở Quảng Nam hay Đà Nẵng thì chẳng quá khó. Ngồi bên bờ sông Vệ, tận Quảng Ngãi, vừa ngắm những hàng tre nghiêng bóng xuống dòng nước xanh trong mà thưởng thức tô mì Quảng cùng bằng hữu, kể cũng là cái thú bình dị, vừa thơm thảo hồn quê, vừa nhắc nhở mối quan hệ láng giềng, giao tình, ruột thịt Quảng Nam – Quảng Ngãi.
      Lê Hồng Khánh

       

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét