CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO (Vụ Hanssen)
(ĐC sưu tầm trên NET)
Quỳnh Trâm (Theo TruTV)
Vụ gián điệp lớn nhất trong lịch sử FBI (Kỳ 1): Trở thành điệp viên hai mang
19/4/2013 19:02
Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI vốn nổi tiếng thế giới là một cơ quan có độ tuyệt mật cao nên việc FBI có một nhân viên phản bội lại đất nước, bán những bí mật quốc gia cho Nga là một điều khó có thể tưởng tượng nổi.
Robert Philip Hanssen bị buộc tội làm việc cho Nga trong 16 năm, tiết
lộ tên của ba điệp viên KGB làm gián điệp hai mang và chuyển cho Nga
nhiều thông tin bí mật, để đối lấy kim cương và 1,4 triệu USD. Đến tận
lúc bị bắt, chính KGB - cơ quan mua thông tin của Hassen - cũng không
biết danh tính của ông ta.
Phi vụ đầu tiên
Hanssen sinh năm 1944 ở Chicago (Illinois) trong một gia đình có cha là
cảnh sát. Năm 1976, Robert Philip Hanssen tham gia FBI. Sau một thời
gian ngắn hoạt động trong FBI, Hanssen được thăng cấp thành nhân viên
giám sát đặc biệt và làm việc trong bộ phận nghiên cứu Liên Xô tại trụ
sở chính của FBI ở Washington. Hanssen và vợ có 6 người con. Gia đình
Hanssen sống ở ngoại ô Virginia.
Sáng 4/10/1985, Hanssen gửi một lá thư nặc danh tới nhà riêng Đại tá Ủy
ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB), Viktor M. Degtyar ở Alexandria,
bang Virginia (Mỹ). Trong lá thư đó là một lá thư khác nhờ gửi cho
Viktor I. Cherkashin – một nhân viên Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB chuyên
làm công việc tuyển dụng điệp viên Anh và Mỹ làm nội gián. Trong lá
thư, Hanssen viết: "Thưa ông Cherkashin. Sắp tới, tôi sẽ gửi một thùng
tài liệu cho ông Degtyar chứa những thông tin tình báo thuộc loại bảo
mật nhất của tình báo Mỹ... Tôi tin rằng với số tài liệu đó tôi xứng
đáng được nhận số tiền là 100.000 USD từ các ông". Bên cạnh đó, Hanssen
còn thông báo cho Cherkashin biết việc ba điệp viên KGB, gồm Sergey
Motorin, Valeriy Martynov và Boris Yuzhin đã phản bội và được chính
quyền Mỹ tuyển dụng làm điệp viên “con bọ” (điệp viên nội gián) trong
Đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Nhờ sự cảnh báo này, KGB đã cảnh giác
và 3 năm sau khi họ trở về Maxcơva hai trong số 3 điệp viên kia bị kết
án tử hình, điệp viên còn lại bị kết án 15 năm tù. Hanssen cũng cung
cấp mã đơn giản chứa ngày, địa điểm liên lạc để nhân viên KGB đến lấy
tài liệu. 11 ngày sau, theo chỉ dẫn của Hanssen, một nhân viên KGB tới
địa điểm quy ước ở khu vui chơi trong công viên Nottaway lấy tài liệu -
tất cả đều là những tài liệu tuyệt mật. KGB đã gửi cho Hanssen - khi đó
KGB vẫn chưa biết danh tính – 50.000 USD.
Bị bắt sau 15 năm hoạt động
Hanssen bị bắt vài năm sau khi nghỉ hưu sau khi tiến hành một cuộc trao
đổi thông tin bí mật ở Công viên Faxstone thuộc hạt Fairfax, bang
Virginia. Chiều ngày 18/2/2001 Hanssen xách theo chiếc cặp tài liệu tới
công viên Faxxtone và nhét chiếc cặp vào mố trụ của chiếc cầu gỗ dành
cho người đi bộ trong lúc không ai để ý rồi bỏ đi. Ngay sau đó, một
người Nga tới lấy chiếc cặp tài liệu đi. Tại một địa điểm đã thỏa thuận
khác, một điệp viên KGB tới đặt một chiếc cặp khác trong đó chứa khoản
tiền 50.000 USD. Tất cả các hành động trên đều đã bị các đặc vụ FBI ghi
lại. Tối hôm đó, Hanssen đã bị các đặc vụ FBI tới nhà giải đi.
Hanssen và chiếc cầu gỗ nơi ông ta đặt cặp tài liệu mật cho KGB
Ba ngày sau, Giám đốc FBI Louis J. Freeh chủ trì một cuộc họp báo khẩn
cấp để thông báo FBI đã bắt được điệp viên hai mang Robert Hanssen.
Trong cuộc họp báo, ông Louis nói: “FBI đã biết danh tính Hanssen trước
Nga rất lâu. Hôm nay Nga mới biết điều này”. Hoạt động dưới bí danh
Ramon, ông giữ bí mật tên và nơi ở của mình với cả phía Nga. Giám đốc
FBI Freeh cũng nói thêm là Hanssen thường xuyên kiểm tra tên, địa chỉ và
những nơi ông thả tài liệu trên máy tính FBI để xác định xem cơ quan
này đã có ý lo ngại gì chưa.
Hanssen bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Nga và trước đó là
Liên Xô cũ. FBI cho biết họ đã thu thập được các bằng chứng nguyên bản
bằng tiếng Nga chi tiết hoạt động gián điệp của Hanssen, gồm cả những
bức thư anh ta gửi cho điệp viên của Nga cùng nhiều mã số riêng để ra
hiệu địa điểm và thời gian giao dịch.
Trong bản cáo trạng, Hanssen bị cáo buộc đã tiết lộ bí mật về các vệ
tinh, hệ thống cảnh báo sớm, các chiến lược và hệ thống phòng thủ hoặc
trả đũa những cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn, các thiết bị viễn thông
tình báo của Mỹ.
Các điệp viên FBI đến giờ vẫn thắc mắc về động cơ nào đã khiến Hanssen
trở thành một điệp viên hai mang. Trong các bức thư mà Hanssen gửi KGB
cho thấy tiền bạc không phải là thứ ông ta theo đuổi trong vụ này bởi vì
ông ta không thể tiêu một số tiền lớn mà không phải giải trình nguồn
gốc của nó. Chính vì thế mà ông ta yêu cầu nhận thù lao bằng kim cương
để có thứ đảm bảo cho tương lai cho 6 đứa con của mình. Có lẽ điều khiến
Hanssen trở thành một điệp viên hai mang chính là sở thích muốn làm một
việc mang tính phiêu lưu mạo hiểm bởi từ khi còn là một cậu bé, thần
tượng của Hanssen là điệp viên nổi tiếng người Anh - Kim Philby.
Vụ Hanssen đã gây chấn động giới tình báo nước Mỹ. Sau vụ việc này, FBI
đã phải cân nhắc việc thường xuyên kiểm tra ngẫu nhiên các nhân viên
của mình bằng máy phát hiện nói dối, bởi Hanssen chưa từng bị kiểm tra
nói dối trong suốt 25 năm làm việc ở đây.
(Còn nữa)
Vụ gián điệp lớn nhất trong lịch sử FBI: Kỳ 2: Thoát án tử hình nhờ thỏa thuận
24/4/2013 13:14
Là một nhân viên FBI trong vòng 25 năm, Hanssen bị buộc tội làm điệp viên cho Liên Xô và sau đó là Nga, trong 16 năm. Với tội trạng như thế, đáng lẽ Hanssen không thoát được án tử hình…
Những đòn trả đũa giữa hai nước
Trong khi chính phủ Mỹ đang chú ý vào việc Hanssen đã để lộ những bí
mật gì của đất nước thì Nga tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra được
kẻ đã cung cấp cho Mỹ tài liệu về KGB, dẫn đến việc Hanssen bị bắt. Nga
có truyền thống quản lý rất chặt các tài liệu bí mật vì vậy việc những
tài liệu do Hanssen cung cấp cho KGB bị lộ là một điều bất ngờ. Sau vụ
việc này, Nga quyết tìm cho ra người làm “mật thám” cho FBI để giảm
thiểu nguy cơ tiếp tục bị rò rỉ thông tin.
Hanssen
Về phía Mỹ, bên cạnh việc rà soát lại toàn bộ nhân viên FBI, Bộ Ngoại
giao Mỹ đã trục xuất gần 50 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi là các sĩ
quan tình báo khỏi đất nước này. Tuy nhiên, theo một vài nguồn tin thì
vụ Hanssen chỉ là cái cớ để Mỹ giảm bớt số sĩ quan tình báo Nga đang
hoạt động ở nước này. Theo một số nhà phân tích, số nhân viên tình báo
Nga hoạt động ở Mỹ gần đây đã gia tăng. Tổng số ước tính khoảng 450
người.
Việc trục xuất 50 nhà ngoại giao này được coi là đòn trả đũa Nga sau
khi Nga trục xuất một phụ nữ làm việc cho Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva.
Những vụ trục xuất đã xảy ra liên tục giữa hai nước từ năm 1999 bắt đầu
từ vụ nhà ngoại giao Stanislav Boris Gusev buộc phải rời Mỹ khi FBI quay
được cảnh ông đang nghe trộm một cuộc họp trong tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại
giao Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov đã phê phán kế hoạch trục xuất 50 nhà
ngoại giao Nga là đáng lên án và có động cơ chính trị. Ông cho biết
Matxcơva sẽ đáp trả bằng cách "mời" số lượng tương đương các nhà ngoại
giao Mỹ về nước.
Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu với các nhà báo
rằng Mỹ đã đưa ra quyết định đúng và hi vọng rằng sẽ vẫn giữ được mối
quan hệ tốt giữa hai nước.
Thoát án tử hình nhờ một thỏa thuận
Hanssen bắt đầu bị tình nghi một vài tháng sau khi một cuộc kiểm tra
phát hiện có tay trong trong FBI. Mỹ sau đó bí mật giành được các tài
liệu của Nga dẫn họ tới nghi ngờ ông.
Các nhà điều tra tin rằng một trong những bí mật Hanssen đã tiết lộ là
một đường hầm dùng để nghe trộm ở dưới Đại sứ quán Liên Xô, hiện là Đại
sứ quán Nga ở Washington.
Nửa năm sau khi bị bắt, tại phòng xử án ở Alexandria (bang Virginia,
Mỹ), cựu nhân viên FBI Robert Hanssen, sau khi nghe công tố viên đọc bản
cáo trạng, đã cúi đầu nhận tội. Bản cáo trạng cáo buộc Hanssen đã làm
gián điệp cho Nga 16 năm và trong thời gian đó đã bán bí mật quốc gia để
lấy tiền mặt và kim cương với tổng trị giá là 1,4 triệu USD. Hanssen bị
buộc tội: chuyển bí mật cho Liên Xô và Nga, chuyển tài liệu mật cho các
nhân viên KGB, có ý đồ làm hại nước Mỹ, tiết lộ tên ba điệp viên hai
mang Nga làm việc cho Mỹ. Theo các công tố viên và quan chức FBI, ông đã
được trả 1,4 triệu USD dưới dạng tiền mặt và kim cương. Các công tố
viên cho biết, mức án dành cho Hanssen sẽ là tử hình và bị phạt số tiền
lớn gấp đôi số tiền mà ông nhận được từ việc bán bí mật quốc gia cho
Nga. Bản cáo trạng nói rằng Hanssen bắt đầu làm điệp viên từ tháng
10/1985 cho tới khi bị bắt vào 2/2001.
Luật sư bào chữa Plato Cacheris lập luận rằng Hanssen đã không làm gián
điệp liên tục và xin giảm án cho thân chủ của mình bởi Hanssen đã có
thái độ thành khẩn nhận tội. Bên cạnh đó, luật sư Cacheris nói rằng thân
chủ của mình giữ những thông tin mà chính phủ quan tâm, đó chính là
việc Hanssen đã làm như thế nào để có thể lấy được những tài liệu bí mật
ra khỏi FBI. Những bí mật của Hanssen có thể giúp FBI đề phòng những
trường hợp tương tự. Luật sư Plato Cacheris xin giảm án cho Hanssen để
đổi lấy việc Hanssen sẽ cung cấp những thông tin mà FBI quan tâm.
Không giống với các tội phạm khác, tội càng nặng càng phải xử công
khai. Việc đưa Hanssen ra xử một cách công khai sẽ khiến nhiều bí mật
của FBI bị lộ. Chính vì vậy mà thỏa thuận luật sư của Hanssen gợi ý đã
nhanh chóng được chấp thuận. Thỏa thuận này sẽ giúp FIB giữ kín được
những bí mật mà nếu bị lộ ra sẽ khiến cho chính phủ Mỹ phải mất mặt.
Chính nhờ thỏa thuận sẽ khai báo tất cả sự thật này mà Hanssen đã thoát
khỏi tội tử hình mà các công tố viên trước đó đã đưa ra. Thoả thuận này
cũng giúp cho vợ cùng 6 đứa con của Hanssen nhận được trợ cấp hưu trí
của ông.
Hanssen kết cục được nhận mức án chung thân và bị buộc phải bồi thường
2,8 triệu USD. Đến thời điểm này, Hanssen là nhân viên FBI thứ ba bị
buộc tội làm gián điệp.
Quỳnh Trâm (theo TruTV)
Nhận xét
Đăng nhận xét